Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chân Đế Tục Đế Dung Thông (sách pdf)

22/03/202308:22(Xem: 6016)
Chân Đế Tục Đế Dung Thông (sách pdf)

             

chan de tuc de-ht bao lac



  Chân Đế - Tục Đế Dung Thông 

Sa Môn Thích Bảo Lạc

Chùa Pháp Bảo Ấn Hành 

Phật lịch: 2555; Tây lịch: 2012





Lời nói đầu

 

            Đề án đề ra quyết thực hiện cho kỳ được. Đó là chủ trương mà tôi cố theo đuổi từ bấy lâu nay. Công việc nói có phần dễ nhưng làm mới thấy không dễ chút nào cả. Cuốn sách này là một thí dụ.

            Từ ngày đặt chân tới Úc làm Phật sự đến nay đã 32 năm (1981), mỗi năm tôi kỳ hạn phải hoàn thành một tác phẩm hay dịch phẩm, là việc làm ưu tiên chưa sút giảm, sơ thất hay bỏ cuộc thế nhưng năm nay (2012) gần cuối năm rồi vẫn chưa có tác phẩm, nên tôi tự nhắc phải cố gắng thực hiện. Cuốn sách quí độc giả đang cầm trên tay tựa đề là “Chân đế - Tục đế dung thông” được trình bày trong bốn chương: Hạnh đức người xưa, Tự chiến thắng mình, Hành trạng sáng soi và Chân diện Phật. Để tiện lợi nơi mỗi chương có phân thành đoạn, mục dựa theo nhiều tài liệu dẫn chứng để độc giả dễ đối chiếu khi cần, như trường hợp tự thiêu của Bồ Tát Quảng Đức là một biến cố lịch sử trọng đại năm 1963. Gần 50 năm sau, đến nay (1963-2012) là 49 năm mà sự hy sinh của Ngài vẫn bị người ta cố tình bóp méo, bẻ cong ngỏ hầu lạc dẫn dư luận để chạy tội và qui kết cho Phật giáo hay nói đúng hơn cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Vấn đề này theo phân tích của hai tác giả Pháp Lạc và Nguyễn Kha nhằm 3 mục đích:

            - Trước hết, vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, cuộc vận động đòi bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng năm 1963 của Phật giáo đồ tại miền Nam Việt Nam là một biến cố lịch sử to lớn và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và lâu dài không những cho Phật giáo Việt Nam mà còn cho cả dân tộc Việt Nam.

            - Thứ đến, sau năm 1975, tại hải ngoại, lợi dụng tình trạng thiếu thốn tài liệu và mất dần nhân chứng, một số tàn dư của chế độ Ngô Đình Diệm mà tuyệt đại đa số là các tín đồ Công giáo, đã tìm cách mạo hóa lịch sử để vinh danh chế độ Ngô Đình Diệm.

            Cuối cùng, đặc biệt bài viết sẽ trả lời luận điệu vu khống cụ thể sau đây cùa một số người Công giáo hoài Ngô thù ghét Phật giáo. Đó là Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã bị ông Nguyễn Công Hoan, vốn là một điệp viên của Việt Cộng. đầu độc từ trưởc, và với sự chỉ đạo của giới lãnh đạo Phật giáo đấu tranh năm 1963, đã thiêu sống Hòa Thượng khi Ngài đã hoàn toàn mê man. Luận điệu vu khống này là nhằm thủ tiêu giá trị cao cả của cái chết của Ngài Quảng Đức, đồng thời cũng biện hộ cho lời tuyên bố “nướng sống” (barbercued) của bà Ngô Đình Nhu lúc đi “giải độc dư luận” tại Mỹ là đúng... (*)

            Chỉ vắn tắt bấy nhiêu còn nhận định là thuộc về người đọc. Tác giả rất mong đón nhận nhữmg lời chỉ giáo của các bậc cao minh thức giả để học hỏi và bổ túc lần tái bản sách.

            Tác giả cẩn chí

            Sydney ngày 15 tháng 11 năm 2012.

