Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

18. Phẩm “Tu Trị Địa” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

09/08/202015:56(Xem: 9677)
18. Phẩm “Tu Trị Địa” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

Phẩm Tu Trị Địa_Photo

PHẨM “TU TRỊ ĐỊA”

Phần sau quyển 415 đến phần đầu quyển 416, Hội thứ II.

(Tương đương với phẩm “Biện Đại Thừa”, phần cuối quyển 53

cho đến phần đầu quyển 55, Hội thứ I, ĐBN)

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước







 

Gợi ý:

Chúng tôi suy nghĩa rất nhiều khi viết những dòng chữ này trần tình cùng độc giả: Phẩm “Tu Trị Địa” của Hội thứ II, ĐBN tương đương với phẩm thứ 20, “Phát Thú Thập Địa”(Hướng đến Mười Địa), tập 3, quyển 49 và quyển 50 của Đại Trí Độ Luận.

Phần chánh văn của Đại Trí Độ Luận cũng chính là phần chánh văn của Kinh MHBNBLMĐ, phẩm “Phát Thú”. Như chúng tôi giới thiệu từ đầu Đại Trí Độ Luận dùng Kinh MHBNBLMĐ, để chiết giải, tức là Hội thứ II của ĐBN. Vậy, chánh văn của phẩm “Tu Trị Địa” của Kinh ĐBN, chánh văn của phẩm “Phát Thú Thập Địa” của Đại Trí Dộ Luận hay Chánh văn phẩm “Phát Thú” kinh MHBNBLMĐ cũng chỉ là một, nghĩa là cùng một nguồn gốc. Do đó, chánh văn của hai Kinh và một Luận như nhau về nội dung, chỉ khác về hình thức trình bày mà thôi.

Phẩm “biện Đại Thừa” cuối quyển 53 cho đến hết phần đầu quyển 55 của Hội thứ I, ĐBN tương đương với phẩm “Phát Thú” của Kinh MHBNBLMĐ, chúng tôi đã trình bày chánh văn và chiết giải rồi. Nên ở đây chúng tôi trình bài chánh văn của Kinh MHBNBLMĐ với lời bình giảng của Bồ Tát Long Thọ mà thôi. Vì Ngài là bậc thật tu thật chứng, nên dĩ nhiên những lời bình giảng của Ngài hết sức hữu ích cho những ai muốn tu học và thực hành Phật đạo. Xin Quý vị chịu khó theo dõi:

 

KINH:

Phật bảo ngài Tu Bồ Đề: Này Tu Bồ Đề! Ông hỏi thế nào gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát phát thú thập địa chăng?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát hành 6 pháp Ba La Mật, từ sơ địa dẫn đến thập địa, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát phát thú thập địa.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát Ma Ha Tát hành tương tục 6 pháp Ba La Mật, từ sơ địa dẫn đến thập địa?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát biết các pháp chẳng có các tướng khứ lai, cũng biết rõ chẳng có pháp khứ lai, vì pháp tướng là bất diệt vậy.

Bồ Tát Ma Ha Tát ở nơi các địa chẳng niệm, chẳng tư duy, nên tu tập “trị địa nghiệp” mà cũng chẳng thấy các địa.

Thế nào là “trị địa nghiệp”?

Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú sơ địa tu thập pháp gồm:

1. Thâm tâm kiên cố mà biết rõ tâm là bất khả đắc.

2. Giữ tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, mà biết rõ chúng sanh là bất khả đắc.

3. Xả tâm hành bố thí mà biết rõ người thọ thí là bất khả đắc.

4. Thân cận thiện tri thức mà chẳng sanh cao tâm.

5.Thường cầu pháp mà biết rõ các pháp là bất khả đắc.

6. Thường xuất gia mà biết rõ “gia” là bất khả đắc.

7. Ái ngưỡng Phật, mà biết rõ các tướng tốt của Phật là bất khả đắc.

8. Diễn nói pháp, mà biết rõ phân biệt nói pháp là bất khả đắc.

9. Phá pháp kiêu mạn, pháp sanh trí huệ mà biết rõ trí huệ là bất khả đắc.

10. Dùng thật ngữ, mà biết rõ ngôn ngữ là bất khả đắc.

Như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát, an trú sơ địa, trì địa nghiệp đầy đủ 10 pháp.


--o0o--

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú nhị địa, thường niệm 8 pháp gồm:

1. Giới thanh tịnh

2. Biết ơn và báo ơn

3. Nhẫn nhục

4. Thọ hoan hỷ

5. Chẳng xả chúng sanh

6. Vào đại bi tâm

7. Tin kính sư trưởng

8. Siêng tu lục pháp Ba La Mật.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú nhị địa, thường niệm đầy đủ 8 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát, an trú tam địa hành 5 pháp, gồm:

1. Học vấn nhiều mà chẳng nhàm chán.

2. Thanh tịnh hành pháp thí, mà chẳng sanh cao tâm.

3. Trang nghiêm Phật độ mà chẳng sanh cao tâm.

4. Nhẫn thọ vô lượng khổ của thế gian mà chẳng nhàm chán.

5. Thường trú trong tàm quý.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát, an trú tam địa, hành đầy đủ năm pháp.


--o0o--

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú tứ địa, chẳng bỏ 10 pháp gồm:

1. Chẳng bỏ A Lan Nhã xứ.

2. Tri túc

3. Thiểu dục

4. Chẳng xả công đức đầu đà

5. Chẳng xả giới, chẳng chấp các giới tướng

6. Nhàm chán thế gian. Thuận Niết Bàn

7. Ghét bỏ các dục nhiễm

8. Xả bỏ các vật sở hữu

9. Tâm chẳng chìm đắm

10. Chẳng ôm giữ các vật.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú tứ địa, chẳng bỏ 10 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú ngũ địa, xa lìa 12 pháp, gồm:

1. Xa lìa người thân bạch y

2. Xa lìa Tỷ Kheo Ni

3. Xa lìa xan tham

4. Xa lìa lời nói vô ích

5. Xa lìa sự nóng giận

6. Xa lìa sự tự cao

7. Xa lìa sự khinh người

8. Xa lìa thập bất thiện đạo

9. Xa lìa sự đại mạng.

10. Xa lìa sự tự dụng, ích kỷ

11. Xa lìa điên đảo

12. Xa lìa tham, sân, si.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú ngũ địa, thường xa lìa 12 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú lục địa, hành đầy đủ 6 pháp. Đó là 6 pháp Ba La Mật.

Và chẳng làm 6 pháp gồm:

1. Chẳng mong tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật

2. Chẳng sanh ưu phiền, khi hành bố thí

3. Chẳng trốn tránh trước sự cầu xin của người

4. Chẳng luyến tiếc các vật sở hữu đã đem ra bố thí

5. Chẳng sanh hối tâm, sau khi hành bố thí

6. Chẳng khởi tâm nghi về các pháp thậm thâm.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú lục địa, hành đầy đủ 6 pháp, và chẳng hành 6 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú thất địa, chẳng chấp 20 pháp, và hành đầy đủ 20 pháp.

Nhị thập pháp chẳng chấp gồm:

1. Chẳng chấp ngã

2. Chẳng chấp chúng sanh

3. Chẳng chấp thọ giả

4. Chẳng chấp chúng sanh số,… tri giả, kiến giả.

5. Chẳng chấp đoạn kiến.

6. Chẳng chấp thường kiến.

7. Chẳng chấp tác tướng.

8. Chẳng chấp tác nhân tướng.

9. Chẳng chấp danh sắc

10. Chẳng chấp ngũ ấm

11. Chẳng chấp thập nhị nhập

12. Chẳng chấp thập bát giới

13. Chẳng chấp tam cõi

14. Chẳng chấp trú xứ

15. Chẳng chấp chỗ mong cầu

16. Chẳng chấp y nghỉ

17. Chẳng chấp y nơi Phật

18. Chẳng chấp y nơi Pháp

19. Chẳng chấp y nơi Tăng

20. Chẳng chấp y nơi Giới

 

Nhị thập pháp hành đầy đủ, gồm:

1. Đầy đủ “không”

2. Chứng vô tướng

3. Biết vô tác

4. Tam phần thanh tịnh

5. Từ bi với hết thảy chúng sanh

6. Chẳng niệm tưởng về hết thảy chúng sanh

7. Quán hết thảy pháp bình đẳng, mà chẳng chấp trước

8. Biết thật tướng của các pháp là chẳng niệm tưởng

9. Vô sanh pháp nhẫn

10. Vô sanh trí

11. Thuyết pháp nhất tướng

12. Phá phân biệt tướng

13. Chuyển ức tưởng

14. Chuyển kiến

15. Chuyển phiền não

16. Bình đẳng huệ

17. Lấy huệ điều ý

18. Tâm tịch diệt

19. Vô ngại trí

20. Chẳng nhiễm ái.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú thất địa, chẳng chấp nhị thập pháp và hành đầy đủ nhị thập pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú bát địa, phải hành đầy đủ 5 pháp, và nên hành đầy đủ 5 pháp.

Ngũ pháp phải hành đầy đủ, gồm:

1. Tùy thuận chúng sanh tâm

2. Du hý thần thông, quán các Phật quốc

3. Quán tự trú nơi các Phật quốc

4. Tự trang nghiêm Phật quốc của mình, như các Phật quốc mà mình đã thấy

5. Như thật quán pháp thân, và tự trang nghiêm pháp thân.

Ngũ pháp nên đầy đủ, gồm:

1. Biết căn tánh cao thấp của chúng sanh

2. Thanh tịnh Phật độ

3. Nhập “như huyễn tam muội”

4. Tùy chúng sanh, thường nhập vào các tam muội

5. Tùy theo căn tánh chúng sanh mà thị hiện thọ thân.

Như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú bát địa, phải hành đầy đủ 5 pháp, và nên hành đầy đủ 5 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú địa thứ 9, phải hành đầy đủ 12 pháp, gồm:

1. Thọ vô biên thế giới

2. Được như sở nguyện

3. Biết ngôn ngữ các loài

4. Thành tựu sanh thai

5. Thành tựu gia đình

6. Thành tựu chỗ sanh

7. Thành tựu dòng họ

8. Thành tựu quyến thuộc

9. Thành tựu xuất sanh

10. Thành tựu xuất gia

11. Thành tựu “Bồ Đề thọ” trang nghiêm

12. Thành tựu hết thảy các thiện công đức.

Như vậy, gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát an trú cửu địa, phải hành đầy đủ 12 pháp.

 

--o0o--

 

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát an trú thập địa, là như Phật rồi vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát, an trú sơ địa, trị địa nghiệp, từ thâm tâm kiên cố… dẫn đến dùng thật ngữ?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát, đúng theo Tát Bà Nhã tâm, tích tập các thiện tâm, thì gọi là Bồ Tát thâm tâm kiên cố trị địa nghiệp.

- Nếu Bồ Tát khởi tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) thì gọi là Bồ Tát sanh tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát bố thí cho hết thảy chúng sanh, mà chẳng sanh tâm phân biệt, thì gọi là Bồ Tát xả tâm hành bố thí.

- Nếu Bồ Tát thân cận, cúng dường các bậc cao minh đã dạy dỗ và dẫn dắt mình đến nhất thiết chủng trí, thì gọi là Bồ Tát thân cận thiện tri thức.

- Nếu Bồ Tát, đúng theo Tát Bà Nhã tâm, cầu pháp, mà chẳng cầu chứng quả Thanh Văn, quả Bích Chi Phật, thì gọi là Bồ Tát thường cầu pháp.

- Nếu Bồ Tát đời đời chẳng sanh tạp tâm, thường ở trong Phật pháp, xuất gia mà chẳng gì chướng ngại, thì gọi là Bồ Tát xuất gia trị địa ngưỡng Phật thân.

