Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

54. Phẩm “Đoạn Phân Biệt” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

12/07/202009:25(Xem: 10804)
54. Phẩm “Đoạn Phân Biệt” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 Phẩm Đoạn Phân Biệt_photo

 

PHẨM “ĐOẠN PHÂN BIỆT”

Phần sau quyển 335 đến hết quyển 336, Hội thứ I, ĐBN.

(Phẩm “Tùy H” quyển thứ 21, MHBNBLM có đề cập tới “phân biệt và vô phân biệt”, nhưng phẩm "Tùy H"này không phải là 1 phẩm dành riêng nói về phân biệt như Kinh ĐBN)



 

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Tất cả tác ý đều tự tánh ly, tự tánh không. Các pháp cũng thế, đều tự tánh ly, tự tánh không. Trong tự tánh ly, tự tánh không, hoặc đại Bồ Tát, hoặc Bát nhã Ba la mật, hoặc Nhất thiết trí trí, hoặc các tác ý đều chẳng khá được. Làm sao đại Bồ Tát chẳng ly tác ý tương ưng Bát nhã Ba la mật, chẳng ly tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí?

Phật nói: Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát biết tất cả pháp và các tác ý đều tự tánh ly, tự tánh không; ly - không như thế chẳng phải Thanh văn làm, chẳng phải Độc giác làm, chẳng phải các Bồ Tát làm, chẳng phải chư Phật làm, cũng chẳng phải ai khác làm. Nhưng tất cả pháp: Chơn như, pháp tánh, pháp giới, pháp trụ, pháp định, thật tế… là pháp tự nhiên(1) đều như vậy. Đại Bồ Tát này chẳng ly tác ý tương ưng Bát nhã Ba la mật, lại cũng chẳng ly tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí. Vì sao? Thiện Hiện! Vì Bát nhã Ba la mật thẳm sâu, Nhất thiết trí trí cùng các tác ý đều tự tánh ly, tự tánh không vậy. Cái ly, cái không như thế không tăng, không giảm. Có khả năng thông đạt đúng đắn như thế, thì gọi là không ly, không lìa vậy.

Khi ấy cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu Bát nhã Ba la mật thẳm sâu cũng tự tánh ly, tự tánh vốn không, làm sao đại Bồ Tát chứng Bát nhã Ba la mật tánh bình đẳng rồi mới chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật bảo: Thiện Hiện! Chẳng phải tất cả Phật pháp có tăng có giảm mà Bồ Tát khi tu mới chứng được tánh bình đẳng Bát Nhã; cũng chẳng phải tất cả pháp: Pháp trụ, pháp định, pháp tánh, pháp giới, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, chơn như, thật tế có tăng có giảm. Vì sao? Vì Bát Nhã chẳng phải một, chẳng phải hai, chẳng phải ba, chẳng phải bốn, cũng chẳng phải nhiều. Nếu đại Bồ Tát nghe nói Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế, tâm họ không kinh, không sợ, không hãi, chẳng chìm, chẳng đắm cũng chẳng do dự, thì nên biết đại Bồ Tát ấy tu hành Bát Nhã được rốt ráo, an trụ bậc Bất thối chuyển của Bồ Tát. (Q.335, ĐBN)

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Có phải tự tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không, chẳng phải có của Bát Nhã mà có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Thế Tôn bảo: Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không, chẳng phải thật có của Bát Nhã mà có pháp có thể đắc, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự Bát Nhã có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa Bát Nhã có thể hành Bát nhã Ba la mật sâu xa chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự tánh không có thể hành không chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tánh không có thể hành không chăng?

- Không! Thiện Hiện!

Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự sắc, có thể hành Bát Nhã chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa sắc, có thể hành Bát Nhã chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự mười hai xứ, mười tám giới có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa mười hai xứ, mười tám giới có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự tất cả pháp Phật có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tất cả pháp Phật có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

Cụ thọ Thiện Hiên lại hỏi tiếp:

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của sắc, có thể hành Bát Nhã chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của sắc, có thể hành Bát Nhã chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của 12 xứ, 18 giới cho đến tất cả pháp Phật, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không chẳng phải có của 12 xứ, 18 giới có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì của sắc, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của sắc, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của thọ, tưởng, hành, thức, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của 12 xứ, 18 giới có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của 12 xứ, 18 giới có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải tự chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho đến cảnh giới bất tư nghì của tất cả pháp Phật, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Có phải lìa chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… cho cảnh giới bất tư nghì của tất cả pháp Phật, có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

- Không! Thiện Hiện!

