Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây, Uống Nước Nhớ Người Đào Giếng

23/11/202218:33(Xem: 3101)
Ăn Quả Nhớ Kẻ Trồng Cây, Uống Nước Nhớ Người Đào Giếng

day 8-le chu nien 32 nam (111)


ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY,

UỐNG NƯỚC NHỚ NGƯỜI ĐÀO GIẾNG

Thích Như Điển 
Do 
Phật tử Diệu Danh diễn đọc









Ai trong chúng ta là người Việt Nam hay người Trung Quốc đều hay dùng đến thành ngữ nầy. Nguyên thủy tiếng Hán Việt là: “Thực quả bất vọng chủng thọ nhơn, ẩm thủy tư nguyên”. Điều nầy cho chúng ta biết rằng: Ân nghĩa và tình người vốn là những biểu tượng thiêng liêng, mà chúng ta cần phải quan tâm đến, nhất là ân đức của người xưa. Nếu không có người đi trước, làm sao chúng ta có mặt nơi nầy được. Dầu cho kết quả của việc nầy như thế nào đi chăng nữa thì đây vẫn là một bổn phận của người đi sau phải thực hiện.

Kể từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 10 năm 2022 vừa qua, Hòa Thượng Thích Tâm Phương, Viện Chủ và Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne, Úc Châu đã đứng ra tổ chức lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại chư Tổ Sư và Về Nguồn lần thứ 12, đồng thời cử hành lễ kỷ niệm 32 năm thành lập Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne. Lẽ ra những sự kiện nầy đã được cử hành từ năm 2020, nhưng vì đại dịch Corona 19 hoành hành khắp hành tinh nơi chúng ta đang sinh hoạt, nên chư Tôn Đức khắp các châu lục cũng như quý đồng hương Phật tử đây đó rất ngại việc đi xa và tập trung chốn đông người, do đó phải dời lại đến hai năm sau. Đây là lý do tại sao kỳ Đại lễ Hiệp kỵ lần thứ 12 đến năm 2022 này mới được tổ chức.

Nhưng tại sao lại là lần thứ 12? Đây là câu hỏi mà ít người quan tâm đến, nên hôm nay chúng tôi xin giải bày trong khả năng về sự hiểu biết riêng của mình. Nếu có điều gì thiếu sót, kính mong quý Ngài và quý vị hoan hỷ bổ sung cho. Khoảng thời gian trước năm 2007, khi Lễ Hiệp kỵ kỳ thứ 1 được tổ chức tại Chùa Pháp Vân, nơi Hòa Thượng Thích Tâm Hòa Trụ Trì, thì Chư Tôn Hòa Thượng trong môn phái Liễu Quán mỗi năm thường hay tổ chức lễ Hiệp Kỵ Tổ Liễu Quán tại một trong những chùa đó đây thuộc Lâm Tế Liễu Quán. Trong lần tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế ở vùng Los Angeles, Hoa Kỳ, Chư Tôn Hòa Thượng, chư Thượng Tọa trong môn phái Liễu Quán đã bàn thảo và thống nhất tên gọi cho sự kiện này là: Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại-Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại chư Tổ Sư. Và trong lần đầu tiên, chư Tôn Đức Tăng Ni vân tập tại Chùa Pháp Vân vào năm 2007, có trên dưới 100 vị từ khắp năm châu về đây phó hội và cùng đồng ý với nhau là thêm chữ Về Nguồn vào sự kiện lễ Hiệp Kỵ, và Về Nguồn 1,2,3,4….bắt đầu luân phiên từ đó cho đến nay tại các châu lục. Sau ngày tổ chức tại Chùa Pháp Vân, đa phần bị chụp mũ là những thành phần tách rời ra khỏi đường lối của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, vì trong thời gian nầy Giáo Chỉ số 9 mới được ban hành và những ai không tuân thủ Giáo Chỉ số 9 đều bị quy chụp như vậy. Do vậy một số chư Tôn Đức Tăng, sau khi tham dự ngày Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại từ Canada về gồm: Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hoà Thượng Thích Bảo Lạc, Hoà Thượng Thích Quảng Ba (Úc Châu), Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa (Hoa Kỳ), Hòa Thượng Thích Bổn Đạt (Canada), Hòa Thượng Thích Minh Tâm (Pháp), Hoà Thượng Thích Như Điển (Đức) cùng một số Chư Tôn Giáo Phẩm tại các châu lục vân tập về Úc Châu, nhân Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 7 tại Moriset gần Sydney vào cuối năm 2008 và Quý Ngài đã bàn bạc với nhau: Bây giờ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hải Ngoại, chúng ta phải làm thế nào để tồn tại, hoạt động mà không bị lệ thuộc trực tiếp bởi Giáo Chỉ số 9 đã được ban hành? Thế là quý Ngài đã đồng thanh quyết nghị rằng: Danh xưng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại vẫn giữ nguyên, vì chúng ta không hoạt động ra ngoài hiến chương của Giáo Hội năm 1964, và chúng ta chỉ cử Ban Điều Hợp của Liên Châu, nhiệm kỳ 2 năm luân phiên, có nghĩa là nhiệm kỳ đầu Âu châu lãnh trách nhiệm điều hợp, thì 2 năm sau châu Mỹ và tuần tự tiếp theo là châu Úc, Canada. Nếu tổ chức đều đặn như vậy thì sau 8 năm, địa phương tổ chức lần đầu mới trở lại phiên tổ chức của mình.

