Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 13

03/02/201521:12(Xem: 7662)
Phần 13

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 13)

 

Pháp Sư Tịnh Không

Nguyện thứ tư, “Sám hối nghiệp chướng”

Trước tiên chúng ta phải nói rõ cái gì gọi là nghiệp chướng. Nghiệp là tạo tác, không những làm ác có chướng ngại mà làm thiện cũng có chướng ngại. Làm ác quả báo của bạn ở ba đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu làm thiện, quả báo của bạn ở ba đường thiện: cõi trời, cõi người, cõi A Tu La. Tóm lại một câu, bạn không thể ra khỏi ba cõi, vậy chúng ta phải làm thế nào? Phật dạy chúng ta tu tịnh nghiệp, đoạn tất cả ác tu tất cả thiện, không chấp trước, đó chính là tịnh nghiệp. Chấp trước thì nghiệp này không tịnh, liền sanh chướng ngại, cho nên nghiệp là tạo tác. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện nói rất hay, chúng ta không thể không thừa nhận, kinh Phật nói: “chúng ta Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là đang tạo tội”. Vì sao? Bạn thử nghĩ xem, có chúng sanh nào khởi tâm động niệm mà không vì “cái ta”. Ta chính là tội, ta chính là nghiệp. Mỗi niệm đều vì ta. Có lẽ đối với đồng tu mới học, nghe được cách nói này trên Phật kinh sẽ không cho là việc gì, từ xưa đến nay trong nước ngoài nước, có người nào mà chẳng vì cái “ta”. Dân gian Trung Quốc còn có câu ngạn ngữ: “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Dường như khởi tâm động niệm vì ta được mọi người cho rằng đó là lý đương nhiên, không vì ta thì còn có thể được xem là người sao? Không sai! Không vì ta không được xem là người. Họ là Phật, là Bồ Tát, họ tuyệt đối không phải người. Cho nên khi vừa vì “ta” thì đó mới chân thật là người, người của sáu cõi không thể nào ra khỏi.

Vì sao Phật phải nói cách nói này, chúng ta phải hiểu rõ ý của ngài. Phật nói: “Tất cả chúng sanh thật có chân ngã”, cái thân này là giả, không phải chân ngã. Cái giả mới luân hồi trong sáu cõi, còn chân ngã thì nhất định không luân hồi. Không những không luân hồi sáu cõi mà ngay đến mười pháp giới cũng không có. Chân ngã ở nơi đâu? Chân ngã ở nơi pháp giới Nhất Chân. Trong đại kinh nói, Phật có ba thân, mỗi người chúng ta cũng đều có ba thân, bản thể của thân chúng ta là pháp thân. Cho nên kinh Phật nói “Mọi người tu hành tu đến trình độ tương đối liền chứng được pháp thân thanh tịnh”. Pháp thân thanh tịnh mới thật là ta. Thiền Tông thường nói “Bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra”, cái bản lai diện mục trước khi cha mẹ sanh ra đó chính là pháp thân thanh tịnh, kinh Hoa Nghiêm gọi là Tỳ Lô Giá Na Phật. Tỳ Lô Giá Na không phải là người, mà là chân ngã của chính chúng ta. Thân thật của chúng ta gọi là Tỳ Lô Giá Na.

Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là “trùm khắp mọi nơi”, không lúc nào không có, không nơi nào không có. Nếu ngay nơi đây không có chân ngã thì cái thân giả này cũng không thể hiện tiền. Giả tướng nương vào chân ngã mà sanh ra. Cái ngã này là thể, là tánh. Nương vào tánh thể chân thật mà hiện tướng. Cho nên cái chân ngã nhất định có, bởi vì tất cả chúng sanh mê mất đi chân ngã mới biến thành phàm phu. Mê mất không phải thật đã mất đi mà đó chỉ là mê mất mà thôi, vì sao mê? Đem cái tướng giả này từ trong thể tánh chân thật hiện ra những giả tướng. Kinh Hoa Nghiêm nói: “duy tâm sở hiện”. Tâm đó là thật, chân tâm chính là chân ngã, pháp thân hiện ra giả tướng. Bạn chấp vào cái tướng, hư là hư ở chỗ này. Hiện ra giả tướng nhưng bạn không biết nó là giả tướng. Bạn chấp trước giả tướng và cho nó là thật, như vậy đồng nghĩa đem chân tánh bỏ đi, đem giả tướng xem thành thật. Bạn phân biệt, chấp trước nên mới đem nhất chân chuyển biến thành hoàn cảnh phức tạp, biến thành mười pháp giới, thành sáu cõi, thành ba đường, vì sao biến đổi? Duy thức sở biến. Kinh Hoa Nghiêm nói cụ thể: “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước chính là thức”. Hiện tại chúng ta thảy đều có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cho nên cái pháp giới Nhất Chân liền biến thành sáu cõi luân hồi.

