Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Phẩm Tự Tự (Hành Trạng và Do Lai của đời Lục Tổ)

11/08/201110:14(Xem: 3440)
1. Phẩm Tự Tự (Hành Trạng và Do Lai của đời Lục Tổ)

PHÁP BẢO ĐÀN KINH
Minh Trực Thiền Sư Việt dịch

1. Phẩm Tự Tự
(Hành Trạng và Do Lai của đời Lục Tổ)

Lúc Đại Sư đến chùa Bửu Lâm, có quan Thứ sử họ Vi ở Thiều Châu, cùng các viên quan, chức sắc, vào núi thỉnh Sư về nơi giảng đường chùa Đại Phạm tại tỉnh thành, và cầu Ngài vì chúng mà khai duyên thuyết pháp. Đại Sư thăng tòa rồi, Vi Thứ sử cùng các quan viên, chức sắc, có trên ba mươi người, học sĩ phái nho hơn ba mươi người, cùng các vị tăng, ni, đạo, tục có trên một ngàn người, đồng đến làm lễ xin nghe yếu lý về Phật pháp.

Đại Sư bảo chúng rằng: “Tánh Bồ Đề (giác ngộ-nd) của mình xưa nay vốn trong sạch. Nếu dùng cái tâm ấy, thì chắc thành Phật.”

Chư Thiện tri thức, hãy nghe sự ý về chỗ hành do cùng việc đắc pháp của Huệ Năng này. Nghiêm phụ của Huệ Năng vốn ở xứ Phạm Duơng, làm quan bị giáng chức đày về Lãnh Nam làm dân tại huyện Tân Châu. Thân này bất hạnh, cha lại mất sớm, còn một mẹ già cô độc, phải dời nhà qua quận Nam Hải. Nhà nghèo thiếu, cay đắng trăm bề, đến phải đem củi ra chợ mà bán. Lúc ấy, có một người khách mua củi bảo Huệ Năng mang đến tiệm. Khách thâu củi, Huệ Năng này lãnh tiền rồi, bước ra ngoài cửa, thấy một người khách tụng kinh. Huệ Năng này nghe qua, tâm liền mở mang tỏ sáng, mới hỏi khách tụng kinh gì?

Khách đáp: “Kinh Kim Cang”.

Huệ Năng lại hỏi: “Ở đâu đến mà trì tụng kinh ấy?”

Khách rằng: “Tôi ở chùa Đông Thiền, huyện Huỳnh Mai, xứ Kỳ Châu lại đây. Chùa ấy do Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư chủ trì giáo hóa tại đó. Môn nhơn của ngài có trên một ngàn người. Tôi đã đến chùa lễ bái, nghe giảng, và lãnh kinh ấy. Đại Sư thường khuyên các vị tăng, người tục, nếu ai trì tụng kinh Kim Cang, thì liền thấy tánh và chắc thành Phật.”

Huệ Năng này nghe nói rồi, lại bởi có nhơn duyên kiếp trước nên nhờ một người khách giúp Huệ Năng mười lạng bạc, bổ sung vào việc y thực của lão mẫu, và dạy qua huyện Huỳnh Mai mà làm lễ Ngũ Tổ. Huệ Năng này an trí lão mẫu xong rồi, liền từ giả ra đi, chẳng đầy ba mươi ngày, tới huyện Huỳnh Mai, vào làm lễ Ngũ Tổ.

Tổ Sư hỏi: “Ông là người ở phương nào, muốn cầu việc chi?”

Huệ Năng nầy đáp: “Đệ tử là dân huyện Tân Châu, xứ Lãnh Nam, thiệt ở phương xa đến đây lạy Tổ Sư, chỉ cầu thành Phật, chớ chẳng cầu chi khác.”

Tổ Sư nói: “Ông là người xứ Lãnh Nam , lại là giống dã man, thế nào thành Phật được !”

Huệ Năng nầy nói: “Con người tuy phân có Nam Bắc, chứ Phật Tánh không có Nam Bắc. Cái thân dã man này đối với Hòa Thượng tuy chẳng giống nhau chớ cái tánh Phật nào có khác!”

Ngũ Tổ còn muốn nói chuyện nữa, nhưng thấy chúng môn đồ đứng vây hai bên tả hữu, nên bảo Huệ Năng này theo chúng mà làm công việc.

