Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Đại Không

11/10/201815:57(Xem: 3349)
Kinh Đại Không

KINH

ĐẠI KHÔNG
(Mahàsunnata sutta)

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

GIẢI NGHĨA

 

     Để cho dễ hiểu, chúng ta dùng chữ nghiêng là lời Phật nói, chữ thẳng đứng để giải thích cho toàn bài Kinh, chúng ta cùng theo dõi dưới đây:

 

1). NỘI NGOẠI KHÔNG:

1. NHÂN DUYÊN:

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn trú giữa các dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở tu viện Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên). 

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bátđi vào Kapilavatthu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên đường đi khất thực trở vềThế Tôn đi đến trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka để ở ban ngày. Lúc bấy giờ, tại tu viện của Thích-ca Kalakhemaka, có sắp đặt rất nhiều sàng tọa. Thế Tôn thấy rất nhiều sàng tọa tại trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka, thấy vậy Thế Tôn suy nghĩ: "Rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại tu viện của Thích-ca Kalakhemaka. Không biết ở đấy có rất nhiều Tỷ-kheo ở không?" 

Lúc bấy giờ Tôn giả Ananda cùng với rất nhiều vị Tỷ-kheo đang làm y (civarakamma) ở trú xứ của Thích-ca Ghataya.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến trú xứ của Thích-ca Ghataya, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda: 

-- Này Ananda, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt tại trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka. Không biết có nhiều Tỷ-kheo trú ở đấy không?

-- Bạch Thế Tôn, có rất nhiều sàng tọa được sắp đặt ở trú xứ của Thích-ca Kalakhemaka; có rất nhiều Tỷ-kheo trú tại chỗ ấy. Bạch Thế Tôn, nay là thời chúng con làm y.

    Chúng ta thấy mở đầu Kinh nói những sự thành tựu về: sự tin tưởng (Tín), sự nghe thấy (Văn), thời gian (Thời), vị thuyết giảng (Chủ thể) là Đức Phật. Địa điểm nơi thuyết giảng là tại Tu viện dòng họ Thích Ca (Kalakhemaka) thuộc thành Xá Vệ (Nơi thuyết giảng), thấy nhiều chỗ ngồi (sàng tọa) tại Tu viện (Nguyên nhân thuyết giảng), và chỉ có Tôn giả A Nan nghe thuyết pháp (Người nghe); tất cả biểu tượng đầy đủ nhân duyên cho việc nói Kinh.

 

2. LỐI SỐNG CỦA TU SĨ:

     Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:

-- Này Ananda, một Tỷ-kheo không chói sáng nếu thích thú trong hội chúng của mình, nếu hân hoan trong hội chúng của mình, nếu hoan hỷ trong hội chúng của mình, nếu thích thú trong hội chúng của người, nếu hân hoan hoan trong hội chúng của người, nếu hoan hỷ trong hội chúng của người.

Này Ananda, nếu Tỷ-kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan h ỷ trong hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốnchứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạcđộc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; sự kiện như vậy không xảy ra.

Nhưng này Ananda, Tỷ-kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng chứng đắc tùy theo ý muốnchứng đắc không khó khăn, chứng đắc không mệt nhọc, viễn ly lạcđộc cư lạc, an tịnh lạc, chánh giác lạc; sự kiện như vậy có thể xảy ra. 

-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo nào thích thú trong hội chúng của mình, hân hoan trong hội chúng của mình, hoan hỷ trong hội chúng của mình, thích thú trong hội chúng của người, hân hoan trong hội chúng của người, hoan hỷ trong hội chúng của người sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoải mái hay không có hạn kỳ và bất độngsự kiện như vậy không xảy ra.

-- Nhưng này Ananda, Tỷ-kheo nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thời vị ấy có hy vọng sẽ chứng đắc và an trú với tâm giải thoát có hạn kỳ và thoái mái, hay không có hạn kỳ và bất độngsự kiện như vậy có xảy ra. 

 

     Đoạn Kinh trên này, Đức Phật dạy rằng nếu vị  Tăng (Tỷ-kheo) nào thích thúhân hoan trong hội chúng của mình hoặc hội chúng của người, có thể là một vị chứng đắc tùy theo ý muốn, không khó khăn, không mệt nhọc, mà được vui xa lià lo buồn (viễn ly lạc), vui ở một mình (độc cư lạc), vui được yên tĩnh (an tịnh lạc), và vui biết rõ chân lý (chánh giác lạc); sự kiện như vậy không thể xảy ra.

 

     Nhưng vị Tăng nào sống một mình, xa lánh tụ hội, thì vị ấy có hy vọng chứng đắc tùy theo ý muốnchứng đắc không khó khăn, không mệt nhọc, mà được vui xa lià lo buồn, khi ở một mình được yên tĩnh và biết rõ được chân lý; sự kiện như vậy có thể xảy ra.

