TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
139. Kinh VÔ TRÁNH PHÂN BIỆT
( Aranavibhanga sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ – trú qua
Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka cúng dường.
Tại đây, đấng Pháp Vương cho gọi
Chúng Tỷ Kheo rồi nói như vầy :
– “ Các Tỷ Kheo ! Hãy nghe đây ! ”.
Chúng Tăng vâng đáp lời Ngài truyền ra.
Đức Phật Đà trang nghiêm thuyết giảng :
– “ Các Tỷ Kheo ! Ta giảng giải đây
‘Vô Tránh Phân Biệt’ pháp này
Các ông hãy lắng nghe vầy, nghiệm suy ”.
– “ Bạch đấng Chánh Biến Tri ! Vâng ạ ! ”.
Chúng Tăng đã vâng đáp lời Ngài.
Thế Tôn liền thuyết giảng ngay :
– “ Chớ hành trì dục lạc đầy dẫy ra
Hạ liệt, phàm phu và đê tiện
Không xứng bậc hiền thiện Thánh nhân,
Không liên hệ mục đích cần.
Và cũng chớ có tự thân hành trì
Sự cực kỳ khổ hạnh, đau khổ
Không xứng chỗ bậc Thánh chánh chân
Không liên hệ mục đích cần,
Hai cực đoan ấy phải cần bỏ đi.
Có con đường Tám Chi Trung Đạo
Đã được Ta hoàn hảo chứng tri
Tác thành mắt & trí tức thì
Đưa đến an tịnh, liễu tri Niết bàn,
Thắng tri và hoàn toàn giác ngộ,
Nên biết chỗ chỉ trích, tán dương.
Sau khi đã biết tán dương,
Đã biết chỉ trích, nên thường hiểu thông
Không tán thán và không chỉ trích
Chỉ nên thích thuyết pháp thẳng ngay,
Nên biết phán xét lạc này,
Khi biết phán xét lạc này, chú tâm
Vào nội lạc thâm trầm mọi mặt
Không nói lời bí mật, dông dài
Khi mặt đối mặt với ai,
Không nên nói khiến cho ai mất lòng,
Khi nói, không vội vàng, từng bước
Chớ chấp trước ngôn ngữ địa phương,
Chớ xa ngôn ngữ dùng thường,
Đó là tổng thuyết Ta đương nói về
Trong vấn đề ‘Vô tránh phân biệt’.
Khi nói đến hạ liệt, phàm phu,
Dục lạc, đê tiện, si ngu,
Chớ hành trì đến cho dù ở đâu,
Không xứng bậc thanh cao Thánh tuệ
Không liên hệ mục đích, cũng như
Không nên hành trì khư khư
Tự kỷ khổ hạnh, phạm trù khổ đau,
Không xứng vào bậc Thánh, mục đích…
Do duyên gì chắc nịch nói vầy ?
Phàm lạc gì liên hệ ngay
Với dục, nhưng đam mê đầy trải qua
Loại hỷ là hạ liệt, đê tiện
Không xứng bậc Thánh hiển thanh cao,
Pháp như vậy là khổ đau,
Ưu não, nhiệt não, phiền lao, đạo tà
Phàm lạc gì kết qua với dục
Nhưng không chút đam mê trầm phù,
Loại hỷ hạ liệt, phàm phu,
Đê tiện, không xứng thuần từ Thánh nhân,
Không liên hệ đến phần mục đích,
Pháp như vậy không thích khổ đau,
Không có ưu não, phiền lao,
Vô não – chánh đạo thuộc vào lạc đây.
Tự kỷ khổ hạnh đầy đau khổ
Không xứng chỗ bậc Thánh thanh cao,
Không liên hệ mục đích nào,
Hành trì pháp ấy khổ đau mọi bề,
Ưu & nhiệt não, thuộc về tà đạo.
Khổ hạnh nào khổ não hành trì
Không xứng bậc Thánh nghiêm uy.
Không liên hệ mục đích gì ở đây
Pháp như vầy không có đau khổ
Không ưu não, nhiệt não, phiền lao
Pháp ấy chánh đạo thuộc vào.
Khi nói đến : ‘Chớ dấn sâu hành trì
Dục lạc gì hạ liệt, đê tiện,
Không xứng bậc Thánh hiển thanh cao,
Không liên hệ mục đích nào.
