Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tường Thuật nhanh về Đại Hội HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP Lần I /2021 qua hệ thống trực tuyến Zoom .

28/11/202119:49(Xem: 18127)
Tường Thuật nhanh về Đại Hội HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP Lần I /2021 qua hệ thống trực tuyến Zoom .


01_Dai hoi hoang phap


Tường Thuật nhanh về 
Đại Hội HỘI ĐỒNG HOẰNG PHÁP Lần I /2021

qua hệ thống trực tuyến Zoom
Bài tư
ờng thuật của Cư Sĩ Huệ Hương do Cư Sĩ Diệu Danh diễn đọc



 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.  

Nhận được lời mời của TT Thích Nguyên Tạng (Trưởng Ban Báo Chí và Xuất Bản Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN) như là một Thông tín viên cho Trang Nhà Quảng Đức và được  tham dự Đại Hội của  Hội Đồng Hoằng Pháp. Thật là một vinh dự cho một người Phật tử tín tâm hằng khao khát được góp chút ít thiện chí, cùng tán trợ việc hoằng dương chánh pháp theo tinh thần của Hội Đồng Hoằng Pháp.

 

Với niềm hoan hỷ ấy, đệ tử Huệ Hương (Úc Châu) kính  xin được tường thuật lại những gì đã thu thập trong buổi Đại Hội  Hoằng Pháp lần 1 năm 2021, được mở rộng trên diễn đàn online theo hệ thống trực tiếp Zoom. Vào 4:00 giờ sáng thứ Bảy ngày 27/11/2021 theo giờ Âu Châu hoặc giờ thay đổi tại nhiều địa phương khác nhau: Sài Gòn (Việt Nam): 10:00 sáng thứ Bảy 27/11/2021; Los Angeles (USA): 8PM thứ Sáu 26/11/2021; Ottawa (Canada): 11PM thứ Sáu 26/11/2021; Melbourne (Australia): 2PM thứ Bảy, 27/11/2022.

 

Nhờ đã tập cho mình một thói quen với tinh thần học hỏi của người Phật Tử trong thời đại công nghệ vi tính, Tôi đã hăng hái làm thủ tục ghi danh theo đúng cách thức trong thư mời nên hai hôm sau liền nhận được ID, password và màn phông hình ảnh cho virtual background rất đẹp do Ban tổ chức Hội Đồng Hoằng Pháp design, cùng văn kiện tài liệu để tham khảo trước từ văn phòng Chánh Thư Ký HĐHP sưu tập. Phải nói quả là một sự chuẩn bị quá công phu và chu đáo vì sưu tập này gồm 101 trang và có những chi tiết như sau: 

Phần A - Các văn kiện tư liệu phiên dịch Đại Tạng kinh từ 1973 

Phần B  - Các văn kiện thành lập Đại Hội  Hoằng Pháp

Phần C - Các văn kiện cho Đại Hội sẽ diễn ra vào 27/11/2021 

 

 Và  như thế theo chương trình nghị sự của Đại Hội Hoằng Pháp lần 1, năm 2021 đã phát thảo qua bức thư của Ngài Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, HT Thích Như Điển, từ đó chúng tôi được biết sẽ gồm  có những điểm chính như sau:

1. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và Ban Điều Hành HĐHP trình bày mục đích và phương hướng của các Phật sự trước mắt và trong tương lai.

2. Thảo luận và đề nghị nhân sự cho Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, tiếp nối tinh thần các buổi họp của Viện Tăng Thống GHPGVNTN chủ trương từ năm 1973 (xem các văn kiện này ở www.hoangphap.org).

3. Thảo luận về một số các dự án tương lai như: lớp học Phạn ngữ, trợ giúp việc phiên dịch, học bổng cho Tăng Ni sinh v.v...

4. Một số Phật sự khác.

 

Hôm nay ngày 27/7/2021 từ lúc 1:30 PM, ngạc nhiên thay, lúc ấy đã có hơn 200 người và phải nói quang cảnh trên màn hình đã giúp tôi nhận diện ra những hình ảnh quá thân thương và tôn kính mà nhiều năm qua chúng tôi chỉ nghe danh và những bài viết xuất hiện trên truyền thông văn hoá, nhất là nhân sự trong Hội Đồng Hoằng Pháp, đã được thành lập với thành phần gồm nhiều Tăng Ni và Cư sĩ hành đạo và hộ đạo trong và ngoài nước, dưới sự chứng minh của Hội Đồng Chứng Minh Tăng Già (là chư vị Trưởng lão, Hòa thượng lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất các châu lục, và với sự tán trợ của Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất), mà tâm huyết của các Ngài chỉ nhằm mục đích tiếp nối mạng mạch của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong lý tưởng phục vụ nhân loại và dân tộc. 

