Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kỳ 13: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda

16/09/202317:36(Xem: 4047)
Kỳ 13: Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda

bai kinh giang cho Girimananda

Học Phật Trong Mùa Đại Dịch       
(Kỳ 13)
            
Học, Hiểu và Hành
Kinh Girimananda
(Kỳ 01)


Tác giả: Lê Khắc Thanh Hoài
Diễn đọc: Phật tử Diệu Danh




 

Đức Phật Thích Ca đã dạy tôn giả Girimananda thực hành Mười Pháp Quán Niệm khi vị này lâm trọng bệnh. Bài kinh này cũng sẽ giúp Phật tử chúng ta có thêm năng lượng tích cực, vững mạnh tinh thần hơn để đối phó với bệnh tật. Bệnh tật thì lúc nào cũng có thể xảy ra, không chỉ nhằm vào Mùa Đại Dịch. Nhưng Đại Dịch mang tính cách trầm trọng và lây lan khắp toàn thế giới nên tác động vào tâm thức chúng ta mạnh mẽ hơn đồng thời cũng thức tỉnh chúng ta để không quên lời Phật dạy : « Hãy nghe đây, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con, tất cả Pháp Hữu Vi đều vô thường. Hãy tận lực liên tục chuyên cần. » ( Kinh Di Giáo )

Do vâng giữ lời Phật dạy mà Đạo Tràng chúng ta chuyên cần tu học trong Mùa Đại Dịch và tìm hiểu Kinh Girimananda được xem là hợp tình hợp cảnh, sẽ giúp cho người không mắc bệnh, chưa mắc bệnh có được sự chuẩn bị tinh thần tốt và người đã mắc bệnh thì lại càng cố gắng sáng suốt để tiếp thu lời Phật dạy, bệnh tình có thể thuyên giảm hay khỏi hẳn hoặc nếu phải lìa bỏ cõi đời cũng không nuối tiếc vì đã được ôn lại lời Phật dạy mà lợi ích ắt không thể nghĩ bàn vì một khi mà trí tuệ được phát sinh thì đời đời kiếp kiếp sẽ dẫn dắt chúng ta đi tiếp trên con đường giải thoát.

Chúng ta đọc thấy trong Kinh Pháp Cú, Phẩm Ngàn :

Dầu sống một trăm năm

Không thấy Pháp Tối Thượng

Chẳng bằng sống một ngày

Thấy được Pháp Tối Thượng.

Lời Phật dạy là những bài Pháp Tối Thượng. Được nghe qua mà chưa thực hành được cũng vẫn là vô cùng quí giá. Đa số các Kinh mà chúng ta được học đều là những lời dạy dành cho các vị xuất gia nhưng hàng phật tử tại gia như chúng ta vẫn có thể học, đọc, tụng, nghe giảng các lời dạy đó. Trí tuệ không phải dễ dàng được khai mở nói chi việc thực hành lại càng khó gấp bội. Do vậy huân tập lời Kinh được chừng nào là lợi ích chừng đó, chẳng xem thường. Chánh Kiến, Chánh Tư Duy có được cũng bắt đầu từ việc học, đọc, tụng hay nghe giảng.

 

Nơi Khổ Đế mà Đức Phật đã dạy thì bệnh tật chỉ là một trong những cái khổ, thường đi theo nhau là Sinh Lão Bệnh Tử. Đã sanh ra đời thì phải chịu hết trẻ đến già nua, già nua thì bệnh tật và cái chết chờ đợi đằng sau. Tuy nhiên khi bệnh thì không phải cứ nhắm mắt chờ chết, ai cũng lo chữa trị, lành bệnh thì mừng, tiếp tục theo đuổi những gì mình đang thực hiện, làm tròn bổn phận, trách nhiệm hay chỉ là kéo dài sự sống vì sợ cái chết, hoặc chỉ muốn tiếp tục thụ hưởng những gì đang có.

Nếu người nào không còn một mục đích gì trên đời nữa và quá mệt mỏi chống chọi với bệnh tật thì chắc là người này cứ để cho bệnh tật đưa tới cái chết, chấm dứt sự sống, nhưng bình thường với người đang còn trong tuổi thiếu niên, trung niên, thậm chí lão niên nhưng vẫn thấy mình cần phải phấn đấu, vì chưa làm xong phận sự hay trách nhiệm gì đó, hoặc thấy mình chưa có đủ sự hiểu biết, tu tập chưa tới đâu, từ giã cõi đời, chết trong ngu si vô trí thì quả là uổng phí, mỗi người đều có ý riêng, quan điểm riêng của mình trước bệnh tật nên ai cũng tìm mọi cách để kéo dài mạng sống.

Một bên là có sự chữa trị qua thuốc men, qua sự bồi dưỡng cơ thể, đó là lo chăm sóc cái Thân, một bên khác là có sự điều chỉnh tinh thần, cái Tâm, thêm sức mạnh, thêm lạc quan, để hỗ trợ cho cái Thân dễ phục hồi sức khoẻ. Thời đại này ai cũng biết Thân và Tâm ảnh hưởng nhau như thế nào. Thân bệnh thì cũng làm cho Tâm bệnh theo, mất tinh thần, chán chường, khổ sở. Tâm bi quan, than thân trách phận, buông xuôi thì bệnh tật dễ dàng tăng trưởng. Tâm lạc quan, không than, không trách, không buông xuôi, hăng hái phấn đấu thì có thể làm cho Thân trở nên khoẻ mạnh, bệnh tình thuyên giảm hay khỏi hẳn. Ngoài ra còn có thứ bệnh mà hoàn toàn do Tâm tạo ra. Đọc Kinh Girimananda chúng ta thấy Đức Phật cũng đã nói đến các bệnh do « rối loạn tâm thần ».