           

            (*) Bài ngụy tạo và xuyên tạc về cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức - tại sao?



hoa mat troi

 

  

      Tu luyện Tâm Trí Tuệ

 

Kính thưa đại chúng,

          Hôm nay là ngày 22 tháng 12 nhằm thứ ba mồng 7 tháng 11 năm Kỷ Sửu, chúng ta đang vào khóa tu Gieo Duyên thứ 11 tại chùa Pháp Bảo cả thảy là 12 ngày, từ ngày 19 đến 30 tháng 12 năm 2009. Đây là thời điểm cuối năm với nhiều bận rộn ở gia đình cho con cái, bạn bè, bà con thân thuộc... thế nhưng quý vị vẫn dành ưu tiên thì giờ đến đây tham dự khóa tu học như thế này, quả là việc đáng tán dương công đức. Tại sao tán dương công đức quý vị? Vì sự hy sinh thú vui ngoài đời của mỗi chúng ta để sách tấn các thành viên khác duy trì khóa tu học cuối năm, như là một trong những sinh hoạt Phật sự khởi sắc như thế này, là một điều hiếm quí chúng ta nên trân trọng duy trì, để đem lại pháp lạc cho chính mình và tha nhân. Thấy quí vị vui thích học Phật chúng tôi cũng vui lây, nên trong lòng rất phấn khởi đến với lớp học giờ này sáng hôm nay qua chủ đề là Trí và Tuệ.

            Xưa nay ai cũng tưởng Trí và Tuệ là một từ ghép, nhưng giờ đây, nếu chịu khó phân tích chúng ta hẳn phân biệt được nhu sau:

Trí thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết; Tuệ: thấy rõ vô thường, khổ, vô ngã. Nói một cách ngắn gọn hơn Trí là thông minh, mà Tuệ là sáng suốt. Đó là điểm khác nhau giữa Trí do nhờ học mà biết, Tuệ phải tu chứng đắc.

 

I- Thử phân tích sự khác nhau ấy như:

Trí theo tiếng Hán được cấu tạo nên bởi 3 bộ:

- Bộ thi là mũi tên

- Bộ khẩu là miệng

- Bộ nhựt là mặt trời

          Như chúng ta biết mũi tên nhanh nhen như thế nào rồi. Chẳng hạn như nói lằn tên, cung tên... mọi người có thể hình dung sự vụt nhanh, bay bổng của nó. Cho nên gom chung 3 bộ phận lại thành Trí là khôn, lanh, hiểu.

Tuệ theo tiếng Hán cũng cấu tạo thành do 3 bộ:

- Bộ chủ hay chúa là đầu não, mà lại là chủ đôi nên phải biết quyền hạn, sức lực ra sao.

- Bộ ký là đầu nhím (con chim)

- Bộ Tâm là phần chính yếu.

          Ông chủ bao giờ cũng có oai lực, chi phối nhiều người nên ở trên và đứng đầu. Con nhím với bộ lông bén nhọn của nó khiến cho ta phải e dè và sợ bị hại ngay. Còn cái tâm ấy lanh lợi, phức tạp như trong Kinh gọi là tâm viên đó, nó như con vượn leo cây cứ chuyền hết cảnh này tới cành khác như không bao giờ chịu đứng yên một chỗ. Cả 3 bộ phận này nhập chung lại thành Tuệ là sáng, tỏ rõ, thấu suốt.

          Riêng bộ Tâm rắc rối nên có bài thơ như sau:

 

Tam điểm như tinh tượng

Hoành câu tợ nguyệt tà

Phi mao tùng thử đắc

Tố Phật giả do tha

 

Dịch nghĩa:

Ba chấm như vì sao

Cong vòng vành trăng khuyết

Lông sùng từ đây đắc

Làm Phật cũng do tâm

                                 (Thích Bảo Lạc dịch)

 

          Cái tâm lanh chanh khó nắm bắt, điều khiển nên con người điên đảo, vọng tưởng vì nó. Như Nan Đà là người em chú bác với Phật Thích Ca, ở chùa nhưng tâm cứ tưởng tới Tôn Đà Lợi, người vợ mới cưới, thành thoái chí muốn lui về. Phật biết được đưa ông đi khắp lên cõi trời chứng kiến cảnh các tiên nữ đàn ca múa hát tha thướt; lại thiếu bóng dáng các đấng tu mi. Nan Đà vô cùng thích thú và cũng lấy làm thắc mắc hỏi, được Đức Phật cho hay nơi đây dành sẵn cho ông, nếu ông chịu gắng chí tu hành sẽ được hầu hạ săn sóc. Rồi Phật lại dẫn ông xuống địa ngục quan sát cảnh xử phạt của các ngục tốt ngưu đầu mã diện; và lần tới chỗ vạc dầu sôi bỏng bỏ trống không có tội nhân. Ông sững sốt thắc mắc hỏi Phật, được Phật chỉ rõ nơi đó dành sẵn cho Nan Đà, nếu cái tâm ham sắc ham dục không chịu tu ắt rơi vào đấy thọ khổ. Nhờ những hình ảnh thật ấy mà đã cảnh tỉnh được Nan Đà. Ông theo Phật trở về Tịnh Xá Trúc Lâm và dốc chí tu hành cho tới ngày chứng quả.