- Nếu Bồ Tát đem lời của Phật hiện tại, hoặc lời của chư Phật quá khứ, để diễn nói cho chúng sanh, làm cho họ thấy rõ các nghĩa vụ diệu thiện, cùng các lời thanh khiết thuyết giảng ở trong thập nhị bộ kinh, thì gọi là Bồ Tát diễn nói giáo pháp thanh tịnh, xuất thế gian.

- Nếu Bồ Tát phá kiêu mạn, nguyện đời nào cũng thọ sanh và nhà hạ tiện, thì gọi là Bồ Tát phá kiêu mạn trị địa nghiệp.

- Nếu Bồ Tát y như chỗ nói mà làm, thì gọi là Bồ Tát dùng thật ngữ trị địa nghiệp.

Trên đây, tóm lược quá trình tu tập thập sự trị địa nghiệp của hàng Bồ Tát, trú trong sơ địa.

 

LUẬN:

Trước đây ngài Tu Bồ Đề hỏi về Ma Ha Diễn(giáo pháp Đại thừa), và đã được Phật giải đáp. Nay ngài hỏi thêm về sự phát thú của người tu theo Đại Thừa và tướng của người tu Đại Thừa.

Bồ Tát Ma Ha Tát hành Ma Ha Diễn biết rõ hết thảy pháp, từ vô thỉ đến nay đều là vô khứ, vô lai, bất động, bất tịnh, bất nhập, bất xuất,… vì pháp tánh là thường trú.

Lại nữa, Bồ Tát Ma Ha Tát dùng đại bi tâm, tinh tấn tu lục pháp Ba La Mật, dùng các lực phương tiện trở lại trần gian, tu tập thiện pháp, để cầu các thánh địa, nhưng chẳng có chấp các địa tướng.

 

Hỏi: Như vậy là phát thú Đại Thừa. Vì sao nói phát thú Thập Địa?

Đáp: Đại Thừa lấy “địa” là căn bản. Quá trình tu tập của Bồ Tát Đại Thừa gồm thập Địa. Bồ Tát tu từ Sơ Địa… dần dần đến Thập Địa, nên gọi là phát thú Thập Địa.

Ví như khởi đầu tập cỡi ngựa, xong, bỏ ngựa tiến lên cỡi voi, rồi mới bỏ voi tiến lên cỡi rồng vậy.

 

Hỏi: Thập địa gồm những địa nào?

Đáp: Nói về “Địa” cần phân biệt rõ 2 nghĩa,  đó là:

- Cộng Địa.

- Bồ Tát Địa.

Cộng  Địa bao gồm các Địa từ Càn Huệ Địa đến Phật Địa.

Ở nơi đây chỉ bàn về Bồ Tát Địa, gồm thập Địa sau đây: Hoan hỷ địa, Ly cấu địa, Phát quang địa, Tăng diệu địa, Nan thắng địa, Hiện tiền địa, Thâm nhập địa, Bất động địa, Thiện tướng địa, và Pháp vân địa. Tướng của các “địa” được nêu rõ trong bộ Thập Địa Luận.

 

--o0o--

 

Bồ Tát vào Sơ địa phải tu tập đầy đủ 10 pháp, từ thâm tâm kiên cố trị địa nghiệp, … dẫn đến thật ngữ trí địa nghiệp.

Ngài Tu Bồ Đề tuy đã biết rõ, nhưng vì muốn đoạn nghi ngờ cho chúng sanh mà Ngài hỏi Phật: Thế nào gọi là trị địa nghiệp?

Phật dạy: Bồ Tát phải đúng theo Tát Bà Nhã tâm (tâm Nhất thiết trí hay Vô Thượng Bồ đề) mà tu tập các thiện căn, mới được gọi là Bồ Tát thâm tâm kiên cố trị địa nghiệp.

Cũng nên biết, Tát Bà Nhã tâm là Vô Thượng Bồ Đề tâm.

Bồ Tát phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, phát nguyện rằng: Trong đời vị lai sẽ thành Phật để độ thoát hết thảy chúng sanh.

Nếu Bồ Tát lợi căn, có phước đức nhiều, nghiệp chướng ít, phiền não mỏng, thì ngay khi phát tâm đã liền được thâm tâm kiên cố, đã thâm nhập vào Phật đạo.

Bồ Tát ra đời cũng chỉ vì Nhất Thiết Chủng Trí, nên ở trong bất cứ trường hợp nào, Bồ Tát cũng nguyện tu hết thảy các công đức như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định… Bồ Tát tu hết thảy các công đức như vậy mà chẳng cầu phước báo ở cõi Trời, cõi Người, chẳng cầu được thọ mạng an ổn…

 

Hỏi: Bồ Tát chưa được vào Nhất Thiết Chủng Trí, chưa nếm được vị Nhất Thiết Chủng Trí thì làm sao có được thâm tâm?

Đáp: Trước đây đã nói rằng người thượng căn, đại trí, do phiền não mỏng, do phước đức sâu dày, nên chẳng có đắm chấp dục lạc thế gian.

Hạng người này khi chưa được nghe pháp Đại Thừa mà đã được như vậy rồi, nên khi vừa được nghe pháp Đại Thừa là liền có được thâm tâm.

Ví như Ngài Ma Ha Ca Diếp có vợ xinh đẹp đoan trang mà ngài vẫn cắt ái, xuất gia theo Phật, để cầu đạo giải thoát. Lại ví như người con trai của vị trưởng giả Gia Xá đêm đêm thấy các thế nữ xinh đẹp nằm ngủ như những xác chết, đã cương quyết từ bỏ dục lạc, đem 10 vạn lạng vàng để đến bờ sông, rồi vượt qua sông tìm đến chỗ Phật xin được xuất gia.

Như vậy, ở trong thế gian cũng có vô số người, từ các bậc vua chúa đến hàng thường dân, nhàm chán dục lạc, ra đi tìm đạo.

Chư vị Bồ Tát đã đầy đủ công đức nhân duyên, nên vừa nghe thuyết pháp Đại Thừa liền được thâm nhập vào đạo vậy.

Trong phẩm “Tát Đà Bà Luân” có nêu trường hợp một người con gái của một vị trưởng giả, chỉ thoạt nghe người tán thán công đức của Phật, đã liền xin cha mẹ đến chỗ Bồ Tát Đàm Vô Yết để được nghe thuyết về Bát Nhã Ba La Mật. Do nàng đã có được thiện căn thuần thục, nên vừa nghe thuyết giảng là liền được thâm tâm. Vì sao? Vì khi ngũ căn đã được thuần thục thì phân biệt rõ được thiện ác, lúc bất giờ thập thiện đạo,… dẫn đến pháp Thanh Văn cũng còn muốn nghe huống nữa là nghe pháp Vô Thượng.

Lại nữa, Bồ Tát sợ phát tâm Vô Thượng Bồ Đề đã là tối thượng trong thế gian rồi, huống nữa là khi Bồ Tát đã thành tựu được viên mãn Vô Thượng Bồ Đề tâm.

Bồ Tát khi hưởng được khí vị của Bát nhã Ba la mật rồi liền sanh thâm tâm, nên rất vui mừng. Ví như người bị giam cầm lâu ngày trong ngục tối, vừa thấy ánh sáng là liền sanh tâm hoan hỷ, Bồ Tát khi thấy ánh sáng là quang minh của Phật, liền sanh thâm tâm nên rất vui mừng. Vì sao? Vì Bồ Tát do duyên nghiệp đời trước, bị giam hãm trong thập nhị nhập vô minh, hắc ám, khiến chỗ thấy biết đều bị sai lệch. Nay được nghe Bát nhã Ba la mật, được hưởng khí Bát nhã Ba la mật, nên liền thâm tâm niệm Nhất Thiết Chủng Trí, với hy vọng ra khỏi tam cõi, lục loài, lại tự nguyện đem phương tiện quang minh độ thoát  hết thảy chúng sanh cùng ra khỏi tam cõi lục loài như mình vậy.

Lại nữa, khi phát Vô Thượng Bồ Đề tâm, Bồ Tát đã nguyện đem đại bi tâm, thương hết thảy chúng sanh như thương Phật.

Thâm nhập đại bi làm lợi ích cho chúng sanh, là tướng “thâm tâm” vậy. Khi vào Sơ Địa, Bồ Tát đã thường hành đại bi nên thường sanh tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, xem oán thân là một, xem bạn thù chẳng phải hai. Tình thương của Bồ Tát đối với chúng sanh bao la như biển lớn, nên chẳng mảy may phân biệt.

Phật lại nói rằng Bồ Tát thường hành tứ vô lượng tâm.

Nghĩa của tứ vô lượng tâm như sau:

1- Thấy chúng sanh mà đem long thương xót, nên sanh từ tâm.

2- Thấy chúng sanh khổ mà phát nguyện cứu khổ cho chúng sanh, nên sanh bi tâm.

3- Thấy chúng sanh mà phát nguyện muốn cho hết thảy chúng sanh đều thành Phật, nên sanh hỷ tâm.

4- Thấy hết thảy chúng sanh chẳng khổ, chẳng lạc, nên sanh xả  tâm.

 

--o0o--

         

Ngoài ra cũng nên biết, xả có hai nghĩa, đó là :

- Xả tài và hành bố thí.

- Xả kiết sử.

“Xả” theo nghĩa thứ nhất là xả xan tham, còn theo nghĩa thứ hai thì đó là xả kiết sử. Bồ Tát phải tu đến Thất Địa mới hoàn toàn xả sạch kiết sử.

 

Hỏi: “Xả có rất nhiều nghĩa khác nhau. Trong kinh có nói đến xả pháp thế gian và xả pháp xuất thế gian. Như vậy vì sao Phật nói “vô phân biệt” và “chánh ức tưởng” nhiếp về trí xuất thế gian ?

Đáp: “Xả” có rất nhiều tướng. Nay chỉ nói theo nghĩa của pháp Đại Thừa. Là xả mà chẳng thủ chấp tướng. Đây là nhằm dạy Bồ Tát bố trí đúng như pháp, nghĩa là bố thí mà chẳng chấp tướng, chẳng chấp có tướng người thí, tướng vật đem ra bố thí, và tướng người thọ thí.

 

--o0o--

 

Người cầu pháp cần phải biết rõ ba điều sau đây: 

1- Niết Bàn là pháp vô thượng trong hết thảy các pháp.

2- Tu bát Thánh đạo là phương tiện dẫn đến Niết Bàn.

3- Hết thảy các thiện ngữ và thuật ngữ trợ giúp rất nhiều cho việc tu tập bát Thánh đạo.

Người cầu pháp cũng nên biết có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn tu, trình bày rác rải trong mười hai bộ kinh, thuộc bốn tạng: A Hàm, A Tỳ Đàm. Tỳ Ni và Tạp Tạng.

Người cầu pháp cũng nên biết rằng, kinh Bát nhã Ba la mật và các kinh Ma Ha Diễn nhiếp về pháp Đại Thừa.

Lại nữa, người cầu pháp phải học chép, diễn dịch, chánh ức niệm về các kinh điển, nhằm có được các lực phương tiện trị các tâm bệnh của chúng sanh. Vậy nên người cầu pháp phải thường tu tập “lạc pháp”, chẳng nên tiếc thân mạng của mình.

Trong kinh có chép các mẫu chuyện sau đây:

Phật Thích Ca Mưu Ni khi còn là Bồ Tát, dù sanh ra vào thời kỳ không có Phật, dù chẳng nghe được các thiện ngữ trong bốn phương, mà vẫn tầm cầu “lạc pháp”, tinh tấn chẳng hề giải đãi. Thấy vậy, Thiên Ma hiện thân làm Bà La Môn đến nói với Bồ Tát rằng: “Ta có một bài kệ của Phật, nếu ông thuận lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực, thì ta sẽ vì ông nói lạc pháp cho ông nghe”. Bồ Tát tự nghĩ “Ta trải qua nhiều đời, nhiều kiếp, chẳng nghe được lạc pháp, nay ta tự nguyện làm y theo lời dặn của vị Bà La Môn này, để được nghe và được ghi chép bài kệ”. Lúc bấy giờ Thiên Ma tự thân biến thành Phật, thuyết bài kệ cho Bồ Tát nghe. Vừa nghe xong bài kệ, Bồ Tát liền được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Lại nữa, trong một kiếp trước, Phật Thích Ca Mưu Ni còn là Bồ Tát, đã tự nguyện đóng năm trăm cái đinh vào thân để cầu pháp.

