Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cuốn 68

16/04/201317:30(Xem: 13353)
Cuốn 68

Luận Đại Trí Độ
( Mahàprajnàparamitàsatra)

Tác giả:Nàgàrjuna (Long Thọ)
Dịch Phạn ra Hán:Cưu Ma La Thập
Dịch Hán ra Việt:Thích Thiện Siêu

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam
Ấn hành 1997

---o0o---

Tập 4

Cuốn 68

GIẢI THÍCH: PHẨM MA SỰ THỨ 46.

KINH: Bấy giờ Tuệ mạng Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, thiện nam tử thiện nữ nhân ấy phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, tu sáu ba la mật, thành tựu tuệ giác cho chúng sanh, nghiêm tịnh Phật độ, Phật đã tán thán nói công đức họ rồi. Bạch đức Thế Tôn, cớ sao thiện nam tử thiện nữ nhân ấy cầu Phật đạo lại gặp các chướng nạn?

Phật bảo Tu bồ đề; Biện tài vui nói không phát sanh liền, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề thưa: Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì biện tài vui nói không phát sanh liền, là ma sự của Bồ tát?

Phật dạy: Có Bồ tát ma ha tát khi tu Bát nhã ba la mật, khó đầy đủ sáu ba la mật, vì nhân duyên ấy nên biện tài vui nói không phát sanh liền, đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, biện tài vui nói vội vã phát khởi, nên biết cũng là ma sự của Bồ tát.

Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì, biện tài vui nói vội vã phát khởi, lại là ma sự?

Phạt dạy: Bồ tát ma ha tát tu Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật mà đắm vào sự ưa vui thuyết pháp vì nhân duyên ấy, nên biết biện tài vui nói vội vàng phát khởi, là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, khi chép kinh Bát nhã ba la mật ấy, mà tâm ngạo mạn vô lễ, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, khi chép kinh Bát nhã ba la mật mà loạn tâm cười giỡn, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ dề, nếu khi chép kinh Bát nhã mà bất kính, khinh cười, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, nếu khi chép kinh Bát nhã mà loạn tâm bất định, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, nếu chép kinh mà mỗi người không hòa hợp, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tử thiện nữ nhân nghĩ rằng: Ta không được ý vị trong kinh Bát nhã liền bỏ đi, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, khi thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng, hoặc nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật mà tâm ngạo mạn vô lễ, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, nếu trong khi thọ trì, thân cận, nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, mà lại cười nhau cười đùa, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, nếu trong khi thọ trì, đọc tụng, nhớ nghĩ đúng và tu hành kinh Bát nhã ba la mật, mà khinh miệt cùng nhau, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Nếu khi thọ trì, đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, mà tâm tán loạn, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Nếu trong khi thọ trì, đọc tụng cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã ba la mật, mà tâm không hòa hợp, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Thế Tôn nói thiện nam tử thiện nữ nhã nghĩ rằng: Ta không được ý vị trong kinh liền bỏ đi,nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì Bồ tát không đưọc ý vị trong kinh liền bỏ đi?

Phật dạy: Bồ tát ma ha tát ấy, đời trước tu hành Bát nhã ba la mật, Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật không được bao lâu, nên người ấy khi nghe nói Bát nhã ba la mật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, suy nghĩ và nói rằng: Ta đối với Bát nhã ba la mật, không ghi nhớ, tâm không thanh tịnh, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, vì nhân duyên gì, không được thọ ký, khi nghe nói Bát nhã ba la mật thâm sâu, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi?

Phật bảo Tu bồ đề: Nếu Bồ tát chưa vào trong pháp vị, nên chư Phật không thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cho.

* Lại nữa, Tu bồ đề, khi nghe nói Bát nhã ba la mật, Bồ tát nghĩ rằng: Ta không có danh tự trong đây, tâm không thanh tịnh, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Phật dạy: Bồ tát chưa được thọ ký, chư Phật không nói đến danh tự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát ấy nghĩ rằng: Trong Bát nhã ba la mật, không có danh tự nơi sanh của ta, hoặc xóm làng, thành ấp, người ấy không muốn nghe Bát nhã ba la mật, bèn từ trong hội chúng đứng dậy bỏ đi. Ngưòi ấy như từ khi khởi niệm, mỗi niệm trừ một kiếp, mới phải lại siêng tinh tấn, cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.

LUẬN: Tát cả pháp hữu vi, đều có thêm lên. Thêm lên là trái ngược nhau; trái nhau tức là giặc oán của nhau. Như sức nước được thêm lên thời diệt tắt lửa, sức lửa được thêm lên thời làm tiêu mất nước; cho đến cỏ cây đều có sự hại nhau, huống gì chúng sanh. Bồ tát ma ha tát có tâm đại từ bi, tuy không gây oán với chúng sanh, mà chúng sanh lại gây oán với Bồ tát, vì thân Bồ tát là pháp hữu vi, nên có thể làm cho chướng nạn. Ở trên Phật nói công đức Bồ tát, đó là được chư Phật, Bồ tát, chư thiên hộ trì, mà chưa nói đến tướng giặc oán, vì Phật thương xót, nên trước tuy đã lược nói, mà nay Tu bồ đề thỉnh Phật nói rộng việc chướng nạn. Tuy Phật tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh, hết thảy pháp, song vì Bồ tát có thể làm lợi ích lớn cho thế gian, nên Phật nói tướng các việc chướng nạn, tốt xấu, lợi hại; là đạo, là chẳng phải đạo. Phật không khiến người tu hành hủy hoại người gây chướng nạn, chỉ khiến giác tri, không theo việc ấy.

Sao gọi là giặc oán? Lược nói: Hoặc chúng sanh, hoặc phi chúng sanh có thể làm trở ngại tâm vô thượng đạo của Bồ tát, đều gọi là giặc oán. Phi chúng sanh là tật bệnh, đói khát, lạnh nóng, áp bức trụy lạc, v.v... chúng sanh là Ma và Ma dân, qủy dữ, người tà kiến nghi ngờ không tin, người dứt thiện căn, người định kiến có sở đắc, người quyết định phân biệt các pháp, người đắm sâu cái vui thế gian, giặc oán, việc quan, sư tử, hổ lang, thú dữ, trùng độc v.v...