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các pháp như thế, đều chẳng thể hành Bát Nhã thì tại sao đại Bồ Tát có thể hành Bát nhã Ba la mật?

Phật bảo Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy pháp nào có thể hành Bát nhã Ba la mật chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy Bát nhã Ba la mật là sở hành của đại Bồ Tát chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Pháp mà ông chẳng thấy là pháp có thể đạt được chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Pháp chẳng thể đạt được có sanh diệt chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không!

Phật bảo Thiện Hiện: Thật tánh của các pháp như ông đã thấy tức là vô sanh pháp nhẫn(2) của đại Bồ Tát. Nếu đại Bồ Tát thành tựu vô sanh pháp nhẫn như thế thì liền được Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thọ ký Bất thối chuyển đối với quả vị Giác ngô tối cao.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát nhờ đạt tánh vô sanh của tất cả pháp mà được Phật thọ ký Bất thối chuyển chăng?

Phật dạy: Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát nhờ tánh sanh của tất cả pháp mà được Phật thọ ký Bất thối chuyển chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát nhờ tánh sanh, vô sanh của tất cả pháp mà được Phật thọ ký Bất thối chuyển chăng?

- Không! Thiện Hiện!

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát nhờ tánh phi sanh, phi vô sanh của tất cả pháp mà được Phật thọ ký Bất thối chuyển chăng?

- Không! Thiện Hiện!

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao đại Bồ Tát được Phật thọ ký Bất thối chuyển?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Ông có thấy pháp nào được Phật thọ ký Bất thối chuyển chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Thế Tôn! Không! Con chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký Bất thối chuyển, cũng chẳng thấy pháp nào đối với quả vị Giác ngộ tối cao của Phật có năng chứng, sở chứng, thời chứng và do đây mà chứng, tất cả đều chẳng thể nắm bắt được.

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói.

 

Thích nghĩa:

(1). Pháp tự nhiên: Kinh MHBNBLMĐ gọi là Pháp nhĩ hay còn gọi là Pháp nhiên, Tự nhiên, Thiên nhiên, Tự nhĩ, Tự nhiên pháp nhĩ... chỉ cho trạng thái tự nhiên, thiên nhiên của các pháp (muôn vật), không bị biến đổi dưới bất k sự tạo tác nào. Tức chỉ cho tướng trạng của sự vật xưa nay vốn như thế. Cứ theo Hoa nghiêm Kinh Thám huyền kí quyển 3, thì nghĩa Pháp nhĩ có thể nhận xét về 2 phương diện: 1- Nhận xét về sự tồn tại của tất cả các pháp: Hết thảy các pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành, dù nước chảy xuống thấp, lửa bốc lên cao, đều là việc tự nhiên như thế. 2- Nhận xét theo lý chân như của các pháp: Các pháp vốn tùy duyên mà sinh khởi, tính của các pháp xưa nay vốn bình đẳng thường nhiên. Theo luận Du già sư địa quyển 88, thì Pháp nhĩ là đạo lý thứ tư trong 4 đạo lý, là đạo lý tự nhiên biểu trưng cái tướng vốn như thế của mỗi sự vật, như tính của lửa vốn nóng, tính của nước vốn ướt... Tịnh độ chân tông của Nhật bản cho rằng nhờ nguyện lực của đức Phật A di đà mà tự nhiên được vãng sinh Cực lạc, gọi là Pháp nhĩ vãng sinh. Pháp nhĩ trong trường hợp này có nghĩa là tự nhiên và tha lực. (xt. Tự Nhiên Pháp Nhĩ) - Phật Quang từ điển.

