Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 12 - Thấy Vô Động Như Lai, thế giới Diệu Hỉ.

13/05/201316:33(Xem: 13184)
Chương 12 - Thấy Vô Động Như Lai, thế giới Diệu Hỉ.

Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Chương 12 - Thấy Vô Động Như Lai, thế giới Diệu Hỉ.

Pháp Sư Thích Từ Thông

Nguồn: Pháp Sư Thích Từ Thông

1.- Đức Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng: muốn thấy một Như Lai ông phải quán sát như thế nào để được thấy?

Ông Duy Ma Cật đáp: Bạch Thế Tôn!

Muốn thấy Như Lai con vận dụng pháp quán chiếu y như quán thật tướng của chính mình.

Con quán Như Lai thời gian trước không có đến. Thời gian sau không có đi. Thời hiện tại không trụ. Quán Như Lai con không dựa trên sắc cũng không dựa trên thể chơn như của sắc, không dựa trên tánh của sắc, thọ, tưởng, hành cũng vậy. Cho đến không dựa trên thức mà quán cũng không dựa trên thể chơn như của thức, không dựa trên tánh của thức. Vì Như Lai không do tứ đại khởi sanh. Như Lai giống như hư không, nhưng không phải hư không. Như Lai không tương quan với lục nhập và vượt ngoài nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Như lai không ở trong tam giới, xa lìa ba cấu, thuận theo tam giải thoát môn. Như Lai đầy đủ tam minh, bình đẳng với vô minh. Như Lai không phải tướng một, không phải tướng khác, không phải tướng tự. Không phải tướng tha. Không phải tướng hữu. Như Lai không phải bờ bên này, không phải bờ bên kia cũng không phải giữa dòng mà vẫn thành tựu nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh. Quán Như Lai tịch diệt mà không vĩnh viễn vắng lặng. Như Lai không kia, không đây, không lấy kia, không lấy đây. Như Lai không thể dùng trí mà nhận biết, không thể dùng thức mà phân biệt. Như Lai không phải là tối mà cũng không phải là sáng. Như Lai không tên, không tướng, không mạnh, không yếu, không tịnh, không uế. Như Lai không ở trong phương hướng, mà cũng không rời phương hướng; không phải hữu vi cũng không phải vô vi; không thể chỉ bày, không thể diễn nói. Như Lai không phải bố thí cũng không phải xan lẫn; không phải trì giới, không phải phạm giới; không phải nhẫn nhục, không phải sân nộ; không phải tinh tấn, không phải giải đải; không phải định tâm, không phải loạn ý; không phải trí tuệ mà không phải ngu si. Như Lai không thật mà không dối, không đến cũng không đi; không ra cũng không vào. Tất cả ngữ ngôn không thể diễn đạt thấu đáo cú nghĩa Như Lai.

Như Lai, không phải phước điền, không phải không phước điền. Không phải bậc nên cúng dường, không phải không cúng dường; không phải lấy, không phải bỏ; không phải tướng có cũng không phải tướng không.

Quán Như Lai hòa đồng chơn lý, bình đẳng như pháp tánh, không thể cân, không thể lường, vượt quá cân lường. Như Lai không lớn mà cũng không phải nhỏ. Như Lai không thể dùng cái thấy để thấy; không thể dùng cái nghe để nghe; không thể dùng tri giác để khái niệm, không thể dùng tri thức để nhận biết. Như Lai rời ngoài các ràng buộc, đồng với các trí, bình đẳng như chúng sanh. Đối với các pháp không có sự phân biệt. Như Lai đối với tất cả không lỗi, không trược cấu, không não phiền. Như Lai không có tác giả, không có mới khởi đầu, không sanh không diệt, không có sợ không có lo, không mừng không nản, không phải đã có, không phải sẽ có, không phải đang có. Không thể dùng lời lẽ diễn đạt hay chỉ bày.

Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật thưa: Thân Như Lai là thế đấy. Quán Như Lai phải quán như thế đấy. Do quán như thế mà con thực thấy Như Lai. Và người nào quán Như Lai như thế, gọi là quán đúng, nếu quán khác là quán sai, không thể thấy Như Lai đích thực.

2.- Ông Xá Lợi Phất hỏi ông Duy Ma Cật: Thưa ngài Duy Ma Cật! ngài mất ở cõi nào mà lại sanh đến thế giới Ta bà này?

Ông Duy Ma Cật hỏi lại:

- Thưa ngài Xá Lợi Phất! Pháp thân ngài chứng đắc có mất và có lai sanh chăng?

- Pháp mà tôi chứng đắc không có lúc nào mất và cũng chẳng có lúc nào lai sanh. Ông Xá Lợi Phất đáp.

- Nếu các pháp không có tướng mất và tướng lai sanh. Vậy cớ sao Ngài hỏi tôi rằng: "Ngài mất từ cõi nào, lai sanh đến thế giới này?" Xá Lợi Phất, ngài nghĩ thế nào? Ví như huyễn thuật sư làm ra người nam hay nữ, vậy những con người đó có mất có lai sanh không?

- Không có mất và không có sanh.

- Xá Lợi Phất! Ngài há chẳng nghe Phật dạy: các pháp, tướng của nó như huyễn chăng?

- Đúng vậy. Tôi có nghe.

- Nếu tất cả pháp, tướng như huyễn, thì tại sao ngài hỏi tôi mất ở thế giới nào, lai sanh đến cõi này?

Này Xá Lợi Phất! mất là cái tướng tan rã của pháp hư dối, sanh là cái tướng tương tục của các pháp hư dối. Bồ tát dù mất mà không dứt hết gốc lành, dù sanh mà không cho sanh trưởng giống ác.

3.- Đức Phật bảo ông Xá Lợi Phất rằng: Có cõi nước tên Diệu Hỉ, đức Phật hiệu Vô Động là giáo chủ. Ông Duy Ma Cật từ cõi nước đó mất mà lai sanh đến cõi này.

Ông Xá Lợi Phất nói: Thật là việc chưa từng có.Bạch Thế Tôn! Ông Duy Ma Cật lại có thể bỏ quốc độ thanh tịnh, đến cõi Ta bà để vui nhận ở nơi cảnh giới có nhiều sân nộ và ác hại này!

Ông Duy Ma Cật bảo: Xá Lợi Phất! Ngài nghĩ thế nào? Lúc mặt trời soi sáng, có cùng bóng tối hợp nhau chăng?

- Không. Khi mặt trời soi sáng thì không còn tối được nữa.

- Đúng vậy, thưa ngài Xá Lợi Phất! hể ánh sáng soi thì bóng tối diệt. Bồ tát dù sanh ở cõi Phật không thanh tịnh là vì mục đích giáo hóa chúng sanh nhưng không thể hợp chung với những gì tối tăm ngu độn. Ngược lại, Bồ tát dạy cho chúng sanh diệt hết phiền não của họ mà thôi.

4.- Đại chúng khát ngưởng muốn thấy thế giới Diệu Hỉ và đức Vô Động Như Lai cùng chư Bồ tát, Thanh văn cõi ấy.

Đức Phật biết ý niệm của đại chúng bèn gọi ông Duy Ma Cật bảo:

- Thiện nam tử! Đại chúng trong hải hội này muốn thấy đức Vô Động Như Lai và cõi nước Diệu Hỉ cùng chư Bồ tát, Thanh văn ở thế giới kia. Ông hãy giúp cho hải hội hiện tiền đều được thấy.

