Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 06. Lợi Lạc Cho Mình và Lợi Lạc Cho Người Khác

03/12/201806:27(Xem: 6140)
Chương 06. Lợi Lạc Cho Mình và Lợi Lạc Cho Người Khác

VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM

 

 

LỜI PHẬT DẠY

VỀ SỰ HÒA HỢP TRONG

CỘNG ĐỒNG VÀ XÃ HỘI

HỢP TUYỂN TỪ KINH TẠNG PĀLI

 

The Buddha’s Teachings on Social

and Communal Harmony

An Anthology of Discourses from the Pāli Canon

 

by

BHIKKHU BODHI

Wisdom Publications 2016

Việt dịch:

Nguyên Nhật Trần Như Mai

NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC

 

 

 

 

VI. LỢI LẠC CHO MÌNH

và  LỢI LẠC CHO NGƯỜI  KHÁC

 

Chương VI. LỢI LẠC CHO MÌNH và LỢI LẠC CHO 
                    NGƯỜI KHÁC - Giới thiệu................................................. 155

VI. LỢI LẠC CHO MÌNHvà LỢI LẠC CHO NGƯỜI KHÁC.. 158

1. NGƯỜI NGU và NGƯỜI TRÍ 158

2. NGƯỜI BẤT CHÁNH và NGƯỜI CHƠN CHÁNH.. 159

3. GỐC RỄ CỦA TỔN HẠI và LỢI LẠC CHO MÌNH và CHO
    NGƯỜI KHÁC.. 163

4. BỐN HẠNG NGƯỜI TRONG ĐỜI 164

(1) Hạng người tối thắng. 164

(2) Đoạn trừ tham dục, sân hận và si Mm.. 165

(3) Năm quy luật tu học. 167

5. TỶ-KHEO.. 168

6. CƯ SĨ / PHẬT TỬ TẠI GIA.. 169

7. BẬC ĐẠI TRÍ TUỆ........................................................................ 169

 

 

 

 

 

GIỚI  THIỆU

 

 

Trong Chương VI, chúng ta bước qua giới hạn của tình bạn song phương để xem kinh điển của Phật Giáo Nguyên Thủy dạy như thế nào về những mối quan hệ giữa cá nhân và những người trong phạm vi có ảnh hưởng với họ. Vì Đức Phật trước tiên giảng dạy cho tăng chúng, các bài kinh cũng ưu tiên nói về những quan tâm của tăng chúng, nhưng ngay cả những bài kinh ấy cũng bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn. Trong bài tuyển chọn đầu tiên, Kinh Văn VI, 1, trình bày sự trái ngược giữa người ngu và người trí, khẳng định rằng người ngu – được phân biệt qua các hành động bất thiện về thân, khẩu và ý – là nguyên nhân của mọi tai họa và bất hạnh, trong lúc người trí – được phân biệt qua các hành động thiện lành về thân, khẩu và ý – không đem lại tai họa hay bất hạnh nào. Kinh Văn VI, 2, tiếp tục theo cùng một đường lối, nhưng lại phân biệt sự khác nhau giữa người ác và người thiện trên cơ sở của một số tiêu chuẩn rộng lớn hơn, đề cập rõ ràng những tác động của họ đối với người khác.  Các tiêu chuẩn gồm có phẩm hạnh bẩm sinh ( có thể xem như cá tính), thầy giáo và bạn bè của họ, những quyết định của họ, phương cách họ khuyên bảo người khác, lời nói, hành động, quan điểm, và cung cách bố thí của họ.

Rất nhiều bài kinh trước đây đã nói về tham, sân và si như là gốc rễ của các hành động bất thiện, và vô tham, vô sân và vô si là gốc rễ của các hành động thiện lành.  Kinh Văn VI, 3, trong một cuộc đối thoại với một người Bà-la-môn, Đức Phật đã nói về mối tương quan này một cách đặc thù hơn. Ngài giải thích rằng một người làm những hành động hại mình, hại người, và hại cả hai do bị tham sân si chi phối, và một lần nữa Ngài dạy rằng đó chính là động cơ nằm bên dưới các hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Hơn nữa, một người mà tâm bị chi phối bởi các tâm hành bất thiện ấy thậm chí không thể phân biệt được những gì là bất thiện và những gì là thiện, nên cũng không thể hành động đúng đắn. Tuy nhiên, khi tham sân si được diệt trừ, thì con người mới có thể thực hiện được những phân biệt đạo đức cần thiết và hành động vì lợi lạc cho chính mình và cho người khác.