 

 

3. AN TRÚ NỘI KHÔNG:

 

     Thế tôn nói tiếp:

-- Này Ananda, Ta không quán thấy một sắc pháp nào trong ấy có hoan hỷ, trong ấy có hoan lạc, chịu sự biến dịch, chịu sự đổi khác mà không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não. Nghĩa là Đức Phật đã quán sát thấy rõ ràng là tất cả vật chất (sắc pháp) đưa đến sự hân hoan vui sướng, đều thay đổi vô thường, sinh ra buồn rầu, bi thương, lo khổ.

 

-- Nhưng sự (an) trú này, này Ananda, đã được Như Lai hoàn toàn giác ngộ, tức là sau khi không tác ý với tất cả tướng, chứng đắc và (an) trú nội không. Nghĩa là sự an định tâm thức không dao động (an trú) này đã được Đức Phật biết rõ ràng (giác ngộ hoàn toàn), tức là sau khi không chú tâm (không tác ý) chấp thật với tất cả hình dạng dung mạo (tất cả tướng). Ví như chấp ta (ngã), người (nhân), chúng sinh, thọ giả, sẽ đạt (chứng đắc) và an định tâm thức không dao động (an trú) Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (Nội Không). Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý không chấp cảnh là thật, mà chỉ là do duyên giả có, ảo huyển, là không.

 

Và nếu này Ananda, trong khi Như Lai an trú trong an trú này, nếu có những Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩnữ cư sĩquốc vương, đại thần, ngoại đạongoại đạo đệ tử đến yết kiến, trong khi ấy, này Ananda, Như Lai với tâm hướng đến viễn ly, thiên về viễn ly, nặng nề viễn ly, sống độc cưhoan hỷ trong ly dục, làm cho đoạn tận tất cả các pháp dựa trên các lậu hoặc an trú, nói lên tại chỗ ấy những lời thuần túy liên hệ đến khích lệ. 

     Nghĩa là trong khi Ngài an định tâm thức (an trú) này, nếu có bất cứ một người nào đến yết kiến, thì Ngài với tâm hoàn toàn dứt bỏ (viễn ly) tất cả, sống một mình (độc cư), vui thích trong lià dục (ly dục), làm cho chấm dứt (đoạn tận) tất cả các sự việc (các pháp) tham dục ô nhiễm. Ngài nói lên những lời thuần túy về tâm hướng đến tránh xa tham dục, khuyến khích sống một mình biết đủ, khích lệ vui thích trong việc  dứt bỏ tham dục.

 

Do vậy, này Ananda, nếu Tỷ-kheo ước vọng: "Sau khi chứng đạt nội không, ta sẽ an trú", vị Tỷ-kheo ấy, này Ananda, cần phải an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.

-- Và này Ananda, như thế nào Tỷ-kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm? 

Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và an trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt tầm và tứ, chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm... Tam thiền... chứng và trú Tứ thiền. Như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo an chỉ, an tọa, chuyên nhất và an định nội tâm.

 

     Nghĩa là nếu vị Tăng mong muốn rằng: “Sau khi đạt Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (Nội Không), ta sẽ an định tâm thức không dao động (an trú)”, thì vị ấy cần phải an chỉ, an tọa thiền định, chuyên nhất và an định nội tâm như sau:

1- Lià bỏ ham muốn (ly dục), dứt bỏ các điều ác (ly bất thiện pháp) sẽ đạt an định tâm thức không dao động (an trú) bậc thiền thứ nhất (sơ thiền), một trạng thái vui vẻ (hỷ lạc) do lià bỏ tham dục sinh ra có sự suy tìm (tầm) xét soi (tứ).

2- Diệt bỏ suy tìm và xét soi, không biết (không giác) không thấy (không quán), bên trong yên tĩnh (nội tĩnh nhất tâm) đạt và an định bậc thiền thứ hai (nhị thiền), một trạng thái không suy tìm (vô tầm) không xét soi (vô tứ), được định sinh ra vui sướng (hỷ lạc).   

3- Xả bỏ niệm vui do định sinh, thân cảm giác an vui, an định một tâm tịch tĩnh (nội tĩnh nhất tâm) đạt thiền thứ ba (tam thiền).

4- Diệt tất cả các khổ vui nhỏ nhiệm, diệt luôn cái vui của thân thiền định, an định một tâm tịch tĩnh (nội tĩnh nhất tâm), đạt thiền thứ tư (tứ thiền).

 

Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội khôngtâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội khôngSự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội khôngtâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là vị ấy chú tâm (tác ý) Sáu Căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không); tức là Sáu Căn không dính mắc chấp thật bởi bất cứ một trần cảnh nào trong tâm. Trong khi vị ấy chú tâm đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp, thì tâm không thích thú, không tin tưởng (không tịnh tín), không an định tâm thức (không an trú), không hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (không hướng đến nội không). Ở đây nói lên ý nghĩa rằng sự hành trì thiền quán chưa được thuần nhiễn, nên tâm không được thích thú tin tưởng an đinh, vị ấy cần phải hành trì kiên cố tinh tấn lâu dài.

 

4. AN TRÚ NỘI

NGOẠI KHÔNG:

 

Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động thời tâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". 

