Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa

26/12/201516:35(Xem: 4821)
Bài 12: (Quyển Trung) Kinh Địa Tạng giải nghĩa

Kinh Dia Tang giai nghia
KINH

ĐỊA TẠNG BẢN NGUYỆN

Hán Dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng 
Việt Dịch: HT Thích Trí Tịnh

GIẢI NGHĨA

(Tiếp theo)

Toàn Không

 

QUYỂN TRUNG

 

PHẨM THỨ NĂM

DANH HIỆU CỦA ĐỊA NGỤC

 

1). PHỔ HIỀN HAN HỎI.

     Lúc đó, Ngài Phổ Hiền Bồ Tát thưa cùng Ngài Bồ Tát Địa-Tạng rằng: “Thưa Nhân Giả! Xin Ngài vì Trời, Rồng Bát bộ và tất cả chúng sanh ở hiện tại cùng vị lai, mà nói danh hiệu của những địa ngục là chỗ thọ báo của những hạng chúng sanh bị tội khổ ở trong cõi Ta-Bà cùng Diêm-Phù-Đề này, và nói những sự về quả báo không lành, làm cho chúng sanh trong thời mạt pháp sau này biết rõ những quả báo đó”. Ngài Bồ Tát Địa-Tạng đáp rằng: “Thưa Nhơn Giả, nay tôi nương oai thần của Đức Phật và oai lực của Ngài mà nói danh hiệu của các địa ngục, cùng những sự về tội báo và ác báo”.

2). DANH HIỆU CỦA ĐỊA NGỤC

     Thưa Nhân Giả! Phương Đông của Diêm-Phù-Đề có dãy núi tên là Thiết-Vi (núi bờ sắt), dãy núi đó tối thẳm không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, trong đó có địa ngục lớn tên là Cực-Vô-Gián (cùng tột khổ không ngừng).

Lại có địa ngục tên là Đại-A-Tỳ, lại có địa ngục tên là Tứ-Giác (bốn góc), lại có địa ngục tên là Phi-Đao (đao bay), lại có địa ngục tên là Hõa-Tiễn (tên lửa), lại có địa ngục tên là Giáp-Sơn (núi ép), lại có địa ngục tên là Thông-Thương (phóng đâm).

Lại có địa ngục tên là Thiết Xa (xe sắt), lại có địa ngục tên là Thiết-Sàng (giường sắt), lại có địa ngục tên là Thiết-Ngưu (trâu sắt), lại có địa ngục tên là Thiết-Y (`áo sắt), lại có địa ngục tên là Thiên-Nhẫn (nghìn mũi nhọn), lại có địa ngục tên là Thiết-Lư (lừa sắt).

Lại có địa ngục tên là Dương-Đồng (nước đồng sôi), lại có địa ngục tên là Bảo-Trụ (ôm cột đồng nóng đỏ), lại có địa ngục tên là Lưu-Hỏa (lửa văng), lại có địa ngục tên là Canh-Thiệt (cày trên lưỡi), lại có địa ngục tên là Tỏa-Thủ (chém đầu), lại có địa ngục tên là Thiêu-Cước (đốt cháy chân).

Lại có địa ngục tên là Đạm-Nhãn (móc mắt), lại có địa ngục tên là Thiết-Hoàn (nuốt hòn sắt nóng), lại có địa ngục tên là Tránh-Luận (hạch hỏi), lại có địa ngục tên là Thiết-Thù (phóng lao sắt), lại có địa ngục tên là Đa-Sân (giận dữ)...

Ngài Địa-Tạng Bồ Tát nói rằng: “Thưa Nhơn Giả, trong dãy núi Thiết-Vi có những địa ngục như thế số nhiều vô hạn. Lại có địa ngục Kiếu Oán (kêu la), địa ngục Bạt Thiệt (kéo lưỡi), địa ngục Phẩn Niếu (phân tiểu), địa ngục Đồng Toả (khóa đồng), địa ngục Hỏa Tượng (voi lửa), địa ngục Hỏa Cẩu (chó lửa), địa ngục Hỏa Mã (ngựa lửa), địa ngục Hỏa Ngưu (trâu lửa), địa ngục Hỏa Thạch (đá lửa), địa ngục Hỏa Sàng (giường lửa), địa ngục Hỏa Lương (sườn nhà lửa), địa ngục Hỏa Ưng (chim ưng lửa), địa ngục Cứ Nha (cưa răng), địa ngục Bác Bì (lột da), địa ngục Ẩm Huyêt (uống máu), địa ngục Thiêu Thủ (đốt đầu), địa ngục Thiêu Cước (đốt chân), địa ngục Đảo Thích (đâm ngược), địa ngục Hỏa Ốc (nhà lửa), địa ngục Thiết Ốc (nhà sắt), địa ngục Hỏa Lang (chó sói lửa).