Nếu ở trong ba loại, chúng ta chỉ đoạn một loại, bỏ chấp trước, tức là trong tất cả pháp thế gian pháp, xuất thế gian pháp, đích thực đều không có chấp trước, xin thưa với các vị, sẽ không có sáu cõi. Sáu cõi chính là chấp trước biến hiện ra. Chấp trước không còn, bạn liền siêu việt sáu cõi. Vì bạn còn có tâm phân biệt quan hệ nặng nhẹ cho nên còn có pháp giới bốn thánh “Thanh Văn, Duyên giác, Bồ Tát, Phật”. Tâm phân biệt của bạn rất nặng thì bạn là Thanh Văn, Duyên Giác; tâm phân biệt của bạn rất nhẹ thì bạn là pháp giới Bồ tát, Phật. Mười pháp giới do đây mà ra. Khi phân biệt không còn thì siêu việt luôn mười pháp giới, bạn mới có thể “Phản bổn hoàn nguyên. Phản phác qui chân”. Chỗ này gọi là vào pháp giới Nhất Chân.

Trong pháp giới Nhất Chân, vị thứ của Bồ tát cũng không đồng nhau. Kinh Hoa Nghiêm nói, 41 vị pháp thân đại sĩ, Phật, Bồ Tát, có trình độ cao thấp được chia thành 41 đẳng cấp. 41 đẳng cấp này từ đâu mà ra? Từ vọng tưởng. Người trong pháp giới Nhất Chân còn có vọng tưởng, thế nhưng các vị phải biết, họ không có phân biệt, không có chấp trước, và vọng tưởng tương đối nhẹ. Vọng tưởng cũng gọi là vô minh. Nếu đoạn hết vô minh, đoạn hết 41 phẩm vô minh, bạn liền chứng được quả vị cứu cánh viên mãn, cái chân ngã của chính mình hoàn toàn hồi phục viên mãn, “bổn lai diện mục hiện tiền viên mãn”, đó chính là Phật quả viên giáo. Đến chỗ này chúng ta mới nghĩ đến hai câu nói trên kinh Lăng Nghiêm: “Viên Mãn Bồ Đề, Qui Vô Sở Đắc”. “Viên mãn Bồ Đề” là hồi phục bổn lai diện mục của chính mình, tuyệt nhiên không một chút gì bạn mới có được.

Do đó, Phật nói với chúng ta “Khởi tâm động niệm có một chữ ‘ta’”. “Ta” chính là chấp trước kiên cố, chỉ cần có loại chấp trước này thì bạn không thể ra khỏi ba cõi cũng không ra khỏi luân hồi. Cho nên đó là tội, là ác. Có “ta” chính là tội, chính là ác. Huống hồ tất cả chúng sanh còn có chấp trước nghiêm trọng cái “của ta”, như vậy mê đã quá nặng. Bạn chấp trước thân này là ta thì đã đủ phiền não rồi, huống hồ thêm chấp trước cái “của ta”, chẳng hạn cái nhà của tôi, tiền của tôi, quyến thuộc của tôi…, khi xuất gia thì đạo tràng của tôi, như vậy đáng lo không? Thân này kéo theo một đống to sở hữu thì làm sao có thể ra được ba cõi? Phật A Di Đà dù từ bi muốn kéo bạn đến thế giới Tây Phương Cực Lạc cũng không kéo nổi vì những thứ bạn kéo phía sau quá nặng.

