Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 13: Kinh Dược Sư giải nghĩa

18/11/201519:47(Xem: 3541)
Bài 13: Kinh Dược Sư giải nghĩa

Kinh Duoc Su Giai NghiaKINH DƯỢC SƯ

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

--- o ---

 

KINH VĂN 28:

PHẬT NÓI NGHI THỨC CÚNG

DÀNG TỤNG NIỆM TRỪ SỰ DỮ.

 

Phật bảo Mạn Thù Sư Lợi: Phải phải, thiệt đúng như lời ông nói. Nầy Mạn Thù Sư Lợi! Nếu có những người tịnh tín thiện nam, tín nữ nào muốn cúng dường Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì trước phải tạo lập hình tượng Ngài, đem để trên tòa cao chưng dọn sạch sẽ các thứ rồi rãi bông, đốt các thứ hương. Dùng các thứ tràng phan trang nghiêm chỗ thờ ấy trong bảy ngày bảy đêm, phải thọ tám phần trai giới, ăn đồ thanh trai (1), tắm gội và y phục chỉnh tề. Giữ lòng thanh tịnh (2), không giận dữ, không sát hại đối với tất cả loài hữu tình phải khởi tâm bình đẳng (3), đủ cả tâm từ, bi, hỉ, xả (4) làm cho họ được lợi ích an vui đánh nhạc ca hát ngợi khen và do phía hữu đi nhiễu quanh tượng Phật. Lại phải nghĩ nhớ công đức bổn nguyện và đọc tụng kinh này, suy nghiệm nghĩa lý mà diễn nói khai thị cho người khác biết. Làm như vậy thì mong cầu đều được toại ý, như cầu sống lâu, được sống lâu, cần giàu sang, được giàu sang, cầu quan vị, được quan vị, cầu sanh con trai con gái thì sanh được con trai con gái.

Lại nếu có người nào trong giấc ngủ thấy những điều chiêm bao dữ, còn khi thức thấy những ác tướng như chim đậu nơi vườn nhà, hoặc chỗ ở hiện ra trăm điều quái dị mà người ấy dùng những của báu cúng dường đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì những ác mộng, ác tướng và những điềm xấu ấy thảy đều ẩn hết, không còn phải lo sợ gì nữa.
Nếu gặp tai nạn nguy hiểm như nạn nước lửa, gươm, đao, thuốc độc và các cầm thú dữ gây sự sợ hãi như: voi, sư tử, cọp, sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít, sên, lằn muỗi, mà hết lòng nhớ niệm và cung kính cúng dường Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì được thoát khỏi những sự sợ hãi ấy. Hoặc nếu bị nước khác xâm lăng, nhiễu hại, trộm cướp rối loạn mà nhớ niệm và cung kính Đức Phật Dược sư thì cũng được thoát khỏi những nạn ấy

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Ăn đồ thanh trai: Là ăn chay và ăn xong trước 1 giờ trưa.

 

(2) Giữ lòng thanh tịnh: Không suy nghĩ chuyện nọ việc kia, nhất là những mưu cầu tham dục, bất chính càng phải tránh nghĩ tới.

 

(3) Khởi tâm bình đẳng: Bình đẳng, từ chữ Pàli: Sama. Nghĩa là ngang bằng đều nhau, không cao thấp không thiên lệch bất công, chỉ hết thảy hiện tượng cùng chung một tính, hoặc tính không, tính tâm chân như.

 

(4) Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả:

1). Tâm Từ là cho sự vui, là tâm trạng muốn cho người được mọi sự tốt đẹp, là lòng thành thật mong ước tât cả chúng sinh đều được yên lành vui vẻ; tức là trước tự vui, sau phá cái độc hại của sân hận giận thù; khi phá cái độc hại của sân hận giận hờn rồi chúng sinh được vui, nên Từ cho vui là như thế.

2). Tâm Bi là thương xót, là động lực rung động của tâm trước sự đau khổ của người khác. Vì thương xót nên tìm cách xoa dịu, muốn giúp người thoát khỏi cảnh khổ, tức là phá cái hung bạo sợ hãi để chúng sanh được yên vui an ổn.

