Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tắc 37 đến 48: Cây Bách trước sân

29/03/202119:04(Xem: 7155)
Tắc 37 đến 48: Cây Bách trước sân
VÔ MÔN HUỆ KHAI
CỬA KHÔNG CỬA (VÔ MÔN QUAN)
Dịch giả: Dương Đình Hỷ

Tắc Ba Mươi Bẩy
CÂY BÁCH TRƯỚC SÂN

CỬ :
Một ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang ?
-Cây Bách trước sân.

Bình :
Nếu các ông hiểu được câu đáp của Triệu Châu thì trước chẳng thấy có Thích Ca, sau chẳng thấy có Di Lặc.

Tụng :

言 無 展 事
Ngôn vô triển sự
語 不 投 機
Ngữ bất đầu cơ
承 言 者 喪
Thừa ngôn giả táng
承 句 者 迷
Thừa cú giả mê.

Lời chẳng triển sự
Tiếng chẳng hợp cơ
Chấp lời chết thảm
Kẹt cú mê mờ.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 : ngôn ngữ văn tự không miêu tả được sự truyền tâm ấn của Tổ Đạt Ma.
Câu 2 : cũng không khế hợp tâm cơ của mọi người.
Câu 3 : chấp vào ngôn ngữ sẽ đánh mất tuệ mạng.
Câu 4 : chấp vào văn cú sẽ bị mê hoặc.
-Bồ Đề Đạt Ma mang Thiền đến Trung Hoa vào thế kỷ thứ 6. Do đó câu hỏi có nghĩa Thiền là gì ? Triệu Châu đã cho một câu trả lời hay :
-Cây Bách trước sân.
Thật ra trong Triệu Châu Lục còn một đoạn nữa như sau :
-Xin thầy đừng dùng cảnh mà thuyết minh.
-Tôi không dùng cảnh để chỉ người.
-Ý Tổ sư từ Tây sang là gì ?
-Cây Bách trước sân.
Cây Bách là một loại cây phổ thông, trồng rất nhiều ở Triệu Châu (Hà Bắc). Cây to lớn, cho bóng mát vào mùa hạ. Các chùa đều thích trồng loại cây này. Ông tăng cho là bị cảnh chuyển, nhưng Triệu Châu đã phủ nhận. Ông tăng hỏi “Ý Tổ sư từ Tây sang là gì ?” là hỏi cốt tủy của Phật giáo là gì ? hay Đạo là gì ? Triệu Châu thấy cây Bách ngay trước mắt nên nói là cây Bách. Giả sử ông thấy chim bay ngang trời thì ông sẽ nói chim bay trên trời. Quả thực là ông đề cập đến cây Bách, nhưng ông chỉ dùng nó để chỉ về Đạo. Ông tăng liền chấp vào cây Bách nên đã không thể tiến lên được Đạo ở cây Bách, Đạo cũng ở mọi vật.
(John C.H.Wu)

-Tại sao hỏi “Ý Tây sang” mà lại đáp “cây Bách trước sân” ? Câu đáp là toàn bộ Pháp, cưa không được, cắn không đứt. Có thể giải thích cho rõ ràng không ? Có thể. Cổ nhân không chịu giải thích vì cái đó đã hiện thành. Nếu biết đem Phật pháp nhân cách hóa thì không cần phải giải thích, đã không nghi thì không tái nghi. Có một câu chuyện cũ có thể giải thích công án “Cây Bách trước sân”. Đời Tống có một lần một vị quan Đề Hình đến hỏi Phật pháp với Ngũ tổ Diễn. Tổ hỏi :
-Đề Hình có đọc qua 2 câu thơ Tiểu Diễm không ?
-Là 2 câu nào ?
-Là 2 câu này :
Cô nàng gọi mãi những vô ích
Chỉ thằng tốt mã nghe ra thôi.
Thơ Tiểu Diễm là một bài thơ tình, kể chuyện có một cô tiểu thơ dắt một con a hoàn đi xem hội. Tiểu thơ liếc thấy người yêu ở gần đó bèn lớn tiếng gọi :
-Tiểu Ngọc ! Tiểu Ngọc !
-Tiểu thơ, có chuyện gì ?
Tiểu thơ không đáp. Có chuyện gì vậy ? Chả có chuyện gì cả, chỉ là tiểu thơ hy vọng tình lang nghe được tiếng và biết nàng đang ở đó. Chỉ là vậy thôi. Nếu còn chưa rõ thì xin kể thêm một chuyện nữa. Có một vị thiền sư mỗi lần giảng pháp xong, sắp xuống tòa giảng đều hỏi :
-Mọi người hiểu không ?
Mọi người đều không trả lời, chỉ rằng không hiểu . Thiền sư gõ xuống bàn cạch một tiếng. Tiếng cạch đó và cây Bách trước sân hoàn toàn giống nhau, chỉ là một loại âm thanh mà thôi.
(Canh Vân)

