Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

03. Phẩm Thí Dụ

28/08/201100:23(Xem: 8675)
03. Phẩm Thí Dụ

Phẩm Thí Dụ Thứ Ba

 

Qua phẩm Phương Tiện chúng ta đã thấy rõ rằng: Đức Thế Tôn từ thánh định thung dung mà khởi thuyết cho hội chúng nghe về “Tri kiến Phật”. Sự lãnh hội ngôn giáo ấy chỉ có hạng thượng căn như Ngài Xá Lợi Phất mới có thể thấu rõ được. Nhưng bậc trung và hạ căn vẫn chưa phát khởi lòng tin, nên Đức Thế Tôn đã thuỳ từ lân mẫn mà dùng thí dụ để thuyết. Ngõ hầu bậc trung và hạ căn trong hội chúng phát khởi lòng tin mà thâm nhập Phật trí.

“Lúc bấy giờ Ngài Xá Lợi Phất hớn hở vui mừng liền đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng dung nhan Đức Phật mà bạch Phật rằng : Nay con theo Đức Thế Tôn nghe đặng tiếng pháp này trong lòng hớn hở đặng điều chưa từng có”.

Không hớn hở làm sao được! vì suốt bốn mươi năm nghe pháp, tu chứng đến quả vị Thanh văn, tưởng chừng mình đã rốt ráo tận cùng, nay mới thấy rõ rằng quả vị tu chứng kia chỉ là phương tiện để đạt thành “Tri kiến Phật”.

Mặc dù tu chứng đến quả vị Thanh văn, nhưng có những lúc Xá Lợi Phất thấy các vị Bồ Tát được Đức Thế Tôn thọ ký thành Phật, mà mình lại không can dự gì. Nên khi ở trong núi rừng vắng vẻ, khi ngồi hoặc đi kinh hành, Xá Lợi Phất đã từng nghĩ: chúng ta đồng vào phát tán, tại sao Đức Thế Tôn lại dùng pháp Tiểu thừa mà tế độ cho. Lỗi ấy ở ai? Hôm nay Xá Lợi Phất đã tự biết lỗi ấy ở nơi mình.

Vì căn cơ chưa thuần thục, nên Đức Thế Tôn mới dùng phương tiện mà dắt dìu cho.

Cũng như thế, chúng ta ngày hôm nay, nếu có người đến hỏi đạo, có lúc ta bảo họ ăn hiền ở lành làm sao cho gia đình hoà thuận ấy là tu. Nhưng có lúc ta lại bão: cần phải quán các pháp như huyễn để khỏi bị vướng chấp và phiền não trói buộc thì việc tu hành mới đạt thành kết quả.

Như vậy, chúng ta mới thấy rõ là tuỳ theo trình độ, tuỳ theo căn cơ của từng hạng, từng người mà chúng ta nói đạo lý có khác nhau.

Nay Xá Lợi Phát đã dứt lòng nghi hối. Vì Ngài đã nhận ra rằng chính nơi việc tu chứng của Ngài chỉ là những nấc thang vững chắc để tiến đến Phật thừa.

Do đó, Xá Lợi Phất biết mình là chân Phật tử. Vì nhân lời dạy của Đức Thế Tôn mà Ngài phát sinh trí tuệ. Vì nhân giáo pháp ấy mà trí tuệ càng ngày càng mở rộng, và chứng được một phần tri kiến Như Lai.

Cho đến hôm nay Đức Thế Tôn mới khai mở lý đạo Nhất thừa, Ngài thể nhập được ngay nên rất vui mừng, cho là đặng điều chưa từng có.

Còn chúng ta giờ đây thế nào? Chúng ta đã tự xưng mình là Phật tử, nghĩa là con của đấng Giác Ngộ. Nếu không giác ngộ như Ngài Xá Lợi Phất thì ít ra chúng ta cũng giác ngộ được một vài phần, nghe kinh, suy nghĩ những lời dạy ấy để đạt đến “diệu lý chân thường” đó mới là Phật tử.

Như quý vị tụng kinh Pháp Hoa, mà không thông đạt diệu lý của Pháp Hoa thì tụng để làm gì? Tụng cho có phước, hay tụng để mà tụng? như thế mình có đúng là Phật tử chăng?

- Nếu Phật tử sao không nhận thấy “Các pháp từ xưa đến nay tướng thường tự tịch diệt?”.

- Nếu đã thấy tướng thường tự tịch diệt, sao lại vướng chấp tướng vô thường?

- Nếu không vướng chấp tướng vô thường, nghĩa là đã quán được “Các pháp hữu vi đều vô thường” rồi suy nghĩ nhàm chán, buông bỏ để thõng tay vào núi chăng?

Tướng vắng lặng của các pháp chỉ tương ứng với tâm thể rỗng rang, sáng suốt hoàn toàn. Tướng đó là chân tướng của vạn pháp, chứ không phải tướng do duyên hợp. Vì quán triệt như thế mà chư vị Đại Bồ Tát phát khởi lòng đại từ bi để đồng cư với chúng sinh mà dẫn độ chúng sinh thoát ra khỏi vòng nhiễm chấp.

Lúc đầu Xá Lợi Phất nghe Đức Thế Tôn thuyết về “Tri kiến Phật” lòng kinh nghi lo sợ, tưởng rằng ma thuyết. Bởi vì lúc xưa Ngài tu theo giáo phái Bà la môn, cầu được sinh Thiên, nằm trong sinh tử luân hồi. Đức Thế Tôn đã phá trừ tà kiến của Ngài, nhân đó thuyết về Tứ Đế, để Ngài đạt đến quả vị Thanh văn, nay đã thành thục, Đức Thế Tôn dứt trừ lưới nghi và cho Ngài biết đó là phương tiện, để dẫn đến Nhất thừa. Nên ngài liền tỏ ngộ và an trụ vào thật trí. Do đó phần trùng tụng trong phẩm kinh đã nêu:

“Nghe tiếng Phật êm dịu

Sâu xa rất nhiệm mầu

Nói suốt pháp thanh tịnh,

Tâm con được vui mừng,

Nghi hối đã hết hẳn,

An trụ trong thật trí”.

