Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Phẩm “Khen Các Đức” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

29/06/202010:43(Xem: 10064)
28. Phẩm “Khen Các Đức” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***


Phẩm Khen Các Đức_CS Thiện Bửu_Quảng Tịnh_photo

PHẨM “KHEN CÁC ĐỨC”

Phần sau quyển 98 cho đến phần đầu quyển 99, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương đương với phần cuối của phẩm “Tán Hoa” quyển thứ 09, MHBNBLM)

Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước




 

 

Gợi ý:

Phẩm “Khen Các Đức” của Kinh ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch nằm ở phần cuối cũng là phần kết luận của phẩm “Tán Hoa” thuộc Kinh MHBNBLMĐ do Ngài La Thập dịch. Phẩm này khen tặng Bát nhã Ba la mật là đại, là vô lượng, vô biên... Nhất thừa học pháp này thì đắc quả A La Hán, Nhị thừa học pháp này thì đắc Độc giác Bồ đề, Đại thừa học pháp này thì được quả vị Giác ngộ tối cao.

 

Tóm lược:

 

Khi ấy, trời Đế Thích bạch Thiện Hiện: Bạch Đại đức! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành là Ma ha Ba la mật(1), là vô lượng Ba la mật, là vô biên Ba la mật. Bậc A la hán học pháp này thì đắc quả A la hán; bậc Độc giác học pháp này thì đắc quả vị Độc giác; các đại Bồ Tát học pháp này thì có khả năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện bảo: Đúng vậy! Như ông đã nói! Kiều Thi Ca! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát tu hành là lớn, là vô lượng, là vô biên Ba la mật. Bậc A la hán học pháp này thì đắc quả A la hán, bậc Bồ Tát học pháp này thì đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Kiều Thi Ca! Vì sắc là đại nên Bát Nhã cũng đại; vì thọ, tưởng, hành, thức là đại nên Bát Nhã cũng đại. Vì sao? Vì sắc uẩn v.v... khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được (2)nên nói là đại. Mười hai xứ đại nên Bát Nhã cũng đại; mười tám giới đại nên Bát Nhã cũng đại. Vì sao? Vì các xứ, giới khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là đại. Vì đất nước gió lửa... đại, nên Bát Nhã cũng nói là đại. Vì sao? Vì các đại chủng khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là đại.

Vì tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, Tứ đế, 12 nhân duyên, 37 pháp trợ đạo, lục Ba la mật, các Đà la ni, Tam ma địa, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là lớn nên Bát Nhã cũng đại. Vì sao? Vì tất cả pháp Phật nói trên v.v... khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là đại.

sắc là vô lượng, nên Bát Nhã cũng vô lượng, vì thọ, tưởng, hành, thức là vô lượng, nên Bát Nhã cũng vô lượng. Vì sao? Vì sắc uẩn v.v... khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô lượng.

Mười hai xứ vô lượng nên Bát Nhã cũng vô lượng; mười tám giới vô lượng nên Bát Nhã cũng vô lượng. Vì sao? Vì các xứ, giới khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô lượng. Vì các đại chủng (đất nước gió lửa...) vô lượng, nên Bát Nhã cũng nói là vô lượng. Vì sao? Vì đại chủng khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô lượng.

Vì tất cả pháp Phật từ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ vô sắc định, tứ Thánh đế, 12 nhân duyên, 37 pháp trợ đạo, lục Ba la mật v.v... cho đến quả vị Giác ngộ tối cao là vô lượng nên Bát Nhã cũng vô lượng. Vì sao? Vì tất cả pháp Phật nói trên khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô lượng.

sắc là vô biên, nên Bát Nhã cũng vô biên, thọ, tưởng, hành, thức là vô biên, nên Bát Nhã cũng vô biên. Vì sao? Vì sắc uẩn v.v... khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô biên. Mười hai xứ vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên; vì mười tám giới vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên. Vì sao? Vì các xứ, giới khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô biên. Vì đại chủng vô biên, nên Bát Nhã cũng nói là vô biên.

