Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Biên Niên Sử Giới Đàn Tăng Việt Nam Thế kỷ XX (Biên soạn: TK Thích Đồng Bổn)

10/12/201908:08(Xem: 6769)
Biên Niên Sử Giới Đàn Tăng Việt Nam Thế kỷ XX (Biên soạn: TK Thích Đồng Bổn)
Bien Nien Su Gioi Dan Tang Viet Nam


VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
Tỳ Kheo THÍCH ĐỒNG BỔN
Biên soạn

 Biên niên sử

 GIỚI ĐÀN TĂNG VIỆT NAM
THẾ KỶ XX

 NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO

PL. 2553 – DL. 2009

 

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

 

Tìm hiểu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, tất nhiên không thể không căn cứ vào sự kiện giới đàn như là chứng nhân cụ thể của mốc thời gian ấy.

Đề án biên soạn quyển sử về giới đàn này, nằm trong tổng thể công trình biên soạn bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, mà Viện Nghiên cứu Phật học đã chủ trương và Ban Phật Giáo Việt Nam thực hiện.

Tác giả Thích Đồng Bổn đã để tâm nhiều năm sưu tầm biên soạn, hệ thống lại những sự kiện giới đàn trong cả nước, mặc dù chưa thể đầy đủ được tư liệu, bởi thời gian khá xa không lưu lại gì nhiều, nhưng cũng đáng trân trọng qua những tư liệu mà tác giả đã sưu khảo được trong quyển sách này về một thế kỷ đã qua.

Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam xin giới thiệu đến chư tôn đức, đọc giả tác phẩm biên soạn về lịch sử giới đàn này, để chúng ta có thêm tư liệu trong nghiên cứu, giảng dạy và làm căn cứ chuẩn mực khi tìm hiểu về lịch sử tiền nhân, cũng như mong được phản hồi bổ sung những thiếu sót để dần hoàn chỉnh hơn về mặt chứng cứ tư liệu.

 

       Tp. Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 08 năm 2009

Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam

               Hòa thượng THÍCH TRÍ QUẢNG

 

 



TRI ÂN CÔNG ĐỨC

 

          Quyển sách này được hoàn thành, xin tri ân sự góp ý hiệu đính, cộng tác sưu khảo, cung cấp tư liệu của:

Hòa thượng Thích Hiển Tu

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Hòa thượng Thích Minh Thông

Hòa thương Thích Thiện Nhơn

Hòa thượng Thích Phước Sơn

Hòa thượng Thích Giác Toàn

Hòa thượng Thích Hải Ấn

Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm

Thượng tọa Thích Thanh Giác

Thượng tọa Thích Thanh Ninh

Thượng tọa Thích Trung Phú

Đại đức Thích Hoằng Dự

Đại đức Thích Đồng Văn

Đại đức Thích Vân Phong

Đại đức Thích Phước Triều

Đại đức Thích Phước Nhân

Tiến sĩ Nguyễn Đại Đồng

Cư sĩ Duy Hiền

Cư sĩ Minh Ngọc

Cư sĩ Chính Trung

Cư sĩ Tánh Thuần

Cty Văn hóa Phát Quang

Tác giả xin trân trọng tri ân công đức chư tôn đức và quí vị.


 
LỜI NÓI ĐẦU

 

 

Sự kiện một Giới đàn, một Trường kỳ được mở ra,  mang một ý nghĩa trọng đại và thiêng liêng trong sinh hoạt của Phật giáo. Giới đàn là biểu tượng “Tục Phật huệ mạng”, là nối truyền tương tục mạng mạch Phật pháp cho thế hệ kế thừa. Giới đàn còn mang ý nghĩa chứng nhận sự trưởng thành của một thế hệ tu sĩ đã đầy đủ điều kiện và năng lực trở thành một vị Tỳ kheo, một Sứ giả Như Lai,  nương thừa sự nghiệp truyền bá chánh pháp để lợi lạc quần sanh như hạnh nguyện của người xuất gia tu Phật.