 

     Nghĩa là vị ấy chú tâm đến Sáu Trần (sắc, thanh, hương, vi, xúc, pháp) không là cái ta, không là cái của ta, không là các pháp (ngoại không), chúng chỉ là giả có, không thật, biến đổi vô thường, là không. Vị ấy chú tâm đến Sáu Căn và Sáu Trần không là cái ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là cái của ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là các pháp (nội ngoại không). Vị ấy chú tâm đến an tịnh (không động), trong khi vị ấy chú tâm đến an tịnh, thì vị ấy không thích thú, không tin tưởng, không an định tâm thức, không hướng đến an tịnh. Ở đây cũng nói lên ý nghĩa rằng sự hành trì thiền quán về nội ngoại không chưa được thuần nhiễn nên tâm không được thích thú tin tưởng an đinh, vị ấy cần phải hành trì kiên cố tinh tấn lâu dài.

 

-- Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất độngtâm không thích thú, không tịnh tín, không an trú, không hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là vị ấy biết như sau: “Trong khi ta chú tâm an tịnh (tác ý bất động), thì tâm không vui thích, không tin tưởng, không an định tâm thức không dao động, không hướng đến an tịnh”; vị ấy nhận biết (ý thức) rõ như vậy. Ở đây ý Đức Phật nhấn mạnh người tu phải tinh tấn hành trì lâu bền để an định tâm không dao động cho tới khi thuần nhiễn đạt được tâm thích thú thanh tịnh hoàn toàn.

 

-- Này Ananda, Tỷ-kheo ấy cần phải an trú, an tọa, chuyên nhất, và an định nội tâm trên định tướng (samadhinimitte) đã đề cập về trước ấy. Vị ấy tác ý nội không. Trong khi vị ấy tác ý nội không, tâm thích thútịnh tínan trú, hướng đến nội khôngSự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý nội không, tâm thích thútịnh tínan trú, hướng đến nội không". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là vị Tăng ấy cần phải an định tâm thức bằng cách chuyên ngồi thiền quán để an định trong tâm của Sáu Căn về tất cả pháp (an định nội tâm trên định tướng) đã nói đến ở trên. Vị ấy chú tâm Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp; trong khi chú tâm vị ấy thấy biết rõ là như thế, vị ấy vui thích an định không dao động hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không).

 

     Sự kiện là như vậy, vị ấy biết rõ như sau: "Trong khi ta chú tâm Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp, được thuần nhiễn, tâm ta thích thútin hoàn toànan định không dao động, luôn luôn hướng đến Sáu Căn không có cái ta, không có cái của ta, không có các pháp (nội không)". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đến đây là đạt được nội không

 

Vị ấy tác ý ngoại không. Vị ấy tác ý nội ngoại không. Vị ấy tác ý bất động. Trong khi vị ấy tác ý bất động, tâm thích thútịnh tínan trú hướng đến bất động. Sự kiện là như vậy, này Ananda, vị Tỷ-kheo biết như sau: "Trong khi ta tác ý bất động, tâm thích thú, tịnh tínan trú, hướng đến bất động". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là vị ấy chú tâm đến Sáu Trần không là cái ta, không là cái của ta, không là các pháp (ngoại không). Vị ấy chú tâm đến Sáu Căn và Sáu Trần không là cái ta, Sáu Căn và Sáu Trần không là cái của ta, Sáu Căn và sáu trần không là các pháp (nội ngoại không). Vị ấy chú tâm an tịnh (không động). Trong khi vị ấy chú tâm an tịnh, tâm thích thútin hoàn toànan định tâm thức không dao động hướng đến an tịnh.

 

     Sự kiện là như vậy, vị ấy biết như sau: "Trong khi ta chú tâm an tịnh được thuần nhiễn, tâm thích thú, tin tưởngan định tâm thức không dao động, hướng đến an tịnh". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đến đây là đạt được nội ngoại không.

 

5. AN TRÚ TRONG

    CÁC OAI NGHI:

 

1- AN TRÚ KHI ĐI:

 

-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo ấy đang an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đi kinh hành, vị ấy đi kinh hành (cankamati), và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thời tham và lo ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào. Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong  an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến ĐI KINH HÀNH, vị ấy đi kinh hành, và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác (bất thiện pháp) không có nghĩ đến (chảy vào)" Như không nghĩ đến ăn uống ngủ nghỉ, không nghĩ đến các việc phạm giới chẳng hạn. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Đây là quán niệm, tư duy trong khi đi, người tu phải luôn luôn thực hành trong khi đi như vậy để ngăn chặn khởi tham dục và sự việc bất thiện, mới là đúng ý Phật. Nếu trong khi đi, có bất kỳ một ý nghĩ tham dục, lo buồn hay ý nghĩ ác nào khởi sinh, thì vị ấy phải quán sát nó là giả có, ảo huyển, là không, nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, để xả bỏ đoạn diệt nó.

