Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

22. Hạ thứ 14 tại Jetavana (năm -576)

02/03/201419:16(Xem: 15006)
22. Hạ thứ 14 tại Jetavana (năm -576)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


9- Hạ thứ 14 tại Jetavana (năm -576)

Nữ cư sĩ Visàkhà cúng dường tinh xá Đông Viên[1]

Người đến tinh xá Jetavana nghe pháp càng ngày càng đông. Trong số những đệ tử mới có nữ cư sĩ Visàkhà, vừa mới 20 tuổi, được xem là đại thí chủ không kém gì ông Sudattà Anàthapindika. Thấy số khất sĩ tại tinh xá Jetavana quá đông đảo, bà phát tâm cúng dường khu vườn rộng rãi xinh tươi của bà ở phía đông thủ đô Sàvatthi để làm thêm một căn cứ tu học khác cho các vị khất sĩ. Khu đất này cũng đẹp không thua gì Jetavana nhưng diện tích hẹp hơn. Với sự điều động của đại đức Moggallàna và sự góp sức của các bạn, bà Visàkhà đã xây cất được nhiều tăng xá và thiền đường. Một giảng đường lớn được dựng lên ngay trung tâm khu vườn. Khi tinh xá mới được hoàn thành, đại đức Sàriputta đề nghị đặt tên là tinh xá Đông Viên(Pubbàràma, Purvaràma) và giảng đường lớn ở trung tâm là giảng đường Lộc Mẫu(Migàramatas pasada). “Lộc Mẫu” là biệt danh của bà Visàkhà.

Nữ cư sĩ Visàkhà[2]sinh trưởng tại thành phố Bhaddiya của xứ Anga. Xứ Anga nằm trên bờ sông Gangà, sát ranh giới phía đông xứ Vajji và xứ Magadha. Bà là con gái của nhà triệu phú Dhananjaya, mẹ bà là Sumana Devi, ông nội bà là nhà triệu phú Ram, tên thật là Mendaka[3], mà bà hết sức thương mến.

Năm Visàkhà lên 10 tuổi, đức Phật có dịp đến viếng thành phố Bhaddiya để độ ông Bà-la-môn tên Sela. Được biết đức Phật đang ngụ tại lâm viên Jatiyavana, ông Ram bảo cháu nội :

Này Visàkhà, hôm nay là ngày vui của cháu và ông nội. Vậy cháu hãy sửa soạn đi với ông nội đến viếng đức Phật và nghe pháp.

Cô bé Visàkhà vui vẻ vâng lời. Khi đến nơi, cô đảnh lễ đức Phật rồi cung kính ngồi qua một bên, tư cách rất là phong nhã lễ độ. Sau khi nghe Phật thuyết pháp, ông nội cô và cô đều đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti).

Lúc bấy giờ vua Pasenadi xứ Kosala và vua Bimbisàra xứ Magadha vốn là thông gia với nhau: bà Videhi, em vua Pasenadi, là hoàng hậu xứ Magadha, và bà Mallikà, chị vua Bimbisàra, là hoàng hậu xứ Kosala. Một hôm vua Pasenadi xứ Kosala đến gặp vua Bimbisàra xứ Magadha, nói :

Thưa Đại vương, xứ Magadha có năm nhân tài lỗi lạc và giàu có là Jotiya, Jatila, Ram, Punnaka, và Kakavakiya. Tôi chỉ xin được một trong năm người đó đến định cư luôn tại xứ Kosala.

Sau cuộc thảo luận nội bộ, vua Bimbisàra đồng ý cho ông Ram và cả gia đình ông đến định cư tại Kosala. Khi phái đoàn vua Pasenadi và gia đình ông Ram với con trai là Dhananjaya cắm trại nghỉ đêm tại một lâm viên xinh đẹp cách Sàvatthi 60 dặm về phía nam, ông Dhananjaya nói với vua :

Thưa Đại vương, trong thủ đô Sàvatthi chắc đông đảo dân cư lắm, mà gia nhân của chúng tôi lại rất đông người. Vậy, nếu được Đại vương chấp thuận, chúng tôi xin được định cư ngay tại đây.

Vua Pasenadi đồng ý cho gia đình ông Ram định cư tại thành phố Sàketa, hiện nay là Ayodhya, nằm trên bờ sông Ghaghara, một phụ lưu của sông Gangà.

Lúc bấy giờ ở Sàvatthi có ông triệu phú tên Migàra, có người con trai tên Punnavaddhana vừa đến tuổi lập gia đình. Ông bà Migàra hỏi con muốn chọn vợ như thế nào. Punnavaddhana đáp :

Có cô nào có đầy đủ năm vẻ đẹp của người phụ nữ thì con mới ưng.