Nhờ vào sự quyết định sáng suốt nầy của quý Ngài Trưởng Thượng trong các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại các châu lục, mà ngày Về Nguồn-Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại chư Tổ Sư của Liên Châu mới còn tồn tại đến kỳ thứ 12 nầy. Trong 12 kỳ vừa qua, thì liên tiếp 10 kỳ đều được tổ chức vào mỗi năm do các chùa trong các châu lục thay phiên nhau đảm nhận, nhưng sau đó đến kỳ Hiệp Kỵ lần thứ 10 được quy định lại là 2 năm tổ chức 1 lần và thời điểm thì có thể linh động để phù hợp với các sự kiện Phật sự của nơi đảm nhận. Ví dụ năm 2022 Tu Viện Quảng Đức tại Úc tổ chức, lẽ ra kỳ tổ chức tới phải là năm 2024, nhưng năm 2023 là năm quan trọng đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, nên Pháp Quốc đã đứng ra đăng cai tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 13, nhân kỷ niệm 10 năm cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch, thêm vào đó có tổ chức Đại Giới Đàn Minh Tâm để thí giới cho các giới tử tại gia và xuất gia của các Giáo Hội vân tập về trong những ngày lễ trọng đại nầy.

Trên đây là một số sự kiện duyên khởi để chúng ta cùng ôn lại những gì trong 12 kỳ đã qua. Phần chi tiết tổ chức năm nào và ở đâu, quý vị có thể tham khảo bài tường thuật nhanh về những ngày Lễ Hội tại Tu Viện Quảng Đức do Cư Sĩ Huệ Hương và Cư Sĩ Thanh Phi chấp bút thì quý vị sẽ được tường tận hơn.

