Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

24/03/201621:31(Xem: 4163)
Bài 25: Kinh Địa Tạng giải nghĩa

KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

PHẨM THỨ MƯỜI MỘT:

ĐỊA THẦN (1) HỘ PHÁP (2)

 

Lúc đó vị Địa Thần Kiên Lao (3) bạch cùng Đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Từ trước đến nay, con từng chiêm ngưỡng đảnh lễ vô lượng vị đại Bồ Tát, đều là những bực trí huệ thần thông lớn không thể nghĩ bàn độ khắp mọi loài chúng sanh.

Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây so với các vị Bồ Tát chỗ thệ nguyện rất là sâu rộng.

Bạch đức Thế-Tôn! Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây có nhân duyên lớn với chúng sanh trong Diêm Phù Đề (4).

Như Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền, Ngài Quan Âm, Ngài Di Lặc cũng hóa hiện trăm nghìn thân hình để độ chúng sanh trong sáu đường, nhưng chỗ phát nguyện của các Ngài còn có lúc hoàn mãn.

Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong sáu đường trải đến kiếp số như số cát trong trăm nghìn ức sông Hằng.

Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh ở hiện tại nay và về vị lai sau, nơi chỗ sạch sẽ ở phương nam trong cuộc đất của mình ở, dùng đất đá tre gỗ mà dựng cất cái khám cái thất.

Trong đó có thể họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc,đồng, sắt đúc nắn hình tượng Bồ Tát Địa-Tạng, đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thời chỗ người đó ở được mười điều lợi ích.

Những gì là mười điều?

Một là đất cát tốt mầu,

Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi,

Ba là người đã chết được sanh lên cõi trời,

Bốn là những người hiện còn hưởng sự lợi ích,

Năm là cầu chi cũng toại ý cả,

Sáu là không có tai họa về nước và lửa,

Bẩy là trừ sạch việc hư hao,

Tám là dứt hẳn ác mộng,

Chín là khi ra lúc vào có thần theo hộ vệ,

Mười là thường gặp bực Thánh Nhân.

Bạch đức Thế-Tôn! Chúng sanh trong đời sau cùng hiện tại nay, nếu ở nơi phần đất của mình cư trụ mà có thể làm ra sự cúng dường Ngài Địa-Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy.

Vị Địa Thần Kiên Lao lại bạch với đức Phật rằng:

“Bạch đức Thế-Tôn! Trong đời sau này, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong chỗ của mình cư trụ mà có kinh điển này cùng hình tượng của đức Bồ Tát Địa-Tạng, người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát.

Thời con dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, v.v... thảy đều tiêu sạch.

Đức Phật bảo Kiên Lao Địa Thần rằng: “Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng.

Vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù Đề đều nhờ ông hộ trợ, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả những thứ từ đất mà có ra đều nhờ nơi sức thần của ông cả.

Nay ông lại tuyên bày những sự lợi ích của Ngài Địa-Tạng Bồ Tát, thời công đức và thần thông của ông lại càng thêm trăm nghìn lần trội hơn lúc thường.

Này Địa Thần! Trong đời sau, như có kẻ thiện nam người thiện nữ nào cúng dường Bồ Tát Địa-Tạng cùng đọc tụng kinh điển này, chỉ có thể tu hành theo một việc mà trong kinh “Bồ Tát Địa Tạng Bổn Nguyện” đã dạy.

Thời ông nên dùng thần lực của ông mà ủng hộ người đó, chớ để tất cả sự tai hại cùng sự không vừa ý đến nghe nơi tai, huống nữa là để cho phải chịu.

Chẳng phải chỉ riêng mình ông hộ trì người đó, cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của chư Thiên ủng hộ người đó.

Tại sao lại đặng các vị Hiền Thánh ủng hộ như thế?

Đều do vì những người ấy chiêm lễ hình tượng của Bồ Tát Địa-Tạng và đọc tụng kinh “Bổn Nguyện” này, tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ chứng đạo Niết Bàn an vui, vì thế nên đặng ủng hộ một cách lớn lao như thế.

GIẢI NGHĨA

(1) Địa Thần: Địa Thần là vị thần cai quản mặt đất

(2) Hộ Pháp: Là bảo vệ Giáo Pháp của Phật

(3) Kiên Lao Địa Thần:Kiên là kiên cố vững bền, Lao là khó nhọc dài lâu, Địa Thần lànghĩa biểu trưng là Tâm Địa của mỗi người; Kiên Lao Địa Thần ám chỉ Tâm kiên cố vững bền tinh tấn.

(4) Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây có nhân duyên lớn với chúng sanh trong Diêm Phù Đề: Nghĩa là chúng sinh trong thế giới này đều là nhân duyên từ Tâm tánh.

