TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
122. Kinh ĐẠI KHÔNG
( Mahàsunnata sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, đức Thế Tôn Giác Giả
Giữa dòng họ Sắc-Dá – Thích-Ca (1)
Ca-Tỳ-La-Vệ trú qua
(Ka-Pi-La-Vát-Thú) là kinh đô (1)
Ở tu viện Ni-Rô-Thá đó
(Tức Ni-Câu-Luật Thọ-Viên môn). (1)
Vào buổi sáng, đức Thế Tôn
Đắp y mang bát vào trong Thành là
Ka-Pi-La-Vát-Thú khất thực.
Sau khi đã khất thực xong rồi
Chọn một gốc cây, Ngài ngồi
Thọ thực trong khoảng ngọ thời, uy nghi.
Trên đường đi trở về trú xứ
Đấng Điều Ngự ghé lại nơi nhà
Của Ka-Lá-Khê-Ma-Ka (2)
Cũng thuộc dòng họ Thích-Ca với Ngài.
Tại nơi này, Thế Tôn nhìn thấy
Nhiều sàng tọa đặt đấy từ lâu.
Thế Tôn không hiểu vì sao
Có nhiều sàng tọa đặt vào nơi đây.
Ngài nghĩ ngay : ‘Tại sao lại có
Nhiều sàng tòa đây đó sắp ra
_______________________
(1) : Kinh đô Kapilavatthu (Ca-Tỳ-La-Vệ) của dòng họ Thích-Ca
( Sakya ), có Tu viện Nigrodha (Ni-câu-luật Thọ Viên).
(2) : Một người thuộc họ Thích-Ca tên Kalakhemaka.
Tại nhà của vị Thích-Ca
Là Ka-Lá-Khê-Ma-La như vầy ?
Không biết là ở đây quy tụ
Nhiều Phích-Khú chọn để trú qua ? ”.
Lúc ấy, ngài A-Nan-Đa
Cùng nhiều Phích-Khú họp mà làm y
(Tức là Chi-Va-Ra-Kam-Má) ( Civarakamma )
Tại nhà Ga-Ta-Dá Thích-Ca.
Thế Tôn vào buổi chiều tà
Xuất định đứng dậy đi qua đến nhà
Của ông Ga-Ta-Da Sắc-Dá, ( Ghataya )
Ngài ngồi vào chỗ đã soạn riêng
Thế Tôn khi đã ngồi yên
Liền hỏi Tôn-giả nhu hiền A-Nan :
– “ Này A-Nan ! Rất nhiều sàng tọa
Tại trú xứ Hiền-giả Thích-Ca
Tên Ka-Lá-Khê-Ma-Ka
Không biết Phích-Khú trú là bao nhiêu ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Rất nhiều Phích-Khú
Đã an trú nơi ấy mọi thì
Nay thời chúng con làm y ”.
– “ Này A-Nan-Đá ! Một Tỳ-Kheo Tăng
Không chói sáng nếu hằng thích thú
Trong hội-chúng quy tụ của mình
Hân hoan trong hội-chúng mình
Hoan hỷ trong hội-chúng mình vui tươi.
Trong hội-chúng của người, thích thú.
Hay Phích-Khú hoan hỷ, vui hòa
Vui trong hội-chúng người ta,
Mà được chứng đắc tùy qua ý rằng
Chứng đắc không khó khăn, mệt nhọc,
Viễn ly, độc cư lạc, tịnh an,
Chánh giác lạc – thì hoàn toàn
Sự kiện như vậy không hằng xảy ra.
Nhưng này A-Nan-Đa ! Ngược lại
Tỷ Kheo ấy thường sống một mình
Xa lánh tụ hội linh tinh
Thời có hy vọng tự mình chứng qua
Tùy ý mà mình ước muốn đó,
Chứng đắc không gian khó, mệt nhoài,
Viễn ly lạc, an tịnh đầy,
Độc cư lạc – Sự kiện này khả thi.
Này A-Nan ! Nếu Tỳ-Kheo ấy
Thích thú mãi hội-chúng của mình,
Hân hoan trong hội chúng mình.
Thích thú trong hội chúng tinh của người,
Trong hội chúng của người hoan hỷ,
Mà tự nghĩ sẽ chứng đắc toàn
Với tâm giải thoát, trú an
Được thoải mái và trải sang hạn kỳ
Hay không có hạn kỳ, bất động
Sự kiện giống như vậy thật là
Không thể nào mà xảy ra.
