Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương năm

14/10/201310:27(Xem: 14097)
Chương năm

coitroi1


Chương năm

Ngoài đường, tiếng xe cộ qua lại đã dứt từ lâu. Khuya lắm rồi. Thỉnh thoảng mới vẳng lại tiếng một chiếc xe hàng chầm chậm chạy ngang. Tôi mang bình trà đã cạn nước đến thùng rác, lấy xác trà ra. Nàng đứng dậy theo, giành làm việc ấy. Rồi nàng bỏ trà mới vào bình, nấu thêm nước sôi. Chúng tôi trở lại bàn, ngồi im một lúc. Nàng vén tóc bằng hai tay, túm gọn thành một lọn ra phía sau gáy rồi dùng kẹp tóc, kẹp lại. Tôi ngắm nàng trình diễn điệu bộ muôn thuở của phái đẹp ấy, thử mường tượng khuôn mặt này không có tóc trên đầu thì sẽ ra sao. Hay chít một chiếc khăn trên đầu như ni cô thì thế nào… Ôi, người đẹp thì làm sao cũng đẹp. Có tiếng chó sủa đâu đó làm tôi giật mình, quay nhìn về hướng đường cái, nghe ngóng.

“Không sao đâu anh. Con chó bên nhà đó nó như vậy đó, thấy gì cũng sủa, rác bị gió thổi nó cũng sủa nữa! Ở đây an ninh lắm. Mấy người công an khu vực này em quen hết.”

Sợ câu ấy có thể làm tôi hiểu lầm, nàng giải thích thêm:

“Từ khi mẹ em và hai đứa em đi vượt biên, em một mình lo đi thăm nuôi ba ở trại cải tạo, em quen luôn mấy người công an khóm, phường, cho đến thành phố. Cứ mỗi lần đi chứng đơn xin thăm nuôi, em đều mua quà cáp gì biếu họ, từ đó họ quen và dễ dãi với em luôn. Có khi bốn, năm sư cô từ xa đến đây nghỉ đêm, em chỉ cần thông báo cho công an khu vực một tiếng, cho một gói thuốc thơm, vậy là anh ta cho nghỉ lại cả tuần hay nửa tháng, khỏi cần lên tới phường hay thành phố. Lâu lâu có đợt khám xét hộ khẩu, công an khu vực cũng đến báo trước cho em hay để em khỏi chấp chứa khách trong nhà. Mà khách của em là ai đâu, toàn mấy sư cô không à, họ đều biết vậy. Chỉ có hôm nay là đặc biệt tiếp anh, người khách phái nam đầu tiên… Thôi, anh kể tiếp đi. Rồi cán bộ quản giáo có làm theo đề nghị của anh không?”

***

Cho tôi vào phòng giam xong, quản giáo quay đi, đâu chừng một giờ đồng hồ sau thì trở lại, gọi anh trưởng phòng ra ngoài. Không khí trong phòng có vẻ căng thẳng. Nhóm Nghĩa Quân Phục Quốc xầm xì bàn tán. Sang trờ tới hỏi nhỏ tôi:

“Quản giáo gọi thầy Khang chắc có nói chuyện về thằng trưởng phòng với Quái hả?”

“Có. Ông ấy hỏi ý kiến tôi, tôi đã góp ý, hy vọng ông ấy nghe.”

“Thầy Khang góp ý sao?”

“Đại khái là sẽ còn lộn xộn hoài nếu cứ để một tên cướp hình sự làm trưởng phòng…”

“Chết, thầy nói vậy là nguy rồi.”

“Sao vậy? Tôi nói có sai đâu.”

“Thằng Cang với thằng Đương dù có tội ăn cướp nhưng tụi nó gốc là bộ đội ngoài Bắc, chẳng chừng lại là đảng viên nữa; thầy đụng tới tụi nó lỡ quản giáo bênh vực tụi nó thì phiền cho thầy lắm. Không những phiền cho thầy mà còn phiền cho đám tụi này nữa. Ổng đì bọn tù chính trị đến chết chứ chẳng giỡn đâu! Đó, ông ấy kêu thằng Cang ra ngoài rồi, biết đâu lại chẳng nói chuyện thầy góp ý… rồi thằng trưởng phòng trở lại đây, kiếm chuyện với thầy đó. Dĩ nhiên là tụi này không để cho nó đụng tới sợi lông chân của thầy đâu, tụi này bị kỉ luật hoài chứ đâu phải chưa, có bị thêm cũng chẳng ăn nhằm gì, nhưng… chỉ sợ quản giáo mượn tay thằng trưởng phòng để quậy cho rối cái phòng này, hoặc mượn tay nó để chơi ông thầy đó. Thầy nghĩ coi, cái cỡ đầu trộm đuôi cướp như nó mà đem chọi với thầy, chỉ có thầy lỗ thôi chứ chúng nó có mất mát gì đâu.”

“Cũng có thể, nhưng tôi thấy hình như không phải vậy. Ông ấy yêu cầu tôi góp ý tự do mà.”

“Xì, mấy ổng lúc nào lại chẳng nói như vậy, nhưng nếu mình góp ý thẳng thừng thì lại có chuyện. Phiền lắm!”

“Vậy à!”

Tôi bật lên hai tiếng ấy rồi, mới tự trách, sao mình cứ nhẹ dạ dễ tin người như vậy! Thấy người ta thành thật yêu cầu thì nghĩ là nên thành thật đáp ứng. Té ra sống trong xã hội này, nói láo và che đậy mới là khôn, mới là biết sống. Dối trá là cách tiếp xử vừa lợi mình, vừa lợi người chứ không phải sự thành thật. Dối trá cũng là cách tự vệ hay nhất. Sự dối trá và phóng đại thực tế đem lại cho con người ảo giác về sự vĩ đại của bản thân và xã hội. Sự dối trá khiến người ta mạnh dạn dẹp bỏ đi những mặc cảm thấp kém, bất tài. Chỉ có sự thành thật mới là điều xa xỉ, vô bổ. Thành thật là tự nện đầu vào cái búa tạ. Ôi, nhưng biết làm sao đây, cái đầu tôi cứng quá, nên bao nhiêu cái búa ấy vào đầu mà tính nhẹ dạ, tin người cứ trơ ra đó, mở miệng ra là cứ đòi nói sự thật! Ừ, mà có sao đâu! Làm gì tôi phải sợ chứ. Tôi góp ý là thật sự muốn cứu Quái ra khỏi biệt giam mà cũng là nhắc nhở cho anh công an kia biết cái hiện trạng của phòng giam này; điều đó nên làm, cần gì phải hối hận. Cả cái guồng máy u mê của nhà nước, của cái đảng hai triệu thành viên với bao cuồng vọng quyền lực và kiêu hãnh thắng lợi mà tôi còn muốn đưa đầu mình ra để chọi thì cái trại giam này, quản giáo này, kỷ luật biệt giam này, cho đến anh tướng cướp làm trưởng phòng này… có đáng sá gì chứ! Tôi sẵn sàng. Tôi luôn sẵn sàng. Chẳng phải tôi ăn thịt gì người ta, nhưng tôi biết chấp nhận, biết chịu đựng, biết đứng thẳng trên đôi chân mình, và nếu có quỵ ngã thì hãy còn đôi tay để chống đỡ; bằng đôi tay và đôi chân trần của chính mình, tôi sẽ đứng dậy giữa sự chụp phủ của bao nghiệp chướng trần gian…

“Kìa, quản giáo với thằng Cang trở lại,” Sang nói tôi biết rồi lảng đi chỗ khác.

Một anh tù ngồi chơi ở lồng khung, vỗ tay hai tiếng để báo hiệu cho cả phòng yên lặng ngồi xuống “đón” quản giáo đến phòng. Ngoài xã hội, để tỏ sự kính trọng trước uy đức hay quyền lực, dù tự nguyện hay bị bó buộc, người ta đứng dậy để đón chào; trong tù cộng sản thì ngược lại: cán bộ bước tới phòng giam thì tù nhân đang qua lại, đang đứng tắm, hay đang làm bất cứ việc gì cũng phải ngưng lại, im lặng, và nhất là phải ngồi thấp xuống, không được đứng thằng lưng hoặc lom khom. Có hai lý do giải thích điều lệ ấy: thứ nhất, đứng thẳng hay đứng khom đều là tư thế dễ dàng tấn công cán bộ; thứ hai, đứng thẳng hay đứng khom cũng là tư thế dễ dàng chạy ra ngoài khi cán bộ mở cửa phòng giam.