 

2- AN TRÚ LÚC ĐỨNG:

 

-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo đang an trú trong an trú này, tâm vị ấy hướng đến đứng lại, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đứng lại thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến ĐỨNG LẠI, vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang đi kinh hành, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Nếu khi đứng lại vị ấy nghĩ nhớ ra trong khi đi, đã có bất kỳ một ý nghĩ tham dục, lo buồn hay ý nghĩ ác nào, thì vị ấy phải quán sát nó là giả có, ảo huyển, là không, nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, để xả bỏ đoạn diệt nó.

 

3-  AN TRÚ LÚC NGỒI:

 

-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến ngồi, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi, tham và ưu, các ác bất thiện pháp không có chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NGỒI, vị ấy ngồi và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang ngồi thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Bất cứ khi nào ngồi một mình hay có mặt người khác, người tu phải luôn luôn kiểm soát, không để tham dục, lo buồn và ý nghĩ ác sinh khởi.

 

4- AN TRÚ LÚC NẰM:

 

-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nằm, vị ấy nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, thời tham và ưu, các ác bất thiện pháp không chảy vào". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NẰM, vị ấy nằm và nghĩ rằng: "Trong khi ta đang nằm, thì tham dục, lo buồn, và các sự việc ác không có nghĩ đến”. Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. Ngay cả khi nằm để nghỉ hay để ngủ cũng phải giữ chính niệm như khi đi đứng ngồi không khác.

 

5- AN TRÚ LÚC NÓI:

 

-- Này Ananda, nếu trong khi Tỷ-kheo ấy an trú trong sự an trú này, tâm vị ấy hướng đến nói, vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyên hạ liệt, đê tiện, thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm lyly dục, đoạn tiệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ. Niết-bàn, như quốc vương luận, đạo tặc luận, đại thần luận, quân luận, bố úy luận, chiến tranh luậnthực vật luận, ẩm liệu luận, y phục luận, ngọa cụ luận, hoan man luận, hương liệu luận, thân thích luận, xa thừa luận, thôn luận, thị trấn luận, đô thị luận, quốc độ luận, nữ luận, anh hùng luận, hạng trung luậnthủy bình xứ luận, tiên linh luận, sai biệt luận, thế giới luận, hải thuyết luận, hữu vô hữu luận". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến NÓI, vị ấy suy nghĩ như sau: "Ta sẽ không nói những câu chuyên hạ liệt, đê tiện, thuộc phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích giải thoát, không đưa đến dứt bỏ năm dục (yếm ly), xa lià khát vọng thèm muốn (ly dục), đoạn tiệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như các lun thuyết của thế gian.” Như không bàn luận về phe đảng, không bàn luận về chính trị, v.v… Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy.

 

Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến nhứt hướng yếm lyly thamđoạn diệtan tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luậngiải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói các luận như vậy". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là đối với những lời nói nào khắc khổ, khai tâm, đưa đến chỗ dứt bỏ năm dục (nhứt hướng yếm ly)lià thamđoạn diệt ácan tịnh tâm, trí tuệ, giác ngộ, Niết-bàn, như ít dục luận, biết đủ (tri túc) luận, độc cư luận, không bè phái hội luận, tinh cần luận, giới luật luận, thiền định luận, trí tuệ luận, giải thoát luậngiải thoát tri kiến luận, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nói các luận như vậy". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. 

 

6- AN TRÚ KHI SUY TẦM:

 

-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo ấy trong khi an trú với sự an trú này, tâm hướng đến suy tầm (vitakka), vị ấy suy nghĩ: "Đối với những suy tầm hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích, không đưa đến yếm lyly tham, đoạn diệtan tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như là dục tầm, sân tầm, hại tầm, ta sẽ không suy nghĩ các loại suy tầm ấy". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy

 

     Nghĩa là nếu vị ấy đang an định tâm thức trong an định nội ngoại không này, tâm vị ấy hướng đến TÌM HIỂU (suy tầm), vị ấy suy nghĩ: "Đối với những tìm hiểu hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không thuộc bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích giải thoát, không đưa đến dứt bỏ năm dục (yếm ly), xa lià khát vọng thèm muốn (ly tham), đoạn diệtan tịnh, trí tuệ, giác ngộ, Niết-bàn. Ví dụ như tìm hiểu về sắc đẹp, hoặc tìm hiểu về ca hát (dục tầm), hoặc tìm hiểu lời nói châm chọc nói ác (giận tầm), hoặc tìm hiểu cách lập công (hại tầm); ta sẽ không nghĩ đến các loại suy tìm ấy". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. 

 

-- Nhưng này Ananda, đối với những suy tầm này, thuộc bậc Thánh, có khả năng cầu tiến, hướng dẫn đến sự đoạn trừ hoàn toàn đau khổ, như là ly dục tầm, vô sân tầm, bất hại tầm, vị ấy nghĩ: "Ta sẽ suy tư các loại suy tầm này". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

     Nghĩa là đối với những suy tìm thuộc bậc Thánh, có khả năng cầu tiến, hướng dẫn người suy nghĩ các suy tìm ấy đến sự đoạn trừ đau khổ; như là tìm cách dứt bỏ tham dục (ly dục tầm), làm sao không giận hờn (vô sân tầm), làm sao chng lo buồn (bất não tầm), vị ấy nghĩ: "Ta sẽ nghĩ đến các loại suy tìm này". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy.