 

Vì trước đó tôi đã xem lại thông báo đầu tiên (6/6/2021) để nhìn lại phương hướng mà Hội đồng Hoằng Pháp đã đề ra, với phương tiện hoằng truyền Chánh Pháp qua đường lối văn hoá giáo dục và nhất là các thế hệ tương lai theo trào lưu văn minh hiện đại, nhưng vẫn tùy duyên bất biến để kế thừa công cuộc phiên dịch kinh điển của Thầy-Tổ (qua Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng thành lập từ năm 1973), kiện toàn việc phiên dịch và chú giải bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam với ngôn ngữ chuẩn mực hàn lâm;và việc xuất bản sách báo Phật giáo Việt ngữ hoặc song ngữ, nhằm giới thiệu và hướng dẫn tuổi trẻ học Phật, đồng thời khuyến khích việc tham dự các khoá học về Phạn ngữ và Hán văn để sau này có thể tham gia ban phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam). 

 

Nên hôm nay tôi không ngạc nhiên lắm khi thấy số người  tham dự lần lần gia tăng, để cuối cùng vào lúc Ngài Tuệ Sỹ trình bày đường hướng đi cho tương lai đã có đến 438 người. Điều đó chúng tỏ được rằng mọi người đều cảm kích và hưởng ứng một lòng… Có lẽ ai ai cũng đều mong rằng mình cũng được đóng góp chút ít phần nào để mang lại an vui phúc lạc cho dân tộc Việt Nam thân yêu... cho dù vào lúc TT Thích Nguyên Tạng (người điều hợp chương trình, Zoom host) tuyên bố bắt đầu chương trình mới có 362 người tham dự 

 

Trộm nghe Kinh Pháp Cú phẩm Bậc Hiền Trí, nếu muốn gia nhập được vào một hội chúng thật an lạc và hoan hỷ,... hẳn quý đại biểu tham dự hôm nay đều có đủ Chánh tâm như: tri nhân, tri quả, tri kỷ tri bỉ, tri độ, tri thời để tri hội chúng, cho nên khi đọc lại bức tâm thư của HT Cố Vấn chỉ đạo, trong đó có ghi lại những lời tôi thấy quả đúng như lời Phật dạy... Đây là hội chúng của những bậc hiền trí mà may mắn tôi đã tham dự để thân cận, gần gũi. 

 

Kính trích đoạn: (...Thế nhưng, khó khăn cho Phật Tử Việt Nam hiện không có đầy đủ Kinh điển để có thể phán đoán điều gì có hay điều gì không thấy có trong Kinh.

 

Chính vì ý thức được điều này, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, năm 1973, đã tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng Phiên Dịch Tam tạng. Chư Tôn thuộc hàng Giáo Phẩm Trung Ương, dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống, cùng với sự hỗ trợ của Chư Thượng Tọa Đại Đức đang phụ trách giáo dục tại các trường Cao Đẳng Phật Học và Đại Học, đồng vân tập về Viện Đại Học Vạn Hạnh để thảo luận cơ cấu tổ chức, chương trình phiên dịch, quy định các quy tắc phiên dịch, phương thức duyệt sách, v.v... cho đến đề án xây dựng cơ sở Pháp Bảo Viện làm trụ sở của Hội Đồng Phiên Dịch. Dự án vĩ đại này không tồn tại lâu, do tình hình chiến sự căng thẳng dẫn đến ngày 30 tháng Tư. Cho đến nay, trong số 18 thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch lần lượt viên tịch, chỉ còn lại 2 vị, đó là HT. Thích Thanh Từ và HT. Thích Tuệ Sỹ.

 

Những gian nan khổ nhọc trong chiến tranh khói lửa, những ức chế bởi thế lực cường quyền, một thời, Chư Tôn Giả ấy đã viết lên trang sử dày những công trình văn hóa giáo dục, không dày với những đấu tranh bạo lực. Hàng hậu bối, thế hệ tiếp nối, bằng ý chí, bằng tâm đức, bằng trí tuệ, như thế nào để kế thừa di sản cao quý ấy, để phát huy tinh hoa dân tộc ấy?). 

 

Nào mời các bạn cùng tôi bắt đầu tham dự chung nhé và tưởng tượng mình cũng đang có mặt trong Đại Hội này từ lúc TT. Nguyên Tạng bắt đầu nhiệm vụ người dẫn chương trình. Và đây là chương trình nghị sự.... có đến 14 đề mục sẽ diễn tiến như sau:

 

1-   Niệm Phật - Một phút nhập từ bi quán. 

2- Diễn văn khai mạc (HT Chánh Thư Ký Thích Như Điển).

3- Giới thiệu thành phần ban ngành tham dự và các đại biểu. 

4- HT Cố vấn chỉ đạo Thích Tuệ Sỹ: Thuyết trình về đề tài “Lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam”.

5- Phát biểu/ câu hỏi của các đại biểu tham dự. 

