Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Phẩm Như Lai thọ-lượng

12/04/201317:26(Xem: 12154)
16. Phẩm Như Lai thọ-lượng

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa giảng nghĩa - Quyển V

16. Phẩm Như Lai thọ-lượng

Pháp Sư Thích Thiện Trí

Nguồn: Pháp Sư Thích Thiện Trí

Ngài Di Lặc đã hỏi:
Phật xưa từ dòng Thích,
Xuất gia cần Già Da,
Ngồi nơi gốc Bồ Đề,
Đến nay chưa lâu lắm,
Các hàng Phật tử này,
Số đông không thể lường,
Tu Phật đạo đã lâu,
Trụ nơi sức thần thông,
Khéo học đạo Bồ Tát,
Chẳng nhiễm pháp thế gian,
Như hoa sen trong nước,
Từ đất mà vọt lên,
Đều sinh lòng cung kính,
Đứng nơi trước Thế Tôn,
Việc đó khó nghĩ bàn,
Thế nào mà tin được
Thí như người trẻ tuổi,
Mới lên hai mươi lăm,
Chỉ đám người trăm tuổi,
Tóc bạc và mặt nhăn,
Bọn này của ta sinh,
Con già nhận cha trẻ...
Cả đời chẳng tin nổi
Thế Tôn cũng như thế,
Đắc đạo chưa bao lâu
Các chúng Bồ Tát đây
Chí vững không khiếp nhược,
Từ vô lượng kiếp nay,
Mà tu đạo Bồ Tát...
Mong nay vì giảng nói
Vô lượng Bồ Tát đó
Thế nào thời gian ngắn
Giáo hóa khiến phát tâm
Mà trụ bậc bất thối?
Đó là những câu hỏi về “tự tánh nhiệm mầu” khó tin, khó hiểu, bởi vì tự tánh năng sinh muôn pháp. Toàn cõi tam thiên đại thiên thế giới, chỉ xem như một vi trần đối với hư không bao la, toàn cõi hư không bao la chỉ xem như một cái bọt nhỏ trong biển cả của “tự tánh nhiệm mầu”. Nên nào đầu phẩm kinh Đức Thế Tôn đã dạy:
“Này các thiện nam tử! Các ngươi phải tin hiểu lời nói chắc thật của Như Lai”.
Đức Như Lai đã ba lần nói như vậy.
“Lúc đó chúng hội Bồ Tát, Ngài Di Lặc là đứng đầu chắp tay bạch Phật rằng: Thế Tôn! Cúi mong nói cho, chúng con sẽ tin vâng lời Phật dạy”.
Ngài cũng bạch cùng Đức Thế Tôn ba lần như vậy.
Điều đó đã cho chúng ta thấy rõ rằng: hạnh nguyện từ bi của chư Đại Bồ Tát vì thương xót chúng sinh bị nhiễm trước nơi các pháp mà không trực nhận được “bản tâm”.
Nên Ngài Di Lặc đã thị hiện thỉnh cầu. Tuy nhiên không phải không có kẻ cho rằng: Tại sao lại không trực nhận “bản tâm” hay không trực nhận “tự tánh nhiệm mầu”. Có lúc chúng ta cũng trực nhận được lắm chứ.
Nhưng kẻ ấy lại không hiểu rằng: đó chỉ là do vọng thức suy lượng về “bản tâm”. Ví như lúc nhìn thấy hành vi của kẻ khác không tương ưng với quy luật chung của những kẻ chung quanh. Chúng ta liền phát khởi niệm “bất ưng ý”, chợt nghĩ ý niệm ấy là do nhiễm trước mà khởi, bèn vội thay đổi cử chỉ và lời nói, xem như mình có đức kham nhẫn và từ bi vậy. Xem như mình sống xứng hợp với “tự tánh nhiệm mầu”.
Nhưng thật ra sự thay đổi niệm khởi này phát xuất từ bởi sự tư duy hướng về “tự tánh”, chứ không phải “tự tánh nhiệm mầu” bất sinh, bất diệt, không hay, không chuyển ứng tiếp khách trần một cách thung dung tự tại.