Lại nữa, ví như vua Kim Cương tự cắt năm trăm chỗ trong thân mình, đốt lên làm đèn cầu pháp.

Như vậy, dù các khổ hạnh rất khó làm, nhưng Bồ Tát vì chúng sanh, vẫn nhất tâm tinh tấn cầu pháp, vẫn nhẫn thọ mọi sự đau khổ.

 

--o0o--

         

Bồ Tát nghe lời Phật dạy “cầu pháp là cầu nhất thiết chủng trí, chớ nên hướng tâm về Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa”, nên tự nghĩ rằng: Tại gia có rất nhiều tội lỗi gây trở ngại cho sự tu hành, khó có được tâm thanh tịnh. Dù ta chẳng xuất gia, thì khi chết đi, ta vẫn phải từ bỏ thân này, các bậc vua chúa, dẫn đến các vị Trời, hưởng bao nhiêu phước lạc, mà vẫn chẳng sao trốn tránh được cảnh chết, ta phải quyết tâm xuất gia cầu Phật đạo, mới mong được giải thoát.

Trên đây, Phật mật ý dạy rằng “xuất gia cầu Phật đạo phải là xuất gia với tâm thanh tịnh, chẳng có tạp nhiễm, khác hẳn với 96 lối xuất gia của các hạng ngoại đạo.

 

--o0o--

         

Người xuất gia hành đạo phải giữ chánh kiến.

Trong Phật pháp có phân biệt hai thứ chánh kiến. Đó là:

- Chánh kiến thế gian.

- Chánh kiến xuất thế gian.

Muốn được chánh kiến xuất thế gian, phải ái ngưỡng Phật thân, và khi nghe tán thán công đức của Phật, phải tự niệm rằng: Vào đời vị lai ta cũng sẽ thành Phật, nay ta nguyện đời ái ngưỡng Phật thân, gặp Phật cầu pháp, để rồi vì chúng sanh thuyết giảng Phật pháp cho họ nghe, khuyến họ khi tại gia hành tài thí, khi xuất gia hành pháp thí.

 

--o0o--

         

Người trì chánh pháp mà chẳng cầu danh lợi, thì mới có thể vì chúng sanh nói pháp cho họ nghe được, mới có thể hành trì, thuyết giảng và tán thán 6 pháp Ba La Mật được.

Vì sao? Vì nếu chỉ do nhàm chán thế gian mà ly gia đình, ly phiền não, thì đó chỉ mới là “sơ thiện”, nếu thọ trì giảng nói các pháp Nhị Thừa, thì là “trung thiện”, phải nói lên được diệu nghĩa của Phật pháp mới gọi là “hảo thuyết”. Cho nên trong kinh nói, nếu hành bát Thánh đạo thanh tịnh là hành đầy đủ Thánh giáo.


--o0o--

Trong mười hai bộ kinh đều có nói về sự phá kiêu mạn. Vì sao? Vì khi xuất gia, trì giới, Bồ Tát phải đoạn sạch kiêu mạn. Nếu Bồ Tát còn sanh tâm kiêu mạn thì phải tự niệm rằng: Ta đã cạo đầu, nhuộm y, cầm bình bát đi khất thực là nhằm phá kiêu mạn nơi ta, nếu ta còn khởi tâm kiêu mạn thì các công đức của ta bị che lấp, khiến chúng sanh chẳng còn tin kính nơi ta nữa, do vậy mà ta phải thọ sanh vào chốn tệ ác, vào loài súc sanh, hoặc thọ sanh làm người vào nhà hạ tiện.

Kiêu mạn có nhiều tội lỗi như vậy nên dù đời nay có được phước báo sanh vào nhà giàu sang, phú quý, vẫn phải phá tâm kiêu mạn.

 

--o0o--

 

Trái lại, thuật ngữ là gốc thiện, dẫn sanh lên cõi Trời, nên người hành thật ngữ được nhiều người tín thọ, được vô lượng phước đức.

 

Hỏi: Thiện khẩu nghiệp có bốn. Vì sao ở đây chỉ nói đến thật ngữ mà thôi?

Đáp: Phật pháp quý thật ngữ, vì thật ngữ nhiếp được cả bốn đế. Bồ Tát, vào sơ địa, tu xả bốn khẩu nghiệp, nhưng phải lên đến nhị địa mới được xả hoàn toàn. Ở sơ địa, Bồ Tát dùng thật ngữ để diễn nói các pháp, mà vẫn biết các ngôn ngữ đều là bất khả đắc.

 

Hỏi: Vì sao chỉ nói đến mười pháp tu ở sơ địa mà thôi?

Đáp: Vì Phật dạy rằng Bồ Tát tu đầy đủ mười pháp đó, là vào được sơ địa. Ví như ông thầy thuốc, sau khi chẩn mạch bệnh nhân xong, đã có thể biết rõ bệnh nhân cần dùng những loại thuốc nào, với liều lượng bao nhiêu là đủ để chữa trừ dứt bệnh vậy.

Như vậy, chẳng nên bận tâm đến số lượng pháp tu nhiều hay ít.

 

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát, an trú nhị địa thường niệm tám pháp, từ trì giới thanh tịnh… dẫn đến siêng nằng tu tập lục pháp ba la mật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát chẳng niệm Thanh Vân tâm và Bích Chi Phật tâm, chẳng niệm sự phá giới làm chướng ngại Phật đạo, thì gọi là Bồ Tát thường niệm giới thanh tịnh.

- Nếu Bồ Tát, khi hành Bồ Tát đạo, chẳng quên đền đáp ơn, dù là ơn nhỏ, thì gọi là Bồ Tát thường niệm biết ơn và báo ơn.

- Nếu Bồ Tát chẳng sân, chẳng não đối với hết thảy chúng sanh, thì gọi là Bồ Tát thường niệm nhẫn nhục.

- Nếu Bồ Tát lấy sự thành tựu chúng sanh làm niềm vui, thì gọi là Bồ Tát thọ hoan hỷ.

- Nếu Bồ Tát thường niệm cứu độ hết thảy chúng sanh, thì gọi là Bồ Tát chẳng xả chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát nhẫn thọ khổ nhục của hết thảy chúng sanh, từ chúng sanh thọ khổ trong chốn địa ngục, đến chúng sanh thọ vui ở Niết Bàn Thanh Văn, rồi lại nghĩ rằng “Ta phải phát đại bị tâm cứu tất cả chúng sanh, và vì họ mà nhẫn khổ”, thì gọi là Bồ Tát vào đại bi tâm.

- Nếu Bồ Tát tin kính cầu pháp nơi các bậc sư trưởng, xem thầy như Phật, thì gọi là Bồ Tát tin kính sư trưởng.

- Nếu Bồ Tát nhất tâm cầu 6 pháp Ba La Mật, thì gọi là Bồ Tát cần cầu 6 pháp Ba La Mật.

Như vậy gọi là Bồ Tát, trú nhị địa, thường niệm tám pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú tam địa, đầy đủ 5 pháp, từ học vấn nhiều chẳng nhàm chán… dẫn đến trú trong tàm quý?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát đi khắp mười phương, cầu được nghe và thọ trì chánh pháp của chư Phật, tinh tấn chẳng hề mệt mỏi, thì gọi là Bồ Tát học vấn nhiều mà chẳng hề sanh nhàm chán.

- Nếu Bồ Tát hành pháp thí, mà chẳng mong cầu danh lợi, cũng chẳng mong cầu Vô Lượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát thanh tịnh pháp thí, mà chẳng sanh cao tâm.

- Nếu Bồ Tát đem tất cả thiện căn công đức hồi hướng về Vô Thượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát trang nghiêm Phật độ.

- Nếu Bồ Tát muốn được các thiện căn đầy đủ, để thành tựu chúng sanh, trang nghiêm Phật độ, dẫn để được nhất thiết chủng trí, mà cần khổ chẳng hề mệt mỏi, thì gọi là Bồ Tát nhẫn thọ vô lượng thế gian, chẳng nhàm chán.

- Nếu Bồ Tát, mỗi khi móng tâm chứng quả Thanh Văn, là liền sanh tàm quý, thì gọi là Bồ Tát trú trong tàm quý.

Như vậy, gọi là Bồ Tát, trú tam địa, đầy đủ ngũ pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú tứ địa, chẳng bỏ mười pháp, từ bỏ A Lan Nhã xứ… dẫn đến ôm giữ các vật?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát chẳng trú Thanh Văn địa, thì gọi là Bồ Tát chẳng bỏ A Lan Nhã xứ.

- Nếu Bồ Tát chỉ nhất tâm niệm nhất thiết chủng trí, thì gọi là Bồ Tát tri túc.

- Nếu Bồ Tát chẳng có ý niệm mong muốn các dục, dẫn đến chẳng có ý niệm mong muốn Vô Thượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát thiểu dục.

- Nếu Bồ Tát quán thâm pháp nhẫn, thì gọi là Bồ Tát chẳng xả công đức đầu đà.

- Nếu Bồ Tát chẳng chấp các giới tướng thì gọi là Bồ Tát chẳng xả giới.

- Nếu Bồ Tát biết rõ hết thảy các pháp đều chẳng có tạo tác, thì gọi là Bồ Tát nhàm thế gian, thuận Niết Bàn.

- Nếu Bồ Tát chẳng sanh dục tâm, thì gọi là Bồ Tát ghét bỏ các dục nhiễm.

- Nếu Bồ Tát xả bỏ tất cả các nội pháp và ngoại pháp thì gọi là Bồ Tát xả bỏ tất cả vật sở hữu.

- Nếu Bồ Tát chẳng khởi các thức, thì gọi là Bồ Tát giữ tâm chẳng chìm đắm.

- Nếu Bồ Tát chẳng chấp, cũng chẳng nhớ nghĩ hết thảy các vật thì gọi là Bồ Tát chẳng ôm giữ các vật.

Như vậy gọi là Bồ Tát, trú tứ địa, chẳng bỏ mười pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát, an trú ngũ địa, xa lìa mười hai pháp, từ xa lìa người thân bạch y… dẫn đến xa lìa tham sân si?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

Nếu Bồ Tát, từ Phật quốc này đến Phật quốc khác, thường xuất gia, thì gọi là Bồ Tát xa lìa người thân bạch y.

- Nếu Bồ Tát chẳng ở chung một chỗ với Tỷ Kheo Ni dẫn đến móng tâm nghĩ như vậy, thì gọi là Bồ Tát xa lìa Tỷ Kheo Ni.

- Nếu Bồ Tát thường niệm “Ta đã thệ nguyện an lạc hết thảy chúng sanh, ta chẳng nên tham trước các việc thế gian, thì gọi là Bồ Tát xa lìa xan tham.

- Nếu Bồ Tát xa lìa các đàm thuyết vô ích dẫn đến các hạnh Thanh Văn và Bích Chi Phật, thì gọi là Bồ Tát xa lìa lời nói vô ích.

- Nếu Bồ Tát chẳng để cho các tâm sân hận, não hại, đấu tranh khởi lên, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự nóng giận.

- Nếu Bồ Tát chẳng thấy có nội pháp, khiến chẳng sanh cao tâm, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự tự cao.

- Nếu Bồ Tát chẳng thấy có ngoại pháp, khiến chẳng thấy ai đáng khinh miệt cả, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự khinh miệt người.

- Nếu Bồ Tát xa lìa mười bất thiện đạo làm chướng ngại bát thánh đạo, dẫn đến chướng ngại Vô Thượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát xa lìa thập bất thiện đạo.

