Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 350: Phẩm Dẫn Nhiếp Nhau 02

15/07/201519:33(Xem: 12175)
Quyển 350: Phẩm Dẫn Nhiếp Nhau 02

Tập 07

Quyển 350

Phẩm Dẫn Nhiếp Nhau 02

Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm

Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí

 

 

 

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp an nhẫn Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà tu học an nhẫn, quán sắc như bọt nước, quán thọ như bọt nổi, quán tưởng như bóng nắng, quán hành như cây chuối, quán thức như trò huyễn; khi quán như thế, đối với năm thủ uẩn luôn luôn duy trì tưởng không bền chắc. Lại nghĩ thế này: Các pháp đều không, không có ngã, ngã sở, sắc là sắc của ai, thọ là thọ của ai, tưởng là tưởng của ai, hành là hành của ai, thức là thức của ai? Khi quán như thế, lại nghĩ thế này: Các pháp đều không, lìa ngã, ngã sở, ai cắt đứt, ai bị cắt đứt, ai mắng nhiếc, ai bị mắng nhiếc, lại đối với việc ấy, ai khởi sân giận; Bồ-tát nương vào tịnh lự quán sát, xét kỹ như thế, thường đầy đủ an nhẫn, lại đem thiện căn an nhẫn như thế cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế đều vĩnh viễn không khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp an nhẫn Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tinh tấn Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa, phát khởi sự tinh tấn dõng mãnh, nghĩa là Đại Bồ-tát lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ, ly sanh hỷ lạc, nhập Sơ thiền, an trụ trọn vẹn; tầm từ tịch tịnh, an trụ trong tánh chuyên nhất của tâm thanh tịnh bình đẳng, không tầm, không từ, định sanh hỷ lạc nhập Đệ nhị thiền, an trụ trọn vẹn, ly hỷ trụ xả, đầy đủ niệm chánh tri, toàn thân thọ lạc, bậc Thánh ở trong đó năng thuyết năng xả, an trụ đầy đủ niệm an vui, nhập Đệ tam thiền, an trụ trọn vẹn, dứt vui dứt khổ, mừng lo tan biến, chẳng khổ chẳng vui, xả niệm thanh tịnh nhập Đệ tứ thiền, an trụ trọn vẹn; khi Bồ-tát tu tịnh lự như thế, đối với các tịnh lự và các chi tịnh lự đều chẳng thủ tướng, phát khởi thần cảnh trí thông thù thắng, có khả năng tạo ra vô biên việc đại thần biến, đó là làm chấn động thế giới khắp mười phương, biến một thành nhiều, biến nhiều thành một, hoặc ẩn, hoặc hiện, nhanh chóng không trở ngại, ngang qua núi non, tường vách như chỗ trống không, qua lại trên không giống như chim bay, ra vào đất như ra vào nước, đi trên nước như đi trên đất, thân xuất khói lửa như cao nguyên cháy, thân tuôn ra các dòng nước như núi tuyết tan, thần đức, oai thế của nhật nguyệt khó sánh kịp, dùng tay che khuất ánh sáng cho đến cõi Tịnh Cư, chuyển thân tự tại, thần biến như thế, số lượng vô biên; phát khởi Thiên nhĩ trí thông thù thắng rõ ràng thanh tịnh hơn tai của trời người, có khả năng nghe như thật các thứ âm thanh của loài hữu tình, phi tình khắp mười phương thế giới, nghĩa là nghe khắp các tiếng địa ngục, tiếng bàng sanh, tiếng quỷ giới, tiếng người, tiếng trời, tiếng Thanh văn, tiếng Độc giác, tiếng Bồ-tát, tiếng chư Phật, tiếng chê bai sanh tử, tiếng khen ngợi Niết-bàn, tiếng vất bỏ hữu vi, tiếng hướng đến Bồ-đề, tiếng chán ngán hữu lậu, tiếng ưa thích vô lậu, tiếng tán dương Tam bảo, tiếng chế phục tà đạo, tiếng bàn luận chọn lựa, tiếng phúng tụng kinh điển, tiếng khuyên đoạn pháp ác, tiếng khiến tu pháp lành, tiếng cứu giúp khổ nạn; các thứ âm thanh như thế hoặc lớn, hoặc nhỏ, nghe hết không ngăn ngại; dẫn phát tha tâm trí thông thù thắng, có khả năng biết như thật pháp tâm, và tâm sở của các loài hữu tình khác, khắp mười phương thế giới khác, đó là biết khắp các loại hữu tình khác hoặc có tâm tham, hoặc lìa tâm tham, hoặc có tâm sân, hoặc lìa tâm sân, hoặc có tâm si, hoặc lìa tâm si, hoặc có tâm ái, hoặc lìa tâm ái, hoặc có tâm thủ, hoặc lìa tâm thủ, hoặc tâm tụ, hoặc tâm tán, hoặc tâm