 6 - Nghỉ giải lao 10’- Chiếu slideshow hình ảnh 18 vị Tôn túc  đã đóng góp vào văn bản 1973 thành lập ban phiên dịch Đại Tạng kinh

7 - Thiền sư, Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thuyết trình về chủ đề: “Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam”.

8- Phát biểu/ câu hỏi của các đại biểu tham dự. 

9- Lời đạo tình của HT Tăng Giáo Trưởng GHPGVNTN tại Úc, Tân Tây Lan. 

10- Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo tường trình về lớp Phạn Ngữ, giảng dạy từ 13/9/2021, với số học viên tham dự từ 60 vị nay chỉ còn 54 và 2/3 là Tu sĩ.

11- Ban Báo Chí và Xuất Bản báo cáo thành quả trong thời gian qua (Htr Tâm Thường Định)

12- Thư Ký đoàn đọc Biên bản tổng kết (ĐĐ Thanh An).

 13- Lời tuyên bố bế mạc của HT Phó Thư Ký Thích Nguyên Siêu.

14-  Hồi hướng và buổi lễ hoàn mãn vào lúc 6 giờ 30 phút cùng ngày. 

 

Được biết về tham dự Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, quý  đại biểu hôm nay gồm có:

 

Chư Tôn Trưởng lão Chứng Minh:Trưởng lão HT. Thích Huyền Tôn  Tăng Giáo Trưởng GHPGVNTN Hải Ngoại tại UĐL-TTL. (Úc Châu); Trưởng lão HT Thích Thắng Hoan, Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTN Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, (HT cáo lỗi đang bận Phật sự, không thể quang lâm tham dự, chỉ chứng minh từ xa và gởi lời chúc nguyện Đại hội thành công tốt đẹp).

Diễn giả trình bày: Hòa Thượng Cố Vấn Chỉ Đạo đạo hiệu Tuệ Sỹ và Giáo Sư, Thiền Sư, Sử gia Trí Siêu Lê Mạnh Thát; (Việt Nam) 

Chư Hòa Thượng Chánh và Phó Thư Ký HĐHP, HT Thích Như Điển (Đức quốc), HT Thích Nguyên Siêu (Hoa Kỳ), HT Thích Bổn Đạt (Canada).

Chủ Tọa Đoàn Đại Hội: HT Thích Đỗng Tuyên (từ Hoa Kỳ), HT Thích Thiện Quang (từ Canada) và HT Thích Trường Sanh (từ Tân Tây Lan).

Ban Thư Ký Đại Hội: TT Thích Hạnh Tấn (Đức), TT Thích Như Tú (Thụy Sĩ) , ĐĐ Thích Thanh An (Tích Lan) và Sư Cô Giác Anh (Úc)

Ban Truyền Thông: TT Hạnh Tuệ, CS Phù Vân, CS Quảng Hải, CS Quảng Anh Ngô Ngọc Hân.

Ban Ghi Danh: CS Nguyên Đạo, CS Giác Chánh, CS Thị Thiện.

Ban Kỹ Thuật: CS Tâm Thường Định & quý CS nhóm Kỹ Thuật Bodhi Media, (TT. Nguyên Tạng) -

 

Chư Tôn Đức và quý Phật tử trong 4 ban của Hội Đồng Hoằng Pháp: 

Ban phiên dịch và trước tác: Cố Vấn kiêm Trưởng Ban: HT. Thích Tuệ Sỹ (Việt Nam); Phó Ban: HT. Thích Thiện Quang (Canada);Phụ tá: Thượng Tọa Thích Như Tú (Thụy Sĩ); Thư Ký: Đại Đức Thích Hạnh Giới (Đức); Ban viên: Thượng Tọa Thích Tuệ Uyển (Hoa Kỳ), Đại Đức Thích Thanh An (Tích Lan), Ni Trưởng Thích Nữ Giới Châu (Hoa Kỳ), Ni Sư Thích Nữ Quảng Trạm (Pháp), Sư Cô Thích Nữ Giác Anh (Úc Châu), Cư Sĩ Hạnh Cơ (Canada), v.v…

 

Ban truyền bá giáo lý:  Cố vấn: Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (Hoa Kỳ);Trưởng Ban: HT. Thích Thái Siêu (Hoa Kỳ); Phó Ban: HT. Thích Bổn Đạt (Canada); Phó Ban: HT. Thích Trường Sanh (Úc châu); Phó Ban: HT. Thích Tâm Huệ (Âu châu); Thư Ký: Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn (Đức); Ban Viên: HT. Thích Nhựt Huệ (Hoa Kỳ), TT. Thích Hoằng Khai (Na Uy), TT. Thích Giác Tín (Úc châu), TT. Thích Thiện Duyên (Hoa Kỳ), TT. Thích Thiện Long (Hoa Kỳ), TT. Thích Thiện Trí (Hoa Kỳ), TT. Thích Đạo Tỉnh (Hoa Kỳ), TT. Thích Chúc Đại (Hoa Kỳ), Sư Cô Thích Thông Niệm (Canada), Sư Cô Thích Tịnh Nghiêm (Hoa Kỳ)… cùng chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni thành viên Hội Đồng Hoằng Pháp (sẽ cung thỉnh tham gia theo nhu cầu hoằng pháp của từng châu lục, quốc gia), v.v…