Lại nữa, này A-Nan-Đa ! Sự tình
Tỷ Kheo nào một mình an lạc
Xa lánh các tụ hội linh tinh
Giữ tâm định tĩnh, an bình
Thời có hy vọng tự mình chứng qua
Theo ý mà mình đã muốn đó,
Chứng đắc không gian khó, mệt nhoài,
Viễn ly lạc, an tịnh đầy
Độc cư lạc – Sự kiện này khả thi.
A-Nan ! Ta không suy quán thấy
Sắc pháp nào trong ấy có ra
Hân hoan, hỷ lạc nào mà
Chịu sự biến dịch, trải qua đổi dời
Mà đồng thời không khởi sầu, khổ,
Ưu, bi, não mọi chỗ bất an.
A-Nan ! Nhưng sự trú an
Được Ta giác ngộ hoàn toàn viên thông,
Tức là sau khi không tác ý
Với tất cả tướng dĩ ngoài trong
Chứng đắc, an trú nơi ‘không’.
A-Nan-Đa ! Nếu như trong khi mà
Ta an trú trong an trú đó
Nếu mà có Tỷ Kheo hay Ni, (1)
Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, (1)
Quốc vương, Thái-tử, các vì Đại quan,
Hay các hàng ngoại đạo… cả thảy
Đến yết kiến, khi ấy Ta thì
Với tâm hướng đến viễn ly
Thiên về, chú trọng viễn ly hoàn toàn,
Độc cư, hoan hỷ trong ly dục
Khiến đoạn tận về mục pháp đang
_____________________________
(1) : Bốn Chúng đệ tử của Đức Phật : 2 hạng xuất gia là Tỷ Kheo
hay Tỳ-Khưu ( Bhikkhu ) và Tỷ-Kheo-Ni ( Bhikkhuni ). 2 chúng
tại gia cư sĩ là Upasiko ( Ưu-Bà-Tắc -
Nam ) và Upasikà ( Ưu-Bà-Di - Cận-sự Nữ hay Tín Nữ). Vì tập
tục Ấn Độ người Tại Gia thường mặc đồ trắng nên các Cư-sĩ
được gọi là hàng Bạch Y hay người áo trắng ).
Dựa trên lậu hoặc trú an
Nói lên tại chỗ ấy toàn lời ngay
Lời thuần túy với đầy khích lệ.
Do như thế, này A-Nan-Đa !
Nếu Tỷ Kheo ước vọng là :
‘Khi chứng đạt ‘nội không’, ta trú liền’.
Tỷ Kheo đó phải chuyên chỉ tịnh,
Chuyên nhất và an định nội tâm.
Thế nào Tỷ Kheo đạt nhằm
Chuyên nhất, an định nội tâm như vầy ?
A-Nan-Đa ! Ở đây Phích-Khú
Sống ly dục, bất thiện pháp ly,
Chứng đạt, an trú tức thì
Sơ Thiền – hỷ lạc do ly dục thành,
Trạng thái này sẵn dành tầm, tứ.
Diệt tầm, tứ – chứng, trú Nhị Thiền
Trạng thái hỷ lạc, an nhiên
Định sanh, diệt hẳn về duyên tứ, tầm,
Đạt nội tĩnh nhất tâm. Tiếp đó
Tỷ Kheo nọ lần lượt chứng qua
Tam Thiền, Tứ Thiền an hòa.
A-Nan ! Vị Tỷ Kheo mà trải qua
An chỉ và an tọa, chuyên nhất
Rồi như thật an định tâm trong,
Vị ấy tác ý ‘nội không’,
Trong khi vị ấy ‘nội không’ nghĩ về
Tâm không hề thích thú, tin tưởng
Không an trú, không hướng ‘nội không’
Sự kiện là thế ! Phải thông
Biết rằng : ‘Tác ý ‘nội không’ như vầy
Ta không rày thích thú, tin tưởng,
Không an trú, không hướng ‘nội không’.
Vị ấy ý thức rõ thông
Tiếp tục tác ý ‘ngoại không’ trong lòng
Tác ý nội & ngoại không, bất động.
Khi tác ý bất động, vị này
Tâm không thích thú mảy may
Cũng không an trú nơi đây hoàn toàn,
Không tịnh tín, không màng hướng đến
Về bất động – Sự kiện là vầy.
Vị Tỷ Kheo, A-Nan này !
