TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
110. Tiểu Kinh MÃN NGUYỆT
( Cùlapunnama sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ – trú qua
Đông Viên – Púp-Bá-Ra-Ma,
Mi-Ga-Ra-Má-Tú-Pa-Sá-Đà,
Cũng chính là Giảng đường Lộc Mẫu
Lúc bấy giờ vào dạo trăng tròn
Trong ngày Bố-tát trời trong,
Thế Tôn ngồi giữa rất đông Tăng-Già
Đang đoanh vây quanh tòa Đại Giác
Giữa trời mát, trên bãi cỏ dày.
Phật nhìn Chúng Tỷ Kheo đây
Đang rất yên lặng, tâm đầy tịnh thanh.
Đấng Trọn Lành Thế Tôn liền bảo :
– “ Các Tỷ Kheo ! Bất hảo một người
Có thể biết được một người
Tâm hành bất chánh, tức thời nói ngay :
‘Chính vị này là người bất chánh’
Có xảy ra cái cảnh đó không ? ”.
– “ Y không biết, bạch Thế Tôn ! ”.
– “ Lành thay ! Này các Sa-môn ! Đúng vầy !
Không thể có việc này, sự kiện
Người bất chánh phát hiện, biết ngay
‘Người bất chánh là người này’,
Nhưng các Phích-Khú ! Điều này có chăng :
Một người hằng bất chánh, hạ liệt
Có thể biết người chân chánh không ? ”.
– “ Y không biết, bạch Thế Tôn !
– “ Lành thay ! Này Chúng Sa-môn ! Đúng vầy !
Không thể có việc này, sự kiện
Các Tỷ Kheo ! Về chuyện như vầy
Người bất chánh có đủ đầy
Các pháp bất chánh, chẳng ngay – mọi đàng,
Giao du toàn với người bất chánh,
Nói như người bất chánh, hay là
Suy tư, hành động làm ra
Như người bất chánh, có tà kiến hư,
Bố thí như hạng người bất chánh.
Các Tỷ Kheo ! Bất chánh người này
Thế nào là có đủ đầy
Các pháp bất chánh, chẳng ngay thẳng vầy ?
Hạng người này vô tàm, vô quý,
Bất tín, chỉ biếng nhác, không nghe
Thất niệm, liệt tuệ mọi bề
Đầy pháp bất chánh nói về là đây.
Các Tỷ Kheo ! Người đầy vô hạnh
Người nào kẻ vô hạnh kết giao ?
Các ông ! Những Bàn-môn nào
Vô tàm, vô quý, không sao tin lời,
Nghe ít và biếng lười, liệt tuệ
Hay những kẻ thất niệm… vân… vân…
Thời người bất chánh kết thân.
Còn người bất chánh trong phần suy tư
Thế nào như người bất chánh vậy ?
Những người ấy suy nghĩ hại mình,
Làm hại người khác, sinh linh,
Suy nghĩ làm hại cả mình, người ta.
Thế nào là tư lường bất chánh ?
Người bất chánh tư lường hại mình,
Làm hại người khác, sinh linh
Tư lường làm hại cả mình, người ta.
Thế nào là nói năng bất chánh ?
Người bất chánh nói ác, dối gian,
Hai lưỡi, phù phiếm lăng nhăng,
Những người bất chánh nói năng như vầy.
Các Tỷ Kheo ! Hằng ngày cuộc sống
Người bất chánh hành động sao đây
Như người bất chánh sống vầy ?
Người bất chánh ấy thường bày sát sanh,
Thường thực hành tà hạnh trong dục,
Thường nhiều lúc lấy của không cho.
Biết người bất chánh là do
Hành động bất chánh nhỏ to kể vào
Các Tỷ Kheo ! Thế nào là chuyện
Người bất chánh tà kiến như là
Những người bất chánh xấu xa ?
Những người bất chánh có tà kiến như :
Không long từ bố thí, tế tự,
Không mọi thứ lễ hy sinh nào,
Không có quả dị thục nào,
Các nghiệp thiện ác & đời sau không hề !
Không có về đời khác, các cõi,
Không có loại hóa sinh, mẹ cha,
Ở đời cũng không có ra
Những Sa-môn hay những Bà-la-môn
Có chánh hạnh đáng tôn, chánh hướng,
Tự chứng đạt với thượng trí ngay,
Các đời khác và đời này
Và truyền dạy lại tương lai nối truyền.
Các Tỷ Kheo Sao liền được chỉ
Kẻ bố thí như bất-chánh-nhân ?
Ở đây, kẻ ấy mọi phần
Bố thí một cách không cần kể ai,
Vô lễ, không tự tay bố thí,
Không suy nghĩ cặn kẻ, buông lung,
Bố thí vật không cần dùng,
Bố thí không nghĩ đến chừng tương lai.
