Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 04: Kinh Tiểu Không giải nghĩa

01/08/201819:50(Xem: 2103)
Bài 04: Kinh Tiểu Không giải nghĩa

KINH TIỂU KHÔNG

(Cùlasunnata sutta)

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

7. VÔ TƯỚNG TÂM ĐỊNH

- Lại nữa, này Ananda, vị Tỷ-kheo không tác ý Vô sở hữu xứ tưởng, không tác ý Phi tưởng phi phi tưởng xứ tưởng, tác ý sự nhứt trí do duyên Vô tướng tâm định. Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến Vô tướng tâm định.

 

     Nghĩa là vị Tăng không chú tâm nghĩ đến “Chỗ Trống không”, không chú tâm nghĩ đến “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ”, chỉ chú ý duy nhất đến “Tâm không hình dạng dung mạo trong lặng” (Vô tướng tâm định); vị ấy không chấp thật cảnh giới do Sáu Căn tiếp xúc Sáu Trần. Vị ấy vui thích an định hướng đến “Tâm không hình dạng dung mạo trong lặng” như sau:

 

- Khi Mắt thấy hình dạng dung mạo (Sắc) không sinh khởi đẹp hay xấu, không yêu thích hay chê bai, mà biết hình dạng dung mạo là biến đổi không cố định, là giả có, ảo huyển, không thật, là Không.

 

- Đối với Tai khi nghe những tiếng ca lời nói (Thanh) không sinh khởi ý hay hay dở, không khen hay chê, mà biết tiếng ca hoặc lời nói này là biến đổi không cố định, là giả có, ảo huyển, không thật, là Không.  

 

- Khi Mũi ngửi Mùi thơm (Hương), Lưỡi nếm thức ăn uống (Vị), Thân tiếp cận (Xúc), không có cảm giác ưa thích hay ghét bỏ, mà biết mùi hương này, thức ăn uống này, sự xúc chạm này đều là biến đổi không cố định, là giả có, ảo huyển, không thật, là Không.   

 

- Ý không nghĩ nhớ các hình ảnh dung mạo, âm vang cảm giác trong tâm thức (Pháp), mà biết các hình ảnh dung mạo, âm vang cảm giác trong tâm thức này đều là biến đổi không cố định, là giả có, ảo huyển, không thật, là Không.

 

Vị ấy tuệ tri như sau: "Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt"

 

     Nghĩa là vị ấy biết rõ như sau: Tâm định không hình dạng dung mạo này thuộc dính mắc sinh lo buồn (hữu vi), do tâm tự tạo nên; vì có cái không hình dạng dung mạo thì đối đãi với cái có hình dạng dung mạo, tức là hai (nhị biên) thuộc hữu vi, Hữu vi thì vô thường chịu sự đoạn diệt.

 

Do vị ấy tuệ tri như vậy, thấy như vậy, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, tâm được giải thoát khỏi hữu lậu, tâm được giải thoát khỏi vô minh lậu. Trong sự giải thoát, là sự hiểu biết (nana) rằng đã được giải thoát.

 

     Nghĩa là vị ấy biết rõ như vậy, thấy như vậy, thì xa lià dính mắc tham dục (dục lậu), tâm được thoát khỏi lo buồn; xa lià các thói quen của phàm phu (hữu lậu), tâm được giải thoát khỏi ô nhiễm sự tồn tại; xa lià các si mê ác kiến (vô minh lậu), tâm được thoát khỏi ô nhiễm vô minh. Trong sự giải thoát biết rõ rằng đã được giải thoát.

 

Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn phải trở lại trạng thái này nữa"

 

     Nghĩa “sinh đã tận” là không còn nghĩ đến “Chỗ Trống không” (Vô Sở Hữu tưởng), không còn nghĩ đến “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ” (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng); xa lià tham dục để đạt thanh tịnh (Phạm hạnh) đã làm xong (đã thành), không còn trở lại trạng thái này nữa, tức là đã làm xong việc dứt bỏ nghĩ đến “Chỗ Trống không” (Vô Sở Hữu tưởng) và đã làm xong việc dứt bỏ nghĩ đến “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ” (Phi Tưởng Phi Phi Tưởng), chứ không phải đã làm xong những cái khác đâu, tức là không phải sự Sinh Tử của hành giả hết đâu.