Cho nên Phật dạy chúng ta nên xả: phải buông bỏ, phải bố thí, phải xả. Trước tiên, xả hết cái ta sở hữu, xả vật ở ngoài thân. Sau đó xả hết chấp trước. Bạn ở trên đạo Bồ đề liền không có chướng ngại. Do đó “Khởi tâm động niệm đều đang tạo tội”, đạo lý chính chỗ này, ngàn vạn lần không nên bị những thứ huyễn tướng này lừa gạt. Bạn có thể thấy tường tận thấu đáo chân tướng sự thật, đó gọi là nhìn thấu. Thế nhưng, phàm phu chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp bị mê ngay trong những giả tướng, chúng ta phải luân hồi sáu cõi với số lần không thể tính điếm, cho nên tập khí vô cùng sâu, phiền não nhiều đời nhiều kiếp mang đến, nghiệp chướng nặng. Do đó Phật dạy chúng ta phải tu pháp sám hối, tiêu trừ nghiệp chướng.

Bản thân phiền não là chướng ngại, chướng ngại Niết Bàn, đó là phiền não chướng. Sở tri cũng là chướng ngại, chướng ngại Bồ Đề. Niết Bàn là tiếng Phạn, ý nghĩa bất sanh bất diệt. Chúng ta vốn dĩ không sanh không diệt, thế nhưng hiện tại có sanh có diệt, vì bạn có thứ làm chướng ngại bất sanh bất diệt của Niết Bàn, cho nên bất sanh bất diệt biến thành sanh diệt, vô cùng bất hạnh. Tất cả phàm phu có sanh diệt, có sanh tử nên họ có phiền não. Khi đoạn hết phiền não thì sanh diệt không còn. Nói cách khác, không còn sanh tử nữa, trở lại với vốn dĩ không sanh không tử.

Sở tri chướng là kiến giải làm chướng ngại cho trí tuệ Bát Nhã đầy đủ trong tự tánh của bạn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai”. Đức tướng chính là Đại Niết Bàn, không sanh không diệt. Chúng ta có tư tưởng, có kiến giải thì trí tuệ Bát Nhã của chúng ta không còn. Nó bị chướng ngại mất, bị vặn cong biến chất thành tà tri tà kiến. Tư tưởng kiến giải hoàn toàn trái ngược với chân tướng sự thật bởi vì nó có thị phi nhân ngã, có tham sân si mạn, làm cho đức tướng biến thành sanh tử luân hồi, biến thành tướng chúng sanh của mười pháp giới. Sự thật này nếu không phải Thế Tôn xuất thế thì không ai biết được. Tất cả các nhà tôn giáo, nhà triết học, nhà khoa học thế gian đều không cách gì nói rõ chân tướng sự thật này. Cho nên Thế Tôn xuất hiện ở thế gian đem chân tướng của vũ trụ nhân sanh vì chúng ta nói rõ.

Vậy làm thế nào để hồi phục lại bổn lại diện mục của chúng ta? Làm thế nào hồi phục trí tuệ đức tướng của chúng ta viên mãn? Học Phật quan trọng nhất với hạnh Phổ Hiền là phương pháp tu hành cứu cánh viên mãn. Dùng lời hiện tại mà nói, ngài nêu ra mười cương lĩnh đối với phương pháp sinh hoạt của chúng ta, tu lễ kính đối với tất cả chúng sanh, với người với việc với vật phải có tâm thành kính và giữ lễ; phải biết tán thán, phàm hễ tương ưng với tánh đức, chúng ta phải tán thán, không tương ưng với tánh đức thì không tán thán, 53 vị đồng tham ở trong Hoa Nghiêm có thí dụ rõ ràng. Thứ ba là “Quảng tu cúng dường”, điều này nếu chỉ giảng hai giờ đồng hồ chắc chắn không đủ. Kinh Hoa Nghiêm, chương hồi hướng thứ sáu giảng về tài thí, pháp thí, vô uý thí, tôi giảng mất một năm thì làm sao có thể giả. Vì chúng ta không thật hiểu, ngày ngày đọc kinh lướt qua cho nên tu hành không biết phải bắt đầu từ đâu, cứ cho rằng mình tu không tệ, nhưng trên thực tế cách rất xa so với tiêu chuẩn Phật đã nói.

Nghiệp chướng tập khí của chúng ta quá nặng, chính mình phải thừa nhận, phải khẳng định thì mới có thể thay đổi. Thay đổi thành công, công đức sẽ rất thù thắng, thánh nhân thế gian chúng ta thường nói “Con người không phải thánh hiền thì làm gì không lỗi”. Có lỗi mà biết sửa thì lo gì không tốt, chư Phật Bồ tát đều tán thán, vì sao? Vì bản thân chư Phật Bồ tát trước khi thành Phật cũng có cả vô số lỗi lầm, tuy nhiên các ngài có thể thay đổi trở thành Phật Bồ tát, được các cổ Phật trước đó tán thán. Ngày nay chúng ta cũng có thể thay đổi tự làm mới, đoạn ác tu thiện, tất cả chư Phật Bồ Tát đều sẽ tán thán chúng ta. Thay đổi trước tiên ở khoá mục tu hành.