Cũng không nên tự dấn sâu hành trì
Tự kỷ khổ hạnh chi, đau khổ
Không xứng chỗ bậc Thánh thanh cao,
Không liên hệ mục đích nào’.
Do duyên ấy, được nói vào như trên.
Khi nói lên : ‘Hai cực đoan đó
Phải từ bỏ, vì có con đường
Trung Đạo – đã được Pháp Vương &
Thế Tôn giác ngộ, đảm đương tác thành
Về mắt và tác thành về trí,
Đưa đến sự đình chỉ, tịnh an,
Thượng trí, giác ngộ, Niết bàn,
Duyên gì được nói liên quan như vầy ?
Đường Thánh này tám ngành diễn tiến :
Chánh tri kiến rồi chánh tư duy,
Chánh ngữ, chánh nghiệp đồng thì
Chánh mạng, chánh tinh tấn tri hành thường,
Chánh niệm, chánh định – đường chánh đó.
Khi nói đến : ‘Từ bỏ cả hai
Cực đoan ấy’, vì có ngay
Con đường Trung Đạo Như Lai đã hành,
Đã giác ngộ, tác thành mắt, trí
Đưa đến sự đình chỉ, tịnh an,
Thượng trí, giác ngộ, Niết bàn.
Do duyên ấy, được rõ ràng nói ra.
Khi nói là : ‘Nên biết tán thán,
Biết chỉ trích’. Biết tán thán rồi
Và khi biết chỉ trích rồi
Thì không chỉ trích, không lời tán dương,
Chỉ nên thường thuyết pháp có lợi,
Do duyên gì nói tới như vầy ?
Ở đây, các Tỷ Kheo này !
Thế nào là tán thán đầy hân hoan ?
Sao nói sang chỉ trích điều đó
Nhưng không có thuyết pháp mọi thời ?
Vị ấy chỉ trích số người
Bảo : ‘Những ai tìm thấy nơi lạc này,
Liên hệ ngay với dục, mê mẩn
Loại hỷ dẫn hạ liệt, phàm phu,
Đê tiện, không xứng Thánh từ,
Không liên hệ mục đích’, như vậy thời
Tất cả người như vậy đau khổ,
Có ưu não, nhiệt não, phiền lao
Như vậy tà đạo thuộc vào.
Trái lại, không đam mê sâu đường tà
Hạ liệt, đê tiện và phàm tục,
Không xứng bực Thánh hiền vân… vân…
Không liên hệ mục đích cần
Thì không đau khổ, không phần phiền lao
Không ưu não, thuộc vào chánh đạo’.
Hoặc nhiên hậu vị ấy ở đây
Chỉ trích một số người vầy :
‘Những ai mê đắm, thường hay hành trì
Tự kỷ khổ hạnh, thì không xứng
Bậc Thánh, không tương ứng liên quan
Mục đích. Tất cả họ toàn
Có sự đau khổ, mọi đàng phiền lao,
Có ưu não, thuộc vào tà đạo.
Bằng trái lại, chánh đạo thuộc về.
Trài ngược với các vấn đề
Ở trên nói đến mọi bề khác đi.
Hoặc vị ấy một thì chỉ trích
Một số người, nói khích bác là :
‘Những ai chưa đoạn tận qua
Hữu kiết sử, họ đều là khổ đau,
Có phiền lao, ưu não, nhiệt não,
Thuộc tà đạo. Hoặc là vị đây
Tán thán một số người vầy :
‘Những ai đã đoạn tận rày cho xong
Hữu kiết sử, họ không đau khổ,
Không phiền lao, hết chỗ não ưu,
Thuộc chánh đạo. Các Tỳ-Khưu !
Là có chỉ trích, có điều tán dương,
Nhưng không có tận tường thuyết pháp.
Thế nào có thuyết pháp, nhưng mà
Không có tán thán cùng là
Không có chỉ trích ? Nói ra như vầy :
‘Bất cứ ai tìm thấy lạc đó,
Liên hệ với dục, có mê say,
Hỷ hạ liệt, đê tiện này
Phàm phu, không xứng bậc Thầy Thánh nhân,
Không liên hệ về phần mục đích,
Những vị ấy trầm nịch, khổ đau
Có ưu não, có phiền lao
Thuộc tà đạo’. Vị ấy mau thuyết về :
‘Sự đam mê là pháp đau khổ
Có phiền lao, ưu não, đạo tà’.
