Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những chiếc lá Bàng ngày ấy

28/06/202013:17(Xem: 8957)
Những chiếc lá Bàng ngày ấy
La bang

Những chiếc lá Bàng ngày ấy


Bài viết của HT Thích Như Điển
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước



Hội An là một thành phố cổ hơn 400 năm lịch sử; nằm cạnh kề Đà Nẵng và mấy năm trước đây Hội An đã được liệt vào Di sản văn hóa thế giới của Liên Hiệp Quốc. Trên toàn nước Việt Nam chúng ta có 4 di sản văn hóa như thế. Đó là Vịnh Hạ Long ngoài Bắc, cung đình Huế triều Nguyễn ở miền Trung và đặc biệt Quảng Nam có hai nơi được cái vinh dự ấy. Đó là Mỹ Sơn, kinh đô cũ của Chiêm Thành nằm gần Trà Kiệu và phố cổ Hội An.
 
Vì sao Hội An được cái vinh dự ấy? Chẳng phải vì cảnh trí Hội An đẹp hơn những nơi khác, hay Hội An có được những nét đặc biệt nào đan thanh hơn? Hội An có lối kiến trúc đặc biệt pha trộn giữa 3 nền văn hóa. Đó là Hoa, Nhật và Việt. Ngoài ra Hội An đánh dấu một thời của chúa Nguyễn Đàng Trong thực hiện chính sách mở cửa đón tiếp các tàu buôn ngoại quốc từ đầu thế kỷ 17 (1600-1640), thịnh hành hơn ở Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh cai trị. Hội An được tán dương ca tụng; vì Hội An đã đi vào lịch sử. Từ ngày ấy người Nhựt, người Hoa, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Hòa Lan đã đến đây buôn bán trao đổi với những thương thuyền của người Ấn Độ, người Việt v.v… nên Hội An đã sầm uất hơn cả Đà Nẵng một thời.

Vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh (1640) có rất nhiều người Hoa không chấp nhận nhà Thanh, nên đã chạy sang Việt Nam chúng ta tỵ nạn và họ đã chọn Hội An làm chính, thay vì Hà Nội ở Đàng Ngoài hay Quy Nhơn, Hà Tiên ở Đàng Trong. Đến đây họ đã lập nên chùa chiền và các bang tộc của Ngũ Bang; nên mới có chùa ông Bổn, chùa Ngũ Bang, chùa Phước Kiến v.v… Đặc biệt họ gọi làng họ là làng Minh Hương. Chữ Hương đây có nghĩa là họ đang mang đến đây cái hương thơm của triều nhà Minh vốn họ đã yêu quí lâu đời, mà nay họ không còn cận kề được nữa. Mãi đến đời Minh Mạng vào đầu thế kỷ thứ 19, chữ Hương mới đổi thành chữ Hương có nghĩa là làng của người nhà Minh.

Cũng như thế đó, sau năm 1975 đã có hơn 2 triệu người Việt ra đi khỏi đất nước Việt Nam để định cư tại Hoa Kỳ và ngoại quốc. Tại quận Cam ở California họ đã dựng nên Little Sài Gòn để nhớ lại quê hương một thuở xa xưa mà họ đã sinh sống, phụng sự; nhưng nay vì hoàn cảnh phải xa nước, nhớ nhà, nên họ đã lấy tên một thành phố như thế.

Đứng về phương diện chính trị thuở bấy giờ phải nói rằng, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã khá vững vàng nên mới dám thâu nhận những người tỵ nạn Trung Hoa như thế; trong khi đó chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lại không có chính sách này. Phải chăng vì quá gần Trung Quốc, hay vua Lê chúa Trịnh còn khiếp đảm thiên triều; nhất là triều nhà Thanh mới lên ngôi và lật đổ triều nhà Minh; nên không dám chiêu hiền đãi sĩ.

