Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

E. Phạm Vi Của Hành Ấm

23/11/201217:05(Xem: 12511)
E. Phạm Vi Của Hành Ấm

Tây Tạng Tự - Bình Dương

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM TÔNG THÔNG
Người dịch: Thubten Osall Lama - Nhẫn Tế Thiền Sư

 

PHẦN THỨ HAI: PHẦN CHÁNH TÔNG

CHƯƠNG V:PHÂN BIỆT CÁC NGHIỆP QUẢ TẠO THÀNH TAM GIỚI. CHỈ RÕ CÁC CẢNH GIỚI TU CHỨNG VÀ CÁC CHƯỚNG NGẠI

 

VII. PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA

E. PHẠM VI CỦA HÀNH ẤM

Kinh: “Anan, thiện nam tử kia, tu Tam Ma Đề, khi Tưởng Ấm hết rồi thì những mộng tưởng bình thường của người ấy tiêu diệt. Thức, ngủ là một, tánh Giác Minh rỗng lặng như hư không trong trẻo, không còn những sự tướng tiền trần thô trọng. Xem những núi sông, đất liền của thế gian như gương soi sáng, đến không chỗ dính, đi không dấu vết, rỗng thọ chiếu ứng, rõ ràng không còn các tập khí, chỉ thuần một tính Tinh Chân.

“Căn nguyên của Sanh Diệt từ đó phơi lộ ra, thấy được mười hai loài chúng sanh mười phương, rõ hết các loài. Tuy chưa thông suốt manh mối của mỗi chúng sanh nhưng đã thấy cái cơ sở sanh diệt chung, giống như bóng dã mã, vùn vụt lăng xăng sơ tượng hiện ra, làm cái then chốt phát sanh của Phù căn trần. Đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.

“Nếu cái nguồn gốc của những chớp nhoáng lăng xăng đó nhập vào tánh lặng trong bản lai, những tập khí nguồn gốc lặng trong thành một phiến, như sóng mòi diệt hóa thành nước đứng, thì gọi là Hành Ấm hết. Người đó liền vượt khỏi Chúng Sanh Trược. Xét lại nguyên do, cội gốc là Vọng Tưởng u ẩn.

“Anan, ông nên biết rằng các thiện nam tử được sự Chánh Tri trong Tam Ma Đề thì Chánh Tâm đứng lặng sáng suốt, mười loài Thiên Ma không còn được dịp khuấy phá, mới được cứu xét cùng tột cái cội gốc sanh loại. Nơi cái cội gốc sanh loại, nguồn gốc sự sống bày lộ ra. Xét cái cội nguồn máy động lăng xăng tròn khắp giản phác u ẩn kia ở trong Tánh vốn toàn vẹn lại mống tâm so đo suy diễn, thì người đó rơi lọt vào hai thứ luận Vô Nhân.

“Một là, người đó thấy cái gốc vốn không có Nhân. Vì sao thế? Người đó đã phá lộ hoàn toàn được cơ quan của Sanh Diệt, nương theo tám trăm công đức của Nhãn Căn, thấy được trong tám muôn kiếp tất cả chúng sanh đều do dòng nghiệp lực mà xoay vần, chết đây sanh kia. Chỉ thấy chúng sanh luân hồi trong đó, ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không thấy gì, bèn khởi tâm suy diễn rằng những loài chúng sanh mười phương trong thế gian này trước tám vạn kiếp không có Nhân, mà tự có. Do sự suy diễn này, bỏ mất Chánh Biến Tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm Tánh Bồ Đề.

“Hai là, người đó thấy cái ngọn không có Nhân. Vì sao thế? Người đó nơi sự Sanh Diệt đã thấy cội gốc, biết rằng người sanh người, rõ chim sanh chim, quạ xưa nay đen, hộc xưa nay trắng, người, trời thì thân đứng, súc sanh thì thân ngang, màu trắng không phải do tẩy mà thành, màu đen chẳng phải do nhuộm mà ra. Suốt tám muôn kiếp không hề dời đổi, sống hết đời này cũng lại vẫn vậy, mà mình xưa nay chẳng thấy Bồ Đề, làm sao có chuyện thành tựu Bồ Đề, rồi cho rằng tất cả sự vật ngày nay đều vốn không có Nhân.

