TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
117. Đại Kinh BỐN MƯƠI
( Mahàcattàrìsaka sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ
An trú tại Xá-Vệ thành này
Sa-Vát-Thí cũng là đây
Kỳ Viên Tinh Xá hôm mai tịnh, hòa
Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná (1)
Cấp-Cô-Độc Trưởng giả tín gia
(A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka) (2)
Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.
Tại nơi này Ngài gọi Tăng Chúng :
– “ Này Tăng Chúng ! Hãy khéo nghe đây ”.
Chư Tỷ Kheo tại nơi này
Vâng đáp lời Phật. Rồi Ngài thuyết ngay :
– “ Các Tỷ Kheo ! Như Lai sẽ giảng
Thánh Chánh Định viên mãn, uyên nguyên
Cùng các tư trợ, cận duyên
Hãy lắng nghe, suy nghiệm xuyên suốt liền ”.
– “ Thưa vâng, bạch Phước điền Điều Ngự ! ”.
– “ Chư Phích-Khú ! Thánh chánh-định nguyên
Thế nào với các cận duyên
Và các tư trợ tương liên mọi thì ?
______________________________
(1) & (2) : Tinh Xá Kỳ-Viên – Jetavana-Vihàra, do Trưởng-giả
Cấp-Cô-Độc ( Anathapindika ) dâng cúng đến Đức Phật.
Chính là chánh-tư-duy, chánh-kiến,
Chánh-ngữ thiện, chánh-nghiệp – cùng là
Chánh-mạng, chánh-tinh-tấn – và
Cùng với chánh-niệm, trải qua âm thầm.
Các Tỷ Kheo ! Nhất tâm nào đó
Được tư trợ với bảy chi phần
Là Thánh chánh-định chánh chân.
Cùng các tư trợ, các phần cận duyên.
(Chánh Kiến)
Các Tỷ Kheo ! Đầu tiên : Chánh kiến
Sao chánh kiến lại đi hàng đầu ?
Tuệ tri tà kiến trước sau
Cũng là tà kiến duyên sâu nghiệp tà.
Tuệ tri chánh kiến là chánh kiến,
Như vậy là chánh kiến vị này.
Sao là tà kiến điều đây ?
Không bố thí cũng không hay cúng dường,
Không tế tự, không tường quả báo
Các nghiệp thiện ác đạo mình gây,
Không có đời khác, đời này,
Không có cha mẹ, không rày hóa sinh,
Cũng không tin đời này có các
Phạm-chí hoặc Sa-môn tu hành
Chánh hướng, chánh hạnh nghiêm minh,
Có thượng trí và tự mình có nên
Chứng đạt, tuyên bố lên như vậy.
Các Tỷ Kheo ! Kẻ ấy chính là
Người có tà kiến xấu xa.
Các Tỷ Kheo ! ‘Chánh kiến’ là sao đây ?
Phải hiểu vầy : Hai loại chánh kiến
Loại chánh kiến hữu lậu này thì
Thuộc phước báo, quả sanh y.
Một loại chánh kiến thuộc vì Thánh nhân
Là vô lậu, xuất trần siêu thế
Thuộc đạo chỉ vi tế, thanh cao.
Này các Tỷ Kheo ! Thế nào
‘Chánh-kiến hữu-lậu’ thuộc vào phước ni ?
Đưa đến quả sanh y – được chỉ
Có bố thí, có sự cúng dường,
Có sự tế tự thường thường,
Có quả báo thiện, ác đường nghiệp đây,
Có đời này đời khác, cha mẹ,
Và rành rẽ có loại hóa sanh,
Có các Sa-môn tịnh thanh,
Có các Phạm-chí hạnh lành chánh chân
Cùng chánh hướng, với phần thượng trí
Tự mình chứng đạt vị đời này
Đời khác, rồi nói ra lời.
Chánh kiến hữu lậu này thời là danh
Thuộc phước báo, dẫn sanh y quả.
Các Tỷ Kheo ! Hoặc giả thế nào
Chánh kiến bậc Thánh thuộc vào ?
Vô lậu, siêu thế thanh cao mọi bề
Và thuộc về đạo chỉ như thế ?
Các Tỷ Kheo ! Phàm hễ cái gì
Thuộc trí tuệ, các giác-chi
Tuệ căn, tuệ lực hành trì uy nghi
Cùng trạch-pháp-giác-chi, chánh kiến
Đạo chỉ hiện một vị tu hành
Thánh đạo, thành thục tinh anh
Trong Thánh đạo, có tựu thành Thánh tâm
Và có vô-lậu-tâm tròn đủ.
Chư Phích Khú ! Như vậy thuộc liền
Bậc Thánh vô lậu, siêu nhiên.
Những ai tinh tấn cần chuyên diệt phần
Tà kiến, thành tựu phần chánh kiến
Là biểu hiện ‘Chánh-tinh-tấn’ này.
