Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường thuật về chuyến Hành Hương & Hoằng Pháp tại Nhật Bản (Bài viết của ĐĐ Thích Chúc Hiếu , do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

05/12/202309:30(Xem: 1644)
Tường thuật về chuyến Hành Hương & Hoằng Pháp tại Nhật Bản (Bài viết của ĐĐ Thích Chúc Hiếu , do Phật tử Diệu Danh diễn đọc)

NHỮNG DẤU ẤN KHÓ PHAI
TRONG CHUYẾN HÀNH HƯƠNG
VÀ HOẰNG PHÁP TẠI NHẬT BẢN CỦA CHƯ TÔN ĐỨC LIÊN CHÂU


Bài viết của ĐĐ Thích Chúc Hiếu

Do Phật tử Diệu Danh diễn đọc









I. MỞ ĐẦU

Nhật Bản nơi mà tâm linh rất được coi trọng, nơi mà phẩm hạnh, giá trị nhân bản được hình thành một cách rất rõ nét. Nơi những bức tranh được vẽ nên từ ý tưởng về sự tồn tại giữa chốn thiên đường và trần thế. Nói đến Nhật Bản, người ta thường nghĩ ngay đến sự giàu có hay hiện đại về công nghệ. Tuy nhiên, chiều sâu văn hóa mới là điều hấp dẫn nhất ở xứ Mặt trời mọc này. Chính vì vậy, tất cả chúng ta nên thử một lần đến đây để cảm nhận những điều tuyệt vời ấy. Mỗi người đều có chặng đường riêng cho mình; nhưng đối với người tu học Phật pháp thì con đường duy nhất chính là giải thoát giác ngộ. Đệ tử Phật ngoài việc nuôi dưỡng đời sống tâm linh thật ý nghĩa cho tự thân còn phải biết hướng đến những lý tưởng cao siêu.

“Này cácTỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người.” (Kinh Đại Bổn, Trường BộTập 1, Đại tạng kinh Việt Nam,Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1991, tr.502). Lời kinh thiêng ấy đã nhắc nhở cho tất cả hàng hậu học phải biết dấn thân trên con đường phụng sự nhân sinh. Với ý nghĩa đó, chuyến đi không chỉ giới hạn trên hình thức “hành hương chiêm bái” mà còn mang cả ý nghĩa “hoằng pháp lợi sanh” của chư Tôn đức liên châu, đứng đầu là Hòa Thượng thượng Như hạ Điển – Phương trượng Tổ đình Viên Giác, Đức quốc. Chuỗi hành trình trải qua 26 ngày không quá dài mà cũng chẳng phải ngắn để cảm nhận toàn bộ những điều tuyệt vời đã đi qua. Xin ghi lại một chút tóm lược cho chuyến đi ý nghĩa này.

II. NHỮNG PHẬT SỰ NỔI BẬT:

Lần đầu tiên trong chuyến hành hương và hoằng pháp kéo dài nhiều ngày tại Nhật Bản. Chúng tôi may mắn được tháp tùng cùng với phái đoàn của chư Tôn đức liên châu, trong đó Hòa Thượng thượng Như hạ Điển – Phương trượng Tổ đình Viên Giác, Đức quốc làm trưởng phái đoàn. Bên cạnh đó, chư Tôn đức đến từ các châu lục bao gồm:

1/ Hòa thượng Thích Thông Triết – Trụ trì Thiền viện Chánh Pháp, Oklahoma, Mỹ.
2/ Thượng tọa Thích Nguyên Tạng – Trụ trì Tu viện Quảng Đức, Australia.
3/ Thượng tọa Thích Quảng Đạo–Trụ trì chùa Khánh Anh, Pháp.
4/ Thượng tọa Thích Hạnh Bảo – Trụ trì chùaTu viện Liên Tâm, Phần Lan và chùa Viên Ý, Italia.
5/ Thượng tọa Thích Hạnh Đức – Trụ trì Tu viện Tây Phương, Minoseta, Mỹ.
6/ Thượng tọa Thích Viên Giác – Trụ trì chùa Đôn Hậu, Nauy.
7/ Thượng tọa Thích Hạnh Kiên – Trụ trì chùa Phật Ân, Minoseta, Mỹ.
8/ Đại đức Thích Trung Thành đang tu học tại Đài Loan.
9/ Đại đức Thích Chúc Hiếu – trú xứ Tổ đình Chúc Thánh, Quảng Nam.