Có ông tăng hỏi Triệu Châu :
-Ý Tổ sư từ Tây sang là sao ?
-Cây Bách trước sân.
Nhiều ông tăng hỏi câu này nhiều lần. Triệu Châu đều lập lại câu trả lời. Một hôm một ông tăng hỏi :
-Cây Bách có Phật tánh không ?
-Có.
-Vậy cây Bách lúc nào thành Phật ?
-Đợi hư không rơi xuống đất sẽ thành Phật.
-Hư không lúc nào rơi xuống đất ?
-Lúc cây Bách thành Phật.
Câu đáp của Triệu Châu ‘Đợi hư không rơi xuống đất sẽ thành Phật “ là khẳng định cây Bách, cũng là khẳng định tự kỷ. Vấn đề này không cần truy vấn thêm vì chỉ tạo tranh luận không khế hợp với Đạo. Dưới con mắt thiền giả một cái cây, một cọng cỏ đều khẳng định sự tồn tại của nó. Thái độ trọng thiên nhiên của người xưa thực người nay khó theo kịp. Thiền giả coi chủng chủng hiện tượng của khí thế giới là một loại thần tánh tự mình khẳng định. Tuy chúng là vật vô tình nhưng có thể thuyết pháp cho hữu tình nghe, tương đối hỗ tương khẳng định sự tồn tại của nhau. Do dó, hiển hiện ra tinh thần đại từđại bi không còn khởi tâm phân biệt vô tình và hữu tình.
(Trịnh Thạch Nham)

Ân Nguyên có lần đến Hoa Viên Diệu Tâm Tự ở kinh đô, hỏi :
-Khai sơn tổ sư của quý tự có để lại ngữ lục gì không ?
-Không có ngữ lục, nhưng có để lại một câu “Chuyện cây Bách có tặc cơ”.
Ân Nguyên kinh ngạc, kính phục thiền học của Quan Sơn, hướng về tháp Quan Sơn vái lạy.
Chữ tặc trong tặc cơ, chỉ người mạnh cướp đi vật của người khác, ở đây chỉ thiền giả lấy đi vọng tưởngphiền não, khiến thiền sinh thấy được khuôn mặt xưa nay.
(Hùng Thuật Long)

Tắc Ba Mươi Tám
CON TRÂU QUA CỬA

Cử :
Ngũ tổ Diễn nói :
-Tỷ như con trâu qua cửa, đầu, sừng, 4 chân đều qua, tại sao cái đuôi lại không qua được.

Bình :
Nếu các ông mở một con mắt mà hiểu được chỗ này, hạ được một chuyển ngữ thì có thể trên báo tứ ân, dưới độ 3 cõi. Nếu chưa thì phải để ý đến cái đuôi này.

Tụng :

過 去 墮 坑 塹
Quá khứ đọa khanh tiệm
回 來 卻 被 壞
Hồi lai khước bị hoại
者 些 尾 巴 子
Giả ta vĩ ba tử
直 是 甚 奇 怪
Trực thị thậm kỳ quái.

Quá bước lọt hố
Lùi lại hại thân
Cái đuôi trâu đó
Có thấy lạ chăng ?

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 : nếu rời khỏi định, các ông sẽ rơi vào vọng tưởng.
Câu 2 : trở lại thế giới ảo vọng, các ông sẽ lạc lối.
Câu 3 và 4 : tại sao các ông không trực tiếp nắm lấy nó ?
-Câu 2 của bài kệ nhóm biên tập của Phật Quang Sơn dịch và giải thích là : khi quay đầu lại thì cửa song đã bị hủy hoại : thực ra cửa song không có thực, ám chỉ người tham đừng chấp vào vấn thoại.
-Tứ Ân : kinh Tâm địa quán chép tứ ân là : ơn cha mẹ, ơn chúng sanh, ơn vua (ngày nay là ơn đất nước), ơn thí chủ (có chỗ chép là ơn Tam Bảo)
-Ba cõi : cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc.
-Con trâu tượng trưng cho nhục thể. Đầu, sừng và 4 chân đều qua lọt là tượng trưng cho thân, khẩu, ý bị ảnh hưởng của 5 giác quan. Cái đuôi tượng trưng cho Phật tánh không bị ảnh hưởng bởi mê vọng.
(Sekida)

Tắc Ba Mươi Chín
CÂU NÓI SAI CỦA VÂN MÔN

Cử :
Một ông tăng đọc :
-Quang minh tịch chiếu biến hà sa.
Vân Môn vội hỏi :
-Đó chẳng phải là lời tú tài Trương Chuyết sao ?
-Dạ phải .
-Nói sai rồi !
Về sau Tử Tâm nhắc lại chuyện trên, hỏi :
-Thử hỏi ông tăng ấy nói sai ở chỗ nào ?

Bình :
Ông tăng nói sai ở chỗ nào ? Nếu các ông hiểu được chỗ này thì hiểu được dụng ý cô nguy của Vân Môn, các ông có thể làm thầy của trời người, còn chưa thì tự cứu mình cũng chẳng xong.

Tụng :

急 流 垂 釣
Cấp lưu thùy điếu
貪 餌 者 著
Tham nhĩ giả trước
口 縫 才 開
Khẩu phùng tài khai
性 命 喪 卻
Tính mạng tang khước.

Thả câu nước xiết
Mắc họa tham mồi
Mồm vừa mới hé
Tánh mạng đi đời.