Giặc chúng sanh có hai thứ: Hoặc trong hoặc ngoài. Trong là từ trong tâm sanh, lo sầukhông được pháp vị, sanh tà kiến, nghi ngờ, hối tiếc, không tin. Ngoài là như trên nói. Các nạn sự như vậy, Phật gọi chung là ma.

Ma có bốn thứ: Ma phiền não, Ma ngũ ấm, Ma chết, Ma trời.

Ma phiền não là 108 phiền não, phân biệt rộng có 84.000 phiền não.

Ma ngũ ấm là do nhân duyên phiền não và nghiệp hòa hợp có được thân này. Bốn đại và bốn đại tạo sắc (sắc, hương, vị, xúc) và nhã căn v.v... gọi là sắc uẩn; 108 phiền não các thọ hòa hợp, gọi là thọ uẩn; các tưởng nhỏ lớn, vô lượng, vô sỡ hữu, phân biệt hòa hợp, gọi là tưởng uẩn. Do tâm phân biệt tốt xấu phát sanh, tâm khởi lên tham dục, sân nhuế, pháp tương ưng, pháp không tương ưng với tâm, gọi là hành uẩn; sáu căn trần hòa hợp sanh sáu thức, sáu thức ấy phân biệt hòa hợp thành vô lượng vô biên tâm, gọi là thức uẩn.

Ma chết là do vô thường nên phá sự tương tục của mạng sống của thân ngũ uẩn, lìa hết ba pháp là thọ, noãn, thức, nên gọi là Ma chết.

Ma trời là chủ cõi Dục, đắm sâu cái vui thế gian, vì có sở đắc, nên sanh tà kiến, ganh ghét tất cả thánh hiền, Niết bàn, đạo pháp. Ấy gọi là Ma trời.

Ma Trung Hoa dịch là hay cướp mạng. Chỉ Ma chết mới thật sự cướp mạng, các ma kia cũng làm nhân duyên cướp thân mạng, và cũng cướp mạng sống trí tuệ, thế nên gọi nó là kẻ giết.

Hỏi: Một Ma năm ấm đã gồm ba thứ ma, cớ gì nói riêng ra bốn?

Ðáp: Thật một là Ma, nhưng vì phân biệt nghĩa nó nên có bốn. Ma phiền não là do người ta tham dục, sân nhuế, nên chết và có thể làm nhân duyên cướp mạng sống. Nó là nhân duyên gần cướp mạng sống, nên nói riêng.

Ma trời do nghiệp phước đức hỗn tạp nên được thế lực lớn, do tà kiến nên có thể cướp mạng sống trí tuệ, cũng làm nhân duyên cho sự chết, thế nên nói riêng.

Ma trời do nghiệp phước đức hỗn tạp nên được thế lực lớn, do tà kiến nên có thể cướp mạng sống trí tuệ, cũng làm nhân duyên cho sự chết, thế nên nói riêng.

Sức của vô thường chết lớn, không một ai tránh khỏi, rất đáng sợ đáng chán, thế nên nói riêng ma chết.

Hỏi: Vì sao Ma làm não loạn người tu?

Ðáp: Trước đã nói rộng. Trong phẩm này đều có nói nghĩa bốn thứ Ma, chỉ tùy chỗ mà nói.

* Lại nữa, ba Ma không rời nhau, nêu có năm uẩn thời có phiền não, có phiền não thời thiên ma được chỗ dễ để phá; năm uẩn và phiền não hòa hợp nên có thiên Ma. Thế nên Tu bồ đề hỏi Phật: Trên đã tán thán công đức Bồ tát, cớ sao nay nói Bồ tát có Ma sự khởi lên? Phật đáp: Biện tài vui nói không sanh khởi liền, ấy là Ma sự. Nếu Bồ tát thương xót chúng sanh, lên tòa cao thuyết pháp, mà Biện tài vui nói không sanh khởi, thời thính giả ưu sầu nói rằng: Chúng ta cố đi đến nghe mà pháp sư không nói; hoặc nghĩ rằng pháp sư sợ sệt cho nên không thể nói; hoặc bảo pháp sư không biết cho nên không thể nói; hoặc tự nghĩ mình tội lỗi rất nặng nên không nói; hoặc bảo vì không được cúng dường nên không chịu nói; hoặc bảo vì khinh hèn chúng ta nên không nói; hoặc vì quen ưa vui nên không nói. Do các nhân duyên như vậy, làm cho tâm thính giả bại hoại; vì không vui nên gọi là Ma sự.

* Lại nữa, Bồ tát vì thương xót chúng sanh, đi đến muốn thuyết pháp, thính giả muốn nghe, tâm pháp sư muốn nói, mà miệng không nói được, thấy rõ ràng là Ma sự, như ma xâm nhập tâm A nan, Phật hỏi ba lần, mà ba lần không đáp, lâu mới đáp.

Trong đây Tu bồ đề thưa Thế Tôn: Vì sao biện tài không sanh khởi liền?

Phật đáp: Bồ tát khi tu sáu ba la mật, khó đầy đủ sáu ba la mật, vì sao? Vì người ấy do nhân duyên đời trước độn căn, biếng nhác, ma được chỗ dễ; không nhất tâm tu sáu ba la mật, nên biện tài vui nói không sanh khởi liền.

Hỏi: Như biện tài vui nói không sanh khởi liền ấy là Ma sự, nay biện tài vui nói vụt sanh khởi có gì lại là Ma sự?

Ðáp: Ấy là vì pháp sư ái pháp, đắm pháp, cầu thanh danh, nên tự phóng túng vui nói, không có nghĩa lý, như ngựa lung khó ngăn, lại như nước lớn mênh mông, hỗn tạp mọi đồ nhơ. Thế nên trong đây Phật tự nói: Bồ tát tu sáu ba la mật mà ưa đắm thuyết pháp, ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Bát nhã ba la mật vì phá tâm kiêu mạn nên xuất hiện, mà người chép kinh này lại sanh tâm chấp ngã, kiêu mạn, tâm kiêu mạn nên thân cũng tự cao, nghĩa là ngạo mạn vô lễ, khi chép kinh Bát nhã ba la mật dùng tâm khinh mạn, tâm sân nhuế, giỡn cười bất kính.