(2). Vô sanh pháp nhẫn: Vì thấu hiểu các pháp không sanh, không diệt tức thấu hiểu thật tướng các pháp thì không còn lo rầu, phiền muộn trước mọi cảnh huống, nên đối người đối vật không sanh lòng hờn giận, oán ghét mà được vô sanh pháp nhẫn. Thích nghĩa rồi, chỉ nhắc lại cho nhớ!

 

Lược giải:

 

Mấu chốt của phẩm này là chẳng phải tất cả Phật pháp có tăng có giảm mà Bồ Tát lúc tu mới chứng được tánh bình đẳng Bát Nhã. Chẳng phải do hay lìa tánh chẳng chắc thật, tánh chẳng tự tại, rỗng không của Bát Nhã mà Bồ Tát có thể hành Bát Nhã. Chẳng phải do sắc như hay lìa sắc như mà có thể hành Bát Nhã, chẳng phải do hay lìa thọ tưởng hành thức như mà có thể hành Bát nhã Ba la mật. Nói rộng ra, chẳng phải do hay lìa tất cả pháp như mà có thể hành Bát nhã Ba la mật.

Tất cả pháp chẳng thể hành, chẳng thể chứng, chẳng sanh chẳng diệt tức là vô sanh pháp nhẫn của đại Bồ Tát. Nếu đại Bồ Tát thành tựu vô sanh pháp nhẫn như thế thì liền được Phật thọ ký bất thối chuyển. Nên biết, Bồ Tát chẳng phải nhờ tánh sanh, tánh vô sanh hay tánh phi sanh, phi vô sanh mà được thọ ký. Rốt ráo, chẳng thấy có pháp nào được Phật thọ ký bất thối chuyển, cũng chẳng thấy pháp nào đối với quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật có năng chứng, s chứng, thời chứng và do đây mà chứng, vì tất cả đều chẳng thể nắm bắt được. Các đại Bồ Tát tu hành thậm thâm Bát Nhã, không có phân biệt như thế thì mau chứng đắc. Nhưng, chứng hay chẳng chứng rốt ráo cũng vô phân biệt. Vì sao? Vì Bát Nhã là vô phân biệt.

Điều này có nghĩa: “Bồ Tát tu hành Bát Nhã nếu không phân biệt các pháp thì sẽ không thấy có sở hành sở chứng”, nhưng vẫn hành vẫn chứng, vẫn hoàn thành sự nghiệp. Kinh nói “như người thợ, vì có sự nghiệp phải làm nên thầy trò tạo ra người gỗ hoặc voi, ngựa, trâu, dê gỗ. Các hình gỗ đó cũng làm được việc mà vô phân biệt”.(1)

Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 597, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật bảo Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh:

“Vì tất cả điên đảo đều do hành, do có hành nên có cùng khởi. Sự hành, cùng khởi đều do điên đảo hư dối phân biệt. Bồ Tát đối với pháp hành đều không phân biệt, cũng không cùng khởi, nên gọi là xa lìa điên đảo. Do không điên đảo nên không có sở hành. Do không có sở hành thì không có sở khởi. Nên nói Bồ Tát hành không chỗ hành. Không chỗ hành ấy nghĩa là đối với các pháp hoàn toàn không có chỗ hành, cũng không quán xét, cũng không thị hiện có tướng hành. Cho nên nói Bồ Tát hành không chỗ hành. Nếu có thể hành được không chỗ hành mà hành như thế là hành Bát nhã Ba la mật”.

Có phân biệt là có chấp, vì chấp nên sanh tạo tác, tức hành có thương ghét, trọng khinh... Đó là hành trong điên đảo. Bồ Tát biết rằng thế gian là thiên sai vạn biệt, nhưng Bồ Tát không phân biệt nên không chấp, do công năng vô chấp đó mà đối với tất cả pháp đều được vô ngại. Kinh nói: Như kẻ được các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác biến hóa, dù hành bố thí Ba la mật cho đến Bát nhã Ba la mật mà đối quả kia chẳng thọ chẳng trụ, chỉ vì muốn hữu tình được Niết bàn. Như vậy, cho đến dù hành Nhất thiết chủng trí mà đối quả kia chẳng thọ chẳng trụ, chỉ vì muốn hữu tình nhập Niết bàn. Các Bồ Tát cũng lại như thế, khi hành sâu Bát nhã Ba la mật đối tất cả pháp thiện hoặc phi thiện, hoặc hữu ký hoặc vô ký, hoặc hữu lậu hoặc vô lậu, hoặc thế gian hoặc xuất thế gian, hoặc hữu vi hoặc vô vi đều không chấp trước, cũng không bị ngại. Vì sao? Vì khéo đạt các pháp như thật tướng vậy”.(2)