Năm vẻ đẹp của người phụ nữ là Tóc, Môi, Răng, Da và Tươi Trẻ. Ông bà Migàra liền mời tám ông Bà-la-môn đến nhà dùng cơm, rồi nhờ họ đi tìm dùm người con gái nào có đầy đủ năm vẻ đẹp để xin cưới cho Punnavaddhana. Khi chuyện đã thành sẽ được trọng thưởng.

Kinh sách ghi rằng cô Visàkhà có sức mạnh như đàn ông và rất mỹ miều duyên dáng. Tóc nàng tựa như đuôi chim công, khi xỏa ra dài tới mắt cá chân rồi cuộn trở lên. Môi nàng tự nhiên đỏ hồng tươi mát. Răng trắng như ngà, khít khao đều đặn và sáng ngời như hai hàng ngọc. Nước da mịn màng như cánh hoa sen vàng vừa mới nở. Cho đến lúc già và có đông con, Visàkhà vẫn còn hình dáng đẹp đẽ của thời son trẻ. Visàkhà lại có trí tuệ hơn người, sáng suốt trong việc thế gian cũng như trong phạm vi đạo đức.

Năm mười sáu tuổi, Visàkhà đi với đám tỳ nữ ra bờ sông để dự lễ Tao Ngộ. Theo phong tục địa phương thì vào ngày lễ này nam thanh nữ tú đi dạo chơi nơi bờ sông. Khi một thanh niên trông thấy một thiếu nữ đẹp ý mình đi ngang qua thì bước đến tặng nàng một vòng hoa đeo cổ biểu lộ ý mình muốn chọn nàng làm vợ. Thình lình một đám mưa to đổ xuống. Người đi đường đều bỏ chạy tìm nơi tạm trú. Visàkhà vẫn khoan thai bước đi tìm nhà đụt mưa. Có vài vị Bà-la-môn đi đường trông thấy lấy làm ngạc nhiên, hỏi :

Sao cô không chạy mau vào cho khỏi ướt mình ?

Dạ, tôi có thể chạy mau lắm chứ, nhưng tôi không muốn làm như vậy.

Tại sao vậy ?

Dạ, ví như có một vị vua kia đang mặc sắc phục triều đình, bỗng nhiên xăn áo quần lên, hối hả chạy vào cung điện thì ắt không đúng tư cách. Ví như một thớt tượng của vua đường bệ oai nghiêm, mình mang đầy trang sức mà không dõng dạc lần bước lại đâm đầu bỏ chạy ngoài đường thì cũng là một cảnh tượng trái mắt. Như những nhà sư trang nghiêm đáng kính không nên ôm y bát chạy ngoài đường. Cũng thế, người phụ nữ chạy ngoài đường như đàn ông mất hết nề nếp đoan trang phong nhã.

Các vị Bà-la-môn lấy làm hoan hỉ nghĩ rằng cô Visàkhà sẽ là người vợ lý tưởng cho con trai ông bà triệu phú Migàra ờ Sàvatthi vì cô có đủ năm tướng đẹp của người phụ nữ. Các vị Bà-la-môn bèn nhân danh cậu Punnavaddhana, con ông bà triệu phú Migàra, tặng cô Visàkhà một vòng hoa bằng vàng. Sau đó vài hôm, một lễ cưới trọng thể được tổ chức với sự hiện diện của vua Pasenadi. Ông bà triệu phú Migàra, từ thủ đô Sàvatthi đến thành phố Sàketa xin cưới cô Visàkhà cho con trai là Punnavaddhana. Ngoài của hồi môn xứng đáng và những món trang sức quý giá, ông Dhananjaya, cha cô, còn ban cho cô lời giáo huấn trước khi về nhà chồng như sau[4]:

1- Không nên nói xấu chồng và cha mẹ chồng với người ngoài. Cũng không nên đem chuyện xấu bên nhà chồng thuật lại cho người ngoài. (Nguyên văn : Không nên đem lửa trong nhà ra đường).

2- Không nên lập lại những lời tường thuật hay những câu chuyện của người khác nói xấu bên chồng. (Nguyên văn : Không nên đem lửa ngoài đường vào nhà).

3- Đồ trong nhà chỉ nên cho những người nào mượn rồi trả lại.

4- Không nên cho những người mượn đồ mà không trả lại.

5- Phải giúp đỡ thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dù họ trả lại được hay không.

6- Phải ngồi đúng chỗ thích nghi. Khi thấy cha mẹ chồng đến phải đứng dậy.