Chú Thích :
-Cô nguy : chỉ thủ đoạn tiếp cơ khiến người ta không dễ đề phòng.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : dù thả câu ở chỗ nước chẩy xiết, nhưng cá tham mồi vẫn bị mắc câu.
Câu 3 và 4 : khi cá mở mồm ra để đớp mồi thì đã mất mạng. Ở đây ám chỉ ông tăng mở miệng để trả lời là đánh mất đi tuệ mạng Phật tánh vì ông ta chỉ nhớ đến lời của tú tài Trương Chuyết mà quên đi lời của chính mình.
-Công án này chính là chuyện của các ông. Một cần câu được thả trước mặt các ông, nếu các ông tham lam các ông sẽ bị bắt giữ. Các ông không phải chỉ bị rù quyến bởi ngoại vật mà còn bởi dục vọng của chính các ông. Tự do thực sự chỉ có khi nào tâm các ông thoát khỏi dục vọng, ngoài các ông ra thì chả có ai để đổ tội cả.
(Sekida)

Tắc Bốn Mươi
ĐÁ ĐỔ TỊNH BÌNH

Cử :
Quy Sơn mới đầu ở nơi Bách trượng, giữ chức Điển Tọa. Bách Trượng sắp chọn người trụ trì núi Đại Quy bèn mời sư và Thủ Tọa đối đáp trước đại chúng, ai trúng cách sẽ được đi. Bách Trượng để tịnh bình trên đất, hỏi :
-Không được gọi là tịnh bình, các ông gọi là gì ?
Thủ Tọa bèn đáp :
-Không thể gọi là khúc gỗ.
Bách Trượng bèn hỏi Sơn, Sơn đạp đổ tịnh bình, đi ra.
Bách Trượng cười :
-Thủ Tọa thua mất quả núi rồi.
Do đó, phái Sơn đi khai sơn.

Bình :
Quy Sơn đã một phen dũng mãnh cũng không nhẩy ra khỏi vòng của Bách Trượng. Kiểm điểm lại, ông lựa nặng hơn nhẹ. Vì sao vậy ? Thoát được bưng mâm thì lại phải đeo gông sắt.

Tụng :

颺 下 笊 籬 並 木 杓
Dương hạ trảo ly tịnh mộc thược
當 陽 一 突 絕 周 遮
Đương dương nhất đột tuyệt châu già
百 丈 重 關 攔 不 住
Bách Trượng trùng quan lan bất trụ
腳 尖 趯 出 佛 如 厤
Cước tiêm dược xuất Phật như ma.

Ném bỏ rổ tre và môi gỗ
Đột phá phân minh không người ngăn
Bách Trượng trùng quan chẳng giữ được
Từ chân dõng xuất Phật vô vàn.

Chú Thích :
Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Quy Sơn ném bỏ những dụng dụ trong nhà bếp như rổ tre, môi gỗ.
Câu 3 : không ai ngăn cản được Quy Sơn dù là Bách Trương.
Câu 4 : Từ dưới chân núi sau này sẽ có nhiều người theo học.
-Thủ Tọa còn chấp vào bình, nên câu đáp của ông còn dính dáng vào nó, trong khi Quy Sơn đã vượt lên trên câu hỏi. Ở bản thể giới làm gì có danh tướng nên gọi là bình hay không bình cũng đều sai.
(Thánh Tham)

-Thủ Tọa còn chấp vào tịnh bình và cố nói về nó, trong khi Quy Sơn đã vượt lên câu hỏi. Cố trả lời câu hỏi một cách trí thức là lối tiếp cận hoàn toàn sai lầm. Các câu hỏi của đời sống phải được trả lời bằng cá tánh của người đó chứ không phải bằng những gì ông ta học được.
(Kubose)

-Bách Trượng lấy tịnh bình làm đề mục để tuyển chọn người trụ trì tại núi Đại Quy. Ở đây tịnh bình tượng trưng cho tự tánh. Với nguyên tắc không xúc phạm, không trái ngược. Nếu nói ra được một câu cho thấy kiến địa của mình thì sẽ được Bách Trượng ấn khả. Câu trả lời của Thủ Tọa :
-Không thể gọi là khúc gỗ.
Để trả lời câu hỏi của Bách Trượng : “Không được gọi là tịnh bình “ không có đường ra. Quy Sơn bước ra đạp đổ tịnh bình là siêu việt lưỡng biên (vượt lên gọi nó là tịnh bình, hay không gọi là tịnh bình)
-Thương Phương Ích : Quy Sơn giống như một dõng binh vượt qua những trở ngại trước doanh trại, một mình một đao đột nhập tướng soái và đoạt lấy kim ấn, đắc thắng trở về.
-Cổ Mai : biểu hiện của Quy Sơn như trên ngựa đoạt thương trong cuộc thi, tỏ hết bản lãnh, như 1 mũi tên đoạt giang san, từ đó pháp duyên hưng thạnh.
(Dương Tân Anh)

Tắc Bốn Mươi Mốt
ĐẠT MA AN TÂM

Cử :
Đạt Ma diện bích, nhị tổ đứng dưới trời tuyết, chặt tay thưa :
-Tâm đệ tử chưa an, xin thầy an cho.
-Đem tâm ra đây, tôi sẽ an cho ông.
-Con không tìm được tâm.
-Tôi đã an tâm cho ông rồi đó.

Bình :
Lão Hồ móm răng vượt mười ngàn hải lý mà đến, có thể bảo là không có gió mà dậy sóng. Sau cùng tiếp được một người không đủ sáu căn. Than ôi Tạ tam lang không đọc nổi chữ tứ.

Tụng :

西 來 直 指
Tây lai trực chỉ
事 因 囑 起
Sự nhân chúc khởi
鐃 聒 叢 林
Nạo quát tùng lâm
原 來 是 你
Nguyên lai thị nễ.