Tìm hiểu Kinh Girimananda là chúng ta đang hướng về cả hai mặt, nương vào sự hỗ trợ tinh thần, dùng sức mạnh của Tâm, được dẫn dắt bởi Trí Tuệ để có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy mà vượt qua nỗi khổ đau phải chịu đựng nơi cái Thân yếu đuối, bệnh hoạn, và nương vào hơi thở, lấy Chánh Niệm làm phương pháp để tự chữa trị bệnh tật. Thật là bài thuốc hoàn hảo để tự mình cứu lấy mình trong cơn bệnh hoạn mà Đức Phật đã tuyên dạy từ ngàn xưa cho đến ngày nay vẫn áp dụng được. Đây là một bài Pháp Thoại vừa khai mở trí tuệ vừa ban cho một liều thuốc không tốn kém đưa đến An Lạc thật sự !

 Khoa Học đã tiến bộ nhưng vẫn còn thua xa cái thấy thông suốt của Đức Phật trên nhiều phương diện.

Trong bài Học, Hiểu và Hành Kinh Girimananda hôm nay,  chúng ta sẽ dựa vào bản dịch Việt ngữ của Tỳ Kheo Giác Nguyên ( Toại Khanh ).

 

 https://quangduc.com/a56996/kinh-girimananda-sutta



Nhân Duyên Phật nói Kinh Girimananda :

Kinh dạy :

Như vầy tôi nghe: Một thời  Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên, khu vườn của ông Cấp Cô Độc. Lúc bấy giờ, tôn giả Girimananda bị lâm trọng bệnh, đau đớn trầm kha. Rồi tôn giả Ànanda đã đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuông một bên. Sau khi yên vị, tôn giả Ànanda đã thưa chuyện với Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, tôn giả Girimànada đang bị lâm trọng bệnh, đau đớn trầm kha. Lành thay, bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì lòng bi mẫn quang lâm đến ch tôn giả Girimànanda để thăm bệnh.

Này Ànanda, nếu ngươi đến ch của tỷ kheo Girimànanda và nói lại 10 pháp niệm tưởng sau đây, thì sự kiện này có thể xảy ra là sau khi nghe xong, bệnh tình của tỷ kheo Girimànanda có thể lập tức thuyên giảm.

 

Kinh Girimananda là những lời Phật dạy cho vị Tỳ Kheo có tên là Girimananda được dịch là Kỳ Lợi Ma Nan, thuộc Tăng Chi Bộ, kinh tạng Pali.

Duyên khởi của kinh này là khi tôn giả Girimananda lâm trọng bệnh, chính Đức Phật đã dạy cho ngài Anan thọ trì nguyên văn bài kinh, sau đó đến tận mặt thăm tôn giả Girimananda và trùng tuyên lại những gì đã được Phật dạy. Sau khi lắng lòng, định tâm nghe bài kinh này thì tôn giả Girimananda đã phục hồi sức khoẻ.

Từ đó bài kinh được truyền lại cho hậu thế và được xem như là một bài kinh cầu an, mỗi khi ai lâm trọng bệnh thì được tụng, đọc, được nghe kinh này để mong cầu cho bệnh tật qua khỏi.

Chỉ nghe, đọc hay tụng kinh có sự lợi ích của nó chứ không thể nói là không có một tác động nào tích cực trong sự điều trị bệnh tật, nhưng chúng ta cần hiểu rõ thêm nghĩa lý của kinh và hành trì theo lời dạy trong kinh mới là điều cần thiết hơn nữa.

Vậy Đức Phật đã dạy gì cho tôn giả Girimananda để đối phó với bệnh tật ?

Kinh dạy :

 Này Ànanda, nếu ngươi đến chỗ của tỷ kheo Girimànanda và nói lại 10 pháp niệm tưởng sau đây, thì sự kiện này có thể xảy ra là sau khi nghe xong, bệnh tình của tỷ kheo Girimànanda có thể lập tức thuyên giảm. Thế nào là 10 pháp niệm tưởng đó? Đó là Vô thường tưởng, Vô ngã tưởng, Bất tịnh tưởng, Nguy hại tưởng, Đoạn trừ tưởng, Ly tham tưởng, Tịch diệt tưởng,  Yếm thế tưởng, Hữu vi hoại tưởng và Nhập xuất tức niệm.

 

2/ Hãy cùng tìm hiểu Mười Pháp Niệm Tưởng hay Quán Niệm :

A. Vô Thường tưởng là như thế nào ? Đức Phật dạy :

Này Ànanda, thế nào là Vô thường tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán vô thường trong 5 thủ uẩn này bằng cách  quán xét rằng sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường. Này Ànanda, đây được gọi là Vô thường tưởng.

Kinh dạy : Quán Vô Thường trong Năm Thủ Uẩn. Hãy hiểu rõ Năm Thủ Uẩn là gì ?

Năm Uẩn hay Ngũ Uẩn ám chỉ cái thân của mỗi con người chúng ta gồm 5 nhóm họp lại, chia ra thành 2 phần, Sắc ( thân vật chất do Tứ Đại hợp thành) và Danh ( phần tinh thần hay tâm lý gồm Thọ Tưởng Hành Thức). Cũng còn được gọi là Năm Ấm, năm thứ ngăn che hay chướng ngại vì chúng cản trở, che lấp Chân Tánh thanh tịnh vốn có sẳn trong mỗi con người.

Phật dạy nơi Kinh Đại Mãn Nguyệt :

- Bạch Thế Tôn, năm thủ uẩn này, lấy gì làm căn bản?

-- Này Tỷ-kheo, năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản.

-- Bạch Thế Tôn, có phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, hay là ngoài năm thủ uẩn, có một chấp thủ (khác)?