tiểu, hoặc tâm đại, hoặc tâm cử, hoặc tâm hạ, hoặc tâm tĩch lặng, hoặc tâm chẳng tĩnh lặng, hoặc tâm lay động, hoặc tâm chẳng lay động, hoặc tâm định, hoặc tâm bất định, hoặc tâm giải thoát, hoặc tâm chẳng giải thoát, hoặc tâm hữu lậu, hoặc tâm vô lậu, hoặc tâm có tu, hoặc tâm chẳng tu, hoặc có tâm hướng thượng, hoặc không có tâm hướng thượng; các thứ tâm như thế đều như thật biết; dẫn phát Túc trụ trí thông thù thắng, nhớ biết như thật các sự việc đã qua của vô lượng hữu tình khắp mười phương thế giới, đó là tùy theo sự nhớ nghĩ các việc đã qua hoặc tự mình hoặc người khác trong khoảnh một tâm, mười tâm, trăm tâm, ngàn tâm, nhiều trăm ngàn tâm; hoặc lại tùy theo sự nhớ nghĩ các việc đã qua trong vòng một ngày, mười ngày, trăm ngày, ngàn ngày, nhiều trăm ngàn ngày; hoặc tùy theo sự nhớ nghĩ các việc đã qua trong vòng một tháng, mười tháng, trăm tháng, ngàn tháng, nhiều trăm ngàn tháng; hoặc tùy theo sự nhớ nghĩ các việc đã qua trong vòng một năm, mười năm, trăm năm, ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm; hoặc tùy theo sự nhớ nghĩ các việc đã qua trong vòng một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, nhiều trăm ngàn kiếp, cho đến vô lượng, vô số trăm ngàn ức triệu kiếp; hoặc tùy theo sự nhớ nghĩ các việc xảy ra ở đời trước: Khi đó, chỗ đó có tên như thế, họ như thế, chủng loại như thế, ăn uống như thế, ở lâu như thế, tuổi thọ như thế, sống lâu như thế, hưởng lạc như thế, chịu khổ như thế, từ nơi ấy chết đi, sanh vào chỗ này, từ chốn này chết đi sanh vào chỗ đó, dung mạo như vậy, tiếng nói như vậy, hoặc sơ lược, hoặc đầy đủ, hoặc của mình, hoặc của người, các việc đã qua tùy theo sự nhớ nghĩ biết hết; dẫn phát Thiên nhãn trí thông thù thắng rõ ràng thanh tịnh hơn hẳn mắt của trời người, có khả năng thấy như thật các thứ hình sắc của hữu tình, vô tình trong mười phương thế giới, đó là thấy hết lúc sanh khi chết, sắc diệu sắc thô, đường thiện đường ác, hoặc thắng hoặc liệt, của các loại hữu tình với các thứ hình dáng như thế, nhơn đó lại biết các loại hữu tình tùy theo tác dụng của nghiệp lực mà thọ sanh sai biệt; các hữu tình như thế, thành tựu ác hạnh về thân, thành tựu ác hạnh về lời nói, thành tựu ác hạnh về ý, hủy báng Hiền Thánh, do nhơn tà kiến, khi thân hoại mạng chung, sẽ đọa vào đường ác, hoặc sanh địa ngục, hoặc sanh bàng sanh, hoặc sanh quỷ giới, hoặc sanh trong loài hữu tình hạ tiện, độc ác, ở biên địa, thọ các khổ não; còn các hữu tình như thế thành tựu diệu hạnh về thân, thành tựu diệu hạnh về lời nói, thành tựu diệu hạnh về ý, tán thán Hiền Thánh do nhân duyên chánh kiến, thân hoại mạng chung, sẽ sanh cõi thiện, hoặc sanh lên trời, hoặc sanh vào cõi người, hưởng các khoái lạc; các hữu tình như thế đủ các loại nghiệp thọ quả sai biệt, đều như thật biết. Bồ-tát an trụ năm loại diệu thần thông này, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, gần gũi cúng dường chư Phật Thế Tôn, thưa hỏi pháp nghĩa sâu xa của chư Phật, gieo trồng vô lượng thiện căn vi diệu, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, siêng tu các hạnh Bồ-tát, đem thiện căn này, chẳng cầu bậc Thanh văn, Độc giác, mà cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế, đều vĩnh viễn chẳng khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tinh tấn Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp Bát-nhã Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa quán sắc chẳng thể nắm bắt được, quán thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nắm bắt được; quán nhãn xứ chẳng thể nắm bắt được, quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ chẳng thể nắm bắt được; quán sắc xứ chẳng thể nắm bắt được, quán thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ chẳng thể nắm bắt được; quán nhãn giới chẳng thể nắm bắt được, quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới chẳng thể nắm bắt được; quán sắc giới chẳng thể nắm bắt được, quán thanh, hương, vị, xúc, pháp giới chẳng thể nắm bắt được; quán nhãn thức giới chẳng thể nắm bắt được, quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới chẳng thể nắm bắt được; quán nhãn xúc chẳng thể nắm bắt được, quán nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc chẳng thể nắm bắt được; quán các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra chẳng thể nắm bắt được, quán các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra chẳng thể nắm bắt được; quán địa giới chẳng thể nắm bắt được, quán thủy, hỏa, phong, không, thức giới chẳng thể nắm bắt được; quán vô minh chẳng thể nắm bắt được, quán hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não chẳng thể nắm bắt được; quán bố thí Ba-la-mật-đa chẳng thể nắm bắt được, quán tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa chẳng thể nắm bắt được; quán pháp không nội chẳng thể nắm bắt được, quán pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh chẳng thể nắm bắt được; quán chơn như chẳng thể nắm bắt được, quán pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì chẳng thể nắm bắt được; quán Thánh đế khổ chẳng thể nắm bắt được, quán Thánh đế tập, diệt, đạo chẳng thể nắm bắt được; quán bốn tịnh lự chẳng thể nắm bắt được, quán bốn vô lượng, bốn định vô sắc chẳng thể nắm bắt được; quán tám giải thoát chẳng thể nắm bắt được, quán tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ chẳng thể nắm bắt được; quán bốn niệm trụ chẳng thể nắm bắt được, quán bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo chẳng thể nắm bắt được; quán pháp môn giải thoát không chẳng thể nắm bắt được, quán pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện chẳng thể nắm bắt được; quán năm loại mắt chẳng thể nắm bắt được, quán sáu phép thần thông chẳng thể nắm bắt được; quán mười lực Phật chẳng thể nắm bắt được, quán bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng chẳng thể nắm bắt được; quán không quên mất chẳng thể nắm bắt được, quán tánh luôn luôn xả chẳng thể nắm bắt được; quán trí nhất thiết chẳng thể nắm bắt được, quán trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng chẳng thể nắm bắt được; quán tất cả pháp môn Đà-la-ni chẳng thể nắm bắt được, quán tất cả pháp môn Tam-ma-địa chẳng thể nắm bắt được; quán quả Dự lưu chẳng thể nắm bắt được, quán quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán chẳng thể nắm bắt được; quán quả vị Độc giác chẳng thể nắm bắt được; quán tất cả hạnh Đại Bồ-tát chẳng thể nắm bắt được; quán quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật chẳng thể nắm bắt được; quán cảnh giới hữu vi chẳng thể nắm bắt được, quán cảnh giới vô vi chẳng thể nắm bắt được. Vì Bồ-tát quán tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được như thế, nên chẳng tạo tác, vì chẳng tạo tác nên không sanh; vì không sanh nên không diệt; vì không diệt nên rốt ráo thanh tịnh, thường trụ bất biến. Vì sao? Vì đối với tất cả pháp, Như Lai xuất thế hoặc không xuất thế, vẫn an trụ pháp tánh, an trụ pháp giới, an trụ pháp trụ, an trụ pháp định, không sanh, không diệt, thường không biến đổi, Đại Bồ-tát ấy, tâm thường không loạn, luôn luôn an trụ tác ý tương ưng trí nhất thiết trí, như thật quán sát tất cả pháp tánh hoàn toàn không có sở hữu; lại đem thiện căn diệu tuệ này cho các hữu tình, cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế, đều vĩnh viễn chẳng khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ tịnh lự Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp Bát-nhã Ba-la-mật-đa.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp bố thí Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì quán tất cả pháp rỗng không, không có sở hữu.

