Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 11: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

14/12/201620:48(Xem: 5634)
Bài 11: Kinh Thủ Lăng Nghiêm




Buddha_4
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

QUYỂN HAI

KINH VĂN 4:

CẦU CHỖ CHÂN THẬT

 

1). TÁNH THẤY KHÔNG SINH DIỆT

     Lúc bấy giờ, A Nan và đại chúng nghe lời Phật dạy, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thỉ đến nay, lạc mất bản tâm, lầm nhận bóng phân biệt của nhân duyên căn trần, hôm nay khai ngộ, như đứa bé khát sữa bỗng được gặp mẹ, chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như Lai hiển bày chỗ chân vọng hư thật của thân tâm, phát minh hai tánh sanh diệt và chẳng sanh diệt ngay trước mắt.
     Khi ấy, vua Ba Tư Nặc (1) đứng dậy bạch Phật:
- Xưa kia con chưa được nghe lời dạy của Phật, thấy bọn ngoại đạo Ca Chiên Diên (2) và Tỳ La Chi Tử (3) đều nói thân này sau khi chết đoạn diệt gọi là Niết Bàn. Nay dù gặp Phật nhưng vẫn còn hồ nghi, chẳng biết làm thế nào mới được chứng tỏ chỗ chẳng sanh diệt của tâm này, hiện nay hàng hữu lậu (4) trong chúng đều mong cùng nghe.
     Phật nói với vua:
- Thân ông ở đây, nay ta hỏi ông, cái nhục thân này là đồng như kim cang (5), thường trụ chẳng hoại hay có biến diệt?
- Bạch Thế Tôn! Cái thân vô thường biến hoại của con dù chưa từng diệt, nhưng con xét thấy trước mắt niệm niệm dời đổi, mãi mãi không thôi, dần dần tiêu mòn, như lửa thành tro, sự tiêu mòn chẳng ngừng, nên biết chắc chắn thân này rồi sẽ diệt mất.
     Phật nói:
- Đúng thế, đại vương! Tuổi tác của ông nay đã già yếu, vậy mặt mày so với thuở nhỏ như thế nào?
- Bạch Thế Tôn! Xưa con còn nhỏ, da thịt mơn mởn, đến khi trưởng thành, khí huyết sung túc, nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần mệt mỏi, tóc bạc mặt nhăn, sự sống chẳng còn bao lâu nữa, làm sao so bằng lúc trẻ mạnh!
     Phật nói:
- Hình thể của ông đâu phải bỗng nhiên biến hoại!
- Bạch Thế Tôn! Sự biến hóa âm thầm dời đổi, con thật chẳng hay, mùa đông mùa hạ thấm thoát trôi qua, dần dần đến thế này. Tại sao? Khi hai mươi tuổi, dù gọi là trẻ, nhưng mặt mày đã già hơn lúc lên mười, khi ba mươi tuổi lại sút hơn lúc hai mươi, đến nay đã sáu mươi hai, so với lúc năm mươi thì suy yếu hơn nhiều. Thế Tôn, con cảm thấy sự dời đổi âm thầm trôi chảy theo kỳ hạn mười năm, nhưng nếu suy xét tỉ mỉ thì cái biến đổi ấy đâu phải từng 10 năm! Thật ra thì mỗi năm mỗi đổi, cho đến mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi sát na (6) niệm niệm biến đổi chẳng ngừng, nên biết thân này chung quy biến diệt vậy.
     Phật nói:
- Ông thấy biến hóa dời đổi chẳng ngừng, ngộ biết phải diệt. Vậy trong lúc diệt, ông còn biết trong thân có cái gì chẳng diệt chăng?
     Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật:
- Con thật chẳng biết!
     Phật nói:
- Nay ta chỉ cho ông cái tánh chẳng sanh diệt. Đại Vương, ông thấy nước sông Hằng hồi mấy tuổi?
     Vua đáp:
- Lúc lên ba, mẹ con dắt đi yết lễ thần Tỳ Bà Thiên (7), đi qua sông này, khi ấy đã biết sông Hằng.
     Phật nói:
- Như lời ông nói, lúc hai mươi tuổi thì sút hơn lúc lên mười, cho đến sáu mươi niệm niệm dời đổi theo từng ngày giờ. Vậy khi ông ba tuổi thấy nước sông, rồi đến năm mười ba, thấy nước sông, tánh thấy như thế nào?
     Vua đáp:
- Tánh thấy cũng giống như khi ba tuổi, cho đến năm nay đã sáu mươi hai cũng chẳng có khác.