 

Ban Báo chí và xuất bản: Trưởng Ban: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng (Úc Châu); Phó Ban: TT Thích Hạnh Tuệ, Cư Sĩ Tâm Quang – Vĩnh Hảo (Hoa Kỳ); Thư Ký: Cư Sĩ Tâm Thường Định – Bạch Xuân Phẻ (Hoa Kỳ); Ban Viên: Tâm Huy – Huỳnh Kim Quang (Hoa Kỳ), Quảng Tường – Lưu Tường Quang (Úc), Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn (Đức), Nguyên Trí – Nguyễn Hòa/Phù Vân (Đức), Quảng Trà – Nguyễn Thanh Huy (Hoa Kỳ), Quảng Anh – Lê Ngọc Hân (Úc), Thanh Phi – Nguyễn Ngọc Yến (Úc châu), v.v…

 

Ban Bảo Trợ: Cố Vấn: TT. Thích Trường Phước (Canada); Trưởng Ban: Thượng Tọa Thích Tâm Hòa (Canada); Phó Ban Úc Châu: Thượng Tọa Thích Tâm Phương (Úc Châu); Phó Ban Âu Châu: Thượng Tọa Thích Quảng Đạo (Pháp), Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước (Đức); Phó Ban Châu Mỹ: Ni Sư Thích Nữ Nguyên Thiện (Hoa Kỳ), Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh (Hoa Kỳ); Phụ tá: ĐĐ. Thích Thông Giới (Canada), Sư Cô Thích Nữ Thông Tịnh (Canada); Thủ Quỹ: Ni Sư Thích Nữ Bảo Quang (Canada); Thư Ký: Ni Sư Thích Nữ Đức Nghiêm (Canada)

 

Vì thời gian hạn hẹp TT MC Thích Nguyên Tạng chỉ giới thiệu chung trên 300 đại biểu Tăng Ni, Phật tử, Nhân sĩ Trí thức, Giáo sư, Tiến sĩ đang công tác trong các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy ở trường đại học cùng chư Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử từ 19 quốc gia: Anh, Úc, Canada, Đài Loan, Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Phần Lan, Lào, Mã Lai, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Sri Lanka, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Bỉ và quê nhà Việt Nam.

 

Đúng theo chương trình nghị sự, sau Niệm Phật và Phút nhập từ bi quán để tưởng nhớ công ơn chư vị thánh tử đạo, tưởng niệm chư vị Lịch Đại Tổ Sư kiết tập, phiên dịch, giảng giải, chú thích Tam tạng Đông Tây kim cổ, du hóa khai sơn lăn chuyển bánh xe pháp trên thế giới;  HT Thích Như Điển (Chánh Thư Ký Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNT) đã tuyên bố khai mạc Đại Hội Hoằng Pháp ký 1. Như chúng ta đã biết văn tức là người, bài diễn văn khai mạc này đã gói trọn tâm tư và hoài bão ấp ủ của một vị Cao tăng, một người đã được Tổng Thống Steinmeier của Cộng Hoà Liên Bang Đức ký tặng Huân Chương Đệ Nhất vào ngày 20/8/2021 và đây là Huân chương duy nhất trên phạm vi toàn Liên Bang Đức được Tổng Thống Đức Quốc dành trao tặng cho những nhân vật đặc biệt có nhiều thành tích trong lĩnh vực văn hoá, chính trị kinh tế hoặc là lãnh đạo tinh thần như HT Phương Trượng Chùa Viên Giác (Đức Quốc), trong lời khai mạc của Hòa Thượng có đoạn: “Mặc dầu quan san cách trở ở 4 châu lục và giờ khắc khác nhau của thế giới; nhưng chúng ta đã cố gắng cùng nhau trên dưới 300 chư Tôn Đức Tăng Ni, Quý Đạo Hữu Phật Tử và Quý Thiện Hữu trí thức xa gần đã vân tập ngày hôm nay trên không gian mạng Online để cùng tham gia Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ nhất. Quả là một dấu ấn khó quên trong thời kỳ tiến bộ của khoa học kỹ thuật của đầu thế kỷ thứ 21 nầy.Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của quý Ngài và tất cả liệt quý vị cho một tiền đồ của Phật Giáo Việt Nam, đặc biệt là tâm nguyện Việt dịch toàn bộ Tam Tạng Kinh Điển mà chư Thánh Tăng của GHPGVNTN đã từng hoài bão. Thưa tất cả đại biểu và tham dự viên, 300 đại biểu là 300 tấm lòng cùng quây quần về đây trong không gian mạng này,không những quý vị đã vượt qua những biên giới địa dư, những cách trở thời gian như vừa nói, mà cũng đã vượt qua bao nhiêu chướng duyên, gạt bỏ những ngộ nhận có thể có, để cùng nhau quây quần về đây dưới ánh sáng của nguồn giáo lý vi diệu Phật Đà, dưới sự gia hộ của chư Lịch Đại Tổ Sư.Chúng con đặc biệt niệm ân nhị vị Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Huyền Tôn (Melbourne) Úc Châu, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan (San Jose) Hoa Kỳ rất nhiều về việc Quý Ngài đã cố gắng có mặt để chứng minh cho Đại Hội lần thứ nhất nầy, mặc dầu Quý Ngài cả hai đều gần 100 tuổi; nhưng Quý Ngài đã không ngại sức khỏe cũng như thời giờ khác biệt đó đây, đã hiện diện với chúng con. Quả thật là một phước báu vô cùng to lớn của Hội Đồng Hoằng Pháp. Chúng con cung kính niệm ân Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cố vấn chỉ đạo của Hội Đồng Hoằng Pháp và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát là hai vị diễn giả chính trong Đại Hội hôm nay về việc hình thành một Đại Tạng Kinh Việt Nam để tiếp nối con đường của GHPGVNTN đã vạch ra kể từ năm 1973 đến nay. Đồng thời nhân cơ hội nầy xin cung thỉnh Quý Ngài thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời để chúng ta có những bước đi sắp tới cụ thể hơn trong vấn đề trước tác cũng như phiên dịch Đại Tạng”.

