TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập II
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : [email protected]
67. Kinh CÀTUMÀ
( Càtumà sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đấng Thế Tôn du hóa,
Địa phương Cha-Tu-Má (1) dừng chân
Rừng cây Mi-Rô-Ba-Lăng (2)
Trú tại đó với Chúng Tăng tịnh, hòa.
Ngài Sa-Ri-Pút-Ta (3) Tôn-giả
( Hay ngài Xá-Lợi-Phất cũng là )
Cùng ngài Mốc-Gá-La-Na (4)
( Mục-Kiền-Liên cũng chính là ngài đây )
Lúc bấy giờ, hai ngài Thượng thủ
Dẫn năm trăm Phích-Khú, cùng qua
Đến tịnh địa Cha-Tu-Ma
Để được yết kiến Phật Đà tại đây.
Các Tỷ Kheo nơi này chào đón
Các vị đến. Rồi dọn sàng tòa,
Các y bát được cất qua,
Nên tiếng náo động khởi ra ồn ào.
Đức Thế Tôn hướng vào Tôn-giả
A-Nan-Đa, hỏi đã xảy ra
Chuyện gì náo động như là
Tiếng phường đánh cá trải qua tranh dành
______________________________
( ) : Địa phương tên Càtumà .
(2) : Rừng cây Myrobalam ( Kha-lưu-lạc ) .
(3) : Tôn giả Sariputta ( Xá-Lợi-Phất ) được Phật tuyên bố là
Đại-đệ-tử tay mặt của Ngài , vị Trí Tuệ đệ nhất .
(4) : Tôn giả Moggallana ( Mục-Kiền-Liên ) là Đại-đệ-tử tay
trái của Phật , vị Thần thông đệ nhất .
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 426
Khi thuyền về, tranh dành chia cá ?
A-Nan-Đa Tôn-giả thưa qua
Nguyên nhân sự việc xảy ra.
Thế Tôn liền bảo ngài A-Nan-Đà :
– “ Nhân danh Ta, hãy đi tìm họ
Bảo Đạo Sư gọi họ gặp Ngài ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Con đi ngay ”.
Rồi Tôn-giả chuyển lời Ngài y theo.
Tất cả vị Tỷ Kheo mới đến
Cùng đi đến hương thất Thế Tôn,
Chí thành đảnh lễ Thế Tôn
Một bên ngồi xuống nhu ôn cạnh Ngài.
Đấng Như Lai liền lên tiếng hỏi
Hướng về mọi Tỷ Kheo ngồi gần :
– “ Các Tỷ Kheo ! Có nghĩ chăng
Có tiếng náo động như hàng ngư dân
Tranh dành cá vang rân náo động ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Náo động do là
Năm trăm Tỷ Kheo từ xa
Vừa đến tại Cha-Tu-Ma nơi này
Do hai ngài : Sa-Ri-Pút-Tá
Và Mốc-Ga-La-Ná dẫn đầu
Chư Tăng tại đây đón chào
Dọn sàng tọa, y bát mau cất vào,
Nên có tiếng ồn ào như vậy ”.
– “ Các Tỷ Kheo ! Mau hãy đi đi !
Ta đuổi các ông phải đi.
Chớ gần Ta. Hãy cấp kỳ đi ra ! ”.
– “ Bạch Phật Đà ! Xin vâng lời dạy ”.
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 427
Các Tỷ Kheo đứng dậy tức thì
Đảnh lễ đấng Chánh Biến Tri
Hữu nhiễu quanh Phật rồi thì đi ra.
Dọn dẹp lại sàng tòa như cũ
Lấy y bát, ủ rủ đi ra.
Lúc ấy, Thích-tử Thích Ca
Các vị tạm trú tại Cha-Tu-Mà,
Đang hội họp bàn qua công vụ
Tại giảng đường đang trú nơi đây.
Bỗng thấy các Tỷ Kheo này
Từ xa đi đến, mặt mày buồn hiu.
