Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Bốn vị Sứ Giả

26/10/201309:21(Xem: 20300)
16. Bốn vị Sứ Giả


Mot_Cuoc_Doi_01
16. Bốn Vị Sứ Giả







Theo truyền thống tôn nghiêm của các gia đình bà-la-môn cổ xưa, người con trai ưu tú của tập cấp này lúc nhỏ phải chăm lo học hành, rành thông Vệ-đà, ngữ ngôn, văn phạm, võ nghệ, binh pháp, căn bản các học nghệ... Giai đoạn hai là phải lập gia đình; nếu chưa có gia đình, chưa có con trai nối dõi thì vẫn chưa được gọi là trưởng thành; từ đây phải chăm lo nuôi dưỡng, giáo dục con cái; đồng thời phục vụ xã hội theo khả năng và trí tài của mình. Giai đoạn ba của đời người, lúc đã già là rút lui, về vườn để tu tâm dưỡng tánh. Có thể có thêm giai đoạn bốn đối với một số người, là vào rừng sống đời đạo sĩ xuất thế. Thái tử thuộc giai cấp sát-đế-lỵ nhưng toàn bộ nếp sống, nếp nghĩ đều sử dụng văn hóa bà-la-môn từ nhiều đời. Bốn giai đoạn ấy, như là sản phẩm văn hóa tốt đẹp, cần thiết phải duy trì để đem đến các giá trị đạo đức tại thế, tạo nền tảng tâm linh cho thế gian nương tựa. Nhưng đối với thái tử, sự tu tập mà để dành cho tuổi già là không thích hợp. Sự tu tập, muốn thành tựu, đòi hỏi khả năng, ý chí và sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần của tuổi thanh xuân. Chàng nghi ngờ bốn giai đoạn của người con trai bà-la-môn hiện nay chỉ còn là công thức, nhãn hiệu không còn sức sống.

Bất đầu từ hôm thảo luận với các huynh đệ về ý nghĩa và giá trị cuộc sống, thái tử tự nguyện với lòng mình là phải tìm cho ra lời giải. Thế rồi, thời gian sau, chàng cùng Channa giả trang làm người khách thương tìm đến những công viên có bóng mát rải rác trong kinh thành tìm gặp những sa-môn, đạo sĩ, du sĩ lang thang... Thái tử muốn học hỏi ở nơi họ những tri kiến mà chàng chưa được biết. Tuy nhiên, chàng hoàn toàn thất vọng. Ngay cả triết lý Vệ-đà mà họ cũng mù mờ. Có kẻ khá hơn một tí thì nói “muốn thể nhập với Thượng Đế chí tôn thì có ba con đường: một là cúng tế, cầu nguyện; hai là khổ hạnh diệt dục; ba là trầm tư và thiền định”. Nói như thế cũng bằng không, vì các điểm đó, chàng còn biết nhiều hơn họ nữa. Phải là cái gì khác kia. Đa phần, thái tử chỉ gặp những khất sĩ lang thang dơ dáy, dường như kiếm ăn là chính mà hình thức bên ngoài có vẻ rất khổ hạnh. Chưa có ai toát ra sự sắc sảo của một tri thức đáng kính.

Hôm nào nghe Channa báo tin có một đoàn đạo sĩ lạ mặt xuất hiện là thái tử lại giả trang tìm đến. Lúc thì các vị du sĩ từ nước Kosala, khi thì đoàn khất sĩ từ Kosambī; từ Vesāli, từ Rājagaha hoặc từ Bārāṇasī (Ba-la-nại) và ấn tượng nhất là nhóm đạo sĩ đến từ Himalaya, có tướng mạo rất uy nghi, đường bệ; cử chỉ, thái độ, nói năng rất điềm đạm, trầm tĩnh. Họ đều có vẻ sở đắc thiền định. Thái tử đã đặt những câu hỏi mà chàng đã thắc mắc bấy lâu:

- Xin đạo sĩ cho biết mục đích của đời sống xuất gia thoát tục?

- Là trở về với Brāhman, đạo hữu!

- Nghĩa là bằng cách thiền định để thể nhập với ngài, phải vậy không thưa đạo sĩ?

- Đúng vậy!

- Thưa, đấy là cái biết của kiến thức! Học nhân chỉ muốn ngài chỉ bày cho là khi thể nhập như vậy thì cái hữu thức của Atman này nó tồn tại hay không tồn tại?

- Tồn tại và không tồn tại đều không thể là lập ngôn chính xác để nói về Đấng Ấy, đạo hữu!

- Vậy Đấng Ấy là gì? Là ai?

- Là Chân Phúc, đạo hữu!

- Lúc hữu thức của Atman đã thể nhập vào Brāhman, nghĩa là không còn cảm thọ, tri giác, ý thức - thì lấy cái gì để cảm nhận Chân Phúc, thưa đạo sĩ?

Thấy vị đạo sĩ già nua, quắc thước có vẻ lúng túng trước câu hỏi ấy, chàng bèn mở một hướng khác:

- Ý học nhân muốn nói là: Cái ấy, cái Chân Phúc ấy có phải là ý nghĩa và giá trị vĩnh cửu của cuộc sống không, thưa đạo sĩ?

- Đúng vậy, nó Bất Tử, đạo hữu!

Thái tử trân trọng đảnh lễ vị đạo sĩ già. Sau đó, như thường lệ, Channa mang đến vải vóc, dầu, muối, các loại thực phẩm, cơm bánh, rau trái, thuốc trị bệnh... để thái tử tự tay dâng cúng đến tất cả các bậc xuất gia có mặt hôm ấy. Ra về, thái tử cứ mang mãi niềm vui trong lòng. Tuy chưa được thỏa mãn, nhưng thái tử đã xác định được một điều: Các đạo sĩ tại Tuyết Sơn, quả thật là họ đã có tu, có chứng được cái gì đó; họ toát ra sự trầm tĩnh, ổn định đáng trọng!

Hôm ấy, thái tử khoe với Yasodharā:

- Không phải là hoàn toàn bế tắc đâu, Gopā! Có những đạo sĩ từ Himalaya xuống, họ đã tìm thấy một vài ý nghĩa và giá trị nào đó trong đời sống khổ hạnh ở sơn lâm!

Yasodharā chẳng lẽ không chia vui, nhưng nàng nói một câu hàm tàng nhiều ý nghĩa:

- Thái tử vui thì thiếp cũng vui, nhưng ý nghĩa và giá trị cuộc sống nó ở xa quá, ở đâu tận Tuyết Sơn nhỉ, chàng nhỉ?

- Thôi mà, Gopā!

Lúc này, thái tử vẫn thường xuyên vào triều, kề cạnh phụ vương, tham mưu nhiều việc mà không để lộ một dấu hiệu nào về chuyện gặp gỡ các đạo sĩ. Nhờ để tâm theo dõi, biết lắng nghe, biết cách nói, thái tử đã thuyết phục hội đồng trưởng lão, ít nhất cũng được ba việc làm chàng hài lòng:

- Các ông chủ nghiệp đoàn, tiểu chủ các nhóm thợ trên từng dãy phố đã chịu nâng mức lương cho các nghề thủ công, buôn bán nhỏ... như thợ mộc, ráp cửa, đóng xe, khắc gỗ, làm dụng cụ, đúc kim khí, nề, vải vóc, dệt, nhuộm, may, gốm, thuộc da, vẽ, bán hoa, làm vòng hoa, bán gia súc, đồ tể, đánh cá, bán cá, đầu bếp, cắt tóc, tắm rửa, giặt giũ, người đi ở làm nô tì hay gia nhân... Tùy theo giá trị của công việc, nghề nặng nhẹ khác nhau mà lương họ được tăng từ hai đến năm māsaka mỗi ngày.

- Các ông chủ ngân hàng lớn và nhỏ đã chịu giảm lãi suất, từ mười lăm, mười tám phần trăm xuống còn mười hai, mười lăm phần trăm để khuyến khích mọi giới kinh doanh buôn bán làm ăn. Buôn đường dài giảm xuống còn tám mươi, buôn đường biển giảm xuống còn một trăm tám mươi. Đây là một thành công lớn. Chàng còn đề nghị một nghiệp đoàn lớn mở một cách làm ăn mới: nghề bảo hiểm rủi ro!