* Lại nữa, đối với Bát nhã ba la mật nếu nhất tâm, nhiếp tâm còn khó được, huống gì đem tâm tán loạn mà chép. Khi chép theo miệng người truyền trao, hoặc chép theo kinh quyển, nếu nhất tâm hòa hợp thời được. Nếu người truyền không trao cho, như vậy là không hòa hợp.

* Lại nữa, khi xem Bát nhã ba la mật, phẩm nào cũng nói không, không có điều gì đáng vui, liền nghĩ rằng: Ta đối với kinh này không được ý vị, bèn bỏ đi. Bát nhã ba la mật là căn bản của tất cả điều vui, người ấy không được ý vị, ấy là Ma sự.

* Lại nữa, khi thọ trì, đọc tụng, thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng, mà ngạo mạn vô lễ, hiện tướng cười cợt, tâm tán loạn, không hòa hợp, như trên nói.

Cùng nhau khinh miệt là khi theo người lãnh thọ, nhớ nghĩ đúng, mới có việc thầy trò khinh dể nhau; còn khi chép kinh, chỉ có bỏ đi, không khinh dể nhau, thế nên không có khinh miệt.

Hỏi: Ðối việc trên, cớ sao chỉ hỏi không được ý vị trong kinh, mà không hỏi việc khác?

Ðáp: Bát nhã ba la mật, được thánh nhân nói ra, khác với phàm phu nói, thế nên ngưòi phàm phu không được ý vị. Ý Tu bồ đề là Bát nhã ba la mật là tích tụ trân bảo thanh tịnh, hay làm lợi chúng sanh, không có tội lỗi, cớ sao người ấy không được ý vị?

Phật đáp: Vì người ấy đời trước tu sáu ba la mật không lâu, vì năm căn tín, tấn v.v... mỏng, nên không thể tin pháp không, vô tướng, vô tác, không nơi nương tựa. Tâm tán loạn khởi lên nói rằng: Phật là bậc Nhất thiết trí, cớ sao không thọ ký cho ta, liền bỏ đi. Các điều khác dễ hiểu, nên không nói.

Tu bồ đề hỏi: Nếu như vậy,cớ sao không thọ ký cho tôi? Phật là bậc đại bi nên thương xót, niệm tưởng, phòng hộ tâm kia khỏi bị đọa ác. Phật dạy: Người chưa vào ngôi pháp, chư Phật không thọ ký, vì sao? Vì chư Phật tuy biết hết việc lâu xa của chúng sanh, nhưng vì hàng tiên nhân đủ 5 thần thông và chư thiên, thấy người chưa có nhân duyên của hành nghiệp thiện đáng được thọ ký mà nếu Phật thọ ký, thời sẽ khinh Phật mà không tin: "Không có đủ nhân duyên cớ sao thọ ký cho?"; thế nên người vào ngôi pháp mới được thọ ký. Danh tự và xóm làng người ấy, cũng như vậy. Người ấy từ tòa đứng dậy bỏ đi, tùy kia khởi niệm nhiều ít, mỗi niệm trừ một kiếp, khi trả hết tội, trở lại làm thân người mới sẽ trở lại tu bấy nhiêu kiếp bằng kiếp trả tội.

KINH:Lại nữa, Tu bồ đề, Bồ tát học các kinh khác bỏ Bát nhã ba la mật, thời trọn không thể đạt được trí Nhất thiết chủng. Thiện nam tử thiện nữ nhân ấy bỏ gốc, vin lấy cành lá, cũng nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề bạch Phật rằng: Bạch đức thế Tôn, những kinh kác là những kinh gì, mà thiện nam tử thiện nữ nhân học không thể đạt đến trí Nhất thiết chủng?

Phật dạy: Ấy là kinh mà hàng Thanh văn cần học; đó là bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy giác phần, tám Thánh đạo phần; ba cửa giải thoát là không, vô tướng, vô tác. Thiện nam tử thiện nữ nhân ở trong đó chứng được quả Tu đà hoàn, quả Tư đà hàm, quả A na hàm và quả A la hán. Ấy là sở hành của Thanh văn, không thể dạt đến trí Nhất thiết chủng.

Như vậy là thiện nam tử, thiện nữ nhân bỏ Bát nhã ba la mật mà thân cận các kinh khác ấy, vì sao? Tu bồ đề từ trong Bát nhã ba la mật xuất sinh các Bồ tát ma ha tát, thành tựu pháp thế gian, xuất thế gian.

Tu bồ đề, Bồ tát ma ha tát học Bát nhã ba la mật, cũng học pháp thế gian, xuất thế gian. Tu bồ đề, ví như chó không theo chủ kiếm ăn, mà lại theo người làm việc kiếm ăn. Như vậy, Tu bồ đề, đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhân, bỏ gốc Bát nhã ba la mật thâm sâu mà vin lấy cành lá các kinh của hành Thanh văn, Bích chi Phật hành trì; nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồđề, thí như có người muốn thấy voi, thấy rồi trở lại đi xem dấu chân nó. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy sáng suốt chăng?

Tu bồ đề thưa: Không sáng suốt, bạch Thế Tôn.