Vị ấy cũng thuyết pháp ra :
‘Không đam mê cũng chính là pháp duyên
Không đau khổ, không phiền, nhiệt não,
Không ưu não, chánh đạo thuộc nơi’.
Vị ấy không nói mọi thời :
‘Tự kỷ khổ hạnh những người đam mê
Là không hề xứng bậc Thánh thế !
Không liên hệ mục đích, khổ đau,
Ưu não, nhiệt não, phiền lao,
Thuộc tà đạo. Chỉ trước sau thuyết là
‘Sự đam mê chính là tà loại’.
Và ngược lại, không nói vấn đề
‘Những ai không có đam mê…
Không khổ, chánh đạo thuộc về ở đây’.
Và vị này chỉ thuyết pháp, bảo :
‘Sự an hảo không đam mê này
Là không đau khổ dằng dai
Không ưu & nhiệt não, không rày phiền lao,
Thuộc chánh đạo’. Rồi sau vị ấy
Không có nói đại loại như vầy :
‘Những ai chưa đoạn tận ngay
Hữu kiết sử, những vị này đều qua
Sự khổ đau, có ra ưu não,
Có nhiệt não và có phiền lao’.
Chỉ thuyết pháp, nói như sau :
‘Khi hữu kiết sử chưa mau diệt trừ
Thì hữu chưa đoạn trừ, diệt tận’.
Vị ấy vẫn không nói : ‘Những ai
Đã diệt hữu kiết sử này,
Họ không đau khổ, không rày phiền lao’…
Vị ấy thuyết pháp vào điều ấy :
‘Hữu kiết sử cả thảy diệt rồi,
Hữu được đoạn tận tức thời’.
Các Tỷ Kheo ! Như vậy nơi điều này
Là không khen, không hay chỉ trích,
Chỉ thuyết pháp nêu ích lợi ra.
Khi nói : ‘Biết tán thán, và
Nên biết chỉ trích’, chỉ là thuyết thôi.
Chính do duyên này thời nói vậy.
Khi nói : ‘Phải biết phán xét thầm
Về lạc, thì nên chú tâm
Vào nội lạc. Duyên gì nhằm nói đây ?
Chúng Tăng này ! Năm dục trưởng dưỡng.
Vậy năm dục trưởng dưỡng là gì ?
Các sắc pháp do mắt ni
Nhận thức khả ái, mọi thì đáng yêu
Liên hệ điều dục và hấp dẫn.
Các tiếng dẫn nhận thức do tai
Hương do mũi nhận thức ngay,
Vị do lưỡi nhận thức đầy thích tăng,
Xúc do thân cảm giác, khả hỷ,
Khả ái và khả ý, liên quan
Đến dục, hấp dẫn vô vàn,
Năm dục trưởng dưỡng mọi đàng là đây.
Tỷ Kheo này ! Do duyên năm dục
Trưởng dưỡng ấy tiếp tục khởi lên
Lạc và hỷ được gọi tên
Là dục & uế lạc tạo nên mọi thì
Phàm-phu-lạc hay phi-thánh-lạc.
Như Lai nói loại lạc như vầy
Không nên thực hành hằng ngày
Không nên tu tập, chớ rày mãn sung,
Nên sợ hãi vô cùng lạc đó.
Chúng Tăng ! Có tinh tấn hành trì
Ly dục, bất thiện pháp ly,
Chứng đạt, an trú vào chi Nhất Thiền
Một trạng thái an nhiên hỷ lạc
Ly dục sanh, có các tứ, tầm.
Rồi đình chỉ tứ và tầm
Chứng, trú Đệ nhị Thiền tâm an lành,
Một trạng thái định sanh vui thực,
Tầm & tứ dứt, nội tĩnh nhất tâm
Chứng, trú Đệ tam Thiền tâm,
Rồi Thiền đệ tứ chứng tầm, trú an.
Gọi rõ ràng là xuất-ly-lạc,
Viễn-ly-lạc, an-tịnh-lạc, và
Giác-ngộ-lạc. Thì Như Lai
Bảo thực hành loại lạc này cần chuyên,
Nên tu tập, khiến nên sung mãn,
Không sợ hãi. Hoặc khoản nói về :
‘Phải nên biết phán xét về
Lạc ấy’. Khi phán xét về lạc xong
Chú tâm trong nội lạc ở đấy
Chính do duyên như vậy nói điều
Phán xét về lạc sớm chiều
Không khiếp vía, không sợ nhiều trải qua.
