Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tỉnh tỉnh, lặng lặng

05/08/202407:47(Xem: 910)
Tỉnh tỉnh, lặng lặng


duc phat thanh dao

Tỉnh tỉnh, lặng lặng

Nguyên Giác

 

Thỉnh thoảng chúng ta nghe rằng bạn này tu theo Thiền Chỉ, và rồi nghe rằng bạn kia tu theo Thiền Quán. Và rồi có bạn nói như dường hai pháp này dị biệt nhau, khi bạn này nói rằng Thiền Chỉ là cách vào Tứ Thiền, trong khi Thiền Quán là theo Tứ Niệm Xứ. Bất chợt, có bạn chợt nhớ lời khuyên quân bình từ Trần Thánh Tông rằng “Dụng của chân tâm, tỉnh tỉnh lặng lặng” và từ Vĩnh Gia Huyền Giác rằng “Tỉnh tỉnh lặng lặng phải…” Bài này sẽ ghi lời Đức Phật dạy rằng quân bình là ưu thắng nhất.

Trong Kinh AN 10.54, Đức Phật dạy rằng có nhiều căn cơ khác nhau, sẽ có những vị đạt được tịnh chỉ nội tâm trước, thì nên tăng thượng tuệ pháp quán nếu thấy còn thiếu sót, và ngược lại. Hai cửa này cần bổ túc cho nhau. Bản dịch Thầy Minh Châu nói về ý này trong Kinh AN 10.54 như sau:

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, biết như sau: “Ta có được nội tâm tịnh chỉ, nhưng ta không được tăng thượng tuệ pháp quán”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi an trú nội âm tịnh chỉ, cần phải nỗ lực để đạt cho được tăng thượng tuệ pháp quán ấy; sau một thời gian, đạt được nội tâm tịnh chỉ và được tăng thượng tuệ pháp quán.

Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi quán sát, biết như sau: “Ta có được tăng thượng tuệ pháp quán, nhưng không có được nội tâm tịnh chỉ”, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi an trú tăng thượng tuệ pháp quán, cần phải nỗ lực để đạt cho được nội tâm tịnh chỉ. Vị ấy sau một thời gian, đạt được tăng thượng tuệ pháp quán và chứng được nội tâm tịnh chỉ.” (1)

Trong Kinh Pháp Cú, tinh thần định huệ quân bình được ghi qua bài kệ 372 như sau:

372. "Không trí tuệ, không thiền,

Không thiền, không trí tuệ.

Người có thiền có tuệ,

Nhất định gần Niết-Bàn." (Bản dịch Thầy Minh Châu)

Các danh từ Hán Việt thường khi có nghĩa mơ hồ, dễ gây nhầm lẫn đối với người không quen đọc. Bởi vì chữ “thiền” trong bài kệ trên có thể làm độc giả liên tưởng tới chữ thiền trong các chữ “Thiền Tông” hay Thiền sư,” trong khi các bản tiếng Anh nói rằng chữ đó là “định” trong nghĩa tịnh chỉ (Ngài Sujato dịch là “absorption” và Ngài Ānandajoti dịch là “concentration.”)

Ngài Sujato dịch là: “No absorption for one without wisdom, no wisdom for one without absorption. But one with absorption and wisdom— they have truly drawn near to extinguishment.” (Dịch: Không thể có định đối với người nào không có tuệ, không thể có tuệ đối với người nào không có định. Nhưng vị nào có cả định và tuệ -- họ mới thực sự tới gần giải thoát.)

Bản dịch của Ngài Ānandajoti nhấn mạnh hơn, rằng không phải gần giải thoát, mà lúc đó là hiển lộ Niết Bàn rồi: “There is no concentration for one without wisdom, there is no wisdom for one without concentration, the one who has both concentration and wisdom is indeed in the presence of Nibbāna.” (Không có định đối với người nào không có tuệ, không có tuệ đối với người nào không có định. Người nào có cả định và tuệ thì thực sự đã trong hiển lộ của Niết Bàn.)

Trong nhiều kinh, Đức Phật dạy rằng phải dựa vào ngũ căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn) để giải thoát. Nghĩa là, phải tin chắc thật vào Như Lai và tin Bát Chánh Đạo là con đường giải thoát. Tấn căn là giữ giới và hành trì nghiêm túc, "sống tinh cần, tinh tấn đoạn trừ các pháp bất thiện, làm cho đầy đủ các thiện pháp, với nỗ lực kiên trì, tinh tấn, không có từ bỏ gánh nặng các thiện pháp"... Niệm căn là chánh niệm, tức là “mindfulness” và định căn là tịnh chỉ (Thanissaro dịch là "concentration" và Sujato dịch là "immersion."). Theo nghĩa này, Thiền Quán là Niệm căn, và Thiền Chỉ là Định căn, cần phải bước tới Tuệ căn để giải thoát.