Những địa ngục như thế, trong đó mỗi ngục lớn lại có những ngục nhỏ, hoặc một, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, nhẫn đến trăm nghìn ngục nhỏ, trong số đó danh hiệu chẳng giống nhau”.

Ngài Bồ Tát Địa-Tạng nói với Ngài Bồ Tát Phổ Hiền rằng: “Thưa Nhơn Giả! Đó đều là do chúng sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề làm những điều ác mà tùy nghiệp chiêu cảm (1) ra những địa ngục như thế.

Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh (2)”; do đó chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, vì sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy cả (3).

Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau được (4); nay tôi nương oai lực của Đức Phật mà nói sơ lược những sự tội báo nơi địa ngục, mong Nhân giả tạm nghe những lời đó.

Ngài Bồ Tát Phổ Hiền đáp rằng: “Dầu từ lâu tôi đã rõ tội báo nơi ba đường ác đạo rồi, nhưng tôi muốn Nhân giả nói ra để làm cho tất cả chúng sanh có tâm hạnh ác trong đời mạt pháp sau này, nghe được lời dạy của Nhân giả, mà biết quy hướng về Giáo Pháp của Phật”(5).

GIẢI NGHĨA

(1) Tùy nghiệp chiêu cảm: Chiêu là trói buộc lại, khiến cho tới về mình, tự gây việc cho mình; Cảm là nhiễm phải, động sinh; Tùy nghiệp chiêu cảm là tự gây nghiệp cho mình chứ không do người khác tạo nghiệp cho mình.

(2) Nghiệp lực rất lớn, có thể sánh với núi Tu-Di, có thể sâu dường biển cả, có thể ngăn đạo thánh: Câu này có nghĩa là nghiệp lực vô cùng mạnh mẽ, nó lớn như núi vô cùng lớn, nó sâu rộng như biển, nó có thể ngăn đạo Thánh; nghĩa là bậc Thánh cũng không cản trở được sức lực của nó. Người tạo tội rồi thì phải động sinh thành nghiệp qủa, dù mai sau có thành Phật đi chăng nữa nhưng gây ra tội rồi thì phải vào Địa Ngục chịu qủa báo đã, rồi về sau làm lành tránh làm ác tu hành dần dần sẽ thành Phật.

(3) Vì thế chúng sanh chớ khinh điều quấy nhỏ mà cho là không tội, sau khi chết đều có quả báo dầu đến mảy mún đều phải chịu lấy: Câu này ngài Địa Tạng lưu ý dù tội nhẹ cũng là tội, tội nhẹ thì qủa báo nhẹ, chứ không phải là không có tội. Tất cả những tội gây ra sau khi chết rồi đều động sinh thành chiêu cảm qủa báo của chính người tạo ra, không thể trốn tránh gì được, nhưng ở thế gian có thể có nhiều người tạo tội không ai thấy nên tránh được bị trừng phạt ở đời.

(4) Chí thân như cha với con, mỗi người cũng theo nghiệp của mình mà đi khác đường, dầu có gặp nhau cũng chẳng bằng lòng chịu khổ cho nhau: Nghĩa là dù thân yêu chí thiết với nhau cũng không ai có thể chịu tội thay thế cho nhau được, ai làm nấy tự phải chịu lấy qủa báo của mình đã gây mà thôi.

(5) Ngài Phổ Hiền Bồ Tát nói với Ngài Địa Tạng rằng:Dầu từ lâu tôi đã rõ tội báo nơi ba đường ác đạo rồi, nhưng tôi muốn Nhân Giả nói ra để làm cho tất cả chúng sanh có tâm hạnh ác trong đời mạt pháp sau này, nghe được lời dạy của Nhân Giả, mà biết quy hướng về Giáo Pháp của Phật. Chúng ta nên cảm tạ và đảnh lễ ngài Bồ Tát Phổ Hiền đã thương xót chúng sinh đời sau (như ngày nay) mà cầu ngài Bồ Tát Địa Tạng nói ra các địa ngục như thế để có thể học hỏi và biết để tránh làm các điều ác. Phải ý thức được rằng những ai đã được nghe hay đọc những lời Kinh này thì đều phải lấy đó làm kim chỉ nam mà làm lành tránh làm ác và tu hành nghiêm chỉnh hầu mong ra khỏi biển khổ. Nhưng còn biết bao nhiêu người trong thế giới này chưa được biết tới giáo pháp của Phật, đây là một thiệt thòi lớn cho họ, khi họ đã có cơ may được làm người nhưng lại không được biết đến giáo pháp qúy giá của Phật.