Chính vì niệm niệm liên tục thay nhau như dòng nước chảy. Do bởi trước cảnh sinh tình đã làm mù tỏa “tự tánh sáng soi”.
Cho nên khi nói về “sự bất sinh bất diệt”, “bất khứ bất lai” mà tùy thuộc muôn nơi, ứng khắp mọi chỗ hay có danh xưng là “Như Lai”, đó thật là khó tin, khó hiểu.
Nên lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới bảo: “Các ngươi lóng nghe, sức bí mật thần thông của Như Lai”. Sự yên lặng chuyên nhất lóng nghe khi Đức Thế Tôn lược nói về “sức bí mật thần thông của Như Lai”.
Nghĩa là nói về sự biến hóa khôn lường, ra vào không ngại của “tự tánh nhiệm mầu”, hay của “Như Lai” ấy, thì mới gạt bỏ cái ý tưởng cho rằng: “Đức Thích Ca Mâu Ni ra khỏi cung dòng Thích, các thành Già Da chẳng bao xa ngồi nơi đạo tràng đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Đó là một sự thật trong thế giới hữu tính và hiện tượng. Chính Ngài đã thị hiện đồng cư với chúng sinh trong thế giới hữu tính và hiện tượng “mình cao trượng sáu”. Cũng có những cử chỉ, ngôn ngữ như loài người, thế mà không biết bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu sự mô phỏng siêu thực về Ngài.
Huống nữa Ngài thị hiện “thân sắc vàng y, mình cao muôn trượng”, thì chúng sinh còn mô phỏng những sự kiện quái dị biết chừng nào?
Bởi đắm nhiễm nơi cảnh duyên và chấp nhận các pháp hữu vi là “thật tướng” không rõ về “tự tánh nhiệm mầu”. Do vậy mới chấp vào những ngôn ngữ, văn tự, quả vị tu chứng.
Những dữ kiện lịch sử mà các bậc Thánh Đức đã dùng làm phương tiện để chỉ cho chúng sinh quay về “mặt trăng tự tánh” với “bản lai diện mục” của chính mình, mà lại cho những phương tiện ấy chính là “mặt trăng tự tánh”.
Giờ đây vỏ vô minh được gạt bỏ khi Đức Thế Tôn thuyết rằng:
“Thiện nam tử! Thiệt ta thành Phật cho đến nay đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ kiếp, ví như cõi thế giới tam thiên đại thiên, giả sử có người đem nghiền làm vi trần qua Phương Đông cách trăm nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ cõi nước, bèn làm rơi xuống một vi trần, cho đến hết số vi trần ấy, ý ông nghĩ sao?
Bao nhiêu thế giới đó hoặc có rơi vi trần hoặc chẳng làm rơi vi trần, cứ mỗi vi trần làm một kiếp, từ ta thành Phật nhẫn lại đến nay lại lâu hơn nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ kiếp như vậy. Ta thường ở cõi Ta bà này nói Pháp giáo hóa, cùng ở trong trăm nghìn muôn ức na do tha a tăng kỳ cõi nước khác dẫn dắt lợi ích chúng sinh”.
Điều đó cho chúng ta nhận rõ rằng: “Pháp thân bất động” chưa từng sinh diệt. Sự sinh diệt chỉ có nơi các pháp hữu vi duyên khởi giả lập, như đám mây nổi trôi trong bầu trời tự tánh, như làn sóng nhấp nhô trên biển cả chân như. Chỉ có “Tri kiến Phật” mới thấu triệt điều này.
Chỉ có “Tri kiến Phật” mới nhận ra được tâm thể nhất như và mới có thể vượt thoát khỏi vũng lầy sinh tử, mới không bị lệ thuộc bởi huyễn thân và sắc pháp. Và cũng không có gì phải phân vân về lời tuyên thuyết của Đức Thế Tôn là “Ta thành Phật tự số kiếp lâu xa đó”. Vì đó là nói về “Phật pháp thân” nói về “tự tánh nhiệm mầu”.