     Phật nói:
- Nay ông tự than đã già, mặt ông chắc phải nhăn hơn lúc trẻ, vậy hiện nay thấy sông Hằng với lúc nhỏ thấy sông Hằng, cái tánh thấy có già trẻ gì chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không ạ!
     Phật nói:
- Mặt ông dù nhăn mà cái tánh của kiến tinh (8) chưa từng nhăn, có nhăn là biến, chẳng nhăn thì bất biến; biến ắt phải diệt, bất biến vốn chẳng sanh diệt. Vậy lấy gì để thọ nhận sanh tử cho ông? Mà còn đem tà thuyết của bọn Mạt Già Lê kia, cho là thân này sau khi chết đoạn diệt!
     Vua nghe Phật dạy, tin biết Bổn Kiến thật chẳng đoạn diệt, bỏ thân này sẽ được thân khác, nên cùng đại chúng vui mừng được pháp chưa từng có.

GIẢI NGHĨA:

(1) Vua Ba Tư Nặc: Là Vua nước Kiều-Tát-La (s: kośala; p: kosala) thành Xá Vệ (S: śrāvāsti; P: sāvatthi) là Thủ Đô. Tại ngoại ô nơi đây trưởng giả Cấp Cô Độc đã xây đạo tràng Kì Viên (s, p: jetavana) cúng dường Phật và chúng Tỳ Kheo (Tăng). Vua Ba Tư Nặc thuở ban đầu là người bạo ác, sau có bà Phu nhân của Vua tên Mạt Lợi là Phật tử có trí tuệ khéo léo hướng dẫn, nên Vua trở thành Phật tử thuần thành. Vua Ba Tư Nặc có con là Thái tử Kỳ Đà có đất bán cho Trưởng giả Cấp Cô Độc để xây đạo tràng cúng dàng Phật. Vua còn có người con của người thứ phi nữa tên Lưu Ly. Về sau Lưu Ly lên làm Vua đã mang quân giết hại dòng họ Thích chỉ vì sự xỉ nhục! Nhưng ngay sau khi chiến thắng, Vua Lưu Ly và tất cả tùy tùng và quân lính ấy sau một tuần đều bị qủa báo chết bởi một trận dông bão mưa trút nước tràn ngập cuốn trôi vào dòng sông nghiệp lụy!

(2) Ca Chiên Diên: Tức là Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên, lãnh tụ của một trong sáu phái ngoại đạo thời Phật tại thế. Phái này chủ trương tội phước của mọi người đều do Trời Tự Tại, vị Trời này vui vẻ thì chúng sinh an lạc, vị Trời này nóng giận thì chúng sinh khổ sở. Họ chủ trương dù giết vô số chúng sinh, nhưng tâm không hổ thẹn thì không đọa vào ác đạo; nếu hổ thẹn thì liền đọa địa ngục; Phật giáo gọi đây là tà kiến của hạng “Vô tàm ngoại đạo”.

(3) Tì La Chi Tử: Tức San Xà Dạ Tì La Chi Tử, là lãnh tụ của một trong sáu phái ngoại đạo thời Phật tại thế. Phái này tương đối có thế lực, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, trước khi qui y theo Phật, vốn là hai vị đệ tử lớn của của ông San Xà Dạ. Phái này chủ trương tất cả khổ vui chẳng phải do nhân qủa nghiệp báo ở kiếp trước.

(4) Hữu lậu: Ô nhiễm dính mắc của Dục giới, Sắc giới và Vô Sắc giới.

(5) Kim Cang: Cũng gọi là Kim Cương, là thứ vật chất cứng bền hớn các thứ vật chất khác.

(6) Sát na: Một khoảng thời gian rất ngắn, đơn vị thời gian của một niệm, một ý nghĩ chợt khởi lên rất ngắn, chỉ bằng một phần 75 của một giây đồng hồ.