Cùng các Phật tử:
 
Đồng Toàn (Anh), Quảng Thiện Duyên ( Úc), Quảng Thiện Mỹ (Thụy Điển), Diệu Ngà, Diệu Hương, Nguyễn Thị Thu (Đức), Huệ Long, Huệ Ngộ, Diệu Liên (Úc), Quang Hiếu (Pháp), Đỗ Mang, Nguyễn Thị Ái (Na Uy), Phương (Hoa Kỳ).
Chư Tôn đức phái đoàn gồm có 10 vị và quý Phật tử tháp tùng 23 vị từ các quốc gia khác nhau.

Chuyến bay ngày 02 tháng tháng 11 năm 2023 đã đưa chư Tôn đức và quý Phật tử từ các nơi về phi trường Haneda để bắt đầu cho chuyến hành hương Nhật Bản từ ngày 02 tháng 11 năm 2023 đến 28 tháng 11 năm 2023. Chùa Việt Nam –Kanagawa do Đại đức Thích Nhuận Ân và Sư cô Thích Nữ Giới Bảo điều hành đã đón tiếp phái đoàn trong niềm hoan hỉ vô biên. Được biết, chùa Việt Nam do cố Hòa thượng Thích Minh Tuyền sáng lập vào năm 2006 và là ngôi chùa Việt Nam đầu tiên trên đất nước Phù Tang. Chùa đang trở thành điểm đến tâm linh được yêu thích của người Việt Nam sinh sống tại khu vực siêu đô thị Tokyo – theo The Buddhist Door. Chuyến Phật sự đầu tiên của phái đoàn cũng chính là khóa tu Mùa Thu lần 5 (vào hai ngày 04 & 05 tháng 11 năm 2023) được tổ chức tại đây với hơn 400 hành giả người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật cùng về tu học. Nhiều bài pháp thoại với những chủ đề thiết thực lần lượt được chia xẻ từ chư Tôn đức trong phái đoàn. Nếu Thượng tọa Hạnh Bảo, Thượng tọa Quảng Đạo với những câu chuyện dí dỏm, đời thực, gần gũi với cuộc sống đời thường mà các bạn trẻ đang nếm trải ở xứ người thì Thượng tọa Nguyên Tạng, Thượng tọa Viên Giác, Thượng tọa Hạnh Kiên mang lại cho các hành giả nhiều bài học quý giá, thiết thực cho đời sống tu học. Để rồi, với những kinh nghiệm dày dạn của người từng trải, từng học tập tại Nhật Bản, Hòa thượng Trưởng đoàn thượng Như hạ Điển cùng Hòa thượng Triệt Học đem đến cho đại chúng những cơn mưa mát mẻ tưới tẩm cho những thân phận đang cần được chăm sóc, nhất là đời sống tâm linh. Nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ cũng được chư Tôn đức giải đáp cặn kẽ. Cũng trong khóa tu này, Thượng tọa Thích Thông Triết được tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa thượng; Đại đức Thích Nhuận Ân lên hàng giáo phẩmThượng tọa và đảm nhận chức vụ Viện chủ chùa Việt Nam; Sư cô Thích Nữ Giới Bảo lên hàng giáo phẩm Ni sư và nhận lãnh trách nhiệm Trụ trì. Kết thúc khóa tu là niềm vui vỡ òa của các khóa sinh, thậm chí những giọt nước mắt đã lăn trên đôi mi, giọt nước mắt của những thân phận tha hương khi tìm về nương náu con đường giải thoát. Khóa tu đã để lại quá nhiều ấn tượng không những cho Ban tổ chức mà còn cả toàn thể đại chúng.

