Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giữa các ngã rẽ phân hóa

11/12/201908:07(Xem: 4881)
Giữa các ngã rẽ phân hóa

chia-re

GIỮA CÁC NGÃ RẼ PHÂN HÓA

Nguyên Giác


Bài này được viết theo đề nghị góp ý về chủ đề “Gia Đình Phật Tử Giữa Các Giáo Hội (Tông và Hệ Phái)” cho một khóa hội thảo cuối năm 2019. Bài viết sẽ nói về vị trí người cư sĩ giữa những mâu thuẫn xã hội và giữa các giáo hội.

Thực sự, tất cả lời khuyên giá trị nhất đều có ghi sẵn trong Kinh Phật, và đã nhiều lần được giải thích để ứng dụng qua lời dạy của quý tôn đức tăng ni và các bậc trưởng thượng cư sĩ  trước giờ. Bản thân tôi cũng không có tầm nhìn chiến lược hay chiến thuật nào để góp ý. Nơi đây chỉ xin kể vài kinh nghiệm nơi hải ngoại trong cương vị riêng, từ điểm nhìn của một nhà văn, nhà báo và người học Phật.

Trong ba thập niên qua tại hải ngoại, tôi có cơ duyên góp sức cho các báo giấy như Giao ĐiểmVăn Học, Văn, Hợp Lưu, Thơ Tân Hình Thức, Việt Báo, Chánh Pháp, Tinh Tấn… và các báo mạng như Thư Viện Hoa SenQuảng Đức, Hoa Vô Ưu… Với các bậc trưởng thượng dày dặn, những kinh nghiệm này chỉ là bình thường thôi. Tuy nhiên, các chuyện kể này có thể giúp quý bạn trẻ trong Gia Đình Phật Tử nghĩ thêm về những cách kham nhẫn để hoạt động giữa các dị biệt giáo hội.  Thực rahoàn cảnh các bạn phức tạp hơn của tôi. Trong khi tôi chỉ ứng xử như một nhà báo, nhiều bạn phải đối phó trong cương vị nhà hoạt động, hay người hòa giải, hay người hướng dẫn đoàn thể -- nghĩa là rắc rối hơn vị trí của người cầm bút.

Từ những ngày mới rời đảo Galang, sang định cư ở môt thị trấn hẻo lánh tại Virginia trong thời kỳ 1980s. Lúc đó là thời của điện thoại dây, chưa có cả pager, nói gì tới điện thoại di động hay Internet. Báo thời đó chỉ là báo giấy, và toàn những tin rất trễ. Lúc đó, mỗi lần gặp những tờ báo rất trễ, khi đọc tin về Phật giáo và tình hình quê nhà, là không cầm được nước mắt, tự biết trước sau gì, mình cũng sẽ phải về California -- vì trong trực giác đã biết rằng giấy mực là nghiệp đã mang sẵn.

 Tôi vẫn luôn luôn nhớ một lời bổn sư tôi dặn dò từ quê nhà nhiều năm trước là “Không cãi nhau” – lúc đó tôi đã thắc mắc nhưng không dám hỏi kỹ. Bởi vì lịch sử Phật Giáo trải dài từ sau Đức Phật là những cuộc tranh biện liên tục, và hơn hai ngàn năm tranh biện đã dẫn tới những chia cách lớn – như thời 18 bộ phái, rồi quan điểm của Trưởng Lão Bộ cách biệt với Đại Chúng Bộ, rồi Nam Tông và Bắc Tông, rồi Trung Luận và Duy Thức Luận… Đó là chưa kể hoàn cảnh lịch sử riêng của mỗi dân tộc, trong đó các giáo hội được hình thành khác biệt nhau. Đó là chưa kể, Phật Giáo Tây Tạng sử dụng tranh biện như công cụ cần thiếtTrong đời viết văn, chỉ duy một lần tôi tham dự một cuộc tranh cãi về văn học, và sau đó là tránh được liên tục. Về sau, tôi dò ra được rằng Đức Phật trong những năm đầu tiên đi hoằng pháp đã dạy trong nhóm các kinh nhật tụng là chớ tranh cãi và hãy sống không thấy ai là đối thủ. Đó là Kinh Sn 4.8 – Pasura Sutta.