Tây sang chỉ thẳng
Bịa đặt tâm tông
Tùng lâm náo loạn
Chính là tại ông.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : ý tổ sư từ Tây sang là chỉ thẳng tâm người kiến tánh thành Phật dẫn từ điển Phật ở núi Linh Thứu phó chúc cho Ca Diếp.
Câu 3 và 4 : làm loạn thiền lâm là do ở nơi ông.
-Huệ Khả không tìm thấy tâm ở đâu nên mới có chỗ vào, cuối cùng hoát nhiên đại ngộPhiền não của chúng ta vốn là không. Tội nghiệp vốn cũng không có tự tánhThức tâm tịch diệt rồi thì hết vọng tưởng, động niệm tức là chánh giác, tức là Phật đạoNếu có thể giữ cho tâm không loạn thì Phật tánh sẽ hiển hiện .
(Tinh Vân)

-Đạt Ma là tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ tới Trung Hoa và trở thành sơ tổ của Thiền tông Trung Hoa. Ông ngồi diện bích 9 năm. Nhị tổ Huệ Khả đến hỏi tinh túy của Thiền tông hay con đường Đạo. Huệ Khả là một học giả, tâm chẳng an. Ông biết tất cả về thế giới nhưng chẳng biết gì về chính ông. Bổ Đề Đạt Ma không thèm để ý đến Huệ Khả mặc dù Huệ Khả đứng suốt ngày đêm trong trời Đông tuyết giá. Tuyệt vọng Huệ Khả chặt đứt cánh tay cúng dường cho Đạt Ma. Thấy Huệ Khả thành tâmcuối cùng Đạt Ma mới ngó tới Huệ KhảHuệ Khả xin an tâmĐạt Ma bằng lòng nếu Huệ Khả có thể đưa tâm ra. Nhưng Huệ Khả không thể tìm thấy tâm. Những phiền não đều do chúng ta tự tạo. Hãy nhìn vào trong, thực không có phiền não. Tâm đã được an rồi.
(Kubose)

Tắc Bốn Mươi Hai
THIẾU NỮ XUẤT ĐỊNH

Cử :
Văn Thù đến nơi chư Phật tụ họp để nghe Thế Tôn giảng pháp. Đến nơi thì chư Phật đã trở về quốc độ của các Ngài rồi, chỉ còn một thiếu nữ, ngồi gần bên Phật tiến nhập vào cảnh giới tam muộiVăn Thù bạch Phật :
-Thiếu nữ này là người thế nào mà có thể ngồi gần Phật tọa mà con thì lại không làm được ?
-Ông hãy đưa cô ta ra khỏi tam muội mà hỏi.
Văn Thù nhiễu quanh thiếu nữ 3 vòng, khẩy tay một cái, nâng cô lên trời Phạm Thiên, dùng hết thần lực mà cũng không lay tỉnh được cô.
-Giả như có 10 ngàn Văn Thù cũng không làm cho thiếu nữ này xuất định được. Ở dưới đây quá 12 ức hà sa quốc thổ có Võng Minh bồ tát có thể làm cho cô ta xuất định.
Ngay đó Võng Minh đại sĩ từ dưới đất vọt lên lễ PhậtPhật bảo Võng Minh đến bên thiếu nữ búng tay, cô gái liền ra khỏi định.

Bình :
Ông già Thích Ca dựng lên vở tạp kịch này không phải là chuyện nhỏ. Thử hỏi các ông Văn Thù là thầy 7 vị Phật mà không làm cho cô gái xuất định được, trong khi Võng Minh là bồ tát sơ địa lại làm được. Nếu hiểu được chỗ này thì nghiệp thức mang mang ma già đại định.

Tụng :

出 得 出 不 得
Xuất đắc xuất bất đắc
渠 儂 得 自 由
Cừ nùng đắc tự do
神 頭 並 鬼 面
Thần đầu tịnh quỷ diện
敗 闕 當 風 流
Bại khuyết đương phong lưu.

Lay được hay không được
Hai người vẫn tự do
Mang đầu thần, mặt quỷ
Cũng chỉ là diễn trò.

Chú Thích :
-Đại sĩ : chữ cổ để dịch từ Bồ tát
-Sơ địa Bồ Tát ; Bồ Tát có 10 địa, đây là địa thứ nhất, lãnh ngộ ngã pháp đều không.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : dù ông có lay tỉnh được thiếu nữ hay không, ông và cô ấy đều tự dotự tại.
Câu 3 và 4 : Văn Thù và Võng Minh đều hý lộng quỷ thần, nhưng thực tế đã bại lộ trò diễn kịch.
-Thiếu nữ chỉ tâm. Phật tọa chỉ tâm điểm của Định. Văn Thù còn chấp tướng nam nữ. Theo ý kiến lúc đó người nữ có 5 chướng thành ra không thành Phật được. Đó là không kiên cố, không thanh tịnh, không dũng cảm, không từ bi, không trí huệPhật bảo Văn Thù gọi thiếu nữ xuất định mà hỏi là bảo tự mình phản chiếuVăn Thù đi quanh thiếu nữ 3 vòng là tỏ ý đã thông đạt tam thế, biến tam độc thành tam đức, búng tay ám chỉ bỏ uế trược, giữ thanh tịnh. Nhưng muốn giác người thì trước hết mình phải tự giác đã. 12 ức chỉ 12 nhân duyên. Võng Minh là phần sâu thẳm của tâm, không ai có thể làm thiếu nữ ra khỏi đại định được, trừ phi là chính cô ta.
(Thánh Tham)