Cho Cang vào phòng giam rồi, Khoa đứng ở lồng khung nói:

“Từ nay anh Cang được ra ở với đội lao động, không còn sinh hoạt ở phòng này nữa. Anh Đương tiếp tục làm phó phòng, còn ai làm trưởng phòng thì để tôi xét lại.”

Cang lấy đồ đạc cá nhân đi theo Khoa ra ngoài. Một chập, Khoa trở lại, có cả Quái xách giỏ đồ đi theo. Quái được trả về phòng. Tôi mừng quá, biết rằng đề nghị của tôi có phần nào tác dụng.

Mở cửa cho Quái vào phòng giam, Khoa không nói lời giải thích nào. Anh chỉ kêu từng người ra “làm việc.” Những người bị gọi ra đều là tù chính trị và là loại có án tù khá lâu, hoặc là tù kỳ cựu của phòng giam; trong số đó, chỉ có tôi là tù mới mà thôi. Khoa không gọi những người tù vượt biên vì số vượt biên chỉ ở trong phòng một thời gian ngắn là đã chuyển trại hoặc được tha về, không phải là loại ở tù lâu.

Có lẽ việc gọi tôi ra ngoài không giống với những người tù chính trị khác, vì thời gian quản giáo gọi tôi ra ngoài chỉ đâu chừng năm phút, hỏi thật vắn tắt rồi cho trở về phòng giam. Những người khác thì từ mười lăm đến ba mươi phút. Không khí phòng giam trong ngày ấy thật ngột ngạt, vì chẳng ai hiểu chuyện gì đang xảy ra. Giống như đang có một cuộc cách mạng vừa bùng nổ, hoặc một cuộc chỉnh lý nội bộ nào đó trong guồng máy lãnh đạo quốc gia!

Tôi là người thứ ba bị Khoa kêu ra ngoài. Vừa ngồi vào băng ghế–cũng cái băng ghế gỗ ngoài vườn, dưới cây trứng cá–Khoa đã hỏi ngay:

“Theo nhận xét của anh, ai là người xứng đáng làm trưởng phòng nhất?”

“Tôi mới vào tù một thời gian ngắn, không nắm vững được chuyện này đâu, cán bộ ạ.”

“Nhưng hồi sáng anh đề nghị chọn người có uy tín tức là trong đầu anh đã có nghĩ đến một người nào đó trong phòng rồi, phải không?”

“Không, trong đầu tôi không nghĩ trước một người nào cả. Tôi chỉ cảm thấy rằng bầu một người có uy tín làm trưởng phòng là điều cần thiết. Còn nếu tôi có tin tưởng một người nào đó trong phòng thì đó cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi thôi, đâu bằng ý kiến của tập thể.”

“Ý anh muốn nói là… để cho các anh trong phòng bầu lên một trưởng phòng à?”

“Đúng rồi, một xã hội dân chủ thì phải được xây dựng theo cách đó.”

“Nhưng các anh là tù nhân, làm gì có quyền tự do bầu cử hay ứng cử. Các anh đã mất quyền công dân rồi.”

“Tù nhân chỉ mất quyền công dân đối với xã hội bên ngoài, còn trong phòng giam thì cũng có quyền sống, có quyền tự do nào đó để xây dựng đời sống của tập thể phòng giam, làm sao thiếu được. Đã gọi là tập thể thì phải có lãnh đạo và quần chúng; có lãnh đạo và quần chúng thì nguyên tắc dân chủ cần được áp dụng. Như vậy mới có sự ổn định và tiến bộ được.”

“Cái chuyện dân chủ thì tôi biết quá rồi. Nước ta cũng là nước dân chủ mà. Nhân dân được làm chủ đời sống tập thể. Nhưng để khỏi lầm đường lạc lối, tốt hơn hết là làm chủ đời sống tập thể theo sự lãnh đạo của đảng và nhà nước.”

“Nói vậy thì cứ theo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo, cắt cử người nào theo ý cán bộ là được rồi, đâu cần phải hỏi ý tôi là người nào xứng đáng.”

“Dĩ nhiên là khi quản lý các anh, chúng tôi biết hết quá trình hoạt động của các anh, bao gồm cả khả năng và cá tính của từng anh nữa. Cho nên, trong đầu tôi đã có dự trù sẵn một vài người; bây giờ tôi chỉ muốn hỏi ý anh để xem nhận xét của anh về một người tài đức xứng đáng có giống như nhận xét của tôi không.”

Tôi chẳng hiểu sự thăm dò này của quản giáo có phải là một âm mưu gì không. Lời nhắc nhở của Sang khi nãy, dù chẳng thay đổi gì cái tính cương ngạo muốn nói thẳng sự thật của tôi, cũng khiến tôi thận trọng hơn một chút. Bất cứ sự thật nào được nói ra trong chế độ này cũng đều có thể phạm vào một thứ tội trạng nào đó. Nhưng tôi là kẻ đã phạm “trọng tội” đối với nhà nước thì hà tất phải sợ phạm tội nữa! Nghĩ vậy, tôi liền nói:

“Tôi đã nói trước khi nãy, tôi mới vào phòng giam hơn một tháng, không dám có ý kiến về chuyện ấy. Còn như được phép góp ý, tôi chỉ xin nói rằng, nếu việc chọn trưởng phòng hoàn toàn do quyết định của cán bộ, tù nhân trong phòng giam không có quyền lựa chọn và bầu cử, thì ít nhất cán bộ cũng cố gắng làm sao chọn được người nào không những có khả năng làm ổn định trật tự của phòng giam mà còn có những sáng kiến hay để giúp phòng giam được tiến bộ, phát triển mọi mặt.”

Khoa cười khô một tiếng, nói:

“Anh làm như phòng giam là một xã hội hay đất nước bên ngoài vậy!”

“Y hệt xã hội bên ngoài thôi cán bộ ạ. Phòng giam cũng là một xã hội thu nhỏ lại thôi mà.”

“Anh nghĩ anh Nhiều làm trưởng phòng được không?”

“Tôi không dám có ý kiến. Anh đã nắm vững hết mọi cá tính, mọi quá trình hoạt động của tất cả tù nhân trong phòng giam thì hẳn biết chọn người nào thích hợp rồi.”

“Thôi được, tôi đưa anh về,” Khoa đứng dậy.

Trên đường về phòng giam tôi biết tôi còn nhiều điều chưa nói ra được với cán bộ. Thực ra, cần gì phải chọn lựa trưởng phòng kỹ lưỡng như vậy hỡi anh cán bộ nhà nước! Trưởng phòng có quyền hạn gì đâu! Chẳng qua chỉ là một anh đại diện tù nhân để đi báo cáo sinh hoạt trong phòng cho cán bộ nghe mà thôi. Trưởng phòng có tài đức hay không thì có quan hệ gì đến cái án tù của tù nhân đâu chứ! Đã là một tù nhân cúi đầu làm theo lệnh cán bộ thì dù có ba đầu sáu tay, anh trưởng phòng cũng chẳng làm sao cải thiện đời sống phòng giam, đưa phòng giam đến một mức sống cao hơn, tiến bộ hơn được. Phòng giam vẫn cứ là phòng giam. Nếp sống tù hãm vẫn cứ là nếp sống tù hãm. Tù nhân làm chủ đời sống tập thể trong phòng giam, trưởng phòng và các ăng-ten có trách nhiệm quản lý, và cán bộ quản giáo thì lãnh đạo. Ôi, từ trong tù ra tới xã hội, từ ấp xã cho đến trung ương nhà nước, cứ theo cái nguyên tắc dân chủ theo chính sách và tinh thần làm chủ tập thể theo mệnh lệnh như vậy thì đất nước này đời nào mới cải thiện được. Từ trong ra ngoài, từ dưới lên trên, cũng chỉ là một nhà tù thôi.