Sám hối. Sám là tiếng Phạn, dịch âm là “sám ma”, người Trung Quốc thích đơn giản nên bỏ âm đuôi, chỉ dùng một âm “sám”. Văn tự Trung Quốc có một từ gần nghĩa với chữ này là “hối”, có nghĩa hối hận. Cho nên pháp sư dịch kinh liền đem hai chữ này hợp lại gọi là “sám hối”, danh từ này được kinh Phật gọi là Phạn Hoa hợp dịch, chữ trước tiếng Phạn, chữ sau tiếng Trung Quốc. Ý nghĩa của chữ sám là chính mình gây lỗi lầm nhưng có dũng khí nói với mọi người. Còn ý nghĩa chữ hối của Trung Quốc là về sau sẽ không tái phạm lỗi lầm, cũng như nhà Nho đã nói “bất quá nhị”, lỗi chỉ một lần, không có lần thứ hai, nếu có lần thứ hai thì phải sửa đổi, và tự làm mới, đây gọi là chân thật sám hối.

Ngày nay, rất nhiều đồng tu học Phật nghe đến danh từ “Phổ Hiền hạnh nguyện”, hay “Sám trừ nghiệp chướng” thì liền nghĩ đến việc lạy Lương Hoàng Sám, lạy Thủy Sám, mở đàn Thủy Lục, hoặc có người ở nhà lạy Đại Bi sám, Tịnh Độ sám, Hoa Nghiêm sám, Pháp Hoa sám,.v.v… Như vậy tội của bạn có thể sám trừ hết hay không? Giả như vừa lạy Lương Hoàng Sám, tội liền được sám trừ, vậy thì rất hữu hiệu. Nhưng nếu sau khi lạy vẫn không thể sám trừ, thì bạn liền biết có vấn đề. Vấn đề không phải sai ở phương pháp, Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, tất cả những sám nghi đều không sai vì đều do các bậc tổ sư đại đức xưa căn cứ kinh giáo mà biên soạn ra, đó đều là tinh hoa trong kinh giáo thì làm sao sai được. Sai ở chỗ chúng ta không hiểu ý pháp, chỉ đem sám nghi chiếu theo rồi đọc lướt. Người xưa nói “Đau mồm rất họng chỉ uổng công”, một mặt ta tụng còn một mặt dập đầu. Mỗi ngày có dập một vạn cái giống như giã gạo cũng không thay đổi, không hữu dụng. Vậy phải sám như thế nào? “Tùy văn nhập quán”, tùy theo kinh văn, thay đổi tư tưởng sai lầm của bạn, đó mới là chân thật sám hối. Người xưa nói, sám trừ nghiệp chướng có ba loại.

Loại thứ nhất là “Phục nghiệp sám”. Chúng ta có thể đè tội nghiệp của mình xuống, việc này tương đối dễ dàng. Thực tế mà nói, ngày nay chúng ta niệm câu Phật hiệu, trì danh niệm Phật, mỗi câu mỗi chữ đều là phục nghiệp sám. Nếu lấy giáo nghĩa để giảng thì tất cả pháp môn đều là sám hối môn. Hai chữ “sám hối” hàm nhiếp tất cả pháp môn tu học của Phật pháp, chỉ khác nhau ở phương thức sám hối, còn phương hướng, nguyên lý, nguyên tắc đều giống nhau. Chúng ta đều dùng “niệm Phật” để tu pháp sám hối. Bồ tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật “nhiếp hết sáu căn, tịnh niệm liên tục”. Bạn niệm câu Phật hiệu thì công phu liền tiến bộ, liền có thể hàng phục được nghiệp chướng của chính mình. Sau khi hàng phục thì đới nghiệp vãng sanh. Nếu không thể hàng phục được nghiệp chướng thì dù bạn niệm câu Phật hiệu cũng không thể vãng sanh, người xưa gọi là “Một ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, đau mồm rát họng chỉ uổng công”, không thể vãng sanh. Vì sao? Bạn không thể hàng phục được phiền não. Ta ngày ngày tạo nghiệp, nghiệp quá khứ tạo có thể mang đi, nghiệp hiện tại tạo không thể mang đi, phải hiểu được đạo lý này.