-- Này Tỷ-kheo, không phải chính chấp thủ ấy là năm thủ uẩn, cũng không phải ngoài năm thủ uẩn có sự chấp thủ. Này Tỷ-kheo, khi nào có lòng dục, lòng tham đối với năm thủ uẩn, ở đấy chính là chấp thủ.

Vậy, khi con người tham đắm, chấp chặt vào Ngũ Uẩn thì gọi là Ngũ Thủ Uẩn

Tìm hiểu tiếp 5 thành phần của Ngũ Uẩn, chúng ta có :

Sắc không chỉ dành riêng cho cái Thân Ngũ Uẩn, Sắc chỉ cho tất cả những gì thuộc vật chất, bất cứ gì được cấu tạo từ đất nước lửa gió, tức là có chất rắn, chất lỏng, chất nóng ( nhiệt độ ) và chất khí (hơi, gió) là có được cái Sắc. Nhưng khi nói đến cái Thân Ngũ Uẩn là chỉ nói riêng cho con người. Nói cái Thân Ngũ Uẩn và đề cập riêng phần Sắc là nói đến tất cả các bộ phận thấy được trên cái thân như đầu, bụng, tay, chân, mắt, mũi, miệng, lưỡi, răng, tóc…và các bộ phận nằm bên trong như ruột, gan, tim, phổi…

Cái thân Ngũ Uẩn được cấu tạo từ Sắc nên nó cũng liên hệ mật thiết với tất cả những gì được cấu tạo từ Sắc như thiên nhiên (cây cỏ, núi đồi, đồng ruộng, mặt trăng, mặt trời…) động vật (chim muông, chó, mèo, con vật to lớn như voi cũng như nhỏ nhít như côn trùng, vi trùng…) sự vật ( đồ ăn, thức uống, áo quần, nhà cửa, xe cộ, bàn ghế…) Tất cả đều có ảnh hưởng tới cái thân Ngũ Uẩn của con người. Các yếu tố thuộc về Sắc đều ảnh hưởng lẫn nhau.

Như lời Phật dạy : Này các Tỳ Kheo, phàm Sắc gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc Uẩn. ( Đại Kinh Mãn Nguyệt, Trung Bộ Kinh III )

Nhưng không riêng cho Sắc Uẩn, các yếu tố trong phần Danh cũng được dạy như vậy :

Phàm cảm thọ gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là thọ uẩn.

Phàm tưởng gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là tưởng uẩn. Phàm những hành gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là hành uẩn. Phàm thức gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại... xa hay gần, như vậy là thức uẩn. Cho đến như vậy, này Tỷ- kheo là ý nghĩa chữ uẩn trong các uẩn.

 

Ở đây chúng ta đang bàn về Sắc Uẩn, vậy thì Sắc Uẩn phải được hiểu là tất cả các yếu tố vật chất kể cả năng lượng, là trong thân thể, là ngoài thân thể, lớn, nhỏ, yếu đuối hay mạnh mẽ, ở xa, ở gần và về thời gian thì thuộc cả ba đời và không gian thì cũng không có giới hạn.

Khi nói đến cái thân Ngũ Uẩn về phần Sắc, thì không thể tách rời mối liên hệ mật thiết, có thể nói là bất khả phân ly giữa con người với các yếu tố thiên nhiên, môi trường, hoàn cảnh, sự vật chung quanh.

Kinh dạy quán Năm Thủ Uẩn này là Vô Thường vì chính bản chất của Sắc là Vô Thường, trong sự sanh đã có mầm diệt. Thành Trụ Hoại Diệt là một định luật. Cái thân con người sanh ra, lớn lên, già nua, suy sụp, chết, biến mất, hoại diệt. Những gì thuộc vật chất, nằm bên ngoài cái thân cũng đều như vậy.

Quán Vô Thường đồng thời nhận ra sự sanh sự diệt đều lệ thuộc vào các điều kiện, các yếu tố bên trong cũng như bên ngoài cái thân con người, yếu tố vật lý, sinh lý cũng như tâm lý đều nương vào nhau mà có, mà tồn tại hay mất đi. Đó là Lý Duyên Sinh hay Duyên Khởi như lời Phật dạy :

Do cái này có mặt nên cái kia có mặt

Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt

Do cái này sinh nên cái kia sinh

Do cái này diệt nên cái kia diệt.

( Kinh Phật Tự Thuyết, Tiểu Bộ I )

 

Chấp thủ, nghĩa là để tâm tham ái, lòng dục, đắm nhiễm vào Sắc, cái thân vật chất hay tất cả những gì thuộc vật chất thì sẽ chịu ảnh hưởng của qui luật Vô Thường này, và do Duyên Sinh thì chúng ta cũng không thể làm gì hơn khi không hội đủ điều kiện để mọi chuyện diễn biến theo ý mình, như vậy Ngũ Thủ Uẩn chỉ gây thất vọng, đau khổ, sầu bi khổ não. Phật dạy quán Vô Thường để không chấp thủ, tham đắm vào cái phần Sắc hay vật chất nữa và đồng thời cũng chấm dứt khổ đau.

Chúng ta cần nhớ thêm rằng các Pháp Hữu Vi đều phải chịu ảnh hưởng của định luật Vô Thường hay Duyên Sinh.

