Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

33. Phẩm “Hủy Báng Bát Nhã” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

03/07/202016:33(Xem: 10011)
33. Phẩm “Hủy Báng Bát Nhã” (Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu, Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên, Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le)

 

37-Pham Huy Bang Bat Nha

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 

 

PHẨM “ HỦY BÁNG BÁT NHÔ
hay PHẨM “CHÊ BÁT NHÔ

Phần cuối quyển 181, Hội thứ I, Kinh ĐBN.

(Tức phần đầu quyển thứ 13, phẩm “Tín Hủy”, KinhMHBNBLM)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Thiện Duyên

Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le



 

 

Tóm lược:

 

(1. Thấy Bát Nhã tức thấy Phật)

 

Lúc bấy giờ, cụ thọ Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát đối với Bát nhã Ba la mật thậm thâm này có khả năng tin hiểu thì vị ấy đã xả thân ở cõi nào mà sanh vào cõi này? Đại Bồ Tát ấy phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao đã trải qua bao lâu? Đại Bồ Tát ấy đã từng thân cận cúng dường bao nhiêu đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác? Đại Bồ Tát ấy tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật đã trải qua bao nhiêu kiếp? Đại Bồ Tát ấy tin hiểu nghĩa của Bát nhã Ba la mật thậm thâm ấy như thế nào?

Phật bảo: Nếu đại Bồ Tát đối với Bát nhã Ba la mật thậm thâm nầy có khả năng tin hiểu thời vị ấy đã xả thân từ trong pháp hội của vô số, vô lượng, vô biên Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở mười phương thế giới mà sanh vào cõi này. Đại Bồ Tát ấy đã phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao đã trải qua vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn vô số kiếp. Đại Bồ Tát ấy đã từng thân cận cúng dường vô số, vô lượng, vô biên chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chẳng thể nghĩ bàn, chẳng thể so lường. Đại Bồ Tát ấy từ sơ phát tâm thường siêng tu tập bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật, đã trải qua vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn vô số kiếp.

Nếu đại Bồ Tát thấy Bát Nhã này, thì liền nghĩ là ta được thấy Phật; nghe Bát nhã Ba la mật này thì liền nghĩ là ta được nghe Phật nói.

Vì Đại Bồ Tát ấy phải dùng vô tướng, vô nhị, vô sở đắc làm phương tiện, nên có khả năng tin hiểu nghĩa thú sâu xa của Bát nhã Ba la mật này.

 

(2. Các pháp vốn trì độn vô tri)

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật thậm thâm có ai có thể nghe, có thể thấy chăng?

Phật bảo: Bát nhã Ba la mật thật không có người có thể nghe, không có người có thể thấy. Bát nhã Ba la mật như thế cũng chẳng phải là cái để nghe, để thấy. Sắc không nghe không thấy, vì là pháp trì độn(1); thọ, tưởng, hành, thức không nghe không thấy, vì là pháp trì độn. Tất cả pháp từ mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… đến quả vị Giác ngộ tối cao không nghe không thấy. Này Thiện Hiện! Tất cả pháp không nghe không thấy, vì tất cả pháp trì độn.

 

(3. Tu Bát Nhã phải lấy vô sở đắc làm phương tiện)

 

Nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể thọ trì Bát nhã Ba la mật. Chỉ có ai dùng vô sở đắc làm phương tiện, mặc dù chỉ là sơ phát tâm cũng có khả năng tu học Bát nhã Ba la mật, vì những kẻ ấy không xa lìa hạnh tương ưng lục Ba la mật; không xa lìa Phật, Pháp, Tăng; chẳng xa lìa thần thông thù thắng, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật.

Đối với những ai lấy hữu sở đắc làm phương tiện, bám chặc ngũ uẩn, tự cao khinh chê kẻ khác, lại nhiều sân hận, ác tâm… bị các tà ma mê hoặc trở nên ngu si, nên đối với pháp thậm thâm chẳng tin hiểu, đâm ra hủy báng chánh pháp. Những kẻ như thế không thể thọ trì Bát nhã Ba la mật mà trái lại bị rơi vào ác đạo, chịu đựng biết bao khổ não!

 

(4. Hủy bán Bát Nhã tức hủy bán Phật)

 

Đối với việc nghe nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm này, thân, ngữ và tâm đều chẳng hòa hợp, tăng trưởng thêm ngu si, ác tuệ, nên khi nghe nói Bát nhã Ba la mật thậm thâm như thế, liền hủy báng, vứt bỏ. Nên biết, nếu có người hủy báng Bát Nhã tức là hủy báng quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật. Nếu hủy báng quả vị Giác ngộ của chư Phật tức là hủy báng Nhất thiết tướng trí của chư Phật trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Nếu hủy báng Nhất thiết tướng trí tức là hủy báng Phật. Nếu hủy báng Phật tức là hủy báng Pháp. Nếu hủy báng Pháp tức là hủy báng Tăng. Nếu hủy báng Tăng thì sẽ hủy báng chánh kiến thế gian. Nếu hủy báng chánh kiến thế gian thì sẽ hủy báng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã… cũng sẽ hủy báng tất cả thiện pháp. Người ấy do hủy báng, làm chướng ngại, nên tạo tác tăng trưởng, sẽ chiêu cảm nghiệp thiếu chánh pháp. Vì vậy, khi chết mới bị đọa vào địa ngục lớn, lãnh chịu khổ dữ dội hàng trăm ngàn năm chẳng được giải thoát. Do tội nặng ấy nên trong thế giới này, họ bị đọa từ hết địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác.