 

Vị ấy tuệ tri: "Các ưu phiền do duyên dục lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên hữu lậu không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên vô minh lậu không có mặt ở đây”

 

     Nghĩa là các lo buồn do dính mắc nghĩ nhớ những thứ ham thích muốn có (duyên dục lậu), như tham tài sản, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ; hoặc đắm nhiễm Sắc dục, Thanh dục, Hương dục, Vị dục, Xúc dục, không có mặt; các lo buồn do thói quen của phàm phu (duyên hữu lậu) như nghiện hút thuốc, ham đánh cờ bạc… không có mặt; các lo buồn do các si mê ác kiến (duyên vô minh lậu), như chấp ngã kiến, tà kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ, cũng không có mặt ở đây.

 

“Và chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này" Ở đây ý Phật là: chỉ có lo buồn do Sáu nhập là Sắc, Thanh, Hương, Vi, Xúc, Pháp đến nhập vào Sáu Căn là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý, tức nhập vào Thân Tâm hành giả.

 

     Như Mắt thấy hình dạng dung mạo (Sắc) thì sinh khởi đẹp hay xấu, đẹp thì yêu thích muốn có, muốn gần gũi, xấu thì chê bai, liền muốn xa lánh. Vì muốn có, muốn gần gũi nên làm đủ mọi cách để có được, do đó gây phiền phức cho mình và người; nếu chê bai thì tìm mọi cách để xa lánh, do đó cũng gây phiền phức cho mình và cho người. Đối với Tai khi nghe những tiếng ca lời nói (Thanh) thì ý sinh khởi hay hay dở, khi nghe thấy hay thì khen, thấy dở thì chê, gây nên phiền hà cho mình và cho người. Mũi ngửi Mùi (Hương), Lưỡi nếm (Vị), Thân tiếp cận (Xúc), Ý nghĩ nhớ (Pháp) cũng đều đưa đến lo buồn cả.

 

Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có dục lậu” Nghĩa là vị ấy biết rõ không có tham dục ô nhiễm (dục lâu) về loại nghĩ đến “Chỗ Trống không” và “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ” (Tưởng Vô Sở Hữu, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng).

 

Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có hữu lậu". Là vị ấy biết rõ không có các thói quen của phàm phu (hữu lậu) về loại nghĩ đến “Chỗ Trống không” và “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ” (Vô Sở Hữu Tưởng, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng).

 

Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có vô minh lậu” Là vị ấy biết rõ không có các si mê ác kiến (vô minh lậu) về loại nghĩ đến “Chỗ Trống không” và “Chỗ, ở đó có không nghĩ chẳng không nghĩ” (Vô Sở Hữu Tưởng, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng).

 

“Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này". Nghĩa là chỉ có một cái không phải là không có, đó là Sáu Trần nhập vào Sáu Căn của Thân Tâm (sáu nhập duyên mạng)

 

“Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có”. Nghĩa là cái gì không nghĩ đến (không có mặt ở đây), vị ấy coi là không có, tức là cái gì không có ở trong tâm hành giả cái ấy là không có.

 

Nhưng đối với cái còn lại, ở đây vị ấy biết: "Cái kia có, cái này có". Này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh.”

 

     Nghĩa là đối với cái nghĩ đến (cái còn lại), vị ấy biết rõ “cái này có, cái kia có” là thật có, không dính mắc chấp trước, không tán loạn, được thanh tịnh, để thâm nhập chân thật (không điên đảo), sự thực là như vậy, do hành trì thiền quán như thế được nhu nhuyễn hoàn toàn sẽ đưa tới thanh tịnh đạt bản thể các vật là không Tự Tính, là biến đổi không cố định, là Tính Không (Không Tánh).

 

     Tại sao ở trên Đức Phật nói: “chỉ ở một ưu phiền này, tức là sáu nhập duyên mạng, duyên với thân này”, ở đây lại nói “cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, Không tánh”?

 

     Nghĩa là cái lo buồn là thật có, vẫn còn nghĩ đến trong tâm, nhưng những cái gì không nghĩ đến không có mặt trong tâm thì hoàn toàn được thanh tịnh, đó là Không Tính đối với những cái không có mặt mà thôi, chứ không phải những cái lo buồn.