Đã an trụ trong thật trí, nên Ngài thấu hiểu một cách rõ ràng về vấn đề “Khai quyền hiển thật” của Đức Thế Tôn và chư Phật trong ba đời vẫn thế. Do vậy, Ngài rất vui mừng và biết chắc rằng mình sẽ thành Phật, được trời, người cung kính, chuyển pháp luân vô thượng để giáo hoá mọi người.

“Con quyết sẽ thành Phật,

Được trời, người cung kính,

Chuyển pháp luân vô thượng,

Giáo hoá các Bồ Tát”.

Và Đức Thế Tôn đã thọ ký cho Ngài:

“Xá lợi Phất! Ngươi đến đời vị lai quá vô lượng, vô biên bất khả tư nghì kiếp, cúng dường bao nhiêu nghìn muôn ức Phật, phụng trì chánh pháp, đầy đủ đạo tu hành của Bồ Tát, sẽ thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, đầy đủ mười hiệu, nước tên là Ly Cấu, cõi đó bằng thẳng, thanh tịnh, đẹp đẽ, yên ổn, giàu vui, trời, người đông đảo. Xá Lợi Phất, Đức Phật Hoa Quang ấy thọ 12 tiểu kiếp, quá 12 tiểu kiếp trao ký đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác cho Kiên Mãn Bồ Tát ... sẽ thành Phật hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai”.

Nếu chúng ta được thọ ký như Ngài Xá Lợi Phất, chúng ta có vui mừng chăng? Có lẽ chúng ta không vui mừng, vì tới vô lượng, vô biên bất khả tư nghì kiếp mới thành Phật, thật là lâu xa quá, làm sao mừng được.

Như vậy chúng ta chưa thấy “tánh”, nên chưa đạt lý “bất sinh, bất diệt”, còn vướng mắc ở thời gian bám chặt lấy thân này mà phát sinh vọng niệm.

Còn Ngài Xá Lợi Phất đã nhận rõ về “Tri kiến Phật” giải thoát sự nô lệ của thời gian, do vậy, Ngài rất vui mừng.

Thông thường chúng ta muốn tu độ 5–10 năm thì đạt đạo. Nhưng 5–10 năm vẫn chưa thấy lý đạo, ta lại chán nản. Trong lúc chán nản gặp người bạn nào đó rủ mình, này bạn! Chỗ này có pháp môn niệm Phật hay lắm, dễ đạt đạo lắm, hãy đến đó mà niệm Phật. nhưng rồi 3-4 năm sau vẫn chưa thấy đạt, hay chứng gì cả, lại đâm ra chán nản. Có người bạn khác đến, sau khi nghe mình kể lại pháp môn niệm Phật chẳng thấy chứng đạt gì. Người bạn thứ hai này cho biết ở nơi kia có pháp môn ngồi thiền, nghe ông thầy nói tu mau chứng lắm, mình lại lật đật đến nơi, cũng ngồi thiền, 3,4 năm nhưng rốt cuộc cũng chẳng thấy chứng đạt gì cả. Cứ thế suốt cuộc đời loanh quanh lẩn quẩn, tìm cầu nhọc sức mà chẳng thông lý đạo.

Đạo Phật là đạo giác ngộ. Lấy trí tuệ làm căn bản cho việc hành trình vào lý đạo cao siêu. Nếu một lòng vững tin mình có trí tuệ Bát Nhã tuyệt vời đồng với chư Phật không khác. Trí tuệ ấy không phải nơi chữ nghĩa, ngôn ngữ, thời gian hay không gian, hay nơi quả vị tu chứng. Mà nó ở nơi sự trực nhận lẽ thật của muôn vạn pháp và sống đúng với lẽ thật ấy.

Do vậy, dù có tu bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp mới thành Phật, chúng ta vẫn chẳng thấy ngán ngại gì cả.

Ngài Xá Lợi Phất đã nhận chân được điều ấy và biết được rằng ngay chính thân phàm phu này đã ẩn tàng thân Phật.

Trong Chứng Đạo Ca Ngài Huyền Giác cũng có câu: “Thân không huyễn hoá, tức pháp thân”.

Như thế ai lại chẳng có pháp thân. Nhưng mình lại chối từ không nhận, cho là phàm phu “vô phần”, lại đi tìm cầu “pháp thân” nơi xa xăm vô tận. Có lẽ thiên vạn ức kiếp chẳng bao giờ ta gặp được “pháp thân” đó cả.

“Bấy giờ bốn bộ chúng : Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni... thấy Xá Lợi Phất ở trước Phật lãnh lời dự ghi sẽ thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lòng rất vui mừng, mỗi người đều cởi y trần của mình đang đắp để cúng dường Phật”.

Chúng ta hãy xem, thuở quá khứ, trong chúng hội thấy có một người được trao ký thành Phật mọi người đều vui mừng.

Nhưng bây giờ chúng ta thấy một người nào đó được bậc tôn túc ngợi khen thì chúng ta có vui mừng chăng? Hay chúng ta sinh tâm tật đố?

Ngài Xá Lợi Phất vừa được trao ký ở đời vị lai quá vô lượng vô biên bất khả tư nghì kiếp sẽ thành Phật, liền ân cần thưa thỉnh Đức Thế Tôn về các vị tâm tự tại 1.200 đây lúc xưa ở bậc hữu học, Phật thường dạy rằng : “Pháp của ta hay lìa sinh, già, bệnh, chết, rốt ráo Niết bàn, các vị hữu học, vô học đây cũng đều đã tự rời chấp ngã, cùng chấp có chấp không... Nói là đặng Niết bàn mà nay ở trước Đức Thế Tôn nghe chỗ chưa từng nghe, đều sa vào nghi lầm. Hay thay! Thế Tôn! Xin Phật vì bốn chúng nói nhân duyên đó khiến lòng lìa nghi hối”.