Vì tất cả pháp Phật là vô biên, nên Bát Nhã cũng vô biên. Vì sao? Vì tất cả pháp Phật nói trên khoảng trước, giữa, sau đều chẳng thể nắm bắt được nên nói là vô biên. Vì tất cả pháp vô biên, nên Bát Nhã mà đại Bồ Tát tu hành cũng nói là vô biên.

Kiều Thi Ca! Do duyên cớ này nên tôi nói, vì sắc thảy vô biên nên Bát Nhã cũng vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Sở duyên vô biên, nên đại Bồ Tát sở hành Bát Nhã cũng vô biên.

Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Bạch Đại đức! Vì sao sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên?

Thiện Hiện đáp: Kiều Thi Ca! Nhất thiết trí trí sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Pháp giới sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Thiên Đế Thích lại hỏi Thiện Hiện rằng: Bạch Đại đức! Vì sao pháp giới sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên?

Thiện Hiện đáp: Pháp giới vô biên nên sở duyên cũng vô biên. Pháp giới sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Chơn như sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Bạch Đại đức! Vì sao chơn như sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên?

Thiện Hiện đáp: Kiều Thi Ca! Chơn như vô biên nên sở duyên cũng vô biên, sở duyên vô biên nên chơn như cũng vô biên. Chơn như sở duyên vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Lại nữa, Kiều Thi Ca! Hữu tình vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên.

Khi ấy, Thiên Đế Thích hỏi Thiện Hiện rằng: Vì sao hữu tình vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên?

Thiện Hiện hỏi lại: Kiều Thi Ca! Theo ý ngươi chỗ nói hữu tình đây thì y cứ vào sở duyên gì mà gọi tên là hữu tình?

Thiên Đế Thích nói: Bạch Đại đức! Chỗ nói hữu tình, hữu tình đây chẳng phải là giả pháp cũng chẳng phải là giả phi pháp. Chỉ là giả nhiếp thuộc khách danh, nhiếp thuộc vô sự danh và nhiếp thuộc vô duyên danh(3).

Thiện Hiện lại nói: Kiều Thi Ca! Theo ý ngươi trong Bát Nhã chỉ rõ có thật hữu tình chăng?

Thiên Đế Thích nói: Bạch Đại đức! Không.

Thiện Hiện bảo rằng: Kiều Thi Ca! Trong Bát Nhã đây, đã chẳng chỉ rõ có thật hữu tình, nên nói hữu tình vô biên, vì chúng ở giữa, ở bên đều chẳng thể nắm bắt được.

Kiều Thi Ca! Theo ý ngươi nếu các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác an trụ trải qua hằng sa kiếp thảy, thuyết danh tự các hữu tình, trong đây vả có hữu tình có sanh có diệt chăng?

Thiên Đế Thích nói: Bạch Đại đức! Không. Vì sao? Vì các hữu tình bản tính tịnh. Vì bản lai chúng vô sở hữu vậy.

Thiện Hiện bảo rằng: Kiều Thi Ca! Bởi duyên cớ này nên tôi tác thuyết: Hữu tình vô biên, nên sở hành của đại Bồ Tát Bát Nhã cũng vô biên. (Q.99, ĐBN)

 

Thích nghĩa:

(1). Ma ha Ba la mật: Ma ha (Phạm, Pàli: Mahà) Cũng gọi Mạc ha, Ma hạ, Ma hê. Hán dịch: Đại. Hàm ý là nhiều, lớn, thù thắng, mầu nhiệm; Ba la mật (Phạm: Pàramità, Pàli: Pàramì hoặc Pàramità) Tức là từ bờ sống chết cõi mê bên này mà đến bờ Niết bàn giải thoát bên kia, còn gọi là Ba la mật: Dịch ý là Đáo bỉ ngạn, Độ vô cực, Độ, Sự cứu kính. Thông thường, nói về sự tu hành của Bồ Tát, đại hạnh của Bồ Tát có khả năng hoàn thành tất cả mọi việc lợi mình lợi người một cách mỹ mãn rốt ráo, cho nên gọi là Sự cứu kính. Làm theo hạnh lớn ấy mà có thể từ bờ sống chết bên này sang được bờ Niết bàn bên kia, cho nên gọi là Đáo bỉ ngạn. Hạnh lớn ấy có khả năng cứu giúp mọi loài một cách bao la vô hạn, cho nên gọi là Độ vô cực.