Khi nói là : ‘Không nên có tật
Nói lên lời bí mật với ai,
Khi mặt đối mặt với ai
Không nói lời lẽ khiến ai mất lòng.
Do duyên gì nói trong ý đó ?
Các Tỷ Kheo ! Khi có biết qua
Một lời bí mật nói ra
Không thực, hư vọng. Cùng là điều đây
Không liên hệ đến ngay mục đích
Để lợi ích, chớ có nói lời
Bí mật ấy ở mọi thời.
Nếu lời bí mật là lời thực chân
Không hư vọng, nhưng phần đáng kể
Không liên hệ mục đích, thì nên
Đừng nói lời bí mật trên.
Còn nếu là thực, có liên hệ rồi
Đến mục đích, tùy thời mà nói.
Cũng như vậy, khi nói với ai
Một lời mất lòng, xét soi
Để không nói hoặc tùy thời nói lên.
Khi nói đến : ‘Hãy nên chậm rãi
Nói từ từ, đừng mãi vội vàng’.
Do duyên gì được nói sang ?
Ở đây, nếu nói vội vàng, thì thân
Bị mệt mỏi, tâm thần tổn hại,
Tiếng tổn hại, cổ họng đau khan,
Lời nói một người vội vàng
Không được hiểu, không rõ ràng nêu lên.
Khi nói đến : ‘Chớ nên chấp trước
Địa-phương-ngữ khi được nghe qua,
Nhưng cũng chớ đi quá xa
Ngôn ngữ thường nhật chúng ta hay dùng.
Do duyên gì nói chung như thế ?
Thế nào kể chấp trước ở đây
Về địa phương ngữ như vầy
Quá xa ngôn ngữ ta hay dùng nhiều ?
Các Tỷ Kheo ! Trong nhiều quốc độ
Người ta có tiếng nói khác nhau,
Chữ viết cũng lại khác nhau.
Có người chấp thủ chấp vào điều đây,
Nói như vầy : ‘Ngôn ngữ, chữ viết
Chỉ như vậy mới thiệt đúng rồi,
Ngoài ra hư vọng mà thôi !
Như thế, họ chấp trước nơi điều là
Địa phương ngữ, quá xa ngôn ngữ
Mà căn bản họ tự dùng thường.
Thế nào không chấp trước thường
Tiếng thường dùng, tiếng địa phương hằng ngày ?
Các người này biết các quốc độ
Những tiếng có, chữ viết khác xa.
Người không chấp thủ nói là :
‘Các vị ấy y cứ qua thế này,
Đã giải thích như vầy’. Như thế
Là không để chấp trước trói mình,
Không xa ngôn ngữ thường tình,
Chính điều đó là duyên sinh chấp trì.
Ở đây, phàm lạc gì liên hệ
Với dục để có hỷ đam mê
Hạ liệt, đê tiện đáng chê
Không xứng bậc Thánh, không hề liên quan
Đến mục đích. Pháp toàn đau khổ
Có ưu não, nhiệt não, phiền lao,
Pháp này tà đạo thuộc vào
Là pháp hữu tránh, tránh mau tức thì.
Còn trái lại, các Tỳ-Kheo Chúng !
Phàm lạc gì mà chúng cận kề
Với dục, nhưng không đam mê
Loại hỷ hạ liệt và đê tiện này
Phàm phu đầy, không xứng Thánh tịch,
Có liên hệ mục đích trước sau,
Pháp ấy không có khổ đau,
Không có ưu não, phiền lao – thuộc về
Chánh đạo. Pháp thuộc về vô tránh.
Phàm tự kỷ khổ hạnh hành trì,
Đau khổ, không xứng Thánh uy,
Không liên hệ mục đích gì thanh cao
Như vậy có phiền lao, ưu não,
Thuộc tà đạo. Hữu tránh pháp này.
Trái lại với những điều đây
Thuộc pháp vô tránh, hành ngay pháp này.
Các Tỷ Kheo ! Ở đây Trung đạo
Được Phật Bảo giác ngộ, tác thành,
Về mắt, về trí tác thành
Đưa đến thắng trí, tịnh thanh, Niết bàn.