Mặt khác, Giới đàn  là mốc cơ bản cho thấy nhịp sống Phật giáo đang được tương tục. Số lượng giới đàn trong từng năm là chỉ số cho biết thực trạng sinh hoạt của Phật giáo trong mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh lịch sử. Trong những giai đoạn lịch sử Việt Nam đi vào những khúc quanh, thì đời sống của Phật giáo nước nhà cũng lâm vào những khúc quanh như thế, tưởng chừng như mạch sống của Phật giáo bị gián đoạn. Thế nhưng, nếu giới đàn được khai mở, thì ta thấy như rằng đời sống Phật giáo vẫn tiếp tục dòng chảy, dẫu cho thời thế có biến động, để làm an tịnh lòng người và là lối thoát của những bế tắc tâm linh, xã hội.

Công trình sưu khảo này là một chứng minh, nhìn vào nếp sống của giới đàn mỗi năm, chúng ta như thấy được những biến động lịch sử lưu dấu trong một thế kỷ trôi qua. Tuy rằng lịch sử có nhiều biến động, nhưng không năm nào mà không có giới đàn, cũng như khí thiêng đất nước dân tộc, vẫn âm thầm sức sống tương tục một tinh thần Việt không đứt đoạn, chỉ khác nhau là nhiều hay ít trong sự tương tục ấy mà thôi.

Biên soạn công trình này, người viết muốn nêu lên một thông điệp: Giới đàn chính là những cột mốc giúp chúng ta nhận định được toàn cảnh sinh hoạt Phật giáo và tìm hiểu về cội gốc truyền thừa qua từng sự kiện, từng nhân vật, dù đó là giới tử, giới sư hay Hòa thượng đàn đầu từ các giới đàn đã ghi chép lại.

Quyển sách này được cấu trúc theo hình thái biên niên sử để đọc giả tiện bề tra cứu, và cũng để theo dõi mạch sống của Tăng đoàn qua suốt thời gian thế kỷ 20. Việc công bố một công trình chưa hoàn bị này, chính vì tác giả mong muốn nhận được những góp ý bổ sung, những phát hiện mới mà việc biên soạn còn thiếu sót. Vì rằng, một cá nhân thực hiện thì khó tránh khỏi mắc phải lỗi lầm, bởi chưa thể đi đến hết các nơi chốn diễn ra giới đàn để sưu khảo.

Sau nhiều năm xếp lại, ngần ngại sợ rằng việc sưu khảo của mình chưa đến đầu đũa đối với lịch sử giới đàn của cả một thế kỷ, nhưng nay xin được lượng cả của chư tôn đức cho tác giả sám hối ra mắt mong nhận được chỉ giáo thêm, để cho lần in tới công trình biên niên sử này sẽ hoàn thiện hơn, hầu góp phần nhỏ nhoi vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam phục vụ đạo pháp và nhân sinh.

Chùa Xá Lợi, mùa an cư kiết hạ PL 2553-2009

Tác giả cẩn bút

Tỳ kheo Thích Đồng Bổn

 

 

 

 

 

 

 

NỘI DUNG

 

 

- Lời nói đầu                                                                  5

PHẦN I:  Giải thích & thống kê                                         11

- Thuyết minh về thuật ngữ                                          13

I. Các loại giới đàn                                            13

II. Giới sư                                                         17

III.Giới tử                                                         21

- Tổng quát một thế kỷ giới đàn                                   24

I. Lược khảo thống kê                                       24

II. Bản liệt kê tổng số                                        27

PHẦN II: Biên niên sử                                                       31

PHẦN III: Phụ lục – Tiêu bản                                         269

- Thư mục tham khảo                                                 293



 

PHẦN I

 

GIẢI THÍCH &
THỐNG KÊ

THUYẾT MINH VỀ THUẬT NGỮ

 

I. Các loại giới đàn

Giới đàn là một nghi lễ để truyền trao giới pháp cho các giới tử là những người xuất gia theo đạo Phật. Để thành tựu được một giới đàn, phải có đủ 3 yếu tố: Tam sư, thất chứng và giới tử.

a. Tam sư: Hòa thượng, Yết ma A xà lê, Giáo thọ A xà lê.

b. Thất chứng: là 7 vị tôn túc đồng chứng minh cho việc thọ giới.

c. Giới tử: là người xin thọ giới Sa di, Tỳ kheo được nhận giới pháp. Giới tử đắc giới phải đủ 3 yếu tố:

- Đàn tràng trang nghiêm.