Pháp Hữu Vi là những pháp có điều kiện gồm tất cả những gì chúng ta thấy và biết được qua sáu giác quan với các đối tượng của giác quan, qua sự tiếp xúc của cơ thể, cảm thọ, tri giác, tư tưởng, được ghi nhận, cất giữ trong trí nhớ, tất cả những hiện tượng vật lý hay tâm lý, cụ thể, có hình tướng, có sắc thân hay chỉ trừu tượng, như những điều suy nghĩ, ghi nhớ, tưởng tượng đều cần có một nhân một duyên để có một sự khởi đầu rồi chấm dứt, sinh rồi diệt, diệt rồi lại có thể tái sinh, hiện hữu trở lại một khi hội đủ nhân duyên và điều kiện khác. Cứ tiếp diễn như vậy, một vòng quay bất tận được gọi là Luân Hồi.

Theo Ajahn Sumedho, Tâm và Đạo, chương 8, Susanta Nguyễn dịch Việt, chúng ta có thêm định nghĩa về Pháp Hữu Vi như sau : Hữu vi có hai nghĩa: Một là pháp do duyên hòa hợp với nhau mà sinh một cách tự nhiên. Hai là pháp do hữu ý tạo tác mà thành. Hữu vi thứ nhất chỉ vô thường thôi, nếu có khổ thì chỉ là cái khổ tự nhiên, còn hữu vi thứ hai là nhân tạo tác xuất phát từ ý chí của bản ngã mới đưa đến khổ đế. Trong trường hợp chấp hữu vi thứ nhất là ta hay của ta, thì chấp chính là hữu vi thứ hai rồi, nên đương nhiên cũng khổ.

Như vậy khi quán Vô Thường, đồng thời chúng ta cũng quán về các Pháp Hữu Vi và Lý Duyên Sinh.

Quán xong phần Sắc, thì chúng ta tiếp tục quán phần Danh, phần tâm lý, gồm có :

Thọ là cảm giác, cảm nhận phát xuất do sự đụng chạm, gọi là Xúc, nơi Thân, thuộc phần Sắc, cảm giác đụng chạm từ các giác quan, mắt tai mũi lưỡi thân, tất cả đều có thể nhận ra do xúc chạm với các đối tượng, đó là hình ảnh, âm thanh, hương vị, mùi vị và những gì có thể cọ xát, va chạm vào thân, có thể là dễ chịu hay khó chịu, hoặc chẳng dễ chịu cũng chẳng khó chịu. Nơi phần tâm lý, Ý thì trừu tượng, thuộc tinh thần, là phần Danh, nhưng cũng dễ nhận ra và không khác gì những cảm thọ từ nơi phần Sắc, có những cảm xúc gây dễ chịu, thích thú, cũng như gây bực bội, khó chịu hoặc không gây một phản ứng gì khó chịu, dễ chịu gì hết. Những cảm xúc, cảm giác, cảm nhận này, từ vật lý hay tâm lý, đều thay đổi không ngừng, khi mạnh khi nhẹ, khi dễ chịu, khi khó chịu… có đó rồi cũng mất đó…nên Kinh dạy quán Thọ là Vô Thường. Và cũng như Sắc Uẩn, Thọ vừa vật lý, vừa có yếu tố tâm lý, đều có thể thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần và bản chất là Vô Thường. Quán Thọ toàn diện như vậy để chúng ta buông xả, không chấp thủ, tham đắm vào Thọ Uẩn.  Không tham đắm thì hết khổ.

Tưởng là những gì được thấy, được biết qua dòng tư tưởng, khởi đầu cũng dựa vào sự nhận biết của các căn với các đối tượng, dựa vào các cảm thọ từ các đối tượng đó mới nảy sinh những luồng nhớ nghĩ, suy tư, hoài niệm, tưởng tượng…Tưởng có thể khởi lên rồi lặn mất, quên rồi lại nhớ, nhớ rồi lại quên nhưng vẫn như một dòng chảy hầu như liên tục nên chúng ta bám vào Tưởng và xem như là Tưởng mãi thường còn, nhưng không, Kinh dạy Tưởng cũng Vô Thường, xuất hiện rồi biến mất, sanh rồi diệt. Khi đầy đủ điều kiện, có Căn, có Trần, có Thọ thì Tưởng xuất hiện trở lại, không có cơ sở để nương tựa, Tưởng cũng không thể xuất hiện.

Hành cũng trừu tượng như Tưởng nhưng mạnh mẽ hơn, có năng lực của những luồng tư tưởng, nghĩ suy thúc giục, sai khiến chúng ta phải hành động, gọi là Tác Ý. Hành động là để đạt cho được cái đích mà mình hướng tới. Hành thúc đẩy tạo nghiệp, Con người bị Hành thôi thúc và tưởng như liên tục, không ngừng, không gián đoạn nhưng không, Hành cũng Vô Thường, khởi lên rồi biến mất, biến đi rồi lại xuất hiện, chịu sự đổi thay, khi thế này, khi thế khác, bất thường, không nhất định, biến đổi, biến hoại, sanh rồi diệt, diệt rồi lại sanh. Vừa muốn cho được chuyện rồi lại buông xuôi, náo nức rồi lại thờ ơ, mong cầu móng lên rồi lại biến đi đâu, rồi lại khởi lên, như ngọn lửa bốc lên rồi nguội lạnh, bị dập tắt, khi có đủ duyên, đủ điều kiện thì lại bốc cháy... Cứ như thế lòng vòng… Sắc, Thọ, Tưởng và Hành đều nương tựa nhau để sanh khởi hay biến mất.