Huệ Năng này nói: “Kính bạch Hòa Thượng, tự tâm của đệ tử thường sanh trí huệ, chẳng lìa tự tánh, tức là phước điền, chẳng hay Hòa Thượng còn dạy làm công việc gì nữa ?”

Tổ Sư rằng: “Cái căn tánh của người dã man này thiệt là sáng suốt. Ông chớ nói nữa, hãy đi ra nhà sau.”

Huệ Năng này ra đến nhà sau, thì có một người hành giã sai Huệ Năng này bửa củi, giã gạo (Giã bằng chày đạp-nd).

Trải qua tám tháng dư, một ngày kia Tổ Sư xảy thấy Huệ Năng này, ngài nói rằng: “ ta nghĩ chỗ tri kiến của ông dùng được, song sợ có kẻ ác hại ông, nên chẳng nói chuyện với ông, ông có biết chăng?”

Huệ Năng này nói: “Đệ tử cũng hiểu ý Tôn Sư, nên chẳng dám đến trước nhà, khiến cho người ta không biết.”

Một ngày kia, Ngũ Tổ bảo các môn nhơn đều tựu lại mà dạy rằng: “Ta nói cho chúng đệ tử rõ: Sự sống thác của người đời là việc lớn. Các ông trọn ngày chỉ cầu phước điền, chớ chẳng cầu ra khỏi biển khổ sống thác. Nếu tánh mình mê muội thì phước nào cứu được! Các ông hãy lui về, mỗi người xem trí huệ của mình, lấy tánh Bát Nhã (trí huệ-nd) của Bổn Tâm mình mà làm một bài kệ, đem trình cho ta xem. Nếu ai hiểu rõ đại ý, ta sẽ truyền y pháp cho mà làm Tổ thứ sáu. Hãy đi cho mau, chẳng đặng chậm trễ. Nếu để tâm suy nghĩ độ lượng, ắt chẳng hạp dùng. Phàm người thấy tánh, khi nghe pháp rồi thì phải thấy liền. Nếu được như thế, thì dầu hươi đao ra trận cũng đặng thấy tánh (Người lợi căn, dẩu gặp cảnh nguy nan gấp rút, cũng không bao giờ mất tâm, hay sanh tâm chi khác. Dẫu ở Thiên Đường hay Địa Ngục, dẫu cảnh thuận hay nghịch, Bổn tâm vẫn như như, không thêm, không bớt- nđm)

Các môn nhơn khi được lệnh sắp phân rồi, đồng lui ra, lần lượt kêu nhau mà truyền rằng: “Bọn chúng ta chẳng nên lóng tâm dùng ý mà làm kệ để trình cho Hòa Thượng, vì có ích chi đâu ! Sư Thượng Tọa Thần Tú hiện làm thầy Giáo Thọ, chắc người làm kệ được. Chúng ta đừng làm kệ tụng, mà hao tổn tâm lực rất uổng.”

Chúng nhơn nghe nói yên lòng, đồng bảo từ đây sắp sau, chúng ta nương cậy Sư Thần Tú, cần gì làm kệ mà phải phiền lòng !

Còn Sư Thần Tú suy nghĩ: “Các người ấy không trình kệ, ấy vì nể ta là Giáo Thọ, thầy của bọn chúng. Ta phải làm kệ đem trình cho Hòa Thượng. Nếu không trình kệ, thì Hòa Thượng đâu biết chỗ thấy hiểu trong tâm ta sâu cạn thế nào? Bổn ý ta trình kệ mà cầu pháp thì tốt, còn như xem vào ngôi Tổ thì xấu, thì cũng như người phàm, lòng mong đoạt ngôi Thánh, có khác gì đâu! Bằng chẳng trình kệ, rốt không đắc pháp. Thiệt rất khó, rất khó!”