 

    Ngài Kiên Lao Địa Thần nói đại ý: “Như Ngài Văn Thù, Ngài Phổ Hiền, Ngài Quan Âm, Ngài Di Lặc cũng hóa hiện trăm nghìn thân hình để độ chúng sanh trong sáu đường, nhưng chỗ phát nguyện của các Ngài còn có lúc hoàn mãn. Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đây phát thệ nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong sáu đường trải đến kiếp số như số cát trong trăm nghìn ức sông Hằng.” Ở đây Ngài Văn Thù biểu trưng cho Trí Tuệ, Ngài Phổ Hiền biểu trưng cho Hạnh Nguyện, Ngài Quan Âm biểu trưng cho Tâm Bi, Ngài Di Lặc là biểu trưng cho Tâm Từ, còn Ngài Địa Tạng biểu trưng cho Tâm Địa. Nghĩa là muốn có Hạnh Nguyện, muốn có Tâm Từ Tâm Bi, muốn có Trí Tuệ, thì phải có cái Tâm Thệ Nguyện vững chắc, tức quyết tâm thề, quyết tâm nguyền với lòng mình, đây là động lực tự  thúc đẩy không cho lười biếng thoái lui, mà chỉ một lòng tiến tới. Do đó, hàm ý ở đây là tất cả chúng sinh hiện tại và mãi mãi mai sau đều phải có Tâm Thệ Nguyện vững chắc không gì phá được thì sự tu hành mới có thể tiến tới giải thoát.

     Ngài Địa Thần nói tiếp:“Bạch đức Thế-Tôn! Con xem xét chúng sanh ở hiện tại nay và về vị lai sau, nơi chỗ sạch sẽ ở phương nam trong cuộc đất của mình ở, dùng đất đá tre gỗ mà dựng cất cái khám cái thất.” Nghĩa là những con người trong thế gian (chúng sinh ở hiện tại nay và về vị lai sau) này dùng thân tâm (trong cuộc đất của mình ở) bỏ ác làm lành (nơichỗ sạch), kiến lập làm thân tu hành (dùng đất đá tre gỗ mà dựng cái khám cái thất).“Trong đó có thể họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Bồ Tát Địa-Tạng”: Vẽ họađây là Tâm chúng ta như người thợ vẽ, thợ đúc, thợ nặn, tạo hoàn cảnh chánh báo (tạo thân tâm) và y báo (cảnh vật) của mỗi chúng sanh, tạo nên tất cả sự vật trên thế gian, tạo cả sáu đường luân hồi sinh tử v.v…. Khi đã “Họa vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Bồ Tát Địa-Tạng”, họa vẽ nghĩa là khi dùng đủ mọi phương tiện để tu như làm lành tránh làm ác, thực hành Lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền định, Trí tuệ), v.v…. Cùng miệt mài chăm chỉ, luôn luôn nhớ tu hành thì sẽ thấy được Như Lai Tạng của mình hiển lộ, thấy được Địa Tạng của mình tức là đã hết chúng sinh trong địa ngục của tâm mình.

Lúc ấy những người khác thấy người ấy đạt đạo thì tôn trọng cung kính, đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, do đó Ngài Địa Thần nói: “Đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thời chỗ người đó ở được mười điều lợi ích”. Bởi vậy sau khi người ấy đạt đạo rồi thì chỗ người đó ở sẽ có được 10 điều lợi ích, đó là:

- Một là đất cát tốt mầu, vì đã thấy Như Lai rồi thì chỗ ở cảnh vật (y báo) đều là tốt đẹp như trân bảo bảy báu, nên nói đất cát tốt mầu, đây là đất tâm nhiệm mầu, chứ chẳng phải là đất bùn sỏi đá gai góc của thế gian đâu mà lầm.

- Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi. Khi đã thấy Như Lai của mình rồi thì ra khỏi sinh tử luân hồi, chỗ ở là Niết Bàn, ở Niết Bàn chẳng phải là nơi nhà ở yên ổn mãi mãi sao?

- Ba là người chết được sanh lên cõi trời: Khi đã đạt đạo rồi sẽ giáo hóa chúng sanh, chúng sinh học hỏi giáo pháp và thực hành thì sẽ được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, nói chi là lên cõi Trời mà không được sao?

- Bốn là những người còn sống hưởng sự lợi ích:Lợi ích của giáo pháp do giảng dạy Phật pháp thì không gì sánh được nếu chịu học hỏi và thực hành, nên nói những người sống còn hưởng lợi ích.

- Năm là cầu chi cũng được toại ý cả: Người đạt đạo nếu muốn gì mà chẳng được, mà đâu cần cầu cũng có tất cả.

