Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tam Bảo Ở Thế Gian

16/10/201010:13(Xem: 3728)
Tam Bảo Ở Thế Gian

Tam Bảo Ở Thế Gian
Thích Đức Trí

1- Sự xuất hiện của Tam Bảo
2- Nguyên nhân gây thương tổn Đạo Pháp
3- Thái độ sống của Người học Phật
4- Quy Y Tam Bảo
5- Tiêu chí phụng sự Tam Bảo

1. Sự xuất hiện của Tam Bảo:

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Đức Phật đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho những người bạn đồng tu, là năm anh em Tôn Giả Kiều Trần Như. Như vậy, lần đầu tiên trên thế gian đã xuất hiện Ba Ngôi Tam Bảo. Dù người xuất gia hay tại gia bước đầu đến với Đạo Phật đều thực hiện pháp Quy Y Tam Bảo. Quy là trở về, Y là nương tựa, tức là hướng tâm linh của mình trở về với ba ngôi báu, đó là Phật, Pháp và Tăng. Tự thân Tam Bảo trong sáng tốt đẹp, là căn nhà an ổn giải thoát nhất cho mọi người và thế gian. Đạo Phật không chỉ riêng một phạm vi quốc gia nào, một chế độ nào, hay một giai cấp nào. Bất cứ ai tự nguyện phát tâm Quy Y Tam Bảo, phát Bồ Đề Tâm đều là thuộc thành tố của Tam Bảo. Không cần ai khoác lên Tam Bảo một chiếc áo sặc sỡ để che đậy quan điểm lệch lạc, cực đoan mà mệnh danh là bảo vệ sự trường tồn của chánh pháp. Xưa và nay, Đạo Phật luôn luôn là đạo xuất thế, vượt ngoài ước lệ thế gian mà vẫn luôn cứu khổ ban vui cho con người, lấy trí tuệ làm mục đích của sự giải thoát, đó là pháp truyền thống của Đức Phật. Tam Bảo hưng thịnh là phước báo cho khắp chốn trời người và pháp giới chúng sanh nói chung.

2. Nguyên nhân gây thương tổn Đạo Pháp:

Hoàn cảnh xã hội chi phối rất mạnh đến Đạo Pháp, trong một thời đại mà ánh sáng đạo đức bị vùi dập, với một chủ thuyết độc tài và tham vọng, con người sống trong sợ hãi và bảo thủ, sống trong nghi ngờ và thù hận. Từ đó họ che đậy tiếng nói tự do của nền đạo lý nhân bản của Đức Phật. Qua lịch sử chúng ta thấy có nhiều xứ sở trên trái đất này, người ta vì bài xích tôn giáo, bảo vệ chủ thuyết mà đập chùa, phá tượng, chà đạp chư Tăng và làm hư hoại bản thể Tăng già. Dù ở cộng đồng nào, hay quốc gia nào đạo lý không được gìn giữ thì chất liệu tình thương và trí tuệ bị xóa mờ, làm cơ hội cho ngọn lửa vô minh và thù hận cháy lan ra khắp cả lòng người. Đó sẽ là động lực mạnh mẽ đưa đến nghiệp báo chung mà con người phải gánh chịu như: chiến tranh, thù hận, tai ương bảo lụt, bệnh dịch v.v… Điều tệ hại nhất có thể xảy ra, là tự con người vô tình hay cố ý cột chặt tôn giáo với chính trị, biến thành những mâu thuẩn phức tạp trong cộng đồng xã hội, làm con người khó tiếp nhận bản chất trong sáng của Đạo Phật.

Dù là xuất gia hay tại gia, thường niệm pháp Quy Y trong đời sống, lấy Tam Bảo làm mục đích làm lợi ích cho Dân Tộc và cho cả chúng sinh. Điều đó các nhà lãnh đạo tôn giáo, hay tín đồ phải có cái nhìn tổng quát, có sự hy sinh cao thượng, giữ gìn hình ảnh trong sáng của Tam Bảo trong cuộc đời. Tổ chức Phật Giáo chân chính là không lệ thuộc vào thế lực vương quyền hay tổ chức chính trị, vì chính Đức Phật là người đầu tiên rời bỏ vương quyền và chính trị để tu đạo. Từ xưa cho đến nay chỉ có các thế hệ vua chúa, hay quan chức lãnh đạo trong quốc gia đều từ bỏ địa vị công danh mà cầu đạo. Đức Phật cũng không cho phép đệ tử xuất gia của Ngài nhận một địa vị hay chức quyền trong một tổ chức chính trị xã hội. Dù ở hoàn cảnh nào, Đức Phật và các vị Cao Tăng luôn luôn là ở vị trí một người hướng đạo thoát tục, như là một vị Quốc sư để đóng góp tư tưởng giải thoát vào lòng Dân Tộc. Các ngài không quỵ lụy trước sức mạnh của địa vị công danh mà luôn thể hiện tình thương bình đẳng, dùng giáo lý giải thoát để hóa độ.

