Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong mối quan hệ với Tăng Đoàn, Giáo Hội

10/12/201918:51(Xem: 5516)
Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong mối quan hệ với Tăng Đoàn, Giáo Hội


Tran Kiem Doan

Tham luận: Nhân khóa Tu Học và Hội Thảo Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử miền Quảng Đức với đề tài: GIA ĐÌNH PHẬT TỬ GIỮA GIÁO HỘI vào ngày 8-12-2019 tại Santa Ana, California Ban tổ chức mời tôi vào Hội Luận Đoàn. Đáp lời mời, tôi có viết một bài tham luận nhỏ cho một vấn đề “to” như sau: 
 

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Trong mối quan hệ với Tăng Đoàn, Giáo Hội

Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) là một tổ chức của tuổi trẻ trong thế giới tuổi già; là một bầy chim sơn ca hót mừng ánh đạo nơi cửa Phật. Tạm vẽ nên một hình ảnh đầy biểu tượng như thế để nói lên rằng: Bầy chim sơn ca thời khai sơn ấy là những cánh chim oanh vũ vô tư và trong sáng, chỉ biết đem tiếng hát để làm vui cho đời và đạo. Dòng lịch sử của GĐPTVN ra đời từ những năm 1940 với danh nghĩa Gia Đình Phật Hoá Phổ và chính thức mang tên gọi Gia Đình Phật Tử từ năm 1951 đã năng nỗ phát huy tác dụng tích cực cho nhiều mặt sinh hoạt của Đạo Phật Việt Nam. Những đoàn sinh Oanh Vũ thời 1950 bây giờ thuộc hàng cao niên. Trong khoảng 50 năm qua, khi lịch sử đất nước và đạo pháp trải qua những thời kỳ thịnh suy nhiều biến động nhất thì những huynh trưởng và đoàn sinh đương nhiệm hay cựu trào đã là những thành viên thiện nguyện hàng đầu trong các hoạt động hoằng pháp và hộ pháp.

 
Gia Đình Phật Tử giữa lòng Giáo Hội cũng ví như những đứa con ngoan trong gia đình Lam: Hiền hoà và tươi mát vươn lên. Tuy nhiên, thời cuộc đã đổi thay bất ngờ như lý vô thường. Chừng 50 năm về trước, bầy chim Oanh Vũ ngày xưa chắc hẳn chưa hề nuôi giấc mơ một ngày như hôm nay sẽ cất tiếng ca “Ta Đoàn áo Lam…” ở xứ người đâu đó hay trên đất nước Hoa Kỳ. Sự tình cờ của lịch sử được lý giải trong khái niệm Nghiệp – Duyên của đạo Phật. Bài viết nhỏ này cũng chỉ mong được tiếp cận với các thân hữu đạo và đời như tiếng hát thân thương chào nhau của lời ca một thời Oanh Vũ. 

 

 A - Nhận diện chân dung GĐPTVN thời hiện đại:

 

Thử nhìn lại tư cách pháp nhân của GĐPTVN trong mối quan hệ với chùa viện và Tăng Đoàn, Giáo Hội:

 

Với Hiến chương Phật giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1964 thì Tổng vụ Thanh niên là Vụ cuối cùng đứng sau các vụ: Tăng sự, Hoằng pháp, Pháp sự, Tài chánh Kiến thiết, Cư sĩ và Thanh Niên. Và GĐPTVN là một đoàn thể ngang tầm với các đoàn thể quần chúng Phật tử khác:

 

“6. Tổng vụ Thanh niên có các Vụ sau đây:
– Gia Đình Phật Tử Vụ.
– Sinh viên Phật tử Vụ.
– Học sinh Phật tử Vụ.
– Thanh niên Phật tử Vụ.”

            (Trích nguyên văn Hiến Chương GHPGVNTN 1964)     

 

Trong Hiến chương của Phật Giáo Việt Nam trong nước ký vào năm 2013 thì GĐPTVN hoàn toàn vắng bóng. Không có chữ nào trong Hiến chương này đề cập đến GĐPTVN cả.

 

Do tư cách pháp nhân không rõ ràng nên vai trò và tác dụng bị hạn chế:

Trong khái niệm căn bản “Tứ chúng đồng tu” của Phật giáo có 4 hội chúng là: hội chúng tỳ kheo (bhikkhu), hội chúng tỳ kheo ni (bhikkhunī), hội chúng nam cư sĩ (upāsaka), hội chúng nữ cư sĩ (upāsikā) Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT ở vào hội chúng nào?