Đến khi thế giới này bị kiếp thủy, hỏa, phong khởi lên, do ác nghiệp nặng nề của họ vẫn chưa hết, nên sau khi qua đời lại thọ sanh ở thế giới khác, tiếp tục bị đọa vào địa ngục lớn giống như trước để chịu khổ cực suốt trăm ngàn năm. Vì người kia tội nặng nên ở thế giới phương khác vẫn bị lưu đày hết địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, cho đến khi kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong xảy đến nữa.

Cứ luân hồi như vậy vô số kiếp cho đến khi năng lực của nghiệp tội hủy báng Chánh pháp yếu dần đi, vừa được ra khỏi địa ngục lại đọa làm loài bàng sanh(hay súc sanh, súc vật). Xoay chuyển như trước, hết cõi này đến phương khác, nhiều kiếp luân hồi chịu nhiều thứ khổ.

Khi năng lực của nghiệp tội hủy báng Chánh pháp yếu dần, họ mới thoát khỏi loài bàng sanh, nhưng lại đọa vào loài quỷ, hết cõi nầy đến phương khác, xoay chuyển luân hồi trải qua vô số kiếp chịu đủ mọi thống khổ.

Cuối cùng khi thế lực của nghiệp hủy báng Chánh pháp sắp hết, họ mới ra khỏi quỷ giới, được sanh vào cõi người. Tuy được làm người nhưng lại bị rơi vào chỗ hạ tiện như người mù bẩm sanh, hoặc như Chiên đà la, hoặc nhà khiêng thây chết, hoặc đánh cá, săn bắn, hoặc làm lao công, hoặc mua vui cho kẻ khác, hoặc hành tà kiến, hoặc thọ thân người không có mắt, không có tai, không có mũi, không có lưỡi, không có chân, ung thư, ghẻ lở, phong cùi, điên khùng, lưng gù, vai lệch, đen đủi, lùn xấu, tay co, chân khèo, các căn khiếm khuyết, bần cùng khốn khổ, bướng bỉnh không biết gì; phàm làm việc gì đều bị người khinh chê; hoặc tại chỗ sanh ra chẳng nghe danh hiệu Phật, Pháp, Tăng, danh hiệu Bồ Tát, Độc giác; hoặc sanh vào thế giới tối tăm, thường không có ngày đêm, chẳng thấy ánh sáng; vì kẻ ấy do hủy báng các công đức nên phải nhận chịu vô số, vô lượng, vô biên tội lỗi, nên phải nhận chịu các đại địa ngục, bàng sanh, quỷ giới và vô số, vô lượng, vô biên thống khổ trong loài người.

 

Thích nghĩa:

(1). Trì độn: Từ này rất khó dịch, HT Thích Trí Nghiêm dịch là “lụt chậm”, từ lụt chậm không diễn tả hết ý nghĩa của từ “trì độn”. Anh ngữ gọi là dull, như dao gọi là “lụt”; nếu diễn tả cá tính thì gọi là cá tánh “nhạt phèo”. Ở đây có thể tạm dịch là “trơ trơ”, hay “trơ lì”. Các pháp tự nó không chậm không lụt; không khôn không dại…, nó như vậy bởi vì nó như vậy, nên nói: Nó “trơ lì ra đó”, ai muốn hiểu sao, nói gì cũng được, nên có thể gọi là trì độn, vô tri! TB

 

Lược giải:

 

Đây là một phẩm khó chiết giải. Khó không phải do các giáo pháp mắc mỏ không thể giảng nói, mà khó là vì các giáo pháp khác nhau lại được đúc kết trong cùng một phẩm. Như:

1. Nói về Bồ Tát chết từ đâu lại hiện thân ở cõi này? Kinh nói nói Bồ Tát hoặc ở cõi khác hoặc ở cõi trời Đâu suất hoặc ở cõi này thác sanh trởi lại cõi này;

2. Bát nhã Ba la mật thật không có người nghe, không có người thấy. Vì các pháp vốn trì độn vô tri, lìa tướng nên chẳng có ai nghe ai thấy và

3. Tu Bát Nhã phải lấy vô sở đắc làm phương tiện, mới có hy vọng thành đạt Bát Nhã.

Phẩm này đã sơ lược 3 đề mục trên rồi, đọc qua ai cũng có thể hiểu, nên không cần giải thích thêm. Chúng ta sẽ có rất nhiều dịp thảo luận các đề mục này trong 4 Hội kế tiếp. Bây giờ, chúng ta bàn đến mục bốn là mục chính của phẩm này: Thế nào là tội hủy bán Bát Nhã và tội này bị trừng phạt ra sao?