Hội An hay đúng hơn là làng Thanh Chiêm nằm gần đó, cũng là nơi lịch sử đã ghi dấu nơi lưu trú đầu tiên của những Giám Mục người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến đây cùng với các thương thuyền để truyền đạo, chính họ là những người đã sáng chế ra chữ quốc ngữ ngày nay chúng ta đang dùng, chứ không phải là Giám Mục Bá Đa Lộc như lâu nay vẫn thường hay nghe và học được. Như vậy Hội An quả là một nơi chốn quan trọng.

Hội An cũng là nơi chôn vùi mối tình vương giả của những Vương tôn Nhật Bản với các công nương của chúa Nguyễn. Nên chùa Cầu hay chùa Nhựt Bổn cũng là nơi đã ghi lại dấu chân của người viễn xứ (lai viễn kiều) từ đó cho đến nay cũng đã hơn 400 năm rồi.

Cuối thế kỷ thứ 17 (1695) chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhờ Ngài Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán và thỉnh Đại Tạng Kinh cùng mời Hội đồng Thập sư để đến Kinh đô Phú Xuân truyền giới. Do vậy mà Ngài Minh Hải, Minh Lượng, Minh Hoằng đã cùng những vị khác đã đến đây và sau khi truyền giới tại Huế cũng như Hội An xong rồi, ba Ngài ấy ở lại đây để hoằng hóa đạo mầu. Ngài Minh Hoằng Tử Dung có ảnh hưởng lớn tại Huế, Ngài Minh Hải Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam và ảnh hưởng trải dài cho đến miền Nam và ra tận hải ngoại ngày nay. Ngài Minh Lượng Thành Đẳng là Thầy của Tổ Phật Ý và vị Tổ này vốn là Tổ của Phật Giáo miền Nam và chùa Vạn Đức hay chùa Cây Cau ở Hội An lại do Ngài Minh Lượng khai sơn.

Tổ Liễu Quán đắc pháp với Tổ Minh Hoằng Tử Dung thì Tổ Thiệt Dinh - Ân Triêm là Tổ đắc pháp với Ngài Minh Hải Pháp Bảo, thuộc đời thứ hai của Tông Lâm Tế Chúc Thánh, là một vị Thiền Tăng đạo cao đức trọng, cũng thuần chủng là Việt Nam. Ngài này đã khai sơn chùa Phước Lâm tại Hội An vào đầu thế kỷ 17. Chùa này nằm giữa chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức. Cách kiến trúc 3 chùa đều giống nhau. Nghĩa là từ ngoài đi vào có cổng Tam Quan, vườn Thiền. Phía trái có miễu Bà. Ở trước là bình phong, hồ nước và hòn non bộ. Hai bên là Đông Đường và Tây Đường. Mặt tiền có sân rộng, sau đó là tiền đường và chánh điện. Rồi Liêu Đông, Liêu Tây, nhà Trù, giếng nước. Cuối cùng là Tổ Đường. Cách kiến trúc này giống hệt như cách kiến trúc của các chùa tại Trung Quốc.

Năm 1964 là năm Giáp Thìn. Miền Trung Việt Nam bị lụt lớn, có nơi nước lên đến tận 3 hay 4 thước. Người và trâu bò chết ngổn ngang. Chúng tôi vào thăm chùa Tỉnh Hội ngày ấy (nay là Pháp Bảo) nước cũng đã ngập tận cả lầu trên. Thế là nhóm học Tăng của chúng tôi khuân gạo bị ngập nước về Phước Lâm và Chúc Thánh để phơi cho khô. Nhưng ngặt nỗi gạo đã thấm nước rồi thì nó bốc lên mùi hôi thối khó thể tả được. Trong khi các nơi đều bị ngập lụt, chỉ có các Chùa Chúc Thánh, Phước Lâm và Long Tuyền lại khỏi; nên người từ Hội An chạy ra lánh cư không ít. Thế là những ngôi chùa này ngày ngày vốn thanh tịnh, bây giờ lại trở nên huyên náo, lạ thường.