Thức là sự nhận biết các đối tượng của các giác quan, mắt có thể thấy hình ảnh, tai có thể nghe âm thanh, mũi có thể ngửi mùi hương, lưỡi có thể nhận ra vị mặn ngọt chua cay, thân nhận ra các xúc chạm và ý nhận ra các luồng suy nghĩ, suy tư. Kinh dạy Thức là Vô Thường vì Thức lệ thuộc vào Sắc, yếu tố vật chất tìm thấy nơi Căn ( các giác quan ) và Trần ( các đối tượng của giác quan ). Không có Căn, Trần cũng như không có Thọ, Tưởng và Hành, phần cảm giác, tri giác và trừu tượng thì Thức cũng không biết bám vào đâu mà sanh khởi, mà hoạt động. Do bản chất của Sắc là Vô Thường thì Căn, Trần cũng Vô Thường, kéo theo là Thức, lệ thuộc vào Căn, Trần thì Thức cũng Vô Thường. Tiếp tục như thế, do Thọ, Tưởng, Hành tuy là cảm giác, tri giác, trừu tượng nhưng đều Vô Thường mà Thức phải nương vào đó để hoạt động thì tất nhiên Thức cũng Vô Thường.

Nghĩa căn bản của Thức chỉ là sự nhận biết của các giác quan về các đối tượng, vật lý cũng như tâm lý. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rộng hơn về Thức như là Ý Thức hay Tâm Ý. Chính có sự xen vào của Ý Thức hay Tâm Ý mà chúng ta có những suy nghĩ khác nhau, sự đánh giá, phân biệt, phê bình, chỉ trích, khen chê, chọn lựa, thích, không thích, thâu về, giữ lấy hay loại trừ…

Cái khả năng này của Thức vẫn phải nương vào Sắc, Thọ Tưởng và Hành để hoạt động. Như đã đề cập phần trên, Năm Uẩn là bất khả phân ly. Bản chất Vô Thường của Sắc Uẩn cũng là bản chất chung của tất cả các Uẩn còn lại. Khi quán riêng Sắc Uẩn như Phật dạy : « Này các Tỳ Kheo, phàm Sắc gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai, trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là Sắc Uẩn » và các yếu tố Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều phải được quán y hệt như Sắc vậy.

 

Bài Quán thứ nhất mà Đức Phật dạy trong bài kinh là Quán vô Thường của cái thân Ngũ Uẩn. Vì sao phải Quán Vô Thường ?

Quán Vô Thường của cái thân Ngũ Uẩn để không còn bám vào, chấp thủ nó thì hết khổ vì nó. Như lời dạy trong Kinh Vô Ngã Tướng :

-      Sắc ( Thọ Tưởng Hành Thức cũng như vậy) là Vô Thường hay Thường ?

-      Bạch Thế Tôn là Vô Thường.

-      Cái gì Vô Thường là khổ hay vui ?

-      Bạch Thế Tôn là khổ.

Bước thứ  nhất là nhận ra cái thân Ngũ Uẩn là Vô Thường và chỉ đem lại khổ đau. Tiếp đến là bước thứ hai cần tìm hiểu.

  B/ Kinh dạy :

Này Ànanda, thế nào là Vô Ngã tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán vô ngã trong 6 nội ngoại xứ  này bằng cách  quán xét rằng mắt là vô ngã, cảnh sắc là vô ngã, tai là vô ngã, cảnh thinh là vô ngã, mũi là vô ngã, các mùi là vô ngã, lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã, thân là vô ngã, cảnh xúc là vô ngã, ý là vô ngã, cảnh pháp là vô ngã. Này Ànanda, đây được gọi là Vô ngã tưởng.

 

Do quán Sáu Căn ( mắt tai mũi lưỡi thân và ý ) và quán Sáu đối tượng của Sáu căn, gọi là Sáu Trần ( hình ảnh, âm thanh, mùi hương, mùi vị, sự xúc chạm và ý tưởng ) mà nhận ra bản chất Vô Ngã như Kinh Vô Ngã Tướng Phật dạy :

-      Vậy đối với các pháp Vô Thường, Khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi nhận rằng : cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là bản ngã của tôi ?

-      Không bch Thế Tôn.

-      Vì thế các Tỳ kheo, tất cả Sắc Thọ Tưởng Hành Thức, cũng đều như vậy ) thuquá khứ, hiện tại, vị lai, hoặc trong hay ngoài, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, đều phải được quán như thật với chánh trí như vầy : cái này không  phảcủa tôicái này không phải là tôi, cái này không phải bản ngã của tôi.

Bài học thứ hai là quán Vô Ngã nơi Sáu giác quan ( Sáu Căn ) và nơi Sáu đối tượng của các giác quan ( Sáu Trần ). Không thể tìm thấy một cái tôi nào trong đó để bám vào, không bám vào thì không khổ. Nhưng làm sao có thể tin là không có cái tôi nào nơi cái thân Ngũ Uẩn bao gồm Sáu Căn và Sáu Trần ?

Đức Phật dạy : Các Tỳ kheo, Sắc là Vô Ngã Thọ Tưởng Hành Thức cũng đều như vậy ) Các Tỳ kheo, nếu Sắc thật là Ngã thời Sắc không thể dẫn đến khổ não và có thể mong rằng Sắc của tôi là như thế này, Sắc của tôi không như thế này. Này các Tỳ kheo, vì Sắc là Vô Ngã nên Sắc dẫn đến khổ não và không thể mong rằng Sắc của tôi là như thế này, Sắc của tôi không như thế này. Kinh Vô Ngã Tướng )