- Đã mời được một số bà-la-môn chuyên gia nông lâm nghiệp từ Kosala sang, đã tốt nghiệp đại học Takkasilā, mở lớp huấn luyện cán bộ chuyên môn. Song song với lãnh vực đào tạo, các trấn, thành phải có chính sách khuyến nông cụ thể như giảm tô, thuế, cung cấp phân, giống và dụng cụ sản xuất. Các giống cây trồng và khai thác lâm, khoáng sản cũng đang được nghiên cứu...

Thái tử còn nhận thêm hai tin vui nữa:

- Bhagu phụ tá công việc cho lệnh bà Gotamī và Yasodharā đã hoàn tất bốn trại phước xá ở ngoài bốn cổng thành làm nơi phát chẩn cho những kẻ đói nghèo vào các kỳ đầu và giữa tháng.

- Các ông hoàng đã tự nguyện hùn góp công sức và tiền của, kiến tạo bốn hoa viên, cũng ở ngoại thành để dân chúng có nơi vui chơi, giải trí. Nơi này cũng là nơi sinh hoạt văn hóa cổ truyền, tổ chức các lễ hội dân gian...

Không báo với ai, hôm kia, thái tử sai Channa thắng ngựa; chàng muốn xem tận mắt các công trình ở ngoại thành có đẹp như lời các ông hoàng tô vẽ không. Đầu tiên, thái tử dạo chơi cửa thành Đông...

Đấy là một ngày nắng nhẹ, vạn vật tràn trề sức sống. Hai bên đường, nhà cửa và các hoa viên đều xanh sạch đẹp; chàng biết đấy là công sức của phụ vương và các ông hoàng. Bộ mặt kinh thành hiện lên rất sáng sủa, tươi mới; những cửa hàng đầy ắp hàng hóa, người người ăn bận tươm tất tới lui tấp nập... Có vài người khẽ cúi đầu hoặc đứng nép ra xa khi thấy cỗ xe sang trọng của thái tử chậm rãi đi qua...

Đây là cửa thành Đông với vòm gạch cao dày mà thái tử chỉ mới một lần bước qua; chàng cũng chỉ mới thấy thấp thoáng sinh hoạt và quang cảnh ngoại thành, chưa thật sự biết rõ phía ngoài kia dân gian sinh sống ra sao. Channa khẽ nói:

- Đời sống ngoại thành nó không giàu có, sung túc giống như trong nội thành đâu, thái tử!

- Ừ, ta biết! Thái tử khẽ gật.

Cỗ xe hai ngựa trắng đang nhàn nhã, thì trước mặt, một đoàn người ăn vận lam lũ, đầu đội những thúng, những bịch, những bao, những ghè... có vẻ rất nặng nề... bước đi hàng một bên vệ đường. Thái tử cho dừng xe lại, bước xuống. Chàng biết đấy là những người dân quê mang hàng ra bán ở thành phố.

- Cho ta được nói chuyện một lát! Chàng nói với người đàn ông đi đầu - Đừng ngại ngùng gì cả.

Người đàn ông da ngăm đen, râu rậm, quàng tấm áo màu xám tro... ngước mắt nhìn thái tử; nhận ra là một ông hoàng sang trọng nên sợ hãi dừng lại, thúng hàng vẫn để yên trên đầu. Channa tinh ý, bảo mọi người đặt hàng xuống, nghỉ ngơi một lát.

- Ông bán hàng gì đấy?

Người đàn ông trả lời rất lưu loát:

- Đa phần là nông sản như gạo, bắp, sắn, khoai; số khác là cây nhà lá vườn như chuối, đu đủ, các loại rau - Người đàn ông nhìn về cuối hàng - Sau rốt là đinh hương, hồi hương, quế, tiêu... cùng một số củ, cây thuốc chữa bệnh, thưa ngài!

Thái tử gật đầu mỉm cười:

- Những nông sản này, bà con ta ở quê sao không để dùng mà lại đem bán?

- Thưa, chỉ khi có phương việc như tế lễ, cưới hỏi... hoặc cần mua sắm vật dụng gia đình... mới để dành đem bán lấy tiền; còn thường thường thì chỉ trao qua đổi lại loanh quanh trong xóm làng mà thôi.

- Vậy đời sống của bà con, những người đói khổ có nhiều lắm không?

- Thưa, chúng tôi không đói, nhưng các tháng rét thì khá cơ cực. Hễ ai có làm thì có ăn. Mấy năm nay nhờ đức vua nhân từ biết thương dân nên kẻ làm nông cũng đỡ khổ ít nhiều...

Thái tử mỉm cười, mở lời cảm ơn, sau đó sai Channa biếu tặng cả đoàn người, chừng hai mươi người, mỗi người mười māsaka, rồi lên xe tiếp tục lộ trình. Có lẽ do Channa tiết lộ thân phận của thái tử, nên khi cỗ song mã vừa chuyển bánh, đoàn dân quê đồng hô lớn:

- Cảm ân thái tử nhân đức!

Thái tử trừng mắt cảnh cáo Channa: “Lần sau đừng có lắm chuyện”. Lát sau, cỗ xe dừng lại ở trại phước xá. Bên ngoài cây cảnh xanh tươi, mát mẻ; những cây cao có bóng mát, điểm lơ thơ những chùm hoa đỏ, hoa trắng, hoa tím trông rất thơ mộng. Chàng trầm trồ khen. Vào bên trong, tường gạch kết hợp với gỗ ván tạo một không gian thoáng đãng... Thái tử đang dợm bước lên bục, sàn gỗ làm nơi phát chẩn, ăn thông một nhà kho trữ hàng thì phía trước, xe ngựa xôn xao: Các ông hoàng hay tin thái tử xuất cung đi xem công trình nên lũ lượt tìm đến! Và thôi thì rôm rả chuyện trò, rôm rả quảng cáo công trình của lệnh bà Gotamī, Yasodharā, Bhagu... Thái tử thấy lòng mình vui lâng lâng... Bất chợt, trước tầm mắt thái tử, ngay sát bên cửa, một bộ xương còm cõi, đen đúa từ mép đường lảo đảo bước qua. Đấy là một người già, quàng khố bằng tấm giẻ rách, tóc tai bù xù rối bời nửa đen nửa trắng xám, chiếc lưng cong gập như cái giàn xay, tựa trên cây gậy, lắc lư chao qua đảo lại. Đôi mắt đục sâu như một chiếc hố đọng nước...(1)

- Cái gì vậy? Thái tử bàng hoàng hỏi - Một con người à? Sao y lại ra nông nổi?

- Là một người già, đã quá già, thưa thái tử!

- Vâng, ta biết, ta biết rồi ai cũng phải già. Nhưng già như vừa rồi thì kinh khiếp quá!

- Cũng thường thôi, thái tử! Nếu ai mà sống quá lâu thì đều tương tợ như vậy cả. Nhất là những người quá đói khổ, neo đơn!

Thái tử im lặng, trầm ngâm. Rồi ra ta, Yasodharā... nếu mà trường thọ thì đều có cái hình thù kỳ dị, gớm ghiếc trông như quái vật kia! Chàng thở dài, nhìn các ông hoàng, nhìn Channa... rồi liên tưởng tất thảy, mai này, đều như vậy cả. Thái tử lại rùng mình, đưa mắt nhìn người già, nhưng không ai còn thấy bóng dáng ông ta ở đâu! Thái tử không còn muốn xem hoa viên nữa, tất tả lên ngựa bảo Channa đánh xe ra về, chỉ kịp gật đầu chào vội mấy ông hoàng.

Từ khi nhìn thấy người già sứ giả, nỗi buồn của thái tử càng sâu sắc hơn. Tuổi trẻ, sinh lực, mái tóc thanh xuân chẳng có gì để tự hào nữa. Bây giờ, thái tử mới cảm nghe buốt lạnh lời gió nói hôm nào: “Đổ vỡ, bất toàn, thời gian; hư vô nuốt chửng, hư vô đào huyệt thế gian này!” Ôi! Con người, dù danh vọng, quyền lực đầy mình cũng bị đoanh vây trong hữu hạn. Mọi người sống làm gì, ta sống làm gì khi cuối đời chỉ còn một nắm xương nhăn nhúm, cái lưng cong gập như cái giàn xay? Thời gian tàn phá và hủy diệt không chừa một ai cả.