Ngày ấy chùa chẳng có cái gì để bán, nhằm đổi gạo rau để nuôi Tăng chúng và những người lánh nạn qua ngày, nên chúng tôi đã theo lệnh của Hòa Thượng trụ trì Thích Như Vạn và chú chúng trưởng Hạnh Thu leo lên cây bàng trước sân chùa để hái lá và đem lá ấy ra chợ Hội An để đổi lấy dưa, muối, gạo đem về chùa dùng. Không ngờ cây bàng ngày nào chúng tôi cũng chẳng để ý đến nó. Điệu, tiểu chúng tôi chỉ ngầm than trách nó nhiều hơn. Vì nó đổ lá nhiều quá, khiến chúng tôi sáng nào cũng phải quét dọn nhanh cho sạch sân chùa. Thế mà bây giờ lại hữu dụng biết bao. Những chiếc lá bàng non còn xanh ngắt ra từ thân cây vẫn được giá hơn bất cứ vật gì thuở ấy. Vì gió mưa lụt lội lá chuối bị gió đánh rách tả tơi, không còn dùng được nữa, thì lá bàng đã thay thế cho lá chuối và đặc biệt là nhờ những chiếc lá bàng ấy mà nó đã cứu Tăng chúng chùa Phước Lâm của chúng tôi một thời đói rét của năm Giáp Thìn (1964) và nếu tính bằng thời gian cho đến nay (2008) cũng đã 45 năm rồi.

45 năm trôi qua trong đời người quả là có không biết bao nhiêu thay đổi; 45 năm của nắng sớm mưa chiều, 45 năm của thời cuộc, của thân tứ đại vô thường này đã trôi qua, nhưng ở lứa tuổi 15 thuở ấy tâm hồn còn trinh nguyên thanh thản và cho đến lứa tuổi 60 ngày nay của mình, tôi vẫn thấy những chiếc lá bàng của chùa Phước Lâm ngày ấy nó có ý nghĩa làm sao! Khiến tôi không bao giờ quên được.

Thuở ấy hằng ngày hai lượt chúng tôi vẫn thường đạp xe đạp ngang qua chùa Chúc Thánh đi đến trường Diên Hồng và trường Bồ Đề để học. Tôi cũng ít quan tâm mấy về chốn Tổ này, cho đến khi xa quê vào Nam năm 1968 tự nhiên thấy nhớ quê hương xứ Quảng lạ lùng, nhất là khi đã rời xa quê Mẹ thật sự để sang Nhật Bản du học từ năm 1972 thì quê hương xứ Quảng quả là còn nằm trong nghìn trùng xa cách của ký ức mình. Đến năm 1991 khi khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, tôi đã đón được Sư Phụ của tôi (Cố Hòa Thượng Thích Long Trí) qua để rồi Thầy trò đã chẳng hàn huyên được bao lâu thì Thầy về lại nước và viên tịch tại chùa Viên Giác Hội An vào năm 1998 (đến nay 2008 cũng đã 10 năm rồi). Lúc đó gặp Ngài tại Đức, chính tôi là người đã đề nghị với Ngài là nên trùng tu Tổ đình Chúc Thánh tại Hội An và tôi sẽ đích thân vận động Phật tử ở Đức cũng như chư Sơn thuộc môn phái Chúc Thánh tại Hải Ngoại.

Tâm tình ấy từ khi về lại nước (1991) Thầy tôi đã mang ra trình bày với chư Tôn Đức trong môn phái. Thuở ấy Cố Hòa Thượng Thích Trí Nhãn còn làm trụ trì, nhưng mãi đến khi Ngài Trí Nhãn viên tịch vẫn chưa thực hiện được. Về sau Thầy Hạnh Chánh là trưởng tử của Hòa Thượng Trí Nhãn cũng muốn thực hiện, nhưng đã chẳng thuận duyên và cuối cùng người đứng mũi chịu sào để đứng ra gánh vác việc Đại Trùng Tu này là Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn. Mặc dù có Ban Kiến Thiết, ban Cố Vấn là Cố Hòa Thượng Thích Trí Giác, Hòa Thượng Thích Đổng Quán (Nha Trang), Hòa Thượng Thích Như Tín, T.T Thích Như Thọ (Sài Gòn); nhưng đa phần người trực tiếp điều hành đây là Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn.