Tiếp nối khóa tu mùa Thu tại chùa Việt Nam là khóa tu tại chùa Đại Ân (vào hai ngày 11 & 12 tháng 11 năm 2023) ở Honjo, tỉnh Saitama, thành lập năm 2018 do Ni sư Tâm Trí làm Trụ trì. Nơi đây không chỉ là địa điểm tu học tâm linh quen thuộc của cộng đồng người Việt mà còn là nơi để kiều bào trở về chia xẻ yêu thương và gửi cho nhau năng lượng lành, hộ niệm cho hương linh không may mất vì những hoàn cảnh khác nhau. Khói hương, tiếng chuông chùa nơi đất khách như làm lòng người thêm ấm áp, thanh tịnh, bình an hơn; và năng lượng lành ấy lan tỏa khắp mọi nơi phần nào giúp vơi đi những đau thương, mất mát quá lớn của kiếp người. Ni sư Tâm Trí cũng là một trong những nhà sư Phật giáo hoạt động xã hội tích cực tại Nhật Bản, giúp đỡ rất nhiều cho những phận đời tha hương. Trong đêm đầu tiên của khóa tu (11/11/2023), đại chúng lần đầu tiên được thưởng thức Trà Đạo đúng với phong cách của người Nhật. Khi tiếp xúc với văn hóa trà đạo Nhật Bản, có thể chúng ta sẽ cảm thấy đây là một phong tục thật rườm rà, hay quá cầu kỳ trong các thao tác cũng giống như phong cách ăn uống đa dạng của người Nhật, nhưng khi thực sự hiểu về văn hóa uống trà này, chúng ta sẽ thấy được những điều đáng quý trong đó.

Những lời đạo tình của Hòa thượng Trưởng đoàn cùng sự tiếp đón chân tình của Bổn tự đã làm cho không khí thấm tình đạo vị. Đại chúng cũng tiếp nhận sự chia xẻ của Thượng tọa Thích Hạnh Đức, Thượng tọa Thích Quảng Đạo, Thượng tọa Thích Hạnh Bảo, Thượng Tọa Thích Hạnh Kiên, Thượng Tọa Thích Viên Giác, Đại Đức Thích Trung Thành xuyên suốt trong khóa tu.

Cùng với thời gian này là khóa tu mùa Thu diễn ra tại chùa Phước Huệ, thành phố Nagoya - Aichi do Ni sư Thích Nữ Như Tâm làm Trụ trì. Ngôi chùa được thành lập vào năm 2013, tên của chùa – Phước Huệ Aichi mang ý nghĩa tâm nguyện và ước mơ xây dựng một nơi tâm linh cho những người tha hương có chỗ quay về và nương tựa, tìm được sự thanh thản trong tâm hồn. Được biết, Ni sư là bạn học cùng khóa III, Học Viện Vạn Hạnh với Thượng tọa Thích Nguyên Tạng. Chư Tôn đức trong phái đoàn đã tách làm hai để hướng dẫn hai nơi trong một ngày. Tại chùa Phước Huệ với sự quang lâm của Hòa thượng Trưởng đoàn; Hòa thượng Thích Thông Triết; Thượng tọa Thích Nguyên Tạng và Đại đức Thích Chúc Hiếu. Quý Tôn đức còn lại tiếp tục hướng dẫn tại chùa Đại Ân. Thật bất ngờ là số lượng 400 bà con và các bạn trẻ về tham dự khóa tu chùa Phước Huệ rất đông, mặc dầu cơ sở vật chất nơi đây còn nhiều hạn chế. Nhưng với sự ham tu, ham học nên mọi người đã vượt qua những thiếu thốn ấy để cùng nhau thắp lên ngọn đuốc trí tuệ, soi sáng bao nỗi tăm tối, khổ nhọc nơi đất khách quê người.