Trong Kinh SN 48.9, Đức Phật dạy về cách hướng niệm và định để tới tuệ giải thoát, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là niệm căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử chánh niệm, thành tựu niệm tuệ, tối thắng (satinepakkena), ức niệm, tùy niệm các việc làm từ lâu, các lời nói từ lâu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là niệm căn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là định căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử sau khi từ bỏ pháp sở duyên, được định, được nhứt tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là định căn.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ căn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt các pháp, trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ căn.(2)

Thực ra, các chữ  gốc Hán Việt đều khó hiểu. Trong khi, nếu chúng ta thay chữ định bằng “lặng lặng” và quán bằng “tỉnh tỉnh” thì dễ hiểu vô cùng. Nhưng khi gặp chữ khó hiểu, đối chiếu sang các kinh tiếng Anh thì sẽ không nhầm lần. Bất kể là tu pháp nào, dù là vào bằng cửa tỉnh tỉnh, hay vào bằng cửa lặng lặng, hay là cửa quân bình, ly dục  là điều cần thiết. Do vậy, Phật tử tại gia đang có gia đình, cũng phải sống như người độc thân, mới có thể vào được sơ Thiền.

Trong Kinh AN 4.162, Đức Phật dạy rằng muốn năm căn mạnh, thì phải ly dục, theo bản dịch Thầy Minh Châu:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người bản tánh tham dục không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do tham dục sanh; bản tánh sân không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do sân sanh; bản tánh si không có cường thịnh, thường không có cảm thọ khổ ưu do si sanh. Với người ấy, năm căn này hiện ra rất dồi dào, tức là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Do năm căn này dồi dào, người ấy đạt được Vô gián định một cách nhanh chóng để đoạn tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đạo hành lạc, thắng trí nhanh.(3)

Khi tu tập định căn, tức là Thiền Chỉ. Khi tu niệm căn, tức là Thiền Quán. Khi chỉ và quán quân bình, sẽ dễ dàng đắc tuệ giải thoát, tức là kinh nghiệm thực chứng được các pháp ấn vô thường, vô ngã.

Đối với người đắc sơ Thiền, từ đây hướng tâm về các pháp quán như lời Đức Phật dạy, thì sẽ giải thoát. Trên mạng Thư Viện Hoa Sen đã có nhiều bài hướng dẫn về cách vào sơ Thiền. Nơi đây xin ghi lời Đức Phật dạy trong Kinh AN 6.73 về điều kiện để đạt được và an trú sơ Thiền, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, có thể đạt được và an trú sơ Thiền.” (4)

Đức Phật dạy rằng, từ sơ Thiền, tùy quán theo Kinh AN 9.36 thì sẽ giải thoát, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng: “Y chỉ vào sơ Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận”, như vậy được nói đến. Do duyên gì, được nói đến như vậy? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly dục… chứng và trú sơ Thiền. Vị ấy, ở đây đối với cái gì thuộc về sắc, thuộc về thọ, thuộc về tưởng, thuộc về hành, thuộc về thức, các pháp ấy, vị ấy tùy quán là vô thường, là khổ, là bệnh, là mụt nhọt, là mũi tên, là va chạm, là tật bệnh, là khách lạ, là biến hoại, là trống không, là vô ngã. Vị ấy tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, sau khi tránh né tâm mình khỏi những pháp ấy, vị ấy hướng dẫn đến giới bất tử: “Đây là tịch tịnh, đây là thù thắng, tức là sự chỉ tức tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, sự diệt tận khát ái, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn”. Vị ấy trú ở đây, đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc, nếu không diệt tận các lậu hoặc, với pháp ái ấy, với pháp hỷ ấy, do đoạn diệt năm hạ phần kiết sử, là vị hóa sanh, tại đấy chứng được Niết-bàn, không còn trở lui thế giới này nữa.(5)

Tới đây, câu hỏi thường gặp rằng thế nào là “chánh niệm, tỉnh giác” hiểu theo lời Đức Phật dạy? Trong Kinh SN 47.2, Đức Phật dạy rằng lìa tham và ưu để quán sát chính là chánh niệm, và thường trực giữ chánh niệm trong các tư thế gọi là tỉnh giác. Kin h này theo bản dịch của Thầy Minh Châu viết:

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời … quán thọ trên các thọ … quán tâm trên tâm … quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo tỉnh giác? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui, đều tỉnh giác; khi nhìn tới, khi nhìn lui, đều tỉnh giác; khi co cánh tay, duỗi cánh tay, đều tỉnh giác; khi đắp y Tăng-già-lê, khi mang y bát, đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai nếm, đều tỉnh giác; khi đi tiểu tiện, đại tiện, đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.(6)

Trong khi quán sát như lời dạy trong Tứ Niệm Xứ, sẽ thấy bất kỳ cửa nào cũng có thể giải thoát, dù là quán thân, hay quán thọ, hay quán tâm, hay quán pháp. Không nhất thiết là phải tuần tự quán sát trọn vẹn cả bốn niệm xứ. Trong Kinh SN 47.37, Đức Phật dạy như sau, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trú, quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Do vị ấy trú, quán thân trên thân, ước muốn đối với thân được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

Vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ … Do vị ấy trú, quán thọ trên các cảm thọ, ước muốn đối với thọ được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

Vị ấy trú, quán tâm trên tâm … Do vị ấy trú, quán tâm trên tâm, ước muốn đối với tâm được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.

Vị ấy trú, quán pháp trên các pháp … Do vị ấy trú, quán pháp trên các pháp, ước muốn đối với các pháp được đoạn diệt. Do ước muốn được đoạn diệt nên chứng ngộ được bất tử.” (7)

Kinh vừa dẫn nói rằng quán thân, thọ, tâm, pháp phải đoạn diệt được “ước muốn” thì mới giải thoát. Tại sao phải đoạn diệt “ước muốn” và điều đó có ý nghĩa gì? Đơn giản, khi còn “ước muốn” là còn thấy có cái “tôi” và cần “cái của tôi” – nghĩa là, khi “ước muốn được đoạn diệt” nghĩa là hoàn toàn không còn chút gì cái “tôi” hay “cái của tôi” và đó là giải thoát. Đó là Thiền Quán theo lời Phật dạy. Nơi đây, chúng ta không bàn vế các pháp Thiền Chỉ và Thiền Quán trong các luận thư đời sau.

Có một Kinh, cho thấy có tương thông giữa tỉnh tỉnh và lặng lặng. Từ quán sát thân tâm vô thường, dẫn tới ly tham, khi “hỷ và tham đoạn tận” thì là giải thoát. Nói đoạn tận “hỷ và tham” bởi vì hỷ là vui với thân tâm mình trong cõi này, và tham là muốn có những gì với thân tâm mình trong cõi này, tức là hỷ và tham sẽ làm chúng at lún sâu hơn vao sinh tử luân hồi.

Kinh SN 22.51 ghi lời dạy, theo bản dịch Thầy Minh Châu:

Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thấy sắc vô thường là vô thường; đấy là chánh tri kiến của vị ấy. Thấy chơn chánh như vậy, vị ấy yếm ly. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham đoạn tận, hỷ được đoạn tận. Do hỷ, tham đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã khéo giải thoát. Này các Tỷ-kheo, khi một Tỷ-kheo thấy thọ vô thường là vô thường … tưởng vô thường … các hành vô thường …

Này các Tỷ-kheo, khi vị Tỷ-kheo thấy thức vô thường là vô thường; đấy là chánh tri kiến của vị ấy. Thấy chơn chánh như vậy, vị ấy yếm ly. Do hỷ đoạn tận, tham được đoạn tận. Do tham đoạn tận, nên hỷ được đoạn tận. Do hỷ, tham đoạn tận, tâm được giải thoát, vị ấy được gọi là vị đã được khéo giải thoát.” (8)

Trong Kinh Ud 3.5, Đức Phật dạy ngài Mahāmoggallāna rằng với chánh niệm về thân được thiết lập, phòng hộ sáu căn, luôn luôn giữ tâm trong định thì sẽ giải thoát. Bản Anh dịch của ngài Sujato ghi lời dạy của Đức Phật về thường trực trong tương thông cả chỉ (tĩnh chỉ tâm) và quán (niệm thân) như sau:

With mindfulness of the body established, restrained in the six fields of contact, a mendicant always immersed in samādhi would know quenching in themselves.” (9)

Nơi đây, xin dịch như sau: “Với chánh niệm về thân được thiết lập, phòng hộ sáu lĩnh vực tiếp xúc của sáu căn, một vị tu sĩ luôn luôn giữ tâm trong định sẽ biết tịch lặng giải thoát trong chính vị này.”