Qua lời dạy trên, chúng ta hiểu rằng nếu thật sự có một cái Ngã trong những gì mà các giác quan của chúng ta cho thấy, được nhận ra, được biết, được xúc chạm thì chúng ta đâu phải chịu khổ, chúng ta có thể làm chủ và ra lệnh mọi thứ phải theo như ý muốn của ta, thân ta, gồm mắt tai mũi lưỡi thân và ý phải như thế này, xinh đẹp, mạnh khoẻ, thông minh, sáng suốt…và những gì bên ngoài cái ta cũng phải như thế này, như thế kia. Nhưng không, mỗi chúng ta, không ai có thể làm chủ con mắt, và những gì con mắt có thể thấy, làm chủ tai và những gì tai có thể nghe, làm chủ mũi, lưỡi, thân, ý…Các đối tượng của các giác quan không hiện ra đúng như ý muốn của mình. Tất cả đều phải dựa vào các điều kiện cho phép, phải có đủ nhân đủ duyên thì con mắt của chúng ta mới thấy được cái này mà không thể thấy cái kia, tai nghe tiếng này mà không thể nghe được tiếng nọ, mũi ngửi được mùi này mà không ngửi được mùi kia…Không đủ điều kiện, không đủ duyên thì chúng ta có muốn cũng không được. Mắt chỉ muốn thấy mặt trời cho ngày sáng hoài, đêm đừng đến, nhưng không, chiều đến thì mặt trời lặn, có hỏi ý ta đâu. Tai cứ muốn nghe con chim này hót mỗi buổi sáng, nhưng không, sáng nay ai bắn chim chết rồi, còn đâu tiếng chim hót mỗi sáng. Mũi cứ chờ ngửi mùi thịt kho của mẹ trưa nay, nhưng không, trưa nay mẹ không nấu thịt kho, lại cho mình ăn món mình không ưa, mùi mình không thích. Cái mặt này thì chỉ muốn được nâng niu, nhận những nụ hôn, nhưng không, bạo hành, bạo lực từ trong gia đình, học đường, ngoài phố xá vẫn còn nhan nhãn không ai ngăn chận được. Ý này cũng thế, chỉ muốn nghĩ hay nghĩ tốt nhưng sao không làm được, hết nghĩ chuyện này đến nghĩ chuyện nọ, tốt có, xấu có thật mông lung, thật dao động …

Do đâu mà như vậy ? Do sự vắng mặt của một cái Ngã độc lập, một chủ thể có quyền hạn quyết định tất cả theo ý muốn của mình. Tất cả đều phải tuân theo định luật Vô Thường và Duyên Sinh.

Kinh dạy quán Vô Ngã để không còn phải khổ vì bám vào cái thân Ngũ Uẩn, xem cái thân này là của ta, là ta, là tự ngã của ta thì chỉ gặt hái những khổ đau. Nơi bài Pháp đầu tiên, đức Phật đã dạy về Khổ Đế : Này các Tỳ Kheo, đây là Thánh Đế về Khổ, sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, oán thù tụ hội là khổ, thương yêu biệt ly là khổ, mong cầu không được là khổ, tóm lại Năm Thủ Uẩn là khổ.

Quán niệm thứ nhất và thứ hai mà Kinh dạy là Quán Vô Thường và Vô Ngã để buông bỏ sự chấp trước vào cái thân Ngũ Uẩn này vậy :

Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?"

-- Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.

-- Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có sắc gì, quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại... tất cả loại sắc, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi". Phàm có thọ gì, phàm có tưởng gì, phàm có hành gì, phàm có thức gì quá khứ, vị lai hay hiện tại, nội hay ngoại.. tất cả loại thức, cần phải như thật quán: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".

Như vậy, này các Tỷ-kheo, vị Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly nên ly tham, do ly tham nên được giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết được vị ấy đã giải thoát. Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm. Từ nay không còn trở lại đời sống thế này nữa"(  Đại Kinh Mãn Nguyệt )

 

C/ Tiếp đến là Pháp quán thứ ba, Quán Bất Tịnh Tưởng, Kinh dạy :

 Này Ànanda, thế nào là Bất Tịnh Tưởng ? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo sống tùy quán bất tịnh đối với tấm thân này bằng cách quán xét rằng thân này từ chân trở lên và từ tóc trở xuống có da bao bọc bên ngoài và đầy ắp các vật bất tịnh sai biệt, gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt,  gân, xương, tủy, thận, tim, gan, màng phổi, lá lách, phổi, ruột non, ruột già, dạ dày, phẩn, mật, đờm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ đặc, nước mắt, mỡ lõng, nước miếng, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu. Này Ànanda, đây được gọi là Bất tịnh tưởng.

 

Qua đoạn kinh trên, chúng ta được dạy là quán sự bất tịnh, dơ bẩn của cái thân, thường được nhắc đến là có 32 điều bất tịnh. Kinh đã nêu ra rất rõ ràng từ bàn chân lên đến đỉnh đầu. Không một ai có thể phủ nhận sự nhơ nhớp, dơ bẩn từ nơi thân mình thoát ra. Vì vậy mới có sự tắm rửa, có xà phòng, có nước hoa, dầu thơm. Ai cũng phải chăm sóc cái thân, tóc, móng tay, móng chân phải cắt thường xuyên. Mùi hôi thối bốc lên từ cái thân không ai cũng phải lo tắm gội. Khi đau ốm thì lại càng khổ, sự bất tịnh càng thấy rõ hơn nữa. Cái thân này chỉ là một cái túi da bọc các thứ nhơ nhớp như lời Phật dạy nơi Kinh 42 chương, chương 26 : « Một vị thiên ma mang một cô gái rất đẹp đến dâng cho Phật, muốn phá hoại ý chí của Phật, Phật nói Túi da bọc các đồ nhơ ! Ngươi đến đây làm chi ĐĐi ! Ta không dùng đến ! »

Chúng ta thấy có xinh đẹp mức nào đi nữa cũng chỉ là một cái túi da bọc các đồ nhơ. Noi gương của Đức Phật, chúng ta tập buông bỏ sự tham đắm vào cái thân của mình, giữ gìn vệ sinh cần thiết, vừa đủ không cần phải quá chăm sóc, tốn kém, từ đó nảy sinh ra các thứ lo âu khác như phải có tiền để sắm xà phòng tốt, mỹ phẩm làm đẹp da, đẹp tóc, bồi dưỡng các thức ăn đắt tiền, thượng hạng cho sức khoẻ…Thiểu dục tri túc đã được chỉ  dạy, vậy chúng ta cần ghi nhớ luôn và thực hành.