Ông Duy Ma Cật nghĩ bụng rằng: Ta sẽ không rời khỏi chỗ này, tiếp nhập thế giới Diệu Hỉ đem về đây. Ta sẽ dời tất cả Thiết vi sơn, Tu di sơn và tất cả núi lớn, núi nhỏ, biển cả, sông ngòi, nguồn lạch, suối khe, mặt trời, mặt trăng, các tinh tú. Tiếp nhập thiên cung, long cung, quỷ thần, Phạm thiên cung v.v... Tiếp nhập các chúng Bồ tát, Thanh văn cả thành ấp, tụ lạc, nam nữ lớn nhỏ. Tiếp thỉnh đức Vô Động Như Lai, cây Bồ đề và các diệu liên hoa và những người có thể làm Phật sự trong mười phương. Tiếp nhập ba đường hành lang báu thông đồng từ cõi Diêm phù đề thẳng lên cõi trời Đao Lợi. Trên hành lang báu này chư Thiên tấp nập lên xuống kính lễ đức Vô Động Như Lai, nghe học lãnh thọ kinh pháp. Người cõi Diêm phù đề cũng rộn rịp trên hành lang tiến bước hướng về cõi trời Đao Lợi và mọi người đều thấy rõ ràng chư Thiên ở thế giới Diệu Hỉ, họ hoàn thành những việc công đức lớn lao vô lượng như thế. Ta sẽ tiếp thụ trên từ cõi sắc cứu cánh dưới tột mé thủy luân, để lên tay mặt của ta y như người thợ gốm ngắt bớt một mẫu đất thừa. Dời tất cả những cảnh giới gần xa, đem về xáp nhập thế giới này như cầm một tràng hoa đẹp trên tay, giới thiệu chỉ bày cho toàn thể đại chúng trong hải hội.

Ông Duy Ma Cật nghĩ như thế rồi liền nhập tam muội, hiện sức thần thông. Dùng tay mặt cắt lấy thế giới Diệu Hỉ đem về xáp nhập vào cõi Ta bà. Những hàng Bồ tát, Thanh văn, chư Thiên có chứng đắc thần thông, đồng thanh kêu lên lời cầu cứu: "Thế Tôn! Ai lấy chúng con đem đi. Mong Phật cứu hộ".

Đức Vô Động Như Lai nói: Việc đó không phải ta làm. Do thần lực của ông Duy Ma Cật, ông ấy đang làm chuyện đó, để phục vụ khai ngộ và giáo hóa chúng sanh.

Những người chưa được thần thông thì không hề hay biết về sự việc như thế đã xảy ra.

Thế giới Diệu Hỉ dù được đem xáp nhập cõi Ta bà, mà thế giới Ta bà không bị giãn rộng ra, thế giới Diệu Hỉ không vì vậy mà tóp hẹp. Vị trí của mọi vật vẫn y nhiên, không thay đổi một mảy may nào.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo toàn thể đại chúng trong hải hội:

Toàn thể đại chúng trong hải hội đã được thấy thế giới Diệu Hỉ và thấy đức Vô Động Như Lai rồi chứ? Các vị đã thấy sự trang nghiêm đẹp đẽ huy hoàng tráng lệ của thế giới Diệu Hỉ chứ? Các vị thấy Bồ tát và Thanh văn chúng cõi kia tịnh hạnh và thanh bạch chứ?

Toàn thể đại chúng đồng thanh bạch Phật:

Dạ! chúng con đều đã thấy.

Đức Phật dạy: Nếu Bồ tát muốn được cõi Phật thanh tịnh như vậy, cần phải học theo con đường hành đạo của đức Vô Động Như Lai.

Trong lúc thế giới Diệu Hỉ hiện hữu, cõi Ta bà có mười bốn ức người phát tâm vô thượng Bồ đề, muốn sanh sang thế giới Diệu Hỉ của đức Vô Động Như Lai.

5.- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cộng đồng thọ ký: "Tất cả các vị muốn sanh sang cõi nước kia đều sẽ được như nguyện".

Trong những giờ phút thế giới Diệu Hỉ hiện hữu ở cõi Ta bà, tác động vào tâm lý, kích khởi thiện căn của chúng sanh hữu duyên đem lại nhiều lợi lạc. Sự kiện ấy trôi qua. Tất cả đại chúng đều thấy cảnh giới Ta bà bỗng nhiên trở về trạng thái cũ.