Kinh Văn VI, 4,(1)  phân biệt bốn hạng người dựa trên cơ sở những việc làm của họ (1) lợi mình nhưng không lợi người, (2) lợi người nhưng không lợi mình, (3) không lợi mình cũng không lợi người, (4)vừa lợi mình vừa lợi người. Đức Phật đã khen ngợi hạng người hành động vì lợi lạc cả hai như là “ hạng người dẫn đầu, tốt nhất, nổi bật nhất, tối cao và đức hạnh nhất trong bốn hạng người nêu trên.” Có vẻ lạ lùng khi Ngài xếp hạng người hành động lợi mình nhưng không lợi người đứng trên hạng người hành động lợi người nhưng không lợi mình, điều này có vẻ như  trực tiếp trái  ngược với cách diễn dịch của lý tưởng Bồ-tát.

Lý do của sự xếp hạng này xuất hiện trong Kinh Văn VI, 4 (2), và VI, 4 (3), trong đó mô tả chi tiết bốn hạng người này trong mối tương quan của họ với việc loại trừ tham dục, sân hận, si mê và việc giữ gìn năm giới. Kinh trình bày cho chúng ta thấy rằng hạng người không quan tâm đến lợi lạc của chính bản thân mình  là hạng người không có nỗ lực diệt trừ tham sân si, và cũng không giữ gìn năm giới. Vì hạng người này sẽ tiếp tục hành động trong vòng ràng buộc của phiền não cấu uế và dấn thân vào các hành động bất thiện, cho dù họ có bộc lộ những ý định tốt đẹp, cuối cùng hành động của họ cũng sẽ đem lại tai hại cho người khác.

Hai phần tiếp theo trong Chương này, Kinh Văn VI, 5 và VI, 6 giải thích liên quan đến trường hợp  Tỷ-kheo và cư sĩ , bằng cách nào  vị Tỷ-kheo làm lợi lạc cho chính mình và lợi lạc cho người khác. Cả hai phần đều liên kết ý tưởng  “làm lợi lạc cho người khác” với việc chỉ dạy và hướng dẫn người khác theo Chánh Pháp. Cuối cùng, trong Kinh Văn VI, 7 , Đức Phật tuyên bố  rằng bậc đại trí tuệ là người nghĩ đến “ lợi mình, lợi người, lợi cả hai, và lợi lạc cho toàn thế giới.” Những bài kinh như kiểu này chắc chắn chứng tỏ rằng quan điểm vị tha đã được thể nhập vào Phật Giáo Nguyên Thủy, và Phật giáo Đại Thừa chỉ nhấn mạnh nhiều hơn đối với thái độ vi tha này, có lẽ để phản ứng lại với các khuynh hướng thoái hóa xuất hiện trong một số trường phái được phát triển từ  giáo lý của Đức Phật  trong thời kỳ đầu tiên.

 

 

 

 

 

 

VI. LỢI LẠC CHO MÌNH

và  LỢI LẠC CHO NGƯỜI  KHÁC

 

 

1. NGƯỜI NGU và NGƯỜI TRÍ

 

“Này các Tỷ-kheo, người nào sở hữu ba tính cách này được biết như là người ngu. Thế nào là ba ? Thân làm điều ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Người nào sở hữu ba tính cách này được biết như là người ngu. Người nào sở hữu ba đức tính này được biết như là người trí. Thế nào là ba ? Thân làm điều thiện, miệng nói lời thiện, ý nghĩ điều thiện. Người nào sở hữu ba đức tính này được biết như là người trí.