Nguyên trước nhà Ngũ Tổ có ngôi nhà ba gian, ngài tính rước quan Cung Phụng là Lư Trân vẽ các biến tướng thuật trong kinh Lăng Già (quang cảnh lúc Phật thuyết pháp tại hội Lăng Già-nd) và cái bản đồ chỉ về sự kế truyền của năm vị Tổ Sư (Ngũ Tổ Huyết Mạch Đồ-nd) để lưu truyền cho đời cúng dường. (Năm vị Tổ là: Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma Đại Sư, Nhị Tổ Huệ Khả Đại Sư, Tam Tổ Tăng Xán Đại Sư, Tứ Tổ Đạo Tín Đại Sư, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Đại Sư.-nd)

Sư Thần Tú làm kệ xong, muốn đem trình mấy phen, nhưng mỗi khi đến trước nhà Tổ, thì trong lòng hoãng hốt, mồ hôi ra ướt cả mình, nghĩ rằng trình kệ chẳng đặng. Trước sau trải qua bốn ngày, mười ba phen mà trình kệ chẳng đặng. Sư Thần Tú mới suy nghĩ chi bằng biên bài kệ nơi vách nhà ấy, nếu thình lình Hòa Thượng xem thấy mà khen hay, thì ta liền ra làm lễ nói rằng bài kệ ấy của Thần Tú làm. Bằng ngài nói bài kệ ấy chẳng đặng dùng, thiệt uổng công ta vào núi mấy năm, thọ sự lễ bái của người, lại còn tu hành gì nữa.

Đêm ấy đến canh ba, Thần Tú chẳng cho ai biết, tự mình cầm đèn, biên bài kệ nơi vách phía nam của nhà ba gian ấy, bày rõ chỗ thấy tâm của mình. Kệ rằng:

Nguyên văn: Thân thị Bồ Đề Thọ

Tâm như Minh Cảnh Đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhá trần ai.

Có nghĩa là:

Thân ấy, cây Bồ Đề

Tâm ấy, Đài Minh Cảnh

Giờ giờ cần phủi sạch

Chớ để vướng bụi trần

Sư Thần Tú biên bài kệ rồi, bèn trở về phòng, chẳng có ai hay biết. Thần Tú lại suy nghĩ: “Nếu ngày mai, Ngũ Tổ thấy bài kệ mà vui mừng, tức là ta có duyên với pháp. Bằng ngài nói chẳng đặng dùng, ấy bởi tâm ta muội mê, nghiệp chướng kiếp trước còn nặng, nên chẳng hạp thời đắc pháp. Thánh ý thật khó dò !”

Ở trong phòng, Thần Tú cứ lo nghĩ mãi, suốt cả năm canh ngồi nằm chẳng yên. Ngũ Tổ đã biết trước Sư Thần Tú chưa vào cửa Đạo, vì người chẳng thấy tự tánh.

Trời sáng, Ngũ Tổ vời Lư Cung Phụng đến, bảo vẽ cảnh biến tướng và cái bản đồ nói trên nơi vách nhà phía nam. Xảy thấy bài kệ ấy, Ngài bảo rằng: “Nầy quan Cung Phụng, thôi chẳng cần vẽ. Thiệt nhọc công ông ở phương xa đến đây. Kinh có nói rằng: “Phàm vật có hình tướng đều là giả dối. Vậy hãy để bài kệ ấy cho người trì tụng. Cứ y như bài kệ ấy mà tu hành, thì khỏi đọa vào đường ác. Cứ y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì có ích lợi lớn.”

Ngũ Tổ dạy các môn nhơn đốt nhan lễ kỉnh, bảo cả thảy tụng bài kệ ấy thì liền đặng thấy tánh. Các môn nhơn tụng kệ, đều khen thật hay.

Đến canh ba, Ngũ Tổ kêu Sư Thần Tú vào nhà, hỏi rằng: “Bài kệ ấy phải ông làm chăng?”

Thần Tú nói: “Thiệt Thần Tú nầy làm, nhưng kẻ đệ tử chẳng dám vọng cầu ngôi Tổ, chỉ mong Hòa Thượng từ bi xem coi đệ tử có chút trí huệ chăng.”

Ngũ Tổ nói: “ Ông làm bài kệ ấy, tỏ ra chưa thấy bổn tánh. Ông mới tới ngoài thềm cửa, chưa vào trong nhà. Cứ như chỗ thấy hiểu ấy mà tìm đạo Vô Thượng Bồ Đề thì rõ ràng không thể được. Theo đạo Vô Thượng Bồ Đề, hễ khi nghe nói pháp rồi, liền phải biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh của mình. Tâm của mình chẳng sanh chẳng diệt, trong cả thảy thời gian, niệm niệm mình thấy tánh. Đối với muôn pháp, tâm mình suốt thông, không ngưng trệ. Một pháp, mình thấy hiểu chơn tướng. Cả thảy các pháp, mình đều hiểu thấu chơn tướng. Đối với muôn cảnh, tâm mình như như. Tâm như như tức là tâm chơn thật. Thấy như thế, tức là thấy Vô Thượng Bồ Đề của mình.