Như thế, làm cách nào đứng giữa các dị biệt trong xã hội? Tôn kính Phật-Pháp-Tăng là hiển nhiên. Trong vai trò nhà báo, và cũng là một người cư sĩ, tôi giữ hạnh của ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát. Tôi chắp tay cung kính trước trẻ em và người già, trước các học giả và người học kém. Tôi đã chắp tay trước các linh mục Thiên Chúa Giáo, các mục sư Tin Lành… đã viết các bản tin về hoạt động của các tôn giáo khác, đã phỏng vấn các vị giáo sĩ này về những điều họ muốn nói với đồng hương. Trong khi loan tin về các hoạt động từ thiện của các tu sĩ tôn giáo khác từ Quận Cam giúp đồng bào trong nước, tôi đã ước mơ phải chi Phật Giáo mình cũng làm từ thiện như thế, và phải làm từ thiện hay hơn họ.

Có một lần, tôi nghĩ là mình đã rơi vào chỗ phải tranh cãi, vì tự thấy không giữ được hạnh “không tranh cãi” được: đó là khi nhìn thấy một số người muốn bóp méo lịch sử để tôn vinh ông Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ là mình phải lên tiếng. Tôi có một kỷ niệm thời thơ ấu. Khi cuộc đấu tranh 1963 xảy ra, tôi chỉ là một cậu học trò bậc Trung Học Cơ Sở (ngày đó gọi là Trung Học Đệ Nhị Cấp). Trong những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ, thỉnh thoảng tôi vẫn phóng lên xe đạp chạy vào các xóm giữa đường xe lửa và khu Bàn Cờ, quận 3, tìm mấy tên bạn để rủ nhau chơi banh bàn. Không phải là bóng bàn ping-pong đâu. Banh bàn là loại banh gỗ, đá bằng các trục có tay cầm do hai đấu thủ đứng hai bên, cầm các tay trục đá banh gỗ vào hai gôn nơi hai đầu bàn. Một lần phóng xe đạp qua góc phố Lê Văn Duyệt/Phan Đình Phùng, thấy trên mặt đá vệ đường còn nám đen. Chỗ đó nghe nói là trước mặt tiền của Tòa Đại Sứ Cam Bốt. Người dân trong các khu phố này kể là một Thượng tọa đã tự thiêu trước đó mấy ngày. Hình ảnh các viên gạch còn nám đen trên hè phố vẫn hiện ra trong ký ức tôi. Thời thơ ấu tôi cũng từng được nghe về các phân biệt đối với Phật giáo.

Vì không muốn tranh cãi, tôi suy nghĩ nhiều ngày, và tìm ra một cách để không ai cãi nổi: phải dịch các hồ sơ mới giải mật của chính phủ Mỹ về thời kỳ 1963. Đó là các điện văn trong năm 1963, giữa Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế gửi qua lại về Tổng Thống Mỹ, Bộ Ngoại Giao Mỹ và các cơ quan an ninh Mỹ. Đó là các thông tin trực tiếp, các báo cáo về những cuộc đàn áp của chính phủ Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo, và về cuộc đấu tranh bất bạo động của tứ chúng Phật Giáo để đòi bình đẳng tôn giáo. Đó là những thông tin mật gửi từ Việt Nam để Tổng Thống và nội các Hoa Kỳ có dự liệu hoạch định chính sách. Các điện văn đó chỉ báo cáo cho người hoạch định chính sách Hoa Kỳ, không viết cho ai khác đọc. Các điện văn đó không có ý bôi nhọ hay tôn vinh ai, mà chỉ là thông tin ròng về các sự kiện đã xảy ra. Đó là cách tôi giải quyết học được từ nghề báo: mời gọi mọi người nhìn vào sự kiện, chưa cần phê phán hay nhận định. Mình không tranh cãi, mà tự động họ cãi không nổi.

Đó là nói chuyện lịch sử. Bây giờ nói chuyện về các giáo hội dị biệt. Khi đã giữ lòng tôn kính tất cả những người trong cộng đồng như thế, lòng tôi tất nhiên giữ hạnh rất mực tôn kính các giáo hội Phật giáo hải ngoại. Tôi đã chứng kiến những bước trưởng thành của cộng đồng mình, từ những năm chưa có bao nhiêu chùa tại Quận Cam, cho tới bây giờ chùa nhiều tới đếm không xuể. Trong cương vị nhà báo, tôi đã chứng kiến các cộng đồng tan vỡ, tách đôi và rồi tách ba. Về giáo hội Phật giáo mình cũng thế. Nghe chữ “tăng già hòa hợp” không có bao nhiêu thực nghĩa. Khi giáo hội phân hóa, các đơn vị Gia Đình Phật Tử cũng tương tự.