Thấy thái tử chỉ dùng chừng một nửa nắm cơm rồi đứng dậy, Yasodharā ân cần hỏi:

- Từ khi đi ngoại thành về đến giờ, dường như thái tử buồn lắm?

- Ừ, ta gặp một người già, Gopā! Hình dong người già này kinh khiếp lắm! Ta nghĩ, rồi ta cũng như thế, nàng cũng như thế, quả thật ta rất sợ hãi. Tuổi thanh xuân rồi chóng qua đi, mọi niềm vui đều chóng tàn; bây giờ ta mới cảm nghiệm thấm thía hơn cái điều mà trước đây ta với nàng thường hay tâm sự.

Đêm đó, thái tử lại nằm mộng. Thấy mình nằm trên đám mây trắng, cứ trôi đi, cứ lướt đi... qua núi đồi, thung lũng, sông suối, biển hồ. Từng quốc độ, từng quốc độ... trải dài dưới lưng; rồi bất chợt, đám mây rơi xuống một vực sâu hun hút, vô tận... Một đám lửa hừng hực tự lòng đất bốc lên, nóng quá, tan chảy tất cả. Thái tử lắng nghe sự tan chảy. Lâu lắm, lâu lắm, đám mây trắng chợt hiện thành một đóa sen hồng, đỡ lưng thái tử. Một làn khí mát lạnh phủ trùm cả châu thân. Thái tử được nâng bổng lên, ngồi tọa thị điềm nhiên trong miền hư tĩnh, an lạc tuyệt đối. Lúc ấy, giữa thinh không, có vô số chư thiên hiện ra. Hoa trời rơi xuống như mưa tuyết. Đàn sáo ca đâu đó trỗi lên, vang cả hư không, tấu lên một khúc hát, lời rằng:

-“ Giờ đã đến rồi, vị bồ-tát tối thắng!

Hãy lên đường đi thôi, vị bồ-tát tròn đầy ba-la-mật!

Hãy ra đi đi thôi, hãy lựa chọn con đường bất tử!

Hãy đi theo lộ trình mà ngài đã chọn tự ngàn xưa!

Giờ đã đến rồi, hãy tỉnh thức đi thôi, Thái tử!

Một sứ giả già nuađã hiện ra rồi đấy, thái tử!”

Ngơ ngác, thái tử ngồi dậy, âm thanh kia dường như còn văng vẳng bên tai. Mùi hương của hoa trời như còn ngây ngất ở xung quanh! Giờ đã đến rồi sao? Thiên thần đã nhắc nhở ta sao? Tự ngồi, tự gẫm một mình, thái tử không muốn làm kinh động Yasodharā, dù sao, trái tim kia cũng rất mềm yếu!

Tin thái tử kinh cảm khi thấy một người già đến tai đức vua Suddhodana làm ngài cũng xúc động theo! Thế là một sứ giả đã xuất hiện rồi sao? Đức vua cặn kẽ hỏi tả hữu, sau đó, triệu mấy ông hoàng có mặt lúc đó vào triều. Anuruddha và Ānanda tức tốc đến ngay.

- Hình dong, tướng mạo người già ấy như thế nào, tả lại cho trẫm nghe? Vua gấp gáp hỏi.

- Kinh khiếp lắm! Anuruddha nói - Người già này già tận cùng của cái già, ghê gớm, xấu xí như quỷ, tâu đại vương!

- Nói thế cũng bằng không! Đức vua gắt - Hãy tả cho rõ kìa?

- Tâu đại vương! Ānanda rành rẽ tả - Người già này rất là đặc biệt. Dường như tất cả cái xấu xí, lụi tàn, già úa... của tất thảy mọi cái già đều hội tụ lại nơi một con người. Để hoàng nhi tả từng chi tiết một. Về bộ xương già thì đen điu, cong gập như cái giàn xay, bước đi chao đảo, lắc lư, như dồn hết sức tàn để dềnh tới, hắt lui, tựa mình trên cái gậy. Làn da không còn là làn da nữa, mà như người ta lột da con gà cháy thui rồi đem phơi năm bảy nắng; nó nhăn nheo như miếng cau khô, từng tấm, từng mảng, cảm giác như đụng đến là nó sẽ rơi ra! Tóc râu không biết có phải là tóc râu không, hay là tổ chim, tổ quạ vô trật tự; màu tóc, không biết là màu gì; cảm giác như phân gà, phân bồ câu, ỉa từng đống lâu ngày nửa đen, nửa trắng, bốc mùi tanh tưởi của xác thối.. Hai hốc mắt thì là hai cái hố đen, sâu, đọng nước phèn...

- Thôi, thôi! Đức vua khoát tay - Đủ rồi, trẫm hiểu rồi!

Nhưng mà từ trước đến nay! Đức vua nghĩ - Những người già nua xấu xí như thế ta đã tẩn xuất đi xa rồi còn gì? Cũng lạ! Rồi nghe nói người đó biến đi đâu mất như phép lạ? Như cái thuở phân xử con chim hạc đầu đỏ? Hay có vị thần nhân nào xen dự vào chuyện này? Người già, già như kiểu Ānanda đặc tả thì có lẽ cũng kinh khiếp thật. Nhưng có lẽ do thái tử mới ra cửa thành lần đầu nên cảm xúc đang còn mới mẻ, lâu ngày chắc cũng trơ lì đi. Và khi đã quen mắt thì cái gì cũng trở nên bình thường!

Hôm sau, gọi thái tử vào, đức vua hỏi:

- Con kinh cảm lắm sao, khi thấy người già ấy?

- Vâng, thưa vương phụ! Nó đã tác động khôn cùng đến tâm não của hoàng nhi. Cuộc sống của con người rất là bi thảm, ai rồi cũng như thế, thì tích lũy, thu góp, giật giành, chiến tranh để mà làm gì, thưa vương phụ?

- Cái già nó bình thường thôi con! Xúc cảm cũng vô ích thôi con! Từ rày ta cho phép con được đi đây đi đó cho khuây khỏa!

Nói thì nói thế, nhưng khi thái tử vừa rời khỏi cung, đức vua ngầm sai bảo mấy trăm quân cấm vệ đi tảo thanh cả ba cửa nam, tây, bắc để ngăn chặn người bệnh, người chết. Đồng thời, ra lệnh cho đội nhân công tạp dịch, vệ sinh thành phố đi làm xanh, sạch, đẹp những lộ trình mà thái tử sẽ đi qua...

Nhưng mờ sáng hôm sau, thái tử không đi ngựa, mà lầm lũi cùng với Channa trong vóc dáng một khách thương buôn đi ra cửa thành Nam...

Thái tử nói với Channa:

- Chúng ta giả vờ không biết đến việc làm của vương phụ! Ta chỉ muốn quan sát dân tình. Ta chỉ muốn tìm hiểu đời sống thật sự của muôn dân đằng sau cái gì mà phụ vương muốn che lấp!

Thế rồi, thái tử tìm đến một khu lao động nghèo nàn. Đây là xóm cư dân thủ-đà-la. Họ chuyên nghề tạp dịch nặng nhọc và dơ uế như khuân đá, đào đất, đắp đường, nạo vét ống cống, dọn rửa các công trình vệ sinh, dọn xác sinh vật thối, người chết vất vơ trong thành phố...

Đã từng nghe Yasodharā nói về số người bất hạnh này, nhưng thái tử cũng không ngờ sự đói nghèo và cơ cực của họ vượt quá sức tưởng tượng của chàng. Thái tử đứng bàng hoàng trước những cái lều rách nát, tối tăm còn tệ hơn cả những chuồng ngựa, chuông bò của cư dân thành phố...Thái tử đứng nhìn những bóng người vật vờ vào ra; người lớn thì đóng khố và ở trần, đen điu, xương xẩu; trẻ nhỏ thì trần truồng, bụng ỏng, da chì, ghẻ lở... Và đâu đâu cũng rác bẩn và ruồi nhặng...

Channa nói nhỏ bên tai thái tử:

- Đa phần, người mạnh khỏe họ được làm việc trong những đội phu tạp dịch, dầu sao cũng có cái ăn. Nhưng còn có những người chiên-đà-la, đời sống của họ còn tệ hơn; họ không có chỗ ở, không có việc làm, họ sống trong những ống cống, những am miếu bỏ hoang... Mọi người đều xa lánh họ. Và họ cũng không dám đến gần một ai, người giai cấp khác.

- Thế họ làm sao để sống, Channa?