Ông hãy lui ra, suy nghĩ một hai ngày, rồi làm bài kệ khác đưa lại cho ta xem. Nếu bài kệ của ông đặng vào cửa Đạo, ta sẽ truyền y pháp cho.

Sư Thần Tú làm lễ rồi lui ra. Trải qua mấy ngày, Thần Tú làm kệ chẳng xong, thì trong lòng hoảng hốt, thần ý bối rối dường như mê mộng, đi ngồi chẳng yên vui.

Cách hai ngày, có một tên đồng tử đi ngang qua phòng giả gạo, xứng tụng bài kệ ấy. Huệ Năng này nghe qua, biết bài kệ ấy chưa thấy Bổn Tánh. Tuy ta chưa được Ngũ Tổ chỉ dạy, chớ đã sớm biết đại ý, nên mới hỏi đồng tử rằng: “Tụng bài kệ gì vậy?”

Đồng tử đáp: “Người dã man này không hay biết chi hết, Đại Sư nói sự sống thác của người thế gian là việc lớn. Vì muốn truyền y pháp, nên Ngài dạy các môn nhơn, mỗi người làm một bài kệ đem trình cho Ngài xem. Nếu ai hiểu đại ý, Ngài sẽ truyền y pháp cho, đặng làm Tổ thứ sáu. Sư Thượng Tọa Thần Tú có biên một bài kệ Vô Tướng nơi vách nhà phía nam của dảy nhà ba gian. Đại Sư dạy mỗi người đều phải tụng. Nếu y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì khỏi đọa vào đường ác. Y theo bài kệ ấy mà tu hành, thì có ích lợi lớn..."

Huệ Năng nầy nói: “ Tôi cũng muốn tụng bài kệ ấy, để kết nhơn duyên về đời sau. Này thượng nhơn, tôi ở đây giả gạo đã trên tám tháng, mà chưa từng ra trước nhà Tổ, mong thượng nhơn dẫn tôi đến trước bài kệ đặng lễ bái.”

Đồng tử dẫn ta đến trước bài kệ đặng lễ bái. Huệ Năng nầy nói: “Huệ Năng này không biết chữ, xin thượng nhơn đọc giùm.” Khi ấy có quan Biệt Giá ở Giang Châu, họ Trương, tên Nhựt Dung, cất tiếng đọc lớn.

Huệ Năng này nghe rồi, bèn nói: “ Tôi cũng có một bài kệ, mong ơn quan Biệt Giá biên giùm.”

Biệt Giá nói: “Ông cũng biết làm kệ nữa sao? Việc này ít khi có !”

Huệ Năng này ngó quan Biệt Giá mà nói: “Muốn học đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì chẳng nên khinh dễ hàng sơ học. Có kẻ dước bực thấp mà thường thường phát sanh trí thức rất cao. Có người trên bực cao mà thường thường chôn lấp ý trí của mình. Nếu khinh dễ người, ắt có tội vô lượng vô biên.”

Biệt Giá nói: “ Người hay ngâm kệ đi, ta biên dùm cho. Nếu ông đắc pháp, thì phải độ ta trước, chớ quên !”

Huệ Năng này ngâm kệ rằng:

Nguyên âm: Bồ Đề bổn vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bổn lai vô nhứt vật

Hà xứ nhá trần ai ?

HT Minh Trực dịch: Bồ Đề chẳng có thọ

Minh cảnh cũng không đài

Bổn lai không có vật

Nào chỗ vướng trần aị

Bản dịch khác: Bồ Đề chẳng phải cây

Minh Cảnh chẳng phải gương

Xưa nay, không một vật

Chỗ nào vướng bụi trần ?

Biên bài kệ ấy rồi, cả thảy đồ chúng đều kinh hãi, khen hay và lấy làm lạ. Mỗi người kêu nhau mà nói: “Lạ thay! Chẳng đặng xét lấy người bằng diện mạo. Bấy lâu chúng ta nào đặng sai khiến vị Bồ Tát xác phàm ấy !”

