TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
148. Kinh SÁU SÁU
( Chachakka sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ – trú qua
Tinh Xá Chê-Tá-Vá-Na
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka cúng dàng.
(Cấp-Cô-Độc là hàng Trưởng-giả
Rất thâm tín Giác Giả Phật Đà ).
Thế Tôn cho gọi Tăng-Già
Giảng đường vân tập, nói ra như vầy :
– “ Chúng Tăng này ! Hãy nghe cho kỹ
Và suy gẫm nghĩa lý pháp này ”.
Rồi đức Thế Tôn giảng ngay :
– “ Này Tỷ Kheo Chúng ! Như Lai trình bày
Một bài pháp tròn đầy (viên mãn)
Các Tỷ Kheo ! Ta giảng giải ra
Về Kinh ‘Sáu sáu’, tức là
Sơ & trung & hậu-thiện – nghĩa và văn đây,
Phạm hạnh này hoàn toàn viên mãn
Hãy nghe. Ta sẽ giảng giải ra ”.
– “ Thưa vâng, bạch đức Phật Đà ! ”.
Các Tỷ Kheo ấy vâng qua lời Ngài.
(Tóm lược)
Đức Thế Tôn nghiêm oai giảng giải :
– “ Sáu Nội-xứ cần phải hiểu rành,
Sáu Ngoại-xứ cần hiểu rành,
Sáu Thức-thân cần hiểu rành chánh chân,
Sáu Xúc-thân cần phải biết rõ,
Sáu Thọ-thân cần rõ biết rành,
Sáu Ái-thân cần biết rành,
(Liệt kê)
Khi được nói đến ‘Cần nhanh biết liền
Sáu nội-xứ’. Do duyên gì khiến
Được nói đến như vậy ? Đó là
Nhãn & nhĩ & tỷ & thiệt-xứ, và
Thân-xứ, ý-xứ. Khi ta nói rằng :
‘Sáu nội-xứ phải cần biết rõ’,
Do duyên đó được nói như vầy,
Là ‘Sáu sáu’ thứ nhất đây.
Khi được nói đến điều đây, cho rằng :
‘Sáu ngoại-xứ phải cần biết rõ’,
Duyên gì, nó được nói đến vầy ?
Sắc & thinh & hương & vị-xứ này,
Xúc-xứ, pháp-xứ đủ đầy ở đây,
Do duyên này nói đến như thế,
Đây được kể ‘Sáu sáu’ thứ hai.
Khi được nói đến như vầy :
‘Các thức-thân cần biết ngay’. Duyên gì
Được nói đến tức thì như vậy ?
Do duyên mắt và lại do duyên
Các sắc, nhãn-thức khởi lên.
Do tai & các tiếng làm duyên khởi liền
Nhĩ-thức. Rồi do duyên về mũi,
Duyên các hương, tỷ-thức khởi lên.
Do lưỡi & các vị khởi lên
Thiệt-thức. Do thân và duyên làm nền
Là các xúc, khởi lên thân-thức.
Duyên ý lực & các pháp, khởi ra
Ý-thức. Khi được nói là :
‘Sáu thức-thân cần biết qua’, chính là.
Do duyên mà được nói như thế,
Đây được kể ‘Sáu sáu’ thứ ba.
Khi nào được nói đến là :
‘Sáu xúc-thân phải biết qua’, vậy thì
Do duyên gì được nói như vậy ?
Duyên mắt ấy & các sắc, khởi ngay
Nhãn-thức. Rồi do duyên tai,
Do duyên các tiếng – khởi ngay lên liền
Nhĩ-thức. Và do duyên mũi ấy
Duyên hương dậy, tỷ thức khởi ra.
Do lưỡi & các vị – khởi ra
Thiệt-thức. Sự gặp gỡ ba pháp này
Gọi là xúc. Thân đây & các xúc
Thì thân-thức tiếp tục khởi ra.
Duyên ý & các pháp – khởi ra
Ý-thức. Sự gặp gỡ ba pháp này
Là xúc đây. Khi được nói ví :
‘Do duyên ý & các pháp – khởi lên
Ý-thức. Sự gặp gỡ trên
Ba pháp là xúc. Nói lên : ‘Phải cần
Hiểu biết sáu xúc-thân cho rõ’,
Do duyên đó, được nói như vầy,
‘Sáu sáu’ thứ tư là đây.