 

“Bất cứ sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả sự nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Bất cứ tai họa nào khởi lên, tất cả tai họa ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Bất cứ sự bất hạnh nào khởi lên, tất cả sự bất hạnh ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Cũng giống như ngọn lửa phát khởi từ ngôi nhà bằng cỏ hay cỏ lau, đốt cháy thậm chí cả ngôi nhà có nóc nhọn, có lớp che trong và ngoài; cũng vậy, bất cứ sự nguy hiểm nào khởi lên, tất cả sự nguy hiểm ấy khởi lên từ người ngu, không phải từ người trí. Như vậy, người ngu mang lại nguy hiểm, người trí không mang lại nguy hiểm; người ngu mang lại tai họa, người trí không mang lại tai họa; người ngu mang lại sự bất hạnh, người trí không mang lại sự bất hạnh.Không có sự nguy hiểm nào đến từ người trí; không có tai họa nào đến từ người trí; không có sự bất hạnh nào đến từ người trí.

 

“ Như vậy, này các Tỷ-kheo, các ông phải tự mình rèn luyện như sau: ‘Chúng tôi sẽ tránh xa ba tính cách được biết như là người ngu, và chúng tôi sẽ chấp nhận và thực hành ba đức tính được biết như là người trí.’ Bằng cách này, các ông cần phải tự mình rèn luyện.”

 

 

                   ( Tăng Chi BK I, Ch. III, (I): 1-2, tr. 180-182 )

 

 

 

2. NGƯỜI  BẤT CHÁNH và NGƯỜI CHƠN CHÁNH

 

“ Này các Tỳ-kheo, người  bất chánh sở hữu những tính cách bất chánh; người ấy kết giao như một  người bất chánh, quyết định như một người bất chánh,  khuyên bảo  như một người bất chánh, nói năng như một người bất chánh, hành động như một người bất chánh, nắm giữ các quan điểm như một người bất chánh, và bố thí như người bất chánh.

 

“ Và thế nào là một người bất chánh sở hữu những tính cách bất chánh ? Ở đây, người bất chánh không có đức tin, không biết hổ thẹn, không sợ làm điều ác; người ấy không nghe Chánh Pháp, lười biếng, đãng trí, và ngu muội. Như vậy là người bất chánh sở hữu những tính cách bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh kết giao như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh kết giao với những bạn bè và người đồng hành là các sa môn và Bà-la-môn không có đức tin, không biết hổ thẹn, không sợ làm điều ác; những người không nghe Chánh Pháp, lười biếng, đãng trí, và ngu muội.Như vậy là  một người bất chánh kết giao như một người bất chánh.

 

“ Và thế nào là một người bất chánh quyết định như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh quyết định  những điều đem lại tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người khác và tổn hại cho cả hai. Như vậy là một người bất chánh quyết định  như một người bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh khuyên bảo như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh khuyên bảo những điều đem lại tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người khác và tổn hại cho cả hai. Như vậy là  một người bất chánh đưa ra những lời khuyên bảo như một người bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh nói năng như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh nói lời dối trá, nói lời gây chia rẽ, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm.  Như vậy là một người bất chánh nói năng như một người bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh hành động như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh sát sanh, lấy của không cho, phạm tội tà dâm. Như vậy là một người bất chánh hành động như một người bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh nắm giữ  tà kiến như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh nắm giữ các tà kiến như là : ‘Không có bố thí, không có cúng dường, không có tế lễ; không có  quả báo hay hậu quả của các hành động thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ, không có cha; không có các loài hóa sanh; không có các sa môn hay Bà-la-môn đức hạnh trong đời này đã tự mình chứng ngộ với thượng trí và truyền dạy lại cho đời này và đời sau.’ Như vậy là một người bất chánh nắm giữ  tà kiến như một người bất chánh.

 

“Và thế nào là một người bất chánh bố thí như một người bất chánh? Ở đây, người bất chánh bố thí một cách bất cẩn, không phải tự tay mình bố thí, không tỏ ra cung kính khi bố thí, bố thí những vật đáng vứt bỏ, bố thí với quan điểm rằng việc bố thí này chẳng đem lại kết quả gì . Như vậy là một người bất chánh bố thí như một người bất chánh.

 

“ Người bất chánh ấy – người sở hữu những tính cách bất chánh như vậy, người ấy kết giao như một người bất chánh, quyết định như một người bất chánh,  khuyên bảo  như một người bất chánh, nói năng như một người bất chánh, hành động như một người bất chánh, nắm giữ các tà kiến như một người bất chánh, và bố thí như  một người bất chánh – vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết sẽ bị tái sanh vào cảnh giới của những người bất chánh. Và thế nào là vào cảnh giới của những người bất chánh ? Đó là cảnh giới  địa ngục hay bàng sanh.

