Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Phẩm “Ma Sự”

03/01/202118:26(Xem: 7834)
11. Phẩm “Ma Sự”

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-516

 


XI. PHẨM “MA SỰ”

Giữa quyển 560, Hội thứ V, ĐBN.

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

Tóm lược: 

 

(Thế nào là ma sự?) 

 

Bấy giờ cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Thế Tôn dạy các thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa là khi tu thiện pháp có các việc ma xảy ra. Thế nào là việc ma của Bồ Tát?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu các Bồ Tát muốn diễn nói pháp yếu, nhưng biện luận lâu mới phát sanh thì Bồ Tát nên biết, đó là việc ma. Hoặc vừa diễn nói pháp yếu, biện luận sanh liền, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Hoặc nói pháp yếu biện luận sanh quá mức, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Hoặc điều muốn nói chưa hết bèn ngưng, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Hoặc nói pháp yếu ngôn từ lộn xộn, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Hoặc nói pháp yếu ngôn từ gián đoạn, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Hoặc khi nói pháp, các việc ngang trái khởi lên, làm cho điều muốn nói chẳng được vừa lòng, Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi biên chép v.v... Kinh điển tương ưng với Bát Nhã thì hoặc vung vai, ợ ngáp, hoặc cười giỡn với nhau, hoặc khinh chê lẫn nhau, hoặc thân tâm dao động, hoặc thất niệm tán loạn, hoặc văn cú đảo ngược, lầm lẫn nghĩa lý, tâm chẳng được thấm nhuần vị ngon bổ của pháp vị nên sanh nhàm chán, xả bỏ, hoặc việc ngang trái chợt phát sanh, hoặc trái chống lẫn nhau... Do những việc như thế, việc làm chẳng thành tựu, Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi nghe thuyết kinh tương ưng với Bát nhã Ba la mật hoặc nghĩ: Ta ở trong đó chẳng được thọ ký thì nghe làm gì? Hoặc nghĩ: Trong đó không nói đến tên của chúng ta thì nghe làm gì? Hoặc nghĩ: Trong đó chẳng nói thành ấp, xóm làng, nơi sanh quán của chúng ta thì nghe làm gì? Do những duyên này, tâm không thanh tịnh, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, nhàm chán bỏ đi, không có lòng quyến luyến, đoái tưởng. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Thiện Hiện nên biết! Nếu các Bồ Tát khi nghe thuyết kinh điển tương ưng với Bát nhã Ba la mật, tâm không thanh tịnh, nhàm chán bỏ đi thì theo chỗ người kia đã khởi tâm không thanh tịnh nhàm chán bỏ kinh này, cất bước đi nhiều hay ít, bèn giảm chừng ấy kiếp số công đức, bị chừng ấy kiếp số tội chướng ngại Bồ đề. Chịu tội kia xong, phải trở lại chừng ấy thời gian phát tâm siêng năng tinh tiến tu Bồ Tát hạnh mới có thể phục hồi lại như xưa, thế nên gọi đó là việc ma của Bồ Tát.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát xả bỏ Kinh điển tương ưng với Bát Nhã sâu xa có thể đưa đến Nhất thiết trí trí, trở lại học các kinh điển khác, tùy thuận Nhị thừa, chẳng thể đưa đến Nhất thiết trí trí, xả bỏ cội gốc, vin theo nhánh lá, thì Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Vì sao? Vì Kinh điển tương ưng với Bát Nhã sâu xa có thể phát sanh công đức thù thắng thế gian, xuất thế gian của Bồ Tát. Do đó, có thể đưa đến Nhất thiết trí trí. Nếu học Kinh điển tương ưng Bát nhã Ba la mật thì chính là học công đức thù thắng thế gian, xuất thế gian của Bồ Tát, mau có thể đưa đến Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Như chó đói ngu ngốc bỏ chủ nuôi, lại đi theo tôi tớ mà cầu miếng ăn. Cũng thế, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã sâu xa, cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa. Hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ví như có người muốn xem vóc dáng lớn nhỏ, loại hình tốt xấu của Hương tượng, gặp được Hương tượng chẳng xem, lại tìm dấu chân của nó; nên biết, loại người như thế rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa; hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Ví như có người vì tìm ngọc báu nên ra tới biển lớn. Đến được bờ biển, không vào biển lớn, lại xem xét dấu chân trâu, nghĩ: Lượng sâu rộng của nước trong biển cả đâu bằng đây! Trong đây cũng có các ngọc báu. Nên biết, hạng người như thế rất là ngu si. Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã, tìm học Kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ gốc tìm ngọn, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như có thợ khéo, hoặc học trò của ông ta muốn tạo cung điện lớn như cung điện thù thắng của trời Đế Thích. Thấy cung điện kia xong, nhưng lại làm theo mô hình cung điện Nhật nguyệt. Nên biết, hạng người như thế rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, hạng ngu si này bỏ lớn tìm nhỏ, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người muốn thấy Chuyển luân Thánh vương, thấy rồi chẳng nhận biết, bỏ đi nơi khác. Thấy vua nước nhỏ, xem xét hình tướng của vua đó và nghĩ: Hình tướng, uy đức của Chuyển luân Thánh vương đâu hơn người này. Nên biết, người đó rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa. Hạng ngu si này bỏ hơn tìm kém, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người đói, được bữa ăn ngon có trăm vị, lại bỏ đi tìm cầu cơm của loại lúa hai tháng. Nên biết, người kia rất là ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa. Hạng ngu si này bỏ hơn cầu kém, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người nghèo được ngọc báu vô giá, bỏ không lấy mà lấy ngọc thủy tinh. Nên biết, người đó rất ngu si.