***

Anh Nhiều được chọn làm trưởng phòng. Phó phòng vẫn là Đương, nhưng đâu chừng vài ngày sau, Đương xin quản giáo cho đổi qua phòng khác. Quản giáo chấp nhận ngay, và chọn Sang làm phó phòng. Đương xin đổi qua phòng khác vì sợ uy thế đang lên của thành phần chính trị trong phòng. Thực ra, uy thế đó có chăng cũng là để xoa dịu tâm lý thành phần đa số để tạo sự ổn định trong sinh hoạt tập thể, chứ mọi thứ nguyên tắc nội qui, nề nếp kỷ luật, mức án tù, thể lệ thăm nuôi, tiêu chuẩn cơm và nước mắm, cũng chẳng có gì đổi thay hay tiến bộ hơn, Chọn Nhiều làm trưởng phòng, có lẽ Khoa cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng rồi–vì tuy Nhiều có tội chạy theo Nghĩa quân Phục quốc chống lại nhà nước nhưng gia đình anh đã từng có công với cách mạng, còn bản thân anh thì làm việc trong ban Chỉ huy Quân sự Huyện đội Tân Phú; ít ra cái gốc gác của anh cũng cho phép quản giáo tin tưởng anh hơn là những thành phần dính dáng hoàn toàn với chế độ cũ.

Dù sao, không khí trong phòng quả là có sự vui vẻ, hòa hợp thấy rõ kể từ khi thay đổi hai người trưởng và phó phòng. Tù nhân tha hồ tụ tập nói chuyện, lớn tiếng hay xầm xì cũng chẳng lo bị ai báo cáo. Cũng không thấy ai vi phạm kỷ luật đến nỗi bị biệt giam. Vui chơi ca hát mỗi ngày, mỗi đêm với cờ tướng, domino, nhạc vàng, nhạc xanh… thậm chí còn nhảy đầm, hát nhạc phản chiến, nhạc chống cộng ở hải ngoại… Tù nhân mà có được không khí ấy thì tưởng cũng đỡ tủi lắm rồi, chẳng còn muốn đòi hỏi gì hơn. Họ biết trưởng phòng chẳng có quyền hạn gì, nhưng ít ra, cũng là người có lý tưởng, biết điều, biết tôn trọng đồng bạn trong cảnh sa cơ.

Nhiều thật xuất sắc trong vai trò trưởng phòng. Anh lầm lì ít nói, vừa đủ nghiêm trang để tạo nét uy và làm gương cho bạn tù, nhưng cũng không thiếu cái vẻ bình dị mộc mạc của người dân quê Nam bộ quấn khăn rằn, vui vẻ hòa hợp với mọi người. Khuôn mặt anh dài. Hai mắt và hàm răng trắng sáng nổi bật trên nước da đen kịn. Anh có nét dễ cảm, có lẽ một phần cũng bởi cái tính trung thực và biết tôn trọng nếp sống tập thể.

Sang, anh phó phòng mới, cũng thủ đúng vai người phụ tá trưởng phòng về chuyện trật tự. Sang cao ráo, có bộ lông mày rậm và đôi mắt xếch lên như Quái nhưng hàm râu hùm bao quanh đôi môi tím ngắt còn tạo thêm cho anh vẻ uy dũng của một võ tướng. Nhìn anh, tôi mường tượng đến hình ảnh một chiến sĩ Mông cổ trường chinh trên lưng ngựa của một thời xa xưa nào.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng thay đổi trưởng và phó phòng, sinh hoạt trong phòng giam nhanh chóng trở thành một thứ sinh hoạt xã hội có vẻ như “dân chủ pháp trị.” Tù nhân tương đối được tự do vui chơi và sinh hoạt trong phạm vi phòng giam, dễ thở hơn là ở cái không khí ngột ngạt nghi kỵ hãi sợ sự báo cáo và bắt buộc phải câm lặng của thời gian trước. Tiếng nói tiếng cười và các trò chơi coi mòi rộn rã tưng bừng. Tôi cũng vui lây, đôi lúc quên luôn cái thực tế rằng dù thế nào đi nữa, đời sống tù vẫn cứ là đời sống tù, không có cái vui hay cái sinh hoạt nào đáng gọi là của tự do nếu chúng cứ bị giới hạn bởi bao nhiêu vòng đai kềm tỏa của kẽm gai, tường vách, kỷ luật, nội quy, khuôn thước nói năng cũng như lề lối suy tưởng… Và dù thế nào đi nữa, tôi và bạn tù, cứ là những tù nhân đang chờ thẩm cung và xét án.

Trại giam B5 của Biên Hòa chỉ là một trại tạm giam nhưng khá nhiều người bị “tạm giam” ở đó trên bốn năm–chẳng hạn như Nhiều và Danh, bị giam từ năm 1981; Hiệp bị giam từ năm 1982; ông Vương bị giam từ năm 1983… Chưa ai được đưa ra tòa xét xử. Chẳng làm sao mà đoán được lúc nào mình sẽ ra tòa, mà vì chưa ra tòa nên cũng chẳng làm sao đoán được là đến ngày nào mới được tự do. Tù nhân nào cũng muốn được ra tòa để hiểu được cái thân phận tù đày của mình, dù là mười năm, hai mươi năm hay là chung thân khổ sai tại các trại lao động cải tạo, còn hơn là cứ đứng đứng ngồi ngồi mãi trong một cái phòng nhỏ bé, nhìn ra ngoài chỉ thấy cái sân ngập nắng hay tràn nước mưa, mà chẳng biết thời hạn nào, bao nhiêu cuốn lịch nữa mới được tự do hoặc được nhìn ngắm cỏ cây hoa lá và đất trời bao la ở hiện trường lao động. Cho nên, hễ có người nào được nhận “Bản Cáo Trạng” của viện Kiểm sát Nhân dân gởi vào đề đích danh tên mình thì lại sung sướng tở mở, làm như thể được nhận lệnh tha vậy! Thực ra, bản cáo trạng là cái tờ buộc tội của tòa án thôi chứ có gì mà phải mừng!

Sau khi khai cung với cán bộ thụ lý hồ sơ của trại tạm giam, hồ sơ khai cung của bị can được chuyển qua cho viện Kiểm sát thẩm cung cứu xét, viện Kiểm sát xét rồi, buộc tội, viết thành văn bản, gởi vào cho bị can xem trước để chuẩn bị hầu tòa. Bản cáo trạng tóm lược những nét chính trong lý lịch cá nhân bị can, cùng các chi tiết về nguyên do và hành vi phạm tội. Những người còn bị giam tại trại giam B5 đều được gọi là bị can theo thủ tục hành chánh (chứ trên thực tế thì tù nhân ở trại kiểu nào cũng tự biết mình là tù nhân), đến khi ra tòa nhận bản án rồi mới thực sự trở thành phạm nhân; và đã thành phạm nhân rồi thì trước sau gì cũng được chuyển ra các trại lao động khổ sai, nơi đó sẽ được gọi bằng một từ ngữ lịch sự văn minh khác là cải tạo viên! Chế độ xã hội chủ nghĩa “không có tù nhân và trại tù” một phần cũng từ chỗ đó–chỉ có bị can với trại tạm giam, phạm nhân trước tòa án và cải tạo viên trong trại cải tạo! Bị can nào nhận bản cáo trạng buộc tội và thông báo ngày ra tòa thì trăm phần trăm biết rằng sẽ bị kết án tù, chỉ có nặng hoặc nhẹ chứ không có vô tội trắng án. Cái “Tòa án Nhân dân” thực ra chỉ là cái tòa nhà do tiền của nhân dân đổ ra để xây dựng và nuôi cán bộ nhà nước chứ nó hoàn toàn không quan hệ gì đến quyền lợi của nhân dân cả; nó có mặt để phục vụ cho đảng và nhà nước–tội phạm nào có mặt ở tòa thì chẳng qua vì tội phạm đó cố ý đụng tới quyền lợi hay ảnh hưởng cúa nhà nước hoặc vô tình muốn đóng tiền phạt để có thể xây đắp vững chãi thêm cho sự giàu mạnh của nhà nước. Thế nên, phải hiểu rằng, những ngài chánh án hay luật sư làm việc nơi ấy, không làm gì có thì giờ rảnh để nghễu nghện trên bục cao mà xét những vụ vô tội hoặc trắng án! Đã nhận bản cáo trạng tất biết ngày giờ ra tòa, mà đã ra tòa thì tất biết là có phạm tội. Vô tội thì đã có các cán bộ thụ lý lý hồ sơ ở trại giam hoặc các ngài ở viện Kiểm sát cấp địa phương xét hồ sơ và thả ra trước rồi. Nhưng chuyện thả ra này cũng tùy hứng và cũng tùy nơi phần số may mắn hay rủi ro của bị can mà thôi. Ai không phạm tội thì bỗng dưng có một ngày đẹp trời, cán bộ trại giam và viện Kiểm sát rảnh rang và có hứng cảm làm việc, sẽ lục lại hồ sơ cũ thấy còn một xấp vô tội, bèn cho cán bộ mang giấy vào phòng giam, gọi tên trả tự do.