Y cứ theo Thông Điệp Xuân Nhâm Tý năm 1972 của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết ban hành, trong nầy có sử dụng hai từ Về Nguồn, nên có lẽ vì thế mà Chư Tôn Trưởng Lão sau khi hội ý tại Chùa Pháp Vân thuở trước đã quyết định dùng 2 chữ nầy, và chính hai chữ nầy cũng đã có một thời được bàn cãi rất sôi nổi. Người tán đồng rất nhiều mà kẻ không muốn tiếp tục dùng nữa cũng không ít. Do vậy nhân phiên họp tiền Hội Nghị của Chư Tôn Đức từ Châu Âu, Châu Mỹ, Canada và Úc Châu vào tối ngày 13 tháng 10 năm 2022 tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu dưới sự chủ toạ của Hoà Thượng Thích Bảo Lạc, Chánh Văn Phòng Điều Hợp Úc Châu cùng chư Tăng trong các châu lục đã đi đến quyết định rằng: trong tương lai cứ hai năm sẽ tổ chức Hiệp Kỵ một lần và hai chữ Về Nguồn sẽ không dùng đến nữa. Nếu có, chỉ để trong ngoặc đơn mà thôi. Như vậy chúng ta đã rõ ngọn ngành là tại sao như vậy và nên thể hiện như thế nào trong những ngày Hiệp Kỵ sắp đến.
Từ lần Hiệp Kỵ cách đây 8 năm về trước, Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu của các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đề nghị cứ mỗi lần Hiệp Kỵ như vậy nên đề nghị một số chư Tôn Đức Tăng Ni thuyết trình và hội thảo hai hay ba đề tài về hành trạng của chư Tổ Sư tiền bối để con cháu của Tổ nhớ lại ân đức của người xưa mà tấn tu đạo nghiệp. Đây chính là: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng”. Năm nay có hai đề tài được đề nghị thuyết trình hội thảo như sau: Đề tài Hội Thảo 1 do Hòa Thượng Thích Trường Sanh (Tân Tây Lan) và Hòa Thượng Thích Thông Hải (Hoa Kỳ) thuyết trình về “Tổ Giác Tiên, Hành Trạng và Sự Nghiệp mở đầu chấn hưng Phật Giáo, khai hóa thành lập Hội Phật Giáo Trung Việt” và đề tài Hội Thảo 2 do Ni Trưởng Thích Nữ Giới Châu (Hoa Kỳ), Ni Sư Thích Nữ Tâm Lạc (Úc Châu) và Sư Cô Thích Nữ Giới Bảo (Nhật Bản) thuyết trình về “Sư Trưởng Như Thanh và sự nghiệp thành lập Ni Bộ Nam Việt đến Ni Bộ Bắc Tông”. Nhìn chung cả hai đề tài Hội Thảo rất đa diện và nhiều tài liệu đã được dẫn chứng cũng như cử tọa đặt nhiều câu hỏi thật hay để điểm xuyết thêm vào hành trạng của các Ngài, khiến chúng đệ tử xuất gia hơn 100 vị và tại gia trên dưới vài trăm vị, đã không ngừng tán dương công hạnh của chư vị tiền bối hữu công. Chúng ta nên lấy đó làm hành trang đi vào sự thực hiện việc truyền trao giáo pháp đến mọi người để được lợi ích chung cho công cuộc quang huy nền Phật Giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước.


day 8-le chu nien 32 nam (173)day 8-le chu nien 32 nam (181)
day 8-le chu nien 32 nam (196)






Ngày hôm nay, sau 32 năm nếu có người đến viếng thăm Tu Viện Quảng Đức tại Melbourne chắc hẳn cũng phải trầm trồ tán thán về ngôi đại tự nầy, bởi lẽ với nơi mà mỗi ngày có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mà Hòa Thượng Viện Chủ Thích Tâm Phương và Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Tạng đã gầy dựng nên chốn Phạm Vũ quy mô nhất nhì so với hơn 1.500 ngôi tự viện của người Việt Nam chúng ta xây dựng ở ngoại quốc từ năm 1975 đến nay, phải nói rằng chúng ta rất đáng tự hào. Bởi lẽ người Phật tử tại gia đã luôn luôn ủng hộ chư Tăng Ni về vật chất để xây dựng nên những Đạo tràng như thế nầy, quả là một phước báu vô cùng to lớn mà trước năm 1975, ở ngoại quốc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trong nước, dẫu cho có mong muốn đi nữa thì cũng đã khó thực hiện được. Sau năm 1975 với bao nhiêu sự mất mát từ vật chất đến tinh thần, chúng ta người Việt ly hương cũng đã có được rất nhiều việc, trong đó có hình ảnh của những ngôi chùa để sưởi ấm tình tự quê hương, khi chuyện vui lẫn chuyện buồn xảy đến với người con Phật, thì chúng ta vẫn còn có thể nương tựa vào nơi chốn chùa chiền.

