Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kinh Pháp Cú và Hiến Chương UNESCO

07/02/201505:39(Xem: 7132)
Kinh Pháp Cú và Hiến Chương UNESCO

 

 Kinh Phap Cu

 

 

 

            Trong một bài viết ngắn của Michel-Henri Dufour, một học giả người Pháp và cũng là một người tu tập theo Phật Giáo Theravada, ông đã nêu lên một sự tương đồng khá lý thú giữa ý nghĩa của câu mở đầu trong Hiến Chương của Tổ chức UNESCO (The United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization/Tổ Chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc) với câu thứ nhất trong kinh Pháp Cú (Dhammapada) ghi lại những lời giảng huấn của Đức Phật:

 

 

Tâm thức khởi xướng đưa đến tất cả mọi hiện tượng,

Tất cả mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi tâm thức, tạo dựng bởi tâm thức.

Nếu một người nói năng và hành động không tinh khiết,

Thì khổ đau tất sẽ theo mình tương tự như cái bánh xe,

Lăn theo vết chân của con bò kéo xe.

                                                                                    Kinh PHÁP CÚ (DHAMMAPADA)

 

Chiến tranh phát sinh bên trong tâm thức con người.

Vì thế khả năng bảo vệ hòa bình,

cũng phải được vun xới từ bên trong tâm thức con người.

                                                                                                UNESCO

 

            Câu mở đầu trong hiến chương của Tổ chức UNESCO trên đây phản ảnh rõ rệt lời dạy thật thâm thúy của Đức Phật qua câu thứ nhất trong kinh Pháp Cú. Cuộc Thế Chiến thứ II vừa chấm dứt ngày 11 tháng 5 năm 1945, thì ngay sau đó vào ngày 26 tháng 6, Liên Hiệp Quốc đã được thành lập, và đồng thời chưa đầy bốn tháng sau đó Tổ chức UNESCO cũng đã được hình thành vào ngày 16 tháng 11. Sự kiện này cho thấy sau khi nhìn lại những gì thật kinh hoàng vừa xảy ra, con người thời bấy giờ có thể đã bừng tỉnh và nhận thấy sự hung bạo, tham lam và sai lầm đưa đến chiến tranh đã bùng lên từ bên trong tâm thức của một số người trong một số quốc gia, và đồng thời họ cũng ý thức được rằng việc kiến tạo hòa bình cũng phải được vun xới từ bên trong tâm thức con người. Thế nhưng sự bừng tỉnh đó cũng đã được Đức Phật nói lên từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước trong câu mở đầu của kinh Pháp Cú.

 

            Nguyên gốc tiếng Pa-li của câu này là:

 

Manopubbaṅgammā dhammā

Manoseṭṭhā manomayā

Manasā ce paduṭṭhena

Bhāsati vā karoti vā

Tato naṃ dukkham anveti

Cakkaṃ va vahato padaṃ

 

 

                Kinh Pháp Cú là một bộ kinh rất phổ biến, đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng. Đối với tiếng Anh thì cũng đã có khoảng vài chục bản dịch khác nhau. Riêng đối với tiếng Pháp thì cũng có ít nhất mười sáu bản dịch của kinh này, và tất nhiên là đối với tiếng Việt thì cũng có rất nhiều bản dịch khác nhau. Tuy nhiên trong số các bản dịch đã được tham khảo thì hầu hết đều cho thấy một số các chi tiết không được hoàn toàn thống nhất và đồng đều, qua phong cách dịch thuật cũng như trên phương diện ý nghĩa. Thiển nghĩ nếu muốn kiểm chứng nhằm tìm hiểu sâu xa hơn, thì nhất thiết phải so lại với bản gốc bằng tiếng Pa-li. Ngày nay nhờ có nhiều tự điển nên việc tra cứu cũng dễ dàng. Thật ra đôi khi cũng chỉ cần phân tích cẩn thận một vài chữ trong một câu cũng đủ giúp thấu triệt được ý nghĩa của cả câu ấy. Vậy chúng ta hãy thử phân tích vài chữ khá chủ yếu trong câu kinh Pháp Cú trên đây, chẳng hạn như các chữ: manopubbangama, dhamma, dukkham, hầu giúp chúng ta tìm hiểu chính xác và sâu xa hơn về ý nghĩa của câu này.