Các Thích-tử thấy điều như vậy
Hòi các Tỷ Kheo ấy như sau :
– “ Nay chư Tôn-giả đi đâu ? ”.
– “ Chư Huynh ! Cả bọn phạm vào điều sai,
Bị Như Lai đuổi đi như vậy ”.
– “ Chư vị hãy ngồi lại nơi này
Chúng tôi sẽ xin với Ngài ”.
– “ Thưa vâng, xin các Huynh đài giúp cho ”.
Các Thích-tử này do sốt sắng
Đến, đảnh lễ Chánh Đẳng Như Lai,
Rồi ngồi xuống một bên Ngài.
( Các vị Thích-tử ở đây chính là
Sát-Đế-Lỵ Thích Ca tộc hệ (1)
Thuộc Ca-Tỳ-La-Vệ (1) nước này )
Các Thích-tử bạch Phật ngay :
____________________________
(1) : Bộ tộc Sakya – Thích Ca thuộc giai cấp Khattiya (Sát-Đế-
Lỵ ) thuộc Tiểu quốc Kapilavatthu ( Ca-Tỳ-La-Vệ ) lúc ấy
dưới sư trị vì của Vua Tịnh Phạn (Suddhodana – là cha của
Thái Tử Sĩ-Đạt-Ta , tức Đức Phật ) .
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 428
– “ Bạch đấng Thiện Thệ ! Xin Ngài thứ tha,
Xin Phật Đà từ bi hoan hỷ
Với các vị Tỷ Kheo lỗi lầm.
Trước kia, Ngài với từ tâm
Tiếp độ, hướng dẫn họ tầm đường tu
Nay xin giúp Phích-Khu (1) các vị
Trong số họ, có vị mới tu
Thân tâm chưa được hòa nhu
Xuất gia mới mẻ, công phu chưa nhiều,
Pháp và Luật họ đều sơ lược.
Nếu không được yết kiến Phật Đà
Có thể họ đổi khác ra,
Có thể biến chất hoặc là lầm đi.
Bạch Thế Tôn ! Giống y hạt giống
Không tưới nước, sức sống sẽ suy
Có thể chúng biến dạng đi
Hoặc chúng đổi khác, còn tùy xảy ra.
Bạch Phật Đà ! Bê con được ví
Với nó, chỉ có mẹ mà thôi,
Nếu bò mẹ bị tách rời
Có thể bê biến dạng rồi đổi thay.
Cũng như vậy, xin Ngài hoan hỷ
Lượng thứ cho các vị Tỷ Kheo.
Đây có những tân Tỷ Kheo
Xuất gia mới mẻ, chưa theo Luật điều.
Nếu Thế Tôn dùng nhiều cách phạt,
Họ có thể đổi khác, càng sai,
Xin Phật tiếp đón Chúng này
Xin hãy hoan hỷ, xin Ngài từ bi ”.
_______________________________
(1) : Bhikkhu – Tỳ-Khưu hay Tỷ-Kheo , có nghĩa là Khất-sĩ .
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 429
Vị Sa-Hăm-Pá-Ti (1), thường trú
Cõi Phạm Thiên. Là chủ Ta-Bà,
Với tâm của mình, biết qua
Tâm của Đại Giác Phật Đà trí minh.
Như lực sĩ tạo hình, dễ dãi
Duỗi cánh tay co lại của mình,
Phạm Thiên biến mất thình lình
Khỏi Phạm-Thiên-giới, an bình hiện ra
Trước mặt đức Phật Đà tự tại
Đắp thượng y vai trái nghiêm trang
Chắp tay hướng Phật, bạch rằng :
– “ Bạch đức Điều Ngự ! Ngài hằng từ bi.
Hãy hoan hỷ với Tỳ-Khưu Chúng,
Hãy tiếp đón, gặp Chúng Tăng này.
Ví như Thế Tôn trước đây
Tiếp độ, giúp họ, tâm đầy thương yêu.
Trong số họ, có nhiều Phích-Khú
Mới xuất gia, chưa đủ oai nghi,
Vừa đến trong Pháp & Luật ni,
Không được yết kiến Phật thì buồn thay !