 

II - Dẫn kinh luận chứng minh:

          (Theo kinh Mi Tiên Tỳ Kheo vấn đáp phân biệt rõ giữa thông minh và sáng suốt khác nhau).

          Thông minh là học nhanh hiểu lẹ; học một biết ba có thể có kiến thức sâu rộng, nhưng nếu không biết tu tập, cái biết đó thành là “Thế trí biện thông” tức là tà trí. Còn người sáng suốt thì biết tâm mình, có tu tập, thấy rõ pháp, nên cũng gọi là chánh trí hay chánh tuệ thì có điều biết, có điều không biết. Tại sao vậy? Vì những gì đã tu học thì biết, còn những gì chưa tu học qua thì không biết. Vậy có tuệ hết si mê, lầm lẫn; còn người có Trí chưa chắc được vậy. Khi tuệ phát sanh thì lầm lẫn diệt mất, như cầm đèn rọi vào nhà tối, ánh sáng hiện hẳn bóng tối lui tan. Ví dụ như lương y dùng dược thảo trị cho bệnh nhân. Đến khi lành bệnh, vị lương y không còn dùng lại những dược thảo đó nữa.

(H.T Giới Nghiêm, sđd cảc trang 147-149, nxb Tôn Giáo 2003)

          Nói qua việc tạo công đức theo như Kinh Văn Thù Sám Hối Diệt Tội luận giải:

          “...Khuyến khích tu đạo, đạo vốn không có công đức mà đức từ các duyên hợp. Do người tu đức, đức hiện nơi tâm. Tâm không chỗ trụ, hợp đâu khởi đó hiện, biến, tan hoại. Người dùng tâm ấy tạo công đức, cũng như khuyến tấn hành giả phát tâm tu tập không thấy hình tướng. Cũng như ban ngày ta trông thấy ánh sáng mà không biết sáng từ đâu lại. Tâm Bồ Tát hay Tuệ cũng giống như ánh đèn vậy. Đó là Bồ Tát khuyến khích tu đức nhẫn vào nơi vắng lặng, đạt tới trí tuệ của bậc Thánh...

          ... Trí phân biệt các văn tự hiểu được dễ dàng đầy đủ sự giáo dục khác nhau mỗi nơi mỗi chỗ. Biết (tuệ) chúng sanh tạo những nghiệp tội hay phước và theo đó mà biết được hậu quả hành động chúng làm. Quán sát các việc trong ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai để hiểu rõ, giảng giải rành rõ hành vi tạo nghiệp của chúng sanh, hầu ỷ thức mà tập mọi tánh đức tốt... Nhìn thấy hết mọi loài chúng sanh để ra tay cứu giúp, thường y cứ nơi đức vô ngã làm gốc”.

(Kinh Văn Thù Sám Hối Diệt Tội, trang 49 do Pháp Bảo - Sydney - ấn tống năm 2003, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc dịch).

          Trưng dẫn thêm ví dụ nữa cho rõ nghĩa:

          Ví như nhà vua cầm quân ra trận, Cứ mỗi lần vua bắn một mũi tên lửa là dầu hiệu tấn công, bắn năm mũi tên lửa là năm đợt tấn công, quân địch bại trận. Thế nên, sau khi chiến thẳng, vua không cần bắn mũi tên nào nữa cả. Năm mũi tên chính là năm đội quân thiện pháp; quân giặc bại trận ví như ác pháp, vô minh, ái dục. Người giác ngộ sẽ không còn xử dụng binh khí gì nữa mà được ung dung tự tại siêu thoát.