Cũng vậy, sáu thọ-thân đây phải tường
Do sáu căn này tương duyên tới
Duyên sáu trần, liền khởi lên ngay
Nhãn-thức, nhĩ & tỷ-thức này,
Thiệt & thân & ý-thức đêm ngày xảy ra.
Sự gặp gỡ của ba pháp ấy
Là xúc đấy ! Do xúc, thọ ngay.
Khi được nói đến như vầy :
‘Sáu thọ-thân phải biết ngay’, chính là
Vì do duyên này mà nói thế,
Đây được kể ‘Sáu sáu’ thứ năm.
Tiếp tục khi được nói rằng :
‘Cần phải biết sáu ái-thân’ nhắm vào,
Do duyên nào nói đến như thế ?
Do sáu căn liên hệ sáu trần
Khởi lên sáu thức các phần,
Sự gặp gỡ ba thành phần kể trên
Là xúc. Và do duyên xúc đó
Thì có thọ. Do thọ, ái sanh.
Chính do duyên này nên danh,
‘Sáu sáu’ thứ sáu được thành hình ra.
(Giảng về vô ngã)
Nếu ai nói : ‘Mắt là tự ngã’,
Như vậy đã chẳng hợp lý gì.
Sự sanh và sự diệt đi
Của mắt đã được thấy. Vì sự sanh
Và sự diệt sẵn dành của mắt
Đã được thấy, nên chắc chắn là
Đưa đến kết luận rõ ra :
‘Nơi tôi, tự ngã sanh và diệt qua,
Nên nếu nói ‘Mắt là tự ngã’
Như vậy đã chẳng hợp lý rồi !
Con mắt là vô ngã thôi !’.
Cũng vậy, tai, mũi, đồng thời lưỡi, thân,
Cùng ý. Những thành phần như thế
Nếu ai nói đại để như là :
‘Sáu căn là tự ngã’ mà !
Là không hợp lý nói ra như vầy.
Phải hiểu : Sáu căn này vô ngã.
Nếu như ai diễn tả điều này :
‘Sáu trần là tự ngã’ đây !
Cũng không hợp lý. Như vầy hiểu ra :
Sự sanh và sự diệt, đoạn tục
Sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp này
(Tức là lục trần ở đây)
Do được thấy, nên đưa ngay đến phần
Kết luận rằng : ‘Tự ngã sanh & diệt
Ở nơi tôi’. Do biết như vầy
Nếu ai nói : ‘Sáu trần này
Là tự ngã’ – Phải hiểu ngay nói vầy
Không hợp lý. Sắc này vô ngã,
Cũng vô ngã : vị, xúc, thinh, hương,
Pháp cũng vô ngã, vô thường,
Nhãn-thức, nhãn-xúc cũng dường ‘thọ’ đây.
Nếu như ai nói là ‘tự ngã’
Hay ‘Ái là tự ngã’ nói vầy
Đều là không hợp lý ngay.
‘Các pháp là tự ngã’ đây cũng là
Không hợp lý. Sanh và sự diệt
Của các pháp được biết, thấy qua
Nên đưa đến kết luận là :
‘Tự ngã sanh & diệt chính là nơi tôi’.
Ý tự ngã, pháp thời tự ngã,
‘Ý thức là tự ngã’ nói vầy
Thời cũng không hợp lý ngay.
Ý thức, ý xúc ở đây cũng tày.
Thọ & Ái này nói là tự ngã
Không hợp lý về cả hai đây.
Tóm lại, vô ngã dẫy đầy
Ý, các pháp, ý thức hay các điều
Ý xúc, thọ, ái đều vô ngã.