Quán Thân Bất Tịnh nhưng không để rơi vào cực đoan, nhàm chán đến nỗi không thiết tha chăm sóc nó hoặc tới mức muốn kết liễu cái thân nhơ nhớp này. Không phải thế, Đức Phật dạy thấy rõ nó nhơ nhớp để đừng quá bám vào nó, là của Ta, là Ta, là bản ngã của Ta, cứ khư khư lo bảo vệ cái Ta, sinh ra đối nghịch với một cái Ta khác và tạo đủ thứ nghiệp xấu ác và kết quả chỉ là tự mình rước lấy khổ đau.

Quán Thân Bất Tịnh làm rõ nghĩa thêm tính chất Vô Thường, Vô Ngã, do Duyên Sinh của cái thân Ngũ Uẩn, nhờ đó hết tham đắm, hết khổ.

Nơi Bát Nhã Tâm Kinh, Bồ Tát Quán Âm hay Quán Tự Tại cũng không dạy gì khác :

« Bồ Tát Quán Tự Tại khi tu chứng Đại Trí Tuệ Siêu Việt, thấy rõ Ngũ Uẩn đều Không, Độ nhất thiết khổ ách. »

Cái gì do Duyên Sinh, Vô Thường, Vô Ngã thì cũng là Không vậy. Đã là Không thì có bám vào cũng chỉ là Không. Thật là hoài công. Tuy vậy chúng ta không nên lầm lẫn với Hư Vô để tiếp tục tạo nghiệp ác. Không, được hiểu trong cái nghĩa của Duyên Sinh, Vô Thường, Vô Ngã. Tạo nghiệp thì vẫn phải chịu cái quả của nghiệp đã tạo cho dù không có một cái Ngã nào.

 

D/ Học tiếp bài thứ tư là Quán Nguy Hại Tưởng. Kinh dạy :

  Này Ànanda, thế nào là Nguy Hại Tưởng? Ở đây này Ànanda, vị tỷ kheo vào rừng sâu, hay tìm đến gốc cây hoặc nhà vắng sống tùy quán các Nguy hại trong thân bằng cách quán xét rằng tấm thân này là đầy khổ nạn, nhiều nguy khốn. Trong thân này có nhiều thứ  tật bệnh sai khác như là các bệnh về mắt, các bệnh về tai, các bệnh về mũi, các bệnh về lưỡi, các bệnh về thân, các bệnh đau đầu, bệnh quai bị, các bệnh về miệng, các bệnh về răng, các bệnh ho,  bệnh xuyễn, bệnh sổ mũi, chứng ợ nóng, bệnh sốt, các bệnh dạ dày, bệnh thất phách, bệnh lỵ, bệnh phù, bệnh cảm cúm, bệnh phong cùi, bệnh ung nhọt, bệnh lao hạch, bệnh động kinh, bệnh nấm da, bệnh ngứa, các bệnh phát ban,  bệnh viêm da, các bệnh huyết vận, bệnh tiểu đường, bệnh trỉ, ung thư, bệnh rò, các bệnh do mật gây ra, do đờm dãi, do gió, do rối loạn tâm thần, do thời tiết, do oai nghi thất điều, do bị thương tổn, do  ác quả, và lạnh, nóng, đói,  khát,  đại tiện, tiểu tiện.  Này Ànanda, đây được gọi là Nguy hại tưởng.

 

Theo như lời Kinh dạy thì ở đây cũng rất rõ ràng, Đức Phật chỉ ra những thứ bệnh mà cái thân có thể mắc phải, từ đầu tới chân, bất cứ một bộ phận nào của thân thể, bên ngoài mà con mắt có thể thấy, tay chân có thể sờ mó, đụng chạm hoặc ở bên trong thân thể, phần nội tạng mà con mắt, tay chân không thể trực tiếp thấy, hoặc sờ mó, đụng chạm, và kể các chứng bệnh do « rối loạn tâm thần » hoàn toàn thuộc phần tâm lý. Bất cứ một bộ phận nào trên, hoặc trong cơ thể, thuộc phần vật lý, sinh lý và cả tâm lý đều có thể gây « nguy khốn, khổ nạn » cho chúng ta.

Chúng ta không quên cái thân Ngũ Uẩn của chúng ta bao gồm hai phần Sắc và Danh. Sắc liên quan đến Tứ Đại thì cái thân cũng vậy. Tứ Đại bất hòa thì gây bệnh tật cho thân.  Kinh dạy rõ những « nguy khốn, khổ nạn » cần hiểu rộng thêm là không chỉ do bệnh tật gây ra nơi các bộ phận của cơ thể mà cũng có thể do tai nạn bên ngoài gây ra như thời tiết, nóng quá, lạnh quá, mưa gió thất thường, các thứ thiên tai, lụt lội, bão tố, cây cối, nhà cửa sụp đổ, gây thương tích… Quan sát đời sống, chúng ta cũng thấy vô số tai nạn có thể tổn thương các bộ phận của thân thể, bất ngờ bị trượt té, bị đụng xe…hoặc trúng đạn trong lúc giặc giã, bất cứ gì cũng có thể xảy đến và cái thân, cái mạng của con người thật là mong manh.