 

“ Này các Tỳ-kheo, người  chơn chánh sở hữu những  đức tính chơn chánh; người ấy kết giao như một  người chơn chánh, quyết định như một người chơn chánh,  khuyên bảo  như một người chơn chánh, nói năng như một người chơn chánh, hành động như một người chơn chánh, giữ vững chánh kiến như một người chơn chánh, và bố thí như một người chơn chánh.

 

“ Và thế nào là người  chơn chánh sở hữu những  đức hạnh chơn chánh ? Ở đây, người chơn chánh có đức tin, biết hổ thẹn, sợ làm điều ác; người ấy nghe nhiều Chánh Pháp, tinh cần, luôn giữ chánh niệm và có trí tuệ. Như vậy là người chơn chánh sở hữu những đức hạnh chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn chánh kết giao như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh kết giao với những bạn bè và người đồng hành là các sa môn và Bà-la-môn có đức tin,  biết hổ thẹn, sợ làm điều ác; những người nghe nhiều Chánh Pháp, tinh cần, luôn giữ chánh niệm và có trí tuệ. Như vậy là người chơn chánh kết giao như một người chơn chánh.

 

“ Và thế nào là một người chơn chánh quyết định như một người chơn  chánh? Ở đây, người chơn chánh không quyết định những điều đem lại tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người khác và tổn hại cho cả hai. Như vậy là một người chơn chánh quyết định  như một người chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn chánh khuyên bảo như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh không khuyên bảo những điều đem lại tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người khác và tổn hại cho cả hai. Như vậy là một người chơn chánh khuyên bảo như một người chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn  chánh nói năng như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh từ bỏ nói lời dối trá, không nói lời gây chia rẽ, không  nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm.  Như vậy là một người chơn chánh nói năng như một người chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn chánh hành động như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm. Như vậy là một người chơn chánh hành động như một người chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn chánh giữ vững chánh kiến như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh giữ vững các chánh  kiến như là : ‘Có bố thí,  có cúng dường, có tế lễ; có  quả báo hay hậu quả của các hành động thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; có các sa môn hay Bà-la-môn đức hạnh trong đời này đã tự mình chứng ngộ với thượng trí và truyền dạy lại cho đời này và đời sau.’ Như vậy là một người chơn chánh giữ vững chánh kiến như một người chơn chánh.

 

“Và thế nào là một người chơn chánh bố thí như một người chơn chánh? Ở đây, người chơn chánh bố thí một cách cẩn trọng, tự tay mình bố thí,  tỏ ra cung kính khi bố thí, bố thí phẩm vật có giá trị, bố thí với quan điểm rằng việc bố thí này sẽ đem lại kết quả nào đó . Như vậy là một người chơn chánh bố thí như một người chơn chánh.

 

“ Người chơn chánh ấy – người sở hữu những  đức hạnh chơn chánh như vậy, người ấy kết giao như một  người chơn chánh, quyết định như một người chơn chánh,  khuyên bảo  như một người chơn chánh, nói năng như một người chơn chánh, hành động như một người chơn chánh, giữ vững chánh kiến như một người chơn chánh, và bố thí như  một người chơn chánh – vào lúc thân hoại mạng chung, sau khi chết sẽ được tái sanh vào cảnh giới của những người chơn chánh. Và thế nào là vào cảnh giới của những người chơn chánh ? Đó là đại cảnh giới  của chư Thiên hay loài người.

 

 

                             ( Trung BK III, Kinh số 110 , tr 145 – 152 )

 

 

 

 

 

3. GỐC RỄ CỦA TỔN HẠI VÀ LỢI LẠC CHO MÌNH VÀ CHO NGƯỜI KHÁC

 

Một du sĩ Bà-la-môn đi đến Thế Tôn và bạch rằng: “ Thưa Tôn giả Gotama, được nghe nói rằng: ‘Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp, Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp. ‘Bằng cách nào Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp, ngay tức thời trong hiện tại, mời gọi người đến để thấy, có thể áp dụng, được người trí tự mình chứng nghiệm ?’