3). Tâm Hỷ là lòng vui chân thật và bình đẳng, không phải vì tình cảm riêng biệt, Tâm Hỷ là lòng vui trước hạnh phúc của người khác. Tâm Hỷ phá những cái buồn phiền do sự ghen ghét, ganh tị, đố kị, chấp trước gây ra, và làm cho chúng sanh vui mà vui theo.

4). Tâm Xả là bỏ qua mọi điều không lưu giữ trong lòng, làm cho chúng sinh phá bỏ những sai quấy, những tham muốn dục vọng; Xả vì thấy biết đúng đắn, nhận định chân chính, suy luận vô tư không thiên lệch, tức là không luyến ái ưa thích, cũng không phải là bất mãn ghét bỏ.

 

     Đoạn Kinh Văn 28 này Phật Thích Ca ấn chứng và cho đại chúng biết rằng những gì mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi diễn nói ra đó đều là sự thấy biết chân chính, đáng tin cậy; người nào muốn cúng dường Dược Sư Lưu Ly Quang, có nghĩa là phải thay đổi lối sống, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià thói hư tật xấu, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành. Đó là ý nghĩa của câu: “trước phải tạo lập hình tượng Ngài đem để trên tòa cao chưng dọn sạch sẽ các thứ”.

     Rồi sám hối tội lỗi nhiều đời nhiều kiếp chồng chất trong bảy ngày đêm, đó là ý nghĩa của câu: “rồi rãi bông, đốt các thứ hương, dùng các thứ tràng phan trang nghiêm chỗ thờ ấy trong bảy ngày bảy đêm”. Phải giữ gìn thân và tâm sạch từ ngoài vào trong, đó là ý nghĩa của câu: “phải thọ tám phần trai giới, ăn đồ thanh trai, tắm gội và y phục chỉnh tề, giữ lòng thanh tịnh, không giận dữ, không sát hại đối với tất cả loài hữu tình phải khởi tâm bình đẳng, đủ cả tâm từ, bi, hỉ, xả làm cho họ được lợi ích an vui”.

 

     Còn phải tụng Kinh, trì Chú Đại Đà La Ni, niệm Phật, đi nhiễu quanh tượng Phật cùng với chuông mõ hay khánh, đó là ý nghĩa của câu: “đánh nhạc ca hát ngơi khen và do phía hữu đi nhiễu quanh tượng Phật”. Lại phải nhớ tới công đức bản nguyện của Đức Dược Sư và hành trì đọc tụng Kinh cùng suy nghiêm nghĩa lý rồi giảng giải cho người, đó là ý nghĩa của câu: “lại phải nghĩ nhớ công đức bản nguyện và đọc tụng kinh này, suy nghiệm nghĩa lý mà diễn nói khai thị cho người khác biết”.

 

     Ở đây Đức Phật lại nhắc chúng ta về “suy nghiệm nghĩa lý” mà diễn nói khai thị cho người khác, Ngài nhấn mạnh rằng đừng hiểu sai, đừng nói sai ý của Ngài; ý của Ngài trong những việc như trang trí hương hoa đèn tràng phan cùng tụng kinh trì chú niệm Phật. Nghĩa là tu tập là hành Ngũ Hương như Kinh Văn 26 đã giải thích về Giới Hương, Định Hương, Huệ Hương, Giải Thoát Hương, Giải Thoát Tri Kiến Hương, và hành Lục độ là: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Tuệ, v.v....

 

     Tu hành được như vậy thì cầu gì cũng được toại ý, như cầu sinh cõi Trời sẽ được sinh cõi Trời, cầu sinh cõi Người sẽ được sinh cõi Người, cầu giải thoát sẽ được giải thoát. Đó là ý nghĩa của câu: “Làm như vậy thì mong cầu đều được toại ý, như cầu sống lâu, được sống lâu, cần giàu sang, được giàu sang, cầu quan vị, được quan vị, cầu sanh con trai con gái thì sanh được con trai con gái”; vì ở cõi Trời sống rất lâu, ở cõi Người thì có địa vị giàu sang, còn giải thoát tượng trưng cho phúc đức sinh con trai hay con gái vậy.