- Khi nào công việc quá dơ uế, quá nặng nhọc mà người thủ-đà-la khinh chê hoặc làm không nổi thì mới đến phiên họ, thái tử!

Có tiếng rên la từ trong một chiếc lều vọng lại. Tiếng rên la có vẻ rất đau đớn. Một người đàn ông đóng khố trần vòng tay đứng nhìn thái tử không biểu lộ một cảm xúc nào. Một em bé ngồi dựa vách đất đưa mắt tho lõ nhìn khách lạ. Thái tử mở lời thân thiện:

- Ta không có ý gì xấu! Tiếng ai rên la như thế?

Người đàn ông đưa tay chỉ vào đống chăn nơi xó vách, cũng không nói gì. Thái tử cúi đầu bước vào, một mùi hôi thối xộc vào mũi. Trên tấm ván trần, một tấm chăn rách nát vắt hờ hững trên một xác người queo quắp; người ấy không ngớt co giật và rên la như một con thú bị tử thương! Thái tử động lòng, bước nhanh lại. Người bệnh tròng mắt trắng dã, cái miệng méo xệch, sủi bọt nhờn; từng giọt mồ hôi tươm ra trên làn da vàng ủng, meo mốc. Thái tử khẽ nâng đầu người ấy đặt nhẹ lên cánh tay mình, cất tiếng hỏi, vô cùng quan tâm:

- Ngươi đau làm sao, đau chỗ nào, cần ta giúp đỡ gì thì cứ nói!

Chợt một giọng nói ồm ồm cất lên phía bên sau:

- Bệnh dịch hạch đó, cứu chi được, đợi chết thôi!

Giọng Channa đầy vẻ sợ hãi:

- Bệnh này lây nhiễm đó, thái tử! Hãy tránh cho xa! Hãy đi thôi, thái tử!

Thái tử thảng thốt nhìn người bệnh. Y khoảng chừng trên dưới ba mươi tuổi, hai tay run rẩy cứ bíu chặt tấm áo bào của chàng, hơi thở càng lúc càng gấp gáp, mồ hôi tuôn đổ, bọt mép lại trào ra. Thái tử nhẹ nhàng lấy khăn sạch lau khuôn mặt cho người bệnh, thẫn thờ nói:

- Không thể cứu được sao, Channa?

- Không thể, bệnh này vô phương cứu chữa, tất cả mọi thầy thuốc đều bất lực!

- Y còn trẻ quá, Channa!

Người bệnh trên tay thái tử chợt co giật một hồi, kêu la không ngớt rồi ngoẹo đầu, tắt thở...

Bệnh rồi chết, nhanh thế sao? Thái tử như không tin vào mắt mình? Ta rồi cũng vậy sao, cái bệnh và cái chết sẽ lôi kéo ta đi, thình lình, đột ngột, chẳng biết là lúc nào? Ôi! Con người, con người, hoàn toàn bất lực trước cái già, cái bệnh, cái chết; chẳng thể trốn đâu cho thoát!

Thái tử đứng dậy, thẫn thờ. Lát sau, thăm hỏi người đàn ông gia chủ mới biết rằng, người bệnh là con trai của ông và đứa bé kia là cháu. Vợ người bệnh và mấy người con lớn đã đi làm tạp dịch ở thành phố từ lúc mờ sương... Thái tử đưa mắt nhìn quanh, căn nhà tuềnh toàng, xơ xác, trống rỗng, không có gì cả; và có lẽ họ cũng không có cái ăn, cái mặc... Thái tử sai Channa biếu tặng gia đình một khoản tiền đủ để chi dụng trong một thời gian, đồng thời, lo cho người chết.

Người đàn ông chợt quỳ xuống, lắp bắp:

- Con không biết là ngài, con không biết đây là thái tử nhân đức, hãy bỏ lỗi cho con!

Nói xong, y khóc, những giọt nước mắt sụt sùi, lặng lẽ... Thái tử dịu dàng nâng tay người đàn ông đứng dậy, ân cần nói:

- Ta không giúp được gì nhiều đâu! Cái đói, cái nghèo của muôn dân là lỗi ở nơi ta, lỗi ở nơi các giới cấp lãnh đạo. Ta vô cùng xin lỗi. Hãy chuẩn bị lo hậu sự cho người chết, ta đi đây!

Lúc rời khỏi căn nhà một khoảng đường, thái tử mới nói:

- Đúng là những giọt nước không thể cứu khổ cả sa mạc! Lệnh bà Gotamī đã mỏi mòn mà Yasodharā cũng đã có dấu hiệu mệt mỏi. Tuy nhiên, họ vẫn còn đủ tâm, đủ trí để hoàn thành thêm bốn trại phước xá thì quả thật là đáng phục!

Tối về, thái tử kể lại mọi chuyện cho Yasodharā nghe mà lòng còn kinh cảm, chàng cũng không quên thốt lời kính phục về bốn trại phước xá.

- Thiếp thì đã quen với điều ấy, chuyện ấy, cảnh ấy! Còn có những cái bệnh trông còn kinh khủng hơn là bệnh dịch hạch. Đấy là bệnh phong cùi. Có người chỉ còn hai cái hốc mắt hoặc hốc miệng sâu hoắm. Họ rụng ngón tay, rụng ngón chân, rụng đến cả cái cùi tay. Cơ thể chỗ nào cũng lở loét, mủ máu bầy nhầy, hôi hám, trông vô cùng kinh tởm. Mọi người đều tìm cách tránh xa. Họ như là một động vật quái dị sống vất vưởng bên lề xã hội. Vậy mà chàng biết không, khi lòng bi mẫn khởi lên thì nó chiến thắng cả cái sợ; đã vài lần thiếp gần họ, an ủi họ, không những phân phát cơm bánh, vật thực, áo quần... mà còn đút cho họ ăn nữa đấy, vì có kẻ không còn một ngón tay nào!

- Vô cùng kính phục! Thái tử thốt lên tiếng nói tận đáy lòng, đưa mắt âu yếm nhìn Yasodharā rồi tiếp - Hóa ra nàng biết nhiều quá mà từ lâu đã giấu ta!

- Phải rồi, phải giấu chứ! Nàng buồn bã nói - Ai ở quốc độ này mà không biết chuyện tiên tri của đạo sĩ Asita và bà-la-môn Koṇḍañña? Nếu chàng kinh cảm bốn vị sứ giả thì chàng bỏ thiếp mà đi làm đạo sĩ xuất gia rồi!

Thái tử chợt đứng dậy bước ra hiên, đêm, trăng sáng nhờ nhợ, mông lung; chàng tỳ tay lên lan can ngắm nhìn một vài vì sao xa nhập nhòa không ánh sáng. Ôi, lòng ta cũng nhờ nhợ, mông lung, không có một ánh sáng nào! Cái già, cái bệnh, cái chết chi phối đời người một cách tất định! Làm sao để thoát ra? Mà thoát ra là thoát ra đâu? Kinh điển Vệ-đà cũng nói sinh tử, luân hồi, nghiệp báo... nhưng hơi mơ hồ; đặc biệt, con đường thể nhập là đáng lưu ý: Trở về với ngài, với Đấng Ấy là hết sinh tử, hết trầm luân?

Sương đêm xuống lạnh, Yasodharā dịu dàng quàng cho thái tử một tấm nhung mỏng và mịn để choàng vai. Thái tử nghiêng người, nắm cả hai tay Yasodharā rồi nói:

- Những bàn tay của chúng ta thì quá nhỏ mà sự đau khổ của cuộc đời thì vô tận, biết làm sao bây giờ hở Gopā!

Đêm kia, thái tử thấy mình chìm vào một giấc mộng khác nữa. Chàng thấy mình vùng vẫy giữa dòng nước xoáy rồi bị hắt ra, va đập vào một vách đá cao sừng sững. Giữa vùng đen ngòm, bọt tung trắng xóa, dòng nước lại cuộn đi, trôi phăng, trôi xuống một vực sâu hun hút, tấp vào một bãi cát, gờn gợn lân tinh của xương cốt và sọ người. Ôi! Một biển cả mênh mông không một bóng người, không một chiếc thuyền, không một tiếng sóng vỗ, không một âm thanh của sự sống. Không gian quạnh vắng, hoang vu đến ghê rợn. Bỗng nhiên, mặt biển bị tách rời làm đôi, vạt nước hai bên cuộn lên như cuộn tấm thảm, dạt về hai hướng khác nhau; chính giữa hiện ra một con đường bằng phẳng, phong quang. Những giọt nước lấm tấm đột ngột nở thành hoa, bung xòe ra như nấm, trải dài đến vô tận. Thái tử bước đi, nhẹ nhàng, không trọng lượng, như không dính vào đâu cả.

