- 01. Xuất gia tu học (HT Như Điển)
- 02. Chùa Phước Lâm
- 03. Làm nhang
- 04. Học tập
- 05. Về lại chùa Viên Giác
- 06. Ngày mất mẹ
- 07. Làm đậu hủ
- 08. Pháp nạn năm 1966
- 09. Học tán tụng
- 10. Về Cẩm Nam
- 11. Hội An ngày ấy
- 12. Hồi Ký
- 13. Tết năm Mậu Thân
- 14. Thầy Tôi
- 15. Di Tích
- 16. Chiếc nón bài thơ
- 17. Xa Hội An
- 18. Cách học cho giỏi
- 19. Lời cuối
- 20. Gặp lại nhau
- 21. Ba thế hệ đậu Tiến sĩ (Bác sĩ văn học)
- 22. Lời ngỏ (Trần Trung Đạo)
- 23. Vài nét về chùa Viên Giác
- 24. Thời thơ ấu ở Duy Xuyên
- 25. Đến chùa Viên Giác lần đầu
- 26. Rời chùa Viên Giác đến Vĩnh Điện
- 27. Trở lại chùa Viên Giác
- 28. Tưởng nhớ sư phụ, cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Long Trí
- 29. Thầy tôi - Để tưởng nhớ bổn sư Thích Như Vạn
- 30. Tưởng nhớ Hòa Thượng Thích Tâm Thanh
- 31. Phố cổ Hội An và những ngôi trường cũ
- 32. Hãy Ngủ Yên Đà Nẵng Của Tôi Ơi !
- 33. Vu Lan nghĩ về Mẹ và Quê Hương
XIII.- Tết năm Mậu Thân
Cuối năm 1968 cũng là năm có nhiều kỷ niệm, năm ấy chính là Tết Mậu Thân. Ở Hội An tương đối không bị hư hao thiệt hại nhiều như ở Huế và Hội An thuở đó hình như không bị chiếm đóng ngày nào mà họ chỉ đến đánh mạnh rồi bỏ đi. Có rất nhiều chiến sĩ áo đen hy sinh bằng cách cầm rựa chặt dây điện cắt đường liên lạc; cuối cùng bị chết cháy thảm thương trên đường phố có lẽ không được học phương pháp dùng điện trước khi xuống núi nên mới ra nông nỗi ấy. Còn bây giờ sau 30 năm tiếp thu miền Nam nghe đâu họ sống rất là Đế Vương trong khi chung quanh họ còn không biết bao nhiêu người đói khổ vẫn còn sống lê lết nơi hè phố, bữa đói, bữa no và chẳng có một mái ấm gia đình. Họ vẫn nhà cao cửa rộng, kín cổng cao tường.
Năm ấy tôi được đi Huế với Thầy tôi để cứu trợ. Huế là một cố đô của Việt Nam giống như Kyoto của Nhựt Bản. Chữ Kyoto có nghĩa là Kinh đô. Có nghĩa là nơi Vua đã ở. Còn Tokyo chính là Đông Kinh; nơi đây cũng là nơi Vua đang ở; nhưng mới mẻ hơn. Kể từ 1868 sau khi Vua Minh Trị duy tân thì Kinh đô được dời về Tokyo. Trong khi đó tại Việt Nam của chúng ta đến năm 1945 thì chính thức Vua Bảo Đại đã thoái vị và nếu kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng từ Nghệ An vào Huế để xây nghiệp Đế năm 1601 cho đến 1945 là gần 350 năm lịch sử gồm có 9 vị chúa và 13 vị Vua trị vì đất nước Việt Nam của chúng ta thuộc triều Nguyễn. Như vậy đây là triều đại dài nhất
Ai xem quyển “Danh Thắng miền Trung“ của Quách Tấn người Bình Định mới thấy 11 ông Vua triều Nguyễn có những lăng mộ xây cũng rất kiên cố, đâu có khác gì 13 ngôi lăng mộ của vua nhà Minh tại Yên Kinh bây giờ đâu. Nhà Nguyễn có hai ông Vua; đó là Vua Duy Tân mất tại đảo Réunion ở Châu Phi và nghe đâu thập niên 90 đã đưa hài cốt về lại Việt Nam rồi. Còn Vua Bảo Đại, ông Vua cuối cùng của triều Nguyễn mất ở tuổi 84 và được chôn ở Pháp dưới nấm mộ bình thường mà thôi. Như thế cũng là một đời làm vua.