 

     Phần dưới của đoạn Kinh này cũng cùng một ý nghĩa là người thường thấy ác mộng, ác tướng mà “cúng dường Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai”, bằng cách thay đổi lối sống, sám hối giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià cấu uế, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành thì “những ác mộng, ác tướng và những điềm xấu ấy thảy đều ẩn hết, không còn phải lo sợ gì nữa”; nghĩa là đâu còn làm ác nữa thì làm sao còn ác mộng, làm sao có ác tướng và điềm xấu hiện được nữa.

 

     Tu hành đầy đủ như thế rồi thì làm gì còn tham dục ví như nạn nước nhận chìm, làm gì có sân hận ví như nạn lửa đốt cháy, làm gì còn tham lam đố kị để rồi nói dối, nói thêu dệt, nói đâm thọc, nói ác nhiễu hại chúng sinh. Những thứ này gây ra thù oán đánh lộn, chiến tranh khủng bố chém giết, ví như loài dã thú sài lang giết chóc, độc hại gây sợ hãi cho chúng sanh. Vì lẽ đó cho nên Kinh nói: “Nếu gặp tai nạn nguy hiểm như nạn nước lửa, gươm, đao, thuốc độc và các cầm thú dữ gây sự sợ hãi như: voi, sư tử, cọp, sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít, sên, lằn muỗi, mà hết lòng nhớ niệm và cung kính cúng dường đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai được thoát khỏi những sự sợ hãi ấy” là vậy.

 

      Nếu nghiên cứu nghe đọc Kinh sách của Phật để hiểu biết rồi theo đó thay đổi lối sống, sám hối thiết tha, giữ giới đầy đủ, bỏ ác làm lành, xa lià xấu xa, giữ tâm trong sạch thanh tịnh để tu hành, thì dù gặp ngoại đạo xâm lấn vào (xâm lăng). Như họ dùng tà thuyết để làm rối loạn giáo lý của Phật (nhiễu hại), hoặc cho rằng một phần giáo lý của Phật là của họ, để phá hoại chính pháp, gây hoang mang cho Phật tử (rối loạn), họ cũng không thể làm gì được. Hoặc họ dùng thủ đoạn ép buộc đổi đạo trong hôn nhân, dụ dỗ mua chuộc Phật tử bằng vật chất để đoạt tín đồ (trộm cắp), nếu người Phật tử đã hiểu giáo lý của Phật rồi thì ngoại đạo cũng không thể làm gì được. Vì vậy cho nên Kinh nói rằng: “hoặc nếu bị nước khác xâm lăng, nhiễu hại, trộm cướp rối loạn mà nhớ niệm và cung kính đức Phật Dược sư thì cũng được thoát khỏi những nạn ấy”; đây là ý nghĩa Kinh Phật dạy mà chúng ta phải suy nghĩ cho kỹ và ghi nhớ không quên.

 

     Chứ chẳng phải như một số người hiểu sai mà tưởng rằng muốn được địa vị, giàu sang, sống lâu, hoặc muốn không còn có ác mộng, ác tướng điềm xấu. Hoặc muốn không gặp các tai nạn nguy hiểm như nạn nước lửa, gươm, đao, thuốc độc và các cầm thú dữ gây sự sợ hãi như: voi, sư tử, cọp, sói, gấu, rắn độc, bò cạp, rít, sên, lằn muỗi. Hoặc muốn không bị nước khác xâm lăng, nhiễu hại, trộm cướp, rối loạn v.v… mà chỉ cần nhớ niệm và cung kính Đức Phật Dược Sư, thì được thoát khỏi những nạn ấy. Đây là người thiếu suy nghĩ nghĩa lý, nên hiểu sai đưa đến mê tín thần quyền, sẽ mang lại thất bại, chỉ gây phiền khổ mà thôi

 

 (Còn Tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567