(Nguồn gốc và đoạn diệt thân kiến)
Các Tỷ Kheo ! Tất cả phải tường
Nhưng đây chính là con đường
Đưa đến sự tập khởi thường xảy ra
Của thân kiến : Quán ra mắt ấy,
Ai quán thấy nhãn thức, cùng là
Nhãn xúc, thọ, ái – kể ra
Quán tai, mũi, lưỡi, thân và ý đây,
Các pháp này, ý thức, ý xúc,
Và quán Ái – các mục vừa rồi :
‘Cái này chính là của tôi’,
‘Là tôi’, ‘tự ngã của tôi’ – chấp vào.
Các Tỷ Kheo ! Mặc dầu như thế
Có con đường này để đưa ngay
Đến đoạn diệt thân kiến này.
Những ai quán sáu căn hay sáu trần :
‘Không phải rằng của tôi’, ‘tôi đó !’,
‘Không phải có tự ngã của tôi’.
Quán sáu thức, sáu xúc, rồi
Quán thọ, quán ái đồng thời hiểu thông :
‘Cái này không của tôi’, ‘tôi đó’,
‘Không phải nó tự ngã của tôi’.
(Ba độc tùy miên)
Các Tỷ Kheo ! Do duyên nơi
Mắt và các sắc, tức thời khởi ra
Nhãn thức. Và gặp gỡ ba pháp
Tức là xúc. Do xúc khởi ra
Lạc thọ, khổ thọ hay là
Bất khổ bất lạc thọ mà có ra
Do cảm xúc có qua lạc thọ
Mà hoan hỷ và có tán dương
Trú ở ái-trước một phương,
Tham-tùy-miên vị ấy thường tùy tăng.
Do cảm xúc khổ, hằng sầu muộn,
Than van, luống đập ngực khóc than,
Rơi vào bất tỉnh mê man
Sân-tùy-miên vị ấy càng tùy tăng.
Bất khổ & lạc thọ hằng cảm xúc
Không như-thực tập khởi biết qua
Cũng không biết đoạn diệt, và
Sự gì nguy hiểm cùng là xuất ly
Khỏi cảm thọ, tức thì vị ấy
Vô-minh-tùy-miên đấy tùy tăng.
Này các Tỷ Kheo ! Do rằng
Vị ấy không đoạn tận phần tùy miên
Là tham & sân-tùy-miên đối với
Khổ thọ, bởi không nhổ lên ngay
Vô minh tùy miên như vầy.
Với bất khổ & lạc thọ ngay hành trình
Không đoạn tận vô minh u tối,
Không làm cho ‘minh’ khởi lên ngay
Có thể trong hiện tại nay,
Là người dứt khổ – Điều này khó mong !
Các Tỷ Kheo ! Do trong duyên mắt,
Duyên các sắc,nhãn-thức khởi ngay,
Sự gặp gỡ ba pháp đây
Là xúc. Do duyên xúc này khởi ra
Lạc thọ, khổ thọ và cũng có
Bất khổ bất lạc thọ như vầy.
Các Tỷ Kheo ! Do duyên tai,
Duyên các tiếng, nhĩ-thức này khởi ra.
Do mũi và các hương, tỷ-thức
Được khởi lên. Tiếp tục do duyên
Lưỡi, các vị, thiệt-thức liền
Khởi lên. Thân, các xúc tuyền do duyên
Mà khởi lên thân-thức. Duyên ý
Duyên các pháp, khởi ý-thức liền,
Sự gặp gỡ ba pháp trên
Là xúc. Do xúc khởi lên lạc này,
Khổ thọ hay bất khổ & lạc thọ.
Do cảm xúc lạc thọ, hân hoan
Tán thán, ái-trước trú an,
Tham-tùy-miên ấy tùy tăng theo liền.
Do cảm xúc do duyên khổ thọ
Mà sầu muộn, đau khổ, than van
Đập ngực, thống khổ khóc than,
Rơi vào bất tỉnh mê man tâm thần
Sân-tùy-miên tùy tăng lập tức.
Do cảm xúc bất khổ & lạc này
Mà không như thật biết ngay
Sự tập khởi, đoạn diệt, đầy hiểm nguy,
Vị ngọt, sự xuất ly cảm thọ…
Vô-minh- tùy-miên đó tùy tăng.
Này các Tỷ Kheo ! Do rằng
Vị ấy không đoạn tận phần tùy miên
Là tham & sân-tùy-miên đối với
Khổ thọ, bởi không nhổ lên ngay
Vô minh tùy miên như vầy.