Nhưng thật tướng tất cả pháp là Không, là Tánh không. Trong Tánh Không không có tánh tướng, nên “Phân Biệt Kinh”(3) nói:

“Này các tỳ kheo! Nói đến Tánh Không là không có gì cả, không vọng tưởng, không sanh không diệt, xa lìa mọi sự thấy biết. Tại sao? Vì Tánh Không không có nơi chốn, không có sắc tướng, không có tư tưởng, vốn không sanh, chẳng phải sự thấy biết có thể thấu được. Xa lìa mọi đắm chấp, nên thâu nhiếp được tất cả pháp, trú ở sự thấy biết bình đẳng, là sự thấy biết chơn thật. Các ông nên biết, Tánh Không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đó gọi là Pháp Ấn.

Lại nữa, các Tỳ kheo, Pháp ấn này là cửa ngõ của ba pháp giải thoát, là căn bản của chư Phật, là con mắt của chư Phật, là nơi chư Phật đạt đến. Vậy nên các ông nghe cho kỹ, ghi nhận cho đúng, như sự thật mà suy nghĩ quán sát.

Lại nữa, Tỳ kheo các ông! Nếu có người nào tu hành, nên đi vào chốn núi rừng, hoặc ở dưới gốc cây hay ở các nơi vắng vẻ yên tĩnh, đúng như sự thật quán sát: Sắc là khổ, là không, là vô thường, nên sanh tâm nhàm chán xa lìa; như vậy quán sát về Thọ, Tưởng, Hành, Thức là khổ, là không, là vô thường nên sanh tâm nhàm chán xa lìa. Trú ở sự thấy biết bình đẳng.

Này các Tỳ kheo! Các uẩn vốn không, chỉ do tâm phát sanh. Khi tâm diệt thì các uẩn không còn tác động. Biết đúng như vậy, tức là chánh giải thoát. Khi được chánh giải thoát, xa lìa mọi sự thấy biết, thì gọi là cửa Giải thoát không.

Lại nữa, trú trong chánh định quán sát các sắc cảnh, tất cả đều tiêu diệt, xa lìa mọi nghĩ tưởng. Như vậy, thanh, hương, vị, xúc, pháp cũng đều tiêu diệt, xa lìa mọi nghĩ tưởng. Quán sát như vậy gọi là cửa Giải thoát vô tướng. Vào được cửa Giải thoát này tức thấy được sự thanh tịnh. Do sự thấy biết thanh tịnh đó, dứt trừ được tất cả tham sân si. Tham sân si đã dứt trừ, trú ở sự thấy biết bình đẳng, trú ở sự thấy biết bình đẳng rồi, tức xa lìa được cái thấy ta và vật sở hữu của ta. Thấu rõ được mọi sự thấy biết không nơi sanh khởi, cũng không nơi nương tựa.

Lại nữa, khi xa lìa được cái thấy ta rồi, tức không còn thấy, không còn hay, không còn biết. Tại sao thế? Vì có nhơn duyên cho nên mới sanh thức, tức nhơn duyên kia cùng với thức được phát sanh đều là vô thường. Vì là vô thường nên thức không có thật thể. Thức uẩn đã không, không có tạo tác, thì gọi là cửa Giải thoát vô tác. Vào được cửa Giải thoát này, tức biết được pháp cứu cánh, không còn đắm chấp các pháp và chứng được pháp tịch diệt”.

