Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tiếng Gõ Cửa Hôm Ấy

14/07/201722:21(Xem: 6259)
Tiếng Gõ Cửa Hôm Ấy

htnhuhue

TIẾNG GÕ CỬA HÔM ẤY


Phòng tôi ở ngay trước phòng Sư Ông (Ôn), nên hễ có việc gì cần là Ôn thường đến gõ cửa 3 tiếng, tôi mở cửa ra thì Ôn nói:“Qua phòng Ông có việc chút”. Nói vậy Ôn quay về phòng là tôi có bận việc gì đi nữa cũng phải bỏ, đi theo Ôn ngay sau đó. Khi bị gọi như vậy thì trong tâm tôi thường hay phân vân:"Không biết bị Ngài la rầy hay bảo làm chuyện gì cần đây". Thực tế thì có lúc bị la rầy, nhưng cũng có lúc thì bàn thảo công việc này việc kia ...Đó cũng là chuyện bình thường thôi. Nhưng có một hôm cũng tiếng gõ cửa đó, nhưng hoàn toàn bất thường, không như mọi tiếng gõ trước đây.

Tối thứ Sáu hằng tuần, tôi thường hay vắng mặt ở chùa Pháp Hoa để lên Chùa Bắc Linh hướng dẫn Phật tử tụng kinh và giảng Pháp tại đó. Sinh hoạt xong cũng khuya, nên ngủ lại Bắc Linh, sáng thứ Bảy mới về. Hôm đó cũng vậy, tôi nhớ không sai là thứ Sáu, ngày 25/3/2016, sau khi sinh hoạt tại Bắc Linh xong tôi ngủ lại. Khoảng 11 giờ đêm, đã lên giường nằm một tiếng rồi mà không sao ngủ được, trong lòng cứ nôn nao, nên đã quyết định lái xe về. Khuya đó về đến chùa Pháp Hoa đúng 12giờ kém 15. Nghỉđến 5 giờ sáng hôm sau, thứ Bảy, Ôn qua gõ cửa và nói rất nhanh: " Viên Trí ơi, gọi bác sĩ dùm Ông, sao hôm nay thấy mệt quá". Ôn nói vậy, tôi nghĩ Ôn chỉ có 2 căn bịnh thường xuyên nhất, một là tiểu đường, hai là cao máu thôi, chắc cũng không có gì quan trọng. Khi qua đến phòng Ôn thì thấy Ôn lên giường nằm, và cũng lặp lại lời y nhưvậy. Tôi nói: Hôm nay sáng thứ Bảy, bác sĩ không làm việc, Sư Ông muốn con gọi xe cứu thương không? Sở dĩ nói vậy là đểÔn thấy chuyện gọi xe cứu thương, thì phải xuống bệnh viện nằm, rất rườm rà, hơn nữa cũng hiểu ý của Ôn là không thích nằm bệnh viện. Hy vọng Ôn sẽ không đồng ý, chờ đến sáng gọi bás sĩ luôn, biết đâu đến sáng thì huyết áp hạ, đường ổn định thì sao. Cũng nói thêm rằng, có những hôm Ôn mất ngủ, nên sáng dậy mệt. Cơm sáng xong, Ôn lên giường nghỉ một chút là khỏe lại ngay. Nhưng không ngờ sau khi tôi thưa vậy thì Ôn đồng ý liền. Nên tôi ở vào cái thế chẳng đặng đừng, phải gọi xe cứu thương.