Phật dạy: Các thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phâït đạo cũng như vậy, đã được nghe Bát nhã ba la mật thâm sâu rồi bỏ đi, mà thủ lấy kinh cần tu học của hàng Thanh văn, Bích chi Phật. Tu bồ đề, nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, thí như người muốn thấy biển lớn, lại đi tìm nước ở dấu chân trâu, nghĩ rằng: Nước biển lớn có bằng nước này chăng? Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phật dạy: Ðời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo cũng như vậy, được nghe Bát nhã ba la mật rồi bỏ đi, mà thủ lấy kinh cần tu học của hàng Thanh văn, Bích chi Phật; nên biết đó cũng là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, thí như thợ khéo hoặc học trò của thợ khéo nghĩ muốn làm cung điện thù thắng của trời Ðế thích, lại đo cung điện mặt trời mặt trăng. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Như vậy, Tu bồ đề, đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhân phước đức mỏng cầu Phật đạo, đã được nghe Bát nhã ba la mật thâm sâu rồi bỏ đi, mà tìm trí Nhất thiết chủng trong kinh của hàng Thanh văn, Bích chi Phật tu học. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phật dạy: Nên biết đó cũng là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, thí như có người muốn thấy Chuyển luân Thánh vương, khi thấy mà không biết, sau thấy các tiểu quốc vương, thủ lấy tướng mạo rồi nói rằng: Chuyển luân Thánh vương có khác gì đây? Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Tu bồ đề, đời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhân phước đức mỏng, cầu Phật đạo, được nghe Bát nhã ba la mật thâm sâu rồi bỏ đi, mà tìm trí Nhất thiết chủng trong các kinh của hàng Thanh văn, Bích chi Phật cần tu học. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phạt dạy: Nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, thí như người đói được đồ ăn trăm vị, bỏ đi rồi trở lại ăn cơm từ thứ lúa 60 ngày. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phật dạy: Ðời vị lai có thiện nam tử,thiện nữ nhân cầu Phạt đạo, được nghe Bát nhã ba la mật thâm sâu rồi bỏ đi, mà tìm cầu trí Nhất thiết chủng trong các kinh của hàng Thanh văn, Bích chi Phật tu học. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phật dạy: nên biết đó là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, thí như người được ngọc ma ni vô giá, lại đem sánh với ngọc thủy tinh. Tu bồ đề, ý ông nghĩ sao? Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không.

Phật dạy: Ðời vị lai có thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo đã được nghe Bát nhã ba la mật thâm sâu rồi bỏ đi, mà tìm cầu trí Nhất thiết chủng trong các kinh của hàng Thanh văn, Bích chi Phật tu học. Người ấy là thông minh chăng?

Tu bồ đề thưa: Không! Nên biết đó cũng là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo, khi chép kinh Bát nhã ba la mật thâm sâu, mà ưa nói những điều không như pháp, thì không chép Bát nhã ba la mật thành tựu được. nghĩa là ưa nói sắc, tiếng, mùi, vị, xúc, pháp: ưa nói trì giới, thiền định, vô sắc định; ưa nói Thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật; ưa nói bốn niệm xứ cho đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, vì cớ sao? Tu bồ đề, vì trong Bát nhã ba la mật không có tướng ưa nói. Tu bồ đề tướng Bát nhã ba la mật là không thể nghĩ bàn, tướng Bát nhã ba la mật là không sinh không diệt, tướng Bát nhã ba la mật là không nhơ không sạch, tướng Bát nhã ba la mật là không loạn không tán, tướng Bát nhã ba la mật là không nói không chỉ, tướng Bát nhã ba la mật là không lời không nghĩa, tướng Bát nhã ba la mật là không gì có được, vì sao? Tu bồ đề, vì trong Bát nhã ba la mật không có tướng các pháp.

Tu bồ đề, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu đạo Bồ tát, khi chép kinh Bát nhã ba la mật, vì các pháp ấy làm tán loạn tâm, nên biết đó cũng là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ dề bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn, Bát nhã ba la mật có thể chép ư?

Phật dạy: Không thể chép, vì sao? Vì Bát nhã ba la mật không có tự tánh vậy! Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật, cho đến trí Nhất thiết chủng không có tự tánh vậy. Nếu tự tánh không có, thì không gọi là tánh. Pháp không có, không thể chép pháp không có.

Tu bồ đề, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Bồ tát đạo, mà nghĩ rằng: Pháp không có là Bát nhã ba la mật thâm sâu, nên biết đó chính là ma sự của Bồ tát.

Bạch đức Thế Tôn, thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Bồ tát đạo, dùng văn tự chép Bát nhã ba la mật, mà tự nghĩ rằng: "Ta chép Bát nhã ba la mật". Vì chấp văn tự là Bát nhã ba la mật, nên biết ấy cũng là ma sự của Bồ tát. Vì sao? Bạch đức Thế Tôn, vì Bát nhã ba la mật không có văn tự; Thiền ba la mật, Tấn ba la mật, Nhẫn ba la mật, Giới ba la mật, Thí ba la mật không có văn tự.

Bạch đức thếTôn, Sắc không có văn tự; thọ, tưởng, hành, thức không có văn tự; cho đến trí Nhất thiết chủng không có văn tự.

Bạch đức thế Tôn, nếu thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Bồ tát đạo, chấp không có văn tự là Bát nhã ba la mật, cho đến chấp không có văn tự là trí Nhất thiết chủng, nên biết ấy cũng là ma sự của Bồ tát. Chấp đọc tụng, thuyết giảng, suy nghĩ đúng, tu hành đúng như lời nói cũng như vậy.

* Lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo, khi chép kinh Bát nhã ba la mật mà khởi tâm nghĩ đến quốc độ, nghĩ đến xóm làng, nghĩ đến thành ấp, nghĩ đến phương hướng, hoặc nghe chê bai thầy mình mà khởi niệm; hoặc nghĩ đến cha mẹ, anh em, chị em, các bà con khác; hoặc nghĩ đến giặc; hoặc nghĩ đến hạng Chiên đà la; hoặc nghĩ đêùn chúng nữ; nghĩ đến dâm nữ, có các dị niệm như vậy làm chướng nạn, ác ma lại làm tăng thêm niệm ấy, phá hoại việc chép kinh Bát nhã ba la mật, phá hoại việc đọc tụng thuyết giảng, nhớ nghĩ đúng, tu hành đúng như lời nói. Tu bồ đề, nên biết ấy cũng là ma sự của Bồ tát.

Lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Phật đạo, được danh dự, cung kính, bố thí, cúng dường y phục, ăn uống, giường nằm, thuốc chữa bệnh, các thứ đồ vui, các thiện nam tử, thiện nữ nhân trong khi chép kinh Bát nhã ba la mật hoặc thọ trì, đọc tụng, cho đến nhớ nghĩ đúng mà đắm vào sự thọ dụng, chép kinh Bát nhã ba la mật cho đến nhớ nghĩ đúng, không được thành tựu, nên biết ấy cũng là ma sự của Bồ tát.

* Lại nữa, Tu bồ đề, thiện nam tư,û thiện nữ nhân cầu Phật đạo, khi chép kinh Bát nhã ba la mật cho đến tu hành đúng như lời nói, ác Ma khéo léo đem các kinh thâm diệu khác trao cho Bồ tát, nếu Bồ tát có trí tuệ thì không nên tham đắm các kinh thâm diệu của ác Ma cho, vì sao? Vì các kinh ấy không thể làm cho người đạt đến trí Nhất thiết chủng. trong đây hàng Bồ tát không có trí tuệ, nghe các kinh thâm diệu khác liền bỏ kinh Bát nhã ba la mật thâm diệu.