-Văn Thù tượng trưng cho Trí Huệ, tại sao lại không vào được đại định như thiếu nữ ? Và tại sao lại không thể lay tỉnh cô để hỏi ? Mục đích của thiền là vuợt qua mọi nhị nguyên để trở thành vô ngãVô ngã giống như một cái chai đổ đầy nước, đóng nút chai lại dù tung lên hay hạ xuống, lắc qua lắc lại cũng không có một tiếng động nào. Nhưng nếu chai chỉ đổ đầy một nửa thì khi lắc sẽ có tiếng nước. Dĩ nhiên khi chai không thì cũng không có tiếng, có nước. Thiền định nếu chỉ ngồi yên thì giống như cái chai không, không chứa nước. Thiền định chân chánh giống như cái chai có đầy nước. Thiếu nữ trong công án đã đạt tới vô ngã. Ngay cả Văn Thù cũng không lay tỉnh cô được, tại sao Võng Minh là sơ địa bồ tát lại làm được ? Ngay cả bậc đại trí thức khi chấp vào Trí Huệ sẽ trở thành nạn nhân của Trí Huệ. Ngay cả thiện hạnh nếu chúng ta chấp vào nó thì nó sẽ trở thành ác hạnh. Vô chấp là con đường Đạo vậy.
(Kubose)

Trời Phạm Thiên : cảnh trời không còn dục vọng.
Na Gia có 3 nghĩa : 1.Rồng, 2. Voi, 3.Bất lai. Chỉ Phật hoặc A La Hán, có lực lượng rất lớn như rồng trong nước, như voi trên đất. Câu nói của Vô Môn có nghĩa là nếu các ông hiểu được tại sao Bồ Tát Võng Minh đánh thức được cô gái mà Văn Thù lại không làm được thì các ông có thể vào đại định dù đang sống trong thế giới ảo vọng.

Tắc Bốn Mươi Ba
TRÚC BỀ CỦA THỦ SƠN

Cử :
Hòa thượng Thủ Sơn giơ trúc bề lên bảo đại chúng :
-Các ông nếu gọi nó là trúc bề thì là xúc phạm, không gọi nó là trúc bề thì là trái ngược. Thử hỏi các ông gọi là gì ?

Bình :
Gọi là trúc bề thì xúc phạm, không gọi là trúc bề thì trái ngược. Không thể dùng lời, không thể không lời. Nói mau ! Nói mau !

Tụng :

拈 起 竹 篦
Niêm khởi trúc bề
行 殺 活 令
Hành sát hoạt lịnh
背 觸 交 馳
Bối xúc giao trì
佛 祖 乞 命
Phật tổ khất mạng.

Giơ lên gậy trúc
Là lệnh giết tha
Vượt lên bối xúc
Phật tổ xin tha.

Chú Thích :
-Thủ Sơn : Thủ Sơn Tĩnh Niệm (926-993), học trò Phong Huyệt, sinh dưới trào Tống, người Hà Nam, Nhữ Châu.
-Trúc bề : gậy trúc dài chừng 1 thước, 5 tấc.

-Xúc là xúc phạm, sản sinh xúc giác. Có xúc giác là có người xúc (chủ thể) và vật để xúc (đối tượng) là có đối lập trái với chủ trương của Thiền.
Bối là bối vi, là ngược lại, thí dụ trúc bề không gọi là trúc bề thì mới là trúc bề. Lý này hợp với Thiền nhưng phù hợp với thực tế.
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : giơ gậy trúc lên là dậy các thiền sinh phải từ bỏ mọi chấp trước.
Câu 3 và 4 : vượt lên được xúc, bối là giác ngộ.
-Nếu thiền sinh gọi nó là gậy trúc, ông sẽ chấp vào tên gọi, nếu ông không gọi nó là gậy trúc ông đã làm ngơ hiện thực. Ông không thể khẳng định hay phủ định. Chỉ khi nào ông vào thẳng tâm điểm của sự nghịch lý thì ông mới giác ngộ. Thủ Sơn hỏi :
-Là cái gì đây ?
-Chỉ là vậy !
Đừng nói về nó mà hãy chứng nghiệm.
(Kubose)

-Gậy trúc chỉ tự tánh. Thủ Sơn giơ gậy trúc lên là mượn vật nói pháp. Cử động này cũng giống như Thế Tôn giơ cành hoa lên là cùng một thiền phong, nhưng khác ở chỗ là Thế Tôn không dùng lời. Câu nói của Thủ Sơn là để khảo nghiệm người học hoặc ấn khả (tha) hoặc phủ định (giết). Không xúc phạm cũng không trái ngược chỉ người kiến tánh mới làm được.
-Chiếu Đường Nhất nói giơ gậy trúc lên là để khảo nghiệm người học, là thiền sư biểu hiện chuyện giết, tha. Trong cảnh giới tuyệt đối không thể dùng lời, giống như núi đồng, vách sắt không thể dùng chùy nện. Nếu bị đánh một gậy vào lưng có thể nói ra một câu về tự tánh mà không trái với pháp lệnh. Xúc phạm hay trái ngược thì tự tánh sẽ chiếu rọi khắp sơn hà đại địa.
-Tiếu Ông Kham nói : Thủ Sơn giơ gậy trúc lên thử học nhân nói xúc phạm, nói trái ngược làm cho đầu óc của người học bị hồ đồ, bị dính cứng vào câu nói, chỉ người ngộ tự tánh là không bị thôi.
(Dương Tân Anh)

Tắc Bốn Mươi Bốn
CÂY GẬY CỦA BA TIÊU

Cử :
Hòa thượng Ba Tiêu bảo đại chúng :
-Nếu các ông có gậy, tôi sẽ cho các ông gậy, nếu các ông không có gậy, tôi sẽ đoạt gậy của các ông.