     Đọan dưới đây chứng minh cho câu ở trên, Phật nói:

Vô tướng tâm định này thuộc hữu vi, do tâm tự tạo nên. Phàm cái gì thuộc hữu vi, do tâm tư tạo nên, cái ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt"; nghĩa là vì những cái nghĩ đến có mặt trong tâm thì không thể nói là không, như hình ảnh, tiếng nói, mùi vị, cảm giác đang ở trong tâm, nên không thể nói là không. Cái gọi là Không Tính chỉ là đối với những cái không nghĩ đến, những cái đã loại ra khỏi tâm mà thôi.

 

     Người tu phải tu tập để Sáu Căn không còn dính mắc Sáu Trần, nghĩa  là tu để chấm dứt tất cả sự hiện diện trong tâm các hình dạng dung mạo đẹp hay xấu, lời nói khen hay chê, mùi vị ưa hay không ưa, cảm giác yêu hay ghét v.v… Mục đích để đạt đến chỗ bình đẳng, không hai, được Tâm Không.

 

     Kinh Tiểu Không này tu theo thứ lớp, bắt đầu từ hữu lậu định, nên Không ở đây là đối lập với tưởng; khi có tưng thì vắng mặt Không, khi không có tưởng thì Không hiện diện. Khi có tướng, thì có lo buồn, nên lấy vô tướng hay vô tưởng tâm định làm đối tượng tu cuối cùng, vì khi không còn tướng hay tưởng nữa thì phiền não chấm dứt, được thanh tịnh giải thoát, tức là đạt Không Tính.

 

     Đến đây thì chúng ta hiểu rõ thế nào là Không Tính hay Tính Không, hai chữ nói đảo qua đảo lại nhưng nghĩa vẫn như nhau. Tới đoạn chót của Kinh Tiểu Không, Đức Phật nói về sự chứng đạt của người tu trong qúa khứ, tương lai và hiện tại, tóm gọn nhưng ý nghĩa không khác Phật nói như sau:

 

Này Ananda, phàm có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào trong quá khứ, trong tương lai, trong hiện tại, sau khi chứng đạt, đã an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh (Sunnatam), tất cả các vị ấy sau khi chứng đạt đều chỉ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh này. Do vậy, này Ananda, sau khi chứng đạt Ta sẽ an trú cứu cánh vô thượng thanh tịnh Không tánh; như vậy, này Ananda, các ông cần phải học tập”.

 

     Nghĩa là các hành giả trong quá khứ, tương lai và hiện tại, sau khi chứng đạt được đến đâu thì an trú đến đó trong mục đích (cứu cánh) thanh tịnh Không Tính, còn Phật đã đạt mục đích tối hậu (tuyệt đối) rồi và Ngài luôn luôn an trú trong mục đích thanh tịnh “vô thượng Không Tính”. Do đó Ngài bảo tất cả mọi người nên học và tu tập.

 

     Ở đây, Tính Không gạt bỏ tất cả cái tốt lẫn cái xấu, tất cả các hình tướng trong thế giới kể cả Năm Uẩn của mỗi người. Nó dứt sạch mọi thứ ô nhiễm của tri thức, không có dấu vết của nghiệp, không còn một sự tạo dựng nào được hình thành, tất cả chỉ là tịch tĩnh, trong sáng của Tính Không. Nghĩa là khi chúng sinh còn dính mắc bất tịnh, tất cả những hiện tướng của các pháp có thể hóa hiện bên trong tính trong sáng này; khi đã loại bỏ tất cả những dính mắc thì tính trong sáng hiển hiện chiếu soi.

 

     Để kết luận, tâm chúng ta có muôn nghìn sai khác, như lá rừng, như chỉ rối, nhặt bỏ lá này còn lá kia, gỡ được chỗ rối này còn chỗ rối khác, phải công phu không ngưng nghỉ lâu ngày mới mong giải quyết được. Vì vậy cho nên Kinh Tiểu Không, Đức Phật dạy từ dễ đến khó, từ nông đến sâu, an trú Không Tính từng phần một, loại bỏ dính mắc trong tâm được đến đâu thì nên an trú đến đó, cho tới khi nào không còn gì cả. Khi tâm được thanh tịnh tịch tĩnh, trong lặng phẳng bằng như mặt nước mùa thu không một tí sóng gió, thì lúc đó tiến tới cái Không Tính hoàn toàn như Phật vậy.

 

GIẢI NGHĨA

KINH TIỂU KHÔNG

HẾT

 

 (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567