Cũng vậy, một khi vị đây
Chánh niệm để đoạn diệt ngay kiến tà
Chánh niệm đạt được và an trú
Vào chánh kiến đầy đủ như vầy,
Là ‘chánh niệm’ của vị này.
Các Phích-Khú ! Ba pháp này chạy theo
Chạy vòng theo, tức là chánh kiến,
Chánh tinh tấn, chánh niệm như vầy.
(Chánh Tư Duy)
Này các Tỷ Kheo ! Ở đây
Đi đầu là chánh kiến này. Vì sao ?
Như thế nào đi đầu chánh kiến ?
Tuệ tri chuyện tà tư duy thì
Nó chính là tà tư duy,
Còn tuệ tri chánh tư duy, chính là
Chánh tư duy – Đó là chánh kiến.
Sao biểu hiện là tà tư duy ?
Dục tư duy, sân tư duy,
Hại tư duy nữa, mọi thì có ra
Chính là tà tư duy gồm đủ.
Các Phích-Khú ! Còn chánh tư duy,
Thế nào là chánh tư duy ?
Ta nói có chánh tư duy hai phần :
Chánh tư duy thuộc phần hữu lậu
Thuộc phước báo, đến quả sanh y.
Còn có loại chánh tư duy
Thuộc bậc Thánh vô lậu thì thanh cao
Siêu thế và thuộc vào đạo chỉ.
Sao là vị có chánh tư duy ?
Hữu lậu, dẫn quả sanh y,
Thuộc về phước báo ? Chính ly dục này,
Vô sân hay tư duy bất hại,
Thời như vậy là chánh tư duy
Hữu lậu, dẫn quả sanh y,
Thuộc phước báo. Còn tư duy chánh nào
Thuộc bậc Thánh thanh cao, vô lậu,
Siêu thế, đạo chỉ ấy tư duy.
Các Tỷ Kheo ! Phàm cái gì
Thuộc suy tư, tâm cầu, vì tư duy
Ngữ hành chi do chú tâm tới,
Chuyên tâm với một vị tu trì
Thánh đạo, thuần thục đường ni
Có tâm-vô-lậu, đồng thì Thánh tâm.
Nói không lầm : Tư duy như thế
Thuộc bậc Thánh, siêu thế, an như.
Những ai tinh tấn đoạn trừ
Tà tư duy và chánh tư duy này
Được thành tựu, như vầy đích thị
Chánh tinh tấn của vị ấy đây.
Ai chánh niệm đoạn trừ ngay
Tà tư duy, chánh niệm này đạt xong
An trú trong chánh tư duy ấy
Thời như vậy là chánh niệm rồi !
Như vậy, ba pháp chẳng rời
Chạy theo chánh tư duy, thời gọi qua :
Chánh kiến và chánh tinh tấn ấy
Cùng chánh niệm, cứ mãi duyên theo.
(Chánh Ngữ)
Ở đây, này các Tỷ Kheo !
Đi đầu chánh kiến, duyên theo dần dà :
Tuệ tri tà ngữ là tà ngữ
Và chánh ngữ là chánh ngữ ngay
Là chánh kiến của vị này.
Sao là tà ngữ ? – Những ai dùng lời
Nói dối trá, nói lời hai lưỡi,
Lời mắng chửi (ác khẩu xấu xa)
Nói lời phù phiếm, ba hoa…
Các Tỷ Kheo ! Đó là tà ngữ sâu.
Còn thế nào là chánh ngữ vậy ?
Ta nói có hai loại cần tri :
Chánh ngữ hữu lậu thực thi
Thuộc phước báo, quả sanh y đưa về.
Còn vấn đề chánh ngữ vô lậu
Thuộc bậc Thánh toàn hảo tròn đầy,
Siêu thế, thuộc đạo chỉ này,
Cái gì từ bỏ, dứt ngay, xa rời
Bốn ác ngữ đó, thời đích thị
Đối với vị Thánh đạo tu chuyên,
Thuần thục trong Thánh đạo tuyền,
Có tâm vô lậu, có Hiền thánh tâm,
Nói chẳng lầm đó là chánh ngữ
Thuộc Thánh dự vô lậu, siêu trần.
Những ai đoạn trừ tinh cần
Các ác tà ngữ, tựu thành lời chân
Đó là phần chánh-tinh-tấn đấy
Của vị ấy. Chánh niệm đoạn trừ
Tà ngữ – chánh ngữ an như
Đạt và an trú, thời như vậy là
Chánh niệm của vị mả tu tập
Và ba pháp cứ chạy theo hoài,
Chạy vòng theo chánh ngữ này
Tức chánh kiến, chánh niệm và thứ ba
Chánh tinh tấn (cả ba pháp ấy).