 

            Chữ Manopubbangama là một từ ghép gồm ba chữ khác nhau:

 

- mano/mana: là một từ rất quen thuộc và có nghĩa là tâm thần hay tâm thức (mind, spirit), và trong một số trường hợp có thể xem như đồng nghĩa với chữ vinnana hay tri thức (consciousness) nêu lên trong Tạng Luận/Abhidhamma, hoặc cũng có thể xem như tương đương với chữ citta (tâm thức/state of consciousness, mind) trong chữ Cittamatra (Duy Thức Học).

 

- pubbha: có nghĩa là trước hết, khởi đầu, khởi xướng, và nếu ghép thêm hậu ngữ gama thì sẽ trở thành từ ghép pubbhangama và có nghĩa là "trước hết sẽ làm hiện ra/đưa đến/tạo ra".

 

            Do đó từ ghép manopubbhangama có nghĩa là "tâm thức khởi xướng đưa đến, tạo ra hay mang lại..." một cái gì đó.

 

            Chữ dhamma (tiếng Phạn là dharma) có nhiều nghĩa khác nhau nhất là giữa Phật Giáo và đạo Bà-la-môn. Đối với Phật Giáo thì chữ này có hai nghĩa và cả hai đều rất quan trọng: 

 

- nghĩa thứ nhất là hiện tượng (phenomenon), kinh sách Hán ngữ dịch là "pháp". Chữ hiện tượng/pháp có nghĩa là các đối tượng nhận biết của tâm thức - gồm ngũ giác và tri thức - tức là những gì mà một cá thể cảm nhận, tưởng tượng hay hình dung được; nói một cách cụ thể là tất cả những gì trông thấy được, ngửi được, nghe được, nếm được, đụng chạm và sờ mó được thuộc thế giới bên ngoài, và những gì có thể tưởng tượng, nhận thức hay hình dung được thuộc bên trong tâm thức, hoặc là những gì nhớ lại được từ trong các giấc mơ. Tất cả những thứ ấy đều gọi là "hiện tượng" (hay là "pháp" trong các kinh sách tiếng Hán). Dưới một góc nhin khác thì cũng có thể nói rằng mỗi cá thể tự tạo ra trong tâm thức mình một vũ trụ riêng, gồm các hiện tượng mà mình nhận biết được bằng ngũ giác, và qua sự tưởng tượng và hình dung bên trong tâm thức của chính mình.

 

- nghĩa thứ hai của chữ dhammaĐạo Pháp, tức là Giáo Huấn của Đức Phật, hay "Con Đường" mà Đức Phật đã khám phá ra; từ này cũng có thể dùng để chỉ định Bản Chất hay Sự Thật tối thượng của Hiện Thực. Đối với trường hợp của ý nghĩa này kinh sách Hán ngữ cũng gọi là "pháp", như trường hợp trên đây khi chữ dhamma mang ý nghĩa là hiện tượng, và không có gì để phân biệt. Trong khi đó thì các học giả Tây Phương không dịch chữ này mà giữ nguyên tiếng Pa-li là dhamma hoặc tiếng Phạn là dharma, và đề nghị một cách viết nhằm giúp phân biệt hai ý nghĩa khác nhau của từ này: nếu mang ý nghĩa là hiện tượng thì chữ dhamma sẽ không viết hoa, và nếu mang ý nghĩa là Đạo Pháp thì chữ Dhamma sẽ được viết hoa. Thuật ngữ dhamma mang hai ý nghĩa khác nhau cũng có thể hiểu như là một cách nói lên "khái niệm về hai sự thật" (tương đối và tuyệt đối) trong giáo lý Phật Giáo, và đồng thời cũng cho biết là Đạo Pháp của Đức Phật chỉ là một hiện tượng như tất cả mọi hiện tượng khác.

 

            Chữ dukkha/dukkham có nghĩa là khổ đau (suffering, pain, unsatisfactory, discomfort...) dù là thuộc lãnh vực thân xác hay tâm thần, và chữ này cũng mang ý nghĩa thật tinh tế và bao quát trên phương diện giáo lý cũng như ngôn từ. Tuy nhiên trong phần dưới đây chúng ta cũng chỉ phân tích chữ này duy nhất trên phương diện ngôn từ, bởi vì việc phân tích và tìm hiểu các thể dạng khổ đau thuộc vào khuôn khổ của một lãnh vực khác.