Bình :
Gậy giúp đỡ khi cầu gẫy để đi qua lạch, là bạn khi đi trên đường làng không trăng. Nếu gọi là cây gậy thì các ông sẽ vào địa ngục nhanh như tên bắn.

Tụng :

諸 方 深 與 淺
Chư phương thâm dữ thiển
都 在 掌 握 中
Đô tại chưởng ác trung
橕 天 並 拄 地
Sanh thiên tịnh trụ địa
隋 處 振 宗 風
Tùy xứ chấn tông phong.

Bốn phương sâu và cạn
Đều tại bàn tay thôi
Đầu đội trời đạp đất
Tông phong vang khắp nơi.

Chú Thích :
-Ba Tiêu : Ba Tiêu Huệ Thanh thiền sư, học trò Nam Tháp Dõng thiền sư, người Đại Hàn.

-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : tâm lý của thiền giả nông hay sâu tôi đều rõ.
Câu 3 và 4 : vì có bản lãnh nên có thể chấn hưng Thiền tông.
-Cây gậy chỉ sự giác ngộ, nếu các ông đã ngộ tôi sẽ giúp các ông bảo nhiệm ngộ cảnh và tu đến toàn giác. Khi đã được toàn giác (không gậy) thì phải quên sự toàn giác đó đi (tôi sẽ đoạt đi) không để lại vết tích gì.
(Sekida)
-Các ông tăng dùng gậy là xuất xứ từ Ấn Độ. Khi một ông tăng ra ngoài, ông dùng gậy để xua đuổi rắn rết, các thú vật, để lượng định mực nước nông sâu khi đi ngang qua suối. Đừng bị rối trí bởi lời nói, phải vượt lên trên không và có. Công án này cố chỉ dẫn thiền sinh tới chỗ mà họ có thể nắm lấy cây gậy đích thực.
(Kubose)

-Cây gậy tượng trưng cho tự tánhBa Tiêu ám chỉ tự tánh khác với các thiền sư khác. Câu nói của ông không thể dùng ý để hiểu mà phải dùng thiền pháp xuất thế. Khi các ông kiến tánh thì tự tánh có thể sinh ra vạn pháp, do đó các ông là giầu có. Nếu chưa kiến tánh thì như gã cùng tử trong áo có châu báu mà không biết. Kiến tánh thì có tất cả, không kiến tánh thì chả có gì cả.
Khi các ông kiến tánh (không có gậy), Ba Tiêu không thể cho các ông thêm cái gì. Khi các ông chưa kiến tánh (có gậy), Ba Tiêu cũng không thể đoạt đi cái gì của các ông.
-Đại ý bài kệ : thiền giả đã kiến tánh rồi, tự biết mình biết người, đối với người học các nơi sâu nông đều biết rõ, sát hoạt tự tạiKiến tánh là mục đích của thiền giả, có thể tự đương đầu, nâng cao tông phong .
-Thiên Đồng Giác nói : Có cũng tốt, không cũng tốt, đều do người học tự mình làm chủ, có liên quan gì đến Ba Tiêu ? Nghe câu nói của Ba Tiêu các ông hãy tham chính các ông có gậy hay không (Kiến tánh)
(Dương Tân Anh)

Tắc Bốn Mươi Lăm
HẮN LÀ AI ?

Cử :
Đông Sơn Diễn bảo :
-Thích Ca, Di Lặc còn là nô tài của hắn. Thử hỏi hắn là ai ?

Bình :
Nếu các ông thấy được hắn thì như gập bố ở ngã tư đường. Chẳng cần phải hỏi ai là phải hay không phải bố mình.

Tụng :

他 弓 莫 挽
Tha cung mạc vãn
他 馬 莫 騎
Tha mã mạc kỵ
他 非 莫 辯
Tha phi mạc biện
他 事 莫 知
Tha sự mạc tri.

Chớ dương cung người
Chớ cưỡi ngựa người
Người sai mặc kệ
Người đúng kệ người.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Từ câu 1 đến câu 4 : toàn là chuyện của người, mặc kệ họ hãy lo chuyện của mình, tự chứng tự ngộ.
-Hắn trong công án này không phải là hắn tương đối như trong hắn và tôi, mà là hắn tuyệt đối. Hắn là thầy của Đức Phật lịch sử Cồ Đàm và Phật Di Lặc tương lai. Hắn là thầy của chư Phật, là tinh túy của mọi đời sống. Hắn là Đức Phật lý tưởng A Di Đà. Tìm hắn là tìm nguồn gốc của các ông. Giác ngộ nghĩa là phát hiện ra hắn. Khi một người phát hiện hắn ở nơi mình thì sẽ thấy hắn ở mọi chúng sinh
(Kubose)

