Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 05

19/10/201310:02(Xem: 7204)
Phần 05

Truyện Cổ Phật Giáo

Tập 4
Thích Minh Chiếu
Sưu tập

---o0o---

Phần 5
21/ Ði biển tìm vàng
22/ Nan sư Nan đệ
23/ Hẹn cùng sống chết
24/ Nghệ thuật tuyệt vời
25/ Giữ giới trong sạch được nhiều phước báo


---o0o---

Ði biển tìm vàng

Thuở xưa, có một đoàn lái buôn nghe đồn ở ven biển nọ có rất nhiều vàng. Ai cũng nô nức quyết chí thả buồm đi tìm, ngặt nỗi đường lối xa gần, Bắc Nam phương hướng, không một người am hiểu. Trong lúc băn khoăn lo nghĩ, một khách lạ đến, tự xưng là biết nẻo, và xin làm người dẫn đạo. Cả đoàn đều hoan hỷ, hấp tấp sắp đặt cuộc viễn hành, trong lòng mọi người đều chứa chan hy vọng.

Ngày ra đi đã đến, nét vui sướng càng hiện trên mọi mặt. Nhưng lúc chia tay với gia đình, sự hăng hái không khỏi bị giảm vài phân.

Thuyền nhổ neo, kẻ dưới trông lên, người trên dòm xuống, lời chúc may, tiếng giã từ, tạo thành một bức tranh trên đó những nét tươi sáng pha lộn với những điểm âm u. Nhưng can gì ? Chỉ một phen xa cách để rồi đoàn tụ trong cảnh giàu sang! Vì vậy mà tay chèo, tay lái, người người đều sung sướng reo hò.

Thuyền đã ra khỏi biên thùy, đà công ra lệnh trương buồm, thả xuôi theo làn gió. Cảnh trời nước mênh mông làm cho khách trên thuyền thấy tâm hồn thơ thới, như cất được gánh nặng ngàn cân. Ðược rảnh tay, kẻ trầu người thuốc, quây quần bàn chuyện tương lai. Anh định tậu ruộng, anh muốn cất nhà, mỗi người một ý, nhưng không ngoài cái tham vọng tô điểm đời sống, để cho gia đình thêm phần no ấm, vui tươi.

Thuyền sắp vào eo biển, một bên là đất liền, bãi cát trắng phơi màu dưới ánh mặt trời đã xiên, còn một bên là bãi đá chập chờn, sóng tung đổ bọt.

- Quái! Ai lại cặm bảng ngoài khơi, tiếng anh cầm lái thốt lên trong tiếng gió dịu mềm. Ai biết chữ đọc thử xem nào?

Thật, lưng chừng một cái đảo con, một tấm bảng to tướng được cắm chặt xuống đất, trên mặt có mấy dòng chữ nét đậm ở xa rất dễ nom: “Phải nạp một mạng người lễ Thần mới được đi ngang qua đây”.

Ban sơ, hình như không ai lấy làm quan tâm, có người còn cho là lời hăm dọa của kẻ thích khôi hài. Nhưng ngọn gió xem chừng lần lần thổi mạnh, trong khi xa xa vài đám mây đen lơ lửng trên nền trời xám sậm. Ðà công lo lắng:

- Có lẽ dông đến anh em nên đề phòng.

- Dông tố gì, anh khéo lo! - một người trong thuyền nói.

- Anh không nghe tiếng gió càng phút càng rít lên, và kìa là những cụm mây đen đang đùn cuốn?

Cả thuyền im lặng, nghe ngóng và trông ra xa. Anh đà công có lý. Tình trạng biển cả có phần thay đổi hiểm nghèo. Trước không ai để ý chỉ vì mắc bàn chuyện tương lai. Cái vui xây đắp trong mộng bỗng tan như bọt nước, nhường chỗ cho một cái lo âu.

- Thế là Thần linh thật.

Câu nói vừa thốt ra ở cửa miệng, một người lớn tuổi nhứt trong đoàn, làm cho tất cả đâm chiêu nghĩ ngợi. Ai là người chịu hy sinh cho toàn thể? Xem đi xét lại, tất cả đều là quyến thuộc, tay chặt tay há lại không đau? Lại nữa, khi về đến quê nhà, sẽ ăn làm sao, nói làm sao với vợ con người bạc phúc?

Một tiếng thì thào:

- Thôi thì đành vậy, chúng ta hãy nhờ ông dẫn đường cứu độ cho. Ông đã già mà tông tích không ai biết, có tiến cho Thần thì cũng là một việc phúc đức, ông để về sau cho con cháu... nếu ông có con cháu.