(7) Thần Kì Bà: Thần chủ về thọ mạng con người theo Bà La Môn giáo, thường hầu cận trời Đế Thích. Theo phong tục của các nước trong vùng Thiên-Trúc và Tây-Vực xưa, mọi người đều kính ngưỡng tôn thờ vị Thiên Thần này; khi sinh con lên 3 tuổi, cha mẹ đều dẫn đến đền thờ yết kiến vị Thần này để cầu được sống lâu trăm tuổi.

(8) Kiến tinh: Cái thấy, sức thấy.

     Mục 1 “Tánh Thấy Không Sinh Diệt” của Kinh Văn 4 “Cầu Chỗ Chân Thật” này, Tôn giả A Nan và đại chúng nghe lời Phật dạy ở mục trên, thân tâm thư thái, nghĩ mình từ vô thỉ đến nay, lạc mất bản tâm, lầm nhận bóng phân biệt của nhân duyên căn trần, hôm nay khai ngộ, như đứa bé khát sữa bỗng được gặp mẹ, chắp tay lễ Phật, mong được nghe Như Lai hiển bày chỗ chân vọng hư thật của thân tâm, phát minh hai tính sinh diệt và chẳng sinh diệt ngay trước mắt.

     Khi ấy, vua Ba Tư Nặc đứng dậy bạch Phật: “Xưa kia con chưa được nghe lời dạy của Phật, thấy bọn ngoại đạo Ca Chiên Diên chấp các pháp cũng có cũng không và Tỳ La Chi Tử chấp mãn kiếp tự nhiên đắc đạo. Họ đều nói thân này sau khi chết đoạn diệt gọi là Niết Bàn; nay dù gặp Phật nhưng vẫn còn hồ nghi, chẳng biết làm thế nào mới chứng tỏ được chỗ chẳng sinh diệt của tâm này, hiện nay hàng hữu lậu chúng con đều mong mỏi cùng được nghe”. Hai ông Ca Chiên Diên và Tỳ La Chi Tử  là đại diện của hai phái trong sáu phái ngoại đạo ở Ấn Độ thời bấy giờ, đức Phật xếp hai phái này thuộc về phái chủ trương “đoạn kiến”, nghĩa là họ cho rằng con người sau khi chết là hết.

     Đức Phật nói với Vua: “Thân ông ở đây, nay Ta hỏi ông, cái nhục thân này là đồng như kim cang, thường trụ chẳng hoại hay có biến diệt?”

     Nhà  Vua thưa: “Cái thân vô thường biến hoại của con dù chưa từng diệt, nhưng con xét thấy trước mắt niệm niệm dời đổi, mãi mãi không thôi, dần dần tiêu mòn, như lửa thành tro, sự tiêu mòn chẳng ngừng, nên biết chắc chắn thân này rồi sẽ diệt mất”.

     Đức Phật xác nhận nói: “Đúng thế, Đại Vương! Tuổi tác của ông nay đã già yếu, vậy mặt mày so với thuở nhỏ như thế nào?”

     Nhà Vua thưa: “Xưa con còn nhỏ, da thịt mơn mởn, đến khi trưởng thành, khí huyết sung túc, nay thì tuổi già, ngày thêm suy yếu, hình sắc khô gầy, tinh thần mệt mỏi, tóc bạc mặt nhăn, sự sống chẳng còn bao lâu nữa, làm sao so bằng lúc trẻ mạnh!” Ở đây nhà Vua tả sự khác biệt của mặt mũi thân thể giữa tuổi trẻ và tuổi già.

    
Đức Phật nói: “Hình thể của ông đâu phải bỗng nhiên biến hoại!”
    
Nhà Vua thưa: “Sự biến hóa âm thầm dời đổi, con thật chẳng hay, mùa đông mùa hạ thấm thoát trôi qua, dần dần đến thế này; vì khi hai mươi tuổi, dù gọi là trẻ, nhưng mặt mày đã già hơn lúc lên mười, khi ba mươi tuổi lại sút hơn lúc hai mươi. Đến nay đã sáu mươi hai, so với lúc năm mươi thì suy yếu hơn nhiều, con cảm thấy sự dời đổi âm thầm trôi chảy theo kỳ hạn mười năm, nhưng nếu suy xét tỉ mỉ thì cái biến đổi ấy đâu phải từng 10 năm! Thật ra thì mỗi năm mỗi đổi, cho đến mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ, trong mỗi sát na niệm niệm biến đổi chẳng ngừng, nên biết thân này chung quy biến diệt vậy”. Ở đây Vua diễn tả so sánh chi tiết sự khác biệt thay đổi chẳng ngừng của thân xác con người.