Có một cách đơn giản nhưng cực kỳ khó. Những người tâm hồn cực kỳ ngây thơ sẽ dễ vào. Tới đây, chúng ta sẽ nói về Đốn giáo. Tức là giải thoát tức khắc.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn của Thiền Tông, bản dịch của Thầy Thích Duy Lực, nơi Phẩm Tựa Thứ Nhất có ghi như sau:

“…Huệ Năng liền ra ngồi trên tảng đá, Huệ Minh đảnh lễ nói rằng: Mong hành giả vì tôi thuyết Pháp. Huệ Năng nói: Ông đã vì Pháp mà đến đây, thì nên ngưng nghỉ các duyên, chớ sanh một niệm, ta sẽ vì ông mà thuyết.

Một hồi sau Huệ Năng nói: Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái nào là bổn lai diện mục của Thượng Tọa Minh? Huệ Minh ngay đó đại ngộ, lại hỏi rằng: Ngoài lời mật ý kể trên, còn có ý nào bí mật chăng? Huệ Năng nói: Đã nói với ông thì chẳng phải mật rồi, nếu ông phản chiếu thì mật tại bên ông.(10)

Lời của Lục Tổ Huệ Năng cũng là nói một phiên bản khác từ lời Đức Phật dạy. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Có nghĩa là trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm thọ từ xúc chạm, suy nghĩ tư lường… thì tâm không chệch theo bất kỳ những gì trong quá khứ hay mơ mộng tương lai, cũng không dính tới bất kỳ ưa thích hay ghét bỏ nào, nghĩa là để cho cái biết trực tiếp hiển lộ mà không can thiệp. Ngay khi cái biết trực tiếp hiển lộ, sẽ không có tham sân si nơi đó.


Đức Phật dạy trong Kinh SN 35.80, bản dịch của Thầy Minh Châu như sau (chữ “thắng tri” -- directly know -- là biết trực tiếp, chữ “liễu tri” là biết trong chứng nghiệm vô ngã, ly tham):

Ở đây, này Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo có nghe: “Các pháp không nên thiên chấp”. Này Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ấy nghe như sau: “Tất cả các pháp không nên thiên chấp”, vị ấy thắng tri tất cả các pháp. Do liễu tri tất cả pháp nên thấy tất cả tướng có thể thay đổi … Vị ấy thấy con mắt có thể thay đổi … các sắc … nhãn thức … nhãn xúc … Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; vị ấy thấy cảm thọ ấy có thể thay đổi. Này Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo biết vậy, thấy vậy nên vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.” (11)

Cái biết trực tiếp đó hiển nhiên là cái biết của “không nghĩ thiện, không nghĩ ác” trong Kinh Pháp Bảo Đàn. Cái biết trực tiếp đó không trải qua bất kỳ níu kéo, xua đầy, giằng co, vướng víu… nào cũng là lời dạy trong Kinh Bahiya Sutta, khi Đức Phật dạy ngài Bahiya rằng hãy để cái được thấy là cái được thấy, hãy để cái được nghe là cái được nghe… và đó là giải thoát.

Chính ngay trong cái biết trực tiếp đó, chính là cảnh giới siêu xuất cả chỉ và quán, và với thời gian, từ cái biết trực tiếp (thắng tri) là rất gần với cái biết của giải thoát (liễu tri). Nơi đây, không cần khởi tâm tu chỉ hay tu quán, mà tất cả các thiện pháp đều hiển lộ. Đó cũng chính là nơi vua Trần Thánh Tông  đã nói là “Dụng của chân tâm, tỉnh tỉnh lặng lặng…”



GHI CHÚ:

(1) Kinh AN 10.54: https://suttacentral.net/an10.54/vi/minh_chau

(2) Kinh SN 48.9: https://suttacentral.net/sn48.9/vi/minh_chau

(3) Kinh AN 4.162: https://suttacentral.net/an4.162/vi/minh_chau

(4) Kinh AN 6.73: https://suttacentral.net/an6.73/vi/minh_chau

(5) Kinh AN 9.36: https://suttacentral.net/an9.36/vi/minh_chau

(6) Kinh SN 47.2: https://suttacentral.net/sn47.2/vi/minh_chau

(7) Kinh SN 47.37: https://suttacentral.net/sn47.37/vi/minh_chau

(8) Kinh SN 22.51: https://suttacentral.net/sn22.51/vi/minh_chau

(9) Kinh Ud 3.5: https://suttacentral.net/ud3.5/en/sujato

(10) Kinh Pháp Bảo Đàn: https://thuvienhoasen.org/p16a681/pham-tua-thu-nhat  

(11) Kinh SN 35.80: https://suttacentral.net/sn35.80/vi/minh_chau

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]