Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 01: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

05/09/201820:03(Xem: 4715)
Bài 01: Bát Nhã Tâm Kinh Giải Nghĩa

BÁT NHÃ

TÂM KINH

(Prajnaparamitahridaya Sutra)

Hòa Thượng Thích Duy Lực dịch Việt

GI ẢI NGH ĨA

Toàn Không

 

GIẢI NGHĨA ĐỀ KINH:

Chúng ta phân tích giải nghĩa Bát Nhã Tâm Kinh, chữ nghiêng đậm là lời Phật nói, chữ đứng ngay là giải thích toàn bài Kinh, chúng ta cùng theo dõi:

 

ĐỀ KINH:

 

BÁT NHÃ TÂM KINH

 

BÁT NHÃ TÂM KINH nói cho đầy đủ là MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT TÂM KINH.

 

MA HA: Là lớn nhưng không phải là đối với nhỏ mà nói lớn, mà là vượt khỏi số lượng.

 

BÁT NHÃ: Là Trí Huệ, Bát nhã là loại trí tuệ siêu thiện ác, vô phân biệt, thanh tịnh rỗng lặng, nó là thứ trí tuệ sâu xa vi diệu. Trí Huệ nầy không phải như Trí tuệ của thế gian là trí tuệ của bộ óc cần phải qua sự chú tâm (tác ý) mới dùng được, còn Bát Nhã của bản thể tâm (Tự Tính) thì không cần sự chú tâm. Bát Nhã là Trí Huệ của bản thể Tâm sẵn đầy đủ khắp không gian thời gian, chẳng có thiếu sót chướng ngại, cái Dụng của bản thể Tâm tự động chẳng cần tác ý, tùy cơ ứng hiện chẳng sai mảy may. Để đạt được Bát Nhã phải hành trì Lục Độ Ba La Mật, gồm: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ.

 

BA LA MẬT ĐA: Đáo bỉ ngạn. Nghĩa là tới bờ bên kia, vượt từ sinh tử khổ não đến nơi an vui Niết Bàn. Nếu chúng ta phát huy được cái đại Dụng của BÁT NHÃ thì được đạt đến bờ bên kia là chỗ tự do tự tại, không có khổ não, không còn sinh tử.

 

TÂM: Chữ TÂM biểu tượng cả chân tâm lẫn vọng tâm, cả chính tâm lẫn tà tâm; còn Bản Tâm tức là Tự tính, Tự tính là bình đẳng Không Hai (Bất Nhị), Tâm cũng tức là hư không pháp giới. Nhưng tâm của chúng ta hiện nay là gốc toàn bộ sinh hoạt của tâm trí, do đó thế giới hiện tượng xuất hiện, trong đó có muôn nghìn hình dạng dung mạo, muôn nghìn cảm thụ, muôn nghìn nghĩ nhớ, muôn nghìn ý muốn, muôn nghìn cái biết, muôn nghìn sai biệt.

 

 KINH: Kinh là các đường chỉ dọc của vải làm chuẩn cho tấm vải, tượng trưng cho giáo pháp không đổi thay, luôn luôn nó như vậy; Phật nay giảng như thế này, Phật quá khứ cũng đã giảng như thế, Phật trong tương lai cũng giảng như vậy, không bao giờ thay đổi gọi là Kinh.

 

TÂM KINH này có mục đích là muốn làm cho tất cả muôn ngàn cái tâm sai biệt đều đạt đến chỗ hoàn toàn không sai biệt được bình đẳng thanh tịnh, tức là hồi phục lại cái Không Hai của Tự tính. Kinh này chỉ rõ đường lối tu hành cho chúng ta, dạy chúng ta y theo đó mà thực hành để đạt đến chỗ chẳng phải một chẳng phải hai (Bất Nhất Bất Nhị).

 

Bát Nhã Ba La Mât Đa Tâm Kinh: Gọi tắt là Tâm Kinh, Bát Nhã Ba La Mật Đa là trí huệ qua b bên kia (đáo bỉ ngạn), tức là giác ngộ giải thoát khỏi sinh tử luân hồi khổ đau. Kinh này là phần kinh ngắn nhất trong bkinh Đại Bát Nhã, là một trong những kinh văn quan trọng nhất trong Phật giáo Bắc truyền.