 

(1) “ Này Bà-la-môn, người bị tham dục xâm chiếm dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Nhưng khi tham dục được từ bỏ, thì người ấy không dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy không trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Một người bị tham dục xâm chiếm dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Nhưng khi tham dục được từ bỏ, thì người ấy không dự tính dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Người bị tham dục xâm chiếm không hiểu được đúng như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Nhưng khi tham dục được từ bỏ, người ấy hiểu được đúng như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Này Bà-la-môn, chính bằng cách này mà Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp, ngay tức thời trong hiện tại, mời gọi người đến để thấy, có thể áp dụng, được người trí tự mình chứng nghiệm .’

 

(2)  “ Này Bà-la-môn, người bị sân hận xâm chiếm dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Nhưng khi sân hận được từ bỏ, thì người ấy không dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy không trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Một người bị sân hận xâm chiếm dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Nhưng khi sân hận được từ bỏ, thì người ấy không dự tính dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Người bị sân hận xâm chiếm không hiểu được đúng như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Nhưng khi sân hận được từ bỏ, người ấy hiểu được đúng  như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Này Bà-la-môn, chính bằng cách này mà Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp, ngay tức thời trong hiện tại, mời gọi người đến để thấy, có thể áp dụng, được người trí tự mình chứng nghiệm .’

 

(3) “ Này Bà-la-môn, người bị si mê xâm chiếm dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Nhưng khi si mê được từ bỏ, thì người ấy không dự tính làm những việc tổn hại cho chính mình, tổn hại cho người, hoặc tổn hại cho cả hai, và người ấy không  trải nghiệm khổ đau và thất vọng về tinh thần. Một người bị si mê xâm chiếm dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Nhưng khi si mê được từ bỏ, thì người ấy không dự tính dấn thân làm những hành động bất thiện về thân, khẩu và ý. Người bị si mê xâm chiếm không hiểu được đúng như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Nhưng khi si mê được từ bỏ, người ấy hiểu được đúng  như thật những gì có lợi cho chính mình, lợi người hoặc lợi cả hai. Này Bà-la-môn, chính bằng cách này mà Giáo Pháp có thể thấy rõ ràng trực tiếp, ngay tức thời trong hiện tại, mời gọi người đến để thấy, có thể áp dụng, được người trí tự mình chứng nghiệm .’

 

                   ( Tăng Chi BK I, Ch.3 (VI): 54, tr 281- 283)

 

 

 

4. BỐN HẠNG NGƯỜI  TRONG  ĐỜI

 

 

(1) Hạng Người Tối Thắng

 

“ Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này hiện có mặt trong đời. Thế nào là bốn ?(1) Hạng người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình và cũng không vì lợi lạc của kẻ khác; (2) Hạng người hành xử vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không lợi lạc cho bản thân mình; (3) Hạng người hành xử vì lợi lạc cho bản thân mình, nhưng không lợi lạc cho kẻ khác; và (4) hạng người hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác .

 

“ Giả sử có một khúc gỗ lấy từ đống lửa thiêu xác, hai đầu đều bị cháy đen  và ở giữa bị dính phân: khúc gỗ này không thể được dùng như một khúc gỗ bình thường dù  ở trong làng hay trong rừng. Ta nói rằng, nó cũng giống như hạng người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình và cũng không vì lợi lạc của kẻ khác.

 

“Này các Tỷ-kheo, trong số bốn hạng người nói trên, người hành xử vì lợi lạc cho người khác nhưng không vì lợi lạc cho chính mình được đánh giá là cao thượng và thù thắng hơn hạng người thứ nhất. Người hành xử vì lợi lạc cho bản thân mình, nhưng không lợi lạc cho kẻ khác được đánh giá là cao thượng và thù thắng hơn ba hạng người kia. Người hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác là người dẫn đầu, người xuất sắc nhất, người nổi bật nhất, người tối thắng, là người cao quý nhất trong tất cả bốn hạng người trên.

 

“ Cũng giống như từ con bò, ta lấy được sữa, từ sữa có được sữa đông, từ sữa đông ta có bơ, từ bơ có được mỡ lỏng, từ mỡ lỏng ta có được kem lỏng (đề hồ), được cho là ngon nhất trong tất cả các loại trên; cũng vậy, người  hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác là người dẫn đầu, người xuất sắc nhất, người nổi bật nhất, người tối thắng, là người cao quý nhất trong tất cả bốn hạng người trên.