(Theo Kinh Mi Tiên vấn đáp, tr. 149)

 

III - Chuyển tám thức thành bốn trí:

          Luận về thức hay trí rất tinh tế không giống như một món đồ có hình tướng cầm nắm được để trao đổi qua lại như chúng ta quen nhìn hay nghĩ ngợi. Nói “chuyển” là cách dùng gượng ép vậy thôi. Thật ra tiến trình tu tập cần đòi hỏi hành giả phải tinh chuyên dày công phu rèn nội lực thật thâm hậu mới đạt được thành tựu viên mãn. Hễ có công mài sắt, ắt có ngày thành kim hay cũng như người thợ tinh luyện quặng lọc lấy vàng, người tu hành cũng hệt như vậy. Năm thức trước tức là cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nơi cõi Dục có đủ cả. Nhưng lên cõi sắc chỉ còn có 3 là cái biết của mắt, tai và thân. Hai thức mũi và lưỡi biến dạng không còn thấy nữa. Khi tu tập đoạn hết mê hoặc thì 5 thức này cũng được vô lậu và chuyển thành là Thành Sở Tác Trí, với công dụng hóa hiện thành ba loại thân: Pháp thân, báo thân, ứng thân hay nói một cách khác là Tự Tánh Thân, thọ dụng thân và biến hóa thân. Thân Phật có cùng khắp pháp giới thanh tịnh nên gọi là pháp thân thuộc lý pháp tụ. Các hình tướng hảo từ trí vương sinh ra trí tuệ pháp tụ là báo thân. Hóa hiện các loại thân hình để rộng đường hóa độ chúng sanh, là ứng thân hay hóa thân.

          - Thức Thứ Sáu hay ý thức rất lanh lẹ và khôn lanh hơn cả, nên trong Duy Thức học có câu “Độc hữu nhứt cá tối linh ly” (Riêng một cái thức rất lanh lẹ). Theo như Luận Duy Thức Học cho rằng: “Suy nghĩ làm việc phải, thức này đứng đầu; còn tính toán tạo tác việc ác, thì nó cũng hơn cả. Bởi thế nên trong Duy Thức nói: “Công vi thủ, tội vi khôi” (Nói về “công” thì thức này hơn hết, còn luận về “tội” thì nó cũng đứng đầu). Thức này cũng hay chấp ngã và chấp pháp. Thức thứ sáu có đủ trong 3 cõi: Cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc. Khi tu tập đến vị Tư Lương thì thức này mới chinh phục được hai món hiện hành của ngã chấp và pháp chấp. Đến vị kiến đạo mới đoạn được hai món chủng tử về phần phân biệt của ngã chấp và pháp chấp. Lên đến vị Tu Tập đoạn được 2 món hiện hành và chinh phục được 2 món chủng tử câu sanh của ngã chấp và pháp chấp. Đến vị Viễn Hành trở lên mới đoạn hết câu sanh ngã chấp và pháp chấp và hoàn toàn vô lậu. Tu hành đến vị Đẳng Giác mới đoạn hết câu sanh pháp chấp và chuyển thành Diệu Quan Sát Trí.

          - Thức Thứ Bảy hay Mạt Na Thức, còn gọi là ý căn, Truyền tống thức hay ý thức. Thức này không có công năng đoạn hoặc mà chỉ nhờ thức thứ sáu tu quán, đoạn hoặc mà thức này cũng được đoạn. Lên đến Sơ Địa thức này mới vừa chinh phục được 2 món chấp về phần câu sanh và chuyển thành Bình Đẳng tánh trí. Khi lên Bát Địa (vô công dụng đạo) đã đoạn được câu sanh pháp chấp.

          - Thức Thứ Tám hay A Lại Da thức có 3 nghĩa:

năng tàng là năng chứa hạt giống (chủng tử) của các pháp; sở tàng chỗ để chứa các pháp và ngã ái chấp tàng: Thức Thứ 7 chấp kiến phần của thức này làm Ta và thường luyến ái. Khi lên tới đệ Bát Địa (Bất Động Địa) hành giả đoạn được câu sanh ngã chấp. Lúc bấy giờ thức A Lại Da này bỏ tên “Tàng thức”. Đến Kim Cang đạo rồi hành giả đoạn hết câu sanh pháp chấp, không còn cảm thọ sanh tử, cho nên cũng không còn tên là “Dị Thục Thức”, vì đến địa vị này là các chủng tử hữu lậu đã hết. Và thức thứ 8 này được gọi là “Vô Cấu Thức” và chuyển thành Đại Viên cảnh trí.