Tôi đã chọn thái độ là không đứng riêng để bênh vực bất cứ thầy nào hết trong các tranh cãi về phân hóa. Nhưng tất cả các buổi lễ lớn, như Đại Lễ Phật Đản và Vu Lan, dù của bất kỳ giáo hội nào tại địa phương, các phóng viên Việt Báo luôn luôn theo sát để tường thuật và hỗ trợ không phân biệt. Trong đêm giao thừa, tôi và các bạn mang máy ảnh đi nhiều chùa để chụp ảnh, hoàn toàn không phân biệt giáo hộiDĩ nhiên, tôi cũng phải tránh né một vài nơi cực đoan. Tôi tránh né các sự kiện khi đoán biết có thầy nào trong đó sẽ chụp mũ thầy khác. Đó là về chính trị. Tôi cũng tránh né gặp người cực đoan về tông phái, chuyện tranh cãi Nam Tông và Bắc Tông, tranh cãi giữa Thiền Tông và Tịnh Độ, và tranh cãi giữa đủ thứ những chuyện khác.

Những lúc nghe chuyện tranh cãi dù về giáo hội hay tông phái, tôi rất mực lo ngại rằng các thiếu niên và các đơn vị Gia Đình Phật Tử sẽ bị lôi cuốn vào các lằn ranh, trong khi các em chưa đủ kinh nghiệm đời để ứng xử và chưa đủ kiến thức để đọc và hiểu. Ngay như bản thân tôi, học ngày và học đêm, đọc ngày và đọc đêm, mà nhiều khi cũng đành dựa cột mà nghe. Có khi im lặng vì tự thấy mình dốt. Có khi im lặng vì không biết làm sao để nói lời ái ngữ. Có khi chỉ vì không muốn nói rõ rằng vị này hay vị kia hiểu sai giáo pháp. Thêm nữa, tôi nghĩ, dù mình nói có hay bao nhiêu, mà mình tu chẳng tới đâu thì cũng vô ích, do vậy tranh biện chỉ là chuyện phụ, còn an tâm mới là chuyện chính yếu.

Trong khi vào sinh hoạt cộng đồngchắp tay trước quý tăng ni là đương nhiên, đồng thời tôi cũng chắp tay trước các linh mục và mục sư, thì tại sao có chuyện rạn vỡ trong nội bộ mình để nhìn nhau như thù nghịch. Tôi tự hỏi, chuyện phân phái đã có từ hai ngàn năm nay, mà bản thân mình không ưa tranh cãi, vậy thì làm sao.

Lúc đó, thêm một câu hỏi được nêu ra cho tôi là, nên nương tựa vào Kinh dịch từ Tạng Pali, hay Kinh từ Tạng Sanskrit, hay Kinh dịch từ Hán Tạng? Nói “nêu ra” là nói nhẹ nhàng, thực ra có trường hợp phải nói là tôi bị chất vấn. Có nhiều khi, viết xong một bài về Phật học, vừa đăng lên mạng là có ngay một email của một ông già khó tính gửi tới, hỏi kiểu gây sự về kinh này, kinh kia.

Tôi trưởng thành từ các kinh Hán Tạng. Ngôi chùa tôi học nhiều nhất (và cũng cốt tủy nhất, theo tôi) là một ngôi chùa Thiền Tông ở Bình Dương, và có yếu tố Tây Tạng vì sư ông của tôi từng sang Tây Tạng học trong các năm 1930s. Nhiều năm sau, lại được đọc Kinh từ Tạng Pali do Thầy Thích Minh Châu dịch. Tôi tự nghĩ, cũng như tiếng Việt mình, trải qua cả ngàn năm đã sinh ra các phương ngữ dị biệt, thì Kinh Phật cũng thế. Thời nay, đi đâu cũng dễ dàng, có phi cơ và xe hơi. Thời xưa, quý Thầy phải đi bộ, gian nan cách biệt. Thêm nữa, khi quý Thầy đi hoằng pháp sang các nơi, có khi phải tranh luận với các học giả tín ngưỡng khác ở địa phương, quý Thầy phải soạn ra các bộ luận, và lúc đó là thêm các dị biệt.