- Giới sư thanh tịnh

- Giới tử chí thành.

Có 2 loại giới đàn là Tiểu giới đànĐại giới đàn.

1) Tiểu giới đàn 

Là đàn giới dành cho giới tử đã cạo tóc xuất gia được thọ giới pháp Sa di, là 10 giới căn bản của người tập sự dự vào dòng thánh sẽ làm vị Như lai sứ giả. Đối với Nam truyền Phật giáo, khi một giới tử được bổn sư cho phép cạo tóc, tức là được thọ giới Sa di, nên giới đàn này ở Nam truyền Phật giáo thì gọi là Đàn giới xuất gia.

Đối với Bắc truyền Phật giáo, sau khi cạo tóc rồi, giới tử cần phải trải qua thời gian tập sự hành đạo tối thiểu từ 1 đến 2 năm hoặc hơn nữa, đến khi nào vị bổn sư thấy rằng người xuất gia này có tư chất và quyết chí tu học, lúc ấy vị thầy mới cho phép giới tử được thọ giới Sa di tại một Đàn giới xuất gia của Bắc truyền Phật giáo.

Như vậy, Tiểu giới đàn có tên gọi chung cho Nam và Bắc truyền Phật giáo trong việc thọ giới pháp Sa di. Nay trong sách này, tác giả xin được gọi thống nhất là: Đàn giới xuất gia.

2) Đại giới đàn

Là đàn giới mở ra cho các giới tử được thọ cụ túc giới, tức giới pháp Tỳ kheo, gồm có 250 giới cho bên Tăng và 348 giới cho bên Ni. Ở Nam truyền Phật giáo, đàn giới cụ túc chỉ cho phép các giới tử Sa di đã đủ đạo hạnh được thọ giới pháp Tỳ kheo để tiến lên là bậc “nhân thiên chi đạo sư”, không có truyền giới cho bên Ni chúng. Đại giới đàn ở Bắc truyền Phật giáo lại có nghĩa khác, bao gồm cả bốn chúng được thọ giới như: giới Sa di, giới Tỳ kheo,  giới Bồ tát cho người xuất gia bên Tăng chúng;  giới Sa di ni, giới Thức xoa ma na, giới Tỳ kheo ni, giới Bồ tát cho người xuất gia bên Ni chúng. Đại giới đàn còn truyền trao thêm giới Bồ tát, giới Thập thiện cho hàng nam nữ cư sĩ Phật tử. Chính vì sự đa dạng rộng rãi ấy nên gọi là Đại giới đàn.

3) Đàn giới pháp

Theo cách thọ giới của Phật giáo miền Bắc, đàn thọ cụ túc giới thì gọi là  Đàn giới pháp. Trong khuôn khổ sách này chuyên biệt về giới đàn Tăng, nên từ ngữ đàn thọ Cụ túc giới, Tỳ kheo giới hay Đại giới đàn sẽ có ý nghĩa là Đàn giới pháp. Hán tạng gọi đàn giới pháp là “Tuyển Phật Trường”.

Từ ngữ Đàn giới pháp này sẽ dùng chung cho các hệ Nam truyền, Bắc truyền, Khất sĩ và cả ba miền đất nước Bắc Trung Nam.

4) Trường hương

Là cách gọi khác của khóa An cư kiết hạ hay Trường hạ hiện nay. Trường hương được dùng trong các khóa an cư xưa kia ở Trung va Nam bộ. Hiện nay danh từ này chỉ còn dùng tại các khóa hạ cổ truyền nơi các sơn môn, tổ đình.