Năm phút sau, xe cứu thương xuất hiện tại bãi đậu xe chùa. Sau khi nhân viên cứu thương hỏi Ôn vài câu, họ đã đưa Ôn lên xe đến bệnh viện Queen Elizabeth, cách chùa gần 4 cây số, tôi tự lái xe chạy theo sau. Hômấy chùa còn có Thầy Viên Từ và Sư cô Viên Thường nữa. Vì đi sớm, nên tôi chỉ vội chạy nhanh xuống bếp báo thầy Viên Từ biết là tôi đưa Sư Ông đi bệnh viện thôi. Khi đưa Ông vô cấp cứu, đội ngũ bác sĩ làm thủ tục thông thường như những bịnh nhân khác là đo huyết áp, thử máu v.v… Tôi nghĩ chỉ là thủ tục thôi. Nên tôi đến nói nhỏ với Ôn đểÔn khỏi lo là: "Chắc xíu nữa họ khám xong không có gì, con đưa Sư Ông về, rồi con chế mì Sư Ông điểm tâm nghe". Ôn gật đầu và cũng hy vọng vậy. Sau khi bác sĩ lấy máu đi thử xong thì lại có những bác sĩ khác tiếp tục đến thử tiểu đường, thử nước tiểu...rồi họ hỏi nhiều câu hỏi khác nữa. Vì ở trong phòng kín, không thấy mặt trời, cứ tưởng còn sớm, nhưng khi xem đồng hồ thì đã11 giờ trưa. Đến lúc này tôi mới linh cảm được là có chuyện không đơn giản như mình nghĩ rồi. Đúng là vậy, kết luận đầu tiên của bác sĩ cho biết là Ôn bị chảy máu đường ruột, dẫn đến thiếu máu trầm trọng, nên phải chuyền máu liên tục suốt cả ngày đó và tiếp qua những ngày hôm sau. Thế là sự việc mỗi ngày mỗi trầm trọng. Hai hôm sau đó thì bác sĩ đã cho biết Ôn bị bịnh nan y ở giai đoạn cuối, giải pháp bây giờ chỉ là " còn nước còn tát". Sau đó đưa Ôn về chùa tịnh dưỡng vàđiều trị kết hợp bằng Tây y và Đông dược. Đúng 3 tháng sau, kể từ lúc tiếng gõ cửa phòng sáng sớm cuối cùng hôm đó, Ôn ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của chư Tôn Đức và Phật tử đang hộ niệm, lúc 9 giờ 25 tối, ngày 23/6/2016, Âm lịch 19/5/Bính Thân, trụ thế 83 tuổi.

Bây giờ suy nghĩ lại mới thấy, khi mình sống với nhau nó có sự liên hệ giao cảm mật thiết qua lại. Hễ người này bịnh thì ít nhiều có tác động đến người kia. Một người đau khổ sẽ ảnh hưởng đến niềm vui của người đối diện. Từ khi thành lập chùa Bắc Linh cho đến khi Ôn ngã bịnh, tôi chưa bao giờ có cái tâm lý nôn nôn, nao nao như đêm hôm đó. Có cái gì đó vô hình thúc đẩy mình phải về. Giả như hôm đó tôi không về, thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chắc chắn là Ôn không đủ sức đi xuống Pháp xá để gọi quý Thầy Cô khác. Nếu có chuyện gì bất trắc thì tôi là người hối hận nhất. Cho nên người xưa có câu: "Phụ mẫu tại tiền, bất khả viễn du" nghĩa là cha mẹ còn sống thì con cái không nên đi đâu đó quá xa là vậy. Mặc dù cuối cùng Ôn cũng ra đi theo định luật vô thường, nhưng ít ra mình cũng mãn nguyện được lo cho Ôn đến phút cuối cùng.

Đức Phật có lần gọi Ngài A Nan bảo rằng: "Này A Nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn". ( Kinh Đại Bát Niết Bàn). Tiếng gõ cửa của Ôn hôm đó cũng như một sự báo hiệu ba tháng sau Ôn viên tịch. Hạnh nguyện của Ôn cũng đã viên mãn. Cuộc đời của Ôn đã đóng góp rất nhiều cho ngôi nhà chung Phật Giáo, từ tranh đấu cho sự sống còn của Phật Giáo Việt Nam năm 1963, đến vượt biên, xây chùa, thành lập Giáo Hội tại hải ngoại v.v…Ôn có phong cách của nhà lãnh đạo, nhẹ nhàng, ôn hòa và oai nghiêm. Cho nên ở bất cứ thời đại nào, Ôn cũng là người lãnh đạo.

Một năm đã trôi qua, hôm nay chư Tăng Ni trong Giáo Hội về chùa Pháp Hoa đông đủ an cư và tổ chức lễ Tiểu Tường cho Ôn. Trong giờ quá đường, ngồi dưới nhìn lên bàn chứng minh, trong tâm tôi cảm thấy như Ôn còn đang hiện diện. Tôi xin được chia sẻ vài dòng tâm sự của kẻ ở người đi. Kẻ khai sơn, người thừa kế. Cầu nguyện Giác Linh Ôn phò hộ cho chúng con thêm sức mạnh, dũng tiến trên đường đạo.


Nam Mô A Di Đà Phật

Viết tại Trường Hạ Pháp Hoa  14/7/2017

Đệ tử Thích Viên Trí

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567