     Toàn kinh nêu ra Mười Tám Giới, Năm Uẩn, Mười Hai Nhân Duyên và Bốn Đế để trình bày lí các pháp đều Không, tức là Không Tính. 

 

GIẢI NGHĨA KINH:

 

1). THỨ NHẤT:

 

HÁN VIỆT: Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.

VIỆT: Quán Tự Tại Bồ Tát sau khi đi sâu vào trí huệ Bát Nhã, soi thấy Năm Uẩn đều không, liền qua tất cả khổ nạn;

 

Quán Tự Tại Bồ Tát là quán sát Tự Tính Tự Tại của mình hay Quán Tự Tính Quán Âm của mình; nói cho rõ là quán Tự Tính Phật của mình.

 

Sau khi đi sâu vào trí huệ Bát Nhã:

Chữ Đi là thực hành quán chiếu, chữ Sâu (Thâm) này tức là vượt khỏi (siêu việt) số lượng, không phải đối với Cạn mà nói Sâu, cũng như chữ Đại của Kinh Đại Bát Nhã, không phải đối với Nhỏ mà nói Lớn, mà là vượt khỏi số lượng. Nếu có số lượng thì không gọi được là Sâu, nếu có số lượng thì không phải là trí huệ Bát Nhã.

 

Soi thấy Năm Uẩn đều không:

Soi thấy là chiếu rọi suốt qua.

Năm Uẩn là thân tâm con người gồm có: Thân: Sắc (hình dạng dung mạo vật chất); Tâm gồm: Thụ (cảm giác), Tưởng (nghĩ nhớ), Hành (hành vi cư xử), Thức (phân biệt nhận thức)

Không: Trước hết, để hiểu toàn bài Bát Nhã Tâm Kinh, chúng ta cần hiểu Không là gì, khi đã hiểu rõ chữ Không rồi thì sau đó phân tích sẽ hiểu dễ dàng hơn; có ba ý nghĩa:

1- Không là không có Tự tính.

2- Không có nghĩa là không cố định, là giả, không thật, huyển ảo.

3- Không là thực tại, vượt khỏi mọi ý niệm hoặc có hoặc không.

     Phật pháp nói chữ Không là để hiện ra cái Dụng tích cực của Tự Tính, chứ không phải là cái “không ngơ”, vì duyên hợp nên không phải là không ngơ, do chấp không ngơ tức là chấp “không” đối với “có”. Không đây cũng chẳng phải là “trống không” như hư không trống trơn, hoàn toàn trống rỗng, mà là không Tự Tính, tức là biến đổi không cố định, không thật, là Tính Không hay Không Tính.

     Tính Không là thể tính của tất cả các pháp là Không, do duyên hợp nên mới có tất cả các pháp. Thí dụ một pháp như cái xe chẳng hạn, người đời cho là Có, hư không trống rỗng thì cho là Không, nhưng sự thực cả cái xe và hư không đều không ngoài Tính Không.

Chứng minh: Trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Tất cả các pháp không tự có, mà do duyên hợp mới thành” Do duyên hợp mới thành, nên không một pháp nào tự có nguyên thể của nó, mà đều từ cái không, do duyên hợp thành có, đây gọi là Tính Không. Như ban đầu không có cái xe, phải có bao nhiêu bộ phận khác nhau được ráp nối lại mới thành cái xe, đây là duyên hợp; khi cái xe hư hỏng hay bị tai nạn người ta tháo ra từng mảnh thì chẳng còn là cái xe nữa. Như thế, cái xe là không thật có, vì nếu thật có thì nó phải là có vĩnh viễn, do đó nó chỉ là tạm có, giả có, là hư dối mà thôi. Hơn nữa, nếu trong xe không có khoảng trống thì không có chỗ ngồi, không có khoảng trống thì xe không thể di chuyển được, như vậy thật sự cần phải có Tính Không mới được gọi là cái xe. Tất cả các pháp trong vũ trụ cũng đều tương tự như thế cả.