(Chánh Nghiệp)
Và ở đấy, này các Tỳ Khưu !
Chánh kiến luôn đi hàng đầu.
Sao chánh kiến lại đi đầu trải qua ?
Tuệ tri tà nghiệp là tà nghiệp,
Biết chánh nghiệp là chánh nghiệp ngay,
Là chánh kiến của vị này.
Sao là chánh nghiệp ? Như Lai nói rằng
Có hai loại thuộc phần chánh nghiệp
Là chánh nghiệp hữu lậu, phước dày
Đưa đến quả sanh y ngay,
Chánh nghiệp thuộc bậc Thánh đầy tinh hoa
Vô lậu và siêu thế, đạo chỉ.
Cái gì thuộc dứt kỹ, trừ nhanh
Viễn ly ba thân ác hành
Thời đối với vị tu hành tịnh thanh
Thánh đạo, thành thục, rành Thánh đạo,
Có Thánh tâm, vô-lậu-tâm phần
Là chánh nghiệp bậc xuất trần,
Vô lậu, siêu thế, Thánh nhân thuần từ.
Ai tinh tấn đoạn trừ tà nghiệp
Cùng thành tựu chánh nghiệp ; như vầy
Là chánh-tinh-tấn vị này.
Ai chánh niệm, đoạn trừ ngay nghiệp tà
Chánh niệm đạt được và an trú
Trong chánh nghiệp, thực thụ điều đây
Là chánh niệm của vị này.
Như vậy ba pháp theo hoài, dính đeo
Chạy vòng theo chánh nghiệp bất biến
Là chánh kiến, chánh tinh tấn, và
Chánh niệm – tròn đủ cả ba.
( Chánh Mạng)
Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu qua thế nào
Chánh kiến đi hang đầu ? Biết rõ
Tà mạng đó là tà mạng ngay,
Chánh mạng là chánh mạng vầy,
Đó là chánh kiến vị này hằng theo.
Các Tỷ Kheo ! Sao là tà mạng ?
Lừa đảo, nói dưới dạng điêu ngoa
Hiện tướng xảo trá, gian tà
Lấy lợi cầu lợi – là tà mạng ngay.
Còn ở đây, sao là chánh mạng ?
Có hai loại : một hạng tường tri
Chánh mạng hữu lậu hữu vi
Thuộc phước báo, quả sanh y đưa vào.
Vị Thánh đệ tử nào trừ đoạn
Tà mạng, nuôi sống mạng chánh chân,
Chánh mạng hữu lậu thuộc phần.
Chánh mạng vô-lậu Thánh nhân thuộc về
Siêu thế, thuộc một bề đạo chỉ
Cái gì chỉ từ bỏ, dứt đi,
Từ khước, tà mạng viễn ly
Đối với tu tập một vì kính tuân
Theo Thánh đạo và thuần thánh đạo,
Có vô-lậu-tâm với thánh-tâm.
Những ai nỗ lực, tinh cần
Đoạn trừ tà mạng, tự thân tựu thành
Chánh mạng lành – là chánh tinh tấn,
Ai chánh niệm, tà mạng diệt ngay,
Chánh niệm đạt được đủ đầy
An trú chánh mạng như vầy chỉ ra
Ba pháp mà chạy theo chánh mạng :
Chánh kiến, chánh tinh tấn, cùng là
Chánh niệm – cả thảy là ba.
(Đại pháp môn Bốn Mươi)
Các Tỷ Kheo ! Như vậy là trước sau
Chánh-kiến đi hàng đầu, cùng tiến
Sao chánh kiến đi đầu mọi thì ?
Do nó mà chánh-tư-duy
Khởi lên. Do chánh tư duy tiếp liền
Chánh-ngữ được khởi lên. Tương tự
Do chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên.
Rồi chánh-mạng được khởi lên
Do chánh nghiệp đó. Khởi lên tiếp phần
Chánh-tinh-tấn là do chánh mạng.
Do tinh tấn chân chánh, cho nên
Chánh-niệm đã được khởi lên.
Do chánh niệm được khởi lên tiếp liền
Mà chánh-định khởi lên thuận lợi
Chánh-trí với chánh-định khởi lên.
Chánh-giải-thoát được khởi lên
Do từ chánh trí, nêu tên đủ đầy.
Các Tỷ Kheo ! Như vầy đạo lộ
Của vị hữu-học đó trải qua
Gồm có tám chi phần, và
A-La-Hán đạo lộ là mười chi.
Sao chánh kiến lại đi đầu vậy ?
Tà kiến thảy do chánh kiến mà
Làm cho đoạn diệt, tiêu ma.
Ác bất thiện pháp được tà kiến kia
Đã duyên khởi – đoạn lìa, diệt nó.
