Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chọn một thái độ

14/07/201707:32(Xem: 7719)
Chọn một thái độ

Day 4-An Cu 2017 (143)
Chọn một thái độ

HT. Thích Bảo Lạc


Sống là một nghệ thuật, biết sống ý nghĩa tức đem trang trải cái đẹp cho cuộc đời, hình thành vườn hoa nhiều hương sắc. "Chỉ có nghệ thuật mới họa may làm lay chuyển được lòng người. Nghệ thuật đi vào đại học (đời) có thể làm cách mạng tư tưởng", nói như Giáo sư Ngô Trọng Anh qua bài viết "Hòa bình đầu tiên trong thế giới cuối cùng", đăng trong tập san Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh bộ mới, số 2 ngày 1 tháng 7 năm 1969.

Mỗi người có một cách sống, lối nhìn khác nhau, không ai giống nhau, tựu trung qui về một điểm chung là làm tươi đẹp, phong phú đời sống; qua đó ta tạm gọi là thái độ con người. Khó ai định nghĩa rõ ràng từ "thái độ" cho ta hiểu một cách chính xác, nên cố tìm cũng chỉ thấy có mấy từ thuờng dùng: Thái độ hòa ái, thái độ bất cần, thái độ hòa nhã, thái độ hống hách, thái độ cầu an, thái độ khinh miệt... cũng chưa mấy sáng tỏ. Nói chung trong cách biểu lộ của ta theo cái nhìn đối đãi (nhị nguyên): Lạc quan-bi quan, tích cực-tiêu cực, thiện-ác, tục-chơn, phàm-thánh v.v...

Đời sống hiện đại của con người rất đa dạng, thật là phong phú, song bên cạnh lại cũng vô vàn phức tạp ê hề tạp nham đối với chúng ta. Chẳng hạn, phương tiện truyền thông đại chúng tinh vi hóa ra xảo diệu, những tin tức đó đây cập nhật nhanh như hỏa tiễn, trong chớp mắt khắp thành thị đến thôn quê đâu đâu mọi người đều có thể theo dõi bắt kịp, chỉ cần cái computer nhẹ hìu mỏng dính, hay chiếc điện thoại tí xíu cầm tay là biết được mọi chuyện xa gần không mấy khó khăn, chẳng tốn kém thời gian bao nhiêu, như chiếc gương chiếu hậu ở trước mắt chỉ cần điều chỉnh là được. Nhưng phương tiện vật chất, lợi cũng lợi nhưng hại không biết cơ man nào mà kể, dù có tiết kiệm thời giờ hay sức lao động đi nữa! Bộ memory của máy vi tính hay điện thoại thông minh đưa con người nhảy vọt đôi chân lên không chấm đất. Đây còn là bài toán nan giải của nhân sinh chưa có đoạn kết. Đời sống của chúng ta hôm nay hầu mất gốc, cạn nguồn sống. Vì con người mãi theo đuổi phương tiện kỹ thuật mà không quan tâm tư tưởng để tụt hậu cũng khó sửa sai khắc phục được; vẫn còn ấu trỉ vì truyền thống chận đứng tư duy (*). Con người ngày càng trở nên thiếu thành thật, không lương thiện với chính mình một mặt, mặt khác lại ra sức kêu gọi vận động hòa bình thế giới, thử hỏi có mâu thuẫn với nhau không? Kinh tế thị trường là gì? Có phải chúng ta muốn cạnh tranh thu nguồn lợi lớn? Còn vấn đề nguyên tử hạt nhân là cái gì? Phải chăng là vũ khí giết người hàng loạt? Ai chủ trương cổ vũ? Vàai vận động phản đối? Đó là những vết thương đang mưng mủ khó lành của thời đại, thì việc chủ trương hòa bình thế giới chỉ còn là trên môi trên lưỡi mà thôi. Thái độ sống buông thả, bất thân thiện hay cá nhân chủ nghĩa v.v... là những chất ô nhiễm đen ngòm đủ sức công phạt rộng lớn, lâu dài không dễ khắc phục được, nếu chúng ta can đảm phá lệ làm cuộc cách mạng tư tưởng thử xem sao?

Nói thế không hề qui kết cho ai khác hơn là chúng ta phải chịu phần trách nhiệm. Không những có trách nhiệm, chúng ta còn có bổn phận làm đẹp, làm sạch môi trường hoàn cảnh chung quanh. Đây là cách biểu lộ thái độ sống tích cực của ta nhưng không làm mất tự do của người khác, loài khác cũng như mọi vật ngoài chúng hữu tình, còn có thế giới vô tình của thiên nhiên vạn vật, cũng cần sự sống và không khí trong lành như người không khác.