Điều đó cho chúng ta thấy rõ rằng: Tinh thần vị tha của “người xưa” thật là cao quý, mình đã được trao ký mong mọi người cũng được trao ký như mình.

Nhưng tại sáo bốn chúng lại có lòng nghi như vậy? Bởi vì bốn chúng đã từng theo Phật nghe pháp và họ y theo pháp đó để tu hành, đạt thành quả vị Thanh văn, đúng như lời giáo huấn của Như Lai.

Nhưng nay Đức Thế Tôn lại “khai quyền hiển thật” thì quả vị tu chứng của họ sẽ đi về đâu? Như thế các pháp mà do Đức Thế Tôn đã thuyết ra cho họ tu đó có pháp là thật pháp hay chăng? Cho nên bốn chúng mới phát khởi lòng nghi như vậy.

Đức Phật bảo ngài Xá Lợi Phất: “Ta trước đâu không nói rằng: Các Phật Thế Tôn dùng các món nhân duyên, lời lẽ, thí dụ, phương tiện mà nói pháp đều là đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác ư? Các điều nói đó đều vì dạy Bồ Tát vậy. Nhưng Xá Lợi Phất! Nay Ta dùng một thí dụ để chỉ rõ lại nghĩa đó, nhưng người có trí do thí dụ mà đặng hiểu”.

Điều đó chúng ta thấy rằng: Các pháp mà Đức Thế Tôn đã tuyên bày để dìu dắt chúng hội từ trước đến nay vẫn là những pháp hướng về “Nhất thừa”.

Những điều chỉ dạy của Đức Thế Tôn để tiến tu đều nằm trong giáo pháp Đại thừa. Điều cần yếu là không nên trụ vào những pháp đó, thì mới có thể tiến đến chỗ thâm diệu của pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhưng để rõ nghĩa hơn, Đức Thế Tôn đã dùng một thí dụ để minh chứng điều đó.

“Xá Lợi Phất! Như trong quốc ấp tụ lạc có vị đại trưởng giả tuổi đã già suy yếu, của giàu vô lượng, có nhiều gia trạch, ruộng nương và tôi tớ, nhà ông rộng lớn mà chỉ có một cửa để ra vào”.

Với ý nghĩa là Đức Như Lai thường trụ ở chân tâm vắng lặng thành tịnh, viên mãn, đầy đủ phước huệ trang nghiêm.

Vì “quốc ấp tụ lạc” là chỉ cho cõi “thường tịch quan”, “ông trưởng giả” là chỉ cho “ứng thân Phật”.

Từ trong tánh giác viên minh đầy đủ phước huệ mà phát khởi lòng đại từ đại bi thị hiện để độ thoát chúng sinh.

- Vì trưởng giả tuổi đã già suy của giàu vô lượng nghĩa là sự tu hành đã trải qua vô lượng kiếp. Các căn thuần thục, không còn nhiễm chấp nên đã thành tựu công đức vô lượng, vô biên.

- Có nhiều gia trạch ruộng nương và tôi tớ, là chỉ cho trạch thức hay vô cấu thức. Ở nơi mảnh đất vô cấu ấy, năng sinh các công đức. Chuyển tất cả phiền não hay tôi tớ thành diệu dụng của chân tâm.

Còn chúng ta giờ đây bị vô minh sai khiến, bọn tôi tớ lắm mưu nhiều kế, ông chủ lại bạc nhược ngớ ngẩn cho nên bao nhiêu ruộng nương của cải bị chúng chiếm đoạt cả.

Do đó chúng ta nghèo cùng khốn khổ. Nghĩa là chúng ta không có phước huệ trang nghiêm nên bị sinh tử luân hồi.

- Nhà ông trưởng giả thật rộng lớn, là chỉ cho “pháp giới tính” viên mãn thường hằng.

- Chỉ có một cửa ra vào, là chỉ cho giáo môn Nhất thừa.

- Người trong đó rất đông hoặc 100, 200 cho đến 500 người, lầu gác đã mục, vách phên sụp đổ, chân cột hư nát, trính xiên xiêu ngã, bốn phía cùng một lúc lửa bổng nổi lên đốt cháy nhà cửa.

- Các người con ông trưởng giả hoặc 10 người, hoặc 20 người, hoặc 30 người ở trong nhà đó.

Đoạn kinh trên cho chúng ta thấy rằng : “Thể tính viên minh” Phật và chúng sinh vốn đồng, nhưng chúng sinh vì vô minh vọng động nên có sự sai khác. Từ vọng thức đảo điên nảy sinh tam giới, để rồi có sáu nẻo luân hồi.

Cái “Thể tính viên mãn” kia bị phiền não đốt cháy nên “cái nhà rộng lớn đó” đã trở thành nhà lửa hay còn gọi là hoả trạch.

Trong nhà đó rất đông người : hoặc 100, 200 cho đến 500 người là chỉ cho ngũ thú (trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) lăn lộn chung nhau.

- Lầu gác đã mục, tượng trưng cho sắc ấm sinh diệt nối nhau.

- Vách phên sụp đổ, tượng trưng cho tưởng ấm niệm niệm đổi thay.

- Chân cột hư nát tượng trưng cho hành ấm liên tục thế nhau.

- Trính xiên xiêu ngã, tượng trưng cho thọ ấm bại hoại tiêu vong.

- Bốn phía cùng một lúc lửa bỗng nổi lên đốt cháy nhà cửa, tượng trưng cho ngũ ấm niệm niệm dấy lên. Không từ đâu đến các phiền não càng ngày càng tăng trưởng để thiêu huỷ “Chân tính viên minh”.