Liên tiếp trong các Phật sự là khóa tu ngày 19 tháng 11 năm 2023 tại chùa Tinh Tấn Hamamatsu tại tỉnh Shizuoka do Đại đức Thích Thánh Duyên làm Trụ trì. Cơ sở vật chất nơi đây còn khá khiêm tốn nhưng sự khát ngưỡng Phật pháp của bà con đã tạo nên không gian ấm áp. Sự nhiệt thành trong cách đón tiếp phái đoàn cùng sự sôi nổi của các bạn trẻ thông qua các câu hỏi xoay quanh đời sống xã hội, tâm lý đạo đức, nỗi khổ niềm đau mà các bạn phải nếm trải được chư Tôn đức tháo gỡ đã làm cho khóa tu trở nên phong phú hơn.

Một trong những điểm nhấn trong các Phật sự chính là giao lưu văn hóa Phật giáo Việt - Nhật. Đáp lời cung thỉnh từ vị Trụ trì chùa Tokoji, ngày 20 tháng 11 năm 2023, phái đoàn đã đến thăm viếng, tụng kinh, lễ Phật và cùng giao lưu Phật pháp với người Nhật và quý đồng hương Phật tử Việt Nam. Đây là ngôi chùa thuộc Tịnh Độ Chơn Tông Tokoji (Đông Nghinh tự) thuộc Thành phố Fukuoka do Thầy KiyofujiRyushun làm Phó Trụ trì, Thầy cũng là giáo sư tại Đại học Kitakyushu, Nhật Bản. Cũng trong buổi giao lưu này, hai bên đã trình bày và giới thiệu khái quát văn hóa Phật giáo của mỗi nước cũng như cách sinh hoạt tu học, hành đạo của chư Tăng ở mỗi quốc gia khác nhau. Với sự thông thạo về Nhật ngữ và uyên thâm về Phật pháp, Hòa thượng Trưởng đoàn đã mang đến cho đại chúng nhiều tràng pháo tay thán phục. Dường như lúc này, sự ngăn cách bởi rào cản ngôn ngữ hay ranh giới phân biệt giữa hai quốc gia không còn nữa mà thay vào đó chính là tình Linh Sơn pháp lữ, cùng chung một lý tưởng, cùng chung một hạnh nguyện.

Sau buổi giao lưu tại Đông Nghinh tự, tối ngày 21.11.2023, phái đoàn đến chùa Cửu Tạng, Hiroshima nơi Thượng toạ Hidenobu Satake (Thích Tín Giáo) Trụ trì để tiếp tục thăm viếng và giao lưu tại đây. Buổi gặp mặt thân tình của cả hai bên mang lại niềm hoan hỉ vô biên cho mọi người. Được biết, cộng đồng người Việt vùng này tương đối đông nhưng vẫn chưa có chỗ sinh hoạt tâm linh cho bà con. Chính vì vậy, vào những ngày cuối tuần và mỗi tối thứ Năm, mọi người phải mượn cơ sở này làm nơi tu học. Thượng tọa Trụ trì cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con Việt Nam về đây sinh hoạt.
Nhận lời cung thỉnh của quý đồng hương Phật tử, sau khi kết thúc buổi giao lưu tại chùa Cửu Tạng, phái đoàn tiếp đến làm lễ Quy Y Tam Bảo cho gia đình Phật tử Mai Trọng Đại, Pháp danh: Bổn Tín. Thật đầy đủ duyên lành khi tất cả thành viên trong gia đình được tiếp nhận giới pháp cao quý dưới sự chứng minh của chư Tôn đức từ nhiều châu lục. Từ đây, các vị chính thức trở thành những Phật tử thuần thành để hộ trì cho chánh pháp.
Chặng cuối trong chuỗi Phật sự chính là khóa tu An Lạc tại chùa Đại Nam, Himeji vào hai ngày 25 & 26 tháng 11 năm 2023. Khóa tu quy tụ gần 300 khóa sinh từ các nơi về tu học. Trên đường phái đoàn di chuyển về chùa Đại Nam thì nhận được ai tin từ quê nhà, bậc cao Tăng lỗi lạc của Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng thượng Tuệ hạ Sỹ đã thâu thần thị tịch lúc 16 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 (nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão), để lại bao tiếc thương cho Phật giáo đồ trong và ngoài nước. Những công trình giá trị mà Ngài đã đóng góp cho Phật giáo Việt Nam sẽ còn được ghi mãi trong tất cả chúng ta.

"Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu"

Ngài đã từng thốt lên những lời thơ như thế giữa muôn trùng cuộc lữ thứ, ngút ngàn trên vạn dặm thiên lý độc hành ca. Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm của khóa tu tại chùa Đại Nam, chư Tôn đức đã cử hành lễ tưởng niệm và truy tán công hạnh của Ngài, bậc long tượng của Phật giáo Việt Nam. Thế hệ của chúng tôi thật may mắn khi thừa hưởng gia tài quý báu mà Ngài để lại cho đời thông qua những cuốn sách, những lời bình giải kinh tạng,…Sư Ông thượng Như hạ Điển giờ đây lại thêm một trọng trách lớn, tiếp tục thừa hành và tiếp nối công trình phiên dịch Đại tạng kinh Việt Nam còn đang dở dang của Hòa thượng Tuệ Sỹ thông qua di chúc mà Ngài để lại. Khóa tu lần này dường như có sự khác biệt hơn mọi lần khi đại chúng kính tiếc bậc danh Tăng lỗi lạc. Trước khi bế mạc khóa tu, hơn 40 câu hỏi của các khóa sinh gửi về cho Ban tổ chức để quý Ngài giải đáp những khúc mắc và tận tâm chỉ dạy để khóa sinh hiểu rõ hơn. Trở lại chùa xưa ở thành phố Hachioji và Đại Học Teikyo; nơi Hòa Thượng Trưởng đoàn đã từng tá túc cũng như tham học hơn 51 năm về trước; những tình cảm thân thương của Đại Lão Hòa Thượng Trụ Trì Oikawa, năm nay Ngài đã 91 tuổi và những người thân quen cũng như những Giáo Sư hướng dẫn cho Hòa Thượng Phương Trượng trong những năm tháng đầu tiên ở Nhật Bản, nay vẫn còn và vị nào cũng 91 hay 92 tuổi. Họ đã thể hiện tấm lòng nhiệt thành và trân quý qua cách đón tiếp cũng như ngôn ngữ đàm đạo, là những thước đo của lòng người tuyệt diệu nhất, không ngôn từ nào có thể diễn tả hết được.

III. THĂM VIẾNG, CHIÊM BÁI NHỮNG CÔNG TRÌNH VĨ ĐẠI

Phật giáo ngay từ đầu hòa nhập cùng nền văn hóa bản địa đã trở thành bộ phận không thể tách khỏi lịch sử, văn hóa và con người Nhật Bản. Phật giáo góp phần quy tụ, tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để tạo lập nên một quốc gia Nhật Bản thống nhất. Cho tới nay, Phật giáo Nhật Bản đã trải qua gần hai nghìn năm lịch sử với nhiều thăng trầm, tuy nhiên luôn mang màu sắc nhập thế nhằm đi vào lòng người thuộc mọi đối tượng. Đến Nhật Bản, chúng ta được chiêm bái nhiều ngôi chùa cổ kính, kiến trúc độc đáo và không ít trong số đó được xem là thắng cảnh của xứ sở Phù Tang.

Hầu như tất cả những khóa tu học tại các chùa đều diễn ra vào hai ngày cuối tuần vì đa số bà con đều phải đi làm vào các ngày thứ trong tuần. Chính vì vậy, phái đoàn có thời gian rảnh vào những ngày này để tham quan và chiêm bái các thánh tích Phật giáo nổi tiếng Nhật Bản. Điểm đầu tiên chính là chùa Cao Đức và tượng Đại Phật Kamakura ngày 06 tháng 11 năm 2023. Đây được xem là biểu tượng của thị trấn cổ ở Kanagawa và báu vật quốc gia của Nhật Bản. Với chiều cao 13,35 mét bao gồm cả đế và nặng khoảng 121 tấn, pho tượng Phật uy nghi này là điểm đến không thể bỏ quacủa du khách thập phương.