- Nếu Bồ Tát chẳng thấy có pháp “đại mạng”, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự đại mạng.

- Nếu Bồ Tát chẳng thấy có pháp tự dụng, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự tự dụng ích kỷ.

- Nếu Bồ Tát biết rõ điên đảo là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát xa lìa sự điên đảo.

- Nếu Bồ Tát chẳng nghĩ đến các pháp tham, sân, si thì gọi là Bồ Tát xa lìa tham sân si.

Như vậy gọi là Bồ Tát, trú ngũ địa, xa lìa mười hai pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát, an trú lục địa, đầy đủ lục pháp?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Đó là Bồ Tát hành đầy đủ 6 pháp Ba La Mật, khiến có thể vượt qua đến bờ bên kia.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú lục địa, chẳng nên làm 6 pháp, từ chẳng móng tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật… dẫn đến chẳng có nghi các pháp thậm tâm?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát nghĩ rằng tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật chẳng phải là nhân tu Vô Thượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát chẳng móng tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật.

- Nếu Bồ Tát biết rõ bố thí mà còn sanh ưu phiền chẳng phải là nhân tu Vô Thượng Bồ Đề, thì gọi là Bồ Tát hành bố thí mà chẳng sanh ưu tâm.

- Nếu Bồ Tát biết rõ rằng thấy người đến cầu xin mà mình có ý muốn trốn tránh chẳng phải là nhân tu Vô Thượng Bồ Đề thì gọi là Bồ Tát chẳng trốn tránh trước sự cầu xin của người.

- Nếu Bồ Tát sẵn sang bố thí tất cả các nội ngoại vật sở hữu của mình, chẳng thấy có vật gì mà chẳng có thể dung để bố thí cả, thì gọi là Bồ Tát chẳng luyến tiếc vật sở hữu dùng để bố thí.

- Nếu Bồ Tát có đủ lực từ bi, khiến sau khi hành bố thí mà tâm chẳng mảy may hối tiếc, thì gọi là Bồ Tát chẳng sanh hối tâm sau khi hành bố thí.

- Nếu Bồ Tát có đủ các lực công đức, thì gọi là Bồ Tát chẳng nghi các pháp thậm thâm.

Như vậy gọi là Bồ Tát trú 6 địa phải đầy đủ 6 pháp và chẳng làm nên 6 pháp.

 

LUẬN:

 

Hỏi: Bồ Tát vào sơ địa đã thường hành bố thí nhằm thanh tịnh giới. Nay vì sao lại nói trì giới thắng hơn bố thí?

Đáp: Vì trì giới nhiếp hết thảy chúng sanh; còn bố thí chẳng phổ cập cùng khắp.

Trì giới có vô lượng công đức. Ví như không sát sanh đã là gián tiếp bố thí vô uý, bố thí sanh mạng cho chúng sanh rồi vậy.

Những người phá Phật đạo đều gọi là hành giới cấu. Người tu hành phải ly các giới cấu, mới được giới thanh tịnh.

Đối với Bồ Tát thì hướng về tâm Thanh Văn và tâm Bích Chi Phật đã gọi là hành giới cấu rồi, huống nữa là gần gũi các ác tri thức.

Lại nữa, đã mang ơn người khác mà cố tình quên ơn cũng gọi là hành giới cấu. Bồ Tát biết ơn hết thảy chúng sanh, vì nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh đều đóng góp công lao để tạo nên sự an lạc của mình. Vì sao? Vì nếu chẳng có các nhân duyên hoà hợp, thì Bồ Tát chẳng có thể được sự an lạc.

Ví như hạt lúa phải nhờ các nhân duyên hoà hợp của đất, phân, nước, công sức của người nông phu… mới có thể nảy mầm để trở thành cây mạ, thành cây lúa được vậy.

Bồ Tát biết rõ rằng sự biết ơn là gốc đại bi, khai sanh ra các thiện nghiệp.

Người có nhân cách, lúc nào cũng biết ơn và kính trọng mọi người, nên được nhiều người kính mến khiến danh dự được vang xa và khi chết sẽ sanh trở lại cõi Trời Người; về sau sẽ được viên thành Phật đạo. Trái lại, người chẳng biết ơn còn thua kém xa loài cầm thú.

 

--o0o--

 

Trong kinh Bổn Sanh có chép mẫu chuyện sau đây:

Có một người tiều phu vào rừng đốn củi, chẳng may bị lạc đường, gặp lúc trời mưa to. Ông vừa đói khát, vừa lạnh lẽo, lại bị các ác trùng độc thú hăm he sát hại. Trong tình huống đó, ông bèn bước vào một hang đá để ẩn núp.

Ngay khi vừa mới bước vào, ông liền thấy một con gấu thật to đang nằm trong đó. Sợ quá, ông quay mình tháo chạy.

Thế nhưng gấu cất tiếng bảo, ông đừng có sợ. Nhà tôi ấm áp, ông cứ vào bên trong nằm ngủ cho đỡ mệt.

Thế rồi, suốt bảy ngày mưa lớn, gấu thường đem quả ngon nước mát đến cho người tiều phu dùng.

Sau bảy ngày, mưa dứt hẳn, trời trở lại quang đãng, gấu bèn dẫn người tiều phu đến ven rừng, và căn dặn rằng: Tôi là người phạm tội, nên phải làm thân gấu. Nếu có ai hỏi, xin ông đừng nói đã có gặp tôi. Người tiều phu vâng lời cảm ơn gấu, rồi từ giã ra đi.

Dọc đường ông gặp mấy người thợ săn gạn hỏi: Ông có thấy có con thú nào trong rừng chăng?

Người tiều phu vẫn làm thinh, tự nghĩ rằng: Gấu kia là vị ân nhân của ta, nhờ gấu mà ta được tránh mưa, được ăn uống no đủ, được sống bình an cho đến ngày hôm nay.

Nghĩ như vậy, nên ông quyết định không chỉ gấu cho các thợ săn.

Một thời gian sau, các thợ săn bắn được gấu, mổ thịt rồi đem cho người tiều phu một phần. Người tiều phu dứt khoát từ chối. Mấy người thợ săn lấy làm lạ và hỏi rằng: Vì sao ngươi lại từ chối chẳng muốn nhận phần thịt gấu?

Người tiều phu trả lời: Gấu thương tôi như cha thương con nên tôi chẳng có thể ăn thịt vị ân nhân của tôi được.

Rồi ông bèn kể chuyện gặp gấu trong hang đá, được gấu thương yêu, nuôi dưỡng suốt bảy ngày; nhờ gấu mà ông thoát khỏi tai nạn, sống an lành cho đến ngày hôm nay.

Nghe xong câu chuyện, ai nấy đều run sợ, chẳng ai dám ăn thịt gấu nữa. Họ bèn đem thịt gấu cúng dường chư Tăng.

Lúc bấy giờ, các vị Thượng Toạ đều là A La Hán, có đủ thần thông, nói với Tăng Chúng rằng: Đây là thịt của một vị Nhục Thân Bồ Tát, đời sau sẽ thành Phật, chớ nên ăn.

Sau đó, chư Tăng xây tháp cúng dường Bồ Tát.

Nhà vua nghe chuyện liền ban sắc chỉ tán than công đức của gấu và của người tiều phu, khuyên thần dân trong nước nên theo gương ban ơn và biết ơn cao thượng này. Toàn dân hết lòng tin kính.

 

--o0o--

 

Bồ Tát còn nghĩ rằng “Những người làm ác đối với ta, mà ta còn độ họ, huống nữa là những người đã ban ơn cho ta”.

 

Hỏi: Các duyên khởi ra tướng nhẫn nhục như thế nào?

Đáp: Do trước chẳng nén được sân, mà sau đó sân mới dấy khởi, thể hiện bằng các ác hạnh ở thân, ở khẩu làm não loạn người khác. Nếu nhẫn được các việc như vậy, thì gọi là “sơ nhẫn”. Đây mới là giai đoạn “chúng sanh nhẫn”.

Bồ Tát hành đầy đủ “chúng sanh nhẫn” và “pháp nhẫn”. Do hành pháp nhẫn, mà Bồ Tát sanh tâm hoan hỷ. Vì sao? Vì do trì giới, hành nhẫn nhục, mà được thân tâm thanh tịnh. Do được thân tâm thanh tịnh, mà liền sanh hoan hỷ.

Ví như người tắm nước hoa thơm, mặc áo sang trọng, đeo chuỗi anh lạc trang nghiêm, thấy hình ảnh của mình trong gương, liền sanh hoan hỷ.

Bồ Tát cũng như vậy, do đã được giới định huệ trang nghiêm, do biết mình có được vô lượng công đức, nên sanh tâm hoan hỷ.

Bồ Tát, an trú trong giới nhẫn, giáo hoá chúng sanh, khiến họ được an lạc, được Thanh Văn thừa, hoặc được Phật thừa.

Bồ Tát vui mừng, khi thấy chúng sanh vui mừng; cũng như ông trưởng giả vui mừng, khi thấy con mình ra khỏi “nhà lửa” vậy.

Nếu Bồ Tát đã phát đại bi tâm, đã thệ nguyện độ chúng sanh, và kiên quyết giữ vững tâm ấy, thì phải biết vị Bồ Tát ấy được chư Phật, chư Bồ Tát và chư Thánh Hiền gia bị. Trái lại nếu Bồ Tát đã phát nguyện mà chẳng muốn độ chúng sanh, thì sẽ mang tội nói dối với chúng sanh. Do vậy mà nói rằng Bồ Tát nào chẳng xả chúng sanh là đã vào đại bi tâm rồi vậy.

Như trước đây đã nói, Phật cũng như chư vị đại Bồ Tát phát nguyện trải qua vô lượng kiếp ở trong địa ngục, thay cho chúng sanh thọ khổ, lại dạy cho họ tu các công đức, dẫn dắt họ vào Phật đạo, vào Vô Dư Niết Bàn.

 

Hỏi: Bồ Tát làm sao có thể thay đổi chúng sanh thọ khổ được?

Đáp: Bồ Tát phát đại tâm cứu độ chúng sanh, thâm ái chúng sanh, bênh vực chúng sanh gọi là thay chúng sanh thọ khổ.

Bồ Tát phát đại tâm thệ nguyện rằng: Ta phải sanh tâm cung kính, tôn trọng chúng sanh, vì tất cả chúng sanh đều đóng góp nên công lao để tạo nên sự an lạc của ta. Ta phải hết lòng cung kính cúng dường sư trưởng, vì nhờ đức trí cao minh của thầy, ta mới có thiện duyên học kinh, nghe pháp, mới được các sự lợi ích. Ví như nước từ trên cao chảy xuống thấp, nếu ta sanh cao tâm, kiêu mạn, thì mưa pháp sẽ chẳng thấm nhuần vào ta được.

Phật dạy: Người tu hành phải kính sư như kính Phật, phải y chỉ nơi sư trưởng, thì trì giới, thiền định, giải thoát, giải thoát tri kiến mới mau được tăng trưởng.

 

Hỏi: Đối với các ác sư, thì làm sao có thể cung kính được?

Đáp: Bồ Tát chẳng nên thuận theo pháp thế gian.

Người thế gian thấy người thiện thì thường gần gũi, tôn kính, thấy người ác thì thường ghét bỏ, xa lìa. Bồ Tát chẳng làm như vậy được. Vì sao? Vì tất cả những ai đã khai mở nghi kiết cho ta đều đem lại sự lợi ích cho ta. Bởi vậy nên Bồ Tát cung kính tất cả chúng sanh, chẳng nghĩ đến việc làm ác của họ. Ví như người đi trong đêm tối, lần bước theo ánh sáng đuốc của người đi trước, dù người cầm đuốc đó là người xấu, thì ánh đuốc vẫn dẫn đường cho những người khác đi theo vậy.

Bồ Tát nhờ sư trưởng mà thành tựu được các việc lớn, nên chẳng để tâm chấp các việc nhỏ.