 

            Dukkha là một từ ghép, gồm chữ dus và chữ kha:

 

- chữ dus/duh có nghĩa là bất ổn, rối loạn (ill-being). Các tiền ngữ dysdis trong các ngôn ngữ Tây Phương đều do chữ dus trong tiếng Phạn và Pa-li mà ra, và cũng có nghĩa là không phù hợp, không đúng, nói lên một sự phủ định, thí dụ như các chữ dys-function (sự vận hành rối loạn), dis-comfort (sự bất an)...

 

- chữ kha có nghĩa là một khoảng trống, trong trường hợp này là lỗ hổng ở giữa bánh xe dùng để lắp trục bánh xe vào đó. Nếu ghép chữ này với tiền ngữ dus thì sẽ trở thành chữ dukkha tức là cái lỗ bánh xe bị méo mó, không tròn trịa, khiến bánh xe bị vướng, lắc lư và quay không đều, và cỗ xe sẽ không tiến lên được như ý muốn, và đấy cũng chính là hình ảnh của sự khổ đau trong cuộc sống. 

 

            Trong câu thứ hai, tức là câu song hành nhằm để nói lên ý nghĩa đối nghịch lại với câu trên đây, chúng ta sẽ đặc biệt tìm hiểu chữ sukham hay hạnh phúc, là chữ tương phản với chữ dukkha hay khổ đau trên đây.

 

Tâm thức khởi xướng đưa đến tất cả mọi hiện tượng,

Tất cả mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi tâm thức, tạo dựng bởi tâm thức.

Nếu một người nói năng và hành động tinh khiết,

Thì hạnh phúc tất sẽ theo mình tương tự như cái bánh xe,

Lăn theo vết chân của con bò kéo xe.

 

Manopubbaṅgammā dhammā

Manoseṭṭhā manomayā

Manasā ce pasannena

Bhāsati vā karoti vā

Tato naṃ sukhaṃ anveti

Chāyā va anapāyinī

 

 

            Chữ sukham được dịch là "hạnh phúc" trong hầu hết các bản dịch thường thấy. Trên phương diện ngôn từ thì tiền ngữ suk/sus có nghĩa là khô ráo, trơn tru, không dính bẩn, và hậu ngữ kha - như đã được giải thích trên đây - có nghĩa là cái lỗ tròn ở giữa cái bánh xe để lắp trục bánh xe vào đấy. Nếu cái lỗ hổng của trục bánh xe không dính bùn đất, trơn tru và tròn trịa thì bánh xe tất sẽ phải lăn đều, chiếc xe không bị lắc lư và tiến lên nhanh, và đấy chính là hình ảnh của "hạnh phúc" trong cuộc sống.

 

            Tóm lại hạnh phúc hay khổ đau theo Phật Giáo hay ít nhất là theo ý nghĩa của các câu trên đây, không nhất thiết chỉ là những thứ xúc cảm tạm thời mang tính cách hân hoan hay đau khổ xảy ra với một cá thể trong một bối cảnh thời gian và không gian nhất định nào đó, mà còn là những gì có thể theo đuổi trong suốt cuộc sống của cá thể ấy. Chẳng phải thân xác mình cũng tương tự như một chiếc xe bò nặng nề mà mình phải gánh chịu và phải lăn theo với hai chiếc bánh xe của nó hay sao?

 

            Ngoài ra cách so sánh thứ nhất giữa thể dạng khổ đau và hạnh phúc của một cá thể với lỗ trục của cái bánh xe, và cách so sánh thứ hai giữa một kiếp người và chiếc bánh xe cùng với cỗ xe, quả là hai cách so sánh thật tinh tế và tuyệt vời, gợi lên thật cụ thể tác động của tâm thức (trục bánh xe) đối với ngôn từ và hảnh động (cái bánh xe) đưa đến tình trạng khổ đau hay hạnh phúc của một cá thể (chiếc xe lắc lư trên con đường của sự sống trói buộc). Cách so sánh "hai lần" (trục bánh xe và cái bánh xe) thật khéo léo trên đây bằng cách chỉ mượn một hình ảnh duy nhất là chiếc xe nặng nề và khập khễnh để nói lên những nỗi khổ đau và hạnh phúc của một cá thể trong thế giới này, phải chăng cũng là cách nhắc nhở chúng ta luôn phải nhìn vào cái lỗ trục và cái bánh xe của đời mình để ý thức được sự hiện hữu của chính mình hay sao?