- Sáu là không có tai họa về nước và lửa: Nước là tham lam, ái dục nhận chìm chúng sinh, lửa là sân hận giận thù, lửa dâm dục, lửa oán hận phụ tình đốt cháy chúng sinh, còn người đạt đạo làm gì còn tham sân si nữa thì làm sao bị nước lửa hại được chứ?

- Bảy là trừ sạch việc hư hao: Đối với người đạt đạo thì đâu còn được mất, hơn thua, vinh nhục, vui buồn nên không hư hao gì cả, vả lại cũng chẳng dơ chẳng sạch, chẳng thiếu chẳng dư, chẳng thêm chẳng bớt, bởi vì là như như làm sao hư hao được.

- Tám là dứt hẳn các ác mộng: Người đạt đạo dứt ác mộng là dĩ nhiên, đâu còn tạo nghiệp dữ mà có ác mộng.

- Chín là khi ra lúc vào có thần hộ vệ: Đương nhiên rồi, Thiên thần hộ vệ vị ấy vì qúy vị Thiên Thần tình nguyện muốn bảo vệ bậc Thánh và muốn được bậc Thánh dạy bảo.

- Mười là thường gặp bậc thánh nhân: Người đạt đạo gặp Chư Phật và Chư Bồ Tát mười phương là chuyện thường không có gì khó cả, phải không? 

     Ngài Địa Thần kết luận rằng: “Chúng sanh trong đời sau cùng hiện tại, nếu ở nơi phần đất của mình cư trú mà có thể làm ra sự cúng dường Ngài Địa-Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy”. Nghĩa là nếu ai quyết tâm kiên trì bền bỉ lao nhọc, không lười mỏi, mà chịu đựng làm được tu được tới nơi tới chốn thì sẽ có kết qủa là Bản Tâm tự tính hiển lộ, tức là được giải thoát.

     Vị Địa Thần Kiên Lao lại bạch với đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Trong đời sau này, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào ở trong chỗ của mình cư trú mà có Kinh điển này cùng hình tượng của Đức Bồ Tát Địa-Tạng, người đó lại có thể đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát. Thời con dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ, v.v... thảy đều tiêu sạch”. Nghĩa là người giữ đủ 5 Giới (người thiện nam kẻ thiện nữ) nào mà tu hành cái Tâm (đọc tụng kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ TátĐịa Tạng) theo Kinh này. Quyết tâm bền bỉ không quản nhọc mệt, luôn luôn tinh tấn tu hành, (được Địa Thần hộ vệ) thì những sự xấu không còn nữa, như tính tham lam (nước), sân hận (lửa), mất công đức (trộm cướp), các điều xấu lớn nhỏ (như kiêu mạn, tật đố, ganh tị v.v…) tất cả đều được tiêu diệt vậy.

     Đức Phật bảo Địa Thần Kiên Lao rằng: “Thần lực rộng lớn của ông, các thần khác ít ai bằng; vì cớ sao? Vì đất đai trong cõi Diêm Phù Đề đều nhờ ông hộ trợ, cho đến cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu, tất cả những thứ từ đất mà có ra đều nhờ nơi sức thần của ông cả”. Đức Phật khen Địa Thần vì các thứ thiện ích như cỏ cây, cát đá, lúa mè, tre lau, gạo thóc, của báu v.v… đều tượng trưng cho sự tốt lành, mà những thứ này đều từ Tâm (Địa) mà ra, vì vậy cho nên Đức Phật bảo rằng các Thần khác ít ai bằng là vì lẽ đó.

     Đức Phật ủy thác đại ý rằng: “Trong đời sau, có người thiện nào đọc tụng kinh điển này, cúng dường Bồ Tát Địa-Tạng, thời ông nên dùng thần lực mà ủng hộ người đó, chớ để sự tai hại xảy ra. Việc này cũng có hàng quyến thuộc của Phạm Vương, Đế Thích, quyến thuộc của Chư Thiên ủng hộ người đó; tại sao lại được các vị Hiền Thánh ủng hộ như thế? Vì người ấy chiêm lễ hình tượng của Địa-Tạng Bồ Tát và đọc tụng kinh “Bản Nguyện” này, tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ chứng đạo Niết Bàn an vui”. Nghĩa là người thiện nào hết lòng tôn trọng tu hành sẽ được Địa Thần và Chư Thiên Thần ủng hộ hộ vệ người đó khỏi bị các tai họa bất thường xảy ra; tu hành để dẹp bỏ được tất cả các tâm chúng sinh trong tâm mình thì lúc đó Bản Tâm tự tính hiển lộ, tức là giải thoát khỏi khổ, được yên vui Niết Bàn vậy.

(Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]