Lại nữa, Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, phải nên biết rằng các bậc sư trưởng có vô lượng lực phương tiện để mà truyền pháp. Có khi các ngài thị hiện làm các ác hạnh, mà các hàng phàm phu chẳng sao có thể biết rõ được nguyên nhân.

Trong kinh có nêu trường hợp Bồ Tát Tát Đà Bà Luân nghe tiếng vọng giữa hư không rằng: Đối với pháp sư, ông chớ nên để tâm tìm kiếm những chỗ xấu của thầy mà sanh tâm lo sợ cho thầy.

Bồ Tát nghĩ rằng: Việc tốt cũng như việc xấu của thầy chẳng phải là việc của ta, ta phải nhất tâm tinh tấn cầu pháp nơi thầy, phải lắng nghe những lời thầy truyền dạy mới có được nhiều lợi ích. Ví như các tượng đất, tượng đá, tượng gỗ… chẳng có thật công đức, thế nhưng do lễ bái, chiêm ngưỡng tượng Phật, mà ta phát được tâm tưởng Phật, tin Phật, nhờ vậy mà được vô lượng công đức. Lại nữa, các pháp sư dùng nhiều lực phương tiện, tùy theo căn trí của chúng sanh mà nói pháp, có trường hợp các ngài phải dùng đến các ác hạnh vậy. Bởi vậy cho nên đối với bậc sư trưởng, ta phải một lòng cung kính, cúng dường, chẳng bao giờ mống tâm khinh mạn mà mang tội.

Bồ Tát quán các pháp rốt ráo là “không”, quán hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh.

Đối với các bậc pháp sư, Bồ Tát lại nghĩ rằng: Các ngài dùng trí huệ Bát Nhã làm các Phật sự, chỉ vì lợi ích cho chúng sanh, ta phải kính thầy như kính Phật, ta phải đến với thầy để cầu tu học 6 pháp Ba la mật.

Bồ Tát lại nghĩ rằng : 6 pháp Ba la mật là chánh nhân dẫn dắt ta vào đạo, nên ta phải nhất tâm tinh tấn hành 6 pháp Ba la mật. Ví như người làm ruộng phải biết chọn giống, chọn phân bón, phải biết cày bừa đất đúng theo thời vụ. Rồi sau khi gieo giống lại còn phải siêng năng bón phân, làm cỏ tưới nước… mới mong thành tựu mùa gặt hái tốt được. Lại ví như đời nay bố thí, đời sau được nhiều phước đức, đời nay trì giới, đời sau được tôn quý, đời nay tu thiền định, đời sau được trí huệ, đời nay tu 6 pháp Ba la mật, đời sau sẽ được thành Phật.

Trong kinh dạy: Bồ Tát trú nhị địa, phải tinh cần, chớ nên giải đãi, lên đến tam địa phải học vấn nhiều, chớ nên nhàm chán.

Vì sao? Vì càng được học nhiều thì trí huệ càng được mở rộng, ví như mắt càng sáng thì càng thấy rõ đường đi, càng dễ tránh các chướng ngại vật.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát phát nguyện rằng, chỗ nào có Phật đang thuyết pháp, là đều đến nghe. Nhờ nghe pháp, nhờ thọ trì các đà la ni mà được thiên nhãn.

Giống như biển lớn dung nạp hết các nguồn nước của các sông lạch từ khắp nơi chảy về, Bồ Tát thọ trì pháp Phật từ khắp 10 phương cũng là như vậy.

Bồ Tát khi hành pháp thí chẳng cầu danh lợi, mà chỉ vì lợi ích cho chúng sanh, chẳng cầu pháp Tiểu Thừa mà chỉ cầu Nhất Thiết Chủng Trí. Bồ Tát dùng đại bi tâm, vì chúng sanh hành pháp thí, lấy trí huệ để trang nghiêm Phật quốc, thọ vô lượng khổ của thế gian, trú nơi tàm quý, chẳng xả bỏ A Lan Nhã xứ, trú nơi tri túc và thiểu dục.

 

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát có nhiều nhân duyên, vào trong các nẻo đường sanh tử mà chẳng hề nhàm chán?

Đáp: Phải có đầy đủ thiện căn mới có thể tự tại ra vào trong sanh tử, lại nữa, phải mỏng phiền não thì mới chẳng còn bị các khổ làm loạn não vậy. Ví như người có vết thương nhẹ, mà lại dùng thuốc tốt đắp lên, thì ắt được mau lành vậy.

Bồ Tát đã đầy đủ thiện căn thanh tịnh, nên các ưu sầu tật đố cùng các ác hạnh đều đã tiêu sạch. Do có đầy đủ thiện căn, do thọ quả báo phước lạc, nên Bồ Tát có nhiều nhân duyên làm lợi ích chúng sanh, tùy theo chỗ nguyện mà trang nghiêm Phật độ, ra vào sanh tử mà chẳng nhàm chán.
Trong các nhân duyên thành tựu thiện tâm, đáng kể nhất là “tàm” và “quý”. Do có tàm quý nên khi phát nguyện rộng độ chúng sanh, Bồ Tát tự nghĩ rằng: Sự mong muốn được ít khổ, được chứng Niết Bàn đều đáng hổ thẹn cả.

Tàm và quý là tướng của tam địa. Vào địa này, Bồ Tát biết rõ hết thảy chúng sanh đều là vô sở đắc, đều là vô tướng, nên chẳng chấp vô tướng, dẫn đến chẳng chấp Vô Thượng Bồ Đề.

Bồ Tát phải thường tu tập các công đức chẳng hề nhàm chán mới vào được Vô Thượng Đạo.

Bồ Tát phải biết tri túc, từ ăn uống, thuốc men, y áo,… đến các đồ dùng khác, chỉ cần có đủ dùng, cho đó là các thiện pháp nhân duyên, chẳng cần phải quan tâm đến.

Trong phẩm “Giác Ma” có nói Vô Sanh Pháp Nhẫn là hạnh Đầu Đà. Bồ Tát trú trong Thuận Nhẫn, được Vô Sanh Pháp Nhẫn là đầy đủ 12 pháp Đầu Đà, là đã trì giới thanh tịnh, và sẽ dẫn đến được thiền định và trí huệ.

Được Vô Sanh Pháp Nhẫn là được chân trí huệ. Đây là quả báo của hạnh Đầu Đà. Cho nên nói nhẫn mà chẳng xả giới, mà cũng chẳng chấp giới tướng mới gọi là Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Bồ Tát biết rõ thật tướng pháp là vô sanh, nên chẳng thấy có trì giới, cũng chẳng thấy có phá giới. Do chẳng phá giới, chẳng mất giới nên vào được Vô Tướng giải thoát môn, khiến các uế dục và ác hạnh đều tiêu diệt.

Lại nữa, Phật dạy rằng Bồ Tát do biết tri túc nên tâm chẳng điên đảo, chẳng sanh dục tâm, nhàm chán thế gian vì biết rõ ở trong thế gian chẳng có gì vui. Do vậy mà vào được Vô Tác giải thoát môn.

Lại nữa, Bồ Tát xả hết sở hữu tâm, nên chẳng sanh tâm sợ hãi, chẳng sanh tâm chìm đắm. Bồ Tát biết rõ do nhãn duyên sắc mà sanh ra có nhãn thức,… dẫn đến có ý duyên pháp mà sanh ra ý thức. Bồ Tát trú trong “bất nhị pháp môn” quán 6 thức đều là hư dối, chẳng thật có. Do vậy mà phát thệ nguyện độ hết thảy chúng sanh, cũng đều được trú trong “bất nhị pháp môn”, ly 6 thức, chẳng luyến tiếc hết thảy các vật. Đấy là duyên “đại xả” vậy.

Lại nữa, Bồ Tát biết rõ hết thảy pháp đều là rốt ráo không, nên diệt hết thảy các chấp về pháp tướng, khi hành bố thí, Bồ Tát chẳng cầu ân huệ, cũng chẳng sanh cao tâm.

Được như vậy là đầy đủ Đàn Ba La Mật, vào tứ địa.

Khi vào ngũ địa, Bồ Tát lại phải lìa người thân bạch y, tránh các tạp nhiễm thế tục, giữ gìn đạo tâm để trước độ mình và sau độ người. Vì sao?

Vì nếu chưa tự độ được, thì cũng ví như người bơi chưa được giỏi mà liều lĩnh cứu người đang bị dòng nước cuốn trôi, khiến cả mình lẫn người đều cùng bị chết chìm cả.

Bồ Tát xa lìa người thân bạch y, nhằm tu tập các công đức. Vì sao? Vì đã cạo đều đắp y, xuất gia trì giới thì chẳng nên gần gũi các Tỷ Kheo Ni.

 

Hỏi: Bồ Tát quán hết thảy chúng sanh đều bình đẳng. Như vậy vì sao nói chẳng nên cùng với người bạch y cộng trú?

Đáp: Vì Bồ Tát ở các địa này chưa được bất thối chuyển, chưa được lâu tận, nên chẳng được cộng trú với hàng bạch y.

Lại nữa, phải tránh cho người đời tội phỉ báng Tăng Ni. Vì sao? Vì phỉ báng Tăng Ni sẽ phải đoạ vào địa ngục.

Bồ Tát nghĩ rằng: Ta đã xa lìa gia đình, xa lìa người thân, rời bỏ nhà cửa ra đi tìm đạo giải thoát, lẽ nào ta lại còn tham đắm nhà người, ta lại còn gần gũi họ nữa.

Tuy nhiên, vì muốn hết thảy chúng sanh được vui, nên Bồ Tát thọ nhận sự cúng dường của họ.

 

Hỏi:  Vì sao nói Bồ Tát muốn thọ sự cúng dường của chúng sanh, mà lại phải xa lìa các lời nói vô ích?

Đáp:  Nói để làm vừa lòng người, như nói giải sầu, bàn việc thời sự, bàn về giặc giã, bàn về phép quan lệ làng, bàn về thời tiết,… đều là những lời nói chẳng đem lại sự lợi ích gì cho sự tu tâm cả.

Bồ Tát vì thương xót chúng sanh đang chìm đắm trong “nhà lửa”, tự nghĩ rằng: Ta phải gấp rút cứu thoát chúng sanh ra khỏi nhà lửa của ba cõi. Lửa đã thiêu rụi cả bốn bên, sao ta còn an nhiên nói những chuyện vô ích. Nói chuyện về pháp Nhị thừa còn chẳng nên, huống chi là bàn về những chuyện vô ích khác.

 

--o0o--

         

Bồ Tát xa lìa sân nhuế và ác khẩu, vì biết rõ phỉ bang, kiện tụng, đánh đập… đều là những hình thức đấu tranh cả.

Bồ Tát hành đại bi, nên đối với hết thảy chúng sanh chẳng sanh ác tâm, chẳng sanh tâm khinh miệt cũng chẳng sanh tâm tự cao, tự đại. Bồ Tát biết rõ nội ngoại pháp đều bất khả đắc, nên xa lìa mười bất thiện đạo.

Vì các bất thiện pháp phá sự giải thoát thanh tịnh của hàng Trời Người. Người tu Tiểu Thừa còn xa lìa mười bất thiện đạo huống nữa là người tu theo pháp Đại Thừa.

Bồ Tát xa lìa “đại mạn”, tu “pháp không” nên chẳng thấy có tướng Đại Thừa hay Tiểu Thừa, xa lìa sự tự dụng ích kỷ, xa lìa bảy thứ kiêu mạn căn bản, xa lìa điên đảo, xa lìa ba độc tham, sân, si. Vì sao? Vì Bồ Tát thâm lạc thiện pháp, biết rõ các tướng “thường, lạc, ngã, tịnh” đều là bất khả đắc, biết rõ chỗ duyên của ba độc đều chẳng có định tướng.

Đầy đủ như vậy là vào ngũ địa.