Cụ thọ Thiện Hiện liền bạch Phật:

- Thế nào là Đại Bồ-tát quán tất cả pháp rỗng không, không sở hữu?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đại Bồ-tát ấy an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa quán tánh của pháp không nội, tánh của pháp không nội chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không ngoại, tánh của pháp không ngoại chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không nội ngoại, tánh của pháp không nội ngoại chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không không, tánh của pháp không không chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không lớn, tánh của pháp không lớn chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không thắng nghĩa, tánh của pháp không thắng nghĩa chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không hữu vi, tánh của pháp không hữu vi chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không vô vi, tánh của pháp không vô vi chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không rốt ráo, tánh của pháp không rốt ráo chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không không biên giới, tánh của pháp không không biên giới chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không tản mạn, tánh của pháp không tản mạn chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không không đổi khác, tánh của pháp không không đổi khác chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không bản tánh, tánh của pháp không bản tánh chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không tự tướng, tánh của pháp không tự tướng chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không cộng tướng, tánh của pháp không cộng tướng chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không tất cả pháp, tánh của pháp không tất cả pháp chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không chẳng thể nắm bắt được, tánh của pháp không chẳng thể nắm bắt được chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không không tánh, tánh của pháp không không tánh chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không tự tánh, tánh của pháp không tự tánh chẳng thể nắm bắt được; quán tánh của pháp không không tánh tự tánh, tánh của pháp không không tánh tự tánh chẳng thể nắm bắt được. Đại Bồ-tát ấy an trụ trong các pháp quán không như thế, chẳng đạt được sắc hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được thọ, tưởng, hành, thức hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được nhãn xứ hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được sắc xứ hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được nhãn giới hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được sắc giới hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được thanh, hương, vị, xúc, pháp giới hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được nhãn thức giới hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được nhãn xúc hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được địa giới hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được thủy, hỏa, phong, không, thức giới hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được vô minh hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được bố thí Ba-la-mật-đa hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được pháp không nội hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được chơn như hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được Thánh đế khổ hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được Thánh đế tập, diệt, đạo hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được bốn tịnh lự hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được bốn vô lượng, bốn định vô sắc hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được tám giải thoát hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được bốn niệm trụ hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được pháp môn giải thoát không hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được năm loại mắt hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được sáu phép thần thông hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được mười lực Phật hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được pháp không quên mất hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được tánh luôn luôn xả hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được trí nhất thiết hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được tất cả pháp môn Đà-la-ni hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được tất cả pháp môn Tam-ma-địa hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được quả Dự lưu hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được quả vị Độc giác hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được tất cả hạnh Đại Bồ-tát hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật hoặc không hoặc bất không; chẳng đạt được cảnh giới hữu vi hoặc không hoặc bất không, chẳng đạt được cảnh giới vô vi hoặc không hoặc bất không; Đại Bồ-tát này an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như vậy, đối với các hữu tình có sự bố thí, hoặc đồ ăn hoặc thức uống, hoặc y phục, hoặc các hương hoa, đồ nằm, nhà cửa, đèn đuốc, giường tòa, hoặc các thứ kim cương, Mạc-ni, chân châu, Mạc-la-yết-đa, loa bối, bích ngọc, san hô, thạch tạng, đế thanh, kim cương, Phệ-lưu-ly v.v... đủ các thứ trân báu, hoặc các loại thuốc men, hương xoa, hương bột, của cải, lúa gạo, đồ dùng; đối với các thứ ấy đều quán là không, hoặc năng thí, hoặc sở thí, hoặc phước bố thí, tất cả như thế cũng quán là không. Khi ấy, Bồ-tát rốt ráo không khởi tâm xan tham, tâm chấp trước. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy tu hành sâu sắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa, từ khi sơ phát tâm cho đến khi an tọa tòa Bồ-đề mầu nhiệm, các sự phân biệt như thế nhất định chẳng khởi. Như chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác chưa từng móng khởi tâm xan tham, tâm chấp trước, Đại Bồ-tát ấy cũng vậy, tu hành sâu sắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa, tâm xan tham, tâm chấp trước đều vĩnh viễn chẳng khởi.