Riêng “bị can” tôi thì chưa xong phần khai cung. Bẵng đi hơn một tháng không thấy cán bộ nào gọi ra ngoài hỏi cung (kể từ đợt làm việc với ông Văn phó trại), tôi đã tưởng chuyện khai cung vậy là xong; nào ngờ, đến đầu tháng 8, tôi bị gọi ra ngoài, khai cung liên tục trong suốt nửa tháng với hai anh cán bộ trẻ, cao hơn tôi chừng một vài tuổi, chẳng biết rõ xuất xứ hay chức vụ. Họ không tự giới thiệu trước họ là ai như những cán bộ trước đây từng làm việc với tôi. Đợt khai cung này khá lạ lùng ở chỗ có tới hai cán bộ cùng lúc ngồi đối mặt với tôi, hết người này tra hỏi lại đến người kia chất vấn. Họ bắt tôi khai lại từ đầu đến duôi những việc mà tôi đã khai cả chục lần với Long và Sơn ở T20 Sài Gòn và ông Văn ở trại này.

Những ngày ấy, bầu trời vần vũ những đám mây xám xịt buồn bã, và cứ một ngày hơi tạnh thì có một ngày khác mưa tầm tã đổ xuống. Có khi anh cán bộ bảo vệ đang dẫn tôi đi nửa đường thì gặp cơn mưa đột ngột trút xuống, cả anh và tôi đều chịu ướt sũng. Có lần ngồi trước cán bộ hỏi cung, tôi run lên cầm cập vì mưa lạnh ướt sũng cả áo quần, thấm vào thịt da, chẳng làm sao nói năng cho rõ ràng mạch lạc. Một anh cán bộ khó chịu, nạt nộ ầm ĩ. Bực quá, tôi nghiêm giọng chỉnh lại:

“Tôi lạnh thì tôi run, làm sao mà trách tôi được. Các anh là cái gì chứ? Chẳng phải các anh ăn lương nhân dân để phục vụ nhân dân như tôi sao? Tôi là nhân dân đây.”

“Nhân dân? Anh vào đây rồi thì còn công dân với nhân dân gì nữa đấy nhỉ?”

“Tội trạng tôi chưa rõ rệt, đang còn điều tra, tôi cũng chưa ra tòa, chưa bị kết án, làm sao nói được là tôi đã mất quyền công dân? Các anh có cái lệnh hay án tòa nào xác định tội trạng của tôi chưa? Mà cho dù tôi có mất quyền công dân trên hiến pháp, tôi vẫn cứ là nhân dân, là con người của đất nước này chứ, phải không? Nếu tôi đã không phải là công dân, cũng chẳng phải nhân dân, vậy thì tôi đâu còn lệ thuộc gì với đất nước xã hội này, các anh lấy quyền hạn gì để xử tôi hả?”

Một anh cán bộ nghe tôi nói vậy thì ngồi im trố mắt ra mà nghe, anh khác thì run cầm cập như bị mắc mưa đứng dậy quát:

“Anh này… anh thật quá đáng đó nghe, anh không có quyền lý sự với chúng tôi đâu. Tôi cùm anh kỷ luật!”

Nói rồi anh đi vội ra ngoài, để tôi và anh cán bộ kia ngồi lại. Có lẽ anh đi qua văn phòng trưởng trại hay văn phòng của một cán bộ có thẩm quyền nào đó. Tôi nghe tiếng anh văng vẳng vọng lại, chữ được chữ mất. Anh cán bộ trẻ còn ngồi lại với tôi, nhún vai, nói:

“Tánh anh ấy hơi nóng, anh hút thuốc không?”

“Không,” tôi đáp rồi ngồi im, cố gắng định tâm để chống cơn lạnh.

Ở đâu đó trên dãy hành lang, tiếng la lối của anh cán bộ nóng tính còn gắng gượng bật lên vài tiếng rồi dịu xuống dần. Có tiếng bàn tán nho nhỏ giống như lời khuyên can. Rồi có tiếng guốc gỗ ngoài hành lang hướng về chỗ tôi ngồi. Phương xuất hiện.

“A, lại anh Khang nữa. Tưởng ai? Chuyện gì vậy anh Khang, ô, áo quần anh ướt hết rồi kìa! Như vậy bệnh chết. Để tôi lấy nước trà nóng, anh đi hả, ờ, vậy anh đi lấy giùm nhé.”

Anh cán bộ ngồi đối diện tôi, ngậm điếu thuốc đứng dậy, bước ra ngoài để đi lấy trà. Phương ngồi xuống một cái ghế trống, nói nhỏ với tôi:

“Anh Khang đừng giận nha, mấy anh này chưa có kinh nghiệm làm việc với tù chính trị…” cô thấp giọng hơn, “đang thực tập mà.”

“Cái gì? Đang thực tập à?” tôi cười nhạt một tiếng, nói tiếp với cô nữ cán bộ vốn cố ý dễ dãi với tôi từ những ngày đầu, “bộ mấy người hết chuyện làm, hết người để thực tập hay sao lại đem tôi ra mà thực tập?”

“Ấy chết, anh Khang đừng nói như vậy mấy ảnh nghe được thì phiền lắm. Không phải thực tập đâu, cũng là điều tra thực đấy chứ, có điều… ý tôi nói là mấy anh này ít kinh nghiệm thôi. Cái vụ của anh Khang phức tạp lắm… sẽ còn nhiều bộ phận khác cao cấp hơn, đến điều tra nữa chứ không phải chỉ mấy anh khi nãy. Anh Khang còn chưa gặp cán bộ bên viện Kiểm sát của tỉnh mà, phải không? Hờ, vậy thì còn lâu lắm. Cho nên anh Khang khai thật một lần cho xong, khỏi dây dưa kéo dài, nhức đầu nhức óc lắm. À, còn chuyện khi nãy anh Tám nói sẽ cùm kỷ luật anh Khang, đó là nóng giận mà nói vậy thôi. Người hiền lành như anh Khang mà ai lại đem cùm kỷ luật bao giờ, phải không?”

Nói rồi cô nhoẻn miệng cười duyên. Tôi ngó lơ chỗ khác. Anh cán bộ khi nãy đem vào một tách trà nóng, đặt trước mặt tôi. Phương đẩy tách trà gần về hướng tôi, nói:

“Anh Khang uống trà cho ấm người đi rồi chốc nữa làm việc với anh Bảo, há.”

Phương đứng dậy, bước ra, nhường chỗ cho Bảo ngồi vào ghế. Chờ tôi uống gần hết tách trà, Bảo bắt đầu làm việc trở lại. Cũng xào tới xào lui mấy câu hỏi về lực lượng Phục quốc và chỗ ẩn náu của ông Lương. Tôi biết là họ thay phiên nhau tra vấn để tìm chỗ sơ hở của tôi mà phanh phui ra thêm những chi tiết chưa được tôi tiết lộ. Và bởi tôi khai rất thành thật về những chuyện tôi đã làm, cũng như tôi không hề biết gì về chỗ ẩn náu của ông Lương, nên chuyện khai tới khai lui của tôi không mấy khó khăn: tôi không cần phải ghi nhớ đợt trước ra sao để đợt sau ăn khớp như những bạn tù khác. Tôi không cần phải cố gắng thành thật hay thành tâm hối cải. Tôi khai trước sau như một, chẳng thêm chẳng bớt. Có điều là khai mãi một sự thật cũng nhàm và mệt mỏi lắm.