6.- Đức Phật bảo: Xá Lợi Phất! Ông đã thấy thế giới Diệu Hỉ và đức Vô Động Như Lai rồi chứ?

Ông Xá Lợi Phất thưa: Dạ! Con đã thấy. Bạch Thế Tôn! Con mong muốn cho tất cả chúng sanh được cõi nước thanh tịnh trang nghiêm như cõi nước của đức Vô Động Như Lai và có sức thần thông như ông Duy Ma Cật vậy. Con cũng mong cho mọi người có đủ duyên lành thân cận cúng dường để được nhiều lợi lạc. Con nghĩ rằng: những chúng sanh hiện tại hoặc sau Phật diệt độ được nghe kinh nầy sẽ được lợi ích khó nghĩ bàn. Nghe rồi tin hiểu, giảng thuyết đúng như pháp tu hành, người đó được xem như trong tay đã cầm giữ được kho tàng pháp bảo của Như Lai. Người như thế là cúng dường pháp. Mà cúng dường pháp tức là cúng dường Phật. Người biên chép diễn giải kinh này, phải biết chỗ thất của họ ở có Phật. Ai nghe kinh nầy mà khởi tâm tùy hỷ, không lâu sẽ thành tựu nhất thiết trí. Nghe kinh nầy tin hiểu chừng một bài kệ bốn câu, vì người khác truyền đạt ý kinh, phải biết đó là người đã được Như Lai thọ ký thành tựu quả vô thượng Chánh biến tri giác rồi!

TRỰC CHỈ

1.- Đáp câu hỏi của đức Phật, ông Duy Ma Cật nói: Muốn thấy Như Lai phải Quán.

Quán tức là quán chiếu. Nghĩa là phải dùng trí mà soi rọi vào nội tâm. Biến tánh thấy trở thành cái thấy bằng trí, không xử dụng cái thấy của mắt. Phải xử dụng quán trí mới có cơ hội thấy Như Lai thật. Thấy Như Lai thật nghĩa là phải hiểu rõ về Như Lai pháp thân mới là người thật thấy Như Lai.

Vì vậy, muốn thấy Như Lai phải Quán. Quán giống như quán thật tướng của tự thân.

Nên biết, mọi người ai cũng có thật tướng cũng như Phật, Phật nào cũng có pháp thân. Con người là hiện tượng tùy duyên của thật tướng. Thật tướng là bản thể bất biến của con người. Phật cũng vậy.

Phật là một ứng thân. Ứng thân Phật là Phật tùy duyên độ sanh của pháp thân Phật. Pháp thân Phật là bản thể bất biến của Phật ứng thân.

Cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên ở giai đoạn con người chưa giác ngộ giải thoát gọi là thật tướng của tự thân. Cái tự tánh thanh tịnh bản nhiên sau khi con người giác ngộ giải thoát, gọi là Pháp thân.

Vì vậy, thấy được thật tướng của tự thân đồng nghĩa thấy Như Lai pháp thân Phật. Vì vậy:

- Như Lai không phải sắc, không phải thọ, tưởng, hành, thức, không phải tứ đại, không phải hư không, không phải lục nhập vượt ngoài nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý.

- Như Lai đầy đủ tam minh bình đẳng với vô minh.

- Như Lai hòa đồng chân lý, bình đẳng với pháp tánh.

- Như Lai, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, Như lai thọ lượng vô thỉ vô chung...

Quán Như Lai như vậy là người thật thấy Như Lai.

2.- Chết sống, mất còn, sanh diệt là cái tướng đối tượng thấy của nhục nhãn, dựa trên hiện tượng vạn pháp hữu vi.

Xử dụng tuệ nhãn, Bồ tát thấy tột bản thể thì sự sanh diệt, sống chết, mất còn không còn là vấn đề đáng nêu ra để vấn đáp. Càng hỏi kỹ, chứng tỏ trình độ tu học, trình độ nhận thức chân lý càng non nớt nhiều.

Trả lời càng chi tiết, biểu hiệu lòng từ thương hại của Bồ tát bao la vô hạn.

