Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Độc Cư Nhàn Cảnh

06/06/201707:34(Xem: 7983)
Độc Cư Nhàn Cảnh


ht-thich-nhu-dien

Độc Cư Nhàn Cảnh
Thích Như Điển

                                             

Mỗi năm một lần như thế, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan đều tổ chức một Khóa An Cư Kiết Hạ và một Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu. Khóa An Cư Kiết Hạ thường tổ chức trong tháng Bảy dương lịch, vốn là mùa Hè của Á và Âu cũng như Mỹ Châu; nhưng với Úc Châu lại là mùa Đông. Trong khi đó Khóa Tu Học mùa Hè của Úc Châu vào tháng 12 mỗi năm, lại là  mùa Đông của các nước trên. Năm nay Giáo Hội tại Úc Châu tổ chức Khóa An Cư Kiết Hạ lần thứ 18 và Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ 17 cũng nhằm vào những mùa mưa nắng như trên tại xứ ở Nam Bán Cầu nầy.  Mỗi lần như vậy, tất cả chư vị Tăng Ni trong Giáo Hội đều được câu hội tại một trụ xứ để An Cư Kiết Hạ, theo tinh thần Luật tạng mà Đức Phật đã chế tự ngàn xưa.

 

Năm 2016 vừa qua, nhân việc đi tham dự Tang lễ của Cố Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ tại Adelaide, tôi có ghé về Melbourne mấy ngày để tham gia Khóa An Cư Kiết Hạ, cũng như tham dự lễ Tri Ân Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn tại Tu Viện Quảng Đức. Không khí an cư tại đây cũng như bao nhiêu Đạo Tràng trú xứ khác tại Việt Nam cũng như ở Ngoại Quốc ngày nay. Thật là trang nghiêm và đầy đủ uy lực của Tăng Già được quy tụ về một chốn; nhưng năm vừa rồi, lần đầu tiên thiếu hình bóng của Hòa Thượng Trưởng Lão Thích Như Huệ và năm 2017 nầy là lần thứ hai vắng bóng Ngài. Một năm có 365 ngày, nếu là cuộc sống bình thường, chúng ta ít quan tâm đến, thì hết ngày nầy qua ngày khác, chúng ta thấy nó trôi qua một cách tự nhiên; còn ở đây sao mà nó nhanh quá so với một người đã ra đi vĩnh viễn. Năm nay cũng là năm mà Giáo Hội và Môn Phong Pháp Phái Chúc Thánh kỷ niệm lễ Tiểu Tường của Ngài vào tháng 6 nầy và chắc rằng tập Kỷ Yếu ghi lại cuộc đời hành Đạo của Ngài trong những thập niên qua tại Hải Ngoại cũng như Quốc Nội sẽ được đề cập đến trong từng chi tiết một.

 

Ngày xưa  có một vị Vua ở Ấn Độ hỏi Ngài Tân Đầu Lô Phả rằng:

-          Đời sống của một người xuất gia có gì làm vui?

-          Tâu Bệ Hạ, độc cư nhàn cảnh là vui.

-          Phải có nhiều cung tần mỹ nữ như Trẩm mới vui chứ!

-          Tâu Bệ Hạ! Chỉ trong chốc lát rồi chịu khổ mà thôi!