Khi tôi bắt đầu quen thuộc với sinh hoạt phòng giam tập thể rồi, dù không cố ý, bỗng dưng tôi lại trở thành một thứ nam châm cuốn hút những anh tù, từ anh giết người đến kẻ ăn cướp, từ anh nghiện xì-ke đến anh tài xế gây tai nạn lưu thông, từ những thanh niên vượt biên đến những ông già chống cộng, từ anh Nghĩa quân Phục quốc đến chàng cựu sĩ quan quân đội Cộng hòa, thậm chí những anh công nhân viên hay cán bộ nhà nước “thối hóa”… Họ đến với tôi không phải để nghe rao giảng về giáo lý–bởi vì không bao giờ tôi mở miệng nói chuyện Phật pháp hay bất kỳ cái kinh nghiệm tu tập nào của tôi; họ cũng không đến với tôi vì thứ quyền lợi vật chất nào cả –vì cho đến lúc này, tôi vẫn chưa được phép liên lạc với bên ngoài để có thăm nuôi. Họ chỉ đến với tôi để kể về chuyện đời của họ, và đặc biệt là kể về nguyên do mà họ phải vào tù. Kể chuyện riêng của mình cho một người tù khác là điều mà nội qui có cấm, nếu một ăng-ten nào đi báo cáo cho quản giáo thì cả người kể lẫn người nghe đều bị kỷ luật, hoặc bị khiển trách. Vậy mà người ta cứ thích kể cho tôi nghe. Có nhiều người không bao giờ hé miệng với bất cứ ai, nhưng lại tìm cơ hội để bộc bạch với tôi, làm như thể tôi có một thứ thẩm quyền nào để thay đổi phần số hay tội trạng của họ vậy. Thực ra, tôi biết, chẳng qua người ta thích nói chuyện với tôi chỉ vì họ cảm thấy tôi là người luôn luôn chú tâm lắng nghe, thông cảm được nỗi đau khổ của họ. Họ thấy yên tâm và thoải mái để bộc bạch nỗi lòng của họ cho tôi như thể trút được những thùng rác dơ xuống lòng sông, hay cất được gánh nặng trên vai xuống đất. Có khi tôi cho họ một vài lời khuyên, có khi tôi không biết nói gì, chỉ im lặng vỗ vai họ. Tôi không có khả năng hoán chuyển vận mệnh của từng thân phận hay của cả định mệnh khốn cùng của quê hương, nhưng tôi nguyện là sông, là đất, lặng lẽ đón nhận và gánh chịu tất cả những oan khiên nghiệp chướng cuộc đời.

Những tù nhân chính trị thì chẳng có gì đáng nói. Họ vào tù vì lý do rõ rệt là không bằng lòng chính sách cai trị độc tài của chế độ này, vì muốn mưu cầu một tương lai xán lạn nào đó cho quê hương. Khi kể lại những hoạt động của họ đưa dẫn đến chuyện vào tù, họ đã kể với một giọng kiêu hãnh, đầy hào khí. Chỉ có mấy anh tù hình sự, tù vượt biên, là thường mang bộ mặt sầu não, hay than thân trách phận. Còn mấy anh cán bộ và công nhân viên nhà nước mà vào tù thì biết ngay là họ phạm phải một trong những tội sau đây: tham nhũng, hối lộ, thâm lạm tài sản của nhà nước… nói cụ thể hơn thì là bán bãi vượt biên, nhận tiền đút lót hoặc tống tiền nhân dân bằng cách làm khó về mặt hành chánh hay khủng bố bằng bạo lực, làm giấy tờ giả, ăn cắp vật liệu của nhà nước… Cán bộ, đảng viên nhà nước vào tù không hề mang mặc cảm phạm tội. Họ không ngần ngại tự khoe mình nắm giữ chức vụ gì, có cơ ngơi nhà cửa vườn tược thế nào trong xã hội; thậm chí còn hãnh diện kể lại những vụ trúng áp-phe, những “mánh mung” lừa đảo mà họ có cao kiến nghĩ ra để thu vét tiền của vào hầu bao không đáy… Chẳng hạn như anh Bính–một công an cấp tỉnh, có liên hệ với giám đốc công an tỉnh Đồng Nai trong các vụ bán bãi vượt biên ở Long Hải, Vũng Tàu v.v… vào tù rồi mà vẫn không ngớt tự hào về những thành tích trấn lột, lường gạt khách vượt biên. Bính còn cho biết sếp của anh, ông giám đốc công an tỉnh, sở dĩ bị đổ bể và bị bắt chẳng qua vì ăn chia không đều với anh em mà bị tố giác. Vụ án này hình như tôi có nghe được lúc còn ở ngoài. Tin đồn (nói là đọc thấy trên báo Nhân Dân) rằng công an trực thuộc bộ Nội vụ từ Hà Nội vào, vây bắt ông giám đốc công an tỉnh Đồng Nai ngay tại tư dinh đồ sộ có lính canh gác, tịch thu cả “tấn” vàng giấu đầy trong vách sau lớp gạch men ngụy trang nơi cái phòng tắm nguy nga hiện đại kiểu Âu-Mỹ; ông giám đốc này cặp với bà vợ bé cũ của cựu Tổng thống Thiệu một thời gian, lo cho bà này đi vượt biên trước (rồi sẽ trốn qua sau để cùng chia sẻ tài lợi thu hoạch được), không ngờ bà này qua được nước ngoài, gởi thư về cám ơn, gởi khắp cơ quan công quyền để gián tiếp tố cáo ngược. Vậy là đổ bể. Hàng chục công an thuộc hạ, trong đó có Bính, cũng bị kết tội đồng lõa. Hầu hết các vụ vượt biên sử dụng các bãi biển thuộc tỉnh Đồng Nai, đều do ông trùm công an này đứng mũi chịu sào cho đàn em tổ chức. Vụ này còn kéo theo cả các ông chủ tịch Ủy ban nhân dân ấp, xã, huyện, tỉnh liên hệ. Bính không những chỉ kể lại tôi nghe, mà còn kể cho nhiều bạn tù khác trong phòng giam. Rõ ràng trong giọng kể của anh có cái vẻ tự hào hiếm có của một người không hề biết liêm sỉ là gì. Dường như anh và các đồng chí của anh, đều “tự nguyện” cho phép mình tin tưởng rằng hễ làm công an cán bộ nhà nước, thì phải có quyền “làm tiền” nhân dân và thụ hưởng tối đa những đặc quyền đặc lợi do tính ưu việt của chủ nghĩa mang đến.

Quả là không ngoa khi nói rằng xã hội Việt Nam ngày nay–xã hội được xưng tụng bằng những ngoa ngôn buồn cười là “trung tâm của nhân loại” hay “đỉnh cao trí tuệ loài người”–được phản ánh rõ ràng qua những tỷ lệ về số lượng, thành phần và tội trạng con người có mặt trong các nhà tù. Những nhân dân thực sự là nhân dân thì vào tù với cái tội phi lý là đã có mặt và đóng góp nghĩa vụ công dân trong chế độ cũ (hàng trăm ngàn sĩ quan và công viên chức chế độ Cộng hòa phải vào các trại tập trung cải tạo từ năm 1975), không cùng chính kiến với chế độ mới, tích cực và trực tiếp “chống lại chính quyền nhân dân”; hoặc tiêu cực và gián tiếp hơn: bất hợp tác với chính thể mới, chấp nhận lìa bỏ quê hương bằng cách trốn đi bằng thuyền nhỏ vượt đại dương, băng rừng già biên giới với hai tay không để đối phó bao hiểm nạn. Trong khi đó, những người ăn lương hưởng lộc nhà nước, có liên hệ ít nhiều với đảng và nhà nước, thì cứ dựa vào ưu thế thắng trận và cầm quyền, hoặc dựa vào cái “chính nghĩa” vì nhân dân, vì đường lối chính sách của đảng, vì cứu cánh xây dựng xã hội chủ nghĩa mà tha hồ giết người, cướp của, hối lộ… Vậy mà hầu hết các mỹ từ nào có trong bách khoa từ điển, đều đã được triệt để sử dụng để tô vẽ, sơn phết từng lớp dày trên cái xã hội “vượt thường,” “siêu việt” ấy!