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn giải thích: “Trường: là chỗ đất rộng; Hương: thơm. Trường hương cũng kêu là Nhập hạ, kết hạ, an cư. Ấy là một pháp hội, chư tu hành tựu nhau lại trong ba tháng mưa mùa hạ (16 tháng tư đến 15 tháng bảy) mà tham cứu về ba sở học: Giới, Định, Huệ về ba tạng: Kinh, Luật, Luận([1]).

Trường hương còn có nghĩa vùng, làng; là nơi tựu về của giới xuất gia để đồng tu, đồng học, đồng thi những khả năng ứng phú, vấn biện.

Trường hương hay Hạ cổ truyền thì lấy Bách Trượng thanh quy làm điều luật qui tắc. Trường hạ ngày nay thì lấy Yết ma chỉ nam làm điều luật qui tắc. Hai sách luật có những giới điều giống nhau, nhưng có những luật điều sinh hoạt hoàn toàn khác nhau.

5) Trường kỳ giới đàn

Thường ngày xưa thì cuối mỗi Trường hương thường có mở Trường kỳ, một kỳ được mở ra trong 3 ngày, là nơi sát hạch giới tử để họ được thọ giới bậc cao hơn, cũng là nơi để cung cử và suy tôn phẩm vị chức danh trong hàng tôn đức Phật giáo.

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn, thì Trường kỳ còn có nghĩa: “Trường: là chỗ đất rộng rãi, bằng phẳng, chỗ nhiều người tụ tập. Kỳ: cầu phước”. Theo chúng tôi, nghĩa này phải hiểu là “cầu giới”, “cầu phong phẩm vị” thì mới đủ nghĩa.

6) Chúc thọ giới đàn

Là một tên khác của Trường kỳ, có khác chăng là Trường kỳ này mở ra không nhằm lúc Trường hương. Chúc thọ giới đàn được mở ra trong một lễ hội đã định trước, mục đích là tổ chức trai đàn cầu an chúc thọ cho một vị nào đó, lễ này có cung thỉnh đầy đủ chư tôn đức giáo phẩm chứng minh chú nguyện, nhân đó khai giới đàn để thí giới cho các giới tử xuất gia và tại gia cần cầu giới pháp.

Ngoài ra, Chúc thọ giới đàn còn do hàng môn nhơn cầu thỉnh chư tôn đức đến để tụng kinh, bái sám, làm lễ chúc thọ và suy tôn một bậc trưởng lão nào đó lên ngôi vị Hòa thượng hay Chứng minh, sau đó là đàn thí giới pháp.

7) Phương trượng giới đàn

Là giới đàn nội bộ, thường thì do thầy bổn sư truyền cho đệ tử để tu học. Giới đàn này thường chỉ có 5 vị, một vị làm Hòa thượng, 2 vị làm A xà lê (Yết ma và Giáo thọ), 2 vị làm tôn chứng. Phương trượng giới đàn là cách gọi khác của một giới đàn ở nơi biên địa, không đủ Tam sư thất chứng, nhưng phải hội đủ Tam sư nhị chứng như trong Giới Đàn Tăng đã nói về mục này.

Phương trượng giới đàn còn được tổ chức trong các lễ giỗ kỵ, khi có đông chư tăng ni về tham dự và sẳn dịp đó tổ chức giới đàn trong đêm cho các đệ tử môn nhân của mình. Vì là Giới đàn nội bộ nên không có giới điệp xác nhận.

Theo luật, thì Phương trượng giới đàn chỉ cho những người thọ để có giới mà tu, không được hoạt động tôn giáo. Thường thì giới tử phải thọ lại từ một giới đàn chính thức do tăng đoàn hay giáo hội mở ra mới được cấp giới điệp.

Giới đàn phương trượng chỉ có giá trị với những người thọ để tu, hoặc những vị không đủ điều kiện thọ giới chính thức tại các đại giới đàn.