Một người cãi:

- Rồi ai chỉ đường dẫn nẻo cho ta?

- Khó gì, tiếng kia đáp lại. – Ông đã chỉ cho chúng ta đi hướng này, thì cứ theo đó mà tiến, ắt phải gặp nơi bòn vàng.

Vụt một cái, gió thổi mạnh vào mảnh buồm làm thuyền nghiêng hẳn một bên, be gần chấm nước. Mọi người xanh mặt. Tiếng thì thào lúc nãy, trở nên to lớn, và quyết liệt:

- Sống chết trong lúc này, không còn bần dùng nữa. Các anh hãy nghe tôi. Kíp đi.

Nghe động, cụ lão dẫn đạo trong mui chui ra, chưa kịp hỏi gì thì cả bọn bu quanh cụ, miệng la: “Cụ cứu cho”. Rồi những bắp tay lực lưỡng túm lấy cụ và liệng quách xuống nước đang nổi sóng.

Thuyền lắc lư lướt tới, để lại sau một đống bọt trắng dịu lần rồi tan mất, như khói đốt đồng. Ðoàn lái buôn quì xuống chấp tay khấn niệm, xin Thần bỏ cơn lôi đình mà nạp lễ cho. Tất cả đều tin tưởng Thần sẽ làm cho gió lặng sóng êm, nhưng lạ thay và cũng kinh hãi thay, phong ba càng lúc lại càng mạnh, thuyền hụp xuống trôi lên, bị vỡ ở mũi, bị đánh ở hông, làm cho khách trong thuyền đầu mình ướt đầm, lật qua ngã lại, phải bám vào cột chèo vào then hầm mới giữ được thế quân bình. Tiếng van vái to hơn lúc trước dầu rằng mọi người đều cổ khô, giọng lạc. Bỗng, ầm một cái, một ngọn sóng to chụp lấy thuyền như mãnh hổ vồ lấy hươu con, giữa tiếng kêu cứu thất thanh.

Rồi sóng cứ gào, gió cứ thét...

TRÍ TÁNH

“Hỡi người muốn vượt biển khổ thế gian để tìm vàng hạnh phúc! Chớ bắt chước đoàn lái buôn kia tiếc thân giả tạm mà hy sinh người dẫn đường cho ma quỷ dục lạc. Người dẫn đường bây giờ là Giới luật vậy. Giới luật mất rồi, nên tin chắc rằng trầm luân không bao giờ ra khỏi”.

Nan sư Nan đệ

Ngày xưa có một vị thầy tu hành ngồi mãi mà không nằm. Thầy trụ trì một ngôi chùa lớn. Nhiều đệ tử theo học rất đông, nhưng không ai học được cái khổ hạnh của thầy là chỉ giữ ba oai nghi: Ði, đứng, ngồi – không nằm. Mặc dù vậy, khổ hạnh của thầy cũng ảnh hưởng sâu rộng trong hàng tứ chúng khiến cho không một ai còn lòng dạ nào buông lung, biếng nhác.

Một hôm có một Sa di tới xin nhập chúng. Thầy bằng lòng. Chú xin hầu cận bên thầy để học cái hạnh tinh tấn. Thầy chấp nhận, nhưng hằng đêm, khi thầy ngồi suốt tới sáng thì chú cũng nằm suốt tới sáng. Thầy để ý nhiều lần như vậy, nhưng xét ra vị Sa di này không phải hạng tầm thường: chú ngủ rất tỉnh, một cái động nhẹ của thầy cũng làm cho chú thức dậy để đáp ứng những sai bảo. Cho nên thầy không có lý do gì rầy chú. Chỉ có một điều thầy lấy làm tiếc, là một chú đệ tử thông minh tận tụy như thế, mà cứ nằm dài suốt đêm một cách... “tinh tấn”. Cuối cùng, thầy phải nói cho chú biết không nên tu cái hạnh “nằm” như vậy.

- Này Sa di, chú nằm mãi coi chừng thành rắn đó.

Chú thưa:

- Bạch Thầy, Thầy ngồi mãi con cũng sợ Thầy thành cóc thôi!

Vị thầy nhân đó mà ngộ đạo.

THÍCH NỮ TRÍ HẢI

“Đang sống ngồi không nằm

Chết rồi nằm không ngồi

Chỉ là cái xác thôi

Có gì công với tội?”