Tu bồ đề, ở trong kinh Bát nhã ba la mật, Ta đã nói rộng các pháp phương tiện của Bồ tát ma ha tát, các Bồ tát ma ha tát nên cầu tìm ở trong đó.

Tu bồ đề, nay thiện nam tử, thiện nữ nhân cầu Bồ tát đạo mà bỏ kinh Bát nhã ba la mật thâm diệu để cầu các phương tiện trong kinh thâm thuộc Thanh văn, Duyên giác do ma đưa đến, nên biết ấy cũng là ma sự của Bồ tát.

LUẬN: Học các kinh khác, bỏ kinh Bát nhã ba la mật là: Có người đối với Sư tăng Thanh văn thọ giới học pháp, lúc đầu không nghe Bát nhã ba la mật, hoặc có khi nghe ở nơi khác, song vì đắm pháp đã học trước, nên bỏ Bát nhã ba la mật, cứ ở trong pháp đã học trước mà cầu trí Nhất thiết chủng. Hoặc có đệ tử Thanh văn, trước nghe Bát nhã ba la mật không biết nghĩa thú, không được ý vị, nên hành đạo Bồ tát theo kinh Thanh văn; hoặc có người là đệ tử Thanh văn, được nghe kinh Bát nhã ba la mật, muốn tín thọ, gặp các người Thanh văn khác làm trở hoại tâm kia, nói rằng: Kinh ấy trước sau mâu thuẫn nhau, không có tướng nhất định, ông nên bỏ đi, trong pháp Thanh văn đâu phải không có. Luận Lục Túc A tỳ đàm và các luận nghị, phân biệt các pháp tướng, tức là Bát nhã ba la mật; luật Bát thập bộ tức là Giới ba la mật; trong A tỳ đàm phân biệt các thiền, giải thoát, các Tam muội v.v... tức là Thiền ba la mật; trong kinh Bổn Sinh ở tam tạng tán thán giải thoát, bố thí, nhẫn nhục, tinh tấn tức là Bố thí, Nhẫn, Tinh tấn Ba la mật. Do các nhân duyên như vậy, nên bỏ Bát nhã ba la mật mà ở trong pháp Thanh văn cầu trí Nhất thiết chủng. Giống như người muốn đư?c gỗ cứng tốt, lại bỏ gốc cành mà lượm lấy nhánh lá. Tuy gọi là gỗ mà không dùng được.

* Lại nữa, Bát nhã ba la mật là Tam tạng, cội gốc có được Bát nhã ba la mật rồi lại vì độ chúng sanh nên nói thêm các việc khác, vì vậy nên gọi là nhánh lá.

* Lại nữa, trong kinh Thanh văn tuy nói thật tướng các pháp, mà không rõ ràng, còn trong kinh Bát nhã ba la mật hiển hiện phân minh, dễ thấy, dễ được, như người vin nhánh lá thời sa rớt, nếu nắm cành gốc thời kiên cố. Nếu chấp kinh Thanh văn thời rơi vào Tiểu thừa, nếu trì kinh Bát nhã ba la mật thời dễ được Vô thượng đạo. Vì thế, nên nói bỏ gốc cành mà lấy nhánh lá.

Hỏi: Ba mươi bảy đạo phẩm, ba môn giải thoát, trong kinh Bát nhã cũng có, nay cớ sao chỉ nói ở trong kinh Thanh văn, Bích chi Phật có?

Ðáp: Trong Ðại thừa tuy có nói pháp ấy mà hợp với rốt ráo không, tâm không chấp trước, vì không bỏ trí Nhất thiết chủng, tâm đại bi, vì hết thảy chúng sinh mà nói ra, còn trong kinh Thanh văn thời không như vậy vì chứng đắc quả Tiểu thừa.

* Lại nữa, vì Bồ tát tu hành Bát nhã ba la mật nên có thể làm thành tựu pháp thế gian, xuất thế gian. Thế nên Bồ tát nếu cầu Phật đạo, hãy nên học Bát nhã ba la mật, ví như chó vì chủ giữ nhà, đáng nên theo chủ đòi ăn, lại đi theo người ở, đòi ăn. Bồ tát cũng như vậy. Chó ví người tu, Bát nhã ba la mật ví người chủ. Trong Bát nhã có đủ thứ lợi ích, lại bỏ đi tìm trong các kinh khác. Phật muốn làm cho rõ ràng dễ thấy, nên nói thí dụ: Voi, biển lớn, cung điện trời Ðế thích, Chuyển luân Thánh vương, ngọc vô giá, cũng như vậy.

Hỏi: Năm dục sinh ra năm triền cái, vì năm triền cái che lấp trí tuệ, nên không nên vui nói. Cớ sao vui nói sáu ba la mật khác cho đến Vô thượng đạo mà cho rằng không như pháp?

Ðáp: Không như pháp là không như thật tướng Bát nhã ba la mật. Trong thật tướng Bát nhã ba la mật pháp không có định tướng, làm sao vui nói? Nếu có định tướng thời tâm nhiễm trước vui nói? Chư Phật, Bồ tát vì tâm đại bi vì chúng sanh mà thuyết pháp, không đắm trước ngôn ngữ, dùng pháp không thể có được, chỉ thị cho chúng sinh tướng rốt ráo không của Bát nhã ba la mật. Người ấy chép, đọc tụng ... vì tâm nhiễm trước thủ lấy tướng sáu trần cho đến tướng Vô thượng đạo, nên gọi là không như pháp.

Hỏi: Nếu Bát nhã ba la mật rốt ráo không, không có gì không thể chép, đọc tụng, như vậy, thời không nên có ma sự?