Và người này bố thí như thể
Là những kẻ bất chánh, chẳng ngay.
Các Tỷ Kheo ! Những người này
Nhiều pháp bất chánh trên đây thực hành,
Nghiệp quả dành sau khi thân hoại :
Sinh vào cõi địa ngục, bàng sanh,
Là những cảnh giới sẵn dành
Cho người bất chánh chẳng lành thọ sanh.
Các Tỷ Kheo ! Người lành, chân chánh
Biết được người chân chánh hay không ? ”.
– “ Thưa biết được, bạch Thế Tôn ! ”.
!
– “ Lành thay ! Này Chúng Sa-Môn ! Đúng vầy !
Sự tình này có thể sẽ có
Người chân chánh biết rõ điều này :
‘Người bất chánh là vị đây !’
Có thể xảy đến như vầy hay không ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Có thể biết được ! ”.
– “ Các Tỷ Kheo ! Sau trước thẳng ngay
Người chân chánh có đủ đầy
Về chánh pháp, giao du ngay mọi thời
Với những người cao thượng, chân chánh
Suy nghĩ như chân chánh các vì,
Tư lường như những vị ni,
Nói năng như bậc hành trì chánh chân,
Hành động như bậc chân chánh đó,
Chánh kiến có như bậc chánh chân,
Bố thí như bậc chánh chân.
Các ông ! Sao là bậc chân chánh này
Có đủ đầy chánh pháp như vậy ?
Những vị ấy thật có lòng tin
Có lòng tàm, quý phân minh,
Nghe nhiều, có chánh niệm, tinh tấn hoài,
Có trí tuệ, miệt mài cần mẫn.
Các Tỷ Kheo ! Viện dẫn như vầy
Thời những người chân chánh này
Những điều chánh pháp đủ đầy, thanh cao.
Các Tỷ Kheo ! Thế nào là việc
Người chân chánh giao thiệp thẳng ngay
Với các bậc chân chánh vầy ?
Ở đây, các Phạm-chí hay những vì
Sa-môn chi có tàm, có quý,
Nghe nhiều, có tuệ trí, tinh cần,
Chánh niệm… thì mới kết thân
Là bạn hữu của vị chân chánh này.
Thế nào điều vị đây suy nghĩ ?
Người ấy không suy nghĩ mọi thời
Tự làm hại mình, hại người,
Không suy nghĩ hại đồng thời cả hai.
Các Tỷ Kheo ! Vị đầy chân chánh
Cũng tư lường nhằm tránh hại mình,
Không làm hại người, sinh linh,
Không làm hại cả hai : mình, người ta.
Thế nào là nói năng như thể
Người chân chánh được kể ở đây ?
Người chân chánh từ bỏ ngay
Nói láo, hai lưỡi, lời đầy ác gian,
Lời phù phiếm, chuyện toàn vô ích.
Người chân chánh chỉ thích nói năng
Những lời chân thật hiền nhân.
Thế nào hành động người chân chánh làm ?
Người chân chánh không làm điều ác,
Bỏ sự sát, trộm cướp, tà dâm.
Các Tỷ Kheo ! Sao là phần
Có chánh kiến như chánh chân các vì ?
Người chân chánh mọi thì chánh kiến :
‘Có bố thí, có chuyện lễ nghi
Lễ hy sinh, tế tự vì
Có quả dị thục, nghiệp chi ác & lành,
Có tái sanh đời này, đời kế,
Hóa sanh loại, có mẹ, có cha,
Ở đời có những vị là
Sa-môn, Phạm-chí trải qua rthực hành
Chánh hướng, chánh hạnh lành, an lạc
Tự chứng đạt với thượng trí vầy
Đời này, đời khác, truyền lai.
Vị ấy có chánh kiến ngay như là
Người chân chánh sống qua như thế.
Các Tỷ Kheo ! Còn thế nào là
Bố thí chân chánh như là
Người chân chánh đã trải qua mọi phần
Bố thí bằng một cách lễ độ,
Tự tay mình làm bố thí ni,
Có sự kỹ lưỡng nghĩ suy,
Bố thí toàn những vật chi cần dùng.
Nghĩ đến tương lai cùng bố thí.
Người chân chánh bố thí như là
Những người chân chánh, thật thà,
Các Tỷ Kheo ! Lược kể ra như vầy.
Người chân chánh đủ đầy Chánh pháp
Và thực hành với khắp các điều
Chân chánh mà đã được nêu,
Sau khi thân hoại, có nhiều thiện duyên :
Sanh cảnh giới Chư Thiên các cõi,
Hay cảnh giới Nhân loại lành này ”.
Nghe Phật thuyết giảng như vầy
Chúng Tăng tín thọ, lòng đầy hân hoan ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh 110 : Tiểu Kinh MÃN NGUYỆT –
CÙLAPUNNAMA Sutta )