- Các người con của ông trưởng giả hoặc 10 người, hoặc 20 người, hoặc đến 30 người. Nghĩa là trong nhà lửa ấy, chúng sinh mặc dù trôi lăn trong ngũ thú, nhưng cội nguồn sẵn có hạt giống vô lậu xuất thế đủ “Tam thừa chủng tính” nên mới gọi là con ông trưởng giả.

- Hoặc 10 người là tượng trưng cho chủng tính Bồ Tát Đại thừa.

- Hoặc 20 người là tượng trưng cho chủng tính Độc Giác thừa.

- Hoặc 30 người là tượng trưng cho chủng tính Thanh văn thừa.

Bằng những chủng tính ấy nếu được khai mở sẽ đạt thành quả vi “Diệu giác chân thường”.

Trưởng giả thấy lửa từ bốn phía nhà cháy lên, liền rất sợ hãi mà nghĩ rằng: “Ta dầu có thể ở nơi cửa nhà cháy này ra ngoài rất an ổn, song các con ở trong nhà lửa ưa vui chơi giỡn không hay biết, không sợ sệt, lửa đến đốt thân, rất là đau khổ, mà lòng chẳng hề nhàm lo, không có ý cầu ra khỏi”.

Đức Thế Tôn đã thấy rõ chúng sinh đắm mê ngũ dục, sa đoạ vào nơi ác đạo, lửa vô thường thiêu đốt nhưng chúng chẳng hề hay biết, cứ ở nơi nhà lửa ham chơi vui giỡn, chẳng kinh, chẳng sợ, thật là đáng thương xót.

Đến đây chúng ta lại tự hỏi: tại sao lửa cháy mà không biết, không sợ?

Bởi vì đó là lửa vô thường, không hình, không tướng khó nhận ra được năm món dục: “Tài, sắc, danh, thực, thuỳ” luôn luôn đẩy đưa theo vọng thức, làm lu mờ tánh giác của chúng sinh.

Có những lúc nhìn cảnh sinh, lão, bệnh, tử, cũng giật mình lo sợ. Nhưng rồi cảnh dục lại thúc bách làm cho tâm trí si mê, chỉ biết buông trôi tham nhiễm.

Nếu có quy ngưỡng về Tam Bảo thì cũng chỉ gọi là.

Các bậc Tổ Đức đã lận đận nhiều phen, rát cổ, khô lưỡi để đem lý đạo nhiệm mầu để dìu dắt chúng sinh ra khỏi nhà lửa. Nhưng nói rồi quên rồi, có bao giờ chúng sinh tỉnh giác để ra khỏi nhà lửa đầu?

“Xá Lợi Phất! Ông trưởng giả đó lại nghĩ thân và tay của ta có sức mạnh nên dùng vạt áo hoặc dùng ghế đẳng từ trong nhà mà ra ngoài”.

Nghĩa là ông có đầy đủ trí và lực như sức mạnh của thân và tay có thể che chỡ dìu dắt kẻ hạ căn, có thể dùng phương tiện giúp cho kẻ trung căn ra khỏi nhà lửa. Như lời kinh dạy: dùng vạt áo hoặc dùng ghế đẳng từ trong nhà mà ra ngoài.

Đó là Đức Thế Tôn muốn đem trí tuệ thần thông không thể nghĩ bàn để tiếp độ chúng sinh. Nhưng vì chúng sinh nghiệp quả nặng nên không tiếp nhận nổi.

“Ông lại nghĩ : nhà chỉ có một cái cửa mà lại hẹp nhỏ, các con thơ bé chưa hiểu gì mê đắm chơi giỡn, hoặc vấp ngã bị lửa cháy. Ta nên vì chúng nó mà nói những việc đáng sợ”.

Nếu không dùng trí tuệ thần thông thì Đức Thế Tôn lại nghĩ là đem “Nhất thừa giáo môn” để chỉ bày. Nhưng chúng sinh vẫn chưa đủ căn trí để tin được, Ngài lại thuyết về sinh, lão, bệnh, tử, vô thường đáng sợ mà thúc dục chúng sinh mau phát khởi sự tu hành để ra khỏi nhà lửa.

Nhưng cuối cùng chúng vẫn chẳng khứng tin chịu, chẳng sợ hãi, trọn không có lòng muốn ra, lại chẳng hiểu gì là lửa, gì là nhà, thế nào là hại, chỉ cứ đông tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi.

Biết được các con vốn sẵn có hạt giống vô lậu xuất thế nhưng tham ưa ngũ dục, ông trưởng giả bèn dùng chước phương tiện, theo những điều ước mong của chúng. Nếu chúng ưa “tài, sắc, danh, thực, thùy”, ông sẽ thuyết về những món tài, sắc, danh, thực, thùy, ông sẽ thuyết về những món tài, sắc, danh, thực, thuỳ vui sướng gấp vô lượng lần như thế. Như cảnh giới Cực lạc ở Tây phương, như những phước báu trang nghiêm nơi các quả vị tu chứng, chắc chúng sẽ ưa thích, nương theo đó mà ra khỏi nhà lửa vậy.

“Cha biết các con đều vẫn có lòng thích các đồ chơi trân báu lạ lùng, nếu có, chắc chúng ưa đắm, nên bảo các con rằng : đây này là những món đồ ít có khó đặng, mà các con có thể vui chơi, nếu các con không ra lấy, sau chắc buồn ăn năn, các thứ xe dê, xe trâu, xe hươu như thế này ở ngoài cửa, có thể dùng dạo chơi. Các con ở nơi nhà lửa nên mau ra đây tùy ý các con muốn, cha đều sẽ cho các con”.

Đức Thế Tôn nói thẳng sự hiểm nguy của nhà lửa. Chúng sinh vẫn không tin, lại cứ rong chơi trong ngũ dục, thỉnh thoảng nhìn cha, rõ là chúng sinh quá mê muội. Tuy nhiên vì lòng thương xót bao la, Ngài đã dẫn dụ bằng cách hứa cho những đồ chơi tốt đẹp để ở ngoài nhà lửa, mặc tình con lấy dạo chơi thỏa thích. Hay nói đúng hơn là Đức Thế Tôn đã dùng phương tiện mà lập Tam thừa giáo pháp, để cho chúng sinh thoát ly sinh tử.