7- Trước khi ăn cơm phải coi có dọn đầy đủ món ăn cho cha mẹ chồng và chồng chưa. Cũng phải coi chừng người làm trong nhà có được ăn uống đầy đủ không.

8- Trước khi đi ngủ phải quan sát nhà cửa, ghế bàn có được thu dọn ngăn nắp chưa. Cửa đóng then cài cẩn thận. Xem coi những người giúp việc trong nhà có làm đủ bổn phận của họ chưa, và cha mẹ chồng đã đi ngủ chưa. Thế thường người nội trợ phải thức khuya dậy sớm và, trừ khi đau ốm, không nên ngủ ngày.

9- Phải xem chồng và cha mẹ chồng như lửa: Mỗi khi có việc với cha mẹ chồng hay chồng phải hết sức thận trọng như khi dùng lửa.

10- Cha mẹ chồng và chồng phải được tôn kính như những vị trời trong nhà (sassudeva).

Cha chồng bà là một đệ tử trung kiên của giáo phái Nigantha (còn gọi là Jaina). Một hôm ông thỉnh về nhà rất đông các tu sĩ lõa thể. Khi các vị ấy đến, bà Visàkhà được gọi ra đảnh lễ các vị được gọi là A-la-hán đó. Thoạt nghe đến tiếng A-la-hán, bà vui vẻ bước ra. Nhưng khi thấy những tu sĩ lõa lồ thì bà quày quả trở vào, không đến đảnh lễ. Các đạo sĩ Nigantha tức giận, bắt lỗi cha chồng bà sao lại đem vào nhà mình một tín nữ của đức Phật. Họ yêu cầu ông đuổi bà ra khỏi nhà tức khắc. Ông triệu phú, vì kiên nể gia đình ông Ram, phải khuyên giải hết lời họ mới nguôi giận.

Một hôm, người cha chồng đang ngồi ăn món cháo sữa rất ngon trong cái chén bằng vàng. Ngay lúc ấy có một vị khất sĩ đến trước cửa nhà khất thực. Bà Visàkhà liền đứng tránh qua một bên để cha chồng trông thấy nhà sư. Tuy đã thấy nhưng ông vẫn làm ngơ, tiếp tục ăn như thường. Thấy vậy, bà Visàkhà cung kính nói với vị khất sĩ :

Bạch thầy, xin thầy hoan hỉ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng món ăn không tốt .

Nhà triệu phú hiểu lầm bà có ý hổn láo nói xấu mình, lấy làm tức giận, truyền gia nhân đuổi bà ra khỏi nhà. Nhưng tất cả tôi tớ trong nhà đều hết lòng quý trọng bà nên không ai dám động đến bà. Bà Visàkhà lễ phép trình bày :

Thưa cha, con thấy con không có lỗi gì đến đỗi phải bị cha đuổi khỏi nhà. Sau đám cưới, khi con sắp rời nhà cha mẹ con qua đây, cha con có mời tám người trong thân tộc bên chồng và gởi gắm con cho các vị ấy. Cha con nói "Nếu con gái tôi có phạm điều gì lỗi lầm, xin các vị hãy dò xét cặn kẽ". Vậy xin cha hãy mời các vị ấy đến để xét xử xem con có lỗi hay không.

Nhà triệu phú đồng ý, cho mời tám vị thân nhân kia lại, phân trần :

Lúc tôi đang ngồi ăn cháo sữa trong một cái chén bằng vàng thì con dâu tôi nói rằng tôi ăn đồ không sạch. Vậy các anh em hãy vạch ra cho nó thấy lỗi và đuổi nó ra khỏi nhà này.

Bà Visàkhà giải thích :

Dạ thưa quý bác, quý chú, sự việc xảy ra không đúng hẳn như vậy. Lúc cha chồng con đang dùng cháo thì có một vị khất sĩ đến trước nhà khất thực. Cha chồng con thấy mà làm ngơ. Nghĩ rằng cha chồng con không muốn làm điều phước thiện nên con nói “Bạch thầy, xin thầy hoan hỉ bước sang nhà khác. Cha chồng tôi đang dùng món ăn không tốt”.

Mọi người nhìn nhận bà Visàkhà không có lỗi, chỉ có ý nói xuôi cho vị khất sĩ bước sang nhà khác. Cha chồng bà thấy vậy cũng bỏ qua. Sau đó bà tìm cách khuyên cha chồng đến Jetavana nghe Phật thuyết pháp để biết qua giáo lý cao thượng của ngài. Nhưng ông nhất định không chịu đi. Bà Visàkhà nói :

Thưa cha, nếu cha ngại việc đi đến Jetavana thì con xin phép cha được thỉnh Phật về nhà thọ trai một lần để cha có dịp nghe Giáo Pháp của ngài.