 

 

6. NĂM DỤC

TRƯỞNG DƯỠNG:

 

1- ĐỐI VỚI SÁU THỨC:

 

-- Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ýliên hệ đến dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức; các hương do mũi nhận thức; các vị do lưỡi nhận thức; các xúc do thân nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ýliên h đến dục, hấp dẫn. Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. 

 

     Nghĩa là có NĂM DỤC nuôi lớn lên (trưởng dưỡng) này, đó là: 

- Các sắc do mắt thấy biết (nhận thức), dễ thương (khả ái), đáng vui mừng (khả hỷ), được sung sướng (khả lạc), hợp ý (khả ý)liên hệ đến dục, rất hấp dẫn, đáng yêu.

- Các tiếng do tai nghe biết; các hương do mũi ngửi biết; các vị do lưỡi nếm biết; các xúc do thân tiếp xúc biết, dễ thương, đáng vui mừng, được sung sướng, hợp ý, liên h đến dục, rất hấp dẫn, đáng thưởng thức.

     Đó là năm dục nuôi lớn lên. 

 

Từ đây Tỷ-kheo cần phải thường thường quán sát tự tâm như sau: "Trong tâm ta, có khởi lên tâm hành gì với xứ (ayatana) này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng". Này Ananda, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri rằng: "Trong tâm ta, có khởi lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng...". Sự kiện là như vậy, Tỷ-kheo tuệ tri như sau: "Dục ái (chandaraga) này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta, chưa đoạn diệt được". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là từ đây vị ấy cần phải thường xuyên quán sát tâm mình như sau: "Trong tâm ta, có khởi lên tác ý (tâm hành) gì với tham dục (xứ) này hay tham dục (xứ) khác của năm dục nuôi lớn lên (năm dục trưởng dưỡng)". Nếu vị ấy trong khi quán sát như vậy, biết rõ (tuệ tri) rằng: "Trong tâm ta, có khởi lên tác ý với tham dục này hay tham dục khác của năm dục nuôi lớn lên, như mắt thấy hình ảnh đẹp đã vui thích, hoặc tai nghe nói đùa cợt đã vui cười, hoặc mũi ngửi mùi thơm đã khoan khoái, hoặc miệng ăn thấy món ăn hợp ý đã ăn nhiều hơn, hoặc thân bị trầy sướt chảy máu đã than đau, hoặc ý đã nghĩ nhớ một trong những sự việc kể trên, v.v…". Sự kiện là như vậy, vị ấy biết rõ như sau: "Dục ái mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân xúc chạm, ý nghĩ nhớ này đối với năm dục nuôi lớn lên đối với ta, chưa đoạn diệt được". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy.

 

-- Này Ananda, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát như vậy, tuệ tri rằng: "Trong tâm ta, không có khởi lên tâm hành với xứ này hay xứ khác của năm dục trưởng dưỡng..." Sự kiện là như vậy, Tỷ-kheo tuệ tri như sau: "Dục tham này đối với năm dục trưởng dưỡng đối với ta, đã được đoạn diệt". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

     Nghĩa là nếu vị ấy trong khi quán sát như vậy, biết rõ rằng: "Trong tâm ta, không có khởi lên tác ý (tâm hành) với tham dục (xứ) này hay tham dục (xứ) khác của năm dục nuôi lớn lên (trưởng dưỡng), như mắt thấy hình ảnh đẹp đã không vui thích, hoặc tai nghe nói đùa cợt đã không vui cười, hoặc mũi ngửi mùi thơm đã không vui khoái cảm, hoặc miệng ăn thấy món ăn hợp ý đã không ăn nhiều hơn, hoặc thân bị trầy sướt chảy máu đã không than đau, hoặc ý đã không nghĩ nhớ một trong những sự việc kể trên, v.v…" Sự kiện là như vậy, vị ấy biết rõ như sau: "Dục ái mắt thấy hoặc tai nghe hoặc mũi ngửi hoặc lưỡi nếm hoặc thân xúc chạm hoặc ý nghĩ nhớ đối với năm dục nuôi lớn lên đối với ta, đã được đoạn diệt”. Vị ấy ý thức rõ ràng như vậy.

 

2- ĐỐI VỚI 5 THỦ UẨN:

 

-- Này Ananda, có năm thủ uẩn. Ở đây, Tỷ-kheo cần phải đoạn tận chúng, khi vị ấy tùy quán sự sanh diệt. Đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự đoạn diệt của sắc. Đây là thọ, đây là sự tập khởi của thọ, đây là sự đoạn diệt của thọ. Đây là tưởng... Đây là hành... Đây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự đoạn diệt của thức. 

     Nghĩa là có năm sự cầm giữ (thủ) sâu kín (uẩn), đó là sắc, thụ, tưởng, hành, thức; vị Tăng cần phải đoạn tận chúng, khi vị ấy quán sát sự sinh diệt của những thứ này như sau:

1- Đây là hình dạng dung mạo (sắc), do nghiệp thức cộng với vô minh, ái dục cha mẹ mà có, lại do năm dục nuôi lớn (sự tập khởi) hình dạng dung mạo; nhưng nó là giả có, không thật, biến đổi vô thường, nên sẽ chấm dứt (sự đoạn diệt) hình dạng dung mạo.