Từ hư không, tiếng nói của thiên thần vọng rõ ràng, mồn một vào tai chàng:

“- Giờ đã đến rồi! Giờ đã đến rồi!

Hãy ra đi thôi, Bồ-tát!

Ngài hãy ra đi, hãy lướt đi

Hãy lướt qua si mê, bóng đêm, lầm than và khổ nạn.

Hãy lướt đi như chiếc bóng giữa hư không

Hãy khinh bỉ quyền lực của ma vương

Và khinh bỉ ngũ dục tầm thường

Ấy là con đường “xuất trần thượng sĩ”

Hãy từ bỏ vinh quang của vương vị

Vinh quang của ánh nắng sớm

Của làn mây chiều

Chỉ khoảnh khắc là thoáng mất

Vinh quang ấy chính là giấc mộng của Māyā

Là trò ảo thuật quỷ quyệt của Yakka

Là lưới võng, là xích xiềng

Là nỗi khổ, là niềm đau vô tận

Thế giới ba ngàn lửa cháy và hủy diệt

Lửa cháy và hủy diệt ở trong lòng người

Hãy ra đi tìm phương thuốc cứu độ

Hãy gỡ thoát đêm đen sinh tử

Đêm đen mịt mùng

Của cái già, cái bệnh, cái chết

Hãy dũng cảm như con mãnh sư

Hãy cất cánh thênh thang như chúa thiên nga

Đừng dễ dãi cúi đầu

Và an phận trong cái dung tục, bình phàm

Hãy tầm cầu vô thượng

Hãy treo cao ngọn cờ chiến thắng trên đỉnh Sineru

Hãy mang khối óc mặt trời và trái tim mặt trăng

Bởi trí tuệ kiêu hùng và tình yêu dịu dàng rộng lớn

Không thể dừng lại

Không thể chần chừ

Không thể lưỡng lự

Hãy ra đi

Hãy chảy trôi

Hãy ca lên bài ca tự do

Bài ca giải thoát tối thắng

Giờ đã đến rồi

Giờ đã đến rồi, Bồ-tát!

“Giờ đã đến rồi!”Thái tử bàng hoàng, trán tươm rỉ mồ hôi, chàng lẩm bẩm... Phải! Phải ra đi thôi! Ôi! Tiếng gọi kia sao mà thống thiết, giục giã đến thế! Ta đã hứa với các bạn là sẽ ra đi tìm “cái gì chưa thật sự có mặt trên cuộc đời”. Cái ấy mới thật sự có ý nghĩa, là giá trị vĩnh cửu cho cuộc sống này! Lạ lùng làm sao! Tiếng gọi kêu ấy là của thiên thần hay là của chính ta - được trào vọt ra từ vô thức?

Chiêm nghiệm về giấc mộng và ý nghĩa của lời ca, thái tử thẩn thờ suốt mấy ngày. Nhai cơm như nhai những cọng rơm, uống nước như uống chén thuốc đắng. Hoa không còn hương và kể cả những lò trầm chiên-đàn cũng thoảng mùi khói bụi. Tiếng nhạc lời ca của vũ nữ, ca nhi, nhạc công là những âm thanh the thé, khó chịu đâm sâu vào màng nhĩ... Ngày vật vờ, đêm mộng mị.

Yasodharā cảm thấy sợ hãi, đến bên, ân cần xoa lưng, han hỏi. Thái tử trầm ngâm một lát rồi nói:

- Không sao đâu, Gopā! Và khoan đã! Ta chưa thể nói vội. Có cái gì đó ở nơi ta chưa yên, chưa định hình. Lúc nào cảm thấy điều đó là rõ ràng, là cụ thể, là hiện thực... ta sẽ nói. Đợi chúng chín muồi đã.

Mấy hôm sau, thái tử lại cùng với Channa trong dáng thương buôn tầm thường, bộ hành ra cửa thành Tây.

Đây là con lộ rộng rãi, thái tử biết là nếu cứ đi mãi sẽ bắt gặp một xa lộ thênh thang dẫn đến nước Kosala giàu mạnh. Và nếu cứ theo chân những đoàn ngựa thồ, đoàn lạc đà ngồn ngộn hàng hóa... sẽ đến Takkasilā và những vương quốc nào đó ở phương mặt trời lặn.

Lối đi về cửa thành tây rất nhộn nhịp. Thái tử và Channa cùng chen chúc với đám bộ hành. Hai bên đường, hàng quán la liệt tràn ra tận đường cái. Xe hai ngựa, xe bốn ngựa của các vị tướng sát-đế-lỵ, của các tiểu thư con nhà quyền quý hoặc của các nhà thương buôn giàu có rộn ràng tới lui. Những cỗ xe bò cồng kềnh hàng hóa ì ạch hướng về Kapilavatthu hoặc hướng về Kosala xa xăm. Lòng thái tử cảm thấy vui vẻ trước cảnh sinh hoạt rộn rịp, đông vui ấy. Có vài gánh kiệu đặc biệt đi ngang, hai bên kiệu có kẻ thổi sáo, có kẻ hát lên một âm khúc hoan lạc, thanh bình. Hai chú lạc đà to lớn với những kiện hàng cao nghễu nghện có hai chú nài quấn khăn rằn trên đầu, râu ria um tùm... kẻ gõ trống, người đánh chiêng, miệng la hét mọi người tránh chỗ...

Thái tử và Channa dừng lại nơi một đám đất bằng. Một nhóm người chen chúc quanh một người đàn ông xiếc rắn. Hai con rắn hổ mang to lớn, dựng đứng thân trước, hai cái mang to phành ra, thè lưỡi đỏ rất ghê sợ. Người đàn ông đóng khố, mình trần, phết trên mặt, ngực, lưng, bụng những sắc màu kỳ dị. Đấy là màu vàng tươi của nghệ, màu vàng sậm của thổ hoàng, màu đỏ của son và màu trắng của vôi trầu: trông giống như một lá bùa trấn ma, yểm quỷ. Chợt... y hô “aum, aum”, một hồi, mắt lim dim, miệng lâm râm như đọc bùa chú... rồi hai tay nâng cái kèn đồng lên miệng, phồng má, trợn mắt thổi một bản nhạc nghe rất hoang dã, rất rừng rú... Hai con rắn đứng yên, lắng nghe, lắc đầu bên này, lắc đầu bên kia... Lát sau, chúng nhảy một vũ điệu rắn, trườn tới, trườn lui, uốn qua, uốn lại rất nhịp nhàng, điêu luyện. Sau đó, người đàn ông ngồi chồm hổm, vừa thổi vừa nhảy; sau lưng hai con rắn nhảy theo. Người nhảy thì rắn nhảy. Người dừng thì rắn dừng... Mọi người vỗ tay tán thưởng rồi quăng những đồng tiền xu, bạc cắc xuống cái khay của người xiếc rắn. Thái tử mỉm cười, đưa mắt nhìn Channa. Channa hiểu ý, bốc một nắm tiền trong đãy, thưởng hậu hĩ cho người làm xiếc.

Họ bước đến một đám đông khác. Ở đây có một người đàn ông vận khố đỏ, đầu quấn khăn đỏ... đang đi chân không qua đám than lửa cháy hừng hực. Người ta lại cho tiền. Một đám khác, một người đàn ông to lớn, lực lưỡng, tấm thân loang loáng màu đen nâu đang nằm trên một bàn chông sắt, phơi ngực trần được ngăn bằng một tấm đá dày cỡ ba lóng tay. Một người đàn ông cao, to hơn nữa, cầm búa sắt rất lớn, gồng mình, cơ bắp cuồn cuộn, trụ tấn rồi nện cật lực xuống tấm đá. Đá vỡ mà người vô sự. Người ta lại cho tiền rào rào... Một đám đông, chỗ khác nữa. Một người đàn ông gầy guộc, dáng dấp như một đạo sĩ khổ hạnh... đang ngồi tọa thiền trên một bàn chông tua tủa những lưỡi dao nhọn hoắt. Ông ngồi kiết già, lưng dựng thẳng, hai tay bỏ lên bắp vế... đã an nhiên, tự tại suốt mấy canh giờ... Trước mặt cũng là cái khay đã khá nhiều tiền xu!