    Chúng ta thấy Kinh tả: “Phương Đông của Diêm-Phù-Đề có dãy núi tên là Thiết Vi: Thiết là sắt, Vi là bờ rào. Thiết Vi có nghĩa là bờ rào sắt; có sách nói là núi Kim Cang, Kim Cang thì vô cùng cứng chắc không gì phá được. “Dãy núi đó tối thẳm”: Đây là tượng trưng sự tối tăm vô minh của các tội nhân, ám chỉ Tâm chúng sinh vô-minh ngu dốt không phân biệt được thiện và ác, thiện cho là ác, ác cho là thiện. Ví dụ như hai người chống đối nhau thì người nào cũng cho là mình phải, không người nào chấp nhận là mình quấy; vì vậy cho nên mới làm bất cứ điều ác nào, do đó chất chứa tội lỗi nhiều cao như núi.

     Lại nữa, Kinh nói: “Không có ánh sáng của mặt trời, mặt trăng”, nghĩa ánh sáng đây là trí tuệ, khi tâm vô minh thì khó ra khỏi vô minh cho nên ví như bị giam hãm trong chỗ bờ rào sắt cứng chắc bao bọc kiên cố, không thể thoát ra khỏi, tức là chẳng thể giải thoát được. “Trong đó có địa ngục lớn tên là Cực-Vô-Gián”, nghĩa là ở trong địa ngục này bị chịu khổ cực không lúc nào ngừng khổ và vô cùng lâu dài; đây là biểu trưng cho con người chưa giải thoát còn sống trong vô minh là còn tạo nghiệp xấu, ví như sống trong Địa Ngục tối tăm không có ánh sáng vậy.

     Chúng ta thấy chúng sinh thì vô số vô lượng mà mọi người đều biết, thì vô minh của chúng sinh cũng vô số vô lượng, Vô minh đã vô số thì địa ngục cũng vô số; bởi vì mỗi một sự vô minh là tạo ra một nghiệp phải mang, do đó số địa ngục phải tương xứng đủ số cho nghiệp qủa phải trả, nên địa ngục cũng có vô số là vậy.

     Khi tạo tội ngũ nghịch thì phải chịu khổ ải liên tiếp lâu dài nên gọi là “Cực Vô-gián”, khi tạo tội đại ác như giết người hàng loạt, v.v… phải chịu đầy đọa hành hạ khủng khiếp nên nói “ngục Đại A-tỳ”, khi tà dâm mà còn giết hại mạng người thì bị đọa “ngục Tứ-giác” là bị bốn núi đá từ bốn phía ép vào khiến cho thân thể nát tan, v.v…. Tất cả các địa ngục đều tùy theo nghiệp báo tương xứng với nghiệp tạo ra mà có tên gọi khác nhau. Các cực hình cũng vậy, tùy theo lúc tạo nghiệp hành động ác ra sao thì lúc nhận cực hình cũng tương tự như thế, và còn nặng nề thống khổ hơn gấp trăm nghìn lần.

     Đây chỉ là làm cho tội nhân nhớ mãi không quên cái tội gây ra và qủa báo phải nhận: tội gây ra là một, thì qủa khổ phải lãnh là một trăm một nghìn; cũng như người làm việc bố thí cúng dàng chỉ có một nhưng kiếp sau thì được hưởng trăm hay ngàn. Chúng ta thử tính xem như người cho vay tiền thì phải có lời tùy theo thời gian dài hay ngắn mà có tiền lời nhiều hay ít. Việc bố thí cũng vậy, khi bố thí, kiếp sau hưởng gấp trăm hay nghìn là do thời gian dài; do đó người tạo tội, kiếp sau trả qủa gấp trăm hay nghìn lần nặng hơn là không có bất công. 

3). TỘI BÁO TRONG ĐỊA NGỤC.