(Theo Phật học Phổ Thông khóa thứ 9: Duy thức học – H.T Thiện Hoa, các trang từ l6 – 32, do PHV Quốc Tế Hoa Kỳ ấn hành năm 1987).

         

          Bốn Trí: Thành Sở Tác Trí, Diệu Quan Sát Trí, Bỉnh Đẳng Tánh Trí, Đại Viên Cảnh Trí tạm ví như bốn cấp bực học từ mẫu giáo đến tiểu học, (Thành sở tác trí); xong Trung học (Diệu quan sát trí); tốt nghiệp đại học (Bình đẳng tánh trí); và hoàn tất học vị tiến sĩ (Đại viên cảnh trí).

 

* Những ai mới có thể chuyển thành trí được?

          - Tất cả chúng sanh đều bình đẳng và đều có khả năng, tuy nhiên riêng con người có đủ trí và tuệ hơn, nên chịu khép mình trong khuôn khổ tu tập miên mật hẳn nhiên không thấy gì có trở ngại khó khăn cả. Mặc dù vậy những loài có trí nhưng thiếu tuệ không dễ dàng tu tập theo từng thứ bậc được như loài người. Con người là loài thượng đẳng động vật mới có khả năng tu tiến mau hơn nên đạt được tuệ giác và giái thoát nhanh hơn.

 

* Phải chăng chư Thánh và Bồ Tát chuyển thức thành trí nhanh hơn những chúng sanh phàm phu khác?

          - Đúng vậy, cũng như nhà chuyên môn sánh với người không chuyên nghiệp làm sao sánh kịp. Trong tiến trình chuyển thức thành trí cũng như thế, các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không giống như Bồ Tát, Đẳng Giác được, cho nên đối với Phật là cả một sự cách biệt quá xa. Chúng sanh nhỏ bé so với Phật lớn gấp vạn lần khó thể sánh ví được.

 

* Nêu việc hơn kém như thế là đã có sự bất bình đẳng rồi, tại sao đạo Phật chủ trương binh đẳng?

          - Bình đẳng đề cập ở đây trong sự đồng đẳng nhưng không phải ngang bằng nhau. Nếu thế lại hóa ra bị đồng hóa mất chứ đâu còn là bình đẳng nữa. Dẫn chứng thêm 2 thí dụ từ Kinh Vô Lượng Thọ có nêu rõ:

          - Ví như gã ăn mày đứng cạnh một vị đế vương; hình trạng hai người không giống nhau.

Gã ăn mày ốm gầy, hôi xấu mà đứng bên cạnh một vị đế vương làm sao có thể so sánh ví dụ được. Vì kẻ ăn mày thấp hèn hết mức, áo chẳng đủ che thân, cơm không đủ bữa, đói lạnh khổ sầu, lẽ sống con người hầu như không còn... là do thiếu phước kém tu. Còn những kẻ vua chúa là do đời trước tích đức tu tâm, thi ân bố thí, giúp người cứu vật, tin tưởng tu thiện, không chống trái người... do đó được sanh vào giòng vua chúa, được sự tôn quí, dáng vẻ đoan trang, mọi người tôn kính.

          - Như hạng đế vương, tuy là tôn quí trong các hạng người hình sắc đoan chánh, nhưng nếu so với vua chuyển luân Thánh Vương; thì kẻ đế vương lại rất kém xa, như gã ăn mày đứng cạnh nhà vua! Bực Chuyển Luân Thánh Vương oai đức thù đặc nhất trong thiên hạ, nếu đem so sánh với vua trời Đao Lợi, thì Chuyển Luân Vương xấu gấp vạn lần. Đến như Thiên Đế sánh với vị vua cõi trời Lục Dục thì sự kém xa cũng gấp ngàn lần. Còn như vị vua cõi trời thứ sáu, so với Bồ Tát hay Thanh Văn trong quốc độ của Phật, từ vẻ dung nhan cho đến màu sắc hay ánh sáng, sự kém xa cũng gấp vạn ức lần, không thể kể xiết.