4. Hủy bán Bát Nhã tức hủy bán Phật. Đây là ý chánh cũa phẩm này giống như các phẩm “Địa Ngục” của các Hội khác.

Quyển 544, phẩm “Địa Ngục”, Hội thứ IV, TBBN. Phật bảo:

“Thiện Hiện nên biết! Nếu hủy báng Bát nhã Ba la mật thậm thâm, thì đó là hủy báng Vô thượng Bồ đề. Nếu hủy báng Vô thượng Bồ đề, thì đó là hủy báng Nhất thiết trí trí. Nếu hủy báng Nhất thiết trí trí, thì đó là hủy báng Phật, Pháp, Tăng bảo. Nếu có hủy báng Phật, Pháp, Tăng bảo, thì nhận lấy vô biên tội lỗi. Nếu đã nhận lấy vô biên tội lỗi liền chuốc lấy vô biên khổ báo”.

Điều đó có nghĩa: Trong lúc hiện tiền vì thiếu hiểu biết, ôm nhiều sân hận, ác tâm, khinh mạn, lại theo bọn ác tri thức quay lại chống đối Chánh pháp, đả kích Đại thừa, hủy báng Bát nhã Ba la mật, nên tạo nghiệp quá nặng. Vì vậy, khi chết mới bị đọa vào địa ngục lớn, lãnh chịu các khổ dữ dội hàng trăm ngàn năm chẳng được giải thoát. Do tội nặng ấy nên trong thế giới này, đả kích Đại thừa, hủy báng Bát Nhã bị đọa từ hết địa ngục lớn này sang địa ngục lớn khác.

Đến khi thế giới này bị kiếp thủy, hỏa, phong khởi lên, do ác nghiệp nặng của bọn ấy chưa hết, nên sau khi qua đời thọ sanh ở thế giới khác, tiếp tục bị đọa vào địa ngục lớn giống như trước để chịu khổ cực suốt trăm ngàn năm. Vì bọn kia tội nặng nên ở thế giới phương khác vẫn bị lưu đày hết địa ngục lớn này đến địa ngục lớn khác, cho đến khi kiếp hỏa, kiếp thủy, kiếp phong xảy đến nữa.

Cứ luân hồi như vậy vô số kiếp cho đến khi năng lực của nghiệp tội hủy báng Chánh pháp yếu dần, vừa được ra khỏi địa ngục lại đọa làm loài bàng sanh. Xoay chuyển như trước, hết cõi này đến phương khác, nhiều kiếp luân hồi chịu các thứ khổ.

Khi năng lực của nghiệp tội hủy báng Chánh pháp yếu dần, bọn ấy mới thoát khỏi loài bàng sanh, nhưng lại đọa vào loài quỷ, hết cõi này đến phương khác, xoay chuyển luân hồi trải qua vô số kiếp chịu đủ mọi thống khổ.

Cuối cùng khi thế lực của nghiệp hủy báng Chánh pháp sắp hết, họ mới ra khỏi quỷ giới, được sanh vào cõi người. Tuy được làm người nhưng thuộc hàng hạ tiện: Mù điếc, câm ngọng, nghèo cùng, xấu xí, ngu muội… bị người đời khinh chê. Dù sanh đến chỗ nào cũng khổ nhiều vui ít, không được nghe đến danh hiệu Phật, Pháp, Tăng. Vì sao? Vì ác nghiệp phỉ báng Tam bảo nên phải chuốc lấy đủ loại quả khổ như vậy.

 

Kết kuận:

 

Ở cõi Diêm phù đề này nếu bị nghiệp vô gián sẽ thác sinh địa ngục A tỳ, chịu biết bao hình phạt khủng khiếp, không bao giờ gián đoạn. Nhưng so với tội chống Chánh pháp, đả kích Đại thừa và hủy báng Bát nhã Ba la mật thì chẳng thấm thía gì. Người mang tội hủy báng bị đọa hết đại địa ngục này sang đại địa ngục khác, từ thế giới này sang thế giới khác, cho đến khi tội nghiệp mỏng dần mới được sanh vào cõi súc sinh, ngạ quỷ, cuối cùng mới được sanh vào cõi người… nhưng phải làm người hạ tiện, năm căn khiếm khuyết, ngu si, đần độn… bị mọi người khinh chê hủy nhục như đã nói trên.

Tội hủy báng hay khinh chê Bát Nhã như thế còn hơn 5 tội vô gián. Biết như thế nên tránh “vạ miệng” để khỏi bị lưu đày ghê gớm như đã nói trên. Phải tự mình răn đe và cũng phải vì người khác mà khuyên bảo./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]