Cũng vậy, tương lai có các Bồ Tát bỏ Bát Nhã sâu xa, tìm học kinh điển tương ưng với Nhị thừa. Người ngu si đó bỏ hơn lấy kém, chẳng bao giờ có thể đắc Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các Bồ Tát hoặc ngay khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập Kinh điển tương ưng Bát Nhã sâu xa, nhiều biện luận bỗng phát sanh, ưa nói vô số pháp môn sai khác, làm cho biên chép v.v... không được hoàn tất, thì Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa có thể biên chép được chăng?

Thế Tôn bảo Thiện Hiện:

- Chẳng được. Nếu thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, khi biên chép v.v... Kinh điển tương ưng với Bát Nhã, nghĩ: Ta dùng văn tự biên chép Bát Nhã, văn tự như chính là Bát Nhã, hoặc nương văn tự chấp có Bát nhã Ba la mật, Bồ Tát nên biết đó là việc ma. Bấy giờ, nên dạy Bồ Tát kia: Ông không nên chấp có văn tự, có thể biên chép Bát nhã Ba la mật. Nếu chấp như thế đó là việc ma. Nếu bỏ chấp này thì liền bỏ việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu khi các Bồ Tát biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Kinh điển tương ưng Bát Nhã sâu xa, hoặc nghĩ đến cõi nước, thành ấp, vương đô, phương hướng, nơi chốn, thầy bạn; hoặc nghĩ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, bè bạn, vua tôi; hoặc nghĩ trộm cướp, các cầm thú hung dữ, người ác, quỉ ác; hoặc nghĩ nhiều người hội họp, múa hát, dạo chơi, đền ân trả oán; hoặc nghĩ cơm ăn áo mặc, giường nằm và những của cải khác; hoặc nghĩ làm ra văn tụng thơ luận; hoặc nghĩ thời tiết nóng lạnh, mùa màng đắc thất; hoặc nghĩ voi ngựa, các việc nước lửa v.v... hoặc nghĩ các sự nghiệp khác đã tạo v.v... thì Bồ Tát nên biết đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Kinh tương ưng với Bát Nhã sâu xa, được danh lợi và cung kính, cúng dường nhiều, người đó do nhân duyên này bỏ sự nghiệp đã tạo. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma. 