Sau đó Ngài Tân Đầu Lô Phả kể cho Vua nghe về câu chuyện của một bầy ong đang bay qua miệng một cái giếng, rồi nhả mật xuống trúng một người đang bị một con voi dữ đuổi chạy và bị mắc kẹt dưới đó, trong khi người kia ngửa mặt lên trời để kêu cứu thì gặp bầy ong bay qua và mật được rơi vào miệng; người ấy rất vui khi liếm được những giọt mật ngọt, nhưng đồng thời cũng nhìn thấy hai con chuột một  đen, một trắng đang ngày đêm gặm nhấm rễ cây mà người ấy đang đu; kẻ kia tỏ ra sợ hãi chẳng biết cầu cứu với ai… Trong Đại Tạng Kinh Bắc Truyền, đây là một trong những câu chuyện hay, Ngài Tân Đầu Lô Phả đã kể câu chuyện để đáp lại cái nhìn của một nhà Vua vẫn còn đắm say nơi ngũ dục. Như vậy niềm vui của người xuất gia là gì? Xin thưa ngắn gọn là: Sống đạm bạc, an tĩnh nơi chốn vắng vẻ; đó là niềm vui. Chỉ khi nào người ta an lạc nơi nội tâm thì người ta mới chịu được cảnh sống một mình như thế. Nếu không, dẫu cho có sống giữa cung phi mỹ nữ, tôi tớ, quần thần đi chăng nữa, thì nhà Vua cũng cảm thấy trống vắng như thường và cuối cùng thì Đức Vua tin nhận những ví dụ bên trên của Ngài Tân Đầu Lô Phả là đúng.

 

Ngày nay người xuất gia ở trong cũng như ngoài nước, chúng ta bận rộn không biết bao nhiêu việc cho Chùa, cho Hội, cho Giáo Hội v.v… nhưng nếu chúng ta vẫn sống được với cuộc sống “Thiểu Dục Tri Túc” hay cuộc sống “Độc Cư Nhàn Cảnh” qua những lúc nhập thất hay An Cư Kiết Hạ như thế nầy, quả là điều hạnh phúc vô cùng. Cái hạnh phúc ấy không ai mang đến cho chúng ta cả, mà chính chúng ta phải tự tạo ra nó và phải tự cảm nhận được cái hạnh phúc chân thật mà Đời và Đạo đã mang lại cho ta; chứ không phải đứng đó mà nguyền rủa bóng đêm là: “Tại sao người khác lại sống hạnh phúc như thế, họ  đầy đủ phước báu như vậy, còn ta thì không. Phật và Bồ Tát chắc đã quên chúng ra rồi chăng?”. Nếu có người xuất gia hay tại gia nào mà còn hỏi những câu hỏi như thế, thì quả thật chúng ta chưa hiểu trọn vẹn lời Phật dạy và chưa thực hành đúng Pháp Hành một cách rốt ráo trong đời sống tỉnh thức của mình.

 

Phật Giáo Việt Nam của chúng ta ở trong cũng như ngoài nước ngày hôm nay nên chuyên về Pháp Hành nhiều hơn nữa để chúng ta thực sự là những sứ giả của Như Lai, luôn có thể mang đến sự an lạc và hạnh phúc cho chính mình và cho mọi người. Phật Giáo Tây Tạng có nhiều Vị Đại Sư xứng đáng với cảnh “Độc Cư Nhàn Cảnh” nầy và chúng tôi cũng mong rằng Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng sẽ có những bậc Long Tượng như vậy.

 

Nhân ngày An Cư Kiết Hạ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi -Tân Tây Lan năm nay, chúng tôi xin nguyện chúc Chư Tôn Trưởng Lão, chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni luôn được nhiều an lành trong trường Hạ. Sống an lạc vững chãi như những thân cây tùng cây bách, như Tổ Qui Sơn Linh Hựu đã từng răn nhắc những người xuất gia đời sau trong Qui Sơn Cảnh sách rằng: “Đời người xưa cao cả như thân cây Tùng cây Bách, tuy vào Đông thiên lạnh lẽo, nhưng Tùng Bách vẫn hiên ngang sống giữa gió sương lạnh giá. Đời ngày nay nếu chúng ta không làm được như thân cây Tùng và cây Bách thì ít ra chúng ta cũng sẽ làm được những giây leo, khi Tùng cao đến đâu thì giây leo sẽ leo đến đó”.

Xin chấp hai tay nguyện cầu như vậy.

Viết xong tại chùa Tam Bảo, Moss, Na Uy vào một sáng mùa Đông lạnh giá ngày 26.2.2017
TK Thích Như Điển





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]