 

Nếu trước đó tôi đã thầm rơi lệ khi đọc những bài văn của Ngài thì hôm nay tôi lại vui sướng, và  rất hân hoan theo sự diễn tả của Ngài ... đó là khi được nhìn lại những hình ảnh thân yêu, kính quý của các bậc Tôn túc, chư Hiền đức dù quan sơn cách trở nhưng vẫn quan hoài đến bộ Đại Tạng Kinh VN thật hoàn chỉnh, đúng với tiêu chuẩn quốc tế như các quốc gia khác như Nhật Bản, và các quốc gia khác để nối tiếp công trình còn lại của 18 liệt vị Tổ Sư...

 

 Tôi cũng thật cảm động và vui mừng khi thấy Ngài Tăng Giáo Trưởng HT. Thích Huyền Tôn, nay đã 94 tuổi rồi mà vẫn còn minh mẫn và sáng suốt khi góp ý kiến vào chương trình phiên dịch Đại Tạng Kinh. 

Và bây giờ, trước khi được nghe lời trình bày của HT Cố vấn chỉ đạo HĐHP Thích Tuệ Sỹ về việc Phiên dịch Đại Tạng Kinh VN, TT. Thích Nguyên Tạng đã giới thiệu Ngài và các tác phẩm của Ngài trong suốt thời gian qua. Tôi đoán rằng ai ai trong hội chúng hôm nay đều một lòng kính trọng với những chi tiết như. Ôn quy y Phật lúc 7 tuổi, học Phật pháp trong Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là tại Thiền viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn. Ôn tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học năm 1964, Viện Đại học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, được đặc cách bổ nhiệm là Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh từ năm 1970, nhờ nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng. Ôn là Chủ bút của tạp chí Tư tưởng do Viện Đại học Vạn Hạnh phát hành. Ôn cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi hành (1969-1972), Thời tập (1973-1975). Ngoài ra Ôn cũng hiểu biết rất nhiều trong lĩnh vực triết học Tây phương. Ôn là người đầu tiên thuyết trình về Michel Foucault tại Việt Nam. Sau năm 1975 Ôn về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào Sài Gòn sống tại Thị Ngạn Am ở Tu Viện Quảng Hương Già Lam. Đầu năm 1978 Ôn bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1980 thì được trả tự do. Ngày 1 tháng 4 năm 1984 Ôn bị bắt cùng với Thầy Thích Trí Siêu (Giáo sư Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân xá Quốc tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu là do 2 Ngài là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) và các lưu tâm cũng như kính trọng các công trình nghiên cứu về Phật giáo và tác phẩm của họ đã phát sinh vào thời điểm chính quyền Việt Nam đang cố gắng kiểm soát hội Phật giáo. Tháng 9 năm 1988 Ôn Tuệ Sỹ và  GS Lê Mạnh Thát bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân[1]. Ngày 1 tháng 9 năm 1998 Ôn được thả tự do từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau đấy, do vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, Ôn cùng với HT Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi. Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellman-Hammett Awards cho Ôn và 7 người Việt khác (Hoàng Tiến, nhà văn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Trí Siêu và 2 người được dấu tên).