Lúc đó, tôi nhớ tới lời dạy trong Kinh MN 139, còn gọi là Kinh Vô Tránh Phân Biệt trong Trung Bộ. Nơi đây, xin trích bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:

“…Mặt đối mặt (với ai), không nên nói lời mất lòng. Nên nói thật từ từ, không có vội vàng. Chớ có chấp trước địa phương ngữ, chớ có đi quá xa ngôn ngữ thường dùng…” (1)

Như thế, tôi không có quyền nói làm mất lòng ai. Cũng đừng chấp trước địa phương ngữ. Nghĩa là, nói lời từ ái, và nói bằng ngôn ngữ đời thường, bằng ngôn ngữ chung nhất giữa các dị biệt địa phương ngữ. Ngôn ngữ nào chung nhất giữa các Tạng Pali, Tạng Sanskrit, và Hán Tạng?

Tôi lúc đó chợt nhớ tới lời bổn sư, một lần ngài nói rằng, thôi con ơi, con đừng đọc gì nữa. Lúc đó, Thầy nói xong, rồi Thầy nhìn tôi mỉm cười. Có nghĩa là, câu đó có ẩn nghĩa.

Câu nói đó rất mực thâm sâu. Không đọc gì nữa, nghĩa là không đọc ngôn ngữ nào hết, không đọc chữ nào hết, không đọc ký hiệu nào hết, vì tất cả chỉ là ngón tay chỉ trăng, phải rời ngôn ngữ nghĩa là rời ngón tay, mới thấy mặt trăng. Cũng có nghĩa là, chỉ đọc ngôn ngữ từ trái tim, tức là một ngôn ngữ cốt tủy, chung nhất cho tất cả các pháp. Bởi vì tất cả Kinh đều là chữ, và phải lìa chữ. Từ đó, tôi đọc lại cho có hệ thống, đọc ngày và đọc đêm, hễ rãnh là đọc Kinh, và đối chiếu những hiểu biết của mình. Có những chỗ thực sự không dò nổi, vì thiếu khả năng về cổ ngữThí dụ, khi đọc sách tiếng Anh của một vài học giả, thấy nói rằng Tạp A Hàm là cội nguồn cho Duy Thức Luận về sau, thì tự mình không đủ ngôn ngữ và kiến thức để tìm hiểu.

Trước tiên, các điểm chung nhất là Luật Duyên KhởiTứ Thánh ĐếBát Chánh Đạo... Hướng đi căn bản chung nhất cho tất cả các bộ phái là: Niết bàn là lìa tham sân si.

Kinh Phật Thuyết Như Vậy 44 (Iti 44) viết như thế. Kinh Tương Ưng SN 45.7 cũng nói rằng lìa tham sân si là Niết Bàn(2)

Tiếp theo, câu hỏi là, như thế nào để lìa tham sân si?

Trả lời ngắn gọn nhất, và chung nhất, là: giữ tâm vô sở trụ. Nghĩa là không trụ vào bất cứ gì hết, cụ thể là không trụ vào sắc thọ tưởng hành thức

Kinh SN 22.63, bản dịch của Thầy Minh Châu, trích:

Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

—Lành thay, bạch Thế TônThế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con. Sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mìnhtịnh cư, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

—Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.” (3)


Bản Anh dịch của Bhikkhu Bodhi là: "Bhikkhu, in clinging one is bound by Mara; by not clinging one is freed from the Evil One.”


Cũng có nhiều điểm chung nữa. Đó không phải là Nam Tông hay Bắc Tông. Đó là những lời dạy có trước khi phân ra các bộ phái.

Nhưng hạnh phúc tột cùng của tôi là khi dò được rằng có 2 nhóm kinh trong những năm đầu tiên hoằng phápĐức Phật yêu cầu chư tăng tụng hàng ngày, tức là Kinh Nhật Tụng Sơ Thời. Trong 2 nhóm kinh này, trong tận cùng chính là Thiền Tông, hay Thiền Đạt Ma, tại Việt Nam gọi là Thiền Trúc Lâm. Hai nhóm kinh này đều dạy xa lìa các chấp trước, không dạy pháp hành theo kiểu bây giờ thường nghĩ, như là ngồi thở hay ngồi niệm thân hay niệm thọ, vân vân… Hai nhóm kinh này nói bằng ngôn ngữ trực tiếp, đã chỉ thẳng vào giải thoát, không mượn phương tiện nào hết. Bởi vì, tất cả các phương tiện gọi là tu hành đều vướng vào ngũ uẩn của quá khứ, phải mượn ngũ uẩn quá khứ. Trong khi giải thoát là lìa thời gian. Kinh này, kinh kia chỉ là chữ. Hễ lìa chữ để nhận ra tâm thanh tịnh vốn rỗng rang này chính là thấy Niết bàn, tức là đọc kinh vô tự, kinh không chữ, kinh ngay trước mắt và bên tai.