 

--o0o--

 

Phật dạy: Cả ba thừa đều phải tu tập 6 pháp Ba la mật, mới đến được bờ bên kia.

Bồ Tát trú lục địa phải tu tập đầy đủ 6 pháp Ba la mật.

 

Hỏi:  Lục pháp Ba La Mật là pháp tu của Bồ Tát. Như vậy vì sao nói hàng Nhị Thừa cũng phải tu tập 6 pháp Ba la mật để đến bờ bên kia?

Đáp:  Phật dạy rằng tu đầy đủ 6 pháp Ba la mật là được đầy đủ công năng Đại Thừa, mà Đại Thừa bao gồm luôn cả Tiểu Thừa.

Tuy hàng Tiểu Thừa chẳng được như Đại Thừa, nhưng Tiểu Thừa cũng quán “pháp không”.

Do quán “pháp không” mà chưa tu được mười lực và bốn vô sở uý, nên chưa có đầy đủ các lực phương tiện, khiến phải hướng về Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa.

Bởi vậy nên Phật thường hộ niệm chư Bồ Tát, khuyên chẳng nên sanh tâm Nhị Thừa.

 

--o0o--

 

Bồ Tát thệ nguyện rộng độ chúng sanh, biết hết thảy pháp đều rốt ráo không, nên khi hành bố thí chẳng sanh tâm hối tiếc, khi chúng sanh cầu các việc chướng cũng chẳng sanh sân, khi bố thí chẳng tiếc các nội ngoại vật sở hữu của mình.

Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát được phước đức sâu dày, được tín tâm kiên cố, được đầy đủ 6 pháp Ba la mật, thâm kính chư Phật. Dù chưa được Vô Sanh Pháp Nhẫn, dù chưa có được đầy đủ các lực phương tiện mà Bồ Tát vẫn chẳng khởi nghi tâm đối với các pháp thâm diệu.

Phật dạy: Phải dùng trí huệ diệt các hý luận, phải chẳng còn có lỗi lầm mới có thể dùng các lực phương tiện mà tu các thiện pháp.

Như vậy nên chẳng khởi nghi tâm là tướng của 6 địa vậy.

 

--o0o--

 

KINH:

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú thất địa, chẳng nên chấp 20 pháp, từ chẳng chấp ngã,… dẫn đến chẳng chấp giới kiến?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát biết rõ ngã rốt ráo là vô ngã thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp ngã.

- Nếu Bồ Tát biết rõ chúng sanh rốt ráo là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát biết rõ thọ mạng dù dài, dù ngắn, rốt ráo là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp thọ giả.

- Nếu Bồ Tát biết rõ chúng sanh số giả… dẫn đến tri giả, kiến giả đều rốt ráo là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp các pháp ấy.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp rốt ráo là bất sanh, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp đoạn kiến.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp rốt ráo là bất sanh nên là chẳng phải thường, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp thường kiến.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các phiền não rốt ráo là không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp các tướng.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các kiến chấp đều rốt ráo là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp tác nhân kiến.

- Nếu Bồ Tát biết rõ danh sắc là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp danh sắc.

- Nếu Bồ Tát biết rõ năm ấm là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp năm ấm.

- Nếu Bồ Tát biết rõ mười hai nhập là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp mười hai nhập.

- Nếu Bồ Tát biết rõ mười tám giới là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp mười tám giới.

- Nếu Bồ Tát biết rõ ba cõi là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp ba cõi.

- Nếu Bồ Tát trú xứ là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp trú xứ.

- Nếu Bồ Tát biết rõ sự mong cầu (tác nguyện) là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp chỗ mong cầu.

- Nếu Bồ Tát biết rõ chỗ y xứ là tánh không, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp chỗ y xứ.

- Nếu Bồ Tát biết rằng mống tâm muốn thấy Phật là chẳng thể thấy Phật, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp y nơi Phật.

- Nếu Bồ Tát biết rõ pháp chẳng thế thấy được, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp y nơi pháp.

- Nếu Bồ Tát biết rõ Tăng tướng là vô vi, chẳng thể nương tựa được, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp y nơi Tăng.

- Nếu Bồ Tát biết rõ tội và vô tội đều là bất khả đắc, thì gọi là Bồ Tát chẳng chấp y nơi giới.

Như vậy gọi là Bồ Tát trú thất địa chẳng chấp 20 pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú thất địa, phải đầy đủ 20 pháp, từ đầy đủ “không”… dẫn đến chẳng nhiễm ái?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát biết rõ tự tướng của hết thảy pháp là “không”, thì gọi là Bồ Tát đầy đủ “không”.

- Nếu Bồ Tát chẳng niệm các pháp tướng thì gọi là Bồ Tát chứng Vô Tướng.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp là chẳng có chủ tác thì gọi là Bồ Tát biết Vô Tác.

- Nếu Bồ Tát đầy đủ 10 thiện nghiệp đạo, thì gọi là Bồ Tát đầy đủ ba phần thanh tịnh.

- Nếu Bồ Tát đầy đủ từ bi và trí huệ, thì gọi là Bồ Tát đầy đủ từ bi tâm đối với hết thảy chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát thanh tịnh đầy đủ Phật độ, thì gọi là Bồ Tát chẳng niệm tưởng về hết thảy chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp đều là bất tăng, bất giảm thì gọi là Bồ Tát quán hết thảy pháp bình đẳng.

- Nếu Bồ Tát biết rõ thật tướng các pháp là chẳng thể biết được (bất khả tri), thì gọi là Bồ Tát vào được thật tướng pháp.

- Nếu Bồ Tát biết rõ các pháp đều là bất sanh, bất diệt, thì gọi là Bồ Tát được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

- Nếu Bồ Tát biết rõ danh sắc là bất sanh, thì gọi là Bồ Tát được Vô Sanh Trí.

- Nếu Bồ Tát thường nhất tâm, chẳng hành hai tướng (nhị tướng), thì gọi là Bồ Tát tuyên thuyết pháp nhất tướng.

- Nếu Bồ Tát dùng Vô Phân Biệt trí để quán các pháp, thì gọi là Bồ Tát phá phân biệt tướng.

- Nếu Bồ Tát chuyển được vô lượng tưởng, thì gọi là Bồ Tát chuyển ức tưởng.

- Nếu Bồ Tát ở nơi Nhị Thừa kiến mà chuyển thành Đại Thừa kiến, thì gọi là Bồ Tát chuyển kiến.

- Nếu Bồ Tát đã đoạn dứt các phiền não, thì gọi là Bồ Tát chuyển phiền não.

- Nếu Bồ Tát được Nhất Thiết Chủng Trí, thì gọi là Bồ Tát được Bình Đẳng Huệ.

- Nếu Bồ Tát ở trong ba cõi mà vẫn giữ tâm bất động, thì gọi là Bồ Tát dùng huệ điều ý.

- Nếu Bồ Tát đã điều phục được các căn, thì gọi là Bồ Tát được tâm tịch diệt.

- Nếu Bồ Tát đã được Phật nhãn, thì gọi là Bồ Tát đã được Vô ngại trí.

- Nếu Bồ Tát đã xả sạch sáu trần, thì gọi là Bồ Tát chẳng còn nhiễm ái trần cảnh.

Như vậy gọi là Bồ Tát an trú thất địa, đầy đủ 20 pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú bát địa, phải đầy đủ 5 pháp, tùy thuận chúng sanh tâm… dẫn đến tự trang nghiêm pháp thân?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát thường quán “nhất tâm”, biết rõ tâm và tâm sở của hết thảy chúng sanh, thì gọi là Bồ Tát tùy thuận chúng sanh tâm.

- Nếu Bồ Tát dùng thần thông, đi từ Phật quốc này đến Phật quốc khác, mà chẳng khởi tưởng về Phật giới tướng, thì gọi là Bồ Tát du hý thần thông quán các Phật quốc.

- Nếu Bồ Tát thấy vô lượng Phật quốc mà chẳng khởi tưởng về Phật giới tướng, thì gọi là Bồ Tát tự trú nơi các Phật quốc.

- Nếu Bồ Tát hiện thân chuyển luân thánh vương, đi cùng khắp các Phật quốc, nhằm tự trang nghiêm Phật quốc của chính mình, thì gọi là Bồ Tát tự trang nghiêm Phật quốc của mình như các Phật quốc đã được thấy.

- Nếu Bồ Tát an trú nơi pháp thân, thì gọi là Bồ Tát như thật quán pháp thân và tự trang nghiêm pháp thân.

Như vậy gọi là Bồ Tát trú địa thứ tám phải viên mãn 5 pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú bát địa, nên đầy đủ năm pháp, từ biết căn tánh cao thấp của chúng sanh… dẫn đến tuỳ theo căn tánh của chúng sanh mà thị hiện thọ thân?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát trú trong mười Phật lực, thì gọi là Bồ Tát biết rõ căn tánh cao thấp của chúng sanh.

- Nếu Bồ Tát đã thanh tịnh chúng sanh tâm, thì gọi là Bồ Tát thanh tịnh Phật độ.

- Nếu Bồ Tát vào tam muội, thành tựu các việc mà chẳng sanh tâm chấp, vì biết rõ các pháp tướng đều là “không”, thì gọi là Bồ Tát nhập “Như Huyễn tam muội”.

- Nếu Bồ Tát được quả báo sanh tam muội, thì gọi là Bồ Tát thường nhập vào các tam muội.

- Nếu Bồ Tát thệ nguyện thành tựu chúng sanh, nguyện sống cùng với chúng sanh để giáo hoá họ, thì gọi là Bồ Tát tùy căn tánh chúng sanh mà thị hiện thọ thân.

Như vậy gọi là Bồ Tát trú bát địa, nên đầy đủ 5 pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là Bồ Tát an trú cửu địa, phải đầy đủ 12 pháp, từ thọ vô biên thế giới… dẫn đến thành tựu hết thảy thiện công đức?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nên biết:

- Nếu Bồ Tát đem Phật pháp hoá độ chúng sanh khắp mười phương thế giới, thì gọi là Bồ Tát thọ vô biên thế giới.

- Nếu Bồ Tát đã được đầy đủ sáu pháp Ba la mật thì gọi là Bồ Tát biết được ngôn ngữ của các loài.

- Nếu Bồ Tát đời đời thường hoá hiện sanh thân, thì gọi là Bồ Tát thành tựu sanh thai.

- Nếu Bồ Tát thường chọn sanh vào gia đình danh giá, có đạo hạnh, thì gọi là Bồ Tát thành tựu gia đình.

- Nếu Bồ Tát thường chọn quốc độ để thọ sanh, thì gọi là Bồ Tát thành tựu chỗ sanh.

- Nếu Bồ Tát thường chọn lại dòng họ ở đời quá khứ để thọ sanh, thì gọi là Bồ Tát thành tựu dòng họ.

- Nếu Bồ Tát thường theo các vị đại Bồ Tát để làm quyến thuộc, thì gọi là Bồ Tát thành tựu quyến thuộc.

- Nếu Bồ Tát ngay khi vừa sanh ra đời đã có quang minh toả chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới, mà chẳng chấp các tướng quang minh đó, thì gọi là Bồ Tát thành tựu xuất sanh.

- Nếu Bồ Tát ngay khi vừa xuất gia đã có vô lượng chư Thiên theo hầu hạ, khuyến thỉnh Bồ Tát thành tựu đạo quả, để dẫn dắt chúng sanh vào ba thừa đạo, thì gọi là Bồ Tát thành tựu xuất gia.

- Nếu Bồ Tát dùng bảy báu để trang nghiêm thân, cành, lá cây Bồ Đề, khiến cho cây Bồ Đề chiếu quang minh khắp cả mười phương thế giới, thì gọi là Bồ Tát thành tựu “Bồ Đề Thọ” trang nghiêm.

- Nếu Bồ Tát đã thanh tịnh chúng sanh, và thanh tịnh Phật độ, thì gọi là Bồ Tát thành tựu viên mãn hết thảy các công đức.