Với những quả vị Thanh văn, Duyên giác Bồ Tát, nếu đạt thành thì xem như con đường Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác chẳng còn bao xa nữa. Vì xe dê, xe hươu, xe trâu là dụ cho Tam thừa giáo pháp.

“Lúc bấy giờ các người con nghe cha nói đồ chơi báu đẹp vừa ý mình, nên lòng mỗi người đều mạnh mẽ xô đẩy lẫn nhau, cùng đua nhau ruổi chạy tranh ra khỏi nhà lửa. Khi đó ông trưởng giả thấy các con đặng an ổn ra khỏi nhà lửa, đều ở trong ngã tư, ngồi nơi đất trống. Không còn bị chướng ngại, tâm ông thơ thới vui mừng hớn hở”.

Do lòng thương xót vô hạn, Đức Thế Tôn đã chiều uốn theo sở thích của từng hạng, từng người, mà làm cho họ phát khởi lòng tinh tấn, dòng mãnh tu theo pháp “Tứ Đế” chứng “vô trụ Niết bàn” đè bẹp được phiền não, không còn có gì làm chướng ngại. Nên đoạn kinh đã ghi : “Ra khỏi nhà lửa đều ở trong đường ngã tư, ngồi nơi đất trống, không còn bị chướng ngại”. Nên khi đó chính là lúc ông trưởng giả đem xe báu cho các con.

“Xá Lợi Phất! Khi đó ông trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn, xe đó cao rộng, chưng dọn bằng các món báu, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn rộng giăng che ở trên cũng dùng đồ báu tốt đẹp lạ mà trau giồi đó, giây bằng báu kết thắt các giải hoa rũ xuống, nệm chiếu mềm mại trải chồng, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, sắc da mập sạch, thân hình mập đẹp, có sức rất mạnh, bước đi ngay thẳng mau lẹ như gió, lại có đông tôi tớ để hầu hạ đó”.

- Với xe lớn này là dụ cho Đại thừa giáo pháp, không bị thời gian và không gian chi phối, nên gọi là cao rộng.

- Chưng dọn bằng các món báu là chỉ cho muôn hạnh muôn đức trang nghiêm.

- Giữ thiện bên trong, ngăn ác bên ngoài, gọi là lan can bao quanh.

- Dùng biện tài vô ngại để giáo hóa chúng sinh nên gọi là bốn phía treo linh.

- Dùng tứ vô lượng tâm để hàng phục muôn loài gọi là màn lọng giăng che.

- Dùng thiền định để thâu nhiếp các căn, nên gọi là nệm chiếu mềm mại gối đỏ để trên.

- Tâm thể rỗng rang, trí tuệ tuyệt vời, các pháp đều biến thành “vô lậu công đức”, nên gọi là trâu trắng kéo, sắc da mập sạch, thân hình mập đẹp.

- Dùng “vô phân biệt trí” làm “sức mạnh kéo đi” đè bẹp các phiền não bằng “nhị không chân trí” nên gọi là bước đi ngay thẳng.

- Dùng “chánh trí đốn viên” vào nơi Phật đạo, nên gọi là mau lẹ như gió.

- Chuyển tất cả phiền não thành công đức vô lượng vô biên, gọi là có đông tôi tớ để hầu hạ.

Với cỗ xe như vậy đã vượt ra khỏi sự suy lường của các người con ông trưởng giả.

“Lúc ấy các người con đều ngồi xe lớn, đặng điều chưa từng có, quá hơn chỗ trước kia mình mong”. Như thế ông trưởng giả có mắc tội hư dối chăng?

Ngài Xá Lợi Phất khẳng định rằng: Ông trưởng giả không có lỗi hư dối. Vì mục đích của ông là muốn cho các người con ra khỏi nhà lửa. Khi các người con đã ra được rồi, dù ông không cho một chiếc xe nhỏ nào cả, ông cũng không mắc tội hư vọng. Huống là ông cho các người con loại xe báu lớn bình đẳng.

Như vậy, câu chuyện ông trưởng giả mà Đức Thế Tôn vừa nêu đã làm cho chúng hội hiểu rõ rằng: Đức Thế Tôn cũng như thế, Ngài đã “thùy từ lân mẫn” thị hiện đồng cư với chúng sinh, để độ chúng sinh ra khỏi nạn lửa: sinh, già, bệnh, chết, lo buồn, khổ não, ngu si tối tăm, ba độc, dạy bảo cho chúng đặng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Bốn tướng sinh, lão, bệnh, tử, luôn luôn lưu chuyển, tam độc tham, sân, si luôn luôn nối nhau không dứt. Chốn vùi chân trí của chúng sinh, làm cho chúng sinh trôi lăn trong lục đạo của nhà lửa tam giới.

Tánh dục của chúng sinh lẫy lừng, chưa được cố tìm cầu kỳ cho được, được rồi lại chấp giữ lo sợ mất đi. Trong thì ôm ấp điều lo, ngoài thì ló dáng sự lo buồn, đâu có khi nào rỗng rang tự tại, lửa vô thường không hẹn mà đến.

Vì si mê “lấy khổ để trừ khổ”. Nghĩa là tìm cầu những cái vui tạm bợ, đến khi buồn chán lại tìm cái vui tạm bợ khác để lấp vào. Nhưng khi đi tìm cái vui tạm bợ lại phải dùng đến trăm mưu nghìn kế, tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi về “sát, đạo, dâm, vọng”. Nghiệp lực chất chồng như dòng thác lũ cuốn trôi vào ba đường ác, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, luân hồi khổ đau mà tự mình chẳng biết.