Ðáp: Rốt ráo không, không có gì cũng chẳng phải tướng Bát nhã ba la mật, cớ sao là Ma sự? Trong đây nói, nếu người ấy biết tướng không có gì là tướng Bát nhã ba la mật thì đó tức là Ma sự. Nếu dùng văn tự chép Bát nhã ba la mật, tự biết rằng ta chép Bát nhã ba la mật; có tâm nhiễm trước ấy tức là Ma sự. Nếu người biết tướng Bát nhã ba la mật không đem tâm chấp trước chép, đọc, tụng thời nếu có kẻ đến phá; ấy là phá Bát nhã ba la mật.

* Lại nữa, bên trong có ma phiền não, bên ngoài có Ma trời, vì nhân duyên của hai việc ấy nên khi chép Bát nhã ba la mật, cho đến tu hành đều làm hoại Bát nhã ba la mật.

Niệm khởi là nghĩ quốc độ này không an ổn, quốc độ kia giàu vui. Nghĩ đến xóm làng, thành ấp, phương hướng cũng như vậy; hoặc nghe chê bai thầy mình mà bỏ Bát nhã ba la mật để giúp thầy trừ diệt tướng xấu; hoặc nghe cha mẹ bị tật bệnh, bận việc quan; hoặc nghĩ đến giặc khủng bố, khởi tâm muốn đi đến chỗ khác; nghĩ đến hạng Chiên đà la cũng như vậy. Ở chung với giặc, Chiên đà la, thời nổi sân hận; ở chung với chúng nữ dâm nữ thời dục tâm khởi lên. Có các nhân duyên như vậy phá hoại Bát nhã ba la mật. Bồ tát giác tri, hãy chớ nghĩ, chớ nói.

Hoặc khi chép kinh Bát nhã ba la mật, người độn căn được sự cung kính, cúng dường nhiều hay sinh tâm ái trước, nghĩ rằng: Ta chép được, hành theo được kinh. Có sự ái trước lợi dưỡng ấy tức là Ma sự. Còn người lợi căn thì ma suy nghĩ Bồ tát lợi căn ấy không ái trước cái vui thế gian, nhất tâm thọ trì Bát nhã ba la mật, người ấy ta không thể phá hoại. Ta nay nên đem kinh thâm diệu của Thanh văn làm chuyển đổi tâm kia, khiền thành A la hán.

Phật dạy: Kinh Thanh văn tuy sâu xa, không nên tham đắm, thí như cục vàng đốt cháy, sắc tuy đẹp mà không thể cầm. Nếu Bồ tát không có phương tiện (trí tuệ) không có lợi căn lớn, gặp được kinh này hoan hỷ cho là không, vô tướng, vô tác, làm dứt hết gốc khổ, không còn chi hơn, liền bỏ kinh Bát nhã ba la mật, ấy cũng là ma sự, vì sao? Vì trong đây Phật nói nhân duyên rằng: Ở trong Bát nhã ba la mật nói rộng pháp phương tiện của Bồ tát, là quán Thanh văn, Bích chi Phật đạo mà không thủ chứng, vì tâm đại bi nên thật hành ba môn giải thoát, thí như lấy ván sữa hòa với chất độc, thế lực chất độc tiêu tan, không thể hại người. Bát nhã cũng như vậy, Bồ tát ở trong Bát nhã cầu đạo vô thượng dễ được, ở trong các kinh khác cầu khó được, như chỉ uống chất độc. Thế nên, không nên tìm đạo Bồ tát trong kinh Thanh văn.

GIẢI THÍCH: PHẨM HAI BÊN KHÔNG HÒA HỢP THỨ 47.

(Kinh Ma ha Bát nhã ghi: Phẩm cái lỗi hai bên không hòa hợp).
(Kinh Ðại Bát nhã ghi: Phẩm không hòa hợp thứ 45).

KINH:Lại nữa, Tu bồ đề, ngưới nghe pháp muốn chép, thọ trì kinh Bát nhã ba la mật và đọc tụng, hỏi nghĩa, nhớ nghĩ đúng, song người thuyết pháp biếng nhác không muốn nói cho. Nên biết ấy là ma sự của Bồ tát.

Tu bồ đề, ngưới thuyết pháp tâm không biếng nhác, muốn bảo chép, thọ trì Bát nhã ba la mật, mà người nghe pháp lại không muốn thọ. Hai tâm không hòa hợp như vậy. Nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người nghe pháp muốn chép, thọ trì Bát nhã ba la mật, và đọc tụng, cho đến nhớ nghĩ đúng, mà người thuyết pháp lại muốn đi đến phương khác. Nên biết ấy là Ma sự.

Tu bồ đề, người thuyết pháp muốn bảo chép, thọ trì Bát nhã ba la mật, song người nghe pháp lại muốn đi đến phương khác. Hai tâm không hòa hợp như vậy. Nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, người thuyết pháp quý trọng của bố thí y phục, ẩm thực, đồ nằm, thuốc men, vật nuôi sống, mà người nghe pháp thì ít muốn biết đủ, tu hạnh xa lìa, nhiếp niệm tinh tấn, nhất tâm trí tuệ. hai bên không hòa hợp, nên không được chép Bát nhã ba la mật và thọ trì, đọc tụng, hỏi nghĩa, nhớ nghĩ đúng, nên biết ấy là Ma sự.

Tu bồ đề, người thuyết pháp ít muốn biết đủ, tu hạnh xa lìa, nhiếp niệm tinh tấn, nhất tâm trí tuệ, mà người nghe pháp lại quý trọng của bố thí y phục, ẩm thực, đồ nằm, thuốc men, vật nuôi sống. Hai bên không hòa hợp nên không được chép, thọ trì Bát nhã ba la mật và đọc tụng, hỏi nghĩa, nhớ nghĩ đúng, nên biết ấy là Ma sự.

* Lại nữa, Tu bồ đề, trong khi người thuyết pháp thọ trì mười hai hạnh đầu đà là: 1. Ở chỗ vắng (A lan nhã) 2. Thường khất thực, 3. Mặc áo vá, 4. Ngày ăn một bữa ngọ (nhất tọa thực) 5. Ăn có tiết độ, 6. Sau giờ ngọ không uống nước có xác, 7. Ở gò mả, 8. Ở dưới cây, 9. Ở chỗ đất trống, 10. Thường ngồi không nằm, 11. Theo thứ lớp khất thực, 12. Chỉ có 3 y. ( Mười hai hạnh này nhiều chỗ ghi sai khác nhau - N.D), còn người nghe pháp lại không thọ trì mười hai hạnh đầu đà, không ở chỗ vắng cho đến không chỉ thọ ba y. Hai bên không hòa hợp nên không đưọc chép, giữ gìn Bát nhã ba la mật và đọc tụng, hỏi nghĩ, nhớ nghĩ đúng. Nên biết ấy là Ma sự.