2- Đây là cảm xúc (thụ), do tiếp xúc sinh khởi cảm xúc, không tiếp xúc thì không có cảm xúc; như mắt không thấy hình ảnh, tai không nghe tiếng, mũi không ngửi mùi…, thì không biết đẹp xấu, hay dở, thơm hôi, nên chúng sẽ đoạn diệt.

3- Đây là nghĩ nhớ (tưởng), do dính mắc hình dạng, dính mắc cảm xúc sinh khởi nghĩ nhớ, khi dứt dính mắc hình dạng cảm xúc thì hết nghĩ nhớ. Như thích viên kim cương đẹp, hoặc ưa một món ăn ngon, nên thường nghĩ nhớ tới những thứ yêu thích ấy; khi không còn dính mắc thì dứt nghĩ nhớ.

4- Đây là tác ý làm (hành), do ý muốn sinh khởi tác ý làm, khi dứt bỏ ý muốn thì không còn tác ý làm gì cả; ví như khi không có ý muốn đi du lịch, thì không phải mua vé máy bay…

5- Đây là nhận biết (thức), do căn tiếp xúc trần sinh khởi nhận biết, khi căn không tiếp xúc trần thì dứt sự nhận biết; ví như mắt không tiếp xúc hình dạng thì không có cái thấy biết đẹp xấu của nhãn thức… 

 

Trong khi vị ấy an trú, tùy quán sự sanh diệt của năm thủ uẩn này, nếu có ngã mạn nào (asmimmano) (khởi lên) đối với năm thủ uẩnngã mạn ấy được đoạn tận. Sự kiện là như vậy, này Ananda, Tỷ-kheo tuệ tri như sau: "Phàm có ngã mạn nào đối với năm thủ uẩn (khởi lên) nơi ta, ta đã đoạn tận ngã mạn ấy". Ở đây, vị ấy ý thức rõ ràng như vậy. 

 

     Nghĩa là trong khi vị ấy an định tâm thức không dao động (an trú), theo quán sát sự sinh diệt của năm sự cầm giữ sâu kín (năm thủ uẩn) này; nếu có sự chấp cái ta (ngã mạn) nào khởi lên đối với năm sự cầm giữ sâu kín, ví dụ như có người khen ta giỏi ta đẹp chẳng hạn. Nếu ta đồng ý chấp nhận lời khen, tức là “ngã mạn”, thì sự việc ấy liền cần được diệt trừ (đoạn tận), vì cái đẹp cái giỏi chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chúng chỉ là duyên giả có, không thật, ảo huyển, là không. Sự kiện là như vậy, vị ấy biết rõ (tuệ tri) như sau: "Phàm có sự chấp cái ta nào đối với năm cầm giữ sâu kín khởi lên nơi ta, ta đã diệt trừ sạch sẽ (đoạn tận) sự chấp ấy". Vị ấy nhận biết rõ ràng như vậy. 

 

2). PHÁP HIỀN THÁNH:

 

Phật bảo Tôn giả A Nan Đà:

Những pháp này, này Ananda, thuần nhất liên hệ đến thiện, đều thuộc hiền, Thánh, siêu thế, vượt ngoài tầm của ác ma.

 

1. ĐỆ TỬ VÀ ĐẠO SƯ:

 

-- Này Ananda, Ông nghĩ thế nào? Vì thấy lý do gì, một Thanh văn Đệ tử tự nghĩ là xứng đáng (hợp lý) để đi theo một Đạo sư dầu cho bị hất hủi? 

-- Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp dựa Thế Tôn làm căn bản, hướng Thế Tôn làm lãnh đạo, nương tựa Thế Tôn làm y cứ. Bạch Thế Tôntốt lành thay nếu Thế Tôn thuyết giảng cho ý nghĩa này. Sau khi được nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ hành trì.

 

-- Này Ananda, thật không xứng đáng cho một đệ tử bám sát theo vị đạo sư, nếu vì lý do được nghe giải thích khế kinh (lời dạy của Phật) và phúng tụng (đọc tụng lời Kinh và tán vịnh các câu kệ). Vì cớ sao? Trong một thời gian lâu dài, các pháp đã được các ông nghe, thọ trì, đọc lớn tiếng, suy tư với ý, khéo thấu hiểu với chánh trí (hiểu rõ sự lý). Nhưng này Ananda, đối với những lời nói nào, khắc khổ, khai tâm đưa đến nhất hướng viễn lyly thamđoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như là thiểu dục luận, tri túc luận, độc cư luận, bất chúng hội luận, tinh cần luận, giới luận, định luận, tuệ luận, giải thoát luậngiải thoát tri kiến luận. Này Ananda, do nhân duyên những loại thuyết luận như vậy, thật xứng đáng cho một Thanh văn đệ tử bám sát vị Đạo sư dầu cho bị hất hủi

 

-- Sự kiện là như vậy, này Ananda, thời có sự phiền lụy (upaddava) cho vị Đạo sư; sự kiện là như vậy, thời có sự phiền lụy do đệ tửsự kiện là như vậy, thời có sự phiền lụy cho các vị tu Phạm hạnh (tu dứt trừ tham dục để đạt thanh tịnh).