Có thể vì điều này thối thất,
Rồi đổi khác, biến chất, lầm đi.
Kính bạch đấng Chánh Biến Tri !
Hạt giống thiếu nước sẽ suy yếu liền,
Như bê con tách riêng bò mẹ…
Các Tỷ Kheo này sẽ lạc đường
Bạch đấng Thiện Thệ Pháp Vương !
Xin Ngài hoan hỷ, hãy thương Chúng này ”.
Do trình bày thiết tha, tuần tự
________________________________
(1) : Đại Phạm Thiên Sahampati tại Cõi Trời Phạm Thiên .
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 430
Các Thích-tử và Đại Phạm Thiên
Sá-Hăm-Pá-Tí, là duyên
Để đấng Đại Giác bỏ phiền làm vui,
Với ví dụ để nuôi hạt giống
Hay sự sống mất mẹ của bê.
Khi đã giải quyết vấn đề
Sá-Hăm-Pá-Tí trở về Phạm Cung
Các Thích-tử cũng cùng từ giã.
Ngài Mốc-Ga-La-Ná bấy giờ
Bảo các Tỷ Kheo ngồi chờ :
– “ Chư Hiền ! Đứng dậy ! Nhân cơ hội này
Đại Phạm Thiên, các ngài Thích-tử
Đã xin đấng Điều Ngự thứ tha,
Phật đã vui lòng bỏ qua .
Lấy y bát, hướng Phật Đà đến ngay ! ”.
Các vị này vâng theo Tôn-giả
Từ chỗ ngồi đứng cả lên ngay
Đến gặp Phật, đảnh lễ Ngài,
Một bên ngồi xuống, lòng đầy hân hoan.
Phật nhìn sang Sa-Ri-Pút-Tá ,
Hỏi : “ Này Xá-Lợi-Phất ! Nghĩ gì
Khi Ta đuổi bọn họ đi ? ”.
– “ Bạch Phật ! Các Tỷ Kheo ni lỗi lầm
Bị Ngài đuổi, con thầm nghĩ ngợi :
‘Vậy thuận lợi, ít bận rộn Ngài,
Trú an hiện-tại-lạc này.
Chúng con cũng vậy, từ rày được an ”.
– “ Xá-Lợi-Phất ! Hãy khoan nói thế,
Chớ có để tư tưởng như vầy
Khởi lên từ nơi ông đây ”.
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 431
Mục-Kiền-Liên lại được Ngài hỏi qua :
– “ Này Mốc-Gá-La-Na ! Ông nghĩ
Về các vị bị đuổi thế nào ? ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Con nghĩ mau :
Nay sự bận rộn, ồn ào mất đi,
Hiện-tại-lạc Phật thì an trú,
Từ nay tự con và Pháp-huynh
Sa-Ri-Pút-Tá, tận tình
Lãnh đạo Tăng Chúng nghiêm minh, an lành ”.
– “ Lành thay ! Này Mốc-Ga-La-Ná !
Chỉ có Ta và cả hai là :
Tay mặt, Sa-Ri-Pút-Ta,
Tay trái, Mốc-Gá-La-Na – tận tình
Mới có thể nghiêm minh lãnh đạo
Chúng Tỷ Kheo y giáo hành trì ”.
Sau đó, đức Chánh Biến Tri
Cho gọi Tăng Chúng tức thì vào ngay.
Ngài thuyết giảng : “ Hỡi này Tăng Chúng !
Bốn điều cũng đáng sợ như nhau
Chờ đợi ai lội nước sâu.
Thế nào là bốn ? – Sợ vào sóng to,
– Sợ và lo cá sấu làm hại,
– Sự sợ hãi nước xoáy giữa dòng,
– Sợ hãi cá dữ tấn công.
Bốn điều sợ hãi chẳng mong gặp này
Luôn chờ đợi những ai lội nước.
Cũng vậy, bốn điều được nêu ra
Chờ đợi những người xuất gia
Luôn đáng sợ hãi, trải qua sớm chiều.