Tu bồ đề, trong khi người nghe pháp thọ trì mười hai hạnh đầu đà, ở chỗ vắng cho đến thọ chỉ ba y, còn người thuyết pháp không thọ trì mười hai hạnh đầu đà, không ở chỗ vắng, cho đến không thọ chỉ ba y, hai bên không hòa hợp, không chép, thọ trì Bát nhã ba la mạât và đọc tụng, hỏi nghĩa, nhớ nghĩ đúng được. Nên biết ấy là Ma sự.

LUẬN: Tất cả pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp sanh, các duyên ly tán thời không có, thí như dùi đồ để lấy lửa, phải có cái dùi, có đồ mồi là hai thứ để có được lửa.Viết chép Bát nhã cho đến nhớ nghĩ đúng cũng như vậy, phải có đủ nhân duyên trong ngoài hòa hợp mới thành, nghĩa là thầy và đệ tử phải đồng tâm đồng sự mới chép thành được. Thế nên Phật bảo Tu bồ đề, người nghe pháp, phát khởi năm thiện căn là tín, tấn, niệm, định, tuệ. Muốn chép, thọ trì Bát nhã cho đến nhớ nghĩ đúng, mà người thuyết pháp vì năm triền cái che tâm nên không muốn thuyết!

Hỏi: Nếu vì năm triền cái che tâm nên không muốn thuyết, thế sao làm thầy?

Ðáp: người ấy đắm cái vui thế gian, chẳng quán không, vô thường, tuy tâm hiểu, miệng nói, mà không tự thật hành, còn đệ tử tuy tâm muốn tu mà không hiểu rõ, không có nơi nào khác nên phải hỏi người ấy; hoặc có khi thầy phát tâm từ bi muốn khiến chép, thọ trì Bát nhã, mà đệ tử ám độn không phát khởi năm thiện căn, đắm cái vui thế gian, nên không muốn nghe lời chép, thọ trì cho đến nhớ nghĩ đúng Bát nhã.

Hỏi: Nếu không muốn thọ trì, cớ sao gọi là người nghe pháp?

Ðáp: Chỉ nghe lãnh thọ ít nhiều, và đọc tụng mà không rốt ráo thành tựu được, nên chỉ gọi là nghe pháp. Nếu cả hai người đồng có thiện tâm thời có thể được Bát nhã ba la mật, nến không đồng có thiện tâm thời chẳng được, ấy gọi là Ma sự.

Phiền não bên trong nổi lên, thiên tử ma bên ngoài bèn trợ duyên, xa lìa Bát nhã, thời Bồ tát nên giác tĩnh biết đó là ma, ngăn đừng cho khởi. Nếu tự mình thối mất, hãy làm cho đầy đủ lại; nếu đệ tử thối mất, hãy dạy cho được lại.

* Lại nữa, hoặc thầy có tâm từ bi mỏng, bỏ đệ tử mà đi đến phưong khác, hoặc vì không thích với đất nước, bốn đại chẳng hòa; hoặc vì thiện pháp không được tăng ích, hoặc vì lạnh nóng không hợp, hoặc vì đất đai hoang vu, vì các nhân duyên như vậy mà đi đến phương khác, trong khi đó đệ tử cũng vì các nhân duyên mà không thể đi theo thầy. Có người vì quý trọng lợi dưỡng, như trên nói vì năm triền cái che tâm v.v...

* Lại nữa, hai người đều có lòng tin, có giới hạnh, mà một người dùng mười hai hạnh đầu đà để trang nghiêm giới, còn một người không thể.

Hỏi: Vì sao một người không thể?

Ðáp: Phật kiết giới, đệ tử thọ trì, mười hai hạnh đầu đà không gọi là giới, thật hành được thời giới được trang nghiêm, không thật hành được không phải là phạm giới, thí như bố thí, làm thì được phước, không bố thí được cũng không có tội. Hạnh đầu đà cũng như vậy. Thế nên, hai bên không hòa hợp, là Ma sự.

Mười hai hạnh đầu đà là hành giả cho việc ở nhà sinh phiền não, nên bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, xuất gia hành đạo, song thầy trò đồng học thì trở lại bị ràng buộc, tâm lại rối loạn, thế nên thọ phép ở chỗ vắng, để thân xa lìa ồn ào, ở chỗ không nhàn.

Xa lìa là gần nhất trong ba dặm, xa hơn nữa càng hay. Ðược thân xa lìa rồi, cũng nên khiến tâm xa lìa năm dục, năm triền cái.

Nếu nhận lời mời ăn, hoặc ăn cùng chúng Tăng là nhân duyên dễ khởi lên lậu hoặc, vì sao? Vì nhận lời mời ăn, nếu được mời thì nghĩ rằng ta là người tốt có phước đức nên được mời ; nếu không được mời thời chê người kia không hiểu biết, người không đáng mời lại mời, người đáng mời lại không mời. Hoặc tự khinh bạc, áo não tự trách mà sinh buồn khổ. Sự tham ưu đó dễ làm ngăn ngại đạo.

Ăn cùng chúng Tăng là vào giữa chúng, tất phải theo qui tắc của chúng, xử đoán công việc, đuổi người, liệu lý việc chúng tăng, phân xử sai khiến, thời tâm bị tán loạn; phế bỏ tu đạo. Vì những việc làm não loạn như vậy, nên thọ pháp thường khất thực.

Vì áo đẹp nên phải dong ruổi bốn phương, rơi vào lối sống tà mạng; nếu nhận áo tốt của người cho, thời sanh tâm gần gũi ái trước, nếu không gần gũi ái trước họ thời đàn việt hận. Nếu ở giữa chúng nhận được y thời có các lỗi như trên nói. Lại y tốt là chỗ tham đắm của người chưa đắc đạo. Vì y tốt mà chuốc lấy nạn giặc cướp, hoặc phải mất mạng, có những tai hoạn như vậy, nên thọ pháp mặc áo vá xấu xí. Hành giả nghĩ rằng: Tìm một bữa ăn trong một ngày còn nhiều trở ngại, huống gì bữa ăn nhẹ, ăn giữa ngọ, ăn sau ngọ, nếu không tự giảm bớt, thời mất công nữa ngày, không thể nhất tâm hành đạo.