Như vậy gọi là Bồ Tát trú địa thứ chín, viên mãn 12 pháp.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Bạch Thế Tôn! Vì sao nói Bồ Tát Ma Ha Tát trú thập địa là như Phật rồi?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Bồ Tát Ma Ha Tát trú thập địa, dùng đầy đủ các lực phương tiện để hành sáu pháp Ba la mật, hành bốn niệm xứ, … dẫn đến hành mười tám bất cộng pháp, tận đoạn các tập khí phiền não, thẳng tiến lên Phật địa. Bởi nhân duyên vậy, nên Bồ Tát Ma Ha Tát trú thập địa được xem như Phật vậy.

***
Trên đây đã tóm lược lại quá trình tu tập của Bồ Tát Ma Ha Tát, thừa Đại Thừa, phát thú Thập Địa.


LUẬN :

 

Hỏi: Trên đây nói rằng Bồ Tát trú thất địa chẳng nên chấp hai mươi pháp. Như vậy đối với các nhân duyên tạo pháp thì Bồ Tát cũng chẳng chấp chăng?

Đáp: Hết thảy các pháp hữu vi lần lượt duyên nhau, mà thành có nhân, có quả.

Nếu ở nơi đây mà sanh chấp tâm, thủ tướng và sanh kiến giải thì gọi gì là “nhân kiến”. Vì sao? Vì ở nơi chẳng có nhân (phi nhân), mà chấp là có nhân vậy.

Nếu Bồ Tát hành đầy đủ “mười tám không” thì chẳng còn dấy tâm phân biệt nữa.

Hơn thế nữa, nếu Bồ Tát hành thêm “chúng sanh không” và “pháp không” thì sẽ được “đầy đủ không”. Ở nơi rốt ráo không mà chẳng chấp mới gọi là “đầy đủ không”.

 

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát biết rõ các pháp đều là “tự tướng không” là được “đầy đủ không”?

Đáp: Vì hết thảy các pháp đều là tự tướng không, dẫn đến pháp “không” cũng là tự tướng không.

Bồ Tát trú lục địa, dù đã có nhiều phước đức, dù đã được các căn lanh lợi, nhưng vẫn còn phân biệt các pháp. Như vậy là còn chấp pháp tướng.

Vào thất địa, Bồ Tát mới liễu đạt được “tự tướng không” nên được “đầy đủ không”, tức là được “cụ túc không” vậy.

Đối với chư Phật và chư đại Bồ Tát, thì hữu vi không, vô vi không… dẫn đến vô pháp hữu pháp không đều là “cụ túc không” cả.

 

--o0o--

 

Người chứng được “vô tướng” là vào được Niết Bàn, vào nơi “vô tu”, “vô thuyết”. Vì sao? Vì có vô lượng vô biên công đức chẳng thể nghĩ bàn vậy.

 

--o0o--

 

Người chứng được “vô tác”, biết rõ hết thảy pháp đều chẳng có chủ tác, dẫn đến ba cõi cũng là như vậy.

 

--o0o--

 

Người đầy đủ mười thiện nghiệp đạo là được đầy đủ “ba phần thanh tịnh”.

Nên biết tu mười thiện nghiệp đạo dẫn đến ba giải thoát môn. Thế nhưng nếu tu chưa đầy đủ thì chưa hẳn là được cả “ba phần thanh tịnh”. Vì sao? Vì có khi thân thanh tịnh mà khẩu chưa thanh tịnh, có khi khẩu thanh tịnh mà ý chưa thanh tịnh.

Người thế gian, do chưa ly được các chấp nên chẳng có được ba phần thanh tịnh. Bồ Tát đã hoàn toàn ly các chấp mới được đầy đủ cả ba phần thanh tịnh.

 

--o0o--

 

Bồ Tát đối với hết thảy chúng sanh, có đầy đủ “từ bi” và “trí bi”, lại có đầy đủ cả ba duyên, là duyên chúng sanh, duyên pháp và vô duyên.

Vô duyên nói ở đây là vô duyên “đại từ bi”, được đầy đủ các pháp không, dẫn đến vô duyên “đại trí bi”, biết rõ thật tướng của hết thảy pháp cũng là không.

Bồ Tát đã thâm nhập vào thật tướng pháp nên mới phát bi niệm, thương hết thảy chúng sanh, ví như người cha quá thương con, muốn đem hết cả tài sản của mình cho con.

Như vậy gọi là Bồ Tát thanh tịnh đầy đủ Phật thế giới vậy.

 

Hỏi:  Nếu Bồ Tát chẳng niệm tưởng chúng sanh, thì làm sao có thể tịnh Phật thế giới được?

Đáp:  Vì muốn trang nghiêm Phật quốc mà Bồ Tát dạy chúng sanh trú trong mười thiện đạo. Làm như vậy tuy đã là trang nghiêm nhưng chưa thật trang nghiêm. Vì sao ? Vì giáo hoá chúng sanh mà chẳng chấp chúng sanh tướng thì phước đức mới thật là thanh tịnh, mới được gọi là “vô ngại trang nghiêm”.

 

--o0o--

 

Ở đây Phật mật ý nói rằng: Nếu biết rõ các pháp là bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, là biết rõ các pháp đều bình đẳng, là vào được nơi thật tướng pháp, dẫn đến được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Được như vậy là “tín” lẫn “đạt” đều vô ngại.

Nếu biết được danh sắc là bất sanh thì được Vô Sanh Trí. Đây mới chỉ là “sơ nhẫn”. Phải được “tế nhẫn” mới gọi là được Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Nên biết, khi nói danh sắc là bất sanh thì đó là nói về các pháp là nhất tướng, là vô tướng. Bồ Tát biết rõ danh sắc là vô tướng, là tánh không, nên chẳng chấp danh sắc.

 

--o0o--

 

Lại nữa, Bồ Tát biết rõ năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới… đều là lưới ma, chẳng thật có nên dạy chúng sanh phải ly năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới…, phải thường dùng các pháp nhân duyên mà hành “bất nhị pháp” mới có thể phá được phân biệt tướng.

Vì sao ? Vì sáu nội nhập (nhãn… dẫn đến ý), sáu ngoại nhập (sắc… dẫn đến pháp) đều là chẳng thật có nên sáu thức (nhãn thức,… dẫn đến ý thức) khởi sanh ra cũng chẳng thật có.

Bởi vậy nên nói là vô nhãn… dẫn đến vô ý, vô sắc… dẫn đến vô pháp, vô nhãn thức… dẫn đến vô ý thức, vô nhãn giới… dẫn đến vô ý thức giới.

 

--o0o--

 

Lại nữa, Bồ Tát trú trong “bất nhị pháp môn”, chẳng niệm ức tưởng, phá nội tâm phân biệt về các pháp. Bồ Tát thứ lớp chuyển các kiến, trước chuyển biên kiến, tà kiến, sau mới vào đạo chuyển pháp kiến, Niết Bàn kiến…

Bồ Tát biết rõ các pháp đều chẳng có tướng nhất định, nên dùng “vô định tướng” của các pháp để chuyển tướng Niết Bàn, tức chuyển Nhị Thừa thành Đại Thừa vậy.

 

--o0o--

 

Bồ Tát do có được các phước đức nhân duyên nên diệt trừ được các phiền não, được an ổn hành đạo. Tuy nhiên vẫn còn các vi tế ái kiến, vi tế mạn kiến cần phải dứt trừ. Bởi vậy nên Bồ Tát lại càng phải dùng thật trí huệ để quán thật tướng của các phiền não cũng là vô tướng.

Bồ Tát ở tam địa, nếu huệ nhiều mà định ít thì chẳng nhiếp được quả vị của địa ấy, khi vượt khỏi tam địa rồi, nếu định nhiều mà huệ ít, thì cũng chẳng vào được Bồ Tát vị. Phải được đầy đủ chúng sanh không và pháp không, được định và huệ bình đẳng, mới thật được an ổn hành đạo, vào bất thối chuyển địa, rồi mới lần lần đến được Nhất Thiết Chủng Trí.

Ở nơi Trí Huệ Đại, vì thương xót chúng sanh, mà Bồ Tát phải tự điều phục tâm ý, phải biết rõ thật tướng pháp, phải chẳng còn chấp ba cõi.

Bồ Tát đã tự điều phục tâm ý như vậy rồi, đã được tịch tịnh như vậy rồi, nhưng phải vào thất địa thì tâm ý mới hoàn toàn được tịch tịnh, vô ngại.

Nên biết, nếu đã được Bát nhã Ba la mật rồi, thì dù ở Nhị Thừa địa, Bồ Tát vẫn được dung thông vô ngại, vẫn dìu dắt chúng sanh vào thật tướng pháp, dẫn đến được vô ngại giải thoát.

 

Hỏi: Vì sao nói Bồ Tát trú ở thất địa đã được Phật nhãn?

Đáp: Bồ Tát trú ở thất địa, do học Phật pháp mà được vô ngại trí, chẳng còn nhiễm trước nên  tựa như đã có Phật nhãn.

Bồ Tát trú ở thất địa, do còn nhục thân nên khi vào thiền định chẳng khởi chấp tâm, nhưng khi xuất thiền vẫn còn chấp, như thấy người thân thích vẫn còn luyến ái.

 

--o0o--

 

Phật dạy: Khi sáu căn duyên sáu trần, Bồ Tát phải hành xả, chẳng chấp xấu tốt, vui buồn… Như vậy mới vào được bát địa.

Bồ Tát trú bát địa, thuận chúng sanh tâm, dùng trí huệ phân biệt, quán chúng sanh trong vô lượng A Tăng Kỳ kiếp. Tuy nhiên phải lâu sau mới độ được họ.

Bồ Tát quán thấy có chúng sanh phải tu một kiếp đến mười kiếp mới độ được, có chúng sanh tu một đời đến hai đời mới độ được, có chúng sanh đã thuần thục, có chúng sanh chưa thuần thục v.v… Bởi vậy Bồ Tát phải dùng cả ba thừa đạo mới rộng độ được chúng sanh. Ví như vị thầy thuốc giỏi, sau khi chẩn mạch bệnh nhân mới phân loại bệnh nặng hay nhẹ, bệnh dễ trị được hay bệnh chẳng có thể chữa trị được, để tuỳ theo đó mà cho thuốc vậy.

Bồ Tát vào thất địa, khi muốn vào Niết Bàn thì được chư Phật khắp mười phương gia bị, còn khi muốn phát nguyện tu hành thì hiển dụng thần thông, đi khắp mười phương thế giới để thanh tịnh Phật độ và nghe chư Phật thuyết pháp.

Bồ Tát vào bát địa, có bảo luân, nên đi đâu cũng được tự tại vô ngại.

Ví như trường hợp Bồ Tát Tự Tại Vương vào thời Phật còn tại thế, đã dùng đạo Bồ Tát thuyết giảng khiến chúng sanh ở khắp mười phương đều được trang nghiêm Phật độ.

Bồ Tát trú bát địa, thường đem mưa pháp rưới khắp mười phương, khiến chúng sanh đều được lợi lạc, lấy tịnh tướng của các quốc độ khác để trang nghiêm quốc độ của mình, lại như thật quán Phật thân là như huyễn, như hoá, Vì sao? Vì như lời Phật dạy “thấy pháp thân là như thấy Phật”. Phật thân là bất khả đắc, pháp thân cũng là bất khả đắc, cả hai thân đó đều do các duyên hoà hợp mà có, và đều là tự thánh không. Bồ Tát phải biết tâm hạnh của chúng sanh, rõ biết chúng sanh lợi căn hay độn căn, có tâm bố thí nhiều hay có trí huệ nhiều… mới có thể tùy duyên mà hoá độ họ được.

Bồ Tát thanh tịnh được chúng sanh tâm là đã thanh tịnh Phật độ rồi vậy. Vì sao? Vì thanh tịnh Phật độ có hai pháp. Đó là :

- Bồ Tát trì thân là tự tịnh.