Biết rằng : ‘Sự tác ý ngay điều là
Bất động thì tâm ta không thích,
Không tịnh tín, không trú hướng ngay
Nội không – Sự kiện là vầy.
Vị ấy ý thức điều đây rõ ràng.
Này A-Nan ! Vị ấy cần phải
An trú, chuyên nhất vậy, cùng là
An định nội tâm trải qua
Trên ‘định tưởng’ đã đề ra trước này.
Rồi vị đây ‘nội không’ tác ý.
Khi vị ấy tác ý ‘nội không’
Tịnh tín, an trú, vừa lòng
Và tâm hướng đến nội không tức thì
A-Nan-Đa ! Sự kiện thì như vậy
Và vị ấy biết rõ điều đây.
Rồi tác ý ngoại không này
Tác ý nội & ngoại không đây nhất tề
Tác ý về bất động, tự nghĩ
Khi tác ý bất động như vầy
Tâm thích thú, tịnh tín đầy
An trú, hướng bất động ngay dễ dàng
Và rõ ràng ý thức như vậy.
A-Nan ! Nếu vị ấy trú an
Trong sự an trú hoàn toàn
Tâm vị ấy liền hướng sang kinh hành.
Vị ấy đi kinh hành và nghĩ :
‘Khi ta đang tịnh chỉ kinh hành
Các bất thiện pháp chẳng lành
Tham, ưu… không có phát sanh, chẳng vào’.
A-Nan ! Tỷ Kheo nào an trú
Trong an trú, hướng đến đứng yên
Hay tâm hướng đến ngồi yên,
Hoặc tâm vị ấy hướng lên sự nằm.
Nghĩ rằng : ‘Ta ngồi, nằm, đi, đứng,
Bốn oai nghi – thời những ưu, tham,
Các bất thiện pháp quý, tàm
Không có chảy đến, không làm phát sinh’.
Tỷ Kheo đó đinh ninh điều ấy
Và ý thức như vậy rõ ràng.
Trường hợp khác, này A-Nan !
Khi an trú trong trú an, vị này
Tâm hướng ngay đến vấn đề nói,
Suy nghĩ : ‘Ta không nói chuyện gì
Thuộc về hạ liệt bần di,
Phàm phu, đê tiện, không quy kết về,
Không liên hệ vấn đề Thánh tịch,
Không liên hệ mục đích yểm ly,
Ly dục, đoạn diệt tức thì
An tịnh, thắng trí, giác tri Niết bàn,
Biết rõ ràng như Quốc-vương-luận,
Đạo-tặc-luận, đại-thần-luận, hay
Quân-luận, bố-úy-luận này
Chiến-tranh & thực-vật-luận hay những gì
Ẩm-liệu-luận cùng y-phục-luận,
Ngọa-cụ & hương-liệu-luận đây
Hoan-man-luận, thôn-luận này,
Thân-thích & xa-thừa-luận hay anh-hùng &
Thị-trấn & đô-thị-luận cùng quốc-độ &
Nữ-luận đó cùng luận-hạng-trung,
Thủy-bình-xứ-luận được dùng,
Tiên-linh & sai-biệt-luận từng nói qua,
Thế-giới và hải-thuyết-luận nữa
Hữu-vô-hữu-luận dựa vào đây.
Ở đây sau trước vị này
Ý thức như vậy điều đây rõ ràng.
Này A-Nan ! Với những lời nói
Thuộc vào loại khắc khổ, mọi thì
Đưa đến nhất hướng yểm ly,
Khai tâm, đoạn diệt, an vì ly tham,
Thắng trí và tịnh thanh giác ngộ
Hướng Niết-bàn là chỗ tối tôn,
Như thiểu-dục-luận, và còn
Tinh-cần & tri-túc-luận – đồng nêu ra
Giới & định & tuệ & bất-chúng-hội-luận,
Giải-thoát-luận, độc-cư-luận này,
Giải-thoát-tri-kiến-luận đây…
Nghĩ : ‘Ta nói các luận ngay như vầy’.
Chính vị này ý thức rõ vậy.
Còn nếu Tỷ Kheo ấy ở đây
An trú với an trú này
Mà tâm vị ấy hưóng ngay suy tầm
Rồi nghĩ thầm : ‘Đối với các việc
Suy tầm qua hạ liệt, phàm phu,
Đê tiện, không thuộc phạm trù
Bậc Thánh, không liên hệ từ mục tiêu,
Không đến điều yểm ly, đoạn diệt,
Không ly tham, không thiệt tịnh an,
Không thắng trí, ngộ Niết-bàn
Như dục-tầm, sân-tầm, đang hại-tầm…
Không suy nghĩ, suy tầm như vậy
Và vị ấy ý thức rõ ràng.