3- Thái độ sống của Người học Phật:

Khi một người đã quy y Tam Bảo không nhận thức tầm quan trọng của nền đạo đức được xây dựng từ giới luật Phật Giáo, cho dù có nỗ lực muốn bảo vệ đạo Pháp cũng là một điều thiếu sót lớn. Đôi lúc do sự nhiệt huyết mà thiếu trí tuệ biến thành sự rối loạn trong tổ chức. Thực tế do bất đồng quan điểm hành đạo sinh ra mâu thuẩn trong tổ chức Tăng Đoàn, từ đó dẫn đến băng hoại niềm tin tín đồ, gây tổn thương đến Đạo Pháp.

Phật Giáo luôn lấy hạnh phúc con người làm mục đích hoằng pháp. Trước một chế độ không yêu chuộng Phật Giáo, hay một thế lực ngoại đạo cực đoan luôn hủy báng Tam Bảo, trong hoàn cảnh đó, đánh trả quyết liệt bằng võ lực ư? Nuôi lòng thù hận ư? Khoanh tay ngồi nhìn ư? Nếu đã quy y Tam Bảo rồi bạn phải làm gì?

Đánh trả quyết liệt bằng vũ lực thì không thể xảy ra, vì Đạo Phật vào đời bằng giáo pháp từ bi và trí tuệ chứ không mang theo một vũ khí nào.

Khởi lòng căm thù thì càng không đúng vì bản chất Đạo Phật là loại trừ Tham, Sân, Si.

Khoanh tay ngồi nhìn thì cũng không phải, vì lý tưởng của Đạo Phật là chia sẻ nỗi khổ đau của dân tộc và nhân loại. Cụ thể Đức Phật là người đầu tiên lên tiếng nói bình đẳng, phủ nhận sự phân biệt giai cấp tại xứ Ấn Độ.

Đạo Phật không thiết lập tổ chức tôn giáo thông qua con đường chính trị, hay dùng thủ đoạn võ lực để ép người vào tôn giáo mình. Người đã quy y Tam Bảo luôn sống bằng trí tuệ để không bị đánh lừa bởi những quan điểm sai lạc. Dù ở trong hoàn cảnh nào, người học Phật luôn hành xử cho phù hợp khế lý và khế cơ. Khế lý là tiếng nói phù hợp với chân lý, khế cơ là tiếng nói phù hợp với căn cơ của chúng sanh.

Muốn mọi người tin nhận Tam Bảo, trước hết mở rộng tầm nhận thức về giá trị của Đạo Phật. Đừng thất vọng và sân hận khi họ chưa theo mình, đặc biệt khi họ chưa biết mình là ai. Hãy nghe Đức Phật dạy: “Này các Kalamas, chớ có tin vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo một lập trường, chớ có tin vì đánh giá hời hợt các dữ kiện, chớ có tin vì phù hợp với các định kiến, chớ có tin vì phát xuất nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị sa môn là bậc đạo sư của mình. Này Kalamas, khi nào các ngươi biết rằng những việc này là tốt, những việc này là thiện, những việc này được mọi người tán thán. Những việc này nếu thuận theo và thực hành sẽ mang lại lợi ích tốt đẹp thì các ngươi hãy chấp nhận chúng” (HT.Thích Minh Châu, Trường Bộ kinh I, Kinh Kalamas).

Đạo Phật chủ trương đấu tranh ôn hòa và cương quyết trên tinh thần bất bạo động. Đó không phải là thái độ nhu nhược mà là phong cách trí tuệ, chứa đựng sức mạnh của lòng kiên trì của người giữ gìn chân lý, không phải bằng thái độ phản ứng bồng bột nhất thời trước một bối cảnh nào đó. Đức Phật dạy rằng:

“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.

Không hận diệt hận thù,

Là định luật ngàn thu.” (HT Minh Châu dịch, Kinh Pháp cú)

Thực tế, vì những lý do nào đó nền đạo lý Từ Bi không được xã hội tôn vinh, mặc dù Phật giáo có khả năng đóng góp tích cực cho đời sống con người qua nhiều thế hệ. Tình trạng này đưa đến công tác giáo dục tri thức đạo lý bị hạn chế, trong xã hội có nhiều tội phạm, đó là điều đáng ưu tư nhất. Đạo Phật là đạo của sự thật, xuất phát từ sự thấy biết tường tận về nguyên lý nhân quả mà Đức Phật thuyết minh cho thế gian chứ không phải là lời dọa dẩm mang tính giáo điều. Ngài thường giáo huấn tường tận các đệ tử của mình tìm về hạnh phúc thông qua con đường tu tập thiện nghiệp. Nếu làm điều xấu ác chắc chắn sẽ nhận lấy quả báo khổ đau:

“Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;

Nếu với ý ô nhiễm,

Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe chân vật kéo.”(HT Minh Châu dịch, Kinh Pháp Cú)

Nhân quả theo nhau như bóng với hình, nếu làm một hành động với tâm sân hận để hủy báng Tam Bảo, xem như là che khuất ngọn đèn chánh Pháp của Phật trong cuộc đời. Một trong những tội báo nặng nề được Đức Phật nhấn mạnh là tội hủy báng Tam Bảo. Cho nên người học Phật cần phải thận trọng khi bày tỏ quan điểm của mình về những vấn đề Phật sự. Phải biết lắng nghe để nhận rõ mọi trường hợp đúng sai, từ đó có lập trường đúng đắn trong vấn đề tu tập và phụng sự đạo Pháp.