Sau 40 phút trình bày hầu hết có trong phần bài viết chung với Tiến sĩ Giáo sư Lê Mạnh Thát, như tài liệu đã cung cấp cho người tham dự suy nghĩ trước, và sau đó có lời tham vấn của các tham dự viên và các đại biểu, Ngài đã chỉ dạy điều mà tôi tâm đắc nhất: đó là đừng để bị phân tâm  đến những lời xuyên tạc về Thánh điển Pali và ngôn ngữ Sanskrit hoặc Phật giáo Nguyên Thủy, Phật giáo Đại Thừa đến cuối cùng rồi cũng phải chấp nhận với lịch sử đã ghi chép, Sanskrit là ngôn ngữ thanh nhã nơi Đức Phật đã ra đời (Nepal) và tiếng Pali là do hai đứa con của Ngài A Dục có mẹ dùng tiếng Pali (địa phương của Ấn Độ) truyền sang Tích Lan khi xuất gia và truyền bá Phật giáo tại đây.  

 

Trong 10 phút nghỉ giải lao chúng tôi đã được xem các hình ảnh của 18 vị Tôn túc đã tham dự trong việc phiên dịch Đại Tạng Kinh như: HT Trí Quang - HT Nhật Liên - HT Quảng Độ - HT Trí Tịnh - HT Minh Châu - HT Trung Quán - HT Trí Nghiêm - HT Thiện Siêu, - HT Huyền Vi - HT Đức Nhuận - HT  Thiền Tâm - HT Huệ Hưng - HT Trí Thành - HT Thuyền Ấn - HT  Đức Tâm -HT Thanh Từ - HT Bửu Huệ, HT Tuệ Sỹ.

 

TT. Nguyên Tạng đã cảm ơn Giáo sư Huynh trưởng Bạch Xuân Phẻ - Tâm Thường Định về slideshow này. Tiếp theo 3:25 pm là đến phần diễn giả Giáo sư, Tiến sĩ, Thiền sư Lê Mạnh Thát, được TT. Nguyên Tạng giới thiệu đã làm mọi người rất khâm phục cho bậc khả kính và ưu Việt như Ngài. 

 

Giáo sư, Tiến sĩ, Sử gia, Thiền sư Lê Mạnh Thát, pháp danh Trí Siêu sinh ngày 15 tháng 4 năm 1944 tại làng Cu Hoan, xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Giáo sư là người được biết nhiều bởi những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam. Một số các phát hiện mới của Giáo sư về lịch sử Việt Nam gây chấn động giới nghiên cứu sử. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận Giáo sư là "Người viết sách về văn học và lịch sử Phật giáo nhiều nhất Việt Nam"[cần dẫn nguồn]. Là một nhà tu hành xuất gia từ bé. Năm 1959, Giáo sư vào Huế trọ ở chùa Báo Quốc và theo học tại Quốc Học, Huế. Tại chùa Báo Quốc có mở xưởng làm xì dầu. Giáo sư được phân công phụ trách xem quá trình thủy phân có dư xút hoặc axít, hàm lượng đạm có từ bã đậu phụng. Năm 17 tuổi được đặc cách thi tú tài. Năm 20 tuổi đậu Cử nhân ngành Triết học tại Viện Đại học Đà Lạt.

 

Từ 1965-1974 GS Lê Mạnh Thát theo học tại Viện Đại học Wisconsin, Madison, Hoa Kỳ, lấy bằng Tiến sĩ ngành Triết học. Luận án của Giáo sư tập trung vào lĩnh vực triết học Thế Thân (Philosophy of Vasubandhu); Vasubandhu là tên của một triết gia Ấn Độ lỗi lạc sống ở thế kỷ thứ 5.

 

Năm 1974-1975, là Giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Việt Nam

 

Từ 1975-1984, GS Lê Mạnh Thát giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh - Thành phố Hồ Chí Minh 

 

Năm 1984, Giáo sư bị chính quyền Việt Nam bắt giam và bị tuyên án tử hình, nhưng sau đó án được giảm xuống tù chung thân, vì tội "tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Xã hội Chủ nghĩa" (Vì GS tiếp tục lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất khi hầu hết lãnh đạo của Giáo hội đã gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được nhà nước ủng hộ).

 

GS Lê Mạnh Thát được phóng thích ngày 31 tháng 8 năm 1998, sau 14 năm bị giam cầm.

Và từ 1998 đến nay, là Giáo sư, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012 Giáo sư được bầu làm thành viên Ban thường trực của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) 

 

Hội chúng đã được nghe những bộ kinh được dịch thuật từ trước về Nam Truyền từ tiếng Pali và những Luật, Luận Tạng, nhưng gần đây từ khi Phật giáo Tây Tạng được công nhận thì việc tiến hành phiên dịch Đại Tạng Kinh… thật ra nên thêm và cần có phần này cho đầy đủ hơn. 

 

Lời đạo tình của HT. Thích Huyền Tôn cũng vừa là một lời góp ý và trình bày quan điểm của Ngài nhắn gửi đến Ngài Tuệ Sỹ và Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát.