Ngũ Tổ thấy chúng nhơn kinh hãi và lấy làm lạ, e có kẻ hại ta, ngài mới lấy giầy chà hết bài kệ mà nói rằng: “Bài kệ ấy cũng chưa thấy tánh !” Đồ chúng đều cho là phải.

Ngày kế, Ngũ Tổ lén đến chỗ phòng giã gạo, thấy Huệ Năng này mang đá nơi lưng mà giã gạo (Bởi mình gầy ốm, nên phải mang thêm đá cho đủ nặng, mới đạp nổi cái chày- nd) Ngài nói rằng: “Người cầu Đạo, vì pháp quên thân, phải như thế sao !” Ngài mới hỏi : “ Gạo trắng chưa ?” Huệ Năng nầy đáp : “Gạo trắng đã lâu, chỉ còn thiếu sàng.” ( Khi đã minh tâm kiến tánh thì cái gì làm hay nghĩ đều là pháp. Sàng ở đây là tâm ấn, là phương tiện, như cờ tiết việt, búa lệnh, dấu ấn trên giấy tờ, cho chúng sinh và tất cả các vị Hộ Pháp nay biết rõ, và đồng được sự hộ niệm của chư Phật mười phương chứng minh cho vị này là đại diện cho chúng ta, nói như Chư Phật nói, nghĩ như Chư Phật nghĩ, làm như Chư Phật làm, nơi cõi này hoá độ chúng sinh - nđm)

Ngũ Tổ lấy gậy gõ cối ba lần, rồi bỏ đi.

Huệ Năng nầy liền hiểu ý Tổ Sư, đến canh ba vào thất. Ngũ Tổ lấy áo ca sa đắp cho ta, chẳng cho ai thấy, rồi nói kinh Kim Cang cho ta nghe, đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm. Có nghĩa là: Không nên trụ vào chỗ nào mà sanh tâm mình ( Phải thật đúng y như lời, như lúc tiếp vật, xúc chạm, tâm mình vẫn như như không nhiễm, không chấp, không thủ, không xả, không không, cũng không phải là không không. Phải biết, ngoài Bổn Tâm, không còn sanh tâm chi khác. Trên cảnh không sanh tâm, hết cảnh tâm không diệt - Nđm)

Huệ Năng này nghe nói rồi liền rất tỏ sáng, biết rằng cả thảy muôn pháp đều chẳng lìa tánh mình, mới bạch với Tổ Sư:

Nào dè tánh mình vốn tự nhiên trong sạch.

Nào dè tánh mình chứa đầy đủ (muôn pháp –nd)

Nào dè tánh mình vốn không lay động

Nào dè tánh mình có thể sanh ra muôn pháp.

Ngũ Tổ nói: “ Nếu chẳng biết Bổn Tâm, thì học pháp vô ích. Bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn tánh mình, tức gọi là Trượng Phu, là Phật, Thầy cõi trời và cõi người vậy.”

Đến canh ba, Huệ Năng này thọ pháp, chẳng có ai hay. Tổ Sư truyền pháp Đốn Giáo và y bát cho ta mà dạy rằng: “Ông làm Tổ thứ Sáu. Hãy gìn giữ và nhớ lấy đạo tâm của mình (hộ niệm-nd). Phải quảng độ chúng hữu tình và lưu truyền cái chánh pháp cho đời sau, đừng để đoạn tuyệt. Hãy nghe bài kệ của ta đây:

Nguyên âm: Hữu Tình lai hạ chưởng

Nhơn địa quả hườn sanh

Vô Tình diệt vô chưởng

Vô Tánh diệt Vô Sanh

HT Thích Từ Quang dịch : Có tình, gieo giống xuống

Sẵn nhân, Quả liền sanh

Không tình, không gieo giống

Không tánh thì không sanh

(Ý nói, người có căn duyên, có tâm ý thiết tha thì hãy dạy pháp này, vì nơi tâm địa, Tánh Bồ Đề nhờ cái tín tâm, thâm trọng tâm mà sanh trưởng đơm hoa kết trái. Ví bằng kẻ không căn duyên, không sanh tâm hướng mộ thì phí công mà không có ích lợi gì, vì Bồ Đề không sao sanh được nơi đất tâm ấy- nđm)