Chúng ta thử tưởng tượng ngày ấy cách đây 32 năm về trước, Hòa Thượng Thích Tâm Phương và các đệ tử tại gia ở vùng nầy mua lại một ngôi trường học cũ, vốn đã bị bỏ hoang lâu ngày của chính quyền địa phương và suốt trong thời gian 32 năm đó, Thầy trò của Hòa Thượng và sau nầy có thêm Thượng Tọa Nguyên Tạng về đây góp phần trùng hưng chốn Già Lam nầy, nên từ Chánh điện cho đến Tổ đường, Tăng xá, Khách đường, Phương Trượng đường, Hậu liêu, Vãng sanh đường, Cư xá làm nơi cư trú cho Phật tử khi có khóa tu, có nơi chốn trú ngụ lại nhiều ngày để tu tập v.v…. Chỉ ngần ấy hạng mục thôi, đã có không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức, tiền bạc tích góp lâu ngày mới có thể thành tựu được như vậy.

Ngày xưa Cụ Nguyễn Công Trứ là một Uy Viễn tướng công của triều đình đã có lần viết rằng:
“Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhơn tằng tiên ngỏa tọa chi….
(Chỗ đất mà ngày hôm nay chúng ta đang ngồi
Người xưa đã từng nằm ngồi ở đây rồi….)

Như thế chúng ta chẳng đáng tự hào và hãnh diện sao, mỗi lần chúng ta bước chân vào một ngôi Đại Điện nào đó của Phật giáo Việt Nam hay bất cứ Phật giáo nào trên thế giới, chúng ta nên biết rằng: trước khi chúng ta đến đây đã có người đến trước để xây dựng rồi và ngày nay chúng ta đến chỉ để vun bồi thêm vào phước báu ấy, để cho đến đời sau hay muôn ngàn năm sau nữa, hình bóng của chư Tăng Ni và không biết bao nhiêu Cư Sĩ hữu công đã tạo ra những nơi chốn trang nghiêm như thế nầy để chúng ta có nơi chốn phụng thờ Tam Bảo và Gia Tiên của người Phật tử tại hải ngoại ngày nay.

Xin chắp hai tay nguyện cầu cho Phật giáo Việt Nam luôn tồn tại với Dân tộc ở trong cũng như ngoài nước. Xin nguyện cầu cho chư Tôn Đức Tăng Ni có đủ năng lực để chuyên chở niềm tin của người Phật tử đến được bảo sở và làm sao từ chúng hữu tình cho đến vô tình đều được hàm triêm lợi lạc, thì đó mới có thể đáp đền được phần nào thâm ân của chư Phật, chư Tổ Sư truyền thừa đã dày công hóa độ từ trước cho đến nay.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.
(Viết xong lúc 10 giờ sáng ngày 19.11.2022 tại Tu Viện Quảng Đức Melbourne, Úc Châu nhân Khóa Huân Tu Tịnh Độ từ ngày 18 đến ngày 20.11.2022).


day 8-le chu nien 32 nam (45)




Kính mời xem tiếp hình ảnh:

🙏🙏🙏🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

- Hình ảnh ngày 09/10/2022
- Hình ảnh ngày 10/10/2022
- Hình ảnh ngày 11/10/2022
- Hình ảnh ngày 12/10/2022
- Hình ảnh ngày 13/10/2022
- Hình ảnh ngày 14/10/2022
- Hình ảnh ngày 15/10/2022

- Hình ảnh lễ chính thức ngày Chủ Nhật 16/10/2022

- Hình ảnh Lễ Chấn Tế Cô Hồn
- Hình ảnh Tán Dương Công Đức quý Phật tử hữu công

 

 

 🌹🥀🌷🍀🌷🌸🏵️🌻🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️

Đạo Từ của Đức Đại Lão HT Thích Thắng Hoan (Hoa Kỳ)
Thư Chúc Mừng của HT Thích Tín Nghĩa (Giáo Hội Hoa Kỳ)
Thư Chúc Mừng của HT Thích Bổn Đạt (Giáo Hội Canada)
Thư Chúc Mừng của HT Thích Tâm Minh (Giáo Hội Úc Đại Lợi-TTL)
Thư Chúc Mừng của HT Thích Tánh Thiệt, HT Thích Như Điển (Giáo Hội Âu Châu)
Thư Chúc Mừng của Thượng Nghị Sĩ Liên bang Hon. Peter Khalil

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]