Chúng ta như người tài xế cầm tay lái giữ chiếc xe đi theo hướng của mình đã định trước, không giống như người đứng giữa ngã ba đường nhìn đèn xanh đèn đỏ, xe cộ lưu thông và lượng người xuôi ngược mà mất định hướng. Thái độ rõ ràng và dứt khoát có được cũng phải học từ kinh nghiệm của đời sống, có liên quan trực tiếp đến mọi mặt chính trị, xã hội, tôn giáo, kinh tế, giáo dục, gia đình để giữ đúng vị thế của mình trong tập thể hay cộng đồng nhân loại.

Người Phật tử sống đời sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, không chỉ hô hào, lên tiếng, kêu gọi, bày tỏ, bênh vực cho Hòa bình là đủ; không phải chỉ nói đến Tình thương là có Tình thương; không phải nói đến Đoàn kết là có Đoàn kết; không phải chỉ nói về hòa bình là đem hòa bình về cho quê hương dân tộc. Nói như thế, không có nghĩa chúng ta thụ động không làm gì hết mãi giữ im lặng chờ thiên hạ động tĩnh ra sao. Không, thái độ của chúng ta cần tích cực bằng cách "mỗi người phải dám nhìn thẳng bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi rằng mình có lường gạt mình bằng những đường lối tinh vi; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tự do trong tư tưởng; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự giải phóng khỏi tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tiêu trừ hết mọi đố kỵ thù hận; có thực sự tiêu trừ hết mọi sự triển khai bản ngã dưới mọi hình thức bằng cách lấp đầy sự trống rỗng của bản ngã bằng những ý niệm cao đẹp, những khẩu hiệu mà ai cũng muốn dùng trên lưỡi và môi như là Dân Tộc, Hòa Bình, Bác Ái, Từ Bi, Trách Nhiệm v.v...?" (Lời đầu tập san Tư Tưởng Đại Học Vạn Hạnh số I, 1969)

Cuộc hành trình kiểm nghiệm phải qua nhiều gian lao thử thách không trơn tru, nhưng rất ngoạn mục đầy sự quyết liệt một mất một còn giữa ta và bên đối nghịch. Liệu ta có nương tay, dung dưỡng cho bọn chúng ẩn náu hay là trừ dứt điểm để phòng mọi hậu họa. Vấn đề là làm sao không tự lường gạt mình dưới bất cứ hình thức nào trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn cách mấy. Câu hỏi đặt ra cho mình và cũng chính ta trả lời là chỉ khi chúng ta thành thật với chính mình mới thoát khỏi bị lường gạt bởi những chiêu thức cao cường của tự thân và thành phần chuyên nghiệp, trong đó có giới quyền lực không ngoại lệ. Trên lý thuyết là như vậy. Tự hỏi ta có tự do trong tư tưởng?

Tư tưởng tự do bàng bạc như mây trời tan loãng khắp đó đây không bị giam nhốt mà thật sự ta mong muốn, kể cả thần linh, tôn giáo. Con người có đủ lý trí quyết định mọi sự nhằm thăng hoa đời sống. Tư tưởng tự do giải phóng con người khỏi mọi sự ràng buộc, sợ hãi trong ý thức và vô thức. Người hiền trí không khuất phục bất cứ điều gì, vì con người là nhân tối thắng đầy đủ tuệ giác tin tưởng thoát khỏi mọi sự kèm hãm, áp chế của vô minh, phiền hoặc. Mặt khác, tiêu trừ mọi tham vọng hầu hãm đà như cánh chim đang lượn ở độ cao, bỗng có sợi chỉ hay cộng nhợ buộc chân giật lại mà hậu quả như ta biết, nếu không tử thương thì cũng bị xây xát phải cần băng bó cấp thời. Không cần điều tra theo dõi sự cố, vì vấn đề trở nên phức tạp theo hướng khác.