Với tuệ nhãn của Bồ tát, Chết chỉ là cái tướng tan rã của các pháp hữu vi hư huyễn. Sanh chỉ là cái tướng tương tục của các pháp hư huyễn hữu vi.

Chẳng có gì quan trọng đối với người trí trong việc sống chết, sanh diệt, mất còn.

..."Cự hải hà phòng nhất điểm âu".

Cũng như sự chứng đắc. Thực ra có chứng đắc gì đâu!

Sông Hương, núi Ngự cảnh nên thơ
Chưa đến lòng ai vẫn ước mơ
Một đến lại về như chẳng đến
Sông Hương, núi Ngự cảnh nên thơ...

3.- Ông Xá Lợi Phất đề cập đến vấn đề sanh diệt, lập tức bị ngài Duy Ma Cật nạn vấn nhằm vô hiệu quá vấn đề. Vì câu hỏi đó không xứng đáng là câu hỏi của người trí học đạo nên hỏi.

Vấn đề được khai thị xong thì đức Phật ôn tồn cho biết: Ông Duy Ma Cật từ thế giới Diệu Hỉ mất và sanh qua thế giới Ta bà này.

Tại sao thế? Tại vì:

Thật tướng lý địa, người học phải đạt đến chỗ Bất thọ nhất trần.

Khi đứng bên lề tương đối thì cần nhớ: Sanh diệt môn trung bất xả nhất pháp.

Bởi vì, không có lý do gì một đại sĩ trí tuệ biện tài dường ấy lại là người vô gia cư bất trụ xứ hay sao! Mà đó lại cũng là sự thật. Bồ tát tùy nguyện trợ hóa cho đức Phật Thích Ca nhằm tạo điều kiện triển khai Đại thừa chánh pháp.

4.- Không rời khỏi tòa ngồi, Bồ tát Duy Ma Cật tiếp nhận toàn vẹn thế giới Diệu Hỉ, gom hết thảy biển cả, sông ngòi, núi non, thành ấp, tụ lạc...Tiếp thỉnh đức Vô Động Như Lai và tất cả Bồ tát, Thanh văn để lên bàn tay như cầm một tràng hoa đem về xáp nhập cõi Ta bà.

Đây cũng là cơ hội, người bất tư nghì trình diễn cảnh bất tư nghì thêm một lần nữa.

Như lời tựa đã giới thiệu, kinh Duy Ma Cật có ba lần hiện Tịnh độ trong ba dạng khác nhau.

Lần một, ở chương thứ nhất đức Phật Thích Ca hiện tịnh độ ngay nơi cõi Ta bà nhằm dạy cho mọi người biết rằng tịnh độ không ngoài uế độ. Tịnh, uế do con ngưòi: Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Tâm con người có tịnh mới có cõi Phật tịnh. Tâm không tịnh, không tìm có cõi tịnh được.

Lần hai, chương thứ mười, Bồ tát Duy Ma Cật xử dụng khả năng bất tư nghì, biểu thị việc làm bất tư nghì, trình diễn cảnh giới bất tư nghì nhằm giới thiệu cõi tịnh độ ở từ cách xa cõi Ta bà những 42 ức hằng hà sa thế giới.

Điều đó nhằm dạy cho mọi người biết rằng tịnh độ không phải chỉ có ở cõi Ta bà. Mà ở xa mút nguồn tưởng tượng ấy, còn có nhiều tịnh độ khác nửa...

Tuy nhiên, xa mà không có gì trở ngại bởi sự cách núi ngăn sông. Cho nên con người có thể dời tịnh độ xa xôi ấy đem về thành gần và con đường qua lại chỉ trong thời gian khoảnh khắc.

Bồ tát Duy Ma Cật làm việc đó nhằm dạy cho đại chúng trong hải hội cái chân lý:

- Chư pháp tương tức tự tại môn.
- Nhất đa tương dung bất đồng môn.
- Chư tàng thuần tạp cụ đức môn.
- Nhân đà la võng cảnh giới môn.
- Bí mật ẩn hiển câu thành môn.
- Duy tâm hồi chuyển thiện thành môn.