“ Đây là bốn hạng người hiện có mặt trong đời.”

 

 

                             ( Tăng Chi BK I, Ch IV (X): 95, tr 734 -735 )

 

(2) Đoạn Trừ Tham Dục, Sân Hận và Si Mê

 

 

“Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này hiện có mặt trong đời. Thế nào là bốn ?(1) Hạng người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác; (2) Hạng người hành xử vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không vì lợi lạc cho bản thân mình; (3) Hạng người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình, và cũng không vì lợi lạc của kẻ khác; và (4) Hạng người hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác.

 

(1) “ Và thế nào là người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác ? Ở đây có người thực hành việc đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của chính mình, nhưng không khuyến  khích người khác đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của họ. Như vậy là  người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác .

 

(2) “Và thế nào là người hành xử  vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không vì lợi lạc cho bản thân mình? Ở đây có người khuyến  khích người khác đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của họ, nhưng không thực hành việc đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của chính mình. Như vậy là người hành xử vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không vì lợi lạc cho bản thân mình.

 

(3) “Và thế nào là người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình, và cũng không vì  lợi lạc của kẻ khác. Ở đây có người không thực hành việc đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của chính mình, và cũng không khuyến  khích người khác đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của họ. Như vậy là người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình, và cũng không vì lợi lạc của kẻ khác.

 

(4) “Và thế nào là người hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác ? Ở đây có người thực hành việc đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của chính mình, và  khuyến  khích người khác đoạn trừ tham dục, sân hận và si mê của họ. Như vậy là người hành xử  vì lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác.

 

“ Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người hiện có mặt trong đời.”

 

 

                   ( Tăng Chi BK I, Ch IV (X): 96, tr 735 -736 )

 

(3) Những Quy Luật Tu Học

 

“Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này hiện có mặt trong đời. Thế nào là bốn ?(1) Hạng người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác; (2) Hạng người hành xử vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không vì lợi lạc cho bản thân mình; (3) Hạng người hành xử không vì lợi lạc cho bản thân mình, và cũng không vì lợi lạc của kẻ khác; và (4) hạng người hành xử vì  lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác.

 

(1)  “ Và thế nào là người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác ? Ở đây có người tự mình từ bỏ sát sanh nhưng không khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh. Người ấy tự mình từ bỏ lấy của không cho, nhưng không khuyến khích người khác từ bỏ lấy của không cho. Người ấy tự mình từ bỏ tà dâm, nhưng không khuyến khích người khác từ bỏ tà dâm. Người ấy tự mình từ bỏ nói láo, nhưng không khuyến khích người khác từ bỏ nói láo. Người ấy tự mình từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, nhưng không khuyến khích người khác từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện. Như vậy là người hành xử  vì lợi lạc cho bản thân mình nhưng không vì lợi lạc của kẻ khác.

 

(2) “Và thế nào là người hành xử  vì lợi lạc của kẻ khác nhưng  không vì lợi lạc cho bản thân mình? Ở đây có người tự mình không từ bỏ sát sanh nhưng  khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh… Người ấy tự mình không từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, nhưng khuyến khích người khác từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện. Như vậy là người hành xử  vì lợi lạc của kẻ khác nhưng không vì lợi lạc của bản thân mình.

 

(3) “Và thế nào là người hành xử không vì lợi lạc của kẻ khác và cũng  không vì lợi lạc cho bản thân mình? Ở đây có người tự mình không từ bỏ sát sanh và cũng không khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh… Người ấy tự mình không từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, và cũng không khuyến khích người khác từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện. Như vậy là người hành xử  không vì lợi lạc của kẻ khác và cũng không vì lợi lạc của bản thân mình.

 

(4) “Và thế nào là người hành xử vì lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác? Ở đây có người tự mình từ bỏ sát sanh và  khuyến khích người khác từ bỏ sát sanh… Người ấy tự mình từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện, và khuyến khích người khác từ bỏ rượu men, rượu nấu và các chất gây nghiện. Như vậy là người hành xử vì lợi lạc cho cả bản thân mình lẫn lợi lạc của kẻ khác .

 

“Này các Tỷ-kheo, đây là bốn hạng người hiện có mặt trong đời.”