3. Quy Y Tam Bảo:

Khi Quy Y Tam Bảo rồi, phải biết thân mạng là vô thường, thế gian là cỏi tạm, nổ lực đoạn trừ tham lam và chấp trước để hướng đến giải thoát. Tấm thân mà ta yêu quý suốt cuộc đời, rồi cũng biến thành tro bụi. Tài sản tích trữ một đời người, khi lìa trần không mang theo được. Những người thân yêu như cha mẹ, vợ chồng con cái không đi theo ta về thế giới khác được. Chúng ta chỉ mang theo cái nghiệp thức xấu hoặc tốt mà quyết định cảnh giới giải thoát hay khổ đau. Cho nên mọi người cần phải sớm phát bồ tâm để phụng sự Tam Bảo.

Bồ Đề Tâm là tâm hướng đến lý Quy Y Tam Bảo, làm bất cứ hành động nào cũng nghĩ đến lợi ích của tha nhân, khế hợp hai yếu tố từ bi và trí tuệ. Nếu tâm chúng ta có tình thương rộng lớn, thì dẫn đến năng lực tạo công đức rộng lớn. Dấu hiệu của tâm Bồ Đề khai phát là bất cứ một hành động nào với tâm niệm thanh tịnh thì công đức cũng biến khắp pháp giới, trên nguyên lý “Một có trong tất cả, tất cả có trong một”. Nếu chúng ta sống trong tỉnh giác, một giọt nước mắt của em bé đang chảy vì thiếu ăn, một cụ già cô đơn rên rĩ bên vỉa hè nào đó cũng là nỗi xót xa trong lòng mình. Một đóa hoa nở bên đường, hay một nụ cười tươi của đứa trẻ cũng góp cho mình sự hạnh phúc, đáng chắp tay để nói lời tri ân. Một cọng cỏ rung bên kia cánh rừng xa xôi nào đó cũng có mặt trong tâm ta. Vũ trụ rộng lớn nhưng không ngoài một Tâm, con người và thế giới khách quan “Không phải một mà không phải khác”. Từ nhận thức như thế, chúng ta thấy Đạo Phật rất đẹp, Tam Bảo rất là cao quý, giúp ta mở rộng cỏi lòng đối với con người và vạn vật.

4. Tiêu chí phụng sự Tam Bảo:

Thực hiện tôn chỉ Đạo Phật truyền thống là tu tập Giới Định Tuệ để đối trị Tham Sân Si. Căn bản là giáo dục chư Tăng và Phật tử tôn trọng giá trị với quy củ tự viện theo giới luật Phật chế. Giới luật của Phật Giáo không phải là sự ràng buộc mà là sự bảo hộ cho đời sống chúng ta không bị phiền não. Đó là kim chỉ nam để hướng chúng ta đến cuộc sống Chân Thiện Mỹ. Đó là liều thuốc quý nuôi dưỡng thân tâm và nếp sống hạnh phúc ngay trong đời này. Đó là con đường duy nhất đem đến sự lợi ích cho Tăng Ni và Tín Đồ hướng giải thoát giác ngộ. Vì con đường Giới Định Tuệ là nền tảng của các pháp môn tu tập trong Đạo Phật.

Tổ chức Tăng đoàn theo nguyên tắc giới luật để thích ứng với nhu cầu tu học thiết thực của chư Tăng. Bất cứ một tổ chức giáo hội hay một tự viện nào mà không phát triển công tác giáo dục tri thức Phật học và xây dựng tinh thần giải thoát thông qua sự tu học thì sẽ trái ngược với tôn chỉ của Đạo Phật, không đem sự nương tựa xứng đáng cho chư Tăng và Tín đồ.

Giải quyết tình trạng phụng sự Tam Bảo từ vấn đề lý tưởng và hiện thực hoàn toàn đối lập. Cụ thể là lý tưởng tốt đẹp được mọi người ưa chuộng mà hiện thực chưa đem được lợi ích lớn cho Đạo Pháp. Đây là vấn đề Tăng Ni và Phật tử phải suy xét tường tận mọi phương pháp cụ thể để đưa Đạo Phật vào trong mọi hoàn cảnh xã hội một cách thiết thực. Nguyện cầu chư Phật gia hộ cho thiền môn nghiêm tịnh, Tăng già hòa hợp, thất chúng câu hội đồng tu, đạo Pháp trường tồn, thế giới hòa bình, và chúng sanh an lạc.

Chùa Tam Bảo, Mùa Vu Lan 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]