Hẹn cùng sống chết

Thiếu Sanh mải miết xem sách, chàng cố xua đuổi tất cả ý niệm tạp nhạp, để chăm chú vào những điểm cốt yếu của bài vở, vì chàng nghe người ta bảo kỳ thi này khó lắm, ông chánh chủ khảo quá nghiêm khắc, nếu tự lực không vững khó lòng đậu. Thế rồi chàng miên man nghĩ: “Chao ôi! Nếu mình đậu, đậu Trạng nguyên thì oai biết mấy, nào là bộ áo mão thêu rồng, buổi yến linh đình tại đại nội, vua sẽ trao tận tay chàng chén ruợu vàng để thưởng tân khoa, và nhất là một nàng công chúa, ồ con vua thì phải biết rồi cứ thế, cả cuốn phim sang quí tuần tự diễn trong tâm tư người hàn sĩ. Thành thử chàng định xua đuổi bao ý nghĩ vẩn vơ, mà trái lại ý nghĩ vẫn kéo đến ồn ào làm chàng chẳng đọc được trang sách nào cả. Chợt nhớ lại thật tế, Thiếu Sanh đứng dậy vươn vai mỉm cười: Chà bậy quá!

Bỗng nghe xa xa có tiếng trẻ con la lên: “ren, ren, ren, ren ngựa en (anh) đã về, cắt cỏ bồ đề cho ngựa en ăn”. Chàng nhìn vọng ra xa, thì quả có tiếng nhạc ngựa thật, tiếng nhạc ngựa gần lần, rồi dừng lại trước ngõ và rõ ràng một mỹ nhân trên bạch mã nhẹ nhàng bước xuống. Chao ôi! Người đàn bà nào mà đẹp thế? Sang thế? Nét đẹp như Hằng Nga, phục sức như tiên nữ. Mỹ nhân khoan thai tiến vào trước sân, chàng vội vàng sửa áo ra tiếp người khách lạ.

Nhìn mỹ nhân bỡ ngỡ, vì thật chàng không quen, cũng chưa hề gặp mặt.

Mỹ nhân biết ý chào trước: Thưa tiên sinh nếu thiếp không lầm, thì chàng là Lý công tử người thiếp muốn gặp?

- Vâng, tôi là Lý Trọng Hiền, xin mời tiểu thư quá bước vào nhà.

Song chàng không khỏi ngỡ ngàng khi thấy nhà mình không có một chỗ xứng đáng để người ngọc ngồi. Chỉ một bộ trường kỷ kê giữa nhà là vật gia bảo còn lưu lại, nhưng lâu nay mải lo đèn sách để bụi bám đầy. Thiếu Sanh lấy vội khăn lau qua, rồi mời mỹ nhân ngồi.

Nàng khép nép ngồi vào một góc trường kỷ, sau khi chủ nhân đã an tọa.

- Thưa, chẳng hay tiểu thư tìm Trọng Hiền tôi có việc gì ạ?

Mỹ nhân tỏ vẻ e lệ, nàng cúi đầu mân mê chiếc quạt trên tay, rồi lại ngẩng nhìn chàng: Thưa công tử! Thiếp được nghe danh công tử là bậc hiền tài nên mới tìm đến...

Chàng nghĩ thầm: tài thì thật ta chưa có, còn hiền thì cũng không hiền chi, nhưng được nghe lời xưng tụng từ miệng mỹ nhân thốt ra, chàng cũng cảm thấy khoan khoái.

Chàng khiêm tốn: Dạ Tiểu thư quá khen, tôi không dám, mong tiểu thư cho biết nhã ý của người muốn tìm tôi?

Nàng nhỏ nhẹ lập lại câu nói trên: Thiếp vì trọng mến hiền tài đã lâu, hôm nay thiếp đánh bạo đến đây định thưa với công tử một...

Thiếu Sanh hồi hộp, chàng lặng lòng chờ nghe, song khi mỹ nhân nói nửa chừng, thì bỗng đâu một tiếng ré lên, chàng hoảng hốt nhìn ra... ồ quái lạ, một đống lù lù ngồi ngay trước sân, cách nhà chừng 4, 5 thước. Không biết trên trời rớt xuống, hay dưới đất đục lên răng chừ, mà dễ sợ thế ? Một con người, một con người ta thật sự. Nếu không có cái búi tóc rễ tre lớn bằng củ hành tây, bới ngược lên xoáy thượng, vàng luốt như râu bắp, thì chàng cũng không biết là đàn bà, áo xống rách như xơ mướp, người ta ngồi khoanh tay rế, mặt úp vào bụng. Không biết người ta non hay tra, già hay trẻ? Nhưng toàn thân của người ta cũng đủ cho chàng biết, đó là một người hủi, lác, vì sau lưng áo rách lòi ra một màu da nổi vảy, và lầy lụa cả nước...