Sau vụ cải cách ruộng đất ngoài Bắc hậu bán thập niên 1950, đảng Cộng sản thu vét hầu hết tài sản của nhân dân vào tay, không những vậy, còn gây bao tang tóc chết thảm cho hàng triệu người với những tội danh cố tình gán ghép vì tư thù, vì ganh tị, vì muốn tăng phần chính nghĩa cho chính sách bạo ngược phi lý này. Vụ cải cách sai lầm ấy, mấy chục năm qua, đảng vẫn chưa ngỏ một lời nhận lỗi và xin lỗi. Tháng tư năm 1975, đảng may mắn có cơ hội chiếm được trọn miền Nam, con mồi béo bổ mà đảng từng thèm thuồng, nhưng dĩ nhiên là không thể thu vét tài sản nhân dân miền Nam bằng cách tái áp dụng chính sách cải cách ruộng đất từng gây căm phẫn của hai mươi năm trước, bèn nảy ra sáng kiến “đánh tư sản mại bản.” Đồng thời với chiến dịch “bài trừ văn hóa Mỹ-ngụy” nhằm thiêu hủy toàn bộ sách báo của chế độ cũ, chiến dịch đánh tư sản mại bản cũng tiến hành, kéo dài suốt mấy năm cuối thập niên 1970, đẩy thêm hàng triệu người dân miền Nam Việt Nam vào đại dương thực tế cũng như đại dương thống khổ. Có vẻ như là đảng và nhà nước muốn nhân dân khắp nước nhanh chóng trở thành một khối vô sản thực sự để dễ bề thực hiện chính sách cai trị bằng “bánh mì”–nói theo Trung Hoa và Việt Nam thì phải nói là bằng “nồi cơm,” hoặc thích hợp với thực tế hơn nữa là “khoai mì.” Có tài sản là có tội. Có buôn bán là có tội. Vậy là nhà cửa, vườn tược, xe cộ, tiền bạc, máy móc… cho đến vàng và hột xoàn (những thứ mà nhà nước cho là xa xỉ không ích lợi gì cho đời sống nhân dân!) cũng bị nhà nước thâu đoạt hết. Công an cán bộ từng tốp vào nhà từng người dân, bắt khai báo, kiểm kê toàn bộ tài sản. Nghi ngờ dân cất giấu bớt thì họ đào nền nhà, phá rui mè hay trần nhà để tìm kiếm. Ngoại trừ một ít tiền vặt để đi chợ, tất cả đều nộp cho nhà nước. Thậm chí gạo, thức ăn, cũng không được cất chứa nhiều. Cất chứa là đầu cơ, là một hình thức của xã hội tư bản. Nhân dân vô sản trong chủ nghĩa xã hội không cần cất chứa tài sản, lương thực. Việc đó đã có nhà nước lo liệu, đảm trách (vì cán bộ nhà nước đã được huấn luyện tinh thần “chí công vô tư và đạo đức cách mạng cao” để cất giữ và quản lý tất cả giùm cho nhân dân và điều động phân phối tài sản chung đó sao cho công bằng theo giá trị lao động của từng cá nhân!). Vậy là, lịch sử nước nhà lại ghi thêm một thảm họa kinh hoàng đầy máu và nước mắt cho bao lương dân vô tội. Hàng triệu người bị lùa đi các vùng kinh tế mới, bỏ lại nhà cửa vườn tược cho cán bộ nhà nước thụ hưởng, hàng triệu người ồ ạt trốn ra khỏi nước trên những chiếc thuyền con ọp ẹp, hoặc băng rừng sâu vượt biên giới qua Cam-bốt và Thái Lan. Những người không trốn đi được, cũng không muốn đi kinh tế mới (vì biết có đến kinh tế mới cũng đói rét và chết) thì chấp nhận sống lang thang vỉa hè, hoặc trở thành ăn mày, ăn trộm, ăn cướp–đảng viên cán bộ nhà nước cướp nhà cướp của nhân dân trắng trợn giữa ban ngày được thì còn có lý do nào để người dân nhỏ bé từ chối việc ăn trộm những thứ nhỏ bé của kẻ khác! Có câu truyền miệng với nhau rằng: “Thà ăn mày, ăn trộm, ăn cướp chứ không ăn năn.” Ăn năn gì? Ăn năn là đã không chịu tận lực làm ăn mày hay ăn trộm để kiếm gạo về nuôi cha mẹ già và lũ con thơ. Đã có thể nghĩ và nói lên được câu ấy thì đạo đức bấy giờ chỉ còn là một thứ bóng ma vô dụng của lịch sử. Cả nước, từ chính quyền đến nhân dân, đều sống bằng các nghề ăn xin, ăn trộm và ăn cướp. mà tích cực nhất vẫn là đảng và nhà nước: ăn xin các nước tư bản mà mình hằng to miệng đánh đuổi và coi như kẻ thù; ăn trộm của nhân dân bằng các mánh lới tham nhũng hối lộ, áp-phe chia chác; ăn cướp của nhân dân bằng thuế khóa, đấu tố, chiếm đoạt tài sản, độc tài kinh tế và độc quyền tư hữu… Dân nào tủi nhục không muốn hạ mình làm ăn xin hay ăn trộm thì đành chịu chết đói (đã có nhiều gia đình tự sát tập thể, để lại nhà cửa cho nhà nước, chết rồi còn bị tòa án xử phạt vì tội “ngu”), hoặc cũng liều đưa chân đi kinh tế mới, đem sức lao động ra thi thố với núi rừng hoang sơ mà giành lấy miếng ăn. Bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu chính sách đưa ra, đều nhằm củng cố quyền lực và quyền lợi của giai cấp đảng viên và cán bộ nhà nước. Càng đưa ra nhiều chừng nào, đảng và nhà nước càng no đủ, mạnh mẽ hơn lên, và dân càng nghèo đói cùng kiệt thêm. Thậm chí cả những người từng đi theo cách mạng, hoặc thuộc gia đình liệt sĩ có đóng góp xương máu cho cách mạng, nhưng yếu thế quá hoặc không biết chen chân thì cũng lâm vào hoàn cảnh đói khổ có khi còn tệ hại hơn thường dân.

Lượng là tù nhân trẻ nhất trong phòng giam (đâu chừng mười tám tuổi). Lượng đã cùng chào phòng chung một lần với tôi bằng ba câu chuyện tiếu lâm không tức cười vào ngày tôi mới nhập trại B5. Vừa nhận bản cáo trạng của viện Kiểm sát gởi vào, Lượng đã mang đến nhờ tôi đọc giùm ngay. Lượng nói rằng em cũng biết đọc chữ chứ chẳng phải không, nhưng trong bản cáo trạng có nhiều chữ, nhiều câu em không hiểu. Tôi đọc qua một lượt. Hơi rùng mình. Lượng giết người bằng cuốc chĩa. Cuốc chĩa là loại cuốc vừa để xới cỏ, vừa để đào khoai củ dưới đất. Cuốc chĩa không phải loại cào cỏ. Cuốc chĩa có ba hoặc năm răng nhọn, mỗi răng có bề ngang gần hai phân, bề dày khoảng từ ba đến năm ly, chiều dài từ một tấc đến gang tay tùy theo loại lớn nhỏ; khoảng cách giữa các răng khá thưa (đâu chừng ba đến bốn phân) chứ không khít như cây cào cỏ. Lượng dùng cuốc chĩa năm răng, bổ vào đầu một người đàn ông. Lượng kể lại tôi nghe đầu đuôi câu chuyện dù rằng trong bản cáo trạng đã ghi lại khá rõ. Nhưng với giọng kể của Lượng, tôi mới thực sự hiểu được tâm tình và quan niệm sống của em.