Thiện Hiện nên biết! Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa là bậc thầy của Đại Bồ-tát, có khả năng khiến cho chúng Đại Bồ-tát chẳng khởi tất cả vọng tưởng phân biệt. Các Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế, thì việc tu hành bố thí đều không nhiễm trước; lại đem thiện căn bố thí ấy cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế, đều vĩnh viễn chẳng khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp bố thí Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tịnh giới Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa thì chẳng khởi các tâm Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát ấy, quán các bậc Thanh văn, Độc giác đều chẳng thể nắm bắt được, các tâm hồi hướng Thanh văn, Độc giác và thân ngữ của họ cũng chẳng thể nắm bắt được, Đại Bồ-tát ấy, an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa, từ sơ phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ-đề mầu nhiệm, ở khoảng giữa tự xa lìa việc giết hại sanh mạng, cũng khuyên người xa lìa việc giết hại sanh mạng, chẳng làm ngược lại sự khen ngợi pháp xa lìa việc giết hại sanh mạng, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa việc giết hại sanh mạng; tự xa lìa việc không cho mà lấy, cũng khuyên người xa lìa việc không cho mà lấy, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa việc không cho mà lấy, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa việc không cho mà lấy; tự xa lìa việc dâm dục tà hạnh, cũng khuyên người xa lìa việc dâm dục tà hạnh, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa dâm dục tà hạnh, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa việc dâm dục tà hạnh; tự xa lìa lời nói hư dối, cũng khuyên người xa lìa lời nói hư dối, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa lời nói hư dối, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa lời nói hư dối; tự xa lìa lời nói thô ác, cũng khuyên người xa lìa lời nói thô ác, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa lời nói thô ác, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa lời nói thô ác; tự xa lìa lời nói ly gián, cũng khuyên người xa lìa lời nói ly gián, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa lời nói ly gián, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa lời nói ly gián; tự xa lìa lời nói hỗn tạp, cũng khuyên người xa lìa lời nói hỗn tạp, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa lời nói hỗn tạp, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa lời hỗn tạp; tự xa lìa tham dục, cũng khuyên người xa lìa tham dục, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa tham dục, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa tham dục; tự xa lìa sân giận, cũng khuyên người xa lìa sân giận, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa sân giận, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa sân giận; tự xa lìa tà kiến, cũng khuyên người xa lìa tà kiến, không làm ngược lại việc khen ngợi pháp xa lìa tà kiến, hoan hỷ khen ngợi người xa lìa tà kiến; Đại Bồ-tát ấy, đem thiện căn đã sanh do tịnh giới này, chẳng cầu Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng cầu bậc Thanh văn, Độc giác; chỉ đem thiện căn tịnh giới như thế cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế, đều vĩnh viễn chẳng khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tịnh giới Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp an nhẫn Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa khởi nhẫn tùy thuận; đắc nhẫn này rồi, thường nghĩ thế này: Trong tất cả pháp không có pháp nào hoặc khởi hoặc tận, hoặc sanh, hoặc diệt, hoặc lão, hoặc bệnh; hoặc có người mắng hoặc có người bị mắng, hoặc có người phỉ báng, hoặc có người bị phỉ báng, hoặc có người cắt, hoặc có người bị cắt, hoặc có người xẻo, hoặc có người bị xẻo, hoặc có người đâm, hoặc có người bị đâm, hoặc có người phá, hoặc có người bị phá, hoặc có người trói, hoặc có người bị trói, hoặc có người đánh, hoặc có người bị đánh, hoặc có người não hại, hoặc có người bị não hại, hoặc có người giết, hoặc có người bị giết; như vậy, tất cả tánh tướng đều không, chẳng