Người ta khóc ré lên giữa khi mỹ nhân nói nửa chừng, nhưng lúc Thiếu Sinh bước ra thì người ta lại làm thinh, cứ ngồi một đống y sì.

Chàng có ý khó chịu, đến bên: Này tiền đây đứng dậy mà đi kiếm nhà khác. Nhưng không biết điếc hay câm, nghe hay không, mà cứ ngồi lỳ lỳ, không trả lời trả vốn chi cả. Thiếu Sanh xích lại gần một chút, nói to hơn: này tiền đây đứng dậy, cầm lấy, đứng dậy đi, tiền đây!

Người ta vẫn bất động và cứ khóc ri rỉ. Chàng hơi bực mình, nhất là câu chuyện mỹ nhân đang nói dở mà chàng cần nghe. Chàng cố nhẫn, nói đi nói lại hai ba lần: Này đứng dậy, tiền đây nì, đứng dậy cầm lấy mà đi nhà khác chứ.

Nhưng người ta cứ làm thinh, cũng không chịu ngẩng mặt lên. Bực mình, chàng để người ta ngồi đấy rồi vào với khách.

Mỹ nhân không lấy làm lạ, cũng không đá động chi đến vấn đề người ta cả, nên chàng cũng giả lơ, rồi nhã nhặn đề khởi lại câu chuyện lúc nãy.

Người đẹp cầm quạt phe phẩy nhẹ nhẹ, chiếc kim thoa cài trên mái tóc rung rinh những hạt kim cương quí giá, lóng lánh, càng tăng vẻ yêu kiều diễm lệ bội phần.

Thiếu Sinh say sưa nhắc: Xin Tiểu thư cho tôi cái hân hạnh được nghe tiếp câu chuyện Tiểu thư định nói.

Mỹ nhân nhỏ nhẹ: Thiếp đến đây với mục đích là xin tiên sinh cho thiếp được... Người ngọc nói chưa dứt, thì người ngoài sân ré lên, lần này to hơn lần trước nhiều, làm át cả tiếng mỹ nhân.

Thiếu Sinh tức quá. Thật không biết quái vật ở đâu hiện ra lựng lựng, mà báo đời thế? Ðành bỏ dở câu chuyện, chàng xin lỗi mỹ nhân rồi đứng dậy ra sân, nhìn trước nhìn sau không có một bóng người để mượn họ kéo cục nợ ra khỏi cửa, tức quá, lại khổ một nỗi nó lại ngồi ngay chính chắn trước mặt mỹ nhân mới khen mình đó. Chàng giả đò đứng xây lưng vào nhà để bớt thái độ hung hăng của mình. Rồi chàng trợn mắt, bặm môi cúi đầu vào tai người ta: Tiền hí, áo hí, cơm hí? Ưng chi? Ưng chi??? Tiếng chàng tuy nhỏ nhưng bao nhiêu căm tức đều dồn vào tiếng nói tuôn ra nên nghe rít lên dễ sợ.

Nhưng điếc không sợ súng, người ta cũng không chịu trả lời ưng chi, và cũng không khóc ré lên như lúc nãy, mà cứ khóc thút thít.

Song có thể gì gần người ta được, vì hôi quá, lở lói khắp người thế kia, đụng đến thì gớm chết. Chàng đứng thẳng rồi lại cúi xuống: Nì ưng chi? Tiền hí, áo hí, gạo hí? – Người ta vẫn bất động, vẫn khóc thút thít.

Ðứng lâu với cục nợ này, thì lại bỏ khách ngồi một mình và nhất là câu chuyện mỹ nhân, cứ bị con ma le này làm đứt đoạn, nên chưa biết ngã ra ngã vào? Chàng sửa lại cử chỉ cho điềm đạm rồi đi vào. Thấy mỹ nhân vẫn thản nhiên với vấn đề cục nợ ngoài sân, chàng yên tâm và cầu cho người đẹp đừng để ý đến.

Thiếu Sinh xoa hai tay lấy lại bình tĩnh: Xin Tiểu Thư cứ dạy tiếp ý định của Tiểu Thư. Lần này thận trọng hơn, chàng cúi đầu lóng hết tâm tư để nghe tiếp câu chuyện của mỹ nhân sắp nói.

Người đẹp càng đẹp hơn, với dáng điệu dịu dàng e lệ. Nàng xếp chiếc quạt ngà lại, và lần này nàng lại nói nhỏ hơn, có lẽ là một vấn đề quan trọng cho đời nàng, vì thế nàng không thể có gan nói to được.