Gia đình Lượng quê ở huyện Long Đất. Ba của Lượng đi theo cách mạng, bỏ xác trên Trường Sơn. Mẹ của Lượng sống vậy nuôi hai con, một gái một trai, vừa tiếp tục đóng góp cho cách mạng bằng cách nuôi chứa cán bộ nằm vùng trong hầm nhà. Năm 1975, vừa hồ hởi vẫy cờ đón rước đoàn quân giải phóng xong, chỉ một thời gian ngắn sau đó, chẳng may mẹ của Lượng bệnh chết khi hai chị em hãy còn nhỏ xíu. Chị mười hai tuổi, em tám tuổi. Nhà nước cấp giấy chứng nhận chị em Lượng thuộc gia đình liệt sĩ và đặc trách cán bộ ủy ban nhân dân tại địa phương “nghiên cứu” giúp đỡ. Hai chữ “nghiên cứu” ghi trên các văn bản hành chánh của chế độ cộng sản là một thứ lệnh khá mơ hồ: nó hoàn toàn ủy quyền cho người thi hành giải quyết sự việc theo cảm tính và khả năng của người ấy–và nếu có xảy ra điều gì sai trái lầm lỗi, người ra lệnh chẳng phải chịu trách nhiệm gì, cứ việc đổ thừa cho người thi hành; trong khi đó, người thi hành cũng có thể vịn vào hai chữ “nghiên cứu” để bào chữa với nạn nhân của cái lệnh ấy rằng “chúng tôi chỉ nhận lệnh ở trên, nghiên cứu giải quyết.” Nghiên cứu là thăm dò, tìm hiểu, điều tra chứ có phải là hành vi giúp đỡ có tính cách quyết định đâu. Như vậy, hoàn cảnh của hai chị em Lượng được “nghiên cứu” một thời gian. Hai đứa bé mồ côi được làng xóm láng giềng bảo bọc một thời gian ngắn với lòng tốt vốn bị giới hạn theo mức kinh tế tệ lậu của cả nước trước bậc thềm của “tiến trình nhảy vọt.” Nửa năm sau, sau một vòng từ dưới đề nghị lên trên cứu xét, từ trên ra lệnh bên dưới nghiên cứu, rồi từ dưới lại đệ đơn lên trên xin chứng nhận, rồi từ trên đưa lệnh chứng nhận xuống dưới–từ dưới là từ cấp ấp, từ trên là cấp tỉnh (hay trung ương Hà Nội); có nghĩa là phải đi bốn chặng đường xuôi ngược: ấp, xã, huyện, tỉnh… tỉnh, huyện, xã, ấp–hai chị em Lượng mới được nhận giấy chứng nhận là thuộc “gia đình liệt sĩ.” Nhờ cái giấy chứng nhận ấy, mỗi tháng hai chị em có được mấy trăm bạc và tiêu chuẩn gạo mắm để sống cầm hơi. Nhưng hẳn nhiên là không đủ. Trên thực tế, tem phiếu hay tiền thưởng của nhà nước cấp cho cũng có tính cách tượng trưng như là cái bằng liệt sĩ treo trên vách. Liên, chị của Lượng, bấy giờ mới được mười ba tuổi, phải đóng vai một người mẹ trẻ nuôi đứa em trai chín tuổi. Hai chị em bắt chước hàng xóm trồng khoai, trồng bắp trong mảnh vườn nhỏ do cha mẹ để lại. Những người hàng xóm tương đối tốt bụng bây giờ không nhìn ngó đến hai chị em Liên-Lượng nữa, vì cho rằng chúng thuộc gia đình liệt sĩ đã có nhà nước lo đầy đủ rồi. Vậy rồi, theo luật tự nhiên trời sinh voi sinh cỏ, người ta sống được thì hai chị em cũng lây lất sống được qua ngày. Cho đến các năm 1978-79, cả nước lâm vào cảnh đói rét, phần gạo khoai cầm hơi do nhà nước cấp dưỡng cho hai chị em bị giảm xuống, mùa màng lại bị thất thu, hai chị em bị thiếu ăn, buổi tối phải đi trộm khoai bắp của vườn rẫy của người khác. Ăn trộm liên tục từ tháng này qua tháng nọ để sống. Ăn trộm mãi mà chỉ bị nghi ngờ chứ chưa bị phát hiện, hai chị em cứ tiếp tục vừa tự lo sản xuất ban ngày, vừa đi trộm thêm ban đêm, quen thành thói tật, không chừa bỏ được. Năm 1981, tức là cách nay bốn năm, vào một đêm tối mịt, hai chị em chia nhau, chị đào trộm khoai lang ở rẫy này, em nhổ trộm khoai mì ở rẫy khác. Liên đang lui hui bới đất bẻ khoai (nghĩa là chỉ đào bên hông vồng khoai, bẻ lấy củ chứ không động đến giây lá trên mặt đất–làm vậy, chủ nhân miếng vườn sẽ không phát giác được là đã bị trộm) thì một bóng người to lớn từ đâu nhảy bổ đến, cầm đòn gánh quất túi bụi vào đầu vào cổ. Liên không chuẩn bị trước nên chẳng làm sao mà chạy được, chỉ biết nằm lăn trên đất mà chịu đòn, rồi vì đau và sợ chết quá, Liên mới gắng la to kêu cứu: “Lượng ơi, Lượng… cứu chị!” Lượng từ một rẫy khoai mì gần đó, vội vàng xách cuốc chĩa nhắm hướng có tiếng la của chị mà chạy đến. Thấy ông Bảy, một người bộ đội phục viên trong xóm, đang mạnh tay phang đòn gánh một cách chẳng nương tay xuống thân người mềm nhũn của chị dưới đất, Lượng không còn kịp suy nghĩ gì nữa, vung cuốc chĩa, bổ vào đầu ông ấy. Ông loạng choạng chút rồi ngã quỵ xuống đất, máu phun thành vòi từ sau gáy và khoảng vai cổ. Lượng bỏ mặc ông ấy, lo dìu chị về nhà. Hàng xóm lúc đó mới túa ra, phát giác ông Bảy nằm dưới đất, lại phát giác hai chị em Lượng mặt mày xanh lét với cây cuốc chĩa còn dính máu. Cả ông Bảy và Liên đều được y tá của địa phương lo cứu chữa băng bó trong khi chờ đợi người ta đi gọi xe cấp cứu của bệnh viện huyện. Liên thì bị mấy chục vết bầm tím từ vai đến chân. Ông Bảy bị ba răng nhọn của cuốc chĩa phạm vào sau ót, cổ và vai, hai lưỡi còn lại cắm vào phần lưng. Bác sĩ nói, may mà Lượng chỉ là một thiếu niên 14 tuổi, ốm tong teo, không đủ sức vung mạnh cây cuốc chĩa khá nặng ở đầu lưỡi, chứ không thì ông Bảy chết ngay lập tức, không thể cứu được như bây giờ. Ủy ban nhân dân và công an địa phương đến giải quyết sự vụ bằng cách giải hòa gia đình nạn nhân của hai bên mà theo họ, đều có công với cách mạng, đều là người nhà với nhau cả. Ông Bảy im lặng bỏ qua, nhưng bốn năm sau ông chết vì vết thương ở sọ não. Vợ ông truy tố hai chị em Lượng ra tòa. Tội ăn trộm được bỏ qua, nhưng tội giết người thì phải lãnh. Lượng đi tù một mình.