Đức Phật dạy rằng giải thoát thì ai cũng có thể kinh nghiệm được: đó chính là cái khoảnh khắc trước mắt này, và thường gọi là ngay bây giờ và ở đây. Cái khoảnh khắc giải thoát đó tịch lặng không lời, cho nên không dính gì tới tiếng Pali hay Sanskrit, hay tiếng Tây, Tàu, Mỹ, Việt nào. Tâm sẽ tức khắc không thấy tham, sân, si là khi:

-- Tâm vô sở trụ, không dính mắc, không chấp thủ, dù là dính vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

-- Tâm buông bỏ những gì ở quá khứ, chớ mơ tưởng gì nơi tương lai, và không tơ vương gì với hiện tại.

-- Tâm để cái được thấy nghe hay biết chỉ là cái được thấy nghe hay biết, và sống với các pháp như thị.

-- Tâm đón nhận vô thường trôi chảy, nơi đó là rỗng rang, không lời, không gì để thêm, không gì để bớt.

-- Tâm xa lìa cả bờ này và bờ kia, xa lìa cả thiện và ác.

-- Tâm lắng nghe cái tịch lặng, nơi ngôn ngữ đạo đoạntâm hành xứ diệt – nơi lời nói dứt bặt, tâm bất động như núi.

-- Tâm thấy tất cả các pháp đều là như huyễn, đều là rỗng rang không tự tánh.

Bất kỳ ai cũng kinh nghiệm được cái khoảnh khắc đó trước mắt và bên tai, cái ở đây và bây giờ. Tất cả quý vị ngay bây giờ có thể giữ tâm tịch lặng, chớ nghĩ thiện ác, chớ nghĩ ưa ghét, chớ nghĩ bất cứ gì, và hãy cảm nhận dòng chảy vô thường trên thân tâm mình, khi cảm nhận như thế sẽ thấy tâm xa lìa mọi nghĩ ngợi, vì hễ nghĩ ngợi gì là cảm thọ về dòng chảy vô thường biến mất vì đã bị thay thế bằng ký ức, bằng ngũ uẩn của quá khứ. Khi tỉnh thức và thấy không có tâm hành nào khởi lên, tức là tỉnh thức nhìn vào tâm không biết, nơi đó ngôn ngữ dứt bặt… đó là những khoảnh khắc xa lìa tham sân si.

Đó là ý chỉ của Vua Trần Nhân Tông trong câu thơ “Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” – nghĩa là, trong khi gặp cảnh, tâm mình không dao động (với ưa/ghét, tham/sân) thì cũng không cần hỏi gì về Thiền nữa.

Nếu tất cả các đơn vị Gia Đình Phật Tử đi tìm tận gốc các lời dạy của Đức Phật trong các năm đầu hoằng pháp đó, cũng thực sự là di sản Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, sẽ không còn ai băn khoăn chuyện phân biệt tông phái hay bộ phái nữa. Từ căn bản đó, là sẽ không lạc lối.

Đó là tất cả những gì tôi muốn đề nghị các bạn giữ lấy mối dây Chánh pháp để không bị phân vân khi thấy các ngã rẽ phân hóa.



GHI CHÚ:

(1) Kinh MN 139: https://suttacentral.net/mn139/vi/minh_chau

(2) --- Kinh Iti 44, bản dịch Ireland: “It is the extinction of attachment, hate, and delusion in him that is called the Nibbāna-element with residue left.” --- https://suttacentral.net/iti44/en/ireland

--- Kinh SN 45.7, bản dịch Thầy Minh Châu: “Đồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.” --- https://suttacentral.net/sn45.7/vi/minh_chau

(3) Kinh SN 22.63, bản HT Minh Châuhttps://suttacentral.net/sn22.63/vi/minh_chau

Bản Bhikkhu Bodhi: https://suttacentral.net/sn22.63/en/bodhi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]