    
Đức Phật nói: “Ông thấy biến hóa dời đổi chẳng ngừng, ngộ biết thân này phải diệt; vậy trong lúc thân diệt, ông có biết trong thân còn cái gì chẳng diệt chăng?” Đức Phật đồng ý về thân thay đổi không ngừng, rồi hỏi Vua có biết cái gì trong thân chẳng biến đổi không?”
     Vua Ba Tư Nặc chắp tay bạch Phật: “Con thật chẳng biết!” Đây là điểm chung của đa số chúng sinh chỉ thấy về vật chất mà không thấy về tinh thần.

    
Đức Phật nói tiếp: “Nay ta chỉ cho ông cái tánh chẳng sanh diệt; Đại Vương, ông thấy nước sông Hằng hồi mấy tuổi?” Ở đây Đức Phật hỏi về sự thấy nước sông Hằng là muốn khai thị (chỉ) cho vua Ba Tư Nặc cùng đại chúng thời đó về cái tính thấy chẳng sinh diệt, và cũng là mở mắt (chỉ) cho tất cả chúng sinh đời sau như chúng ta có duyên với Phật Pháp vậy.
     Vua đáp: “Lúc lên ba, mẹ con dắt đi yết lễ thần Tỳ Bà Thiên, đi qua sông này, khi ấy đã biết sông Hằng”.
    
Đức Phật hỏi: “Như lời ông nói, lúc hai mươi tuổi thì sút hơn lúc lên mười, cho đến sáu mươi niệm niệm dời đổi theo từng ngày giờ; vậy khi ông ba tuổi thấy nước sông, rồi đến năm mười ba, thấy nước sông, tánh thấy như thế nào?”
    
Vua đáp: “Tánh thấy cũng giống như khi ba tuổi, cho đến năm nay đã sáu mươi hai cũng chẳng có khác”. Nghĩa là sự thấy không thay đổi xuyên qua thời gian thay đổi từ khi 3 tuổi tới 62 tuổi.

     Đức Phật hỏi tiếp: “Nay ông tự thân đã già, mặt ông chắc phải nhăn hơn lúc trẻ, vậy hiện nay thấy sông Hằng với lúc nhỏ thấy sông Hằng, cái tánh thấy có già trẻ gì chăng?” Ngài muốn chắc chắn nên hỏi lại một lần nữa rằng qua thời gian thay đổi dài lâu thì tính thấy thay đổi ra sao?
     Nhà Vua đáp: “Thưa Thế Tôn không ạ”, nghĩa là tính thấy không có sự khác biệt thay đổi nào cả qua thời gian lâu dài.

     Đức Phật giảng: “Mặt ông dù nhăn mà cái tánh của kiến tinh (năng thấy) chưa từng nhăn, có nhăn là biến, chẳng nhăn thì bất biến tức không thay đổi; thay đổi ắt phải diệt, không thay đổi thì chẳng sinh diệt. Chẳng sinh diệt như vậy lấy gì để thọ nhận sinh tử cho ông; mà ông còn đem tà thuyết của bọn Mạt Già Lê kia, cho là thân này sau khi chết đoạn diệt. Nghĩa là chết là hết chẳng còn tái sinh nữa là sai, ở đây Đức Phật quở Vua đã đem cái tà thuyết “đoạn diệt” sai trái của các phái ngọai đao ra để hỏi.

    
Bấy giờ: “Vua nghe Phật dạy, tin biết cái thấy (Bản Kiến) thật chẳng đoạn diệt, bỏ thân này sẽ được thân khác, nên cùng đại chúng vui mừng vì được nghe pháp chưa từng có”. Về điểm này, chúng ta thấy rằng tất cả thân xác vật chất đều thay đổi từng sát na, còn cái gốc thấy (Bản kiến) vốn chẳng thay đổi, cái thấy trước thế nào, sau cũng vẫn như vậy, điều này minh chứng cho cái gốc thấy không sinh không diệt vậy. Chẳng những cái gốc thấy không thay đổi, mà tất cả năm Căn: gốc thấy, gốc nghe, v.v… cũng đều không sinh diệt vậy.

2). CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

 

 (Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]