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết Kinh điển tương ưng với Bát Nhã sâu xa, ác ma phương tiện đem các thứ sách luận nghị thế tục, hoặc là kinh điển tương ưng với Nhị thừa trao cho Bồ Tát đó và nói thế này: “Kinh điển biên chép này nghĩa lý thâm áo, nên siêng năng tu học, bỏ các thứ kinh đã học kia đi”. Nếu Bồ Tát này có phương tiện thiện xảo thì không nên nghe nhận, vì kinh sách kia chẳng thể đưa đến Nhất thiết trí trí. Nếu Bồ Tát này nhận kinh sách ác ma đã trao, bỏ Kinh đang học thì Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

 

(Lưỡng bất hòa hiệp)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Người nghe pháp, muốn nghe Bát nhã Ba la mật; người nói pháp lười biếng, không muốn nói; hoặc người dưới trái nhau với người trên, hai bên không hòa hiệp, chẳng đạt được giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người nghe pháp có đủ khả năng nhớ hiểu, ưa nghe Bát nhã Ba la mật. Người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, không nói cho người đó, hoặc người dưới trái nhau với người trên, hai bên không hòa hiệp, không đạt được việc giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp ưa chuộng danh lợi, người nghe pháp không muốn ban cho, hoặc người dưới trái nhau với người trên, hai bên không hòa hiệp, không đạt được việc giảng thuyết và lãnh thọ. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người nghe pháp có tâm tin ưa, muốn nghe Bát nhã Ba la mật; người thuyết pháp học tụng không thông suốt, không thể thuyết; hoặc người thuyết pháp đọc tụng thông suốt, ưa thuyết cho người. Người nghe pháp nghi không thông suốt, không muốn lắng nghe, lãnh thọ. Hai bên không hòa hiệp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp ưa thuyết Bát Nhã sâu xa cho người. Người nghe pháp không muốn nghe và lãnh thọ, hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người nghe pháp ưa nghe Bát nhã Ba la mật, người nói pháp thân thể quá mệt mỏi, bị buồn ngủ che lấp, không thể thuyết, hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu các Bồ Tát khi biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn thuyết kinh điển tương ưng với Bát Nhã sâu xa, hoặc có người đến nói các thứ việc khổ nơi ba nẻo ác, khuyên bỏ Bồ đề; hoặc có người đến nói các thứ việc vui ở nẻo trời người, đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, khuyên vào Niết bàn... Người kia do lời này nên việc biên chép v.v... không được rốt ráo, trong lòng buồn khổ. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp ưa thống lãnh đồ chúng, thích lo toan việc của người, không lo việc mình. Người nghe pháp một đời không hệ lụy, chuyên sửa việc mình, chẳng lo việc của người; hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp ưa thích chỗ huyên náo tạp nhiễm; người nghe pháp không ưa thích chỗ huyên náo tạp nhiễm, hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, chỗ nguy hại thân mạng; người nghe pháp sợ mất thân mạng, không muốn cùng đi, hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, nơi quốc độ có nhiều giặc cướp, bệnh tật, đói khát. Người nghe pháp lo sợ khó khăn gian khổ kia, không chịu cùng đi, hoặc trái nhau với người trên, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc nói và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp muốn đi đến phương khác, đi qua đường sá, đồng hoang hiểm trở, nhiều giặc cướp và những kẻ hàng thịt, ác thú, thợ săn, rắn độc v.v... đáng sợ. Người nghe pháp muốn đi theo người đó. Người nói pháp phương tiện thử: “Ngươi nay vì lẽ gì vô cớ theo ta muốn đi đến các chỗ hiểm nạn như thế? Nên suy nghĩ kỹ, chớ để sau lo buồn, hối hận”. Người nghe pháp nghe xong; nghĩ: Thầy này đúng là không muốn cho ta đi theo. Giả sử ta cố đi theo, chắc gì được nghe pháp! Do nhân duyên này, không đi theo vị thầy ấy, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc thuyết và nghe. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Người thuyết pháp có nhiều thí chủ, thường theo tiễn đưa, đón rước nhau. Người nghe pháp đến xin thuyết Bát nhã Ba la mật, hoặc xin biên chép, thọ trì, đọc tụng v.v... đúng như lời dạy tu hành. Người kia vì nhiều duyên sự làm trở ngại nên không rảnh để chỉ dạy, người nghe pháp sanh lòng giận hờn. Sau tuy dạy cho nhưng không nghe nhận, hai bên không hòa hợp, không đạt được việc dạy trao, nghe nhận, biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập v.v... Bát Nhã sâu xa. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