Sau 3 năm thi công, nay đã đến kỳ hoàn mãn. Đó là do công sức, tài sản của chư Tăng Ni, Phật tử thuộc môn phái Chúc Thánh cũng như có rất nhiều người không thuộc môn phái ở Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Đức Quốc, Âu châu, Việt Nam đã tận tụy hy sinh thời giờ và tiền bạc mới có được một chốn Tổ khang trang như ngày hôm nay. Tất cả những thành quả ấy có được nếu không nhờ chư Tổ, chư Phật gia hộ thì chắc chắn chúng ta đã chẳng hoàn thành.
Ở Mỹ châu nếu không nhờ Trưởng lão Thích Chơn Điền, Hòa Thượng Thích Hành Đạo, Hòa Thượng Thích Thanh An, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn v.v… Ở Úc châu, nếu không có Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, quí Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, Thích Quảng Ba và ở Âu châu chúng tôi, Ni sư Như Viên v.v… thì khó hoàn thành tâm nguyện của chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như của các Phật tử ở trong nước. Ân nghĩa ấy xin ghi trọn vào tấm lòng thành của người con Phật nói chung và người con, cháu Tổ thuộc quê hương xứ Quảng nói riêng vậy.

Ngày 12, 13 và 14 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Sửu (2009) sắp đến đây là ngày lễ Lạc Thành ngôi Tổ đình Chúc Thánh. Con cháu muôn phương sẽ đổ về đây để lễ Tổ và nguyện cầu. Đồng thời cũng để mừng vui cho một công trình đại trùng tu đã hoàn mãn. Trong Đại lễ ấy sẽ có nhiều lễ khác nhau được Tổ chức như: lễ chẩn tế cô hồn, chạy đàn, thuyết pháp, phát chẩn cho người nghèo và đặc biệt có lễ cúng dường cho 1.000 vị Tăng Ni nhân ngày lễ trọng đại này. Đây cũng là lần đầu tiên tại quê hương xứ Quảng tổ chức cúng dường “Thiên Tăng Hội” như vậy.

Người xưa vẫn thường nói: “Sự thành công không phải là điều đáng nói, mà điều đáng nói là phải làm sao để đi đến sự thành công ấy mới là điều quan trọng”. Chính chốn Tổ này đã sản sinh và đào tạo ra không biết bao nhiêu Tăng, Ni ưu tú cho quê hương xứ Quảng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, nên viết về Hội An, về xứ Quảng, về chùa Tổ Chúc Thánh cũng chỉ để hoài niệm công đức của những bậc Tổ sư tiền bối dày công truyền thừa qua bao đời của lịch sử và nhân ngày Đại lễ Khánh Thành này, tôi – người con xứ Quảng, nhưng vẫn chưa một lần về thăm lại quê hương, để bồi hồi nhớ lại những chiếc lá bàng ngày ấy đã 45 năm trôi qua trong đời, có một chút gì đó gợi lại một chút ân tình với mảnh đất ngàn năm văn vật “chưa mưa đã thấm” này.

Tôi từ nơi xa xôi ở Hải Ngoại xin vọng về quê hương với một chút đóng góp nhỏ nhoi bài vở của mình, để góp phần mình vào tập kỷ yếu khánh thành sắp xuất bản vào tháng 2 âm lịch năm Kỷ Sửu sắp tới, nhằm đốt một nén hương, thầm vọng vái về quê hương trong khi tôi vẫn còn biền biệt ở cõi trời Tây.

Úc Đại Lợi, ngày 8 tháng 11 năm 2008
nhân mùa nhập thất lần thứ 6.




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]