Với bất khổ & lạc thọ ngay hành trình
Không đoạn tận vô minh u tối,
Không làm cho ‘minh’ khởi lên ngay
Có thể trong hiện tại nay,
Là người dứt khổ – Điều này khó mong !
(Đoạn tận ba độc)
Các Tỷ Kheo ! Còn trong chi tiết
Ngược lại với những việc trên đây
Khi cảm xúc lạc thọ này
Vị ấy không hoan hỷ hay khen vầy
Không trú ái-trước đây, do vậy
Tham-tùy-miên vị ấy không tăng.
Khi cảm xúc khổ thọ phần
Cũng không sầu muộn, không hằng khóc than
Sân-tùy-miên liền đang giảm vợi.
Cảm xúc với bất khổ & lạc này
Mà như thật được biết ngay
Sự tập khởi, đoạn diệt hay như là
Vị ngọt và sự nguy hiểm đó,
Xuất ly khỏi cảm thọ ở đây,
Vô-minh-tùy-miên vị này
Không tùy tăng. Do diệt ngay mối giềng
Tham-tùy-miên với lạc thọ ấy,
Sân-tùy-miên bị tẩy trừ đi.
Đối với khổ thọ những gì
Vô-minh-tùy-miên nhổ đi, do vầy
Với thọ này bất khổ bất lạc
Đoạn tận vô minh, đạt điều này :
Làm cho ‘minh’ khởi lên ngay
Ngay trong hiện tại. Vị này tiến mau
Chấm dứt mọi khổ đau mãi mãi.
Sự kiện ấy là có xảy ra.
Các Tỷ Kheo ! Do duyên là
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đây
Do duyên sắc, tiếng hay hương, vị,
Xúc, pháp… bị phát khởi lên ngay
Nhãn & nhĩ & tỷ & thiệt-thức đây
Cùng với thân & ý-thức này khởi lên
Sự gặp ba pháp trên là xúc,
Do cảm xúc – lạc, khổ thọ và
Bất khổ & lạc thọ trải qua.
Cảm xúc lạc thọ nhưng mà không khen
Không hoan hỷ, không liền ái-trước
Tham-tùy-miên chận được, không tăng.
Khi cảm xúc khổ thọ, hằng
Không sầu muộn, cũng không phần khóc than…
Sân-tùy-miên liền đang giảm đó.
Bất khổ bất lạc thọ gặp đây
Vị ấy như thật biết ngay
Tập khởi, vị ngọt, diệt rày, hiểm nguy,
Sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy
Vô-minh-tùy-miên đấy không tăng.
Này các Tỷ Kheo ! Do rằng
Sự diệt tham-tùy-miên phần vị đây
Đối với lạc thọ này như vậy.
Do trừ tẩy cả sân-tùy-miên
Đối với khổ thọ trược phiền
Nhổ bật vô-minh-tùy-miên với phần
Bất khổ & lạc thọ cần đoạn tận
Vô minh hẳn, khiến ‘minh’ khởi ngay
Có thể ngay hiện tại này,
Là người chấm dứt, đoạn rày khổ ngay,
Sự kiện này nhất định có vậy.
(Giải thoát)
Thánh đệ tử vị ấy đa văn
Yểm ly sáu căn, sáu trần
Sáu thức, sáu xúc cũng cần yểm ly.
Do yểm ly – ly tham, giải thoát,
Trong giải thoát, hiểu biết tức thời :
“Ta đã được giải thoát rồi !”
Tuệ tri : “Sanh đã tận, thôi không còn,
Phạm hạnh đã thành toàn đúng mực
Việc cần làm đã thực hiện rồi,
Không còn trở lại cõi đời,
(Luân hồi chấm dứt, dứt rồi tử sanh)”.
Đức Thế Tôn an lành thuyết giảng
Kinh “Sáu sáu” viên mãn, minh quang
Các Tỷ Kheo trong đạo tràng
Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ( 3 L )
* * *
( Chấm dứt Kinh số 148 : Kinh SÁU SÁU –
CHACHAKKA Sutta )