- Người kia làm thế nào lại ngồi lâu trên dao nhọn thế, Channa?

- Chưa ăn thua gì đâu, thái tử! Có kẻ cũng ngồi trên dao nhọn như thế... nhưng thỉnh thoảng còn bay bổng lên cao nữa kìa!

- Ồ! Thật lạ lùng!

- Có đạo sĩ trông giống như bộ xương khô, nằm trong thùng đồng, thùng sắt... rồi khóa lại. Lát sau, mở ra... không thấy gì cả. Hóa ra ông ta đang đứng vòng tay, mỉm cười ở phía sau!

- Lạ lùng!

- Chỉ kiếm tiền ăn thôi, thái tử! Là nghề sinh sống của họ. Nhẹ nhàng hơn cuốc đất, làm ruộng...

Đang nói chuyện với Channa, thái tử chợt nghe bên tai thoảng tiếng trống, tiếng kèn... dặt dìu, rộn rã... cùng với lời ca, tiếng hát vui tươi. Một đoàn người sắc phục lòe loẹt đi bên cạnh hai chiếc kiệu được trang hoàng đẹp đẽ bằng vải, lụa và hoa tươi. Hóa ra là một đám rước dâu về nhà chồng...

Thái tử mỉm cười nhìn theo như thầm chúc phúc cho đôi tân lang, tân nương... thì bên tai, đâu đó vọng lại tiếng kinh của các thầy bà-la-môn. Bốn người đàn ông khiêng một giàn tre, bên trên có một xác người. Đến gần thì thấy một thanh nữ, mái tóc xanh đen, khuôn mặt vàng võ, hốc hác, mắt khép lại. Một tấm chăn bông đắp ngang qua bụng, hai chân trắng xanh, gầy thò ra ngoài. Trước là hai thầy bà-la-môn đi chân đất, vận tấm y trắng đã ngả màu, tụng những lời kinh cầu nguyện. Thái tử lắng nghe, biết là từ kinh Rig-veda, nhưng đã được biến cải, thay đổi chút ít trong nhân gian.

“- Hỡi đấng Hằng Sinh

Hỡi đấng Rāma linh thiêng, cao cả

Người là chúa tể của thiên giới

Là cha sinh của muôn loài

Đôi mắt của người là mặt trời và mặt trăng

Linh hồn của Người là muôn sao rạng rỡ

Cánh tay của Người là núi là sông

Thân thể của người là bình nguyên và biển cả

Người là sức sống của vạn vật

Là vinh quang và chân phúc

Hãy thương xót chúng con

Những hạt cải, hạt mè

Với linh hồn bụi bặm

Hãy tiếp độ chúng con

Hỡi đức Rāma tối thắng!”

Giọng tụng đọc đều đều, ngôn từ có vẻ tha thiết nhưng nghe sao chẳng xúc động chút nào. Đi phía bên sau có lẽ là thân nhân, bà con, quyến thuộc. Họ bước đi, cũng lặng lẽ, không một lời than, không một tiếng khóc...

Thái tử ra dấu, cùng với Channa tháp tùng, đi sau cùng, theo đám tang đến sườn đồi. Ở đây là nghĩa địa lộ thiên. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. La liệt đây đó là xương trắng, là sọ người... và còn những xác chết quăng bỏ bừa bộn trông không còn nhân dạng. Những chú quạ, ó, kền kền, diều hâu... thấy người nên bay lượn táo tác...

Một giàn củi cao được chất sẵn, xác cô gái được đặt lên trên. Các thầy bà-la-môn lại tụng kinh, rảy nước thiêng soma. Một bó đuốc to được châm vào đống củi. Nhờ có bùi nhùi và gỗ dẫn cháy nên lửa táp nhanh, bốc rần rật. Lát sau, lửa liếm quanh, rực lên, khói tỏa mịt mù lẫn mùi khen khét của thịt cháy...

Nhìn ngọn lửa bốc cao, các thầy bà-la-môn lại tụng kinh cầu nguyện thần lửa, thần Agni để thiêu cái xác bất tịnh:

“- Hỡi đấng thần Agni uy nghi, hiển hách

Ngài là linh hồn của vũ trụ

Nhờ ngài mà mọi loài được sinh ra

Được lớn lên và tăng trưởng

Nhờ ngài mà những sinh linh được hóa thân

Nhờ ngài mà xác thân trần tục được thiêu hủy

Được lọc sạch nhiễm ô và bụi bặm

Nhờ ngài mà năng lượng thiêng liêng

Được nhen nhúm giữa trần gian

Nhờ ngài mà ngu si và bất tịnh không còn nữa

Lửa thần sẽ cháy mãi, sáng mãi

Giữa đêm tối xấu xa

Chúng con cầu nguyện ngài

Quy kính và tín thành

Xin ngài hãy tiếp độ sinh linh này

Và đưa hồn lên thiên giới

Cháy mãi, sáng mãi

Hỡi thần Agni vinh hiển!

Hỡi thần Agni bất tử!”

Lời kinh dứt. Thái tử nói nhỏ, thoảng bên tay Channa:

- Hay lắm! Ý nghĩa lắm, Channa! Thật ra, có một vài đoạn còn hay hơn thế nhiều, có lẽ những ông thầy tụng tư tế này chưa được học chăng?

- Thái tử thật là thông kim bác cổ... Thái tử có thể đọc nhỏ cho kẻ nô tì ngu si này nghe với không?

- Ồ! Được chứ! Rồi thái tử đọc:

“- Ôi! tàn tro, cháy hết chỉ còn tàn tro!

Nào sầu muộn, nào khổ đau, nào niềm vui, nước mắt... hãy cháy hết, chỉ còn tàn tro!

Hỡi thần Agni!

Xác thân này đã hủy diệt

Đã đi qua lằn mức cuối cùng

Bên này tử, bên kia sinh!

Hỡi tàn tro! Cháy hết chỉ còn tàn tro!

Đời người bi thương, hoạn nạn quá nhiều!

Hãy cháy đi! Hãy đốt đi!

Hỡi thần Agni!

Mọi vinh nhục, được thua, khen chê, khổ lạc...

Chỉ còn tàn tro!

Rồi tan vào mây xanh vô tận!

Hỡi thần Agni bất tử!”

- Hay lắm! Ý nghĩa lắm! Thật không uổng phí một đời khi được hầu cận một bậc thầy vĩ đại!

- Bẻm mép! Thái tử gắt.

Channa chợt băn khoăn:

- Nhưng mà thần Agni có đưa linh hồn lên thiên giới được không, thái tử?

Thái tử chợt trầm ngâm:

- Quả thật, ta cũng không biết, Channa! Người chết có kẻ xấu, người tốt. Chẳng lẽ thần Agni không biết phân biệt trắng đen, tốt xấu, cứ hễ ai cầu nguyện, dâng lễ phẩm cho ngài thì ngài đưa lên thiên giới cả hay sao? Ta nghi ngờ lắm!

Channa gật đầu:

- Đúng vậy! Thái tử còn sáng suốt hơn cả thần Agni!

Thái tử cất giọng buồn:

- Ta chưa sáng suốt đâu, Channa! Ta còn tối tăm lắm! Ta đang bất lực. Rồi ta, rồi ngươi, rồi phụ hoàng, rồi di mẫu, rồi Yasodharā cuối cùng thì số phận cũng nằm trên giàn hỏa... Rồi tất cả chỉ còn tàn tro... thì cuộc đời này phỏng có ý nghĩa gì, giá trị gì? Rốt lại chỉ còn tàn tro thôi sao?

Channa im lặng, thở dài. Thái tử cũng im lặng, thở dài.

Lát sau, thái tử lại hỏi:

- Channa, ngươi đã thấy nhiều người chết chưa?

- Dạ, thấy nhiều. Mà nghe cũng nhiều.

- Kinh Vệ-đà còn nói đến “không táng” và “thủy táng” nữa. Nó ra sao?