 

1- SỰ PHIỀN LỤY CHO ĐẠO SƯ:

-- Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy cho vị Đạo sư?

Ở đây, này Ananda, có Đạo sư lựa một trú x (senasanam) xa vắng trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Được các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của Đạo sư. Vì sự phiền lụy của Đạo sư, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanhđáng sợ hãi, đưa đến khổ quả dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của Đạo sư.

     Đoạn này đức Phật giảng về một vị Thầy (Đạo Sư) đang sống nơi yên tịnh, nếu có nhiều loại người phàm phu trần tục đến cung kính lễ lạy, chăm sóc phục dịch, mà vị Thầy ấy khởi tâm nhiễm tham ái, rơi vào dục vọng, trở lại đời sống sung túc, thì vị Thầy ấy bị các việc tạp nhạp lôi thôi đưa đến qủa sẽ sinh già chết. Đây là sự buồn rầu (phiền lụy) của vị Thầy.

 

2- SỰ PHIỀN LỤY CỦA ĐỆ TỬ:

-- Này Ananda, thế nào là sự phiền lụy của đệ tử?

Này Ananda, đệ tử của một Đạo sư, bắt chước đời sống viễn ly của Đạo sư mình, lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân với quốc dân bao vây xung quanh. Được các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây cung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham ái, trở lui lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của đệ tử. Vì sự phiền lụy của đệ tử, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanhđáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai; các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của đệ tử.

 

     Nghĩa là, một tu sĩ học trò (đệ tử), cũng làm giống như vị Thầy (Đạo sư) của mình, chọn một chỗ vắng vẻ yên tĩnh để tu hành. Trong khi sống xa cách mọi người như vậy, nếu có nhiều loại người phàm phu trần tục đến cung kính lễ lạy, chăm sóc phục dịch, mà tu sĩ học trò ấy khởi tâm nhiễm tham ái, rơi vào dục vọng, trở lại đời sống sung túc, thì tu sĩ học trò ấy bị các việc tạp nhạp lôi thôi đưa đến qủa sẽ sinh già chết. Đây là sự buồn rầu của tu sĩ học trò.

 

3- SỰ PHIỀN LỤY CỦA

    VỊ TU PHẠM HẠNH:

-- Và này Ananda, như thế nào là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh?

Ở đây, này Ananda, Như Lai xuất hiện ở đời, là bậc A-la-hán, Chánh Biến TriMinh Hạnh TúcThiện ThệThế Gian GiảiVô Thượng SĩĐiều Ngự Trượng PhuThiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời hay trên một đống rơm. Trong khi Ngài sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Được các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, Ngài không khởi lên nhiễm tâm, không rơi vào dục vọng, không khởi lên tham ái, không trở lui lại đời sống sung túc.

Nhưng này Ananda, vị đệ tử của bậc Đạo sư chủ tâm theo (hạnh) viễn ly của bậc Đạo sư, bắt chước (theo hạnh ấy) lựa một trú xứ xa vắng, trong rừng, dưới gốc cây, trên sườn núi, chỗ hoang vu, trong hang núi, tại bãi tha ma, tại khu rừng, ngoài trời, trên một đống rơm. Trong khi vị ấy sống viễn ly như vậy, các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh. Được các Bà-la-môn, gia chủ, cả thị dân và quốc dân bao vây xung quanh, vị ấy khởi lên nhiễm tâm, rơi vào dục vọng, khởi lên tham áitrở lại đời sống sung túc. Như vậy, này Ananda, được gọi là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Vì sự phiền lụy của Phạm hạnh, các ác bất thiện pháp, tạp nhiễm, dẫn đến tái sanh đáng sợ hãi, đưa đến khổ quả, dẫn đến sanh, già, chết trong tương lai, các pháp ấy tấn công vị ấy. Như vậy, này Ananda, là sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh. Nhưng này Ananda, sự phiền lụy của các vị tu Phạm hạnh là nhiều quả khổ hơn, nhiều quả não hơn đối với phiền lụy của Đạo sư này và phiền lụy của đệ tử này, hơn nữa nó dẫn đến đọa lạc

 

     Nghĩa là, Phật là bậc Chính Đẳng Chính Giác, giác ngộ hoàn toàn (Như Lai) xuất hiện ở đời, là bậc đã dứt trừ Kiến Hoặc và Tư Hoặc (A-la-hán), biết rõ lý thế gian và lý chân thật (Chánh Biến Tri), thanh tịnh và có Tam Minh (Minh Hạnh Túc)ra ngoài Tam giới (Thiện Thệ)biết hết thế gian vũ trụ (Thế Gian Giải), đấng tối cao (Vô Thượng Sĩ)biết điều phục chúng sinh (Điều Ngự Trượng Phu)Thầy của Trời và Người (Thiên Nhân Sư), được Trời và Người tôn kính (Thế Tôn).