 

Rõ ràng là GĐPT không ở vào một hội chúng nào cả mặc dầu huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT đã sống, sinh hoạt và đóng góp hết mình công sức nhưng vẫn hoàn toàn không có một thế đứng nào trong các sinh hoạt chùa viện. Trong cách nhìn chung chung thì GĐPT chỉ được xem là một nhóm tuổi trẻ Phật tử sinh hoạt nội bộ dưới mái hiên chùa. Như vậy, trên nguyên tắc pháp lý thì mọi danh nghĩa hay quyền hạn định đoạt hoặc giao tiếp với xã hội bên ngoài của GĐPT là do vị chủ trì hay Ban điều hành của chùa định đoạt.

 

Với một thế đứng nhỏ bé, mờ nhạt và không cần thiết như thế nên hệ thống GĐPT trong nước cũng như ngoài nước trong bao năm qua hoàn toàn phụ thuộc vào ngôi chùa đang sinh hoạt. Phát xuất từ tư cách pháp lý phụ thuộc, mờ nhạt hay không rõ ràng như vậy cho nên GĐPTVN phải bám sát vào vị Thầy hay Sư Cô trụ trì hoạc ban trị sự của của ngôi chùa đang sinh hoạt để sống còn. Và cũng bởi đứng ở vào vị trí hoàn toàn phụ thuộc như vậy, cho nên đã có nhiều trường hợp đau lòng là vị Thầy trụ trì đã thẳng thắng đuổi cả GĐPT, không cho sinh hoạt ở chùa.

 

Đồng thời, cũng chính vì không có khả năng tự túc và vị thế độc lập như vậy cho nên GĐPT vô hình chung cũng phải ngã theo khuynh hướng của Thầy và Chùa. Nếu có hai phía chùa viện và tu sĩ chống nhau thì GĐPT ờ đơn vị nầy hay đơn vị đối nghịch cũng phải vin vào hay bi cột trói theo với khuynh hướng của phe nầy hay phe kia để khỏi bị đuổi ra khỏi chùa sinh hoạt. Vô hình chung, hệ thống GĐPT bao năm qua đã bị phân hóa trầm trọng theo sự phân hóa của các phe nhóm hay bộ phái chùa viện như hình ảnh cánh bèo: Nước lên thì bèo lên và ngược lại!

 

Tình trạng tiêu cực và phân hóa nầy còn bị đẩy đi xa hơn nữa là GĐPTVN đã bị biến thành một phương tiện trang hoàng và tác dụng hoạt náo mua vui hay lao động thiện chí tự nguyện cho các chùa. Trong nhiều lễ khóa tu học của chư Tăng Ni và đại chúng Phật tử vừa qua ở Canada cũng như ở Mỹ, các đơn vị và thành viên GĐPT không được mời hay cho phép phục vụ trong ban tổ chức và cũng phải ghi danh mua vé như khách lạ bốn phương nhưng trong sinh hoạt thì lại được đóng vai những thành viên “người nhà” phục vụ tích cực.

                                               

 

Tuổi thời gian đã 70 năm , nhưng tuổi đời của GĐPTVN vẫn còn quá… son trè vì vẫn còn sống dưới bóng của cha mẹ (Thầy – Sư Cô trụ trì ngôi chùa đang sinh hoạt) và sự an ổn núp bóng dưới một mái nhà (ngôi chùa, tự viện làm đoàn quán cho sinh hoạt). So với những đoàn thể sinh hoạt thanh niên trẻ như Hướng Đạo Thế Giới, YMCA, Thanh Sinh Công… trong dòng sinh hoạt trẻ của thế giới thì GĐPTVN vẫn còn đứng rất xa với thế độc lập của một Đoàn Thể.

 

Suốt 70 năm qua, GĐPT không những đồng hành mà đã cống hiến trọn vẹn công sức của mình cho Đời, cho Đạo. Khi còn trẻ, đoàn sinh GĐPT là lực lượng đầu gió trong tất cả mọi biến cố lịch sử của đạo Phật Việt Nam. Từ những vai trò trọng yếu trong cuộc chấn hưng Phật giáo thời 1950, đến sự dấn thân không chùn bước thờì tranh đấu Phật giáo đòi quyền bình đẳng tôn giáo thời 1960 cho đến những nỗ lực kết hợp và hoá giải tình trạng phân hóa Phật giáo thời cận đại và hiện đại thì GĐPTVN cũng đã và đang đóng góp công sức cho các sinh hoạt chùa viện.

