Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A. Chương 1: Dẫn Nhập

15/04/201311:44(Xem: 9047)
A. Chương 1: Dẫn Nhập
Chương I: Dẫn Nhập

Tiết 1: Tài Liệu Sử Dụng

Năm 2505 (1961), tôi dịch giải Bồ tát giới Phạm võng chỉ có 6 tài liệu để sử dụng, và sử dụng nhiều nhất là bản chú thích của ngài Hoằng Tán (Vạn 60/387 462). Nay thì tài liệu khá nhiều, và tất cả đều nằm trong Đại tạng kinh bản Đại chính tân tu (ký hiệu là Chính) và Tục tạng kinh bản chữ Vạn (ký hiệu là Vạn). Về chính văn, vẫn lấy Chính 24/1003 1010 làm căn bản; phụ vào là bản khắc in riêng của Phật giáo Bắc, mang tên Bồ tát giới kinh, bản này nay được tụng theo nếu tụng nguyên Hoa văn. Nhưng xin nói rõ rằng chính văn Bồ tát giới Phạm võng không phải chép như nhau. Đối chiếu thấy các bản tương đối xưa và bảo đảm hơn thì chép như nhau, trong đó có Chính 24/1003 1010, khác với các bản tương đối nay, trong đó có bản Bồ tát giới kinh vừa nói. Sự lựa chọn tất nhiên nghiêng về các bản xưa và bảo đảm hơn, nhưng không phải hoàn toàn theo các bản ấy, mà là chọn cách chép nào xét có lý hơn. Rất may sự khác nhau không nhiều lắm, cũng không quan trọng bao nhiêu, và tôi sẽ ghi rõ những chỗ cần thiết trong khi dịch giải. Còn tài liệu tham khảo thì quan trọng nhất là toàn văn Phạm võng (Chính 24/997 1010) và kinh Anh lạc (Chính 24/1010 1023), kế đó là 19 bản chú thích về Phạm võng: 17 bản nằm trong Vạn 59/192 đến Vạn 61/182; 1 bản nằm trong Vạn 95/1; 1 bản nằm trong Vạn 107/196, bản này là nghi thức sám hối về Bồ tát giới Phạm võng; 1 bản nằm trong Chính 62/4 262, tác phẩm của Nhật, tổng hợp rất đáng khen về các chú giải Bồ tát giới Phạm võng. Tài liệu tham khảo tuy nhiều như vậy, nhưng khi sử dụng thì cố đơn giản càng nhiều càng tốt.

Tiết 2: Các Bản Bồ tát Giới

Bồ tát giới có 4 bản. Bản 1 là của kinh Phạm võng, do ngài La Thập dịch. Bản 2 và 3 đều của luận Du Dà, nhưng do ngài Đàm Vô Sấm và ngài Huyền Trang dịch khác nhau. Bản 4 là của Ưu bà tắc giới kinh, cũng do ngài Đàm Vô Sấm dịch. Bản 1 phổ cập nhất. Các bản 2 và 3 ít phổ cập nhưng khá đặc biệt và vẫn có người thọ trì. Bản 4 không phổ cập.

Tiết 3: Giải Thích Đầu Đề

Dịch chủ La Thập chỉ dịch phẩm thứ 10 của kinh Phạm võng. Nay gọi là kinh Phạm võng chỉ là phẩm ấy. Phẩm ấy có cái tên mà chép đầy đủ thì như sau: Phật thuyết Phạm võng kinh, Lô Xá Na Phật thuyết Bồ tát tâm địa giới phẩm đệ thập: phẩm Tâm địa giới Bồ tát của đức Lô Xá Na nói, phẩm thứ 10 của kinh Phạm võng do đức Thích Ca tuyên thuyết.

Phạm võng là tràng lưới của Đại phạn thiên vương. Tràng lưới ấy các mắt kết ngọc, khác nhau mà ảnh hiện lẫn nhau, trùng trùng điệp điệp. Nhìn tràng lưới như vậy, Phật nói mọi thế giới cũng vậy, các pháp môn cũng vậy, vô cùng vô tận. Thích Ca là đức Phật bổn sư của chúng ta. Lô Xá Na nghĩa là chiếu soi khắp cả, danh hiệu của bản thân đức Thích Ca. Tâm địa giới Bồ tát là 30 tâm, 10 địa và 58 giới của Bồ tát tu tập thọ trì, và toàn là những pháp môn y như mắt lưới của tràng lưới Đại phạn thiên vương. Nội dung phẩm Tâm địa giới Bồ tát ấy có 2 phần thành 2 cuốn: cuốn trên là Bồ tát tâm địa (còn có tên là phẩm Pháp môn tâm địa) do đức Thích Ca nói bằng cách đưa thính chúng đến đức Lô Xá Na, hỏi để đức Lô Xá Na nói; cuốn dưới là Bồ tát giới (còn có tên là phần Giới pháp vô tận) do đức Thích Ca tụng lại giới pháp mà đức Lô Xá Na đã tụng khi nói về Bồ tát tâm địa. Như vậy là gián tiếp do đức Thích Ca tuyên thuyết cả.

