Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 01: Kinh Tiểu Không giải nghĩa

11/07/201821:21(Xem: 2626)
Bài 01: Kinh Tiểu Không giải nghĩa

KINH TIỂU KHÔNG

(Cùlasunnata sutta)

Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch Việt

GIẢI NGHĨA

Toàn Không Đỗ Đăng Tiến

 

     Để cho dễ hiểu, chúng ta dùng chữ nghiêng là lời Phật nói, chữ thẳng đứng để giải thích cho toàn bài Kinh, chúng ta cùng theo dõi dưới đây:

 

GIẢI NGHĨA KINH:

 

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi (Xá-vệ), tại Pubbarama (Đông Viên), lâu đài của Migaramatu (Lộc Mẫu). Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.

    Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn

-- Một thời, bạch Thế Tôn, Thế Tôn trú giữa các Sakka (Thích-ca). Nagaraka là tên một thị trấn của các Sakka. Tại đấy, bạch Thế Tôn, con được nghe trước mặt Thế Tôn, con được ghi nhớ trước mặt (Thế Tôn) như sau: "Này Ananda, Ta nhờ an trú không, nên nay an trú rất nhiều". Phải chăng, bạch Thế Tôn, điều con đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý (chú tâm) đúng, thọ trì (tiếp nhận và giữ lấy) đúng?

 

     Đức Phật đáp:

-- Thật vậy, này Ananda, điều ông đã nghe là nghe đúng, ghi nhớ đúng, tác ý đúng, thọ trì đúng. Thuở xưa và nay, này Ananda, Ta nhờ an trú (an định tâm thức không bị dao động) không, nên nay an trú rất nhiều. 

 

     Chúng ta thấy mở đầu Kinh nói đến những sự thành tựu về việc nói Kinh gồm: Sự tin tưởng (Tín), sự nghe thấy (Văn), thời gian (Thời), vị thuyết giảng (Chủ thể) là Đức Phật. Địa điểm tại lâu đài của Lộc Mẫu (Migaramatu) thuộc thành Xá Vệ (Nơi giảng), nhân việc trả lời câu hỏi của Tôn giả A Nan Đà (Nguyên nhân giảng) và Tôn giả A Nan Đà nghe giảng (Người nghe pháp); tất cả biểu tượng đầy đủ nhân duyên cho buổi nói Kinh.

 

     Đoạn Kinh trên đại ý Tôn giả A Nan Đà hỏi Phật rằng có phải Ngài đã nói Ngài an định chẳng dao động tâm thức (an trú) Không và thường xuyên an định chẳng dao động tâm thức? Đức Phật trả lời là điều Tôn giả A Nan Đà chú tâm (tác ý) nghe nhận gìn giữ (thọ trì) ghi nhớ là đúng, Ngài do an định chẳng dao động tâm thức “Không”, nên lúc nào Ngài cũng an định tâm thức “Không” rất nhiều.

 

1. LÂM TƯỞNG:

 

     Đức Phật bảo:

- Ví như lâu đài Migaramatu (Lộc Mẫu) này không có voi, bò, ngựa, ngựa cái, không có vàng và bạc, không có đàn bà, đàn ông tụ hội, và chỉ có một cái không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên chúng Tỷ-kheo.

 

     Nghĩa là thí dụ như trong lâu đài của Lộc Mẫu (Migaramatu) không có các loại voi bò ngựa, không có vàng bạc châu báu, không có người dân đàn ông đàn bà, mà chỉ có một cái không phải không, đó là duy nhất (sự nhất trí) có một nhóm chư Tăng (duyên chúng Tỷ kheo) mà thôi.

 

     Ở đây còn có ý nghĩa rằng Đức Phật lấy ngay khung cảnh của lâu đài Lộc Mẫu ra làm tiêu biểu rằng hành giả phải tư duy trừ bỏ các tạp loạn của tâm mình như gây phiền hà huyên náo của loài vật; lià bỏ tính tham tiền bạc của cải và dứt bỏ tính tham dục của con người v.v..., chỉ khi dừng được các loại tham muốn này thì tâm mới dễ an định.

 

     Ngài giảng:

- Cũng vậy, này Ananda, Tỷ-kheo không tác ý thôn tưởng, không tác ý nhân tưởng, chỉ tác ý sự nhất trí, do duyên lâm tưởng. Tâm của vị ấy được thích thú hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng.

 

     Nghĩa là, cũng như thế, vị Tăng không chú tâm (tác ý) nghĩ nhớ đến xóm làng (thôn tưởng), không chú tâm nghĩ nhớ đến người dân (nhân tưởng), chỉ chú tâm duy nhất (tác ý sự nhất trí) nghĩ nhớ đến khu rừng (lâm tưởng) mà thôi. Vị ấy vui thích hướng đến khu rừng với tâm thức an định không dao động (an trú).