- Thưa tiên sinh, đã hai lần câu chuyện bị đứt ngang, nay thiếp xin thành thật nói lại, nghĩa là thiếp đến đây với mục đích xin...

Nhưng tức ôi! Vẫn như hai lần trước, người đẹp vừa nói đến đấy, thì ngoài sân người ta lại ré lên thất thanh.

Sự bất quá tam, không thể nhẫn được nữa, thôi thì tam bành lục tặc tuôn ào như luồng gió lốc, chàng bước mạnh ra sân, và lần này thì không dằng được, chàng đến xô mạnh người ta: Ðồ yêu báo đời, ưng chi? Xin chi? Sao không nói? Khóc a? Khóc nì?...

Té ra không câm, cũng không điếc, người ta chờ đụng đến mới khóc lóc kể lể: Chị ơi! Sao chị để cho người ta đánh em mà chị ngồi làm thinh?

- Ai là chị ngươi? Chị ngươi là ai? Nói mau! Gian xảo báo đời người ta hoài!... Người ta chỉ ngay vào mỹ nhân: Chị tôi ngồi đó, chị tôi ngồi kia kìa...

Chàng ngơ ngác nhìn vào, thì mỹ nhân khoan thai cầm quạt bước ra:

- Thưa tiên sinh, em thiếp thật đấy! Thiếp là Phước đức tiên nữ, em thiếp là Tai họa nữ, hai chị em thiếp cùng một cha mẹ sinh ra và rất thương yêu nhau “Hẹn cùng sống chết” theo nhau như bóng với hình, nên chỗ nào thiếp đến thì em thiếp theo, và thiếp thề “Nếu thiếp lập gia đình thiếp cũng không rời xa em thiếp được”.

Thiếu Sanh sững sờ, ngao ngán khi nghe người đẹp kể niềm đầu đuôi.

Chàng nghĩ: Mỹ nhân đến đây nói ba lần đều đứt đoạn. Chàng nhẩm lại lời nàng nói: Thiếp đến để thưa với tiên sinh một... Tiên sinh cho thiếp được... và mục đích là xin... thì chắc nàng muốn kết nghĩa trăm năm với ta. Mỹ nhân đẹp lạ, sang quí tột bực nhưng sao cô em gái lại gớm ghiếc thế kia? Nội một cái biệt hiệu “Tai họa nữ” cũng đủ chết người ta rồi, nếu ta nhận lời người đẹp, khi nàng về với ta mà nàng na cả cục nợ ấy về cho ta nữa, thì ta cũng chết.

- Thôi thôi ta cự tuyệt dứt khoát cho rồi. Bao nhiêu nhẫn lực lúc nãy là vì mỹ nhân, nay đã không cần mỹ nhân nữa nên chàng cương quyết: Thôi thôi tôi xin Tiểu thư, tôi xin tiểu thư, đừng chàng đừng thiếp đừng một... đừng được... đừng xin... chi cả, mời đi mời đi !

Chủ đuổi ba cờ một quạt, khách kéo nhau đi không kịp ngó lui.

Chàng hầm hầm ngồi phịch xuống ghế: “Hừ, chàng chàng thiếp thiếp đồ yêu báo đời !...”.

THÍCH NỮ THỂ QUÁN

“Thế gian chênh lệch này quả không tươi đẹp như cánh hoa hồng. Nó cũng không tuyệt đối gai góc như cây hồng. Hoa hồng dịu dàng, đẹp đẽ, và mùi thơm ngào ngạt, nhưng cái cây sanh ra nó thì mình đầy gai góc. Hoa là hoa. Gai là gai. Cái gì thuộc về hoa là của hoa. Cái gì thuộc về gai là của gai. Không vì hoa mà ta lao mình vào gai, cũng không vì gai mà ta xa lánh hẳn hoa hồng”.

Nghệ thuật tuyệt vời

Một hôm Ðức Phật đi ngang qua khu rừng vắng, Ngài ngồi nghỉ dưới một gốc cây, sắc thái ung dung, nét mặt trầm tĩnh. Bỗng có hơn ba mươi người thanh niên tuấn tú đi vào. Ngài để ý nhìn họ.

Một thanh niên nhìn quanh quất như muốn tìm ai rồi thấy Ngài liền tiến đến hỏi:

- Thầy có thấy một người thiếu nữ đi qua đây không?

Ðức Phật trả lời: Không, ta không thấy. Vậy các ngươi là ai và đi tìm người ấy để làm gì?

Chúng tôi là nhạc sĩ, cùng đi vào thành với một người thiếu nữ. Người đó thừa lúc chúng tôi ngủ bên đường, trốn đi và mang theo tất cả hành lý của chúng tôi.