Vấn đề kế tiếp, chấm dứt mọi đố kỵ, nghi ngờ, thù hận, tỵ hiềm, sợ hãi đang tiềm ẩn nơi tâm ta, đây chính là mấy anh khủng bố thứ thiệt mà mỗi người phải đề phòng bằng trì giới để ngăn chặn trừ diệt. Hiểu theo cách đó chúng ta phải trừ nạn khủng bố nơi tâm mình trước, và sau mới lục tìm tung tích mấy gã cuồng tín, dễ tin lông bông . Đó là phương pháp truy địch có hiệu quả với thành tâm, thiện chí mỗi người để nghiệm xem với người nào có lòng, ai phản bội, lợi hại, dại khôn... biết đâu mà dò:
... Ai khôn, ai dại, những ai khờ
Dại dại, khôn khôn đừng nghĩ tới
Khôn mưu sĩ, khôn nhà dại chợ
Dại hiền từ, dại chúng ước mơ...
(Thơ: Mở trói của Sông Thu, Pháp Bảo ấn hành tháng 5 năm 2015)

Sức mạnh, uy quyền, vũ khí tối tân chưa là thượng sách tiêu diệt hết bọn say men tử đạo dám liều hy sinh mạng sống như chúng ta đang theo đuổi. Theo cách nghĩ của Krishnamurti qua chủ đề "Sự suy đồi của tâm" do Nguyễn Tường Bách biên dịch như sau:"Tại sao ngày nay lại có quá nhiều sự suy đồi trong mọi mặt của cuộc sống? Nếu xem lại lịch sử, ta sẽ thấy điều này. Hạt nhân của xấu xa và suy đồi vốn ta thấy trong các giáo hội suốt bao thế kỷ cũng như trong các đảng phái thời nay, họ hứa hẹn rất nhiều nhưng bản thân họ bị suy đồi và sinh ra chuyên chế. Tại sao mọi thứ đều giảm thiểu chất lượng theo cách thức này?". (Tham khảo 3).

Phải chăng chúng ta đều là những tay mơ, hay đàn cừu non dễ bị đánh lừa?
..."Kiếp con tằm bủa kén giăng tơ
Ráng sức dệt phạc phờ mệt nghỉ
Ra công đan tinh mỹ tổ mơ
Thu thúc mình nằm trơ hóa kiếp".
(Thơ Sông Thu như đã dẫn)

Mưu (mô), trí (trá) là hai vũ khí lợi hại mình và người ta không nhúng tay. Bả lợi không làm do mưu toan, tính kế gom về thì mình đâu hại ai bao giờ?

Điểm sau hết của bản nhận định trên đề cập bản ngã. Từ hồi nào đến giờ ta mê chấp ngã, nên vấn đề nêu ra là liệu chúng ta có trừ diệt mọi triển khai bản ngã? Hay lấp đầy sự trống rỗng của bản ngã hoặc che đậy bằng những khẩu hiệu thật kêu mà rỗng tuếch?

Ngã có nhiều dạng, nhưng không ngoài bốn anh đầu não: Si mê như gã say khước mê man không còn nhận biết gì nữa, như thi sĩ Tản Đà gói ghém trong hai câu thơ lục bát:

Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười
(Lại say, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu)

Anh chàng kế yêu quí cái ta sâu đậm, tức ngã tham, yêu thương say đắm cái ta là số một, qua mặt luôn luật pháp, nhà nước, cảnh sát; người anh em kế mang tánh cao ngạo, phách ra vẻ ta đây không ai qua mặt; người em thứ tư dù út oi coi vậy mà vô cùng lợi hại ưa ý kiến, nhận xét, dòm ngó, phán đoán, có khi làm thiên hạ tối tăm mày mặt, điên đảo chịu hết muốn nổi. Nói theo danh từ chuyên môn Phật học đó là ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến cùng cấu kết chung với nhau hợp thành phiền não căn bản mà ngu si đứng đầu. Bản ngã không có hình tướng trơn tuột như lươn (lẹo) có khi ta nhiếp phục được, còn đa phần thì không thể. Lúc nào nhiếp phục được? Đó là những lúc ta cương quyết dứt khoát không để bản ngã trổi dậy làm chủ như tham tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn mặc, tình dục... sai sử. Trừ diệt bản ngã cũng đánh thức cái u mê trong ta, nếu còn lại cũng chỉ le lói như ánh sáng đôm đốm thôi. Những đam mê, dung dưỡng, bắt chước, học đòi... giúp ngã vực dậy làm con người mình lăn quay theo gã luôn. Sau khi tỉnh mộng mới biết mình thân tâm tàn tạ dù trước đó ta cũng đường đường là trang nam nhi tài hoa không thua kém ai:

Râu hầm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài.

như thi hào Nguyễn Du mô tả vóc dáng vẫy vùng dọc ngang của Từ Hải trong truyện Thúy Kiều.