Tiết 4: Phẩm 10 Với Phẩm Pháp Môn Tâm Địa

Trong chính văn, tên gọi phẩm 10 là Pháp môn tâm địa. Pháp môn tâm địa là 40 pháp môn, tức 30 tâm và 10 địa (cuốn trên, Chính 24/998). Nhưng sau 30 tâm và 10 địa, phẩm Pháp môn tâm địa còn có 10 giới nặng và 48 giới nhẹ, nghĩa là còn có phần Giới pháp vô tận (cuốn dưới, Chính 24/1009), vì đó "là giới pháp duy nhất mà đức bản thân Lô Xá Na của ta đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của ngài, giới pháp mà từ khi mới phát tâm ngài vẫn thường tụng" (Chính 24/1003), là giới pháp mà "nay ta cứ nửa tháng nửa tháng tụng lại... Các người, những vị Bồ tát mới phát tâm cho đến những vị Bồ tát 10 phát thú 10 trưởng dưỡng 10 kim cang và 10 địa, cũng phải tụng y như vậy" (Chính 24/1004).

Liên quan điều này, rất nên nhìn sang kinh Anh lạc. Kinh ấy, sau khi nói về Bồ tát vị (Bồ tát tâm địa) cũng nói về Bồ tát giới. Trong Bồ tát giới, mỗi giới pháp vô tận (giới nặng) đều nói nếu phạm thì không còn là Bồ tát, mất hết 42 pháp hiền thánh (Bồ tát vị) (Chính 24/1020). Như vậy có nghĩa minh bạch nói Bồ tát giới là căn bản từ đầu đến cuối của Bồ tát vị. Điều này phụ cho Phạm võng khá nhiều: không những chứng minh sau Bồ tát vị nói Bồ tát giới mà còn giải thích vì sao.

Tiết 5: Thế Giới Phạm võng

Thắng ứng thân của Phật tên Lô Xá Na, hóa chủ Hoa tạng thế giới, tượng trưng bằng 1 hoa sen. Hoa tạng thế giới ấy có 1000 đại thiên thế giới, như hoa sen có 1000 cánh; hóa chủ 1000 đại thiên thế giới này là 1000 đức Thích Ca liệt thắng ứng thân, do thắng ứng thân của Phật hóa ra. Mỗi đại thiên thế giới có trăm ức tiểu thế giới, thành 1000 lần trăm ức tiểu thế giới; và hóa chủ là 1000 lần trăm ức đức Thích Ca liệt ứng thân, do 1000 liệt thắng ứng thân của Phật hóa ra. Đức Thích Ca bổn sư của chúng ta là 1 trong số 1000 lần trăm ức này. Và ức đây là ngàn vạn, trăm ức là 1 tỷ: là số lượng của đại thiên thế giới. Kinh Phạm võng, trong đó quan trọng và tổng kết là phẩm 10, phẩm Pháp môn tâm địa, được Phật nói với Phật và Phật nói cho chúng sinh, khắp trong thế giới Phạm võng như vậy.

Điều nên nói liền ở đây, là nói về thân Phật và cõi Phật như vậy, chỉ là nói thân và cõi của đức Thích Ca, chưa phải đã nói tất cả thân và cõi của chư Phật. Ngay thân và cõi của đức Thích Ca mà nói như vậy cũng chưa đủ: trên chưa thấu tự thọ dụng thân độ, dưới chưa gồm Phật hiện thân từ Bồ tát đến địa ngục, lại càng chưa gồm Phật hiện thân làm cảnh vật. Lại nữa, đây chỉ là nói thân và cõi Phật theo số lượng. Mà Phật thì siêu việt số lượng. Ngay đức Thích Ca bổn sư và cõi Phật của ngài mà thôi, ta thấy là liệt ứng thân, là tiểu thế giới nhỏ và bẩn, nhưng đối với Bồ tát đại căn thì là thắng ứng thân độ (tha thọ dụng thân độ): thân là vi trần tướng hải thân, độ là hoa tạng thế giới hải. Thế giới Phạm võng là như vậy.

Tiết 6: Sự Liên Hệ Của Phạm võng

Liên hệ sát và quan trọng nhất là với kinh Anh lạc, tài liệu mà tôi đã kê và đã nói đến phần nào trong tiết 1. Kế đó, Phạm võng là đồng bộ với Hoa nghiêm (Vạn 60/300B). Sau hết, bóng dáng kinh Phạn động (hay Phạm võng) của Trường a hàm cũng có đối với kinh Phạm võng ở đây. Chỉ khác là ở kia nói giới không bằng tuệ, khen Phật qua giới pháp không bằng hiểu Phật qua tuệ giác siêu việt 62 kiến chấp; ở đây trái lại, nói thật tướng bát nhã là căn bản của giới pháp và do giới pháp thể hiện. Nhưng sự liên hệ này chỉ do tôi đề cập. Một sự liên hệ khác cũng do tôi nghĩ, ấy là giới pháp Phạm võng rất gần với giới pháp Tỳ kheo; riêng sự ái hộ Tam bảo và Tăng bảo ái hộ lẫn nhau thì giới pháp Phạm võng nói rõ ràng, thực tế và thiết tha hơn. Do vậy mà giới pháp Phạm võng đặc biệt răn sự phản bội Phật pháp, chạy theo bạo quyền mà hại đạo và đồng đạo.