Ông đồng ý. Khi đức Phật đến nhà thọ trai và thuyết pháp thì ông Migàra, cha chồng bà, ngồi trong buồng lắng nghe. Nghe xong ông đắc quả Tu-đà-hoàn. Ông rất vui mừng và cám ơn cô dâu quý đã dẫn ông vào con đường giải thoát thật sự. Ông nói:

Này Visàkhà, con dâu quý của cha, nhờ con mà cuộc đời còn lại của cha từ nay bước qua một khúc quanh tốt đẹp. Cha quý con lắm, từ nay cha sẽ xem con như một bà mẹ. Hôm nào thuận tiện con hãy đưa cha đến Jetavana để xin quy y Tam Bảo.

Thưa cha, xin cha chớ quá lời. Con chỉ cố gắng làm tròn bổn phận của con mà thôi.

Từ đó về sau, bà Visàkhà có biệt danh là “Lộc Mẫu” (Migàra màtu), có nghĩa là mẹ của Migàra (Lộc, con nai). Đến lúc bà sinh được con trai đầu lòng, đức Phật được thỉnh đến nhà thọ trai và làm lễ quán đảnh (đặt tên) cho cháu bé. Bà đặt tên cho con bà là Migàra để mọi người khỏi thắc mắc về biệt danh "Lộc Mẫu" của bà. Nhơn dịp này bà mẹ chồng của bà được nghe Phật thuyết pháp và đắc quả Tu-đà-hoàn. Gia đình nhà chồng bà Visàkhà từ nay trở thành một gia đình Phật tử đầy an vui hạnh phúc. Bà Visàkhà để bát chư tăng hằng ngày tại nhà. Buổi chiều bà thường đi với một bà bạn thân tên Suppiyà đến Jetavana nghe pháp và xem quý vị khất sĩ có cần dùng vật chi không.

Đầu mùa hạ năm nay bà đã cúng dường tinh xá Đông Viên, ở phía đông thủ đô Sàvatthi, với giảng đường Lộc Mẫu, để các vị khất sĩ nhập hạ có đủ chỗ ở. Tinh xá này do đại đức Moggallàna chỉ huy xây cất trong vòng 9 tháng.

Đến ngày tự tứ mãn hạ, bà lại đến trước Phật nêu tám điều thỉnh nguyện như sau[5]:

1- Dâng y đến chư tăng trong mùa nhập hạ cho đến suốt đời bà.

2- Để bát những vị sư mới đến thành Sàvatthi.

3- Để bát những vị sư sắp rời thành Sàvatthi.

4- Dâng thực phẩm đến những vị sư đau ốm.

5- Dâng thực phẩm đến những vị chăm sóc các sư đau ốm.

6- Dâng thuốc men đến những vị sư đau ốm.

7- Dâng lúa mạch đến chư tăng ni.

8- Dâng y tắm đến các Tỳ kheo ni.

Đức Phật hoan hỉ chấp thuận. Về sau chính đức Phật đã nhập hạ sáu lần tại tinh xá Đông Viên (Pubbàràma).

Trong nhiều thời pháp, đức Phật đã khuyên dạy hàng phụ nữ như sau : 

Tích cực hoạt động.

Nhã nhặn hiền hòa.

Luôn luôn dịu dàng chìu chuộng chồng dù chồng không đem lại tất cả hạnh phúc.

Không khi nào dùng lời bất cẩn, nghịch ý, thiếu lễ độ, làm chồng nổi giận.

Tôn trọng tất cả những người được chồng kính nể.

Khéo léo, lanh lẹ, thức khuya dậy sớm.

Tận tâm săn sóc sức khỏe của chồng trong khi chồng làm việc cực nhọc.

Muốn những điều chồng muốn và cố làm cho được.

Người phụ nữ làm được những điều trên đây sẽ tái sanh vào cảnh giới của những vị Trời dễ mến.[6]

Bà Visàkhà đã đóng góp một phần quan trọng trong nhiều lãnh vực khác có liên quan đến Phật sự. Đôi khi đức Phật dạy bà đi hòa giải những mối bất đồng giữa các Tỳ kheo ni. Cũng có lúc bà thỉnh cầu đức Phật ban hành một vài giới cho chư tăng ni. Bà được xem là người tín nữ có công đức nhiều nhất trong các Phật sự và cũng là vị thí chủ quan trọng nhất của phái nữ vào thời Phật tại thế.