Mặc dù thế, Đức Thế Tôn đã thấy biết chúng sinh vốn có Tam thừa chủng tính, nên Ngài đã dùng vô số phương tiện để dìu dắt, làm cho chúng từ bỏ sự khởi tâm điên đảo mà tinh tấn tu dưỡng để vượt thoát ra khỏi nhà lửa tam giới.

Ngài dạy: “Các người không nên ưa ở trong nhà lửa tam giới, chớ có tham mê các món sắc, thanh, hương, vị, xúc, thô hèn, nếu tham mê ắt sinh ái nhiễm, thời sẽ bị nó đốt. Các người mau ra khỏi ba cõi sẽ đặng chứng ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa”.

Bởi vì các món sắc, thanh hương, vị, xúc do duyên mà có. Nếu chúng ta bám chặt vào duyên cho đó là chân thật, để rồi si mê hưởng thụ, thì vũng lầy sinh tử kia sẽ là nơi chúng ta lặn hụp muôn đời.

Với ba thừa: Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát đó là những cổ xe vượt thoát ra khỏi “vũng lầy sinh tử”, vượt thoát ra khỏi “nhà lửa tam giới”.

Nhưng khi ra khỏi nhà lửa rồi sao nữa? Ra khỏi nhà lửa rồi, ông trưởng giả cho các con biết rằng: những cổ xe kia chỉ là phương tiện. Theo căn cơ, theo sỡ thích của từng đứa con mà ông dẫn dụ để chúng phấn khởi chạy ra. Vì sao thế? Vì các con đã miệt mài chơi giỡn chẳng biết gì là lửa cũng chẳng biết gì là nhà? Nói những điều đáng sợ trong nhà lửa chúng cũng không tin, nên ông đã giả lập ba cỗ xe theo sở thích mà dẫn dụ chúng. Thật ra ông trưởng giả có của giàu vô lượng chỉ muốn cho các con cùng một thứ xe lớn thật báu đẹp, bình đẳng như ông không khác. Đó là lòng thương xót bao la! Đó là tinh thần bình đẳng, từ bi tuyệt đối.

“Xá Lợi Phất! Như ông trưởng giả ban đầu dùng ba thứ xe dụ dẫn các con, sau rồi chỉ ban cho xe lớn, vật báu trang nghiêm an ổn thứ nhất. Xá Lợi Phất! Vì nhân duyên đó nên phải biết Đức Như Lai dùng sức phương tiện một Phật thừa phân biệt nói thành ba”.

Đến đây phần trùng tụng lại một lần nữa nói về nhà lửa. Đặc biệt là chúng ta đi sâu vào phần minh chứng về những tướng trạng trong nhà lửa. Nghĩa là phần thuyết minh về những điều do vọng thức nảy sinh.

- Có những lúc chung sinh phát khởi lòng sân hận, giống như loài rắn rít hay độc trùng nguy hiểm đụng đến là chúng cắn xé châm chích ngay. Loài người xà, phúc yết (rắn độc, bò cạp, đỉa rừng).

Giống con rít con sên,

Loài thú cung bát túc,

Dứu ly cùng hề thử (chồn, cáo, chuột)

Các giống dữ độc trùng,

Ngang dọc xen ruổi chạy.

- Có những lúc chúng sinh vì đam mê vật dục mà không đủ lý trí để phân biệt những thú tánh thấp hèn, giống như loài “bọ trùng” bu nhóm trên chỗ phân dãi hôi thối và đồ bất tịnh chảy tràn mà lấy làm ưa thích

Chỗ phân dãi hôi thối

Đồ bất tịnh chảy tràn

Các loài trùng khương lương

Bu nhóm ở trên đó.

- Có những lúc chúng sinh phát khởi lòng nghi không tin chánh pháp, chẳng biết nhân quả, nên tư tưởng và hành động dẫy đầy thâm độc để giết hại lẫn nhau, giống như loài cáo, sói và dã can.

Cáo sói và dã can,

Liếm nhắm và dày đạp,

Cắn xé những thây chết,

Xương thịt bừa bãi ra.

- Do vì nghi ngờ, nên có những lúc chúng sinh phát khởi lòng ngạo mạn, chẳng tin chẳng kính ai cả. Vì tham nhiễm mà giành giựt cấu xé nhau, như những bầy chó ốm đói và sợ sệt đi tìm món ăn mà tranh nhau vậy.

Do đây mà bầy chó

Đua nhau đến ngoạm lấy

Ốm đói và sợ sệt

Nơi nơi tìm món ăn

Giành giựt cấu xé nhau

Gầm gừ gào sủa rân

Nhà đó rất kinh sợ

Những biến trạng dường ấy.

- Có những lúc chúng sinh chấp vào sự thấy biết sai lầm hay gọi là tà kiến, bác bỏ đạo lý nhân quả, cho nên không việc ác nào không làm, giống như loài “ác quỷ” tàn phá cả nhân đạo và thiện đạo. Chúng cùng với loài độc trùng, ác thú giành nhau. Để kiếm ăn càng ngày càng hỗ tương tăng trưởng thật là đáng kinh sợ.

Khắp chỗ đều có những

Quỷ, ly, mị, vọng lượng

Quỷ Dạ Xoa, quỷ dữ

Nuốt ăn cả thịt người

(tàn phá nhân, thiên đạo).

Các loài độc trùng dữ

Những cầm thú hung ác

Sản, sinh, ấp cho bú

Đều tự giấu gìn giữ

Quỷ Dạ xoa đua đến

Giành bắt mà ăn đó

Ăn cho no nê rồi

Lòng hung dữ thêm hăng

Tiếng chúng đánh cãi nhau

Thật là đáng kinh sợ.

- Có những chúng sinh giữ giới cấm phi lý, như ăn những vật trâu ăn hay gà ăn, rồi tự cho những ý nghĩ của mình là hơn hết, đã vượt thoát được cõi Dục, cõi Sắc, Vô Sắc, dạo quanh xuống lên một cách mệt nhọc mà chẳng có chút công đức nào, giống như

Những quỷ Cưu bàn trà

Ngôi xổm trên đống đất (lìa cõi Dục)

Một thước hay hai thước (cõi Sắc, Vô Sắc)

Qua rồi lại dạo đi

Buông lung chơi cùng giỡn.