- Bồ Tát tịnh tâm chúng sanh, khiến mình và chúng sanh đều được thanh tịnh.

Bồ Tát nguyện thanh tịnh Phật độ, nguyện vào “như huyễn tam muội”, thành tựu các sự việc mà chẳng khởi tâm chấp. Bồ Tát vào tam muội ấy, biến thân khắp mười phương thế giới, hành bố thí Ba la mật cùng các Ba la mật khác, đến với hết thảy chúng sanh, thuyết pháp nhằm ba phía đường ác, giáo hoá chúng sanh, khiến họ an lập được trong ba thừa đạo. Bồ Tát thành tựu các việc lợi ích cho chúng sanh như vậy mà chẳng chấp tâm, chẳng thủ tướng, vì thường hằng ở trong tam muội vậy. Bồ Tát ở trong “như huyễn tam muôi” an nhiên thành tựu thọ các thân, tùy theo căn tánh của chúng sanh, mà thọ thân tương ứng để hoá độ họ.

Đây là tướng của Bồ Tát bát địa.

 

--o0o--

        

Bồ Tát vào cửu địa, duyên ba cảnh giới, gồm: cảnh giới tịnh, cảnh giới bất tịnh và tạp cảnh giới. Trong cả ba cảnh giới, Bồ Tát đều tùy tâm chúng sanh mà hoá độ nhằm nhiếp nhủ họ. Ví như mặt trời chiếu sáng, chẳng phải chỉ vì người sáng mắt, mà đến cả người đui mù cũng đều được lợi lạc. Bồ Tát đến với chúng sanh cũng như vậy. Hoặc là đã có sẵn nhân duyên với họ, hoặc muốn tạo nhân duyên để cứu độ họ, dù đến với họ, dù rời xa họ cũng đều là nhân duyên cả.

Bồ Tát xem hằng sa thế giới khắp mười phương cũng như một thế giới, nên ở nơi hằng sa Phật khắp mười phương, vẫn y như nguyện mà độ thoát chúng sanh.

Đây là Bồ Tát đủ phước huệ trang nghiêm, viên mãn như nguyện.

Như lời Phật dạy: Đầy đủ sáu pháp Ba la mật là đầy đủ trí huệ; đầy đủ trí huệ là đầy đủ phước đức.

Do trí huệ và phước đức đều đầy đủ như ý nguyện, nên Bồ Tát biết rõ tâm nguyện hết thảy chúng sanh.

Lại nữa, do có được “túc mạng trí” thanh tịnh, nên Bồ Tát biết rõ chỗ sanh, chỗ chết của chúng sanh.

Lại  nữa, do có được “giải thoát danh tự như ngôn tam muội”, nên Bồ Tát thông đạt được các ngữ ngôn của hết thảy các loài chúng sanh.

Lại nữa, do có được “tứ vô ngại trí”, nên Bồ Tát thuyết pháp và độ sanh vô ngại.

 

--o0o--

        

Về sự thị hiện thọ thân của Bồ Tát Thích Ca Mưu Ni:

- Có thuyết nói rằng: Bồ Tát cỡi voi sáu ngà, từ cung trời Đâu Suất, thị hiện vào thai mẹ. Bồ Tát có “như huyễn tam muôi”, dùng lực tam muội này vào thai mẹ, nên có đầy đủ phước đức nhân duyên, như khi còn ở trên cung trời Đầu Suất.

- Có thuyết nói rằng: Bồ Tát ra khỏi thai mẹ, có các vị Thiên Long theo hầu; Bồ Tát, từ thai mẹ ra qua ngã hông bên phải, như mặt trời từ trong đám mây ló dạng ra vậy. Ngay lúc bấy giờ có tiếng xưng tán váng dội giữa hư không khắp cả mười phương rằng “ở nước ấy có vị hậu thân Bồ Tát sanh ra, có đầy đủ trí huệ, có đầy đủ thế lực, làm lợi ích cho chúng sanh.

- Có thuyết nói rằng: Bồ Tát, từ cung trời Đầu Suất, quán trong thế gian có dòng họ nào, có gia đình nào, có người nào cao quí, đức hạnh, thương xót chúng sanh, thì thị hiện sanh vào đó. Ví như, trong bảy đức Phật kế tiếp ra đời, tính đến đời đức Phật Thích Ca Mưu Ni, có:

- Ba đức Phật thuộc dòng họ Kiều Trần Như.

- Ba đức Phật thuộc dòng họ Ca Diếp,

- Và đức Phật Thích Ca Mưu Ni thuộc dòng họ Cù Đàm.

Bồ Tát đã được thâm tâm kiên cố, được vô sanh pháp nhẫn, nên được khí phần của Nhất Thiết Trí Chủng Trí.

Bồ Tát thành tựu quyến thuộc, gồm toàn người trí, người thiện đã tu tập công đức trong nhiều đời, nhiều kiếp.

Như trong kinh Bất Khả Tư Nghi có nói: Cù Ty Gia là một đại Bồ Tát và các quyến thuộc của ngài đều là những vị Bồ Tát bất thối chuyển. Lại nữa, Bồ Tát có “biến hoá lực tam muội”, nên cũng có các người nam, người nữ theo Bồ Tát làm quyến thuộc,

Trong kinh có chép mẫu chuyện sau đây:

Đức Phật Thích Ca Mưu Ni khi còn là Bồ Tát, có rất nhiều thế nữ rất xinh đẹp ở trong cung làm quyến thuộc của ngài. Một hôm thấy các cung nữ nằm ngủ chẳng khác gì những xác chết, Bồ Tát sanh tâm nhàm chán dục lạc, quyết tâm ròi bỏ hoàng cung, ra đi tìm đạo giải thoát.

Mặc dù có lệnh của vua Tịnh Phạn truyền phải giữ Thái Tử ở lại trong cung, nhưng Xa Nặc vẫn tùy theo ý của Bồ Tát, dẫn con ngựa Kiền Trắc cùng Bồ Tát vượt thành ra đi. Lúc bấy giờ có chư Thiên, Long, Thần phụng nghinh, nâng chân ngựa, đưa Bồ Tát cùng Xa Nặc vượt thành an toàn. Nhờ vậy mà Bồ Tát vượt ra khỏi “nhà phiền não”. Như vậy gọi là thành tựu xuất gia.

 

--o0o--

        

Bồ Tát dùng bảy báu trang nghiêm cây Bồ Đề, gọi là thành tựu “Bồ Đề thọ” trang nghiêm. Đây là vì chúng sanh mà Bồ Tát dùng thần lực chẳng thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì) hoá hiện ra các cảnh trang nghiêm như vậy.

 

--o0o--

 

Bồ Tát trú cửu địa, đầy đủ thành tựu chúng sanh và thanh tịnh Phật độ, vừa tư lợi vừa lợi tha, nên được vô lượng công đức chẳng thể bàn.

Chư vị A La Hán và Bích Chi Phật tuy cũng có vô vàn công đức, nhưng vì chưa đủ lợi tha nên chẳng được như Bồ Tát. Đây là tướng của Bồ Tát cửu địa.

Thập địa còn gọi là Pháp Vân Đia.

Ví như đám mây lớn đổ mưa liên tục, Bồ Tát trú ở địa này, tự nhiên sanh vô lượng vô biên niệm thanh tịnh, vô lượng vô biên niệm Phật pháp.

Bồ Tát tự nghĩ rằng: Nếu ở cõi Dục mà ta chưa hàng phục được ma tâm, thì ma sân não vẫn còn tập họp ma chúng đến quấy nhiễu ta.

Khi Bồ Tát đã hàng phục xong chúng ma, chư phật khắp 10 phương đều hoan hỷ, phóng hào quang, xoa đầu và khen ngợi Bồ Tát.

Đây là tướng của Bồ Tát thập địa.

Lại nữa, Bồ Tát vào thập địa, có vô lượng công đức như: Hiển hành Phật pháp, đoạn hết thảy các tập khí phiền não, được vô ngại giải thoát, đầy đủ mười lực, bốn vô sở uý, bốn vô ngại trí, đại từ, đại bi cùng vô lượng các lực phương tiện khác. Lúc bấy giờ mặt đất hiện sáu điệu chấn động, từ trên không trung mưa hoa đổ xuống, chư  Phật phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương thế giới. Ở khắp mười phương chư Phật, chư Bồ Tát cùng chư Thiên đều tán thán rằng: Ở cõi nước đó, có vị Bồ Tát toạ đạo tràng, thành tựu Phật sư, phóng đại quang minh, đã vào thập địa, đã được như Phật.

Đây là tướng của Bồ Tát thập địa, và cũng là tướng của Bồ Tát vào Phật địa vậy.

Như vậy gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát thừa Đại Thừa, Phát thú thập đia”.

 

Đây là những giải thích hết sức thiết thực của bậc thật tu thật chứng. Hãy cố gắng thọ trì. Đừng bao giờ bỏ qua dịp may hiếm có trong cuộc đời tu học của chúng ta. Khi viết lại lời bình giải nầy của Đại Trí Độ Luận như nói trên chúng tôi không đặt kỳ vọng xa xôi mà chỉ nêu ra thập địa như 10 bậc thang giáo lý để giúp chúng ta hiểu các trình độ tu tập Bát Nhã trong kinh dạy như thế nào? Thí dụ khi nói đến phá ngã, đoạn phân biệt chấp trước, vượt qua nhị nguyên, nhập được Tánh không thì chúng ta biết là vị đó đã vào được thất địa v.v… Ngoài ra, thập địa là bậc thang giáo lý giúp hành giả Bát Nhã tự soi sét thẩm định công phu tu tập của chính mình. Và nhờ vào đó mà cải thiện tâm linh cho được tròn đầy viên mãn hơn.

Nói tóm lại, công phu tu tập không phải nhờ ai đánh giá, thập địa chính là mười bậc thang tu hành, nó sẽ giúp mình tự soi sáng để hoàn thành hạnh nguyện trong việc tự độ và độ tha.

 

Kết luận:

(cho 3 phẩm: Tam ma địa, Niệm trụ đẳng và Tu trị địa)

 

Phú Lâu Na trình bày với Thế Tôn là muốn trở thành đại Bồ Tát hay Bồ Tát Ma ha tát thì phải hội đủ 3 điều kiện: 1. Phát đại thệ nguyện trang nghiêm, 2. Phát thú Đại thừa và 3. Ngồi xe Đại thừa (thừa Đại thừa). Trong 3 điều kiện này, điều kiện cuối cùng quan trọng nhất. Vì ngồi xe Đại thừa, cưỡi Đại thừa có nghĩa là nương Đại thừa xuất ly. Muốn thế phải tu học và thực hành tất cả pháp mầu Phật đạo nhất là lục Ba la mật. Ba phẩm “Tam ma địa”, “Niệm trụ đẳng” và “Tu trị địa” chẳng qua là miêu tả công năng của các pháp mầu này:

- Phẩm “Tam Ma Địa” nói về lục Ba la mật, 18 pháp Không và vô lượng Tam ma địa mầu nhiệm thù thắng;

- Phẩm “Niệm Trụ Đẳng” nói về Bốn niệm trụ, 37 pháp trợ đạo, Tam tam muội, 11 trí, Tam căn, Tứ thiền, Tứ vô lượng, Tứ vô sắc định, 18 Phật bất cộng, các môn Đà la ni v.v…

- Phẩm “Tu Trị Địa” nói về tu thập địa Bồ Tát từ sơ địa dẫn đến thập địa, viên mãn tất cả pháp phải tu phải chứng 10 địa mới được gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát phát thú thập địa.

Kết luận này đúc kết những gì mà Phú Lâu Na gọi là tinh thể tạo thành Đại Bồ Tát hay Bồ Tát Ma ha tát, mà vai trò quyết định chính là tất cả các pháp mầu Phật đạo nhất là lục Ba la mật, hành trang trong cuộc đời hành đạo của các ngài để tạo phúc lạc cho toàn thể chúng sanh.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]