Rốt cuộc rồi tất cả pháp Phật cũng dẫn đến kết luận: Chấm dứt sự sanh diệt của cảm quan và thức vọng phân biệt thì chứng được cái thấy biết bình đẳng. Đạt được cái thấy biết bình đẳng thì tâm được thanh tịnh. Đó là chỗ rốt ráo của tu hành. Muốn được như vậy thì không nên phân biệt, không phân biệt khác mới có thể mở được cửa không, vô tướng, vô tác mà qua bờ kia.

Phân biệt kinh là một đoạn kinh nói về pháp môn tam tam ma địa hay nhất. Ngắn gọn mà Phật luôn luôn tán tụng trong toàn thể ĐBN. Đó là pháp ấn mầu nhiệm của chư Phật. Cố gắng chú ý học hỏi pháp môn giải thoát này.

 

Kết luận:

 

Phật bảo Bồ Tát Thiện Dũng Mãnh: Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu có phân biệt thời phân biệt khác. Nếu đối chỗ này không có phân biệt, thời đối chỗ ấy không phân biệt khác. Tất cả phân biệt và phân biệt khác đều do phàm phu ngu si tạo ra và tư tưởng của họ cũng đều do phân biệt và phân biệt khác phát sanh. Vậy nên, Bồ Tát chẳng khởi phân biệt, không phân biệt khác. 

Này Thiện Dũng Mãnh! Nói phân biệt ấy là bên thứ nhất, phân biệt khác ấy là bên thứ hai. Nếu đối chỗ này chẳng khởi phân biệt, không phân biệt khác, thời đối chỗ ấy xa lìa hai bên, cũng không có giữa.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu bảo có giữa cũng là phân biệt, phân biệt giữa ấy cũng gọi có bên. Nếu đối chỗ này có phân biệt, thời đối chỗ đây có phân biệt khác. Do nhân duyên đây không có nghĩa là dứt phân biệt, phân biệt khác. Nếu đối chỗ này không phân biệt, thời đối chỗ đấy không phân biệt khác. Do nhân duyên đây mới dứt phân biệt, phân biệt khác.

Này Thiện Dũng Mãnh! Đoạn trừ phân biệt nghĩa là trong đó hoàn toàn không có gì để đoạn trừ cả. Vì sao? Này Thiện Dũng Mãnh! Vì sức phân biệt, phân biệt khác là vô sở hữu, hư vọng nên phát sanh điên đảo; vì nó tịch tĩnh nên điên đảo cũng không có; vì điên đảo cũng không nên hoàn toàn không có chỗ đoạn trừ.

Này Thiện Dũng Mãnh! Vì không có sự đoạn trừ nên mới hiển bày ý niệm về khổ đoạn. Nghĩa là trong đó không có một chút khổ nào để đoạn trừ nên gọi là khổ đoạn.

Nếu tự tánh của khổ mà có một chút chân thật thì mới có thể nói là đoạn trừ. Nhưng tự tánh của khổ không có chút gì là chân thật nên không có chỗ để đoạn trừ.

Nếu chỉ thấy khổ thì không thể gọi là khổ đoạn, nghĩa là biết rõ cái khổ hoàn toàn không có một chút phần tự tánh nào có thể bị, nên gọi là khổ đoạn.

Nếu mọi người đối với khổ mà hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác thì gọi là khổ tịch tĩnh, tức là làm cho khổ không còn có ý nghĩa phát sanh nữa.

Này Thiện Dũng Mãnh! Nếu các Bồ Tát thấy như vậy thì đối với các pháp không khởi phân biệt và không phân biệt khác. Này Thiện Dũng Mãnh! Đó gọi là Bồ Tát biết rõ tánh phân biệt và phân biệt khác mà tu hành Bát nhã Ba la mật”.(4)

Đây là chỗ tột cùng của Bát Nhã: Không có phân biệt cũng không có phân biệt khác, đoạn trừ phân biệt mà cũng không có gì để đoạn trừ (vì phân biệt chỉ do tưởng, tự mình tạo ra); cho đến khổ mà hoàn toàn không phân biệt và phân biệt khác thì gọi là khổ tịch tĩnh, tức là làm cho khổ không còn có ý nghĩa phát sanh nữa, như vậy khổ tự đoạn. Vậy, đoạn mà không có gì để đoạn, khiển cũng không có gì khiển. Đoạn hay khiển cũng là động niệm mà động niệm cần xa lìa thì tâm mới được an nhiên tịch lặng. Bát Nhã là như vậy. Một giáo pháp nghịch đời nhưng cứ theo những chỉ dẫn đó rồi sẽ được an tịnh trong muôn vàn số kiếp.