Còn điểm khác, này A-Nan !
Năm dục-trưởng-dưỡng sẵn sàng là sao ?
Sắc do mắt trước sau nhận thức
Khả hỷ, thực khả lạc, đáng yêu
Liên hệ dục, hấp dẫn nhiều.
Tiếng, hương, vị, xúc các điều kể đây
Nhân do tai, mũi, lưỡi. Còn xúc
Là do thân nhận thức sớm chiều
Khả hỷ, khả lạc, đáng yêu,
Liên hệ dục, hấp dẫn nhiều người ta,
Đó chính là năm dục-trưởng-dưỡng.
Tỷ Kheo cần phải hướng từ đây
Thường quán sát từ tâm vầy :
‘Tâm ta có khởi lên đầy nghĩ suy
Tâm hành gì với Xứ tương tác
Xứ này hay xứ khác như vầy
Của năm dục-trưởng-dưỡng đây ?
Trong khi quán sát, vị này tuệ tri :
‘Tâm ta thì khởi lên dào dạt
Tâm hành với xứ khác, xứ này
Của năm dục-trưởng-dưỡng đây’.
Sự kiện là vậy, vị đây nghĩ vầy :
Dục, ái này khởi do năm dục
Chưa một lúc nào ta diệt tan’.
Vị ấy ý thức rõ ràng.
Nếu Tỷ Kheo trong khi đang tinh cần
Quán sát phần như vậy, suy nghĩ :
‘Trong tâm ta đình chỉ khởi ngay
Tâm hành với xứ khác & này
Của năm dục-trưởng-dưỡng đầy hiểm nguy’.
Vị Tỷ Kheo tuệ tri tiếp tục :
‘Dục tham cùng năm dục, với ta
Đã được đoạn diệt’. Vậy là
Vị ấy đã ý thức ra rõ ràng.
Này A-Nan ! Có năm thủ-uẩn
Tỷ Kheo cần tinh tấn diệt nhanh
Khi tùy-quán sự diệt sanh
‘Đây sắc, sự tập khởi dành sắc đây,
Đây là sự diệt ngay của sắc.
Đây là thọ, chấp chặt thọ đây,
Sự tập khởi của thọ này.
Đây sự đoạn diệt thọ ngay chẳng chầy.
Đây là tưởng & hành hay thức-uẩn
Sự tập khởi các uẩn đêm ngày,
Sự đoạn diệt các uẩn này…’
Khi an trú, tùy-quán rày diệt sanh
Của năm uẩn, nếu sanh ngã mạn
Khởi vô hạn với năm uẩn đây,
Ngã mạn được đoạn tận ngay,
Sự kiện là như vậy. Này A-Nan !
Tỷ Kheo tuệ tri rằng : ‘Phàm có
Sự ngã mạn nào đó khởi ra
Với năm thủ-uẩn nơi ta
Ngã mạn đó đã được ta diệt rồi !’
Vị ấy thời ý thức rất rõ.
A-Nan ! Những pháp đó hiện tiền
Thuần nhất, liên hệ Thiện hiền,
Thuộc bậc Thánh, siêu thế, liền vượt qua
Ngoài tầm của ác ma, ác quỷ.
A-Nan-Đa ! Ông nghĩ thế nào ?
Vì thấy lý do tại sao
Một Thánh đệ tử mặc dầu trải qua
Bị hất hủi, nghĩ là xứng đáng
Để theo bậc viên mãn Đạo Sư ? ”.
– “ Kính bạch Thế Tôn đại từ !
Với chúng con, pháp Chân-như tịnh lành
Nương dựa Thế Tôn làm căn bản,
Muốn Thế Tôn làm lãnh đạo thôi !
Nương tựa Thế Tôn mọi thời.
Bạch Thế Tôn ! Thật tuyệt vời, lành thay !
Nếu Thế Tôn điều này thuyết giảng
Cho ý nghĩa viên mãn tịnh thanh,
Sau khi nghe được pháp lành
Các Tỷ Kheo sẽ phụng hành sâu xa ”.