 

(Hình tướng và tạo tác của bọn ma)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma biến làm các thứ hình tướng đến chỗ Bồ Tát, phương tiện phá hoại, làm cho Kinh điển tương ưng với Bát Nhã sâu xa không được biên chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy và giảng thuyết cho người.

Thế nên, này Thiện Hiện! Thiện nam thiện nữ trụ Bồ Tát thừa, khi biên chép, thọ trì v.v... Bát Nhã sâu xa, có sự trở ngại, Bồ Tát nên biết, đó đều là việc ma.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Do duyên gì ác ma biến làm các hình tướng đến chỗ Bồ Tát phương tiện phá hoại, làm cho kinh điển tương ưng với Bát nhã Ba la mật không được biên chép cho đến giảng thuyết v.v...?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Bát Nhã sâu xa có thể sanh Nhất thiết trí trí của Như Lai, Nhất thiết trí trí sanh ra Phật đạo, Phật đạo có thể sanh ra Diệu tuệ của hữu tình, Diệu tuệ của hữu tình có thể dứt trừ phiền não, phiền não dứt thì tất cả ác ma không làm gì được. Các ác ma kia không làm gì được nên sanh buồn khổ như bị tên găm vào tim. Chúng nghĩ: Ta chớ để cho Bát Nhã này làm trống khuyết cảnh giới của ta, cho nên ác ma biến làm các hình tướng, đến chỗ Bồ Tát phương tiện phá hoại, làm cho kinh điển tương ưng Bát nhã Ba la mật không được biên chép cho đến giảng thuyết.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Ác ma biến làm các hình tướng đến chỗ Bồ Tát phương tiện phá hoại như thế nào?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Có các ác ma biến làm các hình tướng đến chỗ Bồ Tát phương tiện phá hoại, làm cho người đó nhàm chán, hủy bỏ Bát Nhã. Nghĩa là nói thế này: “Ông đã tu tập kinh điển vô tướng, chẳng phải chơn thật Bát nhã Ba la mật. Ta đã tụng học kinh điển hữu tướng là chơn thật Bát nhã Ba la mật”. Khi ma nói lời ấy, có các Bồ Tát chưa được thọ ký, liền sanh tâm nghi ngờ Kinh điển Bát Nhã. Do nghi ngờ nên sanh nhàm chán, hủy báng kinh điển Bát nhã Ba la mật. Do nhàm chán, hủy báng nên không biên chép cho đến diễn thuyết v.v... Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có các ác ma biến làm các hình tướng, đến chỗ Bồ Tát, thưa Bồ Tát: “Các chúng Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật chỉ chứng Niết bàn, được quả Thanh văn, hoặc chứng đắc Độc giác Bồ đề, nhưng chắc chắn không thể chứng đắc Phật quả, thì vì lý do gì luống bày những việc nhọc nhằn này. Bồ Tát nên biết, đó là việc ma.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Ma Sự” thuyết theo lối trần thuật, đọc qua ai cũng có thể hiểu. Phẩm này nêu ra ba vấn đề: 1. Thế nào gọi là ma sự? 2. Sự bất đồng giữa người nói pháp và người thỉnh pháp hay giữa thầy và trò. 3. Hình tướng, tạo tác của bọn ma muốn phá hoại tâm của người học Bát Nhã. Đó là ba điểm chánh của phẩm này. Giáo pháp ở đây trên căn bản cũng đầy đủ như các phẩm tương đương của các Hội trước. Rất dễ hiểu, nên không cần thuyết giảng dong dài nữa./.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]