Pháp hoàn toàn không có đau khổ
Không ưu não, phiển não lầm sai
Chánh đạo, vô tránh pháp này.
Các Tỷ Kheo ! Còn ở đây nói về
Pháp tán thán hoặc về chỉ trích
Nhưng không thích thuyết pháp thanh cao,
Pháp có ưu não, khổ đau
Nhiệt não, tà đạo thuộc vào dạng đây,
Nên pháp này là ‘pháp hữu tránh’.
Trái lại, ‘pháp vô tránh’ hiểu tường :
Pháp không chỉ trích, tán dương
Chỉ có thuyết pháp, pháp thường vui an,
Thuộc chánh đạo, mọi đàng không khổ.
Còn pháp có dục lạc, chính là
Uế lạc, phàm phu lạc, và
Phi thánh lạc, pháp toàn là khổ đau,
Có ưu não, thuộc vào ‘hữu tránh’.
Ngược lại, pháp ‘vô tránh’ này là
Xuất ly lạc, lạc rời xa,
An tịnh lạc, chánh đạo là pháp đây.
Chúng Tăng này ! Lời nói bí mật
Không chân thật, hư vọng, tào lao
Không liên hệ mục đích nào
Pháp có nhiệt não, khổ đau, đạo tà,
Pháp này là ‘hữu tránh’ được gọi.
Còn ngược lại, ‘vô tránh’ pháp này
Lời nói bí mật ở đây
Chân thật, không vọng, không dây dưa gì
Đến mục đích, pháp ni đau khổ,
Thuộc tà đạo, ưu não, phiền lao.
Còn lời nói mất lòng nào
Khi mặt đối mặt, thuộc vào vọng ngôn,
Không chân thật, ẩn tồn hư vọng
Không liên hệ nhanh chóng mục tiêu,
Có ưu não, đau khổ nhiều
Là pháp ‘hữu tránh’, pháp nêu đạo tà.
Ngược lại là pháp ‘vô tránh’ đó
Lời chân thật, không có khổ đau
Thuộc chánh đạo, không phiền lao.
Chúng Tăng ! Còn những lời nào nói ra
Một cách vội vàng và pháp đó
Có ưu não và có phiền lao
Thuộc tà đạo, có khổ đau
Là pháp ‘hữu tránh’ thuộc vào diện đây.
Ngược điều này là pháp ‘vô tránh’
Lời nói lên một cách từ từ
Không đau khổ, không ưu tư,
Thuộc chánh đạo, pháp an như thuận hòa.
Các Tỷ Kheo ! Người mà chấp cự
Địa phương ngữ và đi quá xa
Ngôn ngữ nơi mà người ta
Vẫn thường sử dụng trải qua hằng ngày.
Và pháp này đau khổ, ưu não,
Thuộc tà đạo, nhiệt não, phiền lao
Là pháp ‘hữu tránh’ thuộc vào.
Ngược lại, ‘vô tránh’ pháp nao thuộc về
Không chấp nê vào địa phương ngữ,
Khi đi quá ngôn ngữ thường dùng,
Không đau khổ, và nói chung
Không có ưu não, vô cùng chánh chân
Là pháp phần ‘vô tránh’ an lạc.
Do vậy, các Phích-Khú ! Các ông
Phải tự tu học, hiểu thông :
Chúng ta phải biết nằm lòng tế thô
Hữu tránh pháp cùng Vô tránh pháp,
Sau khi biết hai pháp này thì
Chúng ta sẽ cố hành trì
Về ‘Vô tránh đạo’ mọi thì trải qua.
Các Tỷ Kheo ! Thiện gia nam tử
Tu-Bồ-Đề tức Sú-Phú-Ti (*)
Vô tránh pháp đã hành trì
Một cách tinh tấn, mọi thì vui an ”.
Đức Thế Tôn nghiêm trang thuyết giảng
Pháp viên mãn, vi diệu lạc an
Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng
Hoan hỷ tín thọ lởi vàng Thế Tôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 139 : VÔ TRÁNH PHÂN BIỆT
– ARANAVIBHANGA Sutta )
____________________________
(*) : Tôn-giả Tu-Bồ-Đề – Subhuti – là vị trong Thập Đại Đệ Tử
của Đức Phật, là bậc Giải Không đệ nhất.