Công phu Phật hiệu của bạn nếu có thể hàng phục được phiền não, pháp môn niệm Phật của chúng ta gọi là “công phu thành khối”. Phiền não chưa đoạn, nó không khởi tác dụng. Phiền não vì sao khởi lên? thấy việc vừa lòng, khởi lên tham ái, tâm tham khởi. Lúc đó “A Di Đà Phật!”, làm cho tâm tham bị đè xuống, “A Di Đà Phật” tâm tham lại bị đè xuống nữa, gọi là công phu. Hoặc gặp phải những việc không vừa mắt, phiền não liền khởi lên, tâm sân hận khởi, thì “A Di Đà Phật!” lại đè tâm sân hận xuống, cứ thế “A Di Đà Phật! A Di Đà Phật!”, luôn đè nó xuống, quyết không để nó khởi tác dụng. Đây gọi là niệm Phật. Niệm Phật không phải xướng ca, hát cho Phật A Di Đà nghe. Ngay khi trong tâm bạn một niệm không sanh thì có thể không cần niệm Phật vì lúc đó tâm của bạn thanh tịnh. Còn tâm vừa mới động thì nên vội vàng niệm A Di Đà Phật, làm cho phiền não tập khí của bạn, “hỉ nộ ai lạc ái ố dục” thảy đều đè xuống, không để nó khởi tác dụng, đây chính là phương pháp sám trừ nghiệp chướng hàng phục phiền não.

Tịnh Tông chúng ta pháp môn nào cũng vậy, nhà Phật thường nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Niệm là phiền não khởi hiện hành, nhưng vì sao không sợ? Bạn nhất định sẽ khởi hiện hành, vì nếu không khởi thì bạn chính là Phật Bồ tát tái lai. Đã là phàm phu nhất định sẽ khởi hiện hành, vấn đề ở chỗ giác nhanh hay chậm. Giác rồi thì đối trị mê, cái giác này là đại biểu pháp môn công phu tiến bộ của chúng ta. Giác chính là câu Phật hiệu đề khởi làm cho phiền não bị chế phục. Mọi người phải biết niệm, công phu này dùng lâu sẽ sanh ra sức mạnh, liền được Nhất Tâm Bất Loạn.

Nhất Tâm Bất Loạn công phu sâu cạn cao thấp rất nhiều, không chỉ Lý Nhất Tâm, Sự Nhất Tâm. Nếu nói Sự nhất tâm bất loạn thì Tiểu thừa Tứ quả Tứ hướng đều thuộc về Sự Nhất Tâm Bất Loạn, như vậy Sự Nhất Tâm Bất Loạn chí ít có đến tám đẳng cấp vì Tứ quả Tứ hướng có tám đẳng cấp. Còn nếu nói theo Viên giáo Bồ Tát, Sự nhất tâm đó chính là Bồ Tát Thập Tín Vị, từ sơ phát tâm đến thập tín có đến mười đẳng cấp, công phu sâu cạn khác biệt không như nhau. Như vậy Lý nhất tâm đẳng cấp càng cao hơn vì Lý nhất tâm là 41 vị pháp thân Đại sĩ. Nói cách khác, Lý nhất tâm có 41 đẳng cấp trình độ cạn sâu không đồng nhau, đồng thời chứng được Lý Nhất Tâm Bất Loạn. Bồ Tát Sơ trụ, Bồ Tát sơ tín vị, Bồ Tát thất tín vị, đồng thời chứng Sự Nhất tâm bất loạn cũng không như nhau. Do đây có thể biết, công phu thành khối của mỗi người chúng ta cũng sẽ cạn sâu không đồng nhau. Cho nên trong cõi phàm thánh đồng cư có ba bậc chín phẩm, nếu bạn không làm đến được trình độ như vậy thì bạn không thể vãng sanh, đó là việc chúng ta không thể không biết.

(Còn tiếp ...)

KINH ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC

Pháp sư: HT. TỊNH KHÔNG

Biên dịch: Vọng Tây cư sĩ

Biên tập: PT. Giác Minh Duyên

 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]