Tổ Sư lại nói: “ Ngày xưa, Đạt Ma Đại Sư mới đến xứ nầy, người ta chưa tin (Phật Pháp – nd) (Giảng thêm - Trước lúc ấy đã có Phật pháp và các kinh điển, nhưng người ta không tin các vị Tăng, hay các lời dạy, vì họ biết các người ấy, không phải là chân truyền, huyết thống của Phật – Nhất là dạy mốn Đốn Giáo. Do phong tục của xứ ấy, chứ không phải là họ không tin ở Phật Pháp- nđm ) nên phải truyền cái áo ấy để làm tín thể (vật làm tin-nd), nối truyền cho nhau từ đời này cho tới đời khác. Còn Pháp thì lấy tâm truyền tâm, khiến cho người tự mình tỏ sáng, tự mình hiểu biết. Từ xưa, Chư Phật chỉ truyền cái Bổn Thể (tức là Bổn Tánh, là cội rễ của các Pháp –nd), và chỉ trao kín cái Bổn Tâm mà thôi. Áo là cái mối tranh, tới đời ông đừng truyền nữa. Nếu truyền cái áo ấy thì tánh mạng rất nguỵ Hãy đi cho chóng, kẽo e có kẻ hại ngươi. “

Huệ Năng nầy bạch: “Đi xứ nào?”

Tổ Sư nói: “Gặp Hoài (Huyện Hoài Tập-nd) thì ở lại, gặp Hội (Huyện Tứ Hội-nd) thì ẩn nương nơi đó.”

Canh ba, khi Huệ Năng lãnh đặng y bát rồi lại bạch rằng: “Huệ Năng vốn là người ở Lãnh Nam , chẳng biết một con đường nào nơi núi này, làm sao ra đặng sông Cữu Giang?”

Ngũ Tổ nói: “Ông chẳng cần lo, để ta đưa ông.”

Tổ đưa ta thẳng đến trạm Cữu Giang, bảo ta lên ghe, rồi Ngũ Tổ tự cầm chèo mà đưa.

Huệ Năng nầy nói: “Xin Hòa Thượng ngồi, để cho đệ tử chèo mới phải.”

Ngũ Tổ nói: “ Ta độ - đưa ông mới phải” (Chữ độ có nghĩa là đưa, mà cũng có ý nghĩa là cứu độ - nd)

Huệ Năng nầy nói: “Lúc mê thì Tổ Sư độ, ngộ rồi thì tự độ lấy mình. Huệ Năng này sanh tại xứ dã man, giọng nói nặng âm thổ ngữ, nhờ Tổ Sư truyền pháp, nay đã được tỏ sáng, thì chỉ nên lấy tánh mình mà độ mình mới phải.”

Tổ Sư nói: “Phải vậy, phải vậy! Từ đây sắp sau, Phật Pháp sẽ do ông truyền bá thạnh hành. Ông đi rồi, ba năm ta sẽ qua đời. Nay ông hãy đi, gắng sức đi qua hướng Nam , nhưng chẳng nên vội thuyết pháp, vì Phật Pháp khó mở.”

Huệ Năng này từ biệt Tổ Sư, đi qua hướng Nam , trong hai tháng tới núi Đại Dũ.

(Khi Ngũ Tổ trở về, cách mấy ngày chẳng ra giảng đường. Các môn đồ có lòng nghi, bèn đến hỏi thăm: “Hòa Thượng có chút bệnh hay buồn chi chăng ?” Tổ đáp: “Ta không có bệnh chi, nhưng y pháp đã về hướng Nam rồi.” Đồ chúng hỏi: “Ai được truyền thọ ?” Tổ nói: “Huệ Năng được truyền thọ.” Khi ấy, đồ chúng mới hay.)

Ở sau, có mấy trăm người đuổi theo ta và muốn đoạt y bát. Có một thầy tăng họ Trần, tên là Huệ Minh, ngày trước làm Tứ Phẩm Tướng Quân, tánh tình thô bạo, quyết chí tìm ta. Thầy tăng ấy làm đầu chúng nhơn và đuổi kịp theo Huệ Năng nầy. Huệ Năng ném y bát trên tảng đá mà nói rằng: “Cái áo này là vật làm tin, há dùng sức mà tranh được sao ?” Đoạn Huệ Năng này ẩn mình trong đám cỏ tranh.