Nếu con người mình bất lực với bản ngã liệu kêu cảnh sát tới truy lùng kẻ đạo chích cũng chưa chắc bứng nổi mấy "giả" đi chỗ khác chơi được đâu. Nếu vậy, vào chùa tu thì may ra đở khổ? Ấy chết, đâu có ổn, cái tâm lí lắc như ngựa sổ dây cương, lanh chanh đu đưa như vượn chuyền cành mình chưa hãm kịp, vô chùa ai chịu nổi các tàn dư hậu quả? Chắc Phật cũng lắc đầu cho đệ tử này thôi.

Mấy vấn đề nêu trên như lời kêu gọi thống thiết không riêng cá nhân mà chung tập thể đối trước thời đại, liệu ta có chia sẻ được gì với quốc gia, dân tộc? Liệu mình có hoang mang, hốt hoảng, bất lực, bị cuốn hút vào dòng chảy của cuộc khủng hoảng, nhiễu nhương, bất công xã hội? Hay đó cũng chính là bản cáo trạng vạch rõ bản chất thiếu trách nhiệm của chúng ta? Có thể gộp chung các yếu tố đó cộng lại. Giới lãnh đạo, thành phần trí thức không thể thờ ơ bất lực đứng bên lề xã hội phê phán quy kết cho người nào khác được, mà phải biết phần hành tự giác gánh vác công việc chung. Con người sống trong hoàn cảnh chiến tranh như xã hội Việt Nam năm 68,70 của thế kỷ trước, và của chúng ta trong thế kỷ 21 hôm nay, trong cảnh thanh bình của Úc quốc, vẫn là mối trăn trở day dứt muốn tìm sinh lộ tự tồn bằng tuệ trí của mình: Thứ nhất, thành thật với chính mình, bắt tay hành động theo khả năng hiểu biết trong tinh thần xây dựng an bình, thịnh vượng cho cá nhân, xã hội. Thứ nhì, xét mình là một thành phần-một kiến trúc sư, góp sức kiến tạo ngôi nhà chung hoàn thành viên mãn. Và thứ ba, hơn ai hết, mỗi người Phật tử cư sĩ là một kỹ sư sẵn sàng đồ án (họa đồ), chiết tính kỹ thuật thiết kế chính xác hợp tác cùng kiến trúc sư xây dựng ngôi nhà vững chắc, lâu bền cho mọi người an tâm nương sống.

Bây giờ nói tới ngôi nhà trên thực tế, mọi người như đang sống chung đụng trong ngôi nhà lửa với tranh chấp, hận thù, ganh ghét, tỵ hiềm, kỳ thị, tham lam, sân giận, si mê, lầm lạc, ích kỷ. Lo chữa cháy là việc thứ nhất, tìm lối thoát tránh khỏi tử nạn là việc thứ hai, và còn thừa sức cứu cấp người thân thoát nạn là việc thứ ba. Tìm cách thực tế, hữu hiệu nhất mỗi người tự hạ bệ cái ngã ngay, vứt bỏ những thứ kềnh càng không cần thiết xuống thì nhẹ nhàng biết mấy! Ước chi ta được tự tại bay bổng lên cao như cánh diều có phải tự do hơn không.



Sa môn Thích Bảo Lạc

Viết tại Trường Hạ chùa Pháp Hoa – Nam Úc

Ngày 11 tháng 7 năm 2017


Tài liệu tham khảo:

  1. 1.    Tư tưởng, tập san cơ quan ngôn luận của Viện Đại Học Vạn Hạnh tập I ấn hành năm 1967, do Thư viện Huệ Quang Saigon phục chế tháng 11 năm 2014.
  2. 2.    Phật Quang đại từ điển cuốn 3 tra. 1238 do Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch, Hội VHGD Linh Sơn, Đài Bắc, xuất bản tại Đài Loan năm 2000.
  3. 3.    Đối diện cuộc đời của Krishnamurti, Nguyễn Tường Bách biên dịch, nxb Phụ nữ Saigon ấn hành năm 2014.
  4. 4.    Luận Đại thừa trăm pháp của Bồ Tát Thiên Thân tạo, Lê Hồng Sơn dịch, nxb Hồng Đức Saigon ấn hành nàm 2013.
  5. 5.    Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Lê Xuân Thủy dịch sang tiếng Anh, do Đại Nam xuất bản tại California, Hoa Kỳ, không thấy đề năm nào.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]