     Ngài chọn một chỗ vắng vẻ yên tĩnh, trong khi Ngài đang sống nơi yên tịnh như vậy, nếu có nhiều loại người phàm phu trần tục đến cung kính lễ lạy, chăm sóc phục dịch, nhưng Ngài không khởi tâm nhiễm tham ái, không rơi vào dục vọng, không trở lại đời sống sung túc.

     Nhưng một vị tu sĩ học trò (đệ tử), của bậc Thầy (Đạo sư) chủ tâm theo hạnh độc cư xa cách (viễn ly) của bậc Thầy, cũng làm giống như vị Thầy của mình, chọn một chỗ vắng vẻ yên tĩnh để tu hành. Trong khi sống xa cách mọi người như vậy, nếu có nhiều loại người phàm phu trần tục đến cung kính lễ lạy, chăm sóc phục dịch, mà tu sĩ học trò ấy khởi tâm nhiễm tham ái, rơi vào dục vọng, trở lại đời sống sung túc, thì tu sĩ học trò ấy bị các việc tạp nhạp lôi thôi đưa đến qủa sẽ sinh già chết. Đây là sự buồn rầu của các vị tu dứt trừ tham dục để đạt thanh tịnh (Phạm hạnh).

     Nhưng sự buồn rầu (phiền lụy) của các vị tu dứt trừ tham dục để đạt thanh tịnh là nhiều quả khổ buồn rầu hơn vì nó dẫn đến đọa lạc

 

2. ĐỐI XỬ VỚI ĐẠO SƯ:

 

-- Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta, với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch, và như vậy các ông sẽ được hạnh phúc an lạc lâu dài.

 

1- ĐỐI XỬ VỚI TÂM THÙ NGHỊCH:

Như thế nào là các đệ tử đối xử vị Đạo sư với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu?

-- Ở đây, này Ananda, vị Đạo sư ấy với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, mong cầu hạnh phúc cho họ, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Đây là hạnh phúc cho các ông, đây là an lạc cho các ông". Nhưng các đệ tử của vị ấy không chịu nghe theo, không chịu lóng tai, chú tâm vào hướng khác (annan), ngược lại, họ đi xa lời giảng dạy của vị Đạo sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư, với tâm thù nghịch, không với tâm thân hữu.

     Nghĩa là vị Thầy có lòng từ bi, vì mong các học trò sẽ có được lợi lạc hạnh phúc, nên vị Thầy nói cho họ nghe những điều hay lý phải. Nhưng các học trò không chịu lắng nghe, lại chú tâm chỗ khác, sau đó làm những điều trái ngược lại lời giảng; như vậy là học trò đối xử thù nghịch với bậc Thầy.

 

2- ĐỐI XỬ VỚI TÂM THÂN HỮU:

Như thế nào, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư, với tâm thân hữu, không với tâm thù nghịch?

-- Ở đây, này Ananda, vị Đạo sư với lòng từ mẫn thuyết pháp cho các đệ tử, tìm cầu hạnh phúc cho họ, vì lòng từ mẫn nói rằng: "Đây là hạnh phúc cho các ông, đây là an lạc cho các ông". Các đệ tử của vị ấy chịu nghe theo, chịu lóng tai, không chú tâm vào hướng khác, và không ngược lại đi xa lời dạy của bậc Đạo sư. Như vậy, này Ananda, là các đệ tử đối xử với bậc Đạo sư, với tâm thân hữu, không phải với tâm thù nghịch. Do vậy, này Ananda, hãy đối xử với Ta, với tâm thân hữu, chớ với tâm thù nghịch và như vậy sẽ là hạnh phúc, là an lạc lâu dài cho các ông. 

     Nghĩa là Đức Phật có tâm đại từ bi, Ngài mong mỏi các học trò (đệ tử) sẽ có hạnh phúc, nên Ngài giảng giáo lý cho họ nghe, khi nghe, họ chú tâm triệt để và ghi nhớ kỹ càng. Sau đó hành trì đúng như những lời giảng, không có một hành động nào đi ngược lại, thì đây là thân thiện với Ngài; sẽ là hạnh phúc an lạc lâu dài.

 

Ta không sách tấn các ông như người thợ gốm đối với các đồ gốm chưa nung, chưa được nung chín. Ta sẽ nói hết lời chỉ trích này đến lời chỉ trích khác, hết lời tán thán này đến lời tán thán khác. Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại.

 

     Nghĩa là Đức Phật không khuyến khích chư Tăng như người thợ gốm đối với các đồ gốm mới nặn chưa nung, vì đồ gốm cần phải dùng lửa đốt mới thành đồ gốm tốt. Cũng vậy vì muốn cho các đệ tử trở thành thánh thiện, nên Ngài chỉ trích rồi, lại chỉ trích nữa những sự việc đưa đến sai lệch và hết lời ca ngợi những sự việc dẫn tới chân thiện.

 

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

GIẢI NGHĨA

KINH ĐẠI KHÔNG

HẾT

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]