nên ở trong đó mà vọng tưởng phân biệt; Đại Bồ-tát ấy, từ khi mới phát tâm cho đến khi an tọa tòa Bồ-đề mầu nhiệm, ở khoảng giữa, giả sử tất cả các loại hữu tình đều đến hủy báng, trách mắng, lăng nhục, dùng các thứ dao, gậy, gạch, đá, đất cục v.v... đánh ném làm hại, cắt xẻo đâm chích cho đến cắt dứt tứ chi trên thân. Khi ấy, Bồ-tát tâm không biến đổi, chỉ nghĩ thế này: Rất là quái lạ! Trong tánh của các pháp hoàn toàn không có các việc hủy báng, trách mắng, lăng nhục gia hại v.v... mà các hữu tình vọng tưởng phân biệt, cho là thật có, phát khởi các thứ phiền não ác nghiệp, hiện tại, tương lai chịu các khổ não; Đại Bồ-tát ấy, lại đem thiện căn an nhẫn như thế, cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế đều vĩnh viễn không khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp an nhẫn Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tinh tấn Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa dõng mãnh tinh tấn, vì các hữu tình tuyên thuyết Chánh pháp, thân tâm không mỏi mệt, Đại Bồ-tát ấy, an trụ bốn thần túc, phương tiện thiện xảo, thân tâm tinh tấn, thường không giải đãi, ngừng nghỉ, thường ở chỗ các hữu tình một thế giới, hoặc mười thế giới, hoặc trăm thế giới, hoặc ngàn thế giới, hoặc trăm ngàn thế giới, hoặc trăm ngàn ức triệu thế giới, tuyên thuyết Chánh pháp, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt, khiến an trụ bố thí Ba-la-mật-đa, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt, khiến an trụ tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp không nội, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ chơn như, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ Thánh đế khổ, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ Thánh đế tập, diệt, đạo; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ bốn tịnh lự, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ bốn vô lượng, bốn định vô sắc; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tám giải thoát, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ bốn niệm trụ, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp môn giải thoát không, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ năm loại mắt, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ sáu phép thần thông; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ mười lực Phật, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ pháp không quên mất, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tánh luôn luôn xả; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ trí nhất thiết, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tất cả pháp môn Đà-la-ni, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tất cả pháp môn Tam-ma-địa; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ quả Dự lưu, phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ quả vị Độc giác; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ tất cả hạnh Đại Bồ-tát; phương tiện dạy bảo, dẫn dắt khiến an trụ quả vị giác ngộ cao tột của chư Phật; tuy khiến an trụ các thứ công đức như trên đã nói, nhưng chẳng khiến họ chấp trước vào sự an trụ cảnh giới hữu vi hoặc vô vi, Đại Bồ-tát ấy, lại đem thiện căn tinh tấn như thế, cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế đều vĩnh viễn không khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tinh tấn Ba-la-mật-đa.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tịnh lự Ba-la-mật-đa?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa, trừ Tam-ma-địa của Phật, đối với các Tam-ma-địa khác, hoặc Tam-ma-địa Thanh văn, hoặc Tam-ma-địa Độc giác, hoặc Tam-ma-địa Đại Bồ-tát, đều có thể tự tại, tùy ý nhập xuất, Đại Bồ-tát ấy, an trụ tự tại trong Tam-ma-địa, đối với tám giải thoát đều có thể nhập xuất tự tại theo chiều thuận nghịch. Những gì là tám? Đó là trong có sắc tưởng, quán các sắc bên ngoài là giải thoát thứ nhất; trong không có sắc tưởng, quán các sắc bên ngoài là giải thoát thứ hai; tác chứng thân giải thoát thù thắng thanh tịnh là giải thoát thứ ba; vượt tất cả sắc tưởng, diệt tưởng hữu đối, chẳng tư duy các loại tưởng, nhập định không vô biên, Không vô biên xứ, an trụ trọn