      Ngài Bồ Tát Địa tạng nói rằng: “Thưa Nhân giả! Những sự tội báo trong chốn địa ngục như vầy:

      Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra mà cho trâu cày trên đó, hoặc có địa ngục moi tim người tội để cho quỷ Dạ xoa ăn, hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sùng sục nấu thân người tội, hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy.

      Hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội, hoặc có địa ngục toàn cả thuần là  băng giá, hoặc có địa ngục đầy vô hạn phẩn tiểu, hoặc có địa ngục  lao gai chông sắt, hoặc có địa ngục  đâm nhiều giáo lửa.

      Hoặc có địa ngục chỉ đập vai lưng, hoặc có địa ngục chỉ đốt chân tay, hoặc có địa ngục cho rắn sắt quấn cắn, hoặc có địa ngục xua đuổi chó sắt, hoặc có địa ngục đóng ách lừa sắt.

      Nhân giả! Những quả báo như thế trong mỗi ngục có trăm nghìn thứ khí cụ để hành hình, đều là bằng đồng, bằng sắt, bằng đá, bằng lửa. Bốn loại khí cụ này do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà cảm vời ra.

      Nếu tôi thuật rõ cả những sự về tội báo ở địa ngục, thời trong mỗi ngục lại còn có trăm nghìn thứ khổ sở, huống chi là nhiều ngục!

      Nay tôi nương sức oai thần của đức Phật và vì Nhân giả hỏi mà nói sơ lược như thế. Nếu nói rõ cả thời cùng kiếp nói cũng không hết”.

GIẢI NGHĨA

     Đây là nói về cách tra khảo trong các địa ngục, tùy theo tội nhân gây nghiệp mà bị chịu khổ tương xứng, như tội tạo ra do miệng nói dối, nói đâm thọc, nói thêu dệt thêm hay bớt, nói ác hại người khác thì sẽ bị qủa khổ kéo lưỡi, trâu cày trên lưỡi, hay đóng đinh trên lưỡi v.v… “Hoặc có địa ngục moi tim người tội để cho quỷ Dạ xoa ăn”: Đây là qủa báo đời trước tội nhân đã từng giết chúng sinh, cắt tim moi gan để ăn, móc mật để uống. “Hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sùng sục nấu thân người tội”: Đây là qủa báo đời trước tội nhân đã từng giết hại chúng sinh rồi luộc hoặc chiên thịt chúng sinh v.v…. “Hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy”: Đây là qủa báo đời trước tội nhân đã từng hiếp dâm rồi giết người. Hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội: Đây là qủa báo đời trước tội nhân đã từng đốt cháy hay tạt axit chất độc hại chúng sinh. “Hoặc có địa ngục toàn là băng giá”: Đây là qủa báo tội nhân đời trước đã từng bắt nhốt tra tấn hành hạ ác độc chúng sinh cho tới chết. “Hoặc có địa ngục đầy phân tiểu”: Đây là qủa báo tội nhân đời trước đã từng bôi nhọ phỉ báng vu oan giá họa cho người khác và các bậc Thánh nhân. “Hoặc có địa ngục giường gai chông sắt”: Đây là đời trước tội nhân đã từng dùng bẫy bắt giết súc vật hay mưu độc giết người. “Hoặc có địa ngục đâm nhiều giáo lửa”: Đây là qủa báo đời trước tội nhân đã từng săn bắn giết hại nhiều chúng sinh, và v.v…

     Ngài Bồ Tát Địa Tạng cho biết những quả báo nhiều vô số kể như trên, được hành hình bằng vô lượng dụng cụ khác nhau toàn là bằng đồng, sắt, đá và lửa; dụng cụ bằng đồng như nước đồng sôi đổ vào miệng, cột đồng nóng đỏ bắt tội nhân ôm v.v…. Dụng cụ bằng sắt như nằm trên giường chông sắt nhọn, đinh sắt đóng trên thân thể, các con vật bằng sắt, các binh khí bằng sắt như đao kiếm thương búa rìu v.v…. Dụng cụ bằng đá như cối xay đá, núi đá ép, cối đá chày đá v.v…; dụng cụ bằng lửa như gió lửa, chim và các loài súc vật lửa, tường lửa, sông lửa, vạc dầu sôi, nồi sắt vạc sắt nhà sắt để nướng tội nhân, nằm giường sắt nóng đỏ, nuốt viên sắt nóng đỏ v.v…. Bốn loại khí cụ này do các hạnh nghiệp quấy ác của chúng sanh mà chiêu cảm ra.

 (Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567