Đến đây Đức Thế Tôn đã dạy tiếp: “Các thiện nam tử! Ta thấy những chúng sinh ưa pháp Tiểu thừa đức mỏng, tội nặng, vì chúng sinh đó mà nói: “Ta lúc nhỏ xuất gia đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác”.
Đó là “phương tiện giáo hóa chúng sinh khiến vào Phật đạo, nên mới nói như thế”.
Như vậy sự thị hiện tùy cơ nghi để độ thoát chúng sinh, Đức Thế Tôn đã dùng vô số pháp lành hoặc nói thân mình, hoặc nói thân người, hoặc chỉ thân mình, hoặc chỉ thân người, hoặc chỉ việc mình, hoặc chỉ việc người, các lời nói ấy thiệt chẳng hư dối.
Vì sao? Vì những phương tiện kia đều tương ưng với tánh lý, đều đem lại cho chúng sinh phước huệ viên mãn.
Bởi “pháp giới tính nhiệm mầu” không có tướng thế gian, xuất thế gian. Nên Đức Thế Tôn từ nơi “pháp giới tính nhiệm mầu” ấy mà tùy thuận hiển hiện viên dung cứu thoát muôn loài. Nên không thể dùng suy lường để so tính về thời gian, không gian, suy tính về trẻ, già, mê, ngộ. Nhưng có những chúng sinh lại đắm nhiễm trong từng niệm khởi, nên thấy có sinh diệt mà lo sợ sinh diệt, thấy có tướng thế gian mà lo sợ mất còn. Thấy có hư, thật, dị, đồng, chứ không thấy được tướng chân thật của vạn pháp. Chỉ có “Tri kiến Như Lai” mới nhận chân được vạn pháp và không bị sai lầm. Nên đoạn kinh đã viện dẫn:
“Bởi chúng sinh có các món tánh, các món dục, các món hạnh, các món nhớ tưởng phân biệt”.
Do vậy mà Đức Thế Tôn đã quay bánh xe pháp khiến cho chúng sinh xa lìa lòng chấp vào nơi Phật đạo. Nhẫn đến việc Đức Thế Tôn “xưng nói sẽ diệt độ, nhưng thật ra chẳng phải diệt độ”. Đó cũng chỉ là vì dùng phương tiện mà giáo hóa chúng sinh vậy.
Vì sao? Vì nếu Phật ở lâu nơi đời thời người đức mỏng chẳng chịu trồng cội lành, nghèo cùng hèn hạ, ham ưa năm món dục, sa vào trong lưới nhớ tưởng vọng kiến. Nếu thấy Đức Như Lai thường còn chẳng mất, bèn sanh buông lung, nhàm trễ. Chẳng có thể sinh ra ý tưởng khó gặp gỡ cùng lòng cung kính. Cho nên Đức Như Lai dùng phương tiện nói rằng: Tỳ kheo phải biết! các Đức Phật ra đời khó có thể gặp được. Hoặc nói: “Tỳ kheo ! Đức Như Lai khó có thể thấy được. Các chúng sinh đó nghe lời như thế ắt sẽ sinh ý tưởng khó gặp ôm lòng luyến mộ khát ngưỡng nơi Phật, bèn trồng cội lành, cho nên Đức Như Lai dầu chẳng thật diệt độ mà nói diệt độ”.
Vì đắm nhiễm năm món dục, si mê sa vào lưới tà kiến nên không nhận ra việc sinh tử luân hồi là do thức tâm vọng khởi, buông trôi theo thời gian, không gian trong những chu kỳ tất định. “Phật tánh”vốn chẳng sinh diệt, vốn chẳng diệt độ hay không diệt độ. Chính vì mê mờ tánh giác, tạo ra nghiệp cấu vô minh, mà các bậc Thánh Đức đã dùng vô số phương tiện chỉ bày nhẫn đến phải nói về diệt độ.
Do vậy mà đoạn kinh đã viện dẫn:
“Này thiện nam tử! Phương pháp của các Đức Như Lai đều như thế cả, vì độ chúng sinh nên chẳng có pháp hư dối vậy”.