Do phẩm hạnh trang nghiêm, tư cách thanh nhã, ngôn ngữ lễ độ khôn khéo, tánh tình lịch duyệt hiếu khách, tâm đạo nhiệt thành, bà được lòng tất cả những ai đã gặp bà. Bà được diễm phúc làm mẹ của mười người con trai và mười người con gái, tất cả đều hiếu thảo. Bà từ trần lúc được 120 tuổi, trên đầu chưa hề có một sợi tóc bạc.

Đức Phật đã nói về bà Visàkhà như sau :

Này các thầy, như một ngưởi thợ khéo dùng một đống lớn hoa đủ loại để kết thành những tràng hoa xinh đẹp, bà Visàkhà luôn luôn có sáng kiến để làm việc thiện.

Phật thuyết kinh Người Biết Sống Một Mình[7]

Phật nhập hạ thứ 14 ở Sàvatthi xứ Kosala với sự có mặt của đại đức Sàriputta và Ràhula.

Trước kia, tại tinh xá Venuvana, có thầy Theranàmaka rất ít nói chuyện với bất cứ ai. Thầy thích đi một mình, làm việc một mình. Thầy không làm phật lòng ai, cũng không vi phạm giới điều nào, nhưng thầy thích sống lẻ loi, không thật sự hòa hợp với đại chúng. Một hôm, sau giờ thuyết pháp, Phật gọi đại đức Theranàmaka lên và hỏi :

Này Thera, thầy là người thích sống một mình, đi đâu hay làm việc gì cũng muốn tránh sự chung đụng với người khác. Có phải thế không ?

Bạch Thế Tôn, đúng như vậy. Con thường nghe Thế Tôn dạy người khất sĩ phải biết sống một mình nơi thanh vắng.

Này Thera, người biết sống một mình là người không nghĩ đến những việc đã qua, không mơ tưởng những việc sắp tới, trong hiện tại biết nhiếp phục tự ngả, lợi đắc, tham dục, sống tự tại đối với mọi ràng buộc thế gian. Thầy nên tu tập như thế.

Hôm nay, tại Jetavana, đức Phật gọi các vị khất sĩ đến bảo:

Này các thầy, các thầy hãy lắng nghe, Như Lai sẽ giảng cho các thầy hiểu thế nào là Người Biết Sống Một Mình.

Người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm. Người đó ý thức được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, trong cơ thể, trong cảm giác, trong tư tưởng hay ở trước mặt. Người đó biết nhận thức sự sống trong giờ phút hiện tại, không tìm về quá khứ, không tưởng tới tương lai. Vì quá khứ thì không còn, tương lai thì chưa tới. Sự sống chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại.

Này các thầy, thế nào là tìm về quá khứ ? Tìm về quá khứ là nghĩ rằng trong quá khứ hình thể ta từng như thế đó, cảm thọ ta từng như thế đó, địa vị ta từng như thế đó, hạnh phúc ta từng như thế đó, đau khổ ta từng như thế đó ... Phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những vui buồn thuộc về quá khứ. Đó là tìm về quá khứ.

Này các thầy, thế nào là tưởng tới tương lai ? Tưởng tới tương lai là nghĩ rằng trong tương lai hình thể ta sẽ như thế đó, cảm thọ ta sẽ như thế đó, hạnh phúc ta sẽ như thế đó, đau khổ ta sẽ như thế đó ... Phát khởi lên những suy tư như thế và tâm bị ràng buộc bởi những mơ ước hoặc lo sợ về tương lai. Đó là tưởng tới tương lai.

Này các thầy, sống trong thực tại là sống tỉnh thức trong chánh niệm. Sống trong thực tại không có nghĩa là sống buông lung theo những khoái lạc hoặc sầu khổ trong hiện tại. Bởi vì sống buông lung theo những khoái lạc hoặc sầu khổ trong hiện tại cũng là quên thực tại.

Này các thầy, người biết sống một mình là người biết an trú trong chánh niệm, dù người ấy đang ở giữa đám đông. Người ngồi trong rừng sâu mà không giữ được chánh niệm, để cho những con ma quá khứ và tương lai lôi cuốn và ám ảnh thì người ấy vẫn không phải là người biết sống một mình.

Rồi Phật đọc bài kệ tóm ý như sau :

“Đừng tìm về quá khứ,

“Đừng tưởng tới tương lai.

“Quá khứ đã không còn,

“Tương lai thì chưa tới.

“Hãy quán sát sự sống

“Trong giờ phút hiện tại.