II. Giới sư

8) Đàn đầu giới sư

Là Truyền giới Hòa thượng, cũng gọi là Đắc giới Hòa thượng, Giới sư Hòa thượng, Giới Hòa thượng… là vị đứng đầu trong Tam sư thất chứng, có năng lực truyền giới thể cho giới tử nương thừa giới đức của Hòa thượng mà đắc giới.

Theo Luận Tứ Phần, Truyền giới Hòa thượng phải do vị Tỳ kheo từ 10 hạ trở lên đảm nhận. Nhưng theo giới Đại thừa thì từ tôn tượng đức Phật hoặc Bồ tát, cho đến phàm tăng có đầy đủ 5 đức đều được làm Giới sư Hòa thượng. 5 đức là:

1. Kiên trì tịnh giới

2. Đủ 10 tuổi hạ

3. Thông hiểu luật tạng

4. Thông đạt thiền tư

5. Trí huệ sâu xa

Ở Nhật Bản, Giới Hòa thượng còn gọi là Lâm đàn giới sư, Đăng đàn giới sư. Còn trong Giới Đại thừa viên đốn của tông Thiên Thai truyền tại Nhật Bản, có thể không cần có Tam sư thất chứng mà tôn trí tượng Phật Thích Ca làm Giới Hòa thượng và chỉ thỉnh một vị sư gọi là Truyền giới sư.([2])

Ở Việt Nam thì gọi là Đường đầu Hòa thượng, Đàn đầu Hòa thượng. Trong  sách này thống nhất gọi là Đàn đầu Hòa thượng.

9) Tuyên Luật sư

Thường thì trong các Đại giới đàn mới có phẩm vị này. Để đảm bảo rằng giới đàn sẽ được tổ chức đúng như luật như pháp, ban kiến đàn (ban tổ chức) sẽ cung thỉnh thêm mội vị chuyên về Luật tạng vào vị trí  gọi là Tuyên Luật sư. Vị trí này tương đương trong Tam sư, nhưng không thấy có chỗ ngồi trong giới đàn.

Tuyên Luật sư có nhiệm vụ Khai đạo giới tử, tức là một công việc huấn thị cho các giới tử trước khi sát hạch thọ giới. Tuyên Luật sư còn là vị ra đề thi tuyển trạch, là người có quyền xét duyệt các trường hợp được hay không được thọ giới.

Nói chung, vị trí của Tuyên Luật sư là giám luật, xem xét các giới tràng trong đại giới đàn có đúng như luật như pháp chưa. Vị Tuyên Luật sư còn thay thế cho Hòa thượng đàn đầu để truyền giới cho giới tử, khi vị Hòa thượng mỏi mệt hoặc vắng mặt.

Trong sách Giới Đàn Tăng không thấy nhắc đến chức vị này, vì không nằm trong Thập sư. Trong các Từ điển Phật học cũng không thấy có danh từ này. Chúng tôi nghĩ, đây là một chức vị một phần nằm trong Ban kiến đàn, một phần nằm trong Ban thập sư, có thể thay thế cho Hòa thượng đàn đầu truyền trao giới pháp cho giới tử.

10) Yết ma A xà lê

Còn gọi là Yết ma sư, là vị Xà lê y luật xướng ngôn tác pháp yết ma, để được sự nhất trí đồng thuận, đúng như pháp sự thành của Thập sư.

Yết ma vị, là phẩm vị thứ 2 trong Tam sư, đứng sau Hòa thượng vị, là ngôi vị không thể thiếu trong một đàn giới pháp.

Theo Giới Đàn Tăng, người nào trong ngôi vị Tam sư đều phải thanh tịnh và có ít nhất 10 tuổi hạ trở lên([3])

11) Giáo thọ A xà lê

Còn gọi là Giáo thọ sư, là vị Xà lê y pháp hướng dẫn giới tử tác bạch cầu giới trong giới đàn. Giáo thọ sư còn có nhiệm vụ thay Tăng kiểm tra tiêu chuẩn giới tử thọ giới, hướng dẫn giới tử ra chỗ mắt thấy tai không nghe trong giới tràng để vấn nạn bằng các câu hỏi theo luật định. Chỉ khi nào giới tử trả lời được các vấn nạn ấy, thì vị Giáo thọ mới dẫn giới tử vào đàn truyền giới để tác bạch cầu giới.