Channa đưa tay chỉ một giàn giá cao, đứng chỏng chơ phía sườn đồi, cạnh mấy gốc cổ thụ, giải thích:

- Cái giàn cây kia trước đây người ta từng đặt xác chết, đặt như vậy chứ không hỏa thiêu. Họ cứ để như vậy cho quạ, kên kên, ó, diều hâu... tự do cắn mổ, tự do rỉa rúc, tranh giành; và như thế vài ba hôm là xác chết chỉ còn là bộ xương trơ ra...

- Ừ, ta hiểu! Thái tử nói - Đấy là “không táng”, còn được gọi là “điểu táng”, vì kinh cổ xưa nói là để bố thí cho những loài có cánh.

- Có đôi lúc, đôi nơi có những xác chết không biết là... cái gì táng! Channa tiếp lời - Khi người chết đã được mang đến nghĩa địa, đợi tang quyến ra về hết, người đồ tể ở lại, lấy đao chặt từng khúc tay, khúc chân, từng khúc xương... rồi quăng cho các loài chim... Và lúc ấy đúng là mùa hội chim, chúng mở một cuộc đại tiệc.

- Thật là kinh khiếp! Đấy là “đoạn nhục táng”. Vậy còn “thủy táng”, ngươi đã thấy chưa?

Channa có vẻ rành rõi:

- Ở tại sông Banganan phía Tây bắc kinh thành và sông Rohini nằm giữa biên địa, giáp giới Koliya thì thỉnh thoảng có “thủy táng”. Tại sông Gaṅgā thuộc địa phận Bārāṇasī thì “thủy táng” xảy ra hằng ngày. Người giàu có thì mới đủ tiền mua củi để hỏa thiêu, sau đó, tàn tro được rải xuống sông. Nếu củi ít, tử thi không cháy hết thì cũng cứ để vậy mà quăng cho thần nước... Riêng người nghèo không có tiền mua củi thì cứ thảy tử thi xuống sông là xong. Đa phần họ là giai cấp thủ-đà-la cùng bọn chiên-đà-la hạ liệt. Lâu lâu lại có xác một vị thánh.

- Vị thánh?

- Phải! Nhất là đoạn sông Gaṅgā đi qua sông Ba-la-nại. Đấy là xứ sở của đạo bà-la-môn truyền thống, đã lập căn cứ địa ở đây rất lâu đời. Lâu lâu xuất hiện một vị đạo sĩ khổ hạnh hoặc một đạo sĩ tu lõa thể có công phu đặc dị được mọi người kính ngưỡng, suy tôn, xem như là một vị thánh. Trường hợp này, họ làm lễ rất lớn nơi bờ sông, sau đó kết một bè chuối, bè cây rồi thả trôi lềnh bềnh trên sông nước, hoa tươi phủ đầy, lời cầu nguyện lan đến mây xanh...

Thái tử nhíu mày:

- Sao ngươi biết nhiều thế, Channa?

- Dạ thưa, con nghe người ta kể. Những chuyện ấy thì ai cũng biết, thái tử.

Thái tử tự nghĩ: “Ừ, những chuyện ấy thì ai cũng biết, cũng thấy còn riêng ta thì không. Rồi còn biết bao nhiêu chuyện xảy ra ở ngoài cổng kinh thành này nữa, từ lâu ta đã như người mù, người điếc...”

- Thôi, ta hãy về, Channa!

Thái tử trầm ngâm cất bước. Do thói quen sống nhiều với nội tâm, đêm ấy thái tử cứ trăn trở, thao thức không ngủ được. Khuya, quá mệt mỏi, thái tử thiếp đi, lại chìm vào một giấc mộng khác. Thái tử thấy mình nằm trên một tấm thảm được dệt từ mọi loại tơ tằm mịn, cực mỏng và cực nhẹ, đính hằng hà sa số châu ngọc li ti. Rồi hằng hà sa số châu ngọc li ti ấy chợt nhúc nhích rồi hiện thành rắn mẹ, rắn con trơn láng trườn tới trườn lui, thò nọc độc châm chích da thịt đến tê nhức, đau điếng. Lát sau, bốn phía xuất hiện bốn con quỷ mặt xanh, nanh vàng, lưỡi đỏ, đầu đội sừng trâu, sừng nai, sừng hươu, sừng tê giác. Hai con quỷ nắm hai tay, hai con quỷ nắm hai chân, chúng lôi kéo về bốn phía khác nhau. Chàng đau đớn, vẫy vùng hoài cũng không thoát được những bàn tay như những móc sắt của chúng. Chúng cười hô hố, hích hích có vẻ thích thú. Bỗng một tiếng nổ tự lưng chừng trời, vũ trụ đang tối đen chợt sáng bừng. Bốn con quỷ buông tay, sợ hãi, đứng sững. Giữa hư không, mặt trời từ hướng đông, mặt trăng từ hướng tây từ từ chuyển động, lừng lững xích lại gần nhau rồi khép lại thành một. Ánh sáng vừa rực rỡ vừa dịu dàng đổ tràn ra không gian yên tĩnh, ấm mát. Thái tử cảm nghe một sự an lạc lạ lùng chưa từng có ở trong đời. Lát sau, khối mặt trời mặt trăng đứng yên, chỉ mấy chớp mắt rồi rơi xuống, to dần, to dần rồi phủ chùm xuống chàng. Bây giờ, thái tử lại thấy mình ngồi trong lòng mặt trời, mặt trăng như một quả cầu trong suốt, như bọt bóng xà-phòng vĩ đại bay lơ lửng, bay cao, bay xa, bay lên mãi cho đến tận miền thượng giới nào đó. Rồi mây lại hiện thành hoa, sương mù tấu nhạc và gió chuyển vi vu một lời ca rộn rã, hối thúc, dập dồn:

Giờ đã đến rồi,thái tử!

Giờ đã đến rồi,hỡi bồ-tát vô thượng!

Ngài đã phát nguyện trong tâm

Suốt bảy a-tăng-kỳ

Ngài đã phát nguyện thành lời

Suốt chín a-tăng-kỳ

Ngài đã tựu thành ba-la-mật trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác

Suốt bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp

Vậy còn chờ gì nữa

Mà chưa lên đường

Vậy còn nuối tiếc gì

Mà chưa đi theo con đường vô thượng

Sanh lão bệnh tử lôi kéo chúng sanh vào hang thẳm

Quẳng chúng sanh vào bánh xe luân hồi vô tận

Chỉ có bồ-tát thượng đẳng

Mới có đủ sức uy dũng của trí tuệ

Để xé toang màn đêm ngu si tối ám

Để thức tỉnh chúng sanh

Ngồi dậy giữa bóng đêm trường mộng

Giờ đã đến rồi, bồ-tát!

Hãy ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng

Hãy mở ra lộ trình bất tử!”

Sáng ngày, tuy đang còn mệt, nhưng thái tử lại cùng Channa bộ hành theo cửa Bắc. Có cái gì đó trong thái tử gần như đã chín muồi.

Phố xá, nhà cửa lối ra cửa thành này càng lúc càng thưa thớt. Xe ngựa và bộ hành cũng chỉ lác đác. Và đây cũng là lối đi về của những đạo sĩ từ Himalaya. Thái tử kinh cảm sẽ gặp cái gì đó, một báo triệu gì đó chưa hiện rõ nét.

Channa nói:

- Phía này buồn lắm, thái tử! Chẳng có cái gì để xem đâu.

- Ừ, ta biết! Thái tử đáp - Đi là cơ hội để thấy, để nghe và để chiêm nghiệm. Không ở đâu là “không có cái gì”, Channa!

Channa nhăn mày, không hiểu. Khi họ ra khỏi cổng thành bắc chừng nửa do-tuần thì gặp một người. Đấy là một vị sa-môn mặc y vàng màu sáng, mắt thì nhìn xuống, tĩnh lặng, bình bát trên tay đang nhàn nhã, thong dong trên từng bước đi...

Thái tử lặng người. Chàng chưa bao giờ gặp một tu sĩ có tướng mạo uy nghi thoát phàm như thế. Từ khuôn mặt, sắc áo, bước đi... như tỏa hào quang. Sự yên ổn, vắng lặng của vị sa-môn như thể tràn ra không gian ở xung quanh.

Thái tử đứng lại. Đợi cho đạo sĩ đến vừa tầm, chàng khẽ lên tiếng:

- Xin ngài cho học nhân được thưa hỏi một đôi điều.

Vị sa-môn dừng chân, cất giọng dịu dàng:

- Cứ hỏi, cứ hỏi... người vương giả!