 

            Ngoài ra câu kinh trên đây khi nêu lên "Tâm thức khởi xướng đưa đến tất cả mọi hiện tượng, và tất cả mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi tâm thức, tạo dựng bởi tâm thức" cũng là cách nói lên toàn bộ căn bản mang nặng các khía cạnh Tâm Lý Học của học phái Duy Thức (Cittamatra/Yogacara/Vijnanavada) do Vô Trước (Asanga) triển khai vào thế kỷ thứ IV. Điều này cho thấy tư tưởng của Đức Phật thật vô cùng sâu sắc và mênh mông và các vị đại sư sau này cũng chỉ diễn đạt và triển khai thêm những gì mà Đức Phật đã nêu lên từ trước. Hơn nữa sự kiện này còn cho thấy là Đức Phật không hề quan tâm đến việc triển khai giáo huấn của mình trên phương diện triết học siêu hình, tâm lý học hay lô-gic học qua các khía cạnh thuần lý. Ngài chỉ nhắm vào việc giảng dạy thật thiết thực hầu giúp những con người chất phác sống cách nay hơn hai ngàn năm trăm năm có thể hiểu được, áp dụng được và thực hành được một cách cụ thể những gì thiết yếu nhất trong những lời giáo huấn của Ngài.

 

            Qua câu kinh trên đây chúng ta nhận thấy thật hết sức rõ ràng là sau khi nêu lên vai trò chủ yếu của tâm thức thúc đẩy làm phát sinh ra các hành động tâm thần (tác ý), ngôn từ và các động tác trên thân xác, thì ngay sau đó Đức Phật đã hướng người nghe giảng nhìn thẳng vào các hậu quả trực tiếp mang lại từ các hành động ấy. Thế nhưng bảy thế kỷ sau đó - từ thế kỷ thứ II với Long Thụ, Thánh Thiên, đến thế kỷ thứ IV với Vô Trước, Thế Thân, và thế kỷ thứ VI và VII với Trần Na, Nguyệt Xứng... - Giáo Huấn của Đức Phật đã được triển khai thật sâu rộng trên mọi khía cạnh triết học, tâm lý học và lô-gic học. Thế nhưng các vị đại sư này tuy có diễn đạt và triển khai tư tưởng của Đức Phật sâu rộng hơn, nhưng trên thực tế thì không hề mang lại thêm được một điều gì mới lạ cả. Ngoài ra cũng còn một điều khá quan trọng đáng lưu ý nữa là các tông phái và học phái khác nhau được hình thành sau này như Đại Thừa, Kim Cương Thừa, Thiền Học..., cũng chỉ là những phương cách thực hành và ứng dụng Giáo Huấn của Đức Phật, và nhất thiết không phải là những đường hướng giáo lý mới tách ra khỏi nền tảng Giáo Huấn của Ngài.   

 

            Sau hết câu kinh Pháp Cú trên đây, khi nêu lên vai trò chủ yếu của tâm thức trong cuộc sống, còn khiến chúng ta liên tưởng đến một phép tu tập rất căn bản trong Phật Giáo là Tu Giới. Thật vậy việc giữ giới là phương cách hữu hiệu nhất mang lại cho mình một tâm thức trong sáng và ngay thật, và đó cũng chính là cách giúp cho chiếc xe của đời mình lăn bánh thật vững chắc, không hề lắc lư và xiêu vẹo trong cuộc sống giữa thế gian này.

 

            Giới luật đầu tiên trong phép Tu Giới đối với người xuất gia cũng như người thế tục là:

 

Không được làm phương hại đến sự sống của chúng sinh

 

Pānātipātā veramanī sikkhāpadam samadiyami

 

 

            Sinh vật có nhiều cấp bậc tiến hóa khác nhau, từ các vi sinh vật thô sơ đến các con trùn biết quặn đau và giãy giụa khi bị giẫm đạp, cho đến các sinh vật tiến hoá hơn trong đó kể cả con người.  Đối với các sinh vật tiến hóa thì ngoài những cảm nhận đớn đau trên thân xác, còn bùng lên trong tâm thức những sự lo âu và sợ hãi, cũng như các thứ xúc cảm khổ đau và sung sướng. Riêng đối với con người thì các thể dạng xúc cảm ấy còn có thể phức tạp và đa dạng hơn nữa giúp con người ý thức và hình dung được một cách rõ rệt thế nào là tự do và hạnh phúc. Con người biết yêu thương và nhất là có khả năng phân biệt giữa cái đúng với cái sai, giúp ý thức được bổn phận và quyền hạn của mình. Tóm lại là ngoài miếng ăn ra, sự sống đối với con người - kể cả đối với một số các sinh vật tiến hóa khác - còn hàm chứa nhiều khía cạnh tinh thần rất phức tạp và phong phú. 