(Kinh Vô Lượng Thọ Phật, q. Thượng. tr 74 & 75 do TT. Thiện Thông dịch, chùa Viên Giác Đức Quốc tái bản năm 2008)

 

IV- Bảy vị vương tử đồng loạt xuất gia:

          Sau khi thành đạo, Đức Phật được nhiều người trong khắp cả nước biết đến. Vua Tịnh Phạn cũng nóng lòng muốn gặp người con trí tuệ của mình. Lúc bấy giờ Phật đang trú ngụ ở thành Vương Xá. Chín lần liên tiếp nhà vua truyền lịnh cho 9 vị sứ thần đi triệu thỉnh Đức Phật về thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu). Nhưng cả 9 lần đều bặt hẳn tin tức, khi gặp được Đức Phật tất cả 9 sứ thần đều lấy làm thỏa thích ở lại nghe pháp, xin xuất gia tu tập và đều đắc quả A La Hán. Sau cùng vua truyền lịnh cho người tôi trung thần là Kaludayi đi thỉnh Đức Phật về hoàng cung. Ông thiết tha thỉnh cầu Phật về thăm phụ hoàng, nay đã già yếu, và được Ngài chấp thuận. Cả cung thành Ca Tỳ La và thần dân đều hân hoan nao nức đón mừng người con năm xưa của vua Tịnh Phạn trở về như ngày hội liên hoan không bằng! Lúc mới gặp lại con vua tỏ vẻ không mấy hài lòng về hạnh khất thực của Thái Tử. Theo vua đó là điều “nhục nhã giòng họ Thích Ca”, nhưng sau khi nghe Phật phân tích cặn kẻ rằng, đó là theo đúng truyền thống giòng dõi của chư Phật quá khứ, hiện tại, tương lai. Khi cảm nhận được hạnh khất thực cao cả, chứ không thấp hèn như lúc đầu vua nghĩ, bấy giờ đức vua ngộ được chân lý và đắc quả Tu Đà Hoàn. Liền sau đó vua thỉnh Phật và chư Tăng vào hoàng cung để trai tăng. Lúc thọ trai xong, Đức Phật giảng pháp cho hoàng tộc nghe, trong số có nhiều người đạt được pháp lạc, đến xin Đức Phật xuất gia học đạo. Sau đó một cơ hội rất hy hữu, Thích Ma Nam nói với A Na Luật:

          - Nay trong giòng họ nhiều người xuất gia tu phạm hạnh, tại sao riêng anh em chúng ta không thực hiện việc này? Anh đề nghị: nếu anh xuất gia, thì em trông coi việc nhà; còn nếu em xuất gia, thì anh ở nhà lo liệu.

          A Na Luật (Anirudha) nói:

          - Anh cứ yên tâm đi xuất gia, em sẽ lo liệu việc nhà. Sợ em nghĩ chưa tới, Thích Ma Nam giải thích về việc quản lý gia nghiệp cần đỏi hỏi sự tận tâm, tháo vát... Thức khuya dậy sớm quán xuyến để mọi việc mới trôi chảy được. A Na Luật nghe nói tới đó, bèn dội và nói rằng:

          - Thôi thì anh ở nhà, để em xuất gia vậy.

          Thích Ma Nam nói rằng, pháp của chư Phật nếu cha mẹ không cho phép thì không được đi tu, nay em muốn xuất gia thì phải được sự đồng ý của mẹ. Nghe lời anh, A Na Luật xin mẹ xuất gia. Nghe thế mẹ tìm đủ mọi cách ngăn cản, bà trả lời:

          - Gia đình mình đơn chiếc, mẹ chỉ có 2 anh em con, tình mẹ yêu thương hai con rất mục, làm sao mẹ con có thể sống xa lìa nhau được! Vã lại, gia đình mình giàu có, nên rất thích hợp với việc tu tạo công đức con cứ ở nhà thực hiện, hà tất phải xuất gia làm đau lòng mẹ!

          Dù đem hết lời thuyết phục con, nhưng chí đã quyết nên lần thứ ba A Na Luật xin phép, bà đặt vấn đề với con như một điều tiên quyết, bà mẹ bảo rằng:

          - Nếu vua Bạt Đề xuất gia thì mẹ cũng sẵn sàng để con xuất gia.

          Vốn từ trước vua Bạt Đề cùng A Na Luật, Nan Đà, Bà Bà, Kim Bệ Lư, A Nan, Thích Ma Nam... rất nặng tình thương mến nhau, nên đều chung thề không trái ý nhau bất cứ việc gì.