Chấp giữ giới cấm phi lý như thế lại còn rao truyền ra ngoài tự cho giới cấm mình là hơn cả, giống như loài quỷ Cưu bàn trà.

Nắm hai chân của chó

Đánh cho la thất thanh

Lấy chân đạp lên cổ

Khủng bố chó làm vui.

- Có những lúc chúng sinh si mê chấp ngã, cho thân này là thật của ta, tài sản này là thật của ta, ngã tham tương ưng, thúc đẩy lẫn nhau, tìm cầu vật thực, tạo ra không biết bao nhiêu điều ác, giống như các loài quỷ

Thân nó rất cao lớn (chấp ngã)

Trần truồng thân đen xấu

Thường ở luôn trong nhà (không buông xả)

Rền tiếng rất hung ác

Kêu la tìm món ăn.

- Có những chúng sinh chấp đắm hai bên như đầu trâu có hai sừng, lòng muốn ăn tươi nuốt sống kẻ thù, thực hành các điều ác, hiện ra tướng hung hiểm như: đầu tóc bờm xờm, ăn cả thịt người, hay thịt cho, chẳng có chút phước báu nào cả, bị đói khát bức ngặt kêu gào rong chạy.

Lại có các giống quỷ

Đầu nó như đầu trâu

Hoặc là ăn thịt người

Hoặc là ăn thịt chó

Đầu tóc rối tung lên

Rất ác lại hung hiểm

Bị đói khát bức ngặt

Kêu la vừa rong chạy

- Có những lúc chúng sinh chẳng theo chánh lý, lại mê hoặc lòng người, rình tìm chỗ dở của người để hãm hại, giống như là quỷ.

Dạ xoa cùng quỷ đói

Các chim muông ác độc

Đói gấp rảo bốn bề

Rình xem nơi cửa sổ

Các nạn dường thế ấy

Vô lượng việc ghê sợ.

- Đó là những tướng trạng từ vọng thức đảo điên đắm nhiễm của chúng sinh đã và đang tác hành trong nhà lửa tam giới. Muôn vạn thứ phiền não của phàm phu, của ngoại đạo, của Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới trùng trùng duyên khởi, tác hành làm cho chúng sinh xa rời tánh giới.

Nhà lửa đó dường ấy,

Rất nên ghê sợ thật,

Độc hại cùng hỏa tai,

Các nạn hẳng phải một.

Như vậy từ trong vọng thức nảy sinh những cảnh tượng huyễn như, trói buộc và đẩy chúng sinh trôi lăn trong tam giới. Nhưng nếu chúng sinh nào biết tỉnh giác, tĩnh tâm tu dưỡng trong pháp Phật, thì những cảnh tượng huyễn hư kia sẽ dần dần tẩy sạch.

- Các pháp mà Đức Thế Tôn thuyết ra đó là những phương tiện thiết yếu để chúng sinh thoát ra khỏi nhà lửa, tiến vào Phật đạo.

- Các quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ Tát là những nấc thang vững chắc tùy theo căn cơ để đạt thành “Tri kiến Phật”.

Do đó, Đức Thế Tôn dầu có nói diệt độ cho hạng người cầu quả vị Thanh văn, Duyên giác... cũng chỉ là phương tiện để rửa sạch vết nhơ phiền não nổi bật, trong một chiếc áo phiền não chưa được sạch hoàn toàn.

Đó mới là một chặng đường của con đường dài miên viễn Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Do vậy:

Nếu người có trí nhỏ,

Quá mê nơi ái dục,

Phật bèn vì hạng này,

Mà nói lý khổ đế,

Chúng sinh nghe lòng mừng,

Đặng điều chưa từng có,

Đức Phật nói khổ đế,

Chắc chắn khổ không sai.

Và nếu chưa biết cội nguồn của khổ:

Phật vì hạng người này,

Nói nguyên nhân của khổ,

Tham dục là cội nguồn,

Nên dứt được tham dục,

Khổ không chỗ nương đỗ.

Cho nên:

Lìa các khổ trói buộc

Gọi đó là giải thoát

Nhưng thật ra chỉ mới xa rời hư vọng, vì chưa đạt đến quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Nhưng nếu có kẻ nào nghe đến chỗ này mà tin hiểu được thì kẻ ấy bước vào Phật đạo không còn khó khăn.

Nếu có người nghe đến,

Tùy hỷ lãnh hội ấy,

Phải biết rằng người ấy,

Là bậc bất thối chuyển.

Cho nên Đức Thế Tôn vì người trí sâu mà thuyết kinh Pháp Hoa này. Nếu ai dùng vọng thức để suy lường thì không thể nào hiểu được.

Chính như Ngài Xá Lợi Phất đã do lòng tin mà thấu được kinh này.

Tất cả hàng Thanh văn

Cùng với Bích Chi Phật,

Đối với kinh pháp này,

Sức họ không hiểu được,

Chỉ ngươi Xá Lợi Phất,

Hãy còn nơi kinh này,

Dùng lòng tin đặng vào.

Như vậy, chúng ta mới thấy rằng chỉ có lòng tin vững chắc là mình sẽ thành Phật, mình sẽ ngộ nhập vào “Tri kiến Phật” đó là điều thiết yếu để bước vào giáo pháp Đại thừa.

- Nếu không tin như thế là tự ta đã phủ nhận “Tri kiến Phật” của chúng ta. Tự ta đã phủ nhận “hạt giống vô lậu” vốn sẵn có từ vô thỉ vô chung ở tự thân ta. Và chỉ có khi nào tin tưởng rằng ta có “Tri kiến Phật” thì mới có thể đạt thành “Tri kiến Phật”.