Thế nào là bốn điều đáng sợ
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 432
Cũng tương tợ : cá sấu, sóng to,
Nước xoáy, cá dữ đáng lo.
Các ông ! Sợ hãi nguyên do thế nào ?
* Sự sợ hãi ra sao về sóng ?
Các Tỷ Kheo ! Đang sống tại gia
Một Thiện-nam-tử an hòa
Vì lòng tin, đã xuất gia, lìa nhà,
Bỏ gia đình, tránh xa thế tục.
Trong tỉnh thức, vị ấy nghĩ suy :
“ Ta bị già, chết, sầu, bi,
Sanh, khổ, ưu, não… mọi thì chẳng buông,
Khổ áp bức, khổ luôn chi phối.
Tuy vậy, ta mong đợi như vầy :
Dứt toàn bộ khổ uẩn này ”.
Xuất gia, vị ấy đêm, ngày, ngoài, trong
Được các vị là đồng-phạm-hạnh
Giảng dạy điều chân chánh, khuyên bày :
‘Ông cần thực hiện hằng ngày :
Ngó tới như vậy, như vầy ngó quanh,
Đi và về an lành như vậy,
Co & duỗi tay cũng phải oai nghi.
Phải mang Tăng-già-lê y,
Mang bát như vậy, mọi thì hóa duyên’.
Vị ấy liền nghĩ theo việc đó :
‘Trước kia, ta chưa có xuất gia,
Chính ta giảng dạy người ta,
Khuyến giáo người khác thật là nhiều thay !
Nay họ đây hãy còn ít tuổi
Đáng vào tuổi con cháu của ta
Lại muốn giảng dạy cho ta,
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 433
Lên mặt khuyến giáo với ta đủ điều’.
Do tâm tư có nhiều bất mãn
Vị ấy nản, hoàn tục, về nhà.
Các Tỷ Kheo ! Như vậy là
Vị ấy từ bỏ, lánh xa tu hành.
Gọi đích danh là người sợ hãi
Sự sợ hãi về sóng tấn công.
Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu thông :
Sợ hãi sóng – phẫn não : đồng nghĩa nhau.
* Còn thế nào sợ hãi cá sấu ?
Thấy phiền não đời sống tại gia,
Một Thiện-nam-tử trải qua
Lòng tin sâu nặng, xuất gia tu hành,
Tâm chí thành muốn trừ dứt khổ.
Nhưng tại chỗ trú xứ, hằng ngày
Được đồng-phạm-hạnh các ngài
Giảng dạy, khuyến giáo vị đây ân cần :
“ Ông không nên nhai, ăn cái đó !
Không nên có cách nếm, uống này !
Nên nhai, ăn, nếm như vầy !
Nên uống như vậy ! Phải đầy oai nghi.
Ông nên ăn những gì cho phép,
Không cho phép thì chẳng nên ăn !
Nhai, nếm hay uống cũng hằng
Theo sự cho phép & cấm ngăn giới này.
Phải đúng thời nếm, nhai, ăn, uống,
Không nếm, nhai, ăn, uống phi thời ”.
Vị ấy suy nghĩ tức thời :
‘Trước kia khi sống cuộc đời tại gia
Cái gì muốn thì ta thực hiện,
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 434
Nếu không muốn, ta miễn làm ngay,
Sự ăn, uống, nếm, nhai này
Đúng thời, ta uống, ăn, nhai đã đành
Phi thời cũng thực hành điều đó.
Như nay có gia-chủ tín thành
Cúng dường món ăn ngon lành,
Hình như bị chận tại vành miệng ta ! ”.
Bất mãn do chỉ là vật thực
Y lập tức hoàn tục, về nhà.
Các Tỷ Kheo ! Như vậy là
Vị ấy từ bỏ, lánh xa tu hành.
Gọi đích danh là người sợ hãi
Sự sợ hãi cá sấu tấn công.
Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu thông :
Tham ăn – sợ cá sấu : đồng nghĩa nhau.