Ngoài các bệnh của phần Sắc, vật lý hay sinh lý, Kinh cũng kể đến các bệnh liên quan đến phần Danh, phần tâm lý gồm các yếu tố Thọ Tưởng Hành Thức. Nơi Thọ chúng ta biết là có những cảm giác từ thân vật lý như sự đụng chạm, cọ xát, mắt phải thấy hình ảnh, tai phải nghe tiếng, mũi phải ngửi mùi, lưỡi phải nếm vị…nhưng cũng có những cảm giác, cảm xúc hay cảm nhận thuộc phần tâm lý, xem như những phản ứng mà sự xúc chạm của các giác quan với các đối tượng, không chỉ dừng lại nơi thân vật lý, sinh lý mà phần tâm lý cũng nhận ra là khổ, khó chịu hoặc không khổ, gây khoan khoái, thoải mái, sung sướng hoặc chẳng có phản ứng gì, chẳng khổ cũng chẳng sướng.

Nơi các yếu tố thuộc về Tưởng và Hành thì thuần là tâm lý, hoàn toàn trừu tượng vì là sự nhận biết qua tư tưởng, sự suy nghĩ, ghi nhận, ghi nhớ…Các yếu tố trừu tượng nhưng vẫn có thể gây khổ đau, làm cho vui sướng và cũng có thể là trung tính, không khổ, không vui. Thức mà chúng ta đã đề cập ở phần trên về Năm Uẩn, ngoài sự nhận biết đơn thuần, còn có khả năng phê phán, phân biệt, chọn lựa, loại trừ…của Ý hay Tâm xen vào. Chính do sự xen vào của Ý hay Tâm này mà có khổ, có vui và cả không khổ, không vui, cũng giống như các yếu tố thuộc Thọ, Tưởng và Hành vậy.

Nhắc lại những chi tiết này để chúng ta hiểu lời Kinh dạy về các bệnh do « rối loạn tâm thần » đều xuất phát từ những cảm xúc nhận được nơi Thọ Tưởng Hành Thức. Không thể làm chủ, điều chỉnh, chế ngự, giữ quân bình các cảm xúc, hoặc vì cảm nhận không chính xác, các ý tưởng không đúng đắn, lệch lạc đều có thể gây đau khổ, cái tâm mang bệnh là vậy. Liệt kê các bệnh do rối loạn tâm thần không phải là ít và cũng không dễ dàng chửa trị như sợ hãi, lo âu, thời hiện đại thì gọi là Stress, trầm cảm, quá bi quan, buồn bã, chán đời, chán sống, mang ý muốn tự sát và có thể ngược lại, quá yêu đời, hạnh phúc, có thể có những hành động bốc đồng, khó kiểm soát, tâm tư dao động, đi từ một cảm xúc này qua một cảm xúc đối nghịch khác, quá thích sự ồn ào, tụ họp hoặc ngược lại, sợ hãi đám đông, cách ly với xã hội, luôn tự ty mặc cảm, đằng khác có thể tự tin quá đáng, sanh tự cao, tự đại, ngã mạn, thích cai trị, lấn át người khác ; nghiện ngập, ngoài các chất say như rượu, còn có ma túy và thời đại này là ham chơi game, ham bài bạc cũng là một thứ bệnh ; chán ăn uống, làm cho thân thể hao mòn, hoặc ngược lại ăn uống quá độ gây ra quá mập đều hại cho sức khoẻ ; các triệu chứng của ảo giác, nghe các âm thanh, tiếng nói hoặc thấy những hình ảnh không có thật ; các triệu chứng của ảo tưởng, là chấp chặt vào những ý tưởng cố định, không thể chấp nhận các ý tưởng khác, luôn bị ám ảnh bởi những điều gì đó mà không thể bỏ qua… Khi các triệu chứng quá nặng thì chúng ta thường gọi là khùng, điên. Những người khùng, điên đều có thể sống bình thường như một người không đau ốm nơi thân thể nhưng phần tâm lý của họ là không như người bình thường, họ sống nghe theo cái Thọ Tưởng Hành Thức lệch lạc của mình mà không biết là lệch lạc.

Tạm nêu ra một số bệnh về rối loạn tâm thần như trên và chúng ta hiểu tất cả các bệnh, tâm lý hay vật lý đều ở ngay nơi cái thân của chúng ta mà thôi.

Ngoài ra Đức Phật còn dạy bệnh là do « ác quả » thì nên hiểu là do ác nghiệp đã tạo mà phải gánh chịu lấy hậu quả là mắc bệnh nơi thân. Các nghiệp ác thường gây bệnh tật nơi thân là do giết hại, đánh đập, hành hạ, tra tấn, não hại người cũng như động vật. Mỗi hành động có tác ý được tạo ra đều đưa đến một hậu quả mà chủ nhân tạo nghiệp phải hứng chịu, đúng như luật Nhân Quả. Như vậy các bệnh tật phải hứng chịu nơi thân đều có nguồn gốc, nguyên nhân hoặc xa hoặc gần, thuộc quá khứ hay nơi hiện tại gây ra mà chịu cái Quả tương ứng.

 

Chúng ta vừa học xong 4 Pháp Quán Niệm là Vô Thường tưởng, Vô Ngã tưởng, Bất Tịnh tưởng và Nguy Hại tưởng. Bốn Pháp này giúp chúng ta nhận ra bản chất thật của cái thân Ngũ Uẩn mà chúng ta đang mang lấy và đang chấp chặt, tham đắm vào nó. Khi đã dạy chúng ta cần nhận ra bản chất không trường tồn, biến hoại, nhơ nhớp, gây bệnh tật, khổ nạn và không có cái Ngã nào trong tấm thân rồi này thì Đức Phật dạy tiếp phương pháp đưa đến sự ly tham, ly dục, từ bỏ Ngũ Thủ Uẩn dẫn đến Niết Bàn An Lac.

Xin hẹn các đạo hữu, độc giả bài học tiếp theo vào kỳ tới.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Nhật Duyệt LKTH



 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]