Một giới đàn có đông giới tử, thì có thể cung thỉnh 2 vị làm Yết ma sư và 2 vị làm Giáo thọ sư hoặc hơn thế nữa. Lúc ấy thì một Giáo thọ sư sẽ phụ trách vấn nạn, một Giáo thọ sư sẽ phụ trách bạch thỉnh.

12) Tôn chứng sư

Là 7 vị Tôn chứng sư. Giới Đàn Tăng quy định, các vị Tôn chứng sư phải có ít nhất là 5 tuổi hạ trở lên thì mới được làm tôn chứng trong ban Thập sư.

Nhiệm vụ của các vị Tôn chứng là tác pháp Yết ma đồng thuận (sự thành), lắng nghe lời bạch của vị Yết ma su, Giáo thọ sư, giới tử mà tác pháp sự thành cho giới tử được đắc giới.

13) Đàn chủ sư

Là chú Trưởng ban kiến đàn, tức là trưởng ban tổ chức giới đàn. Đàn chủ có nhiệm vụ cung thỉnh Thập sư, cấp phát giới điệp sau khi giới tử được thọ giới.

Đàn chủ còn có nhiệm vụ chu tất các khâu tổ chức gho giới tử và Thập sư được viên mãn. Vì thế nên công đức của Đàn chủ rất to lớn mà tất cả giới tử được thọ giới phải lễ tạ ghi nhớ. Ở trường hạ cổ (Trường hương), vị trí Chủ hương tức là Đàn chủ.

14) Chứng minh sư

Chức vị Chứng minh này không có trong luật định giới đàn. Nhưng do vị trí trưởng lão trong hàng giáo phẩm mà các vị không ở trong Thập sư truyền giới, nên được ban kiến đàn cung thỉnh làm Chứng minh vị, một chức vị mang tính chất biểu tượng danh dự cho giới đàn.

Các giới đàn ngày nay thì rất ít có Chứng minh vị, thường thấy chức vị này trong các Trường hương , Trường kỳ mà thôi.

III. Giới tử

15) Giới tử Sa di

Sa di là giới của người tập sự xuất gia. Sa di có 10 điều khoản và 24 oai nghi. Khi được thọ giới Sa di, tức là được dự vào dòng Thích tử, từ đây người Sa di đã được mang họ Thích trước pháp danh của mình, mặc dù chưa chính thức là một thành phần của Tăng già.

Sau khi thọ giới, vị Sa di được mặc pháp y gọi là Ca sa, Tàu dịch là Hoại sắc y, cũng gọi là Giải thoát phục. Y này không có những điều y ngang dọc, chỉ là một tấm Ca sa trơn gọi là Man y, tượng trưng cho sự trong sáng và còn phải học hỏi tu tập nhiều hơn nên chưa có ruộng phước (điều y).

16) Giới tử Tỳ kheo

Sau khi thọ giới, người Sa di phải gia hạnh tinh tấn rất nhiều để chuẩn bị cho việc đủ điều kiện “vượt vũ môn” đăng đàn thọ cụ túc giới. Tiếng Phạn gọi là Upasampàda, Tàu dịch là Cận viên. Upasampàda theo nghĩa thường dùng nhất, được hiểu là sự thành tựu trọn vẹn, cũng có khi được hiểu là bước lên chỗ cao.