Phật pháp cốt vì tu đạo, không phải vì nuôi thân, như nuôi ngựa nuôi heo, vì thế nên dứt việc thường ăn; thọ pháp ngày ăn một bữa ngọ.

Có người tuy ngày ăn một bữa ngọ, mà tâm tham ăn quá độ, bụng phình hơi thở nghẹt, phế bỏ tu đạo. Thế nên, thọ pháp ăn có tiết độ; tiết độ là lược nói tùy sức ăn được, ba phần chừa lại một phần, thời thân nhẹ nhàng an ổn, dễ tiêu, không có bệnh. Thân không tổn hại, thời việc hành đạo không phế bỏ. Như trong kinh, ngài Xá lợi phất nói: "Nếu ta ăn năm miếng sáu miếng, bổ túc thêm nước, là đủ nuôi thân". Với người Trung Quốc ăn trưa có thể kể mười miếng (?).

Có người tuy ăn có tiết độ, nhưng quá giờ ngọ còn uống nước có xác thời tâm sanh vui đắm, nên tìm nước gạo, nước quả, nưóc mật v.v... muốn uống mãi không chán, nên không thể nhất tâm tu tập thiện pháp, như ngựa không buộc dây cương, cứ muốn ăn cỏ quanh quẩn, không chịu lên đường, nếu có dây cương thời ý muốn ăn cỏ không còn, đi theo ý người. Vì thế, nên thọ pháp sau giờ ngọ không uống nước có xác.

Quán không, quán vô thường là cửa ban đầu bước vào Phật pháp, hay làm chán lìa ba cõi.

Gò mã thường có tiếng khóc lóc buồn than, thây chết bừa bãi, tận mắt thấy cảnh vô thường. Sau đó hoặc thiêu cháy, bị chim thú ăn, không bao lâu tiêu hết. Nhân quán thây chết mà dễ ngộ được tướng vô thường, tướng không của các pháp. Lại ở gò mả, hoặc thấy thây chết tan rã hôi hám bất tịnh, dễ thành được quán 9 cách (cữu tưởng quán). Ðây là cửa ban đầu để lìa tham dục. Vì vậy nên thọ pháp ở giữa gò mả, quán bất tịnh, vô thường xong, việc đắc đạo thành, bỏ gò mả mà đi đến dưới cây, người chưa đắc đạo, tâm không quá chán, thì hãy thủ lấy tướng thây chết, ấy mà ở dưới cây suy nghĩ: Như Phật lúc Ðản sanh, lúc thành đạo, lúc Chuyển pháp luân, lúc vào Niết bàn đều ở dưới cây. Hành giả theo phép tắc của chư Phật thường ở dưới cây. Do các nhân duyên như vậy nên thọ pháp ở dưới cây. Do các nhân duyên như vậy nên thọ pháp ở dưới cây.

Hoặc hành giả quán dưới gốc cây không khác gì nữa cái nhà, che im vui mát. Lại nếu sanh tâm ái trước cho rằng ta ở cây này rất tốt, cây kia không bằng, vì sanh tâm lậu hoặc như vậy, nên đi đến ở chỗ đất trống, suy nghĩ rằng: Ở dưới cây có hai việc dở: 1. Mưa dột ẩm ướt, 2. Phân chim nhớp thân, trùng độc chung đụng, còn chỗ đất trống thời không có việc dở đó. Ở chỗ đất trống thời mặc y thuyết pháp, tùy ý vui thích. Trăng sáng soi khắp, bầu trời trong sáng, tâm dễ nhập vào "Không tam muội". Trong bốn oai nghi của thân, ngồi là tốt nhất, ăn dễ tiêu hóa, hơi thở điều hòa. Người cầu đạo, việc lớn chưa thành, giặc phiền não thường rình tìm chỗ dễ, thuận tiện, vậy không nên nằm yên. Nếu đi, nếu đứng thời tâm động khó thu nhiếp, và cũng không thể đi lâu, đ?ng lâu. Vì thế nên thọ pháp thường ngồi. Nếu khi muốn ngủ, thời hông không chính chiếu.

Hành giả không đắm trước vị ngon, không khinh chúng sanh, tâm bình đẳng thương xót, mà thứ lớp khất thực, không chọn nơi giàu nghèo, nên thọ pháp thứ lớp khất thực.

Hành giả ít muốn biết đủ, áo đủ che thân, không nhiều không ít, nên chỉ có ba y. Người bạch y (hàng mặc trắng tức cư sĩ - N.D) vì cầu vui nên chứa nhiều áo; hoặc có kẻ ngoại đạo tu khổ hạnh trần truồng không biết hổ. Thế nên đệ tử Phật lìa bỏ hai cực đoan ấy, hành xử theo trung đạo.

Chỗ ở chỗ ăn thường dùng hằng ngày nên nhiều việc, còn áo không cần tìm cầu hằng ngày, nên lược nói.

Mười hai hạnh đầu đà ấy là ý Phật muốn khiến đệ tử hành theo đạo, bỏ cái vui thế gian, nên tán thán mười hai hạnh đầu đà. Ý Phật thường lấy hạnh đầu đà làm gốc, vì có nhân duyên chẳng đaàu7841?ng đừng nên mới cho phép làm các việc khác. Như lúc Phật Chuyển động bánh xe pháp, năm Tỳ kheo mới đắc đạo, thưa Phật rằng: Chúng con nên mặc áo gì? Phật dạy: Nên mặc áo vá. Lại khi thọ giới pháp, phải suốt đời mặc áo vá, khất thực, ở dưới cây, dùng thuốc dư để chữa bệnh. Ðối với bốn Thánh chủng xưa, trong đó hạnh đầu đà gồm có ba Thánh chủng.

Phật pháp chỉ lấy trí tuệ làm gốc, không vì sợ khổ làm đầu, cách ấy đều giúp đạo, tùy thuận đạo, nên Phật thường tán thán.

(Hết cuốn 68 theo bản Hán)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567