 

Từ thời kỳ mới thành lập cho đến năm 1981, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam thành viên Mặt Trận Tổ Quốc được thành lập, bên cạnh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), GĐPTVN đã hiện diện và sinh hoạt như một đơn vị tổ chức của tuổi trẻ Phật tử vừa độc lập vừa tùy thuận với cái duyên của từng chùa.

 

Về mặt tổ chức, GĐPTVN đã sinh hoạt đôc lập và liên tục suốt 70 năm tại miền Nam Việt Nam và Hải ngoại trong mọi điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội và chính trị. Tại miền Nam trước 1975, tổ chức GĐPTVN có một hệ thống tổ chức hành chính độc lập song song với Giáo Hội. GĐPT có các đơn vị từ các ban hướng dẫn GĐPT quận huyện, tỉnh thành và Trung Uơng. Tổ chức nhân sự hoàn chỉnh từ ngành Oanh đến ngành Thiếu. Cấp Huynh Trưởng lãnh đạo cũng được huấn luyện từ cấp Dự Tập đến Tín, Tấn, Dũng. Các đơn vị lấy Chùa địa phương làm cơ sở tổ chức và sinh hoạt.

 

Sự trưởng thành của GĐPTVN cũng là sự an trú bồ đề tâm bất thối của Đạo Phật Việt Nam (Xin nhấn mạnh: Đạo Phật Việt Nam – ĐPVN!). Sự đồng hành của hai hệ thống GĐPT và Khuôn Giáo Hội truyền thống là một cơ chế thống nhất ưu việt nhất từ trước cho đến năm 1981. Và cơ chế đó đã từng bước phân hoá, tan rã trước sách lược “chia để trị” mà phát súng lệnh là sự thành lập Giáo Hội Việt Nam theo lệnh Nhà Nước Việt Nam từ năm 1981.

 

Về phía Tăng Ni trong nước thì những bậc Cao Tăng – Ni thạc đức trong nước muốn sống còn để tu học thì không còn con đường chọn lựa nào hơn là cũng đành “Giả khờ bịt mắt bưng tai, giả dại qua ải mặc ai tiếu đàm!” Và hệ quả đương nhiên của một quá trình buông tay, cũng đành nhận chịu là một hình thức Đạo Phật tự phát và tự tung tự tác bởi những thế lực và tham vọng phi Phật giáo. Với một hệ thống quyền lực chuyên quyền toàn trị và tệ đoan tham nhũng, hối lộ hoành hành như một quốc nạn, hàng chân tu tôn đức và Phật tử thuần thành chỉ còn ẩn nhẫn tiếp cận với chư Phật và Bồ Tát Tự Tánh của chính mình mới mong an tâm tu hành ngoài vòng bá đạo.

 

Phật giáo Việt Nam ngoài nước, thay vì có một hướng hành đạo khác hơn tình trạng tu hành theo “định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong nước” thì lại tiến tới một hướng cực đoan ngược lại là: Tự do phát triển quá đà ra ngoài vòng tổ chức. Có thể nói là Phật giáo Hải Ngoại đã tiến tới một hướng thoái trào khác là “duy vật mà không biện chứng!” Nghĩa là chống chủ nghĩa biện chứng Mác xít trong nước nhưng vẫn bị dính mắc ê chề với các hình thức vật chất phương tiện thế tục của một thế giới văn hoá thực dụng phi Phật giáo như: giáo hội, tăng đoàn, chủ tịch, thượng thủ, giáo phẩm, trụ trì, chùa to, tượng lớn… mọc lên như nấm sau cơn mưa. Hậu quả lâu dài là dẫn đến tình trạng tự do cá nhân và khủng hoảng lãnh đạo. Mỗi đơn vị chùa viện của Đạo Phật Việt Nam Hải Ngoại hiện nay hành xử như một giáo hội hay tăng đoàn độc lập: Mỗi nơi đều có một hệ thống tu trì, hành đạo, lễ nghi, tài chánh, quản lý thu chi, sinh hoạt quần chúng riêng. Tại Mỹ, chính quyền Hoa Kỳ cấp quận, thành phố, tiểu bang hay liên bang… trong khoảng vài ba chục năm qua, khi cần tìm một nhân vật lãnh đạo đại diện Cộng đồng đạo Phật Việt Nam trong khu vực liên hệ thì hoàn toàn bó tay. Đạo Phật Việt Nam có mặt nhưng lại vắng bóng một hệ thống lãnh đạo và tổ chức mặc dầu đang có sự hiện diện và sinh hoạt của hàng chục, hàng trăm ngôi chùa tại địa bàn hành chánh.