Giới Tỳ kheo sở dĩ được gọi là cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn mẫu mực đời sống của một Thánh giả A la hán.. Trong khi tất cả các loại giới khác của Thanh văn không được gọi là cụ túc, vì chúng chỉ mô phỏng một phần nhỏ đời sống cao thượng của A la hán([4])

Giới Tỳ kheo có tất cả 250 điều khoản, phải được thọ trước Thập sư và trải qua pháp tứ yết ma (1 lần bạch, 3 lần yết ma) mới đắc giới

17) Giới tử Bồ tát

Giới Bồ tát được gọi là Tâm giới, giới Tỳ kheo thì gọi là Tướng giới. Giới Tỳ kheo thì thọ trước Thập sư, còn giới Bồ tát thì thọ trước Phật, hay nói cách khác, đức Phật là Hòa thượng đàn đầu truyền giới.

Giới này không phân biệt tại gia hay xuất gia, mà chỉ cần phát tâm nguyện dõng mãnh thực hành lợi ích hữu tình như Bồ tát hạnh thì đều có thề thọ giới.

Giới Bồ tát có 10 điều căn bản và 48 điều phụ. Một lần thọ rồi thì không bao giờ mất, nếu không giữ được thì giới sẽ bị lu mờ, vì thế nên không có xả giới hay mất giới trong trọn đời sống của hành giả.

Giới Bồ tát là giới cộng thêm của người thọ giới Tỳ kheo theo Phật giáo Bắc truyền, còn Nam truyền Phật giáo thì không có giới này, vì thế không bắt buộc một vị Tỳ kheo phải thọ.

18) Giới điệp

Khi giới tử thọ giới xong, ban tổ chức giới đàn sẽ cấp cho giới tử một giới điệp, là bằng chứng ngày tháng ấy giới tử đã được thọ giới với Hòa thượng… và ban Thập sư. Giới điệp này do Đàn chủ giới đàn ấn chứng và cấp phát.

Giới điệp thì không có chữ ký của Thập sư, mà chỉ ấn triện hoặc thủ ấn của giới sư (con dấu riêng). Trong nhiều trường hợp, giới điệp chỉ có tên của Thập sư và  tên giới tử, không có ấn triện, ngoại trừ Đàn chủ ký cấp.

Giới điệp là chứng từ không thể thiếu trong cuộc đời của một vị Tỳ kheo. Trên cơ sở giới điệp thọ giới này, vị Tỳ kheo sẽ được để tính tuổi hạ và làm chứng minh thư tu sĩ (giấy chứng nhận tăng ni) cũng như các loại giấy tờ khác trong cuộc đời. Các loại giấy tờ khác khi mất thì có thể làm lại hoặc gia hạn, còn giới điệp chỉ được cấp một lần duy nhất, như giấy khai sinh, không có cấp lại, vì giới đàn xong thì ban kiến đàn cũng giải thể luôn (không thể trích lục như giấy khai sinh).


 

 

TỔNG QUÁT MỘT THẾ KỶ GIỚI ĐÀN

 

 

I. Lược khảo thống kê

Như trên đã thuyết minh, để thành tựu một giới đàn, cần phải hội đủ 3 yếu tố: Đàn đầu, Giới sư và Giới tử. Từ đây sẽ hình thành 3 vị trí mà chứng tích là danh xưng pháp hiệu của các nhân vật đã có mặt để làm trọn chức năng của mình trong vị trí ấy. Đó là lịch sử đã được ghi chép lại của một giới đàn.

Thế kỷ 20, có thể nói là thế kỷ của đầy những sôi động và biến cố của lịch sử Việt Nam , trong ấy Phật giáo cũng là một trong những đối tượng nằm trong vòng xoáy lịch sử của dân tộc. Chúng ta có thể dễ dàng nghiên cứu điều này qua lịch sử giới đàn, đó là mạch sống, là sinh hoạt thực tiễn của Phật giáo Việt Nam, cùng thăng trầm theo những bước ngoặt của đất nước.