– “ A-Nan-Đa ! Thật không xứng đáng
Khi đệ tử cứ bám sát vào
Theo một vị Đạo Sư nào
Nếu vì nghe được trước sau tiến trình
Giải thích về khế kinh & phúng tụng
Vì sao ? Cũng trong thời gian dài
Các pháp được các ông đây
Nghe, đọc lớn tiếng, đêm ngày nghĩ suy
Với ý, khéo mọi thì thấu hiểu
Với chánh trí tiêu biểu như vầy.
Nhưng mà A-Nan-Đa này !
Đối với lời nói nào ngay thẳng mà
Khắc khổ và khai tâm đưa tới
Nhất hướng viễn ly với ly tham,
Đoạn diệt, thắng trí, tịnh an
Đưa đến giác ngộ, Niết-bàn chân như.
Các luận như : thiểu-dục & tri-túc &
Độc-cư-luận, bất-chúng-hội này,
Tinh-cần & giới & định & tuệ đây
Giải-thoát & giải-thoát-tri-kiến đầy tinh hoa
A-Nan-Đa ! Do nhân duyên ấy
Những loại thuyết luận vậy chánh chân
Đáng cho đệ tử Thanh-văn
Dầu sao chăng nữa, cũng cần khư khư
Theo Đạo Sư dầu bị hất hủi
Sự phiền lụy cho vị Đạo Sư.
Sự kiện đó, đáng suy tư
Có sự phiền lụy đến từ nguyên nhân
Do đệ tử gây phần phiền lụy
Thời có sự phiền lụy đến nhanh
Các vị Phạm-hạnh tu hành.
Thế nào là phiền lụy dành Đạo Sư ?
A-Nan ! Có Đạo Sư chọn hẳn
Một trú xứ xa vắng trong rừng,
Gốc cây, sườn núi chập chùng,
Bãi tha ma hoặc các từng núi cây
Ngoài trời hay đống rơm, hang trống…
Trong khi sống viễn ly như vầy
Được các thí-chủ đoanh vây
Bàn-môn, Gia-chủ và đầy thị-dân.
Được vây bởi thành phần như vậy
Thời vị ấy khởi lên nhiễm tâm
Rơi vào dục vọng đọa trầm
Khởi lên tham ái, âm thầm trở lui
Đời sống vui, sung túc, vị kỷ…
Được gọi sự phiền lụy Đạo Sư.
Vì phiền lụy của Đạo-sư
Ác bất thiện pháp lừ lừ nhiểm nhanh,
Dẫn đến sự tái sanh đáng sợ,
Sẽ đưa đến quả khổ lâu dài
Sanh, già, chết trong tương lai
Các ác pháp tấn công ngay vị này
Gọi điều đây Đạo-sư phiền lụy.
Sao là sự phiền lụy của hàng
Đệ tử vậy ? Này A-Nan !
Trường hợp đệ tử của hàng Đạo-sư
Bắt chước vị Đạo-sư, đến hẳn
Sống viễn ly, hoang vắng, chênh vênh
(Như phần đã kể ở trên)
Được các Gia-chũ tuổi tên, cùng là
Bàn-môn và thị-dân quy tụ
Thường vây quanh, tứ sự cúng dàng,
Vị ấy nhiễm tâm sẵn sàng
Khởi lên, dục vọng khởi toàn ái tham,
Bất thiện pháp ác làm tạp nhiễm
Dẫn đến điểm khổ cảnh tái sanh
Đáng sợ hãi, dẫn đến sanh,
Già, chết. Các pháp chẳng lành tấn công
Vào vị ấy. Hiểu thông tuần tự
Phiền lụy của đệ tử như vầy.
Thế nào ? A-Nan-Đa này !
Là sự phiền lụy đến ngay các vì
Tu Phạm-hạnh ? Hiện thì sư kiện
Này A-Nan ! Phương tiện độ đời
Như Lai xuất hiện ở đời
Đại A-La-Hán, người trời quy y,
Chánh Biến Tri, bậc Minh Hạnh Túc,
Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu,
Vô Thượng Sĩ, Thiên Nhân Sư,
Thế Tôn, Thiện Thệ, vô dư Phật Đà.
Ngài lựa trú xứ xa hoang vắng
Trong rừng thẳm, sườn núi, gốc đa,
Hang động hay bãi tha ma,
Ngoài trời, vườn trống hoặc là đống rơm.