          Ý mẹ như thế, A Na Luật đến ngay gặp vua Bạt Đề ngõ ý:

          - Tôi có một ý nguyện mà ý nguyện này lại gắn liền với lời thề của vua. Chúng ta đã long trọng thề rằng: “Không làm trái ý nhau. Nếu làm trái ý nhau, đầu bị vỡ thành bảy mãnh”. Vì thế, nay lời nguyện của vua ắt phải gắn liền với lời thề ấy. Nhân dịp, A Na Luật liền đem ý kiến của mẹ mình trình bày với vua Bạt Đề.

          Nghe xong, nhà vua bảo rằng:

          - Ý nguyện này của khanh, ta chưa có thể thực hiện ngay được. Vì ta nguyện làm vua, và cái quả này ta mới bắt đầu. Thân tộc ta giàu sang chẳng có gì để lo lắng, làm sao có thể bỏ ngay nếp sống này để xuất gia học đạo?

          A Na Luật nói:

          - Nếu vua xuất gia thì nguyện tôi mới toại, tham đắm sự nghiệp thì tôi phải trầm luân lâu dài. Xin vua suy nghĩ kỹ đừng để trái với lời thề trước kia!

          Vua Bạt Đề nói:

          - Tôi sẽ làm theo ý nguyện của bạn, nhưng để cho tôi sau 7 năm, tôi sẽ cùng bạn xuất gia học đạo.

          A Na Luật nói:

          - Sau 7 năm chắc gì Đức Phật còn tại thế?! Hơn nữa mạng sống của tôi khó gì có thể bảo đảm được đến ngày ấy. Tại sao vua lại nêu ra kỳ hẹn này?

          Vua Bạt Đề nói:

         - Bảy năm nếu có lâu thì 6 năm không được sao?

          A Na Luật cũng trả lời như trên. Vua lại hẹn 5 năm, rồi 4, 3, 2, một năm đều không được A Na Luật chấp nhận.

          Thế là ý kiến đã thông suốt, họ chuẩn bị một cuộc ra đi. A Na Luật liền thông tin cho 5 người bạn còn lại. Năm người này rất hân hoan và sẵn sàng theo hạnh nguyện. Ngay trong đêm đó họ chuẩn bị đội quân tinh nhuệ để hoàn tất nghiêm chỉnh một chuyến đi. Cuộc dạ hành thầm lặng đi về hướng khu rừmg vắng, người thợ hớt tóc và đồng thời cũng là người giúp việc cho vua Bạt Đề, được mật báo. Bảy hoàng thân quốc thích kín đáo rởi khỏi đoàn tùy tùng, rồi mất hút trong rừng sâu. Bấy giờ họ thay đổi đồ trang phục, và nhờ người thợ cạo Ưu Bà Ly cạo tóc cho họ. Họ tặng lại tất cả đồ quí giá cho người thợ cạo, rồi nhanh chóng lên đường xuất gia.

          Lúc đó Ưu Bà Ly giật mình nghĩ ngợi: “Các hào tộc giòng họ Thích cường bạo, nếu biết ta cạo đầu cho 7 vương tử này, chắc họ sẽ giết ta. Hơn nữa các vương tử này còn bỏ nhà xuất gia, nay ta tại sao không bỏ đồ nghề hớt tóc và các y phục quí giá này để xuất gia?

          Liền đó, Ưu Bà Ly tự cạo đầu, rồi đem các y phục quí báu kia treo lên gốc cây, với ý nghĩ: ai cần thì lấy xử dụng.

          Ưu Bà Ly đi thật nhanh như muốn chạy, và không bao lâu đuổi kịp 7 người, Ưu Bà Ly nói:

          - Nay tôi cũng muốn theo quí vị xuất gia.

          Bây giờ 8 con người bình đẳng trong sự giải thoát. Họ tiến nhanh về khu rừng A Nậu, nơi đây Đức Phật đang chờ đón họ.

Trước oai đức của Đức Thế Tôn, tám người đầu mặt đảnh lễ sát chân Phật, rồi bạch rằng:

          - Kính bạch Đức Thế Tôn nay chúng con muốn xuất gia tu phạm hạnh. Riêng đối với Ưu Bà Ly là người nô bộc của chúng con, xin Ngài độ cho ông ta thọ cụ túc giới trước, sau đó mới độ chúng con. Điều này cần phải như thế, để cho chúng con và các Thích chúng phá tâm kiêu mạn đối với Ưu Bà Ly. Đức Phật y theo, độ Ưu Bà Ly trước, sau đó độ 7 người trong hoàng thân.