“Kẻ thức giả an trú

“Vững chải và thảnh thơi.

“Phải tinh tấn hôm nay

“Kẻo ngày mai không kịp.

“Cái chết đến bất ngờ

“Không thể nào mặc cả.

“Người nào biết an trú

“Đêm ngày trong chánh niệm,

“Thì Như Lai gọi là

“Người Biết Sống Một Mình.

Sau khi đức Phật dứt lời, các vị khất sĩ đều hoan hỉ tín thọ phụng hành.

Đức Phật khen đại đức Sangamàji[8]

Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp nhiều lần, ông Sangamàji ngộ đạo liền đến tinh xá Jetavana ở Sàvatthi xin xuất gia.

Một hôm vợ ông bồng đứa con trai hai ba tuổi đến Jetavana, thấy đại đức Sangamàji đang ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây. Bà dắt đứa bé đến trước mặt đại đức, khóc lóc bảo :

Anh ơi, xin anh hãy trở về nhà tiếp tục lo cho gia đình và nuôi dưỡng đứa con thơ này của chúng ta. Nó nhớ anh lắm, cứ khóc đòi cha hoài, em chịu không nỗi!

Nhưng đại đức Sangamàji vẫn ngồi làm thinh. Bà vợ khóc than và nhắc đi nhắc lại nhiều lần cũng không kết quả gì. Bà nổi giận đặt đứa con vào lòng đại đức rồi nói lớn :

Đây, con trai của ông đây, ông hãy nuôi nấng và dạy dỗ nó. Một mình tôi không kham nổi đâu !

Nói rồi bà quày quả bỏ đi. Sau khi đi được một đoạn đường, bà quay nhìn lại thấy đại đức Sangamàji vẫn ngồi bất động, không nhìn đến con và cũng không nói gì với nó cả, trong lúc đứa bé khóc la đòi mẹ. Bà trở lại bế con lên rồi buồn bã ra về.

Đức Phật nghe kể lại chuyện này, nói kệ khen đại đức Sangamàji như sau:

“Khi nàng đến, chẳng thấy hân hoan;

“Nàng bỏ đi, lòng chẳng thấy buồn.

“Sangamàji là người dứt hệ lụy.

“Người này ta gọi Bà-la-môn. (Udàna 1.8)

Phật dạy vua Pasenadi cách cúng dường tại tư gia[9]

Một hôm vua Pasenadi đứng trên sân thượng nhìn xuống đường, thấy hằng ngàn vị khất sĩ đang đi thành hàng dài. Vua hỏi, cận vệ thưa :

Tâu Đại vương, mỗi ngày thường có hằng ngàn vị khất sĩ đến nhà ông Anàthapindika, ông Culla Anàthapindika[10], bà Visàkhà và bà Suppadasa để nhận cúng dường về thực phẩm, thuốc men và vật dụng thường nhật, theo thỉnh nguyện của các vị cư sĩ này.

Vua Pasenadi nghe nói cũng phát tâm đến tinh xá Jetavana thỉnh Phật và giáo đoàn mỗi ngày vào đền vua thọ trai. Phật đáp :

Thưa Đại vương, chư Phật không bao giờ thọ cúng dường hằng ngày ở cùng một nơi, vì có rất nhiều người mong được gặp Phật.

Thưa Thế Tôn, nếu vậy xin Thế Tôn đến lần đầu rồi cử một vị đại đức thường ngày hướng dẫn 500 vị khất sĩ đến thọ trai tại đền vua.

Đức Phật chấp thuận và giao cho đại đức Ànanda lo việc này. Từ đó mỗi ngày vua Pasenadi đích thân tiếp đãi, mời ngồi và để bát cho 500 vị khất sĩ do đại đức Ànanda hướng dẫn vào đền. Vua không để cho ai khác lo việc này. Đến ngày thứ tám, vua bận việc triều chính nên quên việc cúng dường. Các vị khất sĩ nói với nhau : “Ngoài vua không ai dám lo việc cúng dường nếu không có lệnh. Vậy chúng ta không nên ở lại đây lâu hơn nữa”. Rồi nhiều vị bỏ ra về. Qua ngày hôm sau vua cũng quên việc cúng dường, nhiều vị khất sĩ cũng bỏ ra về. Đến ngày thứ ba vua cũng quên việc cúng dường, tất cả các vị khất sĩ đều ra về, chỉ còn đại đức Ànanda ngồi lại chờ. Quân hầu thấy vậy lấy thức ăn ra để bát cho ngài dùng. Vua về đến thấy chỉ có một mình đại đức Ànanda đang thọ trai và thực phẩm còn lại rất nhiều. Vua tức giận đến tinh xá Jetavana gặp Phật, nói :

Thưa Thế Tôn, trẫm sai chuẩn bị thực phẩm cho 500 người, nhưng chỉ có một mình thầy Ànanda đến thọ trai. Làm phí phạm rất nhiều thực phẩm ! Xin Thế Tôn cho biết vì sao các vị khất sĩ khác không đến ?