* Còn thế nào sợ hãi nước xoáy ?
Thiện nam ấy chán đời tại gia
Từ bỏ gia đình, xuất gia
Do nghĩ : ‘Khổ áp bức ta mọi thời,
Khổ chi phối cuộc đời ta mãi,
Ta mong phải dứt khổ uẩn này’.
Sống đời xuất gia, hằng ngày
Với đồng-phạm-hạnh các ngài tại đây.
Khi vị này đắp y mang bát
Vào thị trấn hoặc các thôn làng
Khất thực ; nhưng y hoàn toàn
Thân không phòng hộ, mọi đàng dễ duôi,
Không phòng hộ, dễ duôi lời nói,
Không có mọi niệm-an-trú cần,
Lại không chế ngự các căn.
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 435
Vị này thấy các chủ-nhân các nhà
Đời sống họ thật là đầy đủ
Được hưởng thụ năm dục tăng gia,
Thấy hoan hỷ ; nên nghĩ là :
‘Khi chưa nhập chúng thì ta cũng vầy
Cũng hưởng thụ đủ đầy năm dục
Trong mọi lúc, hoan hỷ trải qua.
Ta có tài sản trong nhà
Có thể hưởng thụ với gia tài mình,
Vừa có thể tự mình làm phước’.
Rồi lui bước, hoàn tục, về nhà.
Các Tỷ Kheo ! Như vậy là
Vị ấy từ bỏ, lánh xa tu hành.
Gọi đích danh là người sợ hãi
Sự sợ hãi nước xoáy mênh mông.
Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu thông :
Năm dục tăng trưởng cũng đồng nghĩa đây
Với nước xoáy người này sợ hãi.
* Còn sợ hãi cá dữ là sao ?
Có một Thiện-nam-tử nào
Vì lòng tin quá dồi dào, xuất gia
Bỏ gia đình, tránh xa thế tục.
Trong tỉnh thức, vị ấy nghĩ suy :
“ Ta bị già, chết, sầu, bi,
Sanh, khổ, ưu, não… mọi thì chẳng buông,
Khổ áp bức, khổ luôn chi phối.
Tuy vậy, ta mong đợi như vầy :
Dứt toàn bộ khổ uẩn này ”.
Xuất gia nhập chúng, ngày ngày vui thay !
Khi vị này đắp y mang bát
Vào thị trấn hoặc các thôn làng
Trung Bộ (Tập 2) Kinh 67 : CÀTUMÀ * MLH – 436
Khất thực ; nhưng y hoàn toàn
Thân không phòng hộ, mọi đàng dễ duôi,
Không phòng hộ, dễ duôi lời nói,
Không có mọi niệm-an-trú cần,
Lại không chế ngự các căn.
Vị này nhìn thấy nữ nhân các nàng
Y phục họ hở hang phất phới
Không đoan chánh, khiêu gợi dục tâm
Khiến vị này khởi tà dâm
Dục tình liền phá hoại tâm vị này.
Do dục vọng xéo dày như vậy
Nên vị ấy hoàn tục, về nhà.
Các Tỷ Kheo ! Như vậy là
Vị ấy từ bỏ, lánh xa tu hành.
Gọi đích danh là người sợ hãi
Sự sợ hãi cá dữ tấn công.
Các Tỷ Kheo ! Phải hiểu thông :
Phụ nữ – sợ cá dữ : đồng nghĩa nhau.
Bốn điều này trước sau Ta giảng
Cũng đều đáng sợ hãi, kinh hồn,
Chờ người xuất gia, Sa-môn,
Gia đình từ bỏ, bảo tồn đường tu
Trong Pháp & Luật ; công phu chưa đạt
( Luôn cảnh giác về bốn điều này ) ”.
Thế Tôn thuyết giảng như vầy,
Chư Tăng tín thọ, lời Ngài khâm tuân ./-
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3L )
* * *
( Chấm dứt Kinh số 67 : CÀTUMÀ – CÀTUMÀ Sutta )
Gửi ý kiến của bạn