Tiết 7: Giới Hạn Tụng Bồ tát Giới Phạm võng

Bồ tát giới Phạm võng xưa chỉ bắt đầu từ văn chỉnh cú. Còn kết thúc thì có bản chỉ đến cây hỷ dược thọ trì (hoan hỷ và phấn chấn mà thọ trì), có bản hết trọn cuốn dưới. Có người phân khoa giải thích Phạm võng, mở đầu phần Bồ tát giới từ câu Nhĩ thời Thích Ca Mâu Ni Phật tùng sơ hiện Liên hoa đài tạng thế giới (Bấy giờ đức Thích Ca Mâu Ni từ Hoa tạng thế giới mà khởi đầu ngài đã hiện ra ở đó). Lấy trọn từ đầu đến cuối cuốn dưới thì chỉ có một ít nhà chú thích Phạm võng và Bồ tát giới kinh được tụng hiện nay. Nay bản dịch này cũng làm như vậy. Dẫu rằng xét ra lấy từ văn chỉnh cú và kết thúc ở câu hỷ dược thọ trì thì gọn và xác hơn.

Đó là nói về chính văn. Còn nghi thức mở đầu tụng Bồ tát giới thì cũng chỉ Bồ tát giới kinh sau này mới có. Ngài Hoằng tán có chú thích nghi thức ấy (Vạn 60/457 461), nhưng cũng nói không biết do ai soạn, chỉ "xét tìm thì thấy phần nhiều trích ra từ Bồ tát giới bản kinh (của luận Du dà, do ngài Đàm Vô Sấm dịch) và giới bản của Hữu bộ". Nói tổng quát, nghi thức mở đầu ấy biến thể nghi thức tụng giới Tỳ kheo, nên biến thể thế nào cũng có bất ổn. Nhưng mở đầu Bồ tát giới Phạm võng thì không có lời lẽ mở đầu nào quan trọng và đặc biệt cho bằng trong chính văn đã tự có. Do đó, thiết nghĩ nghi thức mở đầu dùng cũng được, không cũng không thiếu sót gì, lại tránh được những sự miễn cưỡng và bất ổn. Trường hợp không dùng nghi thức mở đầu thì tụng bài kệ khai kinh rồi đi ngay vào chính văn là được.

Tiết 8: Đặc Chất Của Bồ tát Giới Phạm võng

Ở đây tôi bỏ hết mọi sự đặc biệt của Bồ tát giới Phạm võng mà tôi đã nói đến trong bản in năm 2505, chỉ nói lại 1 chi tiết mà thôi. Ấy là tính chất ái hộ Tam bảo, trong đó có sự ái hộ lẫn nhau của Tăng bảo. Ái hộ trước bạo lực và quyền lực đã đành, lại còn ái hộ trong đời sống và trong quyền lợi, nhất là ái hộ trong sự đối xử, ái hộ bằng cách không phản bội Phật pháp, chạy theo bạo quyền mà hại đạo và đồng đạo, thì Bồ tát giới Phạm võng đã biến mọi lời khuyên thành những điều luật, nhưng là điều luật đầy đạo tình và chính hướng giải thoát. Chỉ có đặc chất này mới giữ được đạo tình trong Tăng bảo, nhất là trong những lúc đạo tình ấy bạo lực và quyền lực không muốn có. Cảm khái nhất khi tụng Bồ tát giới Phạm võng là điều này đây.

Tiết 9: Bồ tát Giới Phạm võng Đối Với Người Tại Gia

Trong tiết 6 đã nói Bồ tát giới Phạm võng rất gần Tỳ kheo giới, vậy tại sao cho người tại gia thọ trì, mà lại cho khá rộng rãi như đã nói trong chính văn qui định điều kiện lãnh thọ? Vấn đề chưa thấy ở đâu nêu lên và giải thích. Nay xét thẳng chính văn thì thấy Bồ tát giới Phạm võng tuy phần nhiều nói cho xuất gia, nhưng có những giới nói chung cho cả tại gia xuất gia, có những giới nói chung mà tại gia nhiều hơn, có những giới chỉ nói cho tại gia (như giới 1 và giới 47 trong 48 giới nhẹ). Chính ở 2 giới nói cho tại gia này, cùng tất cả giới khác riêng cho xuất gia hay chung cho cả xuất gia tại gia, đều biểu thị rõ rệt sự duy trì Phật pháp. Giả sử chỉ có người xuất gia thọ trì Bồ tát giới Phạm võng để thực hiện sự duy trì ấy, còn người tại gia không thọ trì Bồ tát giới Phạm võng, nghĩa là không duy trì Phật pháp, thì sự xuất gia đã bị họ chướng ngại rồi, còn đâu để thực hiện được sự duy trì ấy! Nên, chính trong sự duy trì Phật pháp mà không những thấy người tại gia phải thọ trì Bồ tát giới Phạm võng, lại còn ngạc nhiên thấy sao Phật biết trước đến như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]