vẹn là giải thoát thứ tư; vượt tất cả định Không vô biên xứ nhập định Vô biên thức, Thức vô biên xứ an trụ trọn vẹn là giải thoát thứ năm; vượt tất cả định Thức vô biên xứ, nhập định Vô tiểu sở hữu, Vô sở hữu xứ, an trụ trọn vẹn, là giải thoát thứ sáu; vượt tất cả định Vô sở hữu xứ, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ trọn vẹn là giải thoát thứ bảy; vượt tất cả định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập định Diệt tưởng thọ, an trụ trọn vẹn là giải thoát thứ tám, Đại Bồ-tát ấy, có khả năng đối với tám giải thoát như thế, hoặc thuận hoặc nghịch xuất nhập tự tại; lại có khả năng đối với chín định thứ đệ ấy, tự tại tùy ý nhập xuất theo chiều thuận nghịch. Những gì là chín? Đó là: Lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ, ly sanh hỷ lạc, nhập Sơ thiền, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ nhất; tầm từ tịch tịnh, an trụ trong tánh chuyên nhất của tâm bình đẳng thanh tịnh, không tầm, không từ, định sanh hỷ lạc, nhập Đệ nhị thiền, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ hai; ly hỷ trụ xả, đầy đủ niệm chánh tri, toàn thân thọ lạc, bậc Thánh ở trong đó, năng thuyết năng xả, an trụ đầy đủ niệm an lạc, nhập đệ tam thiền, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ ba; dứt vui dứt khổ, mừng lo tiêu mất, chẳng khổ chẳng vui, xả niệm thanh tịnh, nhập Đệ tứ thiền, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ tư; vượt tất cả sắc tưởng, diệt tưởng hữu đối, chẳng tư duy các loại tưởng, nhập định Không vô biên, Không vô biên xứ, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ năm; vượt tất cả định Không vô biên xứ, nhập định Vô biên thức, Thức vô biên xứ, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ sáu; vượt tất cả định Thức vô biên xứ, nhập định Vô tiểu sở hữu, Vô sở hữu xứ, an trụ trọn vẹn, là định thứ đệ thứ bảy; vượt tất cả định Vô sở hữu xứ, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ tám; vượt tất cả định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập định Diệt tưởng thọ, an trụ trọn vẹn là định thứ đệ thứ chín, Đại Bồ-tát ấy, có khả năng đối với chín định thứ đệ như thế, hoặc thuận hoặc nghịch, nhập xuất tự tại. Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát ấy, đối với tám giải thoát, chín định thứ đệ đã khéo thành thục, lại có khả năng nhập Tam-ma-địa Sư Tử tần thân của Đại Bồ-tát. Thế nào gọi là Tam-ma-địa Sư Tử tần thân của Đại Bồ-tát? Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ, ly sanh hỷ lạc, nhập sơ thiền, an trụ trọn vẹn, tầm từ tịch tịnh, an trụ trong tánh chuyên nhất của tâm bình đẳng thanh tịnh, không tầm, không từ, định sanh hỷ lạc, nhập Đệ nhị thiền, an trụ trọn vẹn; ly hỷ trụ xả, đầy đủ niệm chánh tri, toàn thân thọ lạc, bậc Thánh ở trong đó, năng thuyết năng xả, an trụ đầy đủ niệm an lạc, nhập đệ tam thiền, an trụ trọn vẹn; dứt vui dứt khổ, mừng lo tiêu mất, chẳng khổ chẳng vui, xả niệm thanh tịnh, nhập Đệ tứ thiền, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả sắc tưởng, diệt tưởng hữu đối, chẳng tư duy các loại tưởng, nhập định Không vô biên, Không vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả định Không vô biên xứ, nhập định Vô biên thức, Thức vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả định Thức vô biên xứ, nhập định Vô tiểu sở hữu, Vô sở hữu xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả định Vô sở hữu xứ, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ trọn vẹn; vượt tất cả định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nhập định Diệt tưởng thọ, an trụ trọn vẹn; lại từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập lại định Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ định Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất, nhập định Vô sở hữu xứ; từ định Vô sở hữu xứ xuất, nhập định Thức vô biên xứ; từ định Thức vô biên xứ xuất, nhập định Không vô biên xứ; từ định Không vô biên xứ xuất, nhập Đệ tứ thiền; từ Đệ tứ thiền xuất, nhập Đệ tam thiền; từ Đệ tam thiền xuất, nhập Đệ nhị thiền; từ Đệ nhị thiền xuất, nhập Sơ thiền, thì này Thiện Hiện, đó là Tam-ma-địa Sư tử tần thân của Đại Bồ-tát.