(2). Không thể nắm bắt được dịch từ nhóm chữ “bất khả đắc” (不可得): Tên khác của không. Dù có tìm cầu như thế nào đi nữa, cũng đều không thể biết được. Danh từ bất khả đắc này bao hàm bốn nghĩa sau đây : 1. Không thể được. 2. Không tồn tại. 3. Không bám dính tự thể tồn tại, như các pháp chẳng thể được. 4. Đối với vật không xác định và không bản chất, tìm cũng không thể được.

 (3). Chỉ là giả nhiếp thuộc khách danh, nhiếp thuộc vô sự danh và nhiếp thuộc vô duyên danh: Dịch là “chỉ là giả thuộc cái danh tạm, giả thuộc cái danh vô tích sự, giả thuộc cái danh vô căn cứ, vô gốc rễ”.

 

Lược giải:

 

Bát nhã Ba la mật mà Bồ Tát tu hành là đại, là vô lượng, vô biên. A la hán học pháp này thì đắc A la hán, Độc giác học pháp này thì đắc Độc giác, Bồ Tát học pháp này thì có thể thành thục hữu tình, thanh tịnh quốc độ chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, các đại chủng khoảng trước, khoảng giữa, khoảng sau đều không thể nắm bắt được nên nói là đại, là vô lượng, vô biên. Tất cả pháp Phật từ Tứ đế, 12 nhân duyên, thập nhị chân như, 18 pháp không, 37 pháp trợ đạo, đại từ đại bi đại hỷ đại xả... cho đến quả vị Giác ngộ tối cao, khoảng trước, khoảng giữa, khoảng sau đều không thể nắm bắt được nên nói là đại, là vô lượng, vô biên.

Sở duyên của chơn như, pháp giới, pháp tánh... vô biên, nên sở hành của Bồ Tát cũng vô biên. Cũng vậy, chúng sanh vô biên nên sở hành của Bồ Tát cũng vô biên.

Chúng sanh vô lượng nên phiền não cũng vô lượng. Chúng sanh vô biên nên phiền não cũng vô biên. Chúng sanh vô tận nên phiền não cũng vô tận. Muốn đoạn phiền não vô lượng, vô biên, vô tận đó thì phải học vô lượng, vô biên, vô tận pháp môn Phật học. Kinh nói rằng: Tất cả pháp môn Phật đạo đều được thâu nhiếp vào Bát nhã Ba la mật. Nếu tất cả pháp môn Phật đạo là vô lượng, vô biên, vô tận thì Bát nhã Ba la mật cũng vô lượng, vô biên, vô tận thì mới có thể đoạn trừ sở duyên phiền não vô lượng, vô biên, vô tận cho toàn thể chúng sanh.

Phẩm “Khen Ngợi Đức Thắng”, phần đầu quyển 10, Hội thứ I, ĐBN, tất cả chúng hội đều đứng lên, cất tiếng khen tặng Bát nhã Ba la mật: “Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật vĩ đại; bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật sâu rộng. Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật mà đại Bồ Tát sở hữu là Ba la mật thù thắng, là thâm diệu, là nhiệm mầu, là tôn quí; cao siêu, hơn hết, tột bực, vô thượng, tối thượng, siêu đẳng, không gì bằng, tuyệt đối, như hư không...!”

Bệnh nhân càng nhiều, bác sĩ phải đông. Bệnh càng nặng thuốc phải tốt. Bệnh nhân ví như chúng sanh. Bác sĩ ví như Bồ Tát. Bệnh nặng như phiền não. Thuốc tốt như Bát Nhã. Tất cả đều phải tương ưng với nhau. Nếu được như thế Bát nhã Ba la mật mới được tán tụng là mẹ của chư Phật chư Bồ Tát, là thuốc hay cứu độ khắp cõi chúng sanh. Vậy, phải học Bát nhã Ba la mật mới có thể thực hiện “Tứ hoằng thệ nguyện”:

 

“Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ

Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn

Pháp môn vô lượng thệ nguyện học

Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành”./.

 

---o0o---

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]