Ðức Phật vẫy các chàng thanh niên lại gần, Ngài nói dịu dàng: Này các em! các em nên đi tìm thiếu nữ ấy hay là các em nên tự đi tìm các em.

Các thanh niên ngơ ngác không hiểu. Và đồng cất tiếng cười. Ðức Phật chỉ vào một người cười to hơn hết và bảo: Em hãy thổi sáo đi! Chàng đó liền lấy sáo ra thổi. Giọng sáo réo rắt, lúc trầm lúc bổng, chứng tỏ một tài nghệ tuyệt vời. Khi chàng thanh niên thổi xong một khúc, Ðức Phật bảo chàng đưa ống sáo cho Ngài. Ngài thổi sáo lên. Các thanh niên nhạc sĩ ấy lấy làm lạ lùng, họ chưa bao giờ nghe một giọng sáo hay như thế. Rừng xanh lặng tiếng, trời êm như ru, muôn vật nín thở, im lặng. Tiếng sáo đi trong lá xanh, lướt trên ngọn cây, rồi bay lên cao vút. Âm thanh tuyệt vời như đang quấn quanh sao Ngưu sao Ðẩu và trong lúc ấy, gió bắt đầu rì rào trong cây tiếng gió như thì thào như chúc tụng như ca ngợi... như để hỗ trợ, để nâng tiếng sáo huyền diệu lên cao lên cao mãi...

Ngài đã bỏ ống sáo xuống rồi mà hơn 30 chàng thanh niên còn đương ngơ ngẩn, tâm hồn chìm trong âm thanh để vương vấn ở mấy từng mây.

Ðến khi họ trở về với thực tại, thì họ nhận thấy đôi mắt dịu hiền của nhà tu đang trầm tĩnh nhìn họ.

Tất cả đồng thanh: “Bạch thầy! Chúng con còn non nớt lắm trên đường nghệ thuật. Xin thầy nhận cho chúng con làm học trò và truyền dạy cho chúng con”.

- “Các ngươi chưa đạt đến chỗ tối cao của nghệ thuật là vì các ngươi chưa tìm thấy ngay trong tâm hồn các ngươi nguồn gốc sâu xa của tất cả nghệ thuật. Các ngươi cùng một bản thể với vũ trụ bao la, vũ trụ có thể có bao nhiêu âm thanh tuyệt kỳ cũng như có thể có bao nhiêu hình sắc linh diệu, thì chính tâm hồn các ngươi cũng có đủ như thế. Vậy cần tìm hiểu ngay tận gốc tâm hồn các ngươi có thể đạt đến nghệ thuật tối cao. Vừa rồi ta bảo các ngươi nên tự tìm lấy các ngươi là ta muốn nói như thế đó”. – Nói xong Ngài giảng cho các thanh niên nhạc sĩ ấy về giáo lý vô thường vô ngã, trong bọn có một người lớn tuổi tên là Ca Diếp đến sụp lạy trước mặt Ngài.

- “Bạch Ðức Thế Tôn, xin Ngài cho anh em chúng con được xuất gia theo đạo”.

Ðức Phật nhận lời.

HOÀNG HOA

“Làm việc với hai bàn tay trơn là người lao động, làm việc bằng tay và bằng trí óc là người thợ khéo, vừa làm việc bằng tay, bằng trí óc mà cũng vừa làm với tất cả tâm hồn đó là nhà nghệ sĩ.”

Giữ giới trong sạch được nhiều phước báo

Ông trưởng giả họ Quách, ở đất Phong Châu đời nhà Tấn, sanh được một người con trai đặt tên là Hữu Chí, có tánh hiếu học lắm. Sau mười năm đèn sách, Hữu Chí luyện nghề văn cũng được tiếng tăm, nhưng sở nguyện chưa thỏa mãn người bèn tìm thầy chuyên thêm nghiệp võ.

Thấy con mình văn võ đã kiêm toàn, ông trưởng giả mới lo đôi bạn cho con. Cưới vợ rồi, Hữu Chí thường ở nhà lo đọc sách triết lý và tôn giáo. Nhận thấy chánh pháp của Phật rất lợi ích cho đời sống của nhân loại, gã thanh niên hiếu học ấy đến chùa cầu thầy cho thọ Tam quy và Ngũ giới. Nhà sư giảng dạy cho người mãn phần Ưu Bà Tắc rõ tất cả sự lý Tam quy và chỉ rành rẽ thế nào là khai, giá, trì, phạm của Ngũ giới. Hữu Chí từ đây quí trọng đạo Phật lắm, nhất là giữ giới rất kỹ lưỡng, chuyên lo tu niệm đường tình ái có phần chừng mực. Trái lại, người vợ chàng, nhan sắc thì quá lộng lẫy, tánh tình thì cực kỳ phóng đãng, ưa sa hoa nay tiệc mai tùng... Lần hồi tình yêu chồng phai lạt, tâm chán ghét bực bội hận thù tăng lên đến nỗi nàng dám tính mưu này chước nọ hãm hại chồng để thỏa mãn lòng dạ của mình.