Thái tử lạnh người. Lát sau mới ấp úng hỏi:

- Thưa, có phải ngài từ Tuyết Sơn xuống?

- Phải! Vị sa-môn gật - Cứ hỏi những câu hỏi chính, người trẻ tuổi!

- Dạ thưa, học nhân khá tò mò, xin người miễn chấp. Học nhân muốn biết lý do sự xuất gia của ngài?

Vị sa-môn khẽ ngước đầu lên, tròng mắt xanh đen phản chiếu cả một khoảng trời bình lặng, nhẹ nhàng nói:

- Đạo hữu! Ta cảm nhận cái già, cái bệnh, cái chết thúc bách, xiềng xích, trói chặt trong vòng vây của hữu hạn. Trong cái tất hữu nghiệt ngã ấy, biết bao nhiêu là khổ đau, phiền não chi phối sinh mệnh bé nhỏ của muôn loài. Mà, con người là chúng hữu tình duy nhất cảm nhận được sự thống khổ của thân phận. Lửa từ đâu mà thiêu đốt mãi trong lòng ta, trong lòng người, đạo hữu? Tất cả đấy là lý do để ta đi tìm con đường giải thoát, toàn diện và viên mãn, thưa đạo hữu!

Thái tử rùng mình, lại hỏi tiếp:

- Vậy mục đích ấy, ngài đã gặp chưa? Hay là ngài đang tìm con đường đến với Phạm Thể?

- Không! Vị sa-môn lắc đầu, mỉm cười - Ta không tầm cầu Phạm Thể như truyền thống tu sĩ bà-la-môn. Vả chăng, nếu có Đấng Ấy thì Đấng Ấy cũng bị sinh tử chi phối, thưa đạo hữu! Ta đi theo con đường của ta, con đường soi rọi vô minh tăm tối của kiếp người. Và ta cũng phải tìm cho ra phương thuốc cứu độ thế gian đang trùng trùng khổ nạn này nữa, đạo hữu!

Những tiếng, những ý lời, những ngữ nghĩa của vị sa-môn... như được tuôn phát ra từ trí não của chàng, từ tiềm thức của chàng. Những ý tưởng ấy đã cựa quậy từ lâu trong lớp vỏ trứng, bây giờ đã trở thành chú gà con tinh khôi mở mắt chào đời. Thái tử bàng hoàng. Lát sau, chàng hỏi tiếp:

- Thưa, học nhân hiểu. Và ngài cảm thấy ra sao trong đời sống khổ hạnh khước từ ấy?

- Ta an bình, đạo hữu. Và ta không còn một câu hỏi nào nữa về cuộc đời, về tử sinh và phiền não, đạo hữu! Ta hoàn toàn minh nhiên và vắng lặng...

Vị sa-môn bước đi đã lâu mà thái tử còn chôn chân tại chỗ. Con đường này, phải rồi, chỉ có con đường này là con đường duy nhất và tối thượng. Những gì chưa rõ ràng, chưa định hình bấy lâu nay đã bắt đầu lộ diện...

- Thái tử! Thái tử!

Thấy thái tử đứng bất động quá lâu, Channa cất tiếng gọi rồi đưa tay lay tỉnh.

- Gì? Gì thế?

Channa đưa tay chỉ cuối đường mòn... ngạc nhiên, hớt hãi nói:

- Vị sa-môn ấy...

- Sao?

- Ông ấy... ông ấy đi cuối con đường mòn... xa dần, mờ dần rồi mất hẳn! Rõ ràng là ông ấy biến, ông biến mất, thái tử ơi!(1)

- Ồ!

Đêm ấy, sau khi đã quyết định, thái tử tâm sự với Yasodharā:

- Trước sau gì ta cũng ra đi, Gopā ạ! Đấy là điều mà ta đã xác định. Chúng đã định hình dần dần ở trong ta qua các giấc mộng gần đây. Biết bao đêm trường, tiếng gọi ra đi ấy cứ giục giã, thúc hối bên tai ta... như lời nguyện từ muôn thuở... Rồi mấy tuần nay, cái già, cái bệnh, cái chết và ngài sa-môn là bốn vị sứ giả đã hiện ra đúng như lời tiên tri của các đạo sĩ năm xưa. Chí ta đã quyết, hãy thông cảm cho ta, Gopā!

Yasodharā với nước mắt tuôn chảy lặng lẽ:

- Thiếp biết! Thiếp biết trước sau gì chàng cũng ra đi. Cái giọt máu, cái thai nhi, là đứa trẻ sắp chào đời này - chẳng thể giữ chân chàng được đâu. Nhưng ra đi trong lúc này thì thiếp chưa chuẩn bị đủ tâm lý để chịu đựng một sự ly cách. Hiện nay, thiếp rất cần chàng.

Thái tử vỗ về, an ủi:

- Cảm ơn Gopā! Ta biết! Và ta cũng hiểu là nàng phải tránh sự xúc động thái quá trước thời gian lâm bồn. Nàng là người đã linh thông với tư tưởng của ta. Và có lẽ nàng cũng đã từng tương trợ cho chí nguyện của ta trong nhiều kiếp quá khứ. Ta đọc được điều ấy trong mắt nàng, trong trái tim nhân hậu, dịu dàng và cả trong vầng trán thanh mảnh, cao sáng và rạng ngời kia nữa. Ta chưa ra đi lúc này đâu. Tuy thế, cũng không còn bao lâu nữa. Ta ra đi nhưng ta sẽ trở về, chừng nào chấm dứt mọi trăn trở của đời người...

Yasodharā thở ra:

- Kể từ khi mà chàng thảo luận với chúng bạn về ý nghĩa và giá trị cuộc sống: Thế nào là phù du, thế nào là vĩnh cửu...; và cũng từ khi ba giấc mộng kia đến với thiếp, thiếp biết là vòng tay và tình yêu thương của thiếp quá nhỏ bé, chẳng thể nào níu giữ cánh chim hồng. Con voi trắng trước sau gì nó cũng ra đi không ngoảnh đầu lại. Vậy nên thiếp trân trọng đứa bé này - có nghĩa là linh hồn, là sự sống, là hơi thở của chàng luôn ở bên cạnh thiếp...

Im lặng giây lâu cho nỗi niềm tâm sự của Yasodharā lắng xuống, thái tử mới nói:

- Thế giới vật chất phù du, bọt bèo... kể cả những vị ngọt của chúng đến một lúc nào đó sẽ làm tê đầu lưỡi, làm khô cạn mọi giá trị cao vời. Nỗi khổ của nàng, của ta, của cuộc đời, của chúng sanh là vô tận. Phải tìm cho ra phương thuốc diệt khổ toàn diện, ở tận căn nguồn mới được, Gopā ạ!

Thái tử dịu dàng đặt Yasodharā xuống gối, cố ý nâng niu giấc ngủ cho nàng.

- Hãy ngủ đi, Gopā ạ!

- Sau này, thiếp thương con, chăm lo cho con là niềm vui sau cùng, là hạnh phúc duy nhất của thiếp đấy, thái tử!

Chợt thái tử hỏi:

- Đứa trẻ có vùng vẫy, có giẫm đạp làm cho nàng phải đau đớn không, Gopā?

- Không nhiều lắm, chỉ thỉnh thoảng thôi. Có lẽ nó là đứa con trai ngoan hiền và hiếu thảo.

- Con trai?

- Phải, di mẫu xem thai rồi đoán. Thai nhỏ, gọn gàng là con trai; to lớn, dềnh dàng là con gái.

Thái tử mỉm cười, nói:

- Vậy nàng thích con trai hay con gái?

- Con trai, thiếp rất thích một đứa con trai y đúc như chàng vậy.

Thái tử thấy lòng lâng lâng, nhẹ nhàng. Chàng không ngờ chuyện khó nói nhất đã nói ra được. Yasodharā quả thật là một kỳ nữ thế gian hiếm có, tâm và trí đều tuyệt vời vậy!




(1) Theo chú giải và phụ chú giải, tướng người già này - như là vị sứ giả đầu tiên đến báo hiệu cho thái tử - là do chư thiên hóa hình nên xuất hiện đột ngột và biến mất cũng đột ngột như thế.

(1) Cũng như các sứ giả khác, sa-môn sứ giả này do chư thiên hóa hiện ra để nhắc nhở Thái tử.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567