Thưa Đại vương, có lẽ vì hai ngày trước không được cúng dường nên hôm nay các khất sĩ thiếu tin tưởng nơi Đại vương nên không tới. Thưa Đại vương, có chín điều làm cho các khất sĩ có quyền từ chối lời mời đến tư gia cúng dường, hoặc đến nơi rồi mà không ngồi xuống thọ trai và nói pháp. Chín điều đó là[11]:

1- Gia chủ không đứng lên nghênh tiếp.

2- Không tiếp đón niềm nỡ.

3- Không vui vẻ mời ngồi.

4- Giấu giếm các thức ăn quí giá.

5- Có nhiều, cho ít.

6- Có thức ăn tốt, cho thức ăn xấu.

7- Thiếu lễ độ trong cử chỉ.

8- Thiếu lễ độ trong lời nói.

9- Không chăm chỉ ngồi nghe pháp.

Rồi đức Phật quay sang nói với các vị khất sĩ :

Này các thầy, nếu gia đình nào thực hành tốt đẹp chín điều vừa nói, tức là tỏ ra tin tưởng và kính trọng Tam Bảo, thì các thầy nên nhận lời mời đến tư gia cúng dường, lúc đến nơi nên ngồi xuống, chú nguyện cho gia chủ được nhiều phước báo, thọ trai trong im lặng, rồi nói pháp và giải đáp các nghi vấn của gia chủ để khuyến khích gia chủ tinh tấn trên con đường Chánh Pháp hầu đạt được hạnh phúc lâu dài trong đời sống hiện tại và tương lai.

Vua Pasenadi từ giả Phật ra về, trong bụng nghĩ thầm “Ta phải làm sao để được lòng tin tưởng của đức Phật và Giáo Đoàn Khất Sĩ ? Cách hay nhất là cưới một người con gái trong thân tộc của đấng Toàn Giác[12]”. Ít lâu sau vua Pasenadi cử sứ giả đến Kapilavatthu xin cưới một công chúa dòng Sàkya làm thứ hậu. Sau khi nghị luận với triều thần, vua Mahànàma ngầm đưa ra con gái của mình là Vasabhakhattiya (Vasabhaksatriya), mẹ nàng là tỳ nữ Nàgamundà[13], để gả cho vua Pasenadi. Vua Pasenadi được biết Vasabhakhattiya là một cô gái tuyệt đẹp, con vua Mahànàma, và từng được ngồi ăn chung bàn với vua, thì rất hài lòng. Vài năm sau, Vasabhakhattiya sanh ra hoàng tử Vidùdabha (Virudhaka) và công chúa Vajna của xứ Kosala.

Phật dạy đám trẻ nghịch cua về lòng từ bi[14]

Một hôm, trong khi đi khất thực, Phật gặp một đám trẻ con đang bắt cua dưới ruộng lên chơi. Chúng cho mấy con cua chạy đua. Con nào thua thì chúng bẻ một càng hoặc một chân để trừng phạt. Có khi con cua thắng cũng bị bẻ một chân để chấp những con khác trong kỳ đua sau. Trò chơi có vẻ hấp dẫn, chúng thích chí vỗ tay, reo hò vang dậy. Con cua nào mất nhiều chân quá không còn bò nổi thì chúng lấy chân dẫm lên cho chết rồi ném xuống ruộng.

Thấy Phật và các thầy đi tới, bọn trẻ con ngửng đầu lên nhìn rồi lại cúi xuống chơi trò hành hạ mấy con cua. Chúng chơi một trò chơi tàn ác mà không biết, vì mấy con cua lúc nào cũng làm thinh, đâu có than khóc gì !!! Phật đến nơi, đứng lại nhìn bọn trẻ rồi nghiêm nghị bảo :

Này các con, hãy dừng lại, đừng chơi như thế. Nếu các con bị trặc chân hay gãy tay thì có đau không ?

Bạch thầy, có đau.

Con cua bị các con bẻ gãy càng và gãy chân cũng đau như thế. Các con có biết không ?