Một hôm, Hữu Chí được tin bạn đồng học là Tuấn Anh, con của một quan tổng trấn ở biên thùy mời chàng sang dinh chơi, nhân tiện người bạn ấy sẽ tiến dẫn với cha chàng thâu dụng Hữu Chí vào giúp việc quân chính.

Hữu Chí thưa cho cha mẹ hay và bàn tính với vợ sẽ vắng nhà một thời gian để đến dinh quan Tổng trấn thăm bạn học cũ, vợ chàng thừa cơ hội ra tay: ác phụ làm năm cân mứt chuối trong đó có chộn thuốc độc. Nàng vò viên để vào hộp kín đáo, ngoài dán nhãn đề: “Thuốc giải lao thần hiệu” tặng cho chồng món quà hộ thân, lúc đi đường xa vất vả.

Hôm sau, giã từ cha mẹ và vợ, Hữu Chí mang hành lý cưỡi ngựa lên đường. Cứ ngày đi đêm nghỉ, trải qua làng mạc, đồng nội, núi non... người kỵ mã thấy trong mình mỏi mệt quá, nên khi trời vừa tối đến một cụm rừng già dẫy đầy cổ thụ, chàng bèn xuống ngựa mở yên, để hành lý dựa gốc đa, rồi trèo lên cháng ba rộng lớn nằm nghỉ.

Vì đi đường ròng rã mấy ngày cực nhọc, Hữu Chí nằm ngủ một giấc ngon lành từ đầu hôm đến sáng, không hay sự gì đã xảy ra dưới cội cây, trong đêm tối giữa rừng hoang. Sự việc là như thế này: trong đêm ấy tại dinh quan Tổng trấn bị một mẻ trộm lớn, mất nhiều rương quần áo, bạc vàng. Bọn cướp, sau khi ăn hàng trúng mối xong, kéo nhau vào rừng, đến gốc đa chúng dừng lại nghỉ. Gặp hành lý của Hữu Chí để dựa cội cây, chúng nó lục soát thấy hộp “Thuốc giải lao thần hiệu” liền mở ra xem. Ðánh hơi thuốc có mùi thơm ngọt, chúng nó bắt thèm, sẵn mỏi mệt và đói khát, chúng chia nhau ăn thuốc và uống nước không chừa lại một viên nào. Một chặp sau, bọn cướp ấy, tất cả 50 đứa đều trúng độc chết hết.

Vì thế, nên khi trời sáng, lúc Hữu Chí từ trên cháng ba cây tuột xuống đất. Anh ta hết sức ngạc nhiên thấy nhiều thây ma nằm ngổn ngang. Chung quanh đầy rẫy những rương, xe, quần áo và vàng bạc. Dòm lại gói hành lý của mình, thấy bị mở ra và hộp “Thuốc giải lao thần hiệu” đã sạch trơn, mà xác chết người nào cũng bầm đen một màu, môi, miệng xưng vù, anh ta lấy làm băn khoăn, nghi ngại, sợ hãi.

Ðứng trước một đám chết khá to, không biết nguyên do vì đâu, với của cải từ rương này qua xe nọ, một người Phật tử tại gia chân chánh như Hữu Chí bao giờ cũng thương xót và kính nể. Thương vì chẳng rõ ai đành giết hại một lần cả 50 người không sợ tội! Kính vì của cải rất nhiều nhưng không phải của mình nên không dám nhận. Chàng mãn phần Ưu Bà Tắc liền bắt ngựa, gác yên lên lưng, buông cương cho chạy nước lớn tìm nhà chức trách địa phương báo cáo. Ði gần được hai mươi dặm đường, Hữu Chí trông thấy ở phía trước mặt mình có một toán quân rầm rộ kéo đến. Chàng xuống ngựa, đứng nép một bên, chực chờ trình báo.

Tuấn Anh người cầm đầu toán quân, là con quan Tổng trấn, nhận ra bạn thân của mình liền hỏi: “Anh Hữu Chí! Ði đường thế nào coi anh có vẻ kinh nghi quá vậy?.