           

            Đặc biệt là riêng đối với trường hợp con người, sự sống còn thể hiện qua các hình thức sinh hoạt tập thể trong xã hội, cũng như những khát vọng tâm linh và các khả năng thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật, mà người ta thường gọi chung là sự tự do hay nhân quyền. Tóm lại đối với giới luật "không được làm phương hại đến sự sống của chúng sinh" thì không nhất thiết chỉ có nghĩa là không được tước đoạt mạng sống của một chúng sinh nào, mà còn có nghĩa là - đặc biệt trong trường hợp của con người - không được tước đoạt sự tự do và nhân quyền trong cuộc sống của họ. Bởi vì sự tước đoạt ấy cũng là một cách giết lần giết mòn họ trong đau buồn và tủi nhục, trong ước mơ và tuyệt vọng.

 

            Giáo Huấn của Đức Phật quả hết sức thâm sâu và siêu việt, do đó việc tìm hiểu và hòa nhập với những lời giáo huấn ấy luôn đòi hỏi chúng ta phải biết mở rộng lòng mình, biến cải và tinh khiết hóa tâm thức mình, khiến cho cái trục bánh xe của cuộc đời mình không bị vấy bẩn bởi bùn đất, hầu giúp nó lăn đều trên con đường Phật Pháp.

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 05.02.15

                                                                                                            Hoang Phong

 

 

 

Độc giả có thể tham khảo trực tiếp trên mạng các tài liệu dưới đây:

 

- bài viết của Michel-Henri Dufour: "UNESCO et enseignement du Bouddha" :

http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article1216

 

- Kinh Pháp Cú: bản Việt dịch của H.T. Thích Minh Châu:

http://thuvienhoasen.org/a7960/kinh-phap-cu

 

- Kinh Pháp Cú: bản Việt dịch của H.T. Thích Thiện Siêu:

http://thuvienhoasen.org/a13534/kinh-phap-cu-dhammapada-loi-vang-phat-day

 

- Kinh Pháp Cú: bản dịch tiếng Anh thật ngắn gọn và chính xác của Thanissaro Bhikkhu (1997): http://www.accesstoinsight.org/lib/authors/thanissaro/dhammapada.pdf

 

- Kinh Pháp Cú: bản dịch tiếng Anh rất uyên bác và dễ hiểu của nhà sư Acharya Buddharakkhita (1986):

http://www.buddhanet.net/pdf_file/scrndhamma.pdf

http://www.accesstoinsight.org/tipitaka/kn/dhp/dhp.01.budd.html

 

[Acharya Buddharakkhita (1922-2013), là một vị đại sư người Ấn, tu tập theo Phật Giáo Theravada, sáng lập hội Maha Bodhi Society of Bengalore. Ông chu du và thuyết giảng khắp nơi trên đất Ấn, và cả ở Miến Điện và Tích lan. Ông đã xuất bản 150 quyển sách về Phật Giáo và sáng lập hai tập san Phật Giáo trên đất Ấn. Mượn bài viết này như một dịp để nêu lên bản dịch kinh Pháp Cú của ông là cách để tưởng nhớ đến ông. Acharya Buddharakkhita nhập diệt ngày 23 tháng 9 năm 2013, tức cách nay hơn một năm. Người đọc có thể xem lễ hỏa táng ông trên youtube: https://www.youtube.com/watch?v=WiiFyAxPgNA)]. 

 

- Kinh Pháp Cú: bản dịch tiếng Pháp khá bóng bẩy và nhiều thi tính của bà Jeanne Schut (2011):

http://www.dhammadelaforet.org/sommaire/dhp/dhp_sommaire.html

 

- Kinh Pháp Cú: một trong các bản dịch tiếng Anh xưa nhất (1881):

http://www.gutenberg.org/files/2017/2017-h/2017-h.htm

http://www.sacred-texts.com/bud/sbe10/index.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]