Huệ Minh đến nắm áo dở lên mà không nhúc nhích, liền kêu rằng: “Hành giả, hành giả, tôi vì pháp mà đến đây, chớ chẳng phải vì áo đâu !”

Huệ Năng nầy bước ra, ngồi xếp bằng trên tảng đá. Huệ Minh làm lễ, nói rằng: “Mong ơn hành giả nói pháp cho tôi nghe.”

Huệ Năng nầy nói: “Ông vì pháp mà đến đây, thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng. Tôi sẽ nói rõ Phật Pháp cho ông nghe.”

Lẳng lặng một hồi lâu, Huệ Năng nầy nói: “Chẳng nghĩ việc lành, không nghĩ điều dữ, chính trong thời gian đó, Cái Ấy, tức là tỏ thấy cái Bổn Lai Diện Mục của bực Thượng Tọa vậy.” (Cái Ấy, tiếng Trung hoa gọi là Na Cá-nd)

Huệ Minh nghe nói rồi, liền rất tỏ sáng, lại hỏi: “Ngoài các lời nói và ý chỉ mật nhiệm do trên truyền xuống từ xưa đến nay, còn có ý chỉ mật nhiệm nào nữa chăng ?”

Huệ Năng này nói: “Chỗ tôi nói với ông đó, chẳng phải mật nhiệm (kín-nd). nếu ông soi trở vào trong (Hồi Quang Nội Chiếu-nd), thì thấy chỗ mật nhiệm ấy ở bên ông.”

Huệ Minh nói: “Tôi tuy ở tại Huỳnh Mai (ở với Ngũ Tổ-nd), nhưng thiệt chưa xét biết cái Diện Mục (Bổn tánh-nd) của mình. Nay nhờ hành giả chỉ dạy, tỉ như người uống nước, lạnh nóng tự mình hay. Nay hành giả tức là thầy của Huệ Minh vậy.”

Huệ Năng nầy nói: “Nếu như thế, thì tôi cùng ông đồng thờ một thầy là Đức Huỳnh Mai. Hãy gìn giữ và nhớ lấy đạo tâm của mình(hộ niệm-nd).”

Huệ Minh lại nói: “Nay và sau, Huệ Minh phải đi xứ nào?”

Huệ Năng nầy nói: “Gặp Viên (Viên Châu-nd) thì ngừng, gặp Mông (núi Mông Sơn-nd) thì ở.”

Huệ Minh làm lễ rồi giã từ.

(Huệ Minh trở lại tới chân núi, kêu bọn chúng đuổi theo mà nói rằng: “Kiếm khắp các đường núi, mà chẳng thấy dấu vết gì cả, phải đi hướng khác.” Bọn chúng đều tin vậy.)

Huệ Năng này sau đến Tào Khê, lại bị bọn ác nhơn tìm theo, nên phải lánh nạn, ở chung với bọ thợ săn tại huyện Tứ Hội, trường trải mười lăm năm. Trong thời kỳ ở với bọn chúng, ta cũng tùy nghi mà thuyết pháp. Bọn thợ săn thường bảo ta giữ lưới. Mỗi khi thấy các loài sanh mạng lạc vào, ta đều thả ra hết. Mỗi khi tới bửa ăn, ta lấy rau gởi luộc trong nồi nấu thịt. Có người hỏi, thì ta trả lời rằng chỉ ăn rau luộc bên thịt mà thôi.”

Một ngày kia, ta suy nghĩ đã đến thời kỳ phải hoằng pháp, chẳng nên ẩn dật hoài. Ta bèn đi đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp Ấn Tông Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn. Lúc ấy, có một luồng gió thổi động lá phướng. Một thầy tăng nói gió động, một thầy tăng nói phướng động, hai đàng nghị luận hoài chẳng dứt.

Huệ Năng này bước tới nói rằng: “ Chẳng phải gió động, cũng không phải phướng động, ấy là tâm nhơn giả động.”

Chúng nhơn nghe nói đều kinh hãi. Ấn Tông liền mời ta ngồi chỗ trên hết, và cầu hỏi những nghĩa lý huyền áo.