Hữu Chí thuật lại việc rùng rợn vừa thấy dưới gốc cây đa, chỗ chàng tạm làm nhà trọ một đêm và mời bạn dẫn toán quân đến đó điều tra tường tận. Chàng nhảy lên ngựa, quày lại dẫn đường Tuấn Anh và đoàn quân nối gót theo sau. Ðến rừng tại gốc đa thì trời vừa đứng bóng, con quan Tổng trấn nhìn tất cả tài vật của mình đã bị cướp đêm hôm qua, chỉ còn thiếu ít con ngựa nữa là đủ số. Tài gia một mặt dạy quân lính đào một cái hầm to, chôn 50 tướng cướp, một mặt truyền kẻ tùy tùng gom góp của mất lại. Công việc sắp xếp xong, Tuấn Anh mời bạn hiệp cùng quân lính đi thẳng về dinh quan Tổng Trấn. Về đến nơi thì trời đã hoàng hôn, Công tử phúc trình lại đầu đuôi, sự tìm được của và việc gặp bạn hiền cho cha mẹ nghe. Tuấn Anh yêu cầu thân phụ trọng thưởng Hữu Chí là người có công thứ nhất trong vụ tìm được của mất trộm. Quan Tổng trấn liền bổ dụng Hữu Chí làm thiếu úy vệ binh. Phần đông các quan cũ đều bất bình vì thấy Hữu Chí mới đầu hôm sớm mai mà làm được thiếu úy nên sanh lòng ganh ghét.

Một thời gian sau, ở làng kế cận ải biên thùy có nạn ác thú khuấy rối: một con sư tử khát máu người đón đường nhiễu hại bộ hành làm cho dân chúng khủng khiếp. Nhân cơ hội ấy, một nhóm quan liêu cũ có ý ngầm hại Hữu Chí, nên đồng có ý kiến xin quan Tổng trấn cử tân Thiếu úy đi trừ ác thú, cứu nạn lương dân. Quan Tổng trấn chấp thuận lời yêu cầu. Ngài hỏi quân lính có ai tình nguyện đi theo giúp sức tân Thiếu úy hay không? Ai nấy đều nín thinh. Hữu Chí buộc lòng phải can đảm một mình phụng mạng đi trừ ác thú.

Dọc đường chàng tự suy nghĩ: mình đã phát tâm thọ Tam quy và ngũ giới, mà ngày nay vì phận sự bắt buộc phải giết thú để cứu người. So bề lợi ích thì có phần hơn, nghĩ đến chỗ phạm giới thì hổ thẹn, còn nhớ đến luật nhân quả lại càng sợ hãi. Chi bằng nhân dịp này mình trở về quê vui với cảnh gia đình còn hơn. Mảng đương suy tính, so lường, cân nhắc phân vân trong trí, tân Thiếu úy đã gần ác thú ẩn núp mà chẳng ngờ. Sư tử đánh hơi người, phấn kích rống hộc vang rền dường như sấm sét. Vì không muốn sát sanh, Thiếu úy thót lên cây, leo tuốt lên ngọn, rút độc kiếm cầm tay tự vệ. Sư tử ở dưới đất nhảy dựng toan vồ Hữu Chí, nó há miệng ngước đầu, hai chân trước chồm lên và gầm thét inh ỏi. Ngồi trên cây lâu mỏi tay, Thiếu úy buông rơi lưỡi kiếm lọt ngay vào miệng sư tử đứt họng dẫy dụa chết liền.

Một chặp, Hữu Chí leo xuống mang xác sư tử về dâng cho quan Tổng trấn. Ngài rất hài lòng, hết lòng thân mật khen ngợi Thiếu úy có tài và muốn cho dân chúng tán thán công lao ấy, ngài truyền lịnh đặt bày một tiệc trước dinh khao thưởng Thiếu úy.

Vài hôm sau, quan Tổng trấn dâng sớ về trào vua xin ân tứ chức tước xứng đáng cho Hữu Chí. Chẳng bao lâu, Thiếu úy được chiếu triệu về kinh, sung chức Trung úy, bổ vào vương cung trọng dụng.

Vậy mới biết, phàm là đệ tử Phật, bất cứ ở địa vị nào, hễ giữ giới trong sạch thì được nhiều phúc báo.

TRƯỜNG LẠC

“Phật tử tuy ở xa ta nghìn dặm mà cố giữ giới luật của ta, quyết sẽ đắc đạo; ở bên cạnh ta mà phạm giới, người ấy chẳng bao giờ thành đạo cả”.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567