 

Đạo Phật Việt Nam Hải Ngoại vẫn thường xuyên đăng đàn, tường thuật, báo cáo, đưa hình các cuộc Đại hội, Hiệp kỵ, Tu học, Lễ hội… rôm rả trên môi trường truyền thông đại chúng nhưng tất cả đều thực hiện dưới tính cách tư nhân và tự phát theo nhóm, theo vùng ảnh hưởng mà thôi. Trong khi đó, bên cạnh Việt Nam, các cộng đồng Phật giáo thế giới như Tây Tạng, Tích Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan… tuy nhỏ hơn nhưng vẫn duy trì được nếp sinh hoạt thanh tịnh, có lãnh đạo và tổ chức nghiêm cẩn trong xã hội phương Tây, nhất là Hoa Kỳ.

 

B - Quan hệ của GĐPTVN với các tổ chức hay hình thức Giáo Hội, Tăng Đoàn tại Hải ngoại.  

 

Trong khi các tổ chức chùa viện và Giáo Hội, Tăng Đoàn  Phật giáo càng ngày càng phân hóa trầm trọng thì tổ chức GĐPTVN chuyển mình ra sao?

 

Xin trả lời ngay rằng : Tổ chức GĐPTVN Hải Ngoại cũng phân hóa theo Tăng Đoàn, Giáo Hội.

 

Nguyên nhân trước tiên là tổ chức GĐPTVN không đủ bản lĩnh (hay chưa có sự đồng tâm hiệp ý cần thiết và đúng mức) để vươn lên độc lập trong hoàn cảnh nhiễu nhương của các tổ chức đoàn thể và chùa viện Phật giáo tại Hải Ngoại trong suốt những thập niên qua. Hệ thống GĐPTVN ban đầu cũng đứng vào thế “thống nhất” của một hệ thống GHPGVN Thống Nhất đang lung lay chuyển mình trước những khuynh hướng phân hoá của Phật giáo Việt Nam nói chung ở Hải Ngoại. Nhưng càng về sau các tổ chức GĐPT theo đơn vị Chùa, Miền, Giáo Hội, Tăng Đoàn… đã hành xử theo hướng phụ thuộc vào đơn vị Chùa, Thầy hay Giáo Hội mình đang theo để buông tay “chìm xuồng” hay dính chùm với thực tại phân hóa tan tác của đơn vị “Mẹ”!

 

            Đề nghị một vai trò mới, thích hợp cho hệ thống GĐPTVN ở nước ngoài.

 

            Vấn đề Chính Danh cũng cần đặt ra như một tiền đề để làm căn bản giải quyết vấn đề sau này. Trước hết là vấn đề chính danh các tổ chức Giáo Hội.

 

Trước hết, cần có sự phân định rạch ròi giữa các hình thức và tổ chức:

-      Phật giáo: Nói chung là đạo Phật trên toàn thế giới, theo đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm giáo chủ. 

-           Phật giáo Việt NamLà đạo Phật từ Ấn Độ và Trung Quốc truyền vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch. (viết tắt PGVN – Vietnamese Buddhism).

-          Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất: Là một tổ chức của Tu sĩ và Tín đồ Phật giáo, do 11 giáo phái Phật giáo toàn Miền Nam Việt Nam chính thức thành lập năm 1964. (viết tắt GHPGVNTN -  The Unified Buddhist Sangha of Vietnam).

-          Giáo Hội Phật giáo Việt Nam: Là một tổ chức được chính quyền Việt Nam hỗ trợ một số tu sĩ và cư sĩ đừng ra thành lập từ ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ Hà Nội (Viết tắt GHPGVN - Vietnam Buddhist Sangha).