Tiếp theo là chùa Thiển Thảo, ngoại uyển Hoàng Cung Nhật và giao lưu với phái đoàn Phật giáo Đà Nẵng vào ngày 07 tháng 11 năm 2023. Sau nhiều năm gặp lại Hòa thượng Trưởng đoàn thượng Như hạ Điển, quý Tôn đức và Phật tử quê nhà vô cùng xúc động, tay bắt mặt mừng và cả những nỗi niềm trăn trở mà bấy lâu nay mới đủ duyên để hội ngộ. Những lời ca, tiếng hát cùng điệu ngâm thơ của hai phái đoàn chào đón nhau trong niềm vui mừng khi gặp lại Hòa thượng không phải ở quê nhà hay ở nước Đức xa xôi – nơi Hòa thượng đang hành đạo mà ngay trên chính đất nước Nhật Bản. Quả thật là điều ngạc nhiên cho tất cả mọi người, nhân duyên này cũng không hẹn mà đến.

Lần theo những bước chân của phái đoàn chính là tham bái tôn tượng Đại Phật A Di Đà tuyệt đẹp cao 120 mét, tọa lạc tại Thành phố Ushiku, tỉnh Ibaraki, một tỉnh nằm về phía Đông Bắc của Tokyo. Những thông số cơ bản khi xem qua cũng cho thấy sự khổng lồ và kỳ vĩ của tôn tượng này. Nơi tọa lạc của tượng cũng là một vùng cảnh quan tâm linh tươi đẹp. Đó là một công viên với rất nhiều cây xanh lâu năm và các vườn hoa theo mùa. Đặc biệt, vào mùa xuân nơi đây như một thảm hoa tuyệt đẹp với sắc hoa anh đào nở rộ trên cây, các loại hoa khác nở đầy mặt đất tạo nên một khung cảnh hiếm có.
Điều mang lại nhiều dấu ấn trong dòng chảy tâm thức của chúng tôi chính là tham quan bảo tàng thảm họa động đất sóng thần Fukushima. Cách đây 12 năm về trước, một thảm họa kép đã cướp đi hàng ngàn sinh mệnh nơi đây. Nhưng cũng chính tại nơi này, người dân Nhật Bản với “tinh thần thép” đã làm hồi sinh mạnh mẽ, đồng thời qua đó cũng đúc kết được những bài học để không phải lặp lại những mất mát, thiệt hại như vầy nữa. Khi soi chiếu qua lăng kính Phật giáo, chúng ta cũng ý thức được rằng tất cả cũng chỉ là nghiệp lực mà chúng sanh đã gây tạo để nhận lấy hậu quả nặng nề. Những hình ảnh tang thương ấy nhắc nhở chúng ta một lần nữa phải hết lòng dụng tâm tu học thì mới có khả năng chuyển hóa được nghiệp lực.

Tất cả những nơi nổi tiếng như Thác Hoa Nghiêm, hồ Trung Thiền Tự (中禅寺湖), chùa Luân Vương(Rinoji Temple - 輪王寺), Đền thờ Nikko Toshogu (Di sản văn hoá thế giới) đều được phái đoàn dừng chân và thưởng lãm. Rồi đến chùa Thiên Long và Kim Các Tự hay chùa Thanh Thủy, Tri n Viện (知恩院), Tổ đình Tịnh Độ Tông; Đông Bổn Nguyện Tự (Higashi Honganji東本願寺), Tổ đình Tịnh Độ Chân Tông…đâu đâu cũng toát lên dáng vẻ uy nghi và thoát tục.
Từ Bình Đẳng Viện (平等院); Chùa Đông Đại (東大寺) - Tổ đình Hoa Nghiêm Tông và chùa Đại An (大安寺, Daianji ) hay Diên Lịch Tự - Tổ đình Thiên Thai Tông cho đến Nam Tạng Viện, Đại Tượng Phật Niết Bàn và chùa Cửu Tạng, Hiroshima. Hầu hết những công trình nghệ thuật Phật giáo đều mang tầm vóc vĩ đại. Chính vì vậy, Phật giáo đã đóng góp to lớn không chỉ đối với sự phát triển nghệ thuật ở Nhật Bản, mà còn đối với sự phát triển văn hóa ở hầu hết mọi phương diện. Có nhận định cho rằng, nếu không có Phật giáo, Nhật Bản không bao giờ đạt được nền văn minh như hiện nay. Biểu tượng ngôi chùa chính là chốn an yên đưa con người thoát ra khỏi những ồn ào, náo nhiệt của thế tục, những ngôi chùa còn cất giữ những giá trị văn hóa cốt lõi, những nền tảng kiến trúc độc đáo từ thuở ngàn xưa.

Đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, chúng tôi lại có cơ duyên đảnh lễ tôn tượng Địa Tạng Không Đầu Fuchu, Hiroshima. Phải chăng Bồ tát Đia Tạng Vương đã thị hiện để cứu khổ cho chúng sinh tại "đất nước mặt trời mọc", có rất nhiều câu chuyện linh thiêng khi cầu nguyện Ngài chữa khỏi được bệnh tật nếu như người cầu nguyện phát tâm thành, đó cũng chính là chứng tích tại Hiroshima. Những mẫu chuyện linh ứng của đức Địa Tạng Vương Bồ tát tại Fuchu đã được xuất bản thành sách tại Nhật Bản và được Hòa thượng Trưởng đoàn thượng Như hạ Điển chuyển ngữ trọn bộ 3 tập. Ai đã từng đọc những cuốn sách này cũng ao ước được một lần đến để lễ bái Ngài.

Người Nhật đã tạo nên nhiều kiệt tác và kỳ tích cho thế giới những cũng gánh chịu không ít đau thương và mất mát trong quá khứ. Hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản trong nhịp sống như thường lệ đột nhiên phải gánh chịu thảm kịch kinh hoàng vào tháng 8 năm 1945. Hai quả bom nguyên tử Little Boy và Fat Man do quân đội Mỹ ném xuống đã đẩy hai thành phố vào cảnh tang thương. Mặc dầu, dấu vết đổ nát năm xưa không còn thấy ở trên phố, mà chỉ còn lưu lại ở công viên Tưởng Niệm Hòa Bình Hiroshima (Hiroshima Peace Memorial Park | 広島平和記念公園) nhưng cũng khiến cho những người đến thăm viếng không khỏi xúc động. Người Nhật đã xây dựng lại từ một đống đổ nát thành một nơi mới mẻ và diễm lệ hơn nhưng vết thương ấy vẫn còn hằn sâu trong tâm trí họ. Lúc này, tôi thoạt nhiên nhớ tới lời thoại trong bộ phim nổi tiếng với nhan đề “Buddha” của nhà đạo diễn David Grubin: “Chiến tranh không bên nào thắng cả, mà tất cả đều thua”. Phái đoàn đã đến đây để làm lễ tưởng niệm cho các nạn nhân xấu số và cầu nguyện chiến tranh sẽ không còn diễn ra trên quả địa cầu này nữa. Ước nguyện cũng chỉ là ước nguyện, điều quan trọng nhất là tất cả chúng ta phải từ bỏ làm tham chấp, hận thù, hơn thua thì hòa bình mới biểu hiện khắp muôn nơi.

Một địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến hành trình này chính là Cao Dã Sơn, tỉnh Wakayama, phía Nam Osaka, là Tổ đình của Chân Ngôn Tông (Shingonshu). Đây được xem là “thánh địa của Phật giáo Nhật Bản”. Vị sư nổi tiếng ở đây chính là Hoằng Pháp Đại Sư. Tương truyền rằng: Ngài vẫn đang ở trong trạng thái thiền diệt tận định vĩnh cửu để cầu nguyện cho hòa bình và hạnh phúc của toàn thế giới.

Vương Đường Phật Giáo của Niệm Phật Tông ở Hyogo là một công trình kiến trúc tuyệt vời nhất, có thể nói là cả thế giới Phật Giáo chưa có nơi nào có thể so sánh với Vương Đường nầy về nghệ thuật cũng như ở những phương diện khác.