Tại sao gọi là chẳng hư dối? Vì chư Phật thị hiện ra cảnh có sinh tử, có tu có chứng, khiến cho chúng sinh được lợi hành, đó là chân thật. Chân thật ở chỗ là đem lợi hành đến cho chúng sinh, khác với những phương tiện mà sử dụng đến lại chẳng đem lợi hành đến cho ai cả.
“Ví như vị lương y, trí tuệ sáng suốt khéo giỏi luyện phương thuốc trị các bệnh. Người có nhiều con cái hoặc 10, hoặc 20, nhẫn đến số trăm. Do có sự duyên đi đến nước khác, sau lúc đó các người con uống phải thứ thuốc độc, thuốc phát ngất loạn lăn lộn trên đất. Bấy giờ người cha từ nước xa về, các con uống nhằm thuốc độc, hoặc người mất bổn tâm, hoặc chẳng mất, xa thấy cha về rất vui mừng, quỳ lạy mà hỏi thăm, an lành, yên vui, chúng con ngu si uống lầm thuốc độc xin cứu lành cho, ban lại thọ mạng cho chúng con”.
Với ẩn dụ đó có ý nghĩa: Đức Thế Tôn là bậc y vương, nhận rõ căn bệnh của chúng sinh mà thương tất cả mọi loài như người mẹ hiền thương con mình vậy.
Các con uống nhầm thuốc độc là dụ cho sự vô minh tham ái. Nay gặp duyên lành “bậc vô thượng y vương đã tùy bệnh cho thuốc nuôi sống huệ mạng của chúng sinh, làm đại tâm phát khởi”.
Tuy thế cũng có những chúng sinh vì chìm đắm quá sâu trong ngũ dục, vỏ vô minh còn dầy nên thấy đấng cha lành bậc y vương cũng mừng vui khôn xiết, nhưng thuốc kia chẳng chịu uống vào.
Bởi thế nên kinh đã viện dẫn về số người con không chịu uống thuốc. Lúc đó người cha mới nghĩ rằng: “Các con này đáng thương, bị trúng độc, tâm đều điên đảo, tuy thấy ta về mừng xin cứu lành, nhưng thuốc tốt thế mà chẳng chịu uống, nay ta phải bày chước phương tiện khiến chúng uống thuốc này”. Nghĩ rồi liền bảo rằng: Các con phải biết nay ta già suy, giờ chết đã đến, lương dược này để ở đây, các con nên lấy uống, chớ lo không lành. Bảo thế rồi lại đến nước khác sai sứ về nói : cha các ngươi đã chết. Sau đó các ngươi con tỉnh ngộ, và uống lương dược vào bệnh đã lành, cha bèn trở về gặp lại các con.
“Các thiện nam tử! Ý các ngươi nghĩ sao? Có người nào nói ông lương y ấy mắc lối hư dối chăng ?”
Đức Thế Tôn cũng như thế vì chúng sinh mà dùng sức phương tiện nói sẽ diệt độ.
Điều đó cho chúng sinh nhận rõ rằng: “ bản tâm không sinh không diệt sáng suốt hoàn toàn. Nhưng vì nhiễm trước nơi cảnh duyên trong từng niệm khởi mà chịu sinh tử luân hồi. Niệm này sinh rồi diệt, niệm khác sinh rồi diệt, lúc thì sân, lúc thì hận, lúc thì thanh thoát nhẹ nhàng, lúc vội vàng khẩn thiết, trôi lăn liên miên trong sáu nẻo luân hồi, điên đảo, bị trói buộc không bao giờ vượt thoát. Nên không nhận rõ “pháp thân bất động” chẳng diệt chẳng sinh. Đối với huyễn thân đâu có thể so sánh được. Nếu trực nhận “tự tánh nhiệm mầu” đầy đủ hằng sa công đức, nói chung có đủ phước huệ trang nghiêm, tùy duyên ứng hiện hóa độ muôn loài thì làm gì còn phân vân về sự kiện “cha già con trẻ”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]