Khi vận hội đất nước thuận lợi phát triển, thì số lượng giới đàn được mở ra rầm rộ, chứng tỏ có nhiều người bước vào cửa thiền tu học, lúc ấy là nền móng đạo đức xã hội được phát triển. Nhưng khi đất nước gặp thời kỳ đen tối, thì việc tổ chức giới đàn cũng bị khó khăn, chứng tỏ nền đạo đức tâm linh cũng đang bị bóng mây vô minh che khuất ít nhiều. Tuy nhiên, ta thấy trải qua suốt 100 năm của thế kỷ 20, thì không năm nào mà giới đàn không được mở ra, đó là sự  minh chứng cho sức sống tâm linh, đạo đức phong hóa nước nhà vẫn luôn có nhịp sống tương tục, dù khi ấy dân tộc đang bị lầm than bởi ngoại xâm, bởi phong kiến, thực dân, đế quốc...

Tổng số giới đàn trong một thế kỷ theo như tác giả ghi nhận được qua bản liệt kê dưới đây là:

- Tổng số                                      806

- Có đầy đủ 3 vị trí (yếu tố)           319

- Có tìm được 2 vị trí                    293

- Chỉ biết được 1 vị trí                   194

Số bình quân của mỗi năm: 7-8 giới đàn.

Năm có số giới đàn cao nhất (10 trở lên):

1. Năm 1938                  19

 

2. Năm 1934                  17

3. Năm 1935                  17

4. Năm 1970                  17

 

5. Năm 1940                  16

6. Năm 1941                  16

7. Năm 1966                  16

6. Năm 1968                  16

7. Năm 1972                  16

                  

8. Năm 1961                  14

9. Năm 1933                  13

10. Năm 1939                13

11. Năm 1965                13

12. Năm 1950                12

13. Năm 1954                12

14. Năm 1957                12

15. Năm 1962                12

16. Năm 2000                12

 

17. Năm 1937                11

18. Năm 1942                11

19. Năm 1943                11

20. Năm 1944                11

21. Năm 1951                11

22. Năm 1999                11

Ở những chặng đường Phật giáo hanh thông và người tu phát triển, ta thấy giới đàn được tổ chức rầm rộ, cụ thể các năm cao nhất nằm trong 3 giai đoạn thịnh vượng ấy. Qua phác đồ liệt kê, ta thấy rõ những cao trào giới đàn đều nằm trong các phân đoạn lịch sử sau :

a) giai đoạn 1933-1945    (phong trào chấn hưng)

b) giai đoạn 1951-1970    (phong trào đa giáo phái)

c) giai đoạn 1975-2000    (phong trào thống nhất)

Trên đây là sự nhận định của tác giả chỉ có tính chất cá nhân khi làm thống kê về giới đàn suốt chặng đường một thế kỷ.

Hy vong rằng, những tư liệu này sẽ là cơ sở giúp ích chư tôn đức muốn tìm lại những dấu ấn của thầy tổ mình, hoặc biên soạn những hành trạng chư vị tiền nhân và cũng để các nhà nghiên cứu, chư tăng ni sinh các trường Phật học tìm hiểu về mảng hoạt động của giới xuất gia trong lịch sử của đạo Phật Việt Nam.



([1]) Phật học từ điển: tập III: Đoàn Trung Còn: tr. 1378 : Phật học tùng thơ xb : Sài Gòn: 1968

([2])  Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: tập II: 1716: Thích Minh Cảnh chủ biên: NXB Tổng Hợp Tp. HCM: 2003

([3])  Theo Giới Đàn Tăng : HT. Thích Thiện Hòa: tr. 75: nxb Tôn Giáo: Tp. HCM: 2006.

([4]) Theo Luật Tỳ kheo : HT Thích Trí Thủ, tiết 2 : tr 104 : Sở VHTT Tp. Hồ Chí Minh xb 1991.

pdf-icon
Biên Niên Sử Giới Đàn Tăng Việt Nam Thế kỷ XX



***

Chân thành cảm ơn HT. Thích Đồng Bổn
đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức phiên bản điện tử tập sách này.
Melbourne 10/12/2019.
Nam Mô A Di Đà Phật
TM. Ban Biên Tập
TK Thích Nguyên Tạng


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]