IV. NHỮNG TRẢI NGHIỆM TUYỆT VỜI TRONG CHUYẾN ĐI

Khi nói đến thành công của chuyến đi thì không thể bỏ qua sự hỗ trợ về mọi phương diện từ quý Thầy cô và Phật tử tại Nhật. Để có một chuyến đi trọn vẹn là cả một quá trình sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng từ chỗ ăn, ở, phương tiện di chuyển,…sao cho thuận tiện nhất cho đoàn. Chúng con được nương nhờ oai đức từ Hòa thượng Trưởng đoàn, đi đến đâu cũng được đón tiếp nồng hậu và chăm sóc chu đáo. Hòa thượng cũng là thành viên nổi bật khi giới thiệu những cảnh quan trước khi đoàn đến thăm viếng. Những câu chuyện Phật pháp, những lời dạy chân tình từ thân giáo và khẩu giáo đã giúp cho đại chúng tận hưởng trọn vẹn giây phút an lạc trong chuyến đi. Bên cạnh đó, quý Tôn đức trong phái đoàn cũng dành những lời ca tiếng hát, câu chuyện hài hước để kể cho nhau nghe làm quên đi cái mệt nhọc trong việc di chuyển đường dài.

Những bữa cơm mang đậm hương vị Việt, Nhật đong đầy ý đạo, tình đời làm cho mọi người ai nấy cũng phấn khích. Những lời kinh, tiếng kệ, câu thần chú được trì tụng xuyên suốt trong chuyến hành trình cũng làm cho mọi người cảm thấy an lạc. Ban đầu, mặc dầu rất yêu thích đất nước Nhật Bản nhưng đa phần ai nấy cũng đều ngại vì chi phí ở đây quá đắt đỏ, mọi sinh hoạt phí dường như cao hơn ở bất kì quốc gia nào. Nhưng khi tham gia trọn vẹn chuyến đi thì mới cảm thấy số tiền bỏ ra không hề uổng phí chút nào.

Đến Nhật để học hỏi một phần nhỏ bé về tinh thần của người Nhật. Nào là văn hóa đúng giờ, văn hóa khom lưng, cúi đầu trong cách chào hỏi thường ngày của họ và cả sự tử tế mà người Nhật đã mang đến cho du khách, rất nhiều điều chúng ta cần phải học ở họ. Môi trường sạch sẽ hay trải nghiệm về tàu cao tốc Shinkansen cũng là một điều thú vị khi đến đây.

V. LỜI KẾT:

Mặc dầu hành trình thăm viếng, chiêm bái và hoằng pháp đã kết thúc; nhưng những dư âm vẫn còn đọng lại trong mỗi người. Mỗi chuyến đi đều là một sự trải nghiệm cho bản thân. Ai đó đã nói rằng:

“Đi cho biết đá biết vàng
Biết thương biết khó biết làng biết quê
Đời người một cõi u mê
Hung hăng cho lắm cũng về hư không”

Ân tình là thứ quý giá nhất của đời người mà ai trong chúng ta cần phải luôn ghi nhớ. Một lần nữa, xin chân thành niệm ân Hòa thượng Trưởng đoàn thượng Như hạ Điển, Thầy Đức Trí đã dẫn dắt đoàn trong thời gian vừa qua và cả tài xế Thanh Tùng đã đưa phái đoàn di chuyển an toàn trong mọi hành trình. Xin niệm quý Thầy cô và Phật tử tại Nhật Bản đã đón tiếp và chăm lo cho đoàn thật chu đáo.





Vài hình ảnh trong chuyến Hành Hương & Hoằng Pháp tại Nhật Bản
(Photos: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên)



nhat ban-1nhat ban-1nhat ban-1anhat ban-1vnhat ban-2nhat ban-3nhat ban-4nhat ban-5nhat ban-6nhat ban-7nhat ban-8nhat ban-9nhat ban-10
Kính mời xem tiếp hình ảnh chuyến Hành Hương & Hoằng Pháp tại Nhật Bản 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]