Là tu sĩ phải học như thế, phải hiểu như thế và xử dụng Quán trí để nhận thức chân lý.

Lần thứ ba, hiện tịnh độ ở chương này cũng nhằm nhắc nhở sâu đậm về chân lý:

Vạn pháp trong pháp giới nhất chân không có ngoại lệ. Vạn pháp tương ưng, tương tức, tương nhập. tương dung. lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại và sự sự vô ngại.

Thiền giả xử dụng quán trí, nhận thức rõ được chân lý sự sự vô ngại thì việc Bồ tát Duy Ma Cật tiếp nhận toàn bộ thế giới Diệu Hỉ đem xáp nhập cõi Ta bà không trở ngại gì nhau. Vấn đề đó không còn là vấn đề thần thoại khó hiểu nữa. Bấy giờ người trí bừng tỉnh ngộ: thì ra kinh Duy Ma Cật lưu lại hậu thế không nhằm mục đích ghi lại chuyện hoang đường để sau này các nhà sư thay Phật kể chuyện hoang đường cho các cháu trẻ con nghe!

Sau khi thấy rõ toàn vẹn thế giới Diệu Hỉ và chiêm ngưỡng tôn nhan đức Vô Động Như Lai, đại đa số trong hải hội phát nguyện muốn sanh sang thế giới tịnh độ Diệu Hỉ của Vô Động Như Lai. Đức Thích Ca cộng đồng thọ ký tất cả các vị đều sẽ được như nguyện.

Vì sao đức Phật lại thọ ký quá dễ dàng? Ngài cảm tình, ngài thương xót mà nỗ lực phù hộ cho ư?

Không! Phật không phù hộ, gia trì, cứu rỗi cho ai được hết. Sở dĩ Như Lai thọ ký dễ dàng là vì Như Lai biết rõ mọi người ai cũng sẵn có chơn tâm thưòng trú. Ai cũng có thể tánh tịnh minh. Ai cũng vốn có Như Lai viên giác diệu tâm. Ai cũng sẵn có Tri kiến Phật. Ai cũng sẵn có Phật tánh rồi. Cho nên nếu mọi người muốn sang Diệu Hỉ tịnh độ kia, thì các vị chỉ cần thực hiện lời Như Lai đã dạy: Tùy kỳ tâm tịnh tắc Phật độ tịnh. Dục tịnh Phật độ tiên tịnh kỳ tâm. Khi nào tâm của các vị thanh tịnh thì các vị có cõi Phật thanh tịnh. Muốn được cõi Phật thanh tịnh trước hết các vị tự sửa đổi tịnh cái tâm của mình.

Thế thì, công của ai làm thì người đó hưởng. Cũng giống như ai muốn hưởng vật chất dồi dào ở một nước kinh tế phồn vinh thì phải tự lo đăng ký, tự tích lũy tiền bạc, tự chạy giấy tờ xuất cảnh để mà đi. Hể có đi thì có đến. Giống như tâm các vị có tịnh thì có cõi tịnh vậy. Như Lai có mất gì mà chẳng thọ ký để cho tròn nghĩa là đấng Đại Từ Bi vô thượng.

6.- Ông Xá Lợi Phất sau khi nghe thấy những sự kiện bất tư nghì, thâm ngộ chân lý...Ông tán thán kinh nghĩa thậm thâm. Ông cho rằng người nào được nghe, được học, được hiểu và áp dụng phương pháp quán chiếu mà tu hành thì sẽ được công đức vô lượng. Người đó là người cúng dường pháp. Mà cúng dường pháp cũng tức là cúng dường Phật một cách tròn đầy nhất, người đó đã được Như lai thọ ký thành tựu vô thượng Chánh biến tri giác rồi.

Lời ông Xá Lợi Phất trần tình trước Phật là một chân lý tất nhiên. Không phải xuất phát từ đầu môi khách sáo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]