Thiện Hiện nên biết! Đại Bồ-tát ấy, đối với Tam-ma-địa Sư tử tần thân đã khéo thành thục, lại có khả năng nhập Tam-ma-địa tập tán của Đại Bồ-tát. Thế nào là Tam-ma-địa tập tán của Đại Bồ-tát?

Này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát xa lìa pháp dục ác bất thiện, có tầm có từ, ly sanh hỷ lạc, nhập Sơ thiền, an trụ trọn vẹn; từ Sơ thiền xuất, nhập Đệ nhị thiền an trụ trọn vẹn; từ Đệ nhị thiền xuất, nhập Đệ tam thiền an trụ trọn vẹn; từ Đệ tam thiền xuất, nhập Đệ tứ thiền an trụ trọn vẹn; từ Đệ tứ thiền xuất, nhập định Không vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; từ định Không vô biên xứ xuất, nhập định Thức vô biên xứ, an trụ trọn vẹn; từ định Thức vô biên xứ xuất, nhập định Vô sở hữu xứ, an trụ trọn vẹn; từ định Vô sở hữu xứ xuất, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ, an trụ trọn vẹn; từ định Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất, nhập định Diệt tưởng thọ, an trụ trọn vẹn; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập Đệ nhị thiền; từ Đệ nhị thiền xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập Đệ tam thiền; từ Đệ tam thiền xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập Đệ tứ thiền; từ Đệ tứ thiền xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập định Không vô biên xứ; từ định Không vô biên xứ xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập định Thức vô biên xứ; từ định Thức vô biên xứ xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập định Vô sở hữu xứ; từ định Vô sở hữu xứ xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ định Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất, nhập định Diệt tưởng thọ; từ định Diệt tưởng thọ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập định Diệt tưởng thọ; từ diệt tưởng thọ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập định Phi tưởng phi phi tưởng xứ; từ định Phi tưởng phi phi tưởng xứ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập định Vô sở hữu xứ; từ định Vô sở hữu xứ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập định Thức vô biên xứ; từ định Thức vô biên xứ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập định Không vô biên xứ; từ định Không vô biên xứ xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập Đệ tứ thiền; từ Đệ tứ thiền xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập Đệ tam thiền; từ Đệ tam thiền xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập Đệ nhị thiền; từ Đệ nhị thiền xuất, an trụ tâm không định; từ tâm không định, nhập Sơ thiền; từ Sơ thiền xuất, an trụ tâm không định, thì này Thiện Hiện, đó là Tam-ma-địa tập tán của Đại Bồ-tát. Nếu Đại Bồ-tát an trụ trong Tam-ma-địa tập tán, chứng đắc thật tánh bình đẳng của tất cả pháp, Đại Bồ-tát ấy, lại đem thiện căn tịnh lự như thế cho các hữu tình cùng có như nhau, hồi hướng quả vị giác ngộ cao tột, dùng vô sở đắc làm phương tiện; khi hồi hướng quả vị đại Bồ-đề như thế, xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng để làm gì, hồi hướng về đâu; ba tâm như thế, đều vĩnh viễn chẳng khởi, thì này Thiện Hiện, đó là Đại Bồ-tát an trụ Bát-nhã Ba-la-mật-đa mà dẫn nhiếp tịnh lự Ba-la-mật-đa.

 

Quyển thứ 350

Hết

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567