 

Chúng tôi cũng thấy được rằng hai Ngài Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đã đồng ý với HT và nhất tâm trong việc in và dịch toàn bộ Đại Tạng Kinh thật hoàn chỉnh đúng ngữ nguyên của quốc tế đã dùng qua cách dịch từ Sanskrit.

 

Và cũng để trả lời câu hỏi "Vì sao phải gấp rút dịch Phật giáo Tây Tạng?” Diễn giả đã trả lời vì trong đó có ghi rõ rệt phần Hiển giáo và Mật giáo… lời đáp thật vừa lòng người nghe và người đã hỏi.

 

Giáo sư Lê Mạnh Thát cũng hứa sẽ trả lời việc thành lập Viện Đại Học Trần Nhân Tông trong một cuộc họp khác, vì thời giờ không cho phép khi Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Thu đã nêu câu hỏi này. 

 

HT Thích Trường Sanh cũng đặt một vấn đề và cũng được giải đáp thích hợp. 

Buổi họp tiếp theo với Giáo Sư Đỗ Quốc Bảo về việc giảng dạy Hán Văn và Phạn Ngữ.

 

Tiếp theo sau là báo cáo của Ban Báo Chí và Xuất Bản, đại diện ban là Huynh Trưởng GĐPT Tâm Thường Định báo cáo như sau: HĐHP chúng ta đã xuất bản được 5 quyển sách quý:

1/Pháp Diệt Tránh - Thích Nguyên Chứng (Thích Tuệ Sỹ) - (bìa mỏng, 182 trang. Print ISBN: 2370000915771)

2/Yết Ma Yếu Chỉ -  Thích Trí Thủ, Thích Nguyên Chứng - (bìa mỏng, 342 trang. Print ISBN: 978-1-0878-7716-7)

3/Phật Lý Căn Bản - Thích Đức Thắng (bìa mỏng, 648 trang. Print ISBN: 978-1-0879-7487-3)

4/Tổng Quan Về Nghiệp – Thích Tuệ Sỹ - (bìa mỏng, 386 trang. Print ISBN: 978-1-0879-8787-3)

5/Tổng Quan Về Nghiệp – Thích Tuệ Sỹ - (bìa cứng, 388 trang. Print ISBN: 978-1-0879-8783-5)

 

Có 3 cuốn sách, Pháp Diệt Tránh, Yết Ma Yếu Chỉ và Tổng Quan Về Nghiệp đã được Ban Bảo Trợ đài thọ mua và gửi  cho Chư Tôn Đức  thành viên Hội Đồng Hoằng Pháp khắp 4 Châu. Ngoài ra, cuốn sách Tổng Quan Về Nghiệp đã được hơn 100 người mua trên hệ thống Amazon. (Tuy không nhiều, nhưng đây là cuốn sách “bán chạy nhất" từ trước đến giờ trong tài khoản của NXB Lotus Media).

 

Chúng con cũng đã sẵn sàng để tiếp tục làm việc cùng các ban khác để tiến hành công việc in ấn Thanh Văn Tạng và tất cả các kinh sách trong tương lai. Về các trang mạng xã hội: Trang nhà Hội Đồng Hoằng Pháp: https://hoangphap.org/ và với chủ trương. Hoạt động chính thức ngày 02 tháng 06, 2021; Số lượng bài đăng đến hiện tại: 625 bài; Lượt truy cập: 59,950 (tổng số lượt xem, một người xem lặp lại bài sẽ được tính tổng). Lượt truy cập hằng ngày: trung bình >200 người. Độ tuổi người xem: Từ 18-34: 61%; từ 35-54: 28%; Từ 55 trở lên: 11%; Mạng xã hội: ngoài trang mạng, còn có xây dựng các mạng xã hội vệ tinh như:

FB Fanpage: https://www.facebook.com/hoangphap21/
Twitter:
https://twitter.com/hoangphaporg

 

YouTube: Hoằng Pháp Media

Instagram: https://www.instagram.com/hdhp.bbc/

 

 

Đặc biệt Trang nhà FB Fanpage, hiện nay, có 7,232 người thích/Like và 8,041 người theo dõi /Follow, nhưng số lượng người đọc khả quan. Các trang mạng xã hội đều truyền đạt Kinh, Luật, Luận của giáo lý Phật Đà, đưa tin tức sinh hoạt của Hội Đồng Hoằng Pháp trong đó có việc cứu trợ đồng bào và nạn nhân của Covid-19 tại Việt Nam, cũng như bài vở nghiên cứu, văn học nghệ thuật Phật giáo, v.v… đến mọi nơi. Trong hơn sáu tháng qua, có hơn 1 triệu lần được biết đến. Số người đến thăm trang nhà Hoằng Pháp, đa phần là từ Việt Nam, chiếm hơn 55%, Mỹ 25%, Úc, v.v… Đức Quốc chỉ có 2% người mà thôi. Số lượng người nam tính thì đông hơn người nữ xem trong những quảng bá trên Facebook và đa phần là số tuổi còn trẻ từ 18-34%. Phần kỹ thuật của Ban Báo Chí và Xuất bản đều có sự hợp tác của ban biên tập Thư Viện Phật Việt và Lotus Media Inc. cũng như sự hổ trợ của quý Htr. Gia đình Phật tử. 