Tổ Tăng Xán mở đầu bài tụng “Tín Tâm Minh” với câu nói trứ danh “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch”:

 

Chí đạo chẳng khó.

Cốt đừng chọn lựa!

 

Câu chuyện sau đây chứng tỏ phân biệt là cái ghê tởn của cuộc đời thường:

Có cô gái của một gia đình nọ xin Bố mẹ cho nuôi một con chó nhỏ để làm bạn vì cô đi học xa, xa gia đình cảm thấy lẻ loi. Sau vài năm cô gái tốt nghiệp cử nhân và chuyển sang học chuyên khoa ở phương xa, không thể tiếp tục chăm sóc con chó tên Bella được nữa. Vì vậy, cô để nó lại nhờ Bố mẹ chăn sóc.

Con Bella càng lớn càng lười biếng, ăn rồi ngủ, không chịu chạy nhảy nô đùa như trước nữa. Ông Bố mới theo ý kiến của những người chuyên môn khuyên: Nuôi chó phải nuôi hai con để nó làm bạn nô đùa với nhau. Rồi ba bố con đưa nhau đến một trung tâm nuôi chó vô thừa nhận (Shelter). Ông Bố có ý kiến là nên nhận một con chó đẹp, lành lặn. Ba bố con mới đi một vòng quan sát. Cậu con trai thấy một con chó nhỏ giống chuhuahua, rất vui vẻ, quẫy đuôi chạy loanh quanh ba bố con như có ý muốn nói: “Hãy nhận con đi, tội nghiệp!” Nó bị tật hai chân sau, không ai thừa nhận, nên mới bị bỏ rơi tại trung tâm này khá lâu.

Người bố bảo “Nó bị tật, không nên lấy”. Ba bố con nhận một con chó khác, khỏe mạnh và đẹp hơn. Trên đường đi về, cậu con trai mới nói với bố: “Con thích con chó chuhuahua”. Ông bố mới bảo: “Nó bị tật mà lấy làm gì thêm khổ?” Đứa con trai mới nói với bố: “Nếu không ai nhận người ta sẽ cho nó ngủ (chít thuốc cho chết), con thấy nó vui v, có sao đâu?”

Câu chuyện xảy ra như vậy tưởng chẳng có gì trầm trọng lắm.

Trải qua một thời gian dài, ông bố học đạo mới hối tiếc, buồn rầu và tự trách “cái nghiệp này có thể đưa mình đến trầm luân không biết bao nhiêu kiếp”. Vì sao? Vì phân biệt đẹp với xấu, toàn vẹn với khuyết tật. Cái so đo, chọn lựa giữa các pháp đối trị làm mất đại bi tâm. Đó là hậu quả tất nhiên của cuộc đời thường: Có chọn lựa là có được có mất, có điên đảo! Con người chỉ thích đẹp, thích trọn vẹn; còn cái xấu, khuyết tật bỏ cho ai? Thiếu đạo đức, không công bằng là ở chỗ đó! Nên Phật bảo: “Bất tùy phân biệt là giải thoát”.

Người Bố cứ mỗi lần nhắc đến chuyện này, đều không tránh nổi đau buồn, thở dài!

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Phẩm “Tùy Hỉ” quyển thứ 21, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, La Thập dịch.

(2). Phẩm “Nhiều Đức Tướng” quyển 471, Đại Bát Nhã .

(3). Pháp ấn Kinh, Đại tạng Tích Sa quyển 514 dịch theo bản chữ Hán của Thí Hộ, dịch giả Thích thiện Trì.

(4). Phần “Bát Nhã Ba La Mật” Q.599, Hội thứ XVI, ĐBN./.

 

---o0o---

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]