Trong vị có chánh kiến tuệ tri
Và những thiện pháp duy trì
Được chánh kiến duyên khởi thì pháp trên
Được tu tập, trở nên viên mãn.
Tà-tư-duy bị đoạn diệt vì
Chính do từ chánh-tư-duy.
Tà-ngữ do chánh-ngữ ni diệt liền,
Tà-nghiệp thì do duyên chánh-nghiệp
Làm tiêu diệt. Tà-mạng cũng vầy
Do chánh-mạng tiêu diệt ngay.
Rồi chánh-tinh-tấn ở đây diệt liền
Tà-tinh-tấn. Cần chuyên chánh-niệm
Làm tiêu diệt tà-niệm đêm ngày.
Chánh-định diệt tà-định này,
Do chánh-trí làm diệt ngay trí tà.
Các Tỷ Kheo ! Còn tà-giải-thoát
Thì do chánh-giải-thoát diệt qua.
Những bất thiện pháp ác tà
Được duyên khởi bởi : hoặc tà-tư-duy,
Hoặc tà ngữ, hoặc vì tà nghiệp,
Hoặc tà mạng, hoặc tiếp theo là
Tà tinh tấn, tà niệm, và
Tà định, tà trí, hoặc là kể ra
Tà giải thoát… đều là duyên khởi
Bị diệt bởi chân chánh thực thi
Của hai mươi phần hành trì :
Là chánh kiến, chánh tư duy, cùng là
Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh tiến,
Chánh niệm, chánh định, khiến có ngay
Chánh trí, chánh giải thoát này,
Với người chân chánh đủ đầy điều trên,
Các thiện pháp khởi lên do sự
Pháp tuần tự cần hành trên đây
Được phát triển và tròn đầy.
Do đó, các Tỷ Kheo này ! Chánh chân
Có hai mươi thiện phần chân thật
Hai mươi bất thiện phần hại thay.
Đại pháp môn Bốn Mươi này
Đã được chuyển bvận không rày bị ngăn,
Bị chận đứng bởi nhân một vị
Sa-môn hay Phạm-chí, Thiên, Ma,
Phạm Thiên hay cõi người ta.
Nếu có Phạm-chí hay Sa-môn nào
Nghĩ tào lao : ‘Đại pháp môn đó
(Đại pháp môn gồm có Bốn Mươi)
Đáng bị phê bình nặng lời,
Đáng bị phỉ báng’. Thì nơi hiện thời
Mười thuận thuyết hay mười tùy thuyết
Hợp pháp, được chi tiết nói lên
Để chỉ trích người ấy liền.
Nếu Tôn-giả chỉ trích trên đồng thời
Chỉ trích đó là người chánh kiến
Các Sa-môn tà kiến, lầm đường
Tôn-giả ấy đáng cúng dường,
Đáng được ca tụng, tán dương hết lời.
Nếu Tôn-giả ấy thời chỉ trích
Chánh tư duy hay chánh ngữ lời,
Chánh nghiệp, chánh mạng đồng thời
Chánh tinh tấn, chánh niệm rồi thiền-na
Chánh định và chánh trí, giải thoát
Các Sa-môn hay các Bàn-môn
Có tà tư duy, tà ngôn,
Tà nghiệp, tà mạng cùng tinh tấn tà,
Tà định, tà trí, tà giải thoát…
Các Bà-la-môn, các Sa-môn
Có các tà ấy bảo tồn
Thời Tôn-giả ấy đáng tôn, cúng dường,
Đáng tán dương. Này chư Xuất-Sĩ !
Nếu Sa-môn, Phạm-chí nào thời
Nghĩ Đại pháp môn Bốn Mươi
Đáng bị phỉ báng, đáng lời chê bai
Thời ngay hiện tại này, đặc biệt
Mười thiện thuyết hợp pháp nêu lên
Để chỉ trích người ấy liền.
Này các Phích-Khú ! Hãy nên biết là
Dân chúng ở Úc-Ka-Lá ấy (Ukkala)
Hoặc ở tại Vát-Sá, Phan-Na (Vassa, Bhanna)
Theo vô-nhân-luận, hoặc là
Theo vô-tác-luận, hoặc là hư-vô
Họ cũng không hồ đồ nghĩ quẩn
Đại pháp môn này vẫn đáng chê,
Đáng bị chỉ trích nặng nề,
Hay đáng phỉ báng. Vấn đề ở đây
Vì sao vậy ? Vì ngay chính họ
Sợ quở trách, phẩn nộ, phản công
Vì họ tự biết thật lòng
Đó là chân lý, khó mong đổi dời ”.
Nghe những lời Thế Tôn thuyết giảng
Pháp Bốn Mươi viên mãn, vẹn toàn
Chư Tỷ Kheo trong đạo tràng
Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 117 : BỐN MƯƠI –
MAHÀCATTÀRÌSAKA Sutta )