 

Và sau đó lời phát biểu chân tình của HT. Thích Thái Hòa ( người đã được  HT Cố vấn chỉ đạo mời vào ban phiên dịch).

 

Tiếp theo là tổng kết của Thư ký đoàn với toàn bộ nội dung của phiên họp.

 Tôi đã tấm tắc khen thầm và công nhận Đại Đức Thích Thanh An (đang du học ở Tích Lan ) thay mặt TT Thích Hạnh Tấn & Thư Ký Đoàn trình bày thật chu đáo… nhưng có lẽ người tham dự đã quá mệt nên số rời khỏi phòng họp cũng khá đông (đây cũng là kinh nghiệm cho thời gian cuộc họp khác trong tương lai) 

Đại Hội được HT. Phó Thư Ký Thích Nguyên Siêu tuyên bố bế mạc, sau đó là phần hồi hướng và hoàn mãn vào lúc 6:20 phút cùng ngày.

Kính chúc mừng cho sự thành công viên mãn với sự góp mặt của trên 400 Tăng Ni và Nhân hào cư sĩ trên khắp năm châu. 

 Được biết, toàn thể Đại hội đã hoan hỷ đồng thuận đề nghị của Hòa Thượng Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp Thích Tuệ Sỹ thành lập HỘI ĐỒNG PHIÊN DỊCH ĐẠI TẠNG LÂM THỜI gồm có:

Chủ tịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố vấn: Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Chánh Thư Ký: Hòa Thượng Thích Như Điển (Đức)
Phó Thư Ký hải ngoại: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu (Hoa Kỳ)
Phó Thư Ký quốc nội: Hòa Thượng THích Thái Hòa (Việt Nam)




Lời kết: 

 

Kính dâng vài vần thơ mong ước sẽ tỏ bày sự tri ân của hàng hậu  học đến Chư Tôn Đức và nhất là Ban Tổ chức của Phiên họp Hội Đồng Hoằng Pháp lần 1 năm 2021 qua trực tuyến trên Zoom.

 

Niềm hoan hỷ khó tả khi tham dự trực tuyến 

Đại Hội Hoằng Pháp được tổ chức lần đầu 

Sau ngày thành lập… năm tháng chỉ cách sau 

Dưới sự cố vấn chỉ đạo từ Hòa Thượng Tuệ Sỹ 

Cùng Hòa Thượng Thích Như Điển, đại diện Chánh Thư Ký! 

 

Kính tri ân sự đóng góp chân tình cho Phật Giáo Việt Nam 

Dù quan sơn cách trở, phương xa vẫn mãi lưu tâm 

Sự quan hoài ấy biểu hiện trong tấm lòng nhiệt huyết 

...đến từ dân tộc hào hùng có những người con ưu việt! 

 

Kính tri ân HT Tăng Giáo Trưởng Thích  Huyền Tôn, 

Lời đạo tình phát xuất... kinh nghiệm phiên dịch chuyên môn 

Đặc biệt theo di chúc HT Thích Trí Quang chỉ dạy 

Đã hoàn tất Bộ Kinh Đại A Di Đà nơi hải ngoại! 

 

Dù tuổi cao (94) vẫn minh mẫn, sáng suốt tuyệt vời...

Đó đây nhân sĩ, triết gia danh tiếng sáng ngời 

Luôn  đóng góp chút tâm tư về tương lai thế hệ trẻ 

Tán thán thay Ngài Lê Mạnh Thát đã chia sẻ ...

 

Từ nay đừng phân biệt Nguyên Thủy, Đại Thừa 

Thêm Phật giáo Tây Tạng… hiển, mật rất thích ưa

Cùng uyên nguyên nguồn cội... Đức Thế Tôn cao cả 

Ngôn ngữ Sanskrit… đúng tiêu chuẩn quốc tế… thanh nhã! 

 

Kính chúc mừng Đại Hội hoàn mãn... niềm tin lan tỏa

Đuốc Tuệ sáng soi... dẫn đường vượt mọi gian nan 

Việc  phiên dịch Đại Tạng Kinh… hoàn chỉnh, vững vàng 

Ngày nào đó... sánh ngang hàng tiêu chuẩn quốc tế! 

 

Ước vọng ấy… kính trân trọng lòng thành đảnh lễ 

Nam Mô Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác Thích Ca Mâu Ni Phật. 

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Sydney 28/11/2021 

Huệ Hương 

 

 

 


Một vài hình ảnh tại Đại Hội Hoằng Pháp qua Zoom Meeting Online

(Photo: Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên)

  

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]