 

     Chữ Không nầy kỳ thực nói ra rất dễ hiểu, ví như một căn nhà, nếu không có cái Không (chổ trống) thì không ở được, một cái tủ không có cái Không thì chẳng thể để đồ được. Một cái tách nếu không có cái Không thì chẳng thể đựng nước trà được, nếu hai cái tách to bằng nhau, nhưng một cái mỏng sẽ có cái KHÔNG lớn hơn là cái tách dầy; cho nên có thể suy ra, bất cứ cái gì nếu không có cái Không thì chẳng thể dùng được.

 

     Muốn Dùng thì phải có cái Không, cái Không đến cùng tột thì cái Dụng cũng được đến cùng tột; cái Dụng của Tự Tính cũng như vậy, hễ Không đến đâu thì Dụng đến đó, Không đến vô cực thì Dụng đến vô cực, mà Dụng đến vô cực tức là Phật, cũng là hoàn toàn phát huy được cái Dụng của Bát Nhã. Đến lúc đó cái Đại Dụng, Toàn Dụng của Trí Huệ (Bát Nhã) cùng khắp hư không pháp giới, ánh sáng ấy chiếu đến đâu thì tất cả tai nạn khổ sở đều bị tiêu tan sạch”.

 

     Không này, kinh Lăng Nghiêm gọi là Không Như Lai Tạng, kinh Hoa Nghiêm gọi là Pháp Giới Tính, Pháp Thân; kinh Viên Giác gọi là Viên Giác, cái biết thường hằng viên mãn. Kinh Lăng Già gọi là Viên thành thật Trí hay Đại viên cảnh Trí. Thiền tông gọi là Tâm, Chân Tâm, Tự Tính, Phật Tính, Tâm Không, Tâm Ấn; Mật tông gọi là Kim Cương Giới, thế giới bản thể, tất cả đều biểu trưng cho chữ KHÔNG.

     Chữ Không trong “soi thấy Năm Uẩn đều không”, Năm Uẩn là năm nhóm tích tụ gồm “Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức” của Thân Tâm đều không có Tự tính. Vì Thân là Sắc gồm Tứ Đại “Đất, Nước, Gió, Lửa” luôn luôn biến đổi không thường hằng, nên không có chủ tể của mỗi thứ, do hòa hợp mà giả có, biến đổi, không thật nên là Không. Và Tâm gồm “Thụ, Tưởng, Hành, Thức”, mỗi thứ đều chứa tích tụ của Sáu Căn (Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý” đối với Sáu Trần “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”, chúng luôn luôn thay đổi không cố định, không trường cửu, nên không có chủ tể, là giả không thật nên cũng là Không.

     Tất cả pháp thế gian đều không có cái gì cố định, mà thưng biến đổi, không thật nên là Không. Nếu chúng ta thấy rõ thân này về sinh lý vật chất cũng như tâm lý tinh thần đều là tướng duyên hợp biến đổi không cố định, thì sẽ biết thân này là hư dối không thật, là Không.

     Và những gì đến với cái thân hư dối không thật này thì cũng là hư dối không thật, như cái thân không thật này thấy dung mạo đẹp mà dung mạo cũng là giả có không thật, thì cái đẹp chỉ là Không mà thôi, ví như người huyển làm tuồng chẳng phải là tuồng thật. Như thế những gì đến với thân này dù là tốt xấu hay vui buồn v.v… cũng đều hư dối không thật, thì chẳng còn gì gọi là khổ ách nữa; nên nói “Soi thấy Năm Uẩn đều không, liền qua hết tất cả khổ nạn” là vậy.

     Khi tu hành phải hành trì theo đúng tinh thần Trí Huệ (Bát Nhã) là phá “chấp Có” và phá “chấp Không”, để không còn một tý dính mắc chấp thật Có hay chấp thật Không “cái ta” (ngã), “cái của ta” (ngã sở) và “vạn pháp” thì lúc đó mới có thể soi thấy Năm Uẩn đều không, được qua hết khổ nạn và giải thoát là vậy.

2). THỨ HAI:

 (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]