Vụ án của Lượng lại gợi tôi nhớ đến chuyện tôi được nghe kể lúc còn ở vùng kinh tế mới Bàu Cạn. Các thanh niên xã này kể rằng vào năm 1978, toàn quốc thiếu lương thực vì mùa màng bị thất thu (thực ra đó là nói theo lối giải thích đổ thừa và chạy tội của nhà nước thay vì nói thực là do những sai lầm liên tục của nhà nước trong các kế hoạch phát triển kinh tế để chuẩn bị cho “bước nhảy vọt” đến thiên đường cộng sản); dân các tỉnh, từ đô thị đến thôn quê, đều lâm vào cảnh đói, huống gì dân ở các vùng kinh tế mới–là những nơi lưu đày khốn khổ và đói nghèo hạng nhì (sau nhà tù) trên đất nước. Dân kinh tế mới là những người bị bắt buộc phải nghèo đói một cách trắng trợn qua sự hăm dọa, khủng bố, hoặc khuyến dụ của nhà nước, bỏ lại nhà cửa vườn tược đã ổn định từ lâu của mình để nhà nước trưng dụng phân phát cho cán bộ đảng viên, chân ướt chân ráo đến định cư và tranh thủ sống còn trước cái hùng vĩ ma quái của thiên nhiên nơi những vùng ma thiêng nước độc, sơn lam chướng khí. Tại đây, họ được cấp một số lượng gạo rất khiêm nhường theo mỗi đầu người (trẻ em 6 kí lô, người lớn 12 kí lô một tháng) trong vòng sáu tháng để ra công khai phá rừng già mà lập vườn rẫy sản xuất. Tiêu chuẩn gạo như thế kể ra đã thật là quá ép, vì trên thực tế, một người lao động nặng cần phải có ít nhất mỗi ngày một kí gạo, vị chi một tháng phải có 30 kí mới gọi là đủ; nếu vì tiết kiệm phải độn thêm khoai hay sắn khô trong nồi cơm thì cũng phải có khoảng 20 kí gạo và 10 kí khoai khô. Vậy mà nhà nước cứ việc tính thẳng là 12 kí mỗi đầu người, ai thiếu ráng chịu! “Ráng chịu” với nghĩa đen là phải chịu nhịn đói thực sự, chứ không biết đào đâu ra số lượng thực phẩm thiếu hụt (ngoại trừ phải đi ăn trộm, ăn cướp; nhưng cả vùng kinh tế mới đều đói thiếu như nhau thì ai trộm của ai, ai cướp của ai?). Sau thời hạn sáu tháng tằn tiện khoai bắp trừ bữa để trồng tỉa hoa màu lúa má, dân kinh tế mới phải hoàn toàn tự túc, có nghĩa là sống bằng mảnh đất mảnh vườn của họ; trồng được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu, thiếu thì nhịn, còn nếu lao động tích cực đến nỗi thu hoạch quá dư thì bị bắt đóng thuế hoặc phải bán bớt cho nhà nước với giá thật rẻ mà nhà nước qui định. Trong hoàn cảnh tách biệt với đô thị và các vùng dân cư khác, dân kinh tế mới Bàu Cạn không còn con đường nào khác hơn là phải nỗ lực ngày đêm vào việc sản xuất để tạo được một nền kinh tế tự túc ổn định, không phải nhờ cậy đến các địa phương khác. Vậy mà vào năm 1978, khi cả nước lâm vào nạn đói, dân kinh tế mới Bàu Cạn cũng không khỏi bị lây họa, nhất là một số gia đình mới dọn đến, còn nằm trong thời hạn sáu tháng được nhà nước cấp gạo tiêu chuẩn. Gạo cấp cho những gia đình này tự dưng bị cúp ngang, hỏi đến thì cán bộ đổ thừa cho “ở trên” không đưa gạo xuống thì có đâu mà phát. Hợp tác xã chuyên bán và đổi gạo lấy khoai bắp của dân kinh tế mới cũng đóng cửa vì không có gạo ngoài huyện đưa vào, phần khác vì sợ dân đói làm liều nên tránh mặt luôn. Vậy là đói. Người lớn nhịn ăn nhường cho trẻ em. Nhịn được vài ngày thì cả nhà nhịn. Rồi cả xóm nhịn. Trẻ em, người già, chết như rạ. Không thể ngồi im chịu chết, dân Bàu Cạn rủ nhau đi ăn trộm. Ban đầu đi vài người, sau thành cả tập đoàn đông đảo. Ban đầu đi ăn trộm vào ban đêm, sau trở thành ăn cướp vào ban ngày. Họ lên đường từ sáng sớm, mỗi người tay cầm cuốc hay rựa, tay mang bao bị, đi sang các xã lân cận (tức những xã không thuộc vùng kinh tế mới). Trên đường đi, thấy ruộng lúa sắp gặt hoặc đang gặt thì xúm lại cắt lúa, gặp rẫy khoai thì tụm lại đào khoai, bất kể chủ nhân ruộng vườn ấy là ai. Các vị chủ nhân thấy đoàn người đói rách liều mạng này tự tiện “thu hoạch” hoa mầu của mình cũng không dám nói năng chửi bới gì. Họ chỉ nói đôi lời nhỏ nhẹ, xin lại một ít để ăn thì may ra được yên thân và còn giữ lại lương thực cho vài ngày sau. Một vài vụ ấu đả, xảy ra án mạng chỉ vì chủ nhân các ruộng rẫy cố sức kháng cự để bảo vệ quyền lợi của mình. Sự kháng cự trong trường hợp này là vô ích vì đoàn người đói không sợ bất kỳ một trở lực nào, ngay cả chính quyền địa phương gồm công an, du kích, cán bộ các cấp. Ruộng vườn của cán bộ nhà nước cũng bị xâm phạm công khai mà không ai dám lên tiếng, chỉ vờ làm lơ hoặc đóng cửa cài then, trốn trong nhà. Họ kiếm lương thực bằng cách đó trong vòng mấy tháng, mỗi ngày xách bị cầm cuốc, kêu réo nhau tập họp thành đoàn mà đi. Càng lúc càng phải đi xa hơn, nhưng họ không nệ hà gì: họ phải giải quyết cái đói của họ và của bầy con nheo nhóc ở nhà. Họ nói lúc ấy họ sẵn sàng giết người, nhất là những cán bộ nhà nước giàu có nếu những cán bộ này cản trở việc ăn cướp hoặc có ý bắt bớ họ. Họ tin tưởng rằng họ hành động như vậy là đúng, chẳng có gì sai trái. Quá đói và sẽ đói đến chết. Đó là lý do chính đáng để ăn cướp, giết người. Xin thì không ai cho. Trộm vặt thì bị bắt và bị đánh đập, bắt giam. Đành ăn cướp tập thể. Họ làm vậy và kể lại tôi nghe một cách tự nhiên, không xấu hổ. Tôi từng khuyên họ đừng trộm cắp, nhưng cũng chỉ biết cười trừ với lý do trộm cướp của họ. Quả là trong trường hợp này, người ta bảo “chân lý nằm trong bao tử” không phải là quá đáng.

Nghiệm câu chuyện của Lượng và câu chuyện đói của dân kinh tế mới Bàu Cạn, tôi vừa lạnh mình nghĩ đến sự tàn bạo của con người, vừa thương cảm cho những nạn nhân của một xã hội đói nghèo cả thực phẩm lẫn đạo đức lương tri. Một khi giá trị lao động và vật chất được đề cao như là nền tảng của cuộc sống và tiến bộ xã hội thì hệ quả tất nhiên là mọi giá trị đạo đức tinh thần bị xếp vào hàng thứ yếu nếu không nói là không cần thiết. Xã hội từ đó như một người bệnh phung, mất dần từng phần thân thể trước khi bị hủy hoại hoàn toàn. Tôi đã không thể trách người dân Bàu Cạn, thì cũng không thể trách ông Bảy, không thể trách chị em Lượng. Họ đều là nạn nhân của một cơn bệnh, một hệ thống hay một quan niệm sống của xã hội hiện tại. Tâm tình người dân quê nước tôi xưa nay đâu có tiếp xử với nhau tàn bạo và thiếu tình cảm như vậy. Nhưng điều đáng e ngại nhất vẫn là con người trong xã hội ấy, như đã nói ở trước, không hề mang chút mặc cảm phạm tội nào sau khi đã gây tội ác. Cách người dân Bàu Cạn, nhất là cách mà Lượng kể chuyện tôi nghe chẳng khác gì Bính công an: không hề nghĩ rằng mình đã làm một điều gì tội lỗi, và không hề đếm xỉa gì đến tâm tình và hoàn cảnh của nạn nhân phía kia. Lượng nói:

“Tại vì ông Bảy là bộ đội phục viên, cũng gia đình cách mạng, chứ không thôi đâu làm gì được em. Em gia đình liệt sĩ mà!”

Rõ ràng là trong sự đói khổ, khốn cùng, Lượng hay Bính công an đều còn bám vào niềm tự hào mình là “dân cách mạng” để ngước mặt mà sống. Và dân cách mạng thì có quyền thụ hưởng các ưu tiên về địa vị và lợi dưỡng của xã hội, có quyền gây tội ác, có quyền nhoi người lên đạp đầu đám dân hèn đói rét bất lực mà sống còn. “Sống chết mặc bây,” là quan niệm sống thật đơn giản của cái gọi là “hiện thực xã hội chủ nghĩa.”

Tôi ngao ngán buồn bã rút về góc phòng, ngồi im một lúc. Đất nước tôi đang lún dần vào một cái vực lầy tưởng chừng không lối thoát. Tôi từng chấp nhận hoàn cảnh tù đày để làm một cuộc cách mạng tự tâm, nhưng tự dưng bây giờ, tôi lại thấy nôn nả bồn chồn, muốn vượt thoát khỏi trại giam này, xông ra ngoài tiếp tục con đường cứu nguy cho dân tộc. Không thể bó tay ngồi im như vậy được. Tôi phải được tự do! Tôi phải ra khỏi nhà tù này!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]