Nếu chúng sinh nào vì vọng ngữ mà nảy sinh kiêu mạn, biếng lười để ngũ dục cuốn trôi thì sẽ khó tin, khó hiểu kinh này. Và kể cả những ai đắm nhiểm vào những điều mình đã đạt thành trong Phật pháp, thì cũng khó tin, khó hiểu kinh này.

Do vậy, Đức Thế Tôn đã ân cần dặn bảo Ngài Xá Lợi Phất:

Lại này Xá Lợi Phất,

Kẻ kiêu mạn biếng lười,

Vọng so chấp lấy ngã,

Chớ vì nói kinh này,

Hạng phàm phu biết cạn,

Quá mê năm món dục,

Nghe pháp không hiểu được,

Cũng chẳng nên vì nói.

- Nếu đã không tin không hiểu thì dễ sinh lòng hủy báng. Do sự hủy báng, nghi hoặc, chê bai, mà làm cho hạt giống vô lậu xuất thế bị chôn vùi, đắm chìm trong ngũ dục, tâm trí theo cảnh duyên mà thay đổi, buồn, vui, thương, yêu, giận, ghét, oán thù, phải trái, hơn thua... liên tục thay nhau. Tâm địa ấy bị nhiều lớp vô minh che khuất nên gọi là sa vào địa ngục A Tỳ (A Tỳ sâu thẳm).

Người đó khi mạng chung,

Sa vào ngục A Tỳ,

Đầy đủ một kiếp chẵn,

Kiếp mãn lại sinh lại,

Cứ xoay vần như thế,

Nhẫn đến vô số kiếp.

- Nếu ra khỏi địa ngục, ngạ quỷ vì còn vô minh nên tạo nhiều điều ác. Do vậy, nghiệp lưc sẽ dẫn dắt ở cảnh giới của súc sinh, chịu nhiều đau khổ như làm than chó, dã can, than hình ghẽ lác, nhơ nhớp, bị người nhờm gớm, thường ngày đói khát, xương thịt khô khan.

Từ trong địa ngục ra,

Sẽ đoạ vào súc sinh,

Hoặc làm chó dã can,

Thân thể nó ốm gầy,

Đen điu thêm ghẻ lác,

Bị người thường chọc ghẹo,

Lại còn phải bị người,

Gớm nhờm và ghét rẻ,

Thường ngày đói khác khô,

Lúc sống chịu khổ sở,

Khi chết bị ngói đá,

Vì đoạn mất giống Phật,

Nên thọ tội báo đó.

Thoảng gặp phúc duyên thọ được thân người thì:

Các căn đều ám độn,

Lùn xấu lại tật què,

Đui điếc thêm lưng gù,

Có nói ra lời gì,

Mọi người không tin nhận,

Hơi miệng thường hôi thối,

Bị quỷ mị dựa nhập.

Chẳng có chút phước báu nào cả nên suốt đời bị tai ương, bị cảnh trần trói buộc, khó có dịp nghe giáo pháp của nhà Phật.

Những người tội như đây,

Thường sinh chổ hoạn nạn,

Tâm cuồng loạn tai điếc,

Trọn không nghe pháp được,

Trải qua vô số kiếp,

Như số cát sông Hằng,

Sinh ra liền điếc câm,

Các căn chẳng đầy đủ.

Cho nên khinh chê kinh này, chính là tự khing chê "Trì kiến Phật" của mình.

Một khi đã xa rời tánh giác thì việc ác nào chẳng làm, món dục nào lại chẳng ưa. Thế nên bị nghiệp lực vùi dập, chịu nhiều tướng trạng khổ sở khôn lường, quanh quẩn trong sáu nẻo, ba đường không có ngày thoát được. Đức Thế Tôn lại ân cần dặn dò Xá Lợi Phất:

Nếu có những chúng sinh,

Có trí tuệ sáng suốt,

Lại mong cầu Phật đạo.

o Những chúng sinh đã từng vun trồng cội đức, thân tâm vững bền hay thực hành hạnh bố thí.

o Những chúng sinh thường tu tập lòng từ, chẳng hề tiếc thân mạng.

o Những chúng sinh xa lìa thế sự, ở riêng một mình tu tập thiền định.

o Những chúng sinh rời bỏ ác tri thức, gần gũi thiện tri thức, ham cầu giáo pháp Đại thừa.

o Những chúng sinh có lòng thương xót mọi loài, cung kính các Đức Phật.

o Những chúng sinh thuần một lòng thanh tịnh, dùng các món nhân duyên, lời lẽ và thí dụ mà nói pháp không chướng ngại.

o Và các tỳ kheo cầu nhất thiết trí, khắp bốn phương cầu pháp, chỉ ưa thọ trì các kinh điển Đại thừa. Cùng những người chỉ chú tâm cầu nghe kinh điển Đại Thừa.

Tất cả những chúng sinh như thế mới nên vì họ nói kinh Pháp Hoa này.

Qua phẩm Thí Dụ chúng ta mới thấy rõ lòng từ bi vô lượng của Đức Thế Tôn. Người đã khéo dùng phương tiện chỉ bày cho chúng sinh về "Tri Kiến Phật". Ngài đã ân cần dìu dắt chúng sinh ra khỏi nhà lửa tam giới bằng những con đường vô lượng lẩn vui sướng hơncon đường ngũ dục mà chúng sinh đang lặn hụp đắm say.

Bằng những ngôn ngữ chứa đựng lòng yêu thương tuyệt đối, Ngài chỉ cho chúng sinh thấu rõ về nhà lửa tam giới, để cho mỗi chúng sinh tự thấy rõ rằng chín hững vọng niệm điên đảo, chính những sự lầm chấp mà nhà lửa kia được dựng lập một cách đáng kinh sợ.

Muốn thoát được khỏi nhà lửa tam giới không còn cách nào hơn là đi vào "Giáo Môn Nhất Thừa" và chỉ có Giáo Môn Nhất Thừa mới đạt thành "Tri Kiến Phật"
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]