-          Đạo Phật Việt Nam: Là một danh xưng thuần tiếng Việt trong sáng nhưng chưa được sử dụng như một danh xưng chính thống cho toàn thể Phật giáo Việt Nam. Đây là một danh xưng hoàn toàn độc lập. Trừ trường hợp muốn đứng vào một trong hơn 22 tổ chức “giáo hội con” trong và ngoài nước hiện nay, bắt nguồn từ “Giáo hội Mẹ” là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, xin đề nghị sử dụng danh xưng “ĐẠO PHẬT VIỆT NAM” (ĐPVN) để độc lập phân biệt với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện đang bao gồm nhiều tổ chức, hệ phái Phật giáo và đồng thời đứng độc lập với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc trong cơ chế của chính quyền và đảng CSVN.

 

Đến đây, tưởng cũng nên phân biệt hai khái niệm riêng biệt nhưng thường bị hiểu như một: Đó là danh xưng PHẬT GIÁO và GIÁO HỘI.

 

Phật Giáo hay Đạo Phật là một thể thống nhất chưa từng phân hóa: Xưa nay, chỉ có một giáo chủ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tín lý là Tam Tạng Kinh Điển nhưng không hề “ly kinh nhất tự” trên cơ bản Tam Pháp Ấn mà Đức Phật đã ban truyền.

 

Trong khi đó, Giáo Hội Phật Giáo bao gồm nhiều khuynh hướng, pháp môn, bộ phái khác nhau là phương tiện truyền thừa khế hợp với nhiều hoàn cảnh địa lý, văn hóa và căn cơ đa nguyên, đa dạng của con người.

 

Trước những vấn đề cụ thể đang thách thức tổ chức giới Phật Tử trẻ Việt Nam ở Hải Ngoại trong thời đại mới mà tổ chức điển hình là hệ thống Gia Đình Phật Tử Việt Nam, cần phải được xác định những yêu cầu cần phải thực hiện ngay trước mắt:

 

  1. Tư cách pháp nhân: GĐPTVN không thể đứng ngoài hay tách rời với Đạo Phật Việt Nam; nhưng đồng thời không thể tiếp tục đứng trong lòng các tổ chức Chùa Viện hay Tăng Đoàn, Giáo Hội một cách phụ thuộc, tiêu cực như một tổ chức tập thể chỉ đóng vai trò trang trí, mua vui, hoạt náo của chùa viện như từ trước đến nay.
  2. Quyền lợi và trách nhiệm: GĐPTVN không thể là một tổ chức con em nhận ban phát từ chùa hay giáo hội mà là một đoàn thể vừa trong lòng, vừa bên cạnh chùa viện, giáo hội về quyền lợi cơ sở cũng như trách nhiệm đóng góp và xây dựng.
  3. Vai trò và vị thế: GĐPTVN có vai trò tích cực trong hạnh nguyện hộ trì Tam Bảo của Đạo Phật Việt Nam, tuyệt nhiên không đứng về phía phe phái hay trực thuộc Tăng Đoàn, Giáo Hội nào riêng biệt. Đứng đầu hệ thống lãnh đạo là một Ban Hướng Dẫn chung cho toàn miền và toàn các thành viên Tăng Đoàn, Giáo Hội của một Đạo Phật Việt Nam.

 

Điểm nhấn quan trọng nhất ở đây là vấn đề THOÁT NHÓM. Phải trở lại thời chỉ có một Ban Hướng Dẫn Trung Ương trên vị thế căn bản là quốc gia. Nhưng khi cần, thì tôn trọng và thực hành mô thức QUẢN LÝ HÀNG NGANG nếu sau nầy cần đến một hệ thống GĐPTVN đa quốc gia và thế giới.

 

“Đặt vấn đề” mới chỉ là đôi lời gợi ý ban đầu. Đặt vấn đề đúng và tận dụng được phương tiện xứng hợp mới mong giải quyết được vấn đề. Nhất là những vấn đề lớn lao như GĐPTVN và Đạo Phật Việt Nam thì cần phải đầu tư công sức, thời gian và sự tập hợp trí tuệ của nhiền bộ óc.

 

Kính chúc cuộc Hội Thảo về Gia Đình Phật Tử và Giáo Hội tìm ra được những giải pháp hữu hiệu khai thông cho tình hình đang còn nhiều nhu cầu trước mắt chưa kịp thời đáp ứng như hiện nay.   

 

Sacramento, December 4, 2019

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]