(Những chuyện Duyên Khởi trong Luật Ngũ Phần, do Tỳ Kheo Thích Phước Thắng dịch, bản điện tử phổ biến nội bộ)

 

V- Nhận xét:

          Hình ảnh 7 vương tử xuất gia theo Phật và người thợ hớt tóc Ưu Bà Ly là 8 nhân vật lịch sử qua truyền thống Phật giáo Nam truyền, cho ta rút tỉa ra được nhiều bài học cao quí, nhân phân tích tìm hiểu giữa Trí và Tuệ như:

          - Bảy vương tử cùng lúc xuất gia là một hiện tượng lạ có một không hai trong lịch sử Phật giáo. Phải nói vóc dáng của Đức Phật bao trùm sâu rộng khắp trong hoàng tộc, ngoài xã hội và khắp toàn cõi Ấn Độ lúc bấy giờ, nên đã thu phục được nhân tâm đưa họ về với Phật đạo, làm cho uy thế của Phật càng cao trọng tăng vọt hơn lên.

          - A Na Luật, về sau trở thành là một đệ tử ưu tú quan trọng của Đức Phật - bậc Thiền nhân đệ nhất – đã phải vận dụng cả Trí và Tuệ mà đạt được lúc chưa xuất gia. Ngài đã cương quyết dứt khoát mới thuyết phục được mẹ và bạn (Bạt Đề) để tròn hạnh nguyện xuất gia trong tăng đoàn. Đã vào Tăng đoàn lại bị chướng ưa ngủ trong lúc nghe pháp, Ngài bị Đức Phật quở trách, nên tự hối tâm và phát nguyện cải đổi trong sự tinh tấn tu tập. Với lời kiên thệ quyết định đạt thành chánh giác, dù phải bỏ thân xác vẫn không thoái tâm. Do vậy, cuối cùng Ngài đạt Thiên Nhãn thông.

          Vua Bạt Đề lúc đầu qua sự phấn đấu cam go giữa Trí và Tuệ, những ngày còn bận rộn với ngai vàng điện ngọc. Và kết cuộc, Tuệ đã thắng, dứt khoát cởi bỏ hoàng bào và khoác áo hoại sắc hành hạnh đầu đà, nên đạt được toàn thắng cho đến lúc đắc quả vị giác ngộ.

          - Nhân vật đặc biệt trước đây yếu kém mọi mặt như nhà nghèo thuộc giai cấp hạ tiện, thân phận làm công bộc cho vua Bạt Đề với tay nghề là thợ hớt tóc đó là Ưu Bà Ly. Được cạo tóc cho các vương tử xuất gia, và được ân thưởng những đồ trang phục quí giá, thay vì vui hưởng sự thưởng công đó, Ngài cương quyết từ bỏ chúng không thương tiếc, đuổi theo cho kịp những người chủ của mình. Tới gặp Phật được sự đề bạt giới thiệu của ân nhân, ông được thọ giới trước, vì nhiều yếu tố khác nhau. Nhờ lòng độ lượng của Phật, nhờ Tăng đoàn rộng dung, Ưu Bà Ly thật sự trở thành một con người mới hoàn toàn, bậc trì luật đệ nhứt, là một trong số 10 đệ tử hàng đầu của Đức Phật.

          - Tinh thần phá ngã phá chấp của các vương tử thời Đức Phật. Vì không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và trong giọt nước mắt cùng mặn. Đó là bài học sâu sắc nhất cho bốn chúng đệ tử Phật noi theo trong tiến trình tu chứng, và đó cũng chính là tuệ giác soi sáng cho những ai đang trên đường tìm cầu giải thoát.

          Muốn chuyển thức thành trí điều quan trọng là phải thực hành chứ không phải chỉ nói suông mà đạt đến được. Nói một cách cụ thể, hành giả phải kiên thệ phấn đấu không ngừng qua tiến trình tu tập, dù phải hy sinh thân mạng, vẫn không lui sụt ý chí dũng mãnh, tâm đại hùng, đại lực, đại từ bi mà qua các nhân vật tiêu biểu vừa dẫn chứng trên bước đường thực hành Bồ Tát đạo để xứng đáng vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa pháp không, như kinh Pháp Hoa dẫn dụ vậy.

 
pdf-downloadChân Đế Tục Đế Dung Thông_HT Thích Bảo Lạc








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]