Bọn trẻ đứng lên, làm thinh. Phật nói tiếp :

Con cua cũng biết ăn uống, cũng có cha mẹ anh chị của nó như các con vậy. Các con làm khổ con cua như thế thì các con cũng làm khổ luôn cha mẹ và anh chị của nó. Cũng như mỗi khi các con đau ốm thì cha mẹ anh chị của các con phải lo lắng buồn khổ. Con cua bị gãy chân đi không được, không kiếm ăn được thì còn khổ sở gắp trăm lần. Thôi, các con đừng chơi dại dột như thế nữa.

Bọn trẻ tỏ vẻ hối hận. Lúc bấy giờ, thấy Phật và các thầy đang đứng chung quanh bọn trẻ, những người đi đường cũng ghé lại xem. Nhân cơ hội này, Phật dạy cả trẻ em lẫn người lớn về lòng từ bi. Phật nói :

Này các con, chúng ta ai cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Các loài cầm thú cũng thế, chúng cũng muốn được sống an ổn và vui vẻ. Vậy chúng ta phải làm sao cho tất cả mọi loài đều được sống an lành và hạnh phúc. Chúng ta phải bảo vệ sự sống cho nhau và đem niềm vui cho nhau. Nếu chúng ta không thể mang hạnh phúc đến cho kẻ khác thì cũng nên cố tránh đừng gây thêm đau khổ. Tất cả loài vật, dù lớn hay nhỏ, dù đi bằng hai chân hay đi bằng bốn chân, dù bò trên mặt đất hay bay trên hư không, hay bơi lội dưới nước, cũng đều có quyền sống an ổn và hạnh phúc. Chúng ta không nên sát hại nhau, hận thù nhau. Chúng ta nên giúp đỡ nhau, che chở cho nhau.

“Này các con, cũng như một bà mẹ đem thân mạng che chở cho đứa con yêu quý nhất của mình, mỗi người trong chúng ta cũng phải mở rộng lòng từ bi để mang đến niềm vui và hạnh phúc cho các loài có sự sống và biết đau khổ. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi, trái tim ta phải luôn luôn mang theo tình thương muôn loài. Chúng ta hãy an trú đêm ngày trong tình thương đó. Hãy phóng tâm Từ đi khắp mười phương. Được như vậy chúng ta sẽ thấy rằng chính chúng ta là người được hạnh phúc trước nhất.

Dạy xong, Phật bảo bọn trẻ đem thả những con cua còn lại xuống ruộng. Bọn trẻ nhẹ nhàng cầm từng con cua thả xuống ruộng. Phật bảo bọn trẻ hãy trở về nhà, rồi ngài xoay lại nói với các vị khất sĩ :

Này các thầy, chúng sanh thường vì vô minh, không biết nhân quả tội phước, nên có những hành động, lời nói, tư tưởng tạo nghiệp, gây đau khổ cho chính mình và kẻ khác. Các thầy nên thực tập Quán Từ Bi (Metta Bhavana), hãy sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với Từ, để mang đến hạnh phúc cho chính mình và chúng sanh muôn loài. Chúng ta không thể có hạnh phúc khi nhìn thấy chúng sanh đau khổ.



[1]Xem Đức Phật và Phật Pháp, trang 163-173; Buddhist Legends, quyển II, trang 59-84, và quyển III, trang 130-138; Tiểu Bộ, Udàna (Tự Thuyết) VIII.8; Tiểu Bộ, Chuyện Thiên cung (Vimànavatthu) 44.

[2]Bà Visàkhà có người em út tên Sujàta là con dâu của ông Sudattà (Cấp Cô Độc).

[3]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 316.

[4]Xem Buddhist Legends, quyên II, trang 68.

[5]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 489: Suruci; Tạng Luật, Đại Phẩm, tập 2: 153.

[6]Xem Đức Phật và Phật Pháp, dịch giả Phạm Kim Khánh, trang 172.

[7]Xem Trung Bộ 131, 132, 133, 134 : Kinh Bhaddekarattà; Tương Ưng Bộ, chương 21, kinh 10: Trưởng Lão.

[8]Xem Tiểu Bộ, Tự Thuyết (Udàna), phẩm 1: 8.

[9]Buddhist Legends, quyển II, trang 32-34, 36.

[10]Cula Anàthapindikalà em trai ông Sudattà Anàthapindika (Cấp Cô Độc).

[11]Xem Buddhist Legends, tập 2, trang 33.

[12]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 465: Bhadda Sàla.

[13]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 7: Katthahàri; Jàtaka 465: Bhadda Sàla.

[14]Xem Tiểu Bộ, Tiểu Tụng, kinh Từ Bi (Mettà sutta); Tiểu Bộ, Kinh Tập, chương 1: 8.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567