Thuở ấy tôi có xem Lăng Khải Định, còn những Lăng khác như Gia Long, Minh Mạng thuộc vùng xôi đậu nên bị cấm không được đi; nhưng theo ông Quách Tấn trình bày thì Lăng Khải Định là Lăng xây cất vụng về nhất, vì nửa Tây nửa Ta; nhưng lúc ấy theo tôi, đã đồ sộ quá rồi. Vì tôi đã chẳng có nhân duyên để viếng thăm những Lăng tẩm khác của các ông Vua nhà Nguyễn.
Thầy tôi mang đủ thứ từ Hội An ra chùa Diệu Đế để cứu trợ. Sau đó tôi được dẫn đến chùa Từ Đàm và chùa Linh Mụ và được biết Ôn Linh Mụ đã bị người ta vào cõng đi hôm tối 30 rồi, mặc dầu Ôn đang bị bệnh. Lúc ấy Thầy tôi cũng chẳng kể cho tôi nghe là Thầy và gia đình Thầy là đệ tử tại gia của Ôn Linh Mụ, tức cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu mà sau nầy tôi mới biết khi đọc qua “Châu Ngọc Hồi Ký“ của Thầy viết để lại. Khi xuất gia thì Thầy tôi xuất gia với Hòa Thượng Phổ Thoại tại Hội An; nên mới có pháp danh bắt đầu bằng chữ Chơn là vậy. Thầy tôi vốn ít tâm tình với đệ tử. Suốt từ năm 1966 đến 1969 tôi ở bên Thầy; nhưng tôi không nghe Thầy la mình mà cũng chẳng bảo ban một điều gì. Lúc nhỏ tôi không nghĩ là Thầy ghét mình nên không dạy bảo. Thôi thì cứ xem Thầy làm cái gì thì mình làm theo cái đó và nhìn Thầy để hiểu ý Thầy và mình làm theo là được. Thầy tôi hoạt động xã hội rất nhiều; nhất là khâu tổ chức thì khỏi chê. Có lẽ tôi nhờ ảnh hưởng ấy mà ngày nay mỗi lần tổ chức lễ cho mấy ngàn người, tôi cũng chẳng thấy đó là khó. Cách ăn nói cộng với điển trai của Thầy thì khi thuyết phục một việc gì, chẳng ai bì nổi. Thời kỳ quốc gia, lính quốc gia cũng ngán. Đến thời cộng sản vào, Thầy tôi cũng kháng cự lại họ bằng lối lý luận của Quảng Nam thì họ cũng chạy làng. Ví dụ một câu chuyện như sau:
Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một bộ phận thanh niên và trung niên rất quan trọng, sinh hoạt đều đặn hằng tháng tại mỗi địa phương và là đứa con cưng của Giáo Hội, rất được tin tưởng. Thế nhưng khi người cộng sản vừa nắm quyền thì họ không cho tổ chức nầy sinh hoạt cũng như cắm trại và Đại Hội. Thầy tôi cứ tổ chức cắm trại và Đại Hội tại Hội An. Khi bị công an hỏi giấy phép của chính quyền thì Thầy tôi trả lời rằng: Nếu có xin phép các anh cũng không cho. Do vậy tôi vẫn tổ chức. Vì cái gì các anh không cho thì cái ấy nó nằm ngoài cái phép ấy. Nói như thế cũng chẳng khác gì “thí mạng cùi“ cho họ. Nhưng được một cái là đã tổ chức và Đại Hội xong thì họ mới hay tin. Nên xem như huề cả làng. Còn nhiều chuyện khác nữa Thầy tôi đã kể lại cho nghe vào năm 1991 khi Thầy được tôi bảo lãnh và mời qua dự lễ khánh thành chùa Viên Giác vào tháng 7 năm ấy; hãy quên đi những chuyện cười ra nước mắt thuở ấy; nhưng đại loại cũng có thể hiểu là những câu chuyện làm cho xong, làm cho được; miễn sao ai đó ra sao thì ra, chuyện mình mình cứ làm.
Huế thuở ấy đã hoàn toàn đổ nát (1968). Nếu ai đọc quyển “Giải khăn sô cho Huế“ của nhà văn Nhã Ca thì rõ ràng hơn; thiết tưởng tôi không cần nhắc lại ở đây nhiều hơn nữa. Nếu có nói cũng là những chuyện đau lòng và đáng thương tâm nhiều hơn và nỗi ngăn cách giữa bên này và bên kia lại còn nhiều hơn nữa.