 

 

                             ( Tăng Chi BK I, Ch IV (X): 99, tr 739 – 741 )

 

 

5. TỶ-KHEO

 

“Này các Tỷ-kheo, thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo đang tu tập vừa lợi lạc cho chính mình vừa lợi lạc cho người khác. Thế nào là năm ?

 

(1) “Ở đây vị Tỷ-kheo tự mình thành tựu các giới hạnh và khuyến khích người khác thành tựu các giới hạnh; (2) vị Tỷ-kheo tự mình thành tựu thiền định và khuyến khích người khác thành tựu thiền định; (3) vị Tỷ-kheo tự mình thành tựu trí tuệ và khuyến khích người khác thành tựu trí tuệ; (4) vị Tỷ-kheo tự mình thành tựu giải thoát và khuyến khích người khác thành tựu giải thoát; (5) vị Tỷ-kheo tự mình thành tựu tri kiến giải thoát và khuyến khích người khác thành tựu tri kiến giải thoát.

 

“Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo đang tu tập vừa lợi lạc cho chính mình vừa lợi lạc cho người khác.”

 

                             ( Tăng Chi BK II,Ch V, (II):20, tr 323 – 324 )

 

 

6. CƯ SĨ / PHẬT TỬ TẠI GIA

 

Mahānāma, một người thuộc bộ tộc Thích-ca, đến hỏi Thế Tôn:

 

 - Bạch Thế Tôn, bằng cách nào một cư sĩ hành xử vì lợi lạc cho bản thân và vì lợi lạc cho người khác ?”

 

(1) – Này Mahānāma, khi người cư sĩ tự mình thành tựu lòng tin và khuyến khích kẻ khác thành tựu lòng tin; (2) khi người cư sĩ tự mình thành tựu giới hạnh và cũng khuyến khích kẻ khác thành tựu giới hạnh; (3) khi người cư sĩ tự mình thành tựu bố thí và cũng khuyến khích kẻ khác thành tựu bố thí; (4 ) khi người cư sĩ muốn đến yết kiến các Tỷ-kheo và cũng  khuyến khích kẻ khác đến yết kiến các Tỷ-kheo; (5) khi người cư sĩ muốn lắng nghe diệu Pháp và cũng  khuyến khích kẻ khác lắng nghe diệu Pháp; (6) khi người cư sĩ tự mình ghi nhớ  trong tâm những lời giảng dạy và cũng  khuyến khích kẻ khác ghi nhớ trong tâm những lời giảng dạy; (7) khi người cư sĩ tự mình suy ngẫm về ý nghĩa của những lời giảng dạy đã được ghi nhớ trong tâm và cũng  khuyến khích kẻ khác suy ngẫm về ý nghĩa của những lời giảng dạy ấy; (8) khi người cư sĩ tự mình hiểu được ý nghĩa và Giáo pháp và rồi thực hành đúng theo Giáo pháp, và cũng  khuyến khích kẻ khác thực hành  đúng theo Giáo pháp.

 

– Này Mahānāma, bằng cách này một cư sĩ hành xử vì lợi lạc cho bản thân và vì lợi lạc cho người khác ”

 

 

                             ( Tăng Chi BK III , Ch.VIII ( III):25, tr 586 )

 

 

 

 

7. BẬC  ĐẠI  TRÍ  TUỆ

 

Một vị tỷ-kheo đến hỏi Thế Tôn:

 

 – Bạch Thế Tôn, được nghe nói ‘một bậc hiền trí với đại trí tuệ, một bậc hiền trí với đại trí tuệ’.Bằng cách nào một người được gọi là một bậc hiền trí với đại trí tuệ ?

 

- Này Tỷ-kheo, một bậc hiền trí với đại trí tuệ không có ý định làm tổn hại chính mình, hoặc làm tổn hại kẻ khác, hoặc làm tổn hại cả hai. Mà trái lại, khi vị ấy có ý định gì, thì vị ấy có ý định làm những việc lợi lạc cho chính mình,  lợi lạc cho kẻ khác, lợi lạc cho cả hai, và lợi lạc cho toàn thế giới.

 

Bằng cách này một người được gọi là một bậc hiền trí với đại trí tuệ.

 

 

                             (( Tăng Chi BK II, Ch IV, (XIX):186, tr 158 -159 )

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]