-Tự tánh nếu rơi vào trí giải liền biến thành đối tượng của thức tâmĐặc điểm của Thiền tông là chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng. Do đó, nếu dùng trí giải thì không phù hợp với chẳng lập văn tự. Hướng cư sĩ đã từng nói :
-Lấy không tên làm tên do đó sanh thị phi, lấy không lý làm lý do đó khởi tranh luận.
(Bồ Đề Học Xã)

-Thiền tông chỉ luận kiến tánhTự tánh là nguyên nhân thứ nhất từ đó sanh ra vạn pháp. Chư Phật quá khứvị lai đều do kiến tánh mà thành Phật. Phật không phải là nguyên nhân thứ nhất, do đó Ngũ tổ Diễn mới nói : Thích CaDi Lặc đều là nô tài của hắn. Nô tài là không thể làm chủ, có thể làm chủ là tự tánh.
-Thử hỏi hắn là ai ?
Đây là câu hỏi của Pháp Diễn dùng để khảo nghiệm người học. Người học nếu biết hắn là ai liền biểu thị biết có tự tánh nhưng không thể thẳng thắn trả lời :
-Hắn là tự tánh.
Bởi vì tự tánh vốn vô danh. Nếu lập danh thì đã có năng (chủ thể), sở (đối tượng) đối đãi, không phải là tự tánh tuyệt đối nữa. Lúc trước Thần Hội nói :
-Là gốc của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.
Liền bị Lục tổ trách mắng :
-Tương lai ông chỉ là tông đồ trí giải.
Thiền tông chỉ trọng hành giải, không trọng trí giải.
-Đại ý bài kệ : hãy để ý nhìn dưới chân ông, đừng quan tâm đến chuyện thiên hạ, toàn tâm toàn ý lo việc kiến tánh.
-Bình Dương Mân nói : Đông Sơn Diễn lấy hoa quả của thường trú mà dùng riêng. Thiên Đồng thì không vậy. Đối với câu hỏi Thích CaDi Lặc còn là nô tài của hắn, hắn là ai ? liền lớn tiếng hô : 
-Đại chúng, hôm nay là ngày tiểu cận 29 mời đại chúng đi uống trà.
Hoa quả của Thường trú là đồ ăn chung của đại chúng tỷ dụ tự tánh ai ai cũng có, ai mà chả biết nhưng Pháp Diễn nói như là chỉ có mình biết, còn Thiên Đồng thì không vậy, chí công vô tư mời mọi người uống trà ăn trái, tỷ dụ bảo cho mọi người biết họ đều có tự tánh .
(Duong Tân Anh)

 

Tắc Bốn Mươi Sáu
ĐẦU GẬY BƯỚC THÊM

Cử :
Hòa thượng Thạch Sương bảo :
-Leo đến đầu gậy 100 thước, làm sao leo thêm ?
Lại có cổ đức nói :
百 尺 竿 頭 坐 底 人
Bách xích can đầu tọa để nhân
雖 然 得 入 未 為 真
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chân
百 尺 竿 頭 須 進 步
Bách xích can đầu tu tiến bộ
十 方 世 界 現 全 身
Thập phương thế giới hiện toàn thân.

Gậy đầu nghìn thước chẳng lung lay
Dù đã lên đây, chưa thật đây
Chót gậy nghìn tầm còn bước nữa
Mười phương thế giới thiệt thân này.
(Tuệ Sĩ dịch)

Bình :
Nếu ông có thể bước thêm bước nữa, ông có thể chuyển thân thì ngại gì chỗ nào chả làm thầy được ? Tuy là thế, thử hỏi đã lên đến đầu gậy rồi làm sao leo lên nữa, hả ?

Tụng :

瞎 卻 頂 門 眼
Hạt khước đỉnh môn nhãn
錯 認 定 盤 星
Thác nhận định bàn tinh
拚 身 能 捨 命
Phiên thân năng xả mạng
一 肓 引 眾 肓
Nhất manh dẫn chúng manh.

Mắt trên trán bị tật
Nên nhìn lầm định tinh
Liều thân bỏ tính mạng
Một mù dẫn chúng manh.

Chú Thích :
Cổ đức ở đây là chỉ Trường Sa Cảnh Sầm. Bất cứ người nào cố gắng cũng có thể leo tới chót sào trăm trượng, nhưng leo xa hơn thì theo lý không thể nào làm được. Thiền sinh phải làm sao ? Thiền sinh có thể hiểu ngộ là gì, nhưng biết ngộ là gì không phải là Thiền. Thiền là đời sống và đời sống thì vượt lên lý luận, nếu thiền sinh không để cả đời vào đó thì sẽ không bao giờ đạt được. Dùng lửa thử vàng, muốn bắt cọp con thì phải vào hang cọp. Leo lên chót gậy là giác ngộ, chưa đủ phải đi xa hơn (mười phương), phải sống giác ngộTa bà là Niết BànNiết Bàn là Ta Bà.
(Kubose)

Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : người chưa có thiền nhãn sẽ có những nhận thức sai lầm.
Câu 3 và 4 : dù có tinh thần xả thân táng mạng, cũng chỉ làm khổ người sau ví như một người mù dẫn đường cho một bọn mù.

Thạch Sương Sở Viên (986-1039) người Kim Châu Thanh Tương (Hiệp Tây, An Khang) là đệ tử của Phần Dương Thiện Chiếu. Ông họ Lý, 22 tuổi xuất gia, theo Thiện Chiếu học tập 7 năm. Về sau trú ở Đàm Châu (Hồ Nam, Trường Sa), đệ tử nổi danh có Hoàng Long và Dương Kỳ.