 

     Ở đây còn có ý nghĩa rằng nếu người tu sống chung trong “xóm làng”, thì phải chung đụng, gặp gỡ giao tiếp sinh hoạt hàng ngày với “người dân”, sinh ra việc nọ chuyện kia, gây ra phức tạp, khiến cho thời gian hành trì giáo pháp bị chia xẻ, làm cho việc tu hành không mang lại kết qủa. Đó là ý nghĩa Phật nói không chú tâm nghĩ đến “xóm làng” (không tác ý thôn tưởng) và không chú tâm nghĩ đến “người dân” (không tác ý nhân tưởng).

 

     Người tu chỉ nên vui thích ở những chỗ thanh vắng nơi rừng sâu yên tĩnh, vì ở đấy không có sự chung đụng, không có sự giao tiếp sinh hoạt ồn náo, khiến được dễ dàng, thuận lợi cho việc tiến tu. Đó là ý nghĩa Phật nói chỉ vui thích chú tâm duy nhất nghĩ đến “khu rừng” (Tâm vị ấy được thích thú, hân hoan, an trú, hướng đến lâm tưởng).

 

Vị ấy tuệ tri như sau: "Các ưu phiền do duyên thôn tưởng không có mặt ở đây; các ưu phiền do duyên nhân tưởng không có mặt ở đây. Và chỉ có một ưu phiền này, tức là sự nhất trí do duyên lâm tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có thôn tưởng". Vị ấy tuệ tri: "Loại tưởng này không có nhân tưởng". Và chỉ có một cái này không phải không, tức là sự nhất trí (ekattam) do duyên lâm tưởng".

     Nghĩa là vị ấy biết rõ (tuệ tri) rằng các lo lắng buồn rầu (ưu phiền) do nghĩ nhớ “xóm làng” không có, các lo lắng buồn rầu do nghĩ nhớ “người dân” không có; chỉ có một lo lắng buồn rầu không phải không có, đó là chỉ duy nhất do nghĩ nhớ đến “khu rừng”. Vị ấy biết rõ rằng loại nghĩ nhớ này không có “xóm làng”, không có “người dân”.

 

Và cái gì không có mặt ở đây, vị ấy xem cái ấy là không có. Nhưng đối với cái còn lại, ở đây, vị ấy tuệ tri: "Cái kia có, cái này có". Như vậy, này Ananda, cái này đối với vị ấy là như vậy, thật có, không điên đảo, sự thực hiện hoàn toàn thanh tịnh, không tánh.

     Nghĩa là cái gì không nghĩ nhớ đến (không có mặt) thì vị ấy coi là không có, cái gì nghĩ nhớ đến (có mặt) thì vị ấy biết là “cái này có, cái kia có”. Như vậy những cái nghĩ nhớ đến (cái có) là thật có, không dính mắc chấp trước, không tán loạn, được thanh tịnh, để thâm nhập chân thật (không điên đảo), sự thực là như vậy, do hành trì thiền quán như thế lâu dài được nhu nhuyễn hoàn toàn sẽ đưa tới thanh tịnh đạt bản thể các vật là không Tự Tính, là biến đổi không cố định, là Tính Không (Không Tánh). Tại sao?

     Vì Tính Không là thể tính của tất cả các pháp, mà thể tính của tất cả các pháp là Không, do duyên hợp nên mới có tất cả các pháp. Thí dụ một pháp như cái xe chẳng hạn, người đời cho là Có, hư không trống rỗng thì cho là Không, nhưng sự thực cả cái xe và hư không đều không ngoài Tính Không.

Chứng minh: Phật dạy: “Tất cả các pháp không tự có, mà do duyên hợp mới thành” Nghĩa là do duyên hợp mới có, nên không một pháp nào tự có nguyên thể của nó, mà đều từ cái không, do duyên hợp thành có, đây gọi là Tính Không. Như ban đầu không có cái xe, phải có bao nhiêu bộ phận khác nhau được ráp nối lại mới thành cái xe, đây là duyên hợp; khi cái xe hư hỏng hay bị tai nạn người ta tháo ra từng mảnh thì chẳng còn là cái xe nữa. Như thế, cái xe là không thật có, vì nếu thật có thì nó phải là có vĩnh viễn, do đó nó chỉ là tạm có, giả có, là hư dối mà thôi. Hơn nữa, nếu trong xe không có khoảng trống thì không có chỗ ngồi, không có khoảng trống thì xe không thể di chuyển được, như vậy thật sự cần phải có Tính Không mới được gọi là cái xe. Tất cả các pháp trong vũ trụ cũng đều tương tự như thế cả.

     Ở đây, vị ấy đã tu hành vượt qua được các hàng rào về cái tâm dính mắc tạp loạn rong ruổi theo ngoại cảnh, nên “Không” là không có các việc bên ngoài trong tâm, thì mức độ định đạt được bậc thiền thứ nhất.

 

     Ngài giảng tiếp:

 

2. ĐỊA TƯỞNG:

 

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]