Khi Ngài sống chánh chơn như vậy,
Sống viễn ly tự tại tâm hồn,
Các Gia-chủ, Ba-la-môn,
Dân thành thị, người nông thôn mọi thời
Quy tụ nơi Ngài đang hành đạo,
Vây quanh nghe thuyết giáo tịnh thanh.
Tuy được số đông vây quanh
Nhưng Ngài không khởi chẳng lành nhiễm tâm,
Không khởi tâm dục vọng, tham ái
Không lui lại đời sống thế gian
(Sung túc nhưng đầy bất an).
Nhưng vị đệ tử của hàng Đạo-sư
Bắt chước theo hạnh như Thầy vậy
Lựa trú xứ ở bãi tha ma,
Hoặc nơi hoang vắng, rừng xa,
Sườn núi, hang động hay ra ngoài trời,
Hoặc tại nơi đống rơm vắng vẻ…
Được Gia-chủ quyền thế, Bàn-môn
Dân ở thành thị, nông thôn,
Vây quanh vị ấy kính tôn cúng dàng.
Được các hàng thế gia trọng vọng,
Khởi nhiễm tâm, dục vọng rơi vào
Khởi lên tham ái dâng trào
Trở lại đời sống dồi dào, bất an.
Này A-Nan ! Là sự phiền lụy
Của các vị tu Phạm-hạnh đây.
Vì phiền lụy Phạm-hạnh này
Ác bất thiện pháp dẫn ngay chẳng lành
Bị tạp nhiễm, tái sanh đáng sợ
Đến quả khổ, đến chết, sanh, già,
Chính trong tương lai không xa
Các ác pháp tấn công già vị đây.
A-Nan này ! Đó là phiền lụy
Của các vị tu Phạm hạnh đây !
Sự phiền lụy các vị này
Nhiều quả khổ não, như vầy là hơn
Đối với Chơn Đạo Sư phiền lụy.
Và phiền lụy của đệ tử vầy
Có thể dẫn đọa lạc ngay.
Do vậy, A-Nan-Đa này ! Với Ta
Hãy đối xử an hòa, thân hữu
Không với tâm chống cự, nghịch thù,
Như vậy sẽ được an nhu
Hạnh phúc an lạc thiên thu vững vàng.
Này A-Nan ! Sao là đệ tử
Lại đối xử với Đạo-sư mình
Với tâm thù nghịch, chống kình
Không tâm thân hữu – bất bình ở đây ?
A-Nan này ! Vị Đạo-sư đó
Lòng từ mẫn sẵn có, thuyết minh
Cho các đệ tử của mình,
Mong cầu hạnh phúc, an bình đến cho
Các đệ tử và do từ mẫn
Đã thuyết dẫn : ‘Hạnh phúc là đây !
An lạc cho các ông đây !’.
Nhưng các hàng đệ tử này u mê
Không chịu lóng tai nghe lời dạy,
Các kẻ ấy hướng khác chú tâm
Ngược lại, họ đi xa tầm
Xa lời giảng dạy cao thâm của Thầy.
A-Nan này ! Là các đệ tử
Đã đối xử một cách vô minh
Với vị Đạo-sư của mình
Tâm thù nghịch, không thân tình tri ân.
Này A-Nan ! Sao là đệ tử
Thường đối xử với Đạo-sư mình
Không tâm thù nghịch, chống kình
Khi Đạo-sư giảng tận tình lắng nghe
Lóng tai nghe, không xu hướng khác,
Không xa lạc lời dạy của Thầy.
Do vậy, A-Nan-Đa này !
Với Ta, hãy đối xử đầy thiện tâm
Chớ với tâm thù nghịch, bất phục,
Như vậy là hạnh phúc, duyên may,
Là sự an lạc lâu dài
Cho các đệ tử Ta dày dụng công.
Ở đây Ta đã không sách tấn
Như người thợ gốm vẫn hay dùng
Với các đồ gốm chưa nung,
Lời chỉ trích Ta thường dùng ở đây,
Chỉ trích này đến chỉ trích khác,
Lời tán thán này, khác dùng đây,
Chính cái gì là lõi cây
Sẽ đứng vững mãi, xưa nay còn hoài ”.
Đức Thế Tôn như vầy thuyết giảng
Pháp Đại Không viên mãn sâu xa
Vị Tôn-giả A-Nan-Đa
Hoan hỷ tín thọ Phật Đà kim ngôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 122 : ĐẠI KHÔNG –
MAHÀSUNNATA Sutta )