 

Tắc Bốn Mươi Bẩy
ĐÂU SUẤT BA CỬA

Cử :
Hòa thượng Đâu Suất Duyệt dựng 3 cửa để chất vấn người học :
-Vạch cỏ tham huyền chỉ mong thấy tánh. Ngay chính lúc này tánh ông ở đâu ?
Thấy được tự tánh thì mới thoát vòng sanh tử, khi ông nhắm mắt, làm sao thoát.
Thoát vòng sanh tử thì biết được chỗ về. Khi bốn đại phân ly, ông sẽ đi đâu ?

Bình :
Nếu các ông có thể hạ được 3 chuyển ngữ thì ở các nơi, các ông đều có thể làm chủ, gập duyên là tông. Còn chưa thì đồ ăn đơn giản cũng làm no, nhai kỹ thì không đói.

Tụng :

一 念 普 觀 無 量 劫
Nhất niệm phổ quán vô lượng kiếp
無 量 劫 事 即 如 今
Vô lượng kiếp sự tức như kim
如 今 覷 破 個 一 念
Như kim thứ phá cá nhất niệm
覷 破 如 今 覷 底 人
Thứ phá như kim thứ để nhân.

Một niệm coi như vô lượng kiếp
Vô lượng kiếp chỉ là lúc này
Lúc này nếu phá được niệm ấy
Thì con người đó ngộ ngay thôi.

Chú Thích :

-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : Vô lượng kiếp là một niệm lúc này.
Câu 3 và 4 : phá được niệm này thì giác ngộ.
-Công án này đặt câu hỏi về bản chất của Thiền : cái gì là tự tánh của ông ? Ông phải làm sao mới được tự do ? Và ông đang ở đâu ? Những câu hỏi này cũng là những câu hỏi cơ bản về đời sống. Nếu một người muốn sống một đời sống có ý nghĩaan bình và hạnh phúc thì người đó phải tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi trên. Thiền không tách rời khỏi sinh hoạt hàng ngày. Thiền dạy chúng ta sống bằng cách tìm ra chân ngã. Học Thiền là tìm chân ngã : tôi là ai ?
(Kubose)

Đâu Suất Duyệt (1044-1091) đệ tử của Chân Tĩnh Khắc Văn.

 

Tắc Bốn Mươi Tám
MỘT ĐƯỜNG CỦA CÀN PHONG

Cử :
Một ông tăng hỏi Càn Phong :
-Thập phương Bạc Già Phạm chỉ cần một đường Niết Bàn, không biết đường bắt đầu ở đâu ?
Phong giơ gậy lên vạch một vạch :
-Ở đây.
Sau có ông tăng đem hỏi Vân Môn. Môn giơ quạt lên :
-Cây quạt này vọt lên tầng trời 33 chạm vào lỗ mũi Đế Thích, lại đánh vào con cá chép ở biển Đông, trời mưa như trút nước.

Bình :
Một người đi dưới đáy bể sâu, bụi tung mù mịt. Một người đứng trên đỉnh núi cao, sóng bạc ngất trời, một người nắm chặt, một người buông lơi. Mỗi người đều dang tay giúp đỡ tông thừa, giống như 2 kỵ sĩ bắt đầu từ 2 phía đối nghịch, gập nhau ở giữa đường, trên đời này không có ai rõ lẽ ấy. Lấy chánh nhãn mà xem thì cả 2 lão đều chẳng biết đầu đường ở đâu .

Tụng :

未 舉 步 時 先 已 到
Vị cử bộ thời tiên dĩ đáo
未 動 舌 時 先 說 了
Vị động thiệt thời tiên thuyết liễu
直 燒 著 著 在 機 先
Trực thiêu trước trước tại cơ tiên
更 須 知 有 向 上 竅
Cánh tu tri hữu hướng thượng khiếu.

Chân chưa bước thì đã tới nơi
Môi chưa hé lời đã xong rồi
Dù mọi việc đều đi đến trước
Vẫn còn đường khác để mà noi.

Chú Thích :
-Giải thích bài kệ :
Câu 1 và 2 : khen ngợi thủ đoạn ứng cơ của 2 vị thiền sư Càn Phong và Vân Môn.
Câu 3 và 4 : không nên chấp vào cơ ngữ của 2 lão thiền sư này.
-Càn Phong thuộc dòng Thiền Tào Động. Ông tăng đặt câu hỏi còn chấp vào chữ nghĩa kinh điểnCử chỉ của Càn Phong hàm ý :
-Đạo ở ngay đây, trước mắt ông, việc gì phải tìm kiếm đâu đâu
Câu nói của Vân Môn chỉ cảnh giới vô ngã.
(Thánh Tham)

-Câu trả lời của Càn Phong và Vân Môn trong công án này không được thỏa đáng. Câu hỏi của ông tăng là : Đường giác ngộ dẫn khắp nơi, nhưng bắt đầu ở đâu ? Càn Phong vạch một vạch trong không, còn Vân Môn kể câu chuyện về cái quạt. Tại sao họ không nói con đường ở khắp nơi, ngay đây, ông đang đứng ở đầu đường dẫn đến Niết Bàn. Hãy là chính mình, đừng để ý đến kẻ khác, chính ngay dưới chân ông,chính là ông.
(Kubose)

Bạc Già Phạm : một trong 10 danh hiệu của Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]