Thấy Huệ Năng nầy trả lời, ngôn ngữ giản dị, nghĩa lý thích đương, mà chẳng do văn tự. Ấn Tông nói rằng: “Hành giả hẳn chẳng phải là người thường. Đã lâu, tôi nghe nói y pháp của Huỳnh Mai Ngũ Tổ đã về phương Nam , có phải về tay Hành giả chăng ?”

Huệ Năng nầy đáp: “Tôi đâu dám ! (Lời nói khiêm nhượng-nd)

Nhơn đó, Ấn Tông làm lễ, xin ta trao y bát đặng cho đại chúng xem.

Ấn Tông lại hỏi: “Đức Huỳnh Mai khi phú chúc, ngài truyền thọ như thế nào ?”

Huệ Năng nầy nói: “Ngài không có truyền thọ chi, chỉ có luận môn Kiến Tánh. Ngài chẳng luận pháp Thiền Định và pháp Giải Thoát.”

Ấn Tông hỏi: “ Sao chẳng luận pháp Thiền Định và pháp Giải Thoát ?”

Huệ Năng nầy đáp: “Vì hai pháp ấy chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là Pháp Chẳng Hai.”

Ấn Tông lại hỏi: “Phật Pháp là Pháp Chẳng Hai là nghĩa sao ?”

Huệ Năng nầy nói: “Pháp Sư giảng kinh Niết Bàn, đã hiểu rõ Phật tánh tức là Pháp Chẳng Hai của Phật Pháp vậy. Như Cao Quý Đức Vương Bồ Tát bạch với Phật rằng: “Người phạm bốn điều trọng cấm (là tà dâm, trộm cướp, giết người, nói bốn điều vọng ngữ lớn-nd), làm năm điều trọng tội nghịch (giết cha, giết mẹ, hại A La Hán, khuấy rối chúng tăng, khởi ác ý mong hại Phật-nd), và chẳng tin Phật Pháp, thì thiện căn và Phật tánh phải bị đoạn diệt chăng? Phật đáp rằng: “Thiện căn có hai thứ: Một là thường, hai là vô thường; Còn Phật tánh chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, cho nên không đoạn diệt, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai. Thiện căn lại có hai: Một là lành, hai là chẳng lành; Phật tánh chẳng phải lành chẳng phải chẳng lành, ấy gọi là Pháp Chẳng Hai.

Uẫn (là năm uẫn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức-nd) và Giới (là mười tám giới: Nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân, ý là nội giới của 6 căn ; Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là ngoại giới của 6 trần; Nhãn thức, nhĩ thức, tĩ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức là trung giới của 6 thức-nd), người phàm phu thấy có hai, chứ người trí thấu hiểu, biết tánh của nó chẳng phải hai (Uẫn và giới đồng một tánh thể mà phát ra-nd). Tánh Chẳng Hai tức là Phật Tánh vậy.

Ấn Tông nghe giảng, vui mừng, chấp tay thưa rằng: “Sự giảng kinh của tôi tỉ như ngói gạch, chỗ luận nghĩa của nhơn giả cũng như vàng ròng.” Nhơn đó, Ấn Tông xuống tóc cho ta, và nguyện thờ ta làm thầy.

Huệ Năng nầy bèn ngồi dước cội cây Bồ Đề mà khai diễn Đông Sơn Pháp Môn.

Ta nói: “Huệ Năng đắc pháp tại núi Đông Sơn, chịu trăm điều cay đắng, tánh mạng tợ chỉ mành, ngày nay đặng cùng Sữ Quân, các viên quan, chức sắc, các tăng, ni, đạo, tục, đồng hiệp nhau tại hội này. Nếu chẳng phải duyên phần trong lũy kiếp, thì trong đời quá khứ, các người đã có cúng dường Chư Phật, đồng có trồng cội lành, nên mới được nghe pháp Đốn Giáo nói trên và nguyên nhơn đắc pháp của ta. Pháp Đốn Giáo, nguyên của các vị Thánh đời trước truyền lại, chớ chẳng phải do Huệ Năng nầy tự hiểu. Muốn nghe giáo pháp của các vị Thánh đời trước, thì mỗi người phải lóng lòng cho trong sạch. Nghe rồi, phải tự bỏ các điều nghi hoặc thì đồng chứng quả như các Thánh nhơn đời trước.”

Chúng nhơn nghe Pháp đều vui mừng, đồng làm lễ lui ra.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]