“Do so đo suy diễn như vậy, bỏ mất Chánh Biến Tri, rơi lạc vào ngoại đạo, mê lầm Tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Nhất, lập ra luận Vô Nhân.

Thông rằng: Tưởng Ấm chưa hết thì khi thức bám lấy hình tướng, khi ngủ thành ra mộng mị, bởi thế đuổi theo bóng dáng tiền trần thô trọng. Tưởng Ấm đã hết, bên trong giữ lấy sự yên tĩnh, vắng vẻ, thức ngủ là một, sự giác minh rỗng lặng như gương soi sáng, tuy không có dấu vết tới lui, vẫn còn có bóng dáng quang minh, vẫn còn là việc bên phía pháp trần. Trước đây, tiền trần ám che quấy nhiễu, chỉ tùy sanh diệt mà trôi lăn, chẳng thấy cái gốc nguồn, nay đã rỗng thọ chiếu ứng, chỉ thuần một tính Tinh Chân, Sanh diệt đã dừng, do đó mà cái căn nguyên hiển lộ, thấy được cái cơ sở Sanh Diệt chung, miên miên mật mật, đổi dời vi tế, ấy là sóng lăn tăn mà không gió. Dã mã là bụi lăng xăng, vùn vụt là chớp nhoáng vậy. Hành Ấm vi tế giống như bụi lăng xăng khi mặt trời chiếu qua khe cửa. Vùn vụt chớp nhoáng thì rõ là không có tướng trụ, chợt sanh chợt diệt, không còn ảnh tướng nặng nề nên gọi là lăng xăng sơ tượng (thanh nhiễu). Bốn Đại, cái lăng xăng sơ tượng là căn nguyên của phù căn tứ trần, thể của nó vốn không, là cái then chốt phát sanh, thật là ở chỗ này. Dính che tánh lặng trong mà phát khởi, thì có sáu Căn. Từ người, trời cho đến trùng, kiến, không loài nào không có bốn Đại, sáu Căn, nên cái lăng xăng sơ tượng của bốn Đại là cơ sở Sanh Diệt chung của mười hai loài chúng sanh. Đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.

Nếu thông đạt được biệt tướng thì có thể thấy mối manh của chúng sanh, Huệ Phước chẳng đồng đều vì do nhiều đời tích tập chủng tử mà phát hiện ra. Đó thuộc về phía Thức Ấm, cho nên mới đến Hành Ấm thì không có lăng xăng, nên nói là nguyên tánh. Cái chỗ không thể không bị nhiễu loạn ấy là do tập khí nhiều đời vậy, nên gọi là tập khí nguồn gốc. Tập khí không thể làm lặng đứng tập khí, chỉ có tánh về nguồn thì có thể lắng trong, dùng cái tánh lắng trong mà lắng đứng tập khí nguồn gốc thì sự trôi lăn dứt hết, như không có gió thì sóng lăn tăn diệt, liền hóa thành nước đứng vậy. Nước đứng yên cho đến chỗ lắng trong chẳng chao động thì gọi là Hành Ấm hết, người ấy liền siêu việt Chúng Sanh Trược.

Chúng Sanh Trược nghĩa là sanh diệt chẳng dừng, dòng nghiệp thường trôi dời. Nay cái chẳng dừng đã dừng, chỗ thường trôi dời ấy chẳng trôi dời nữa, hầu như vào Diệt Tận Định, nên là siêu việt. Nhưng Hành Ấm âm thầm dời đổi, chưa từng là Giác Ngộ, lấy cái Vọng Tưởng u ẩn làm gốc. Ở chỗ u nhàn ẩn mật mà phá trừ được, chẳng phải là người triệt ngộ thì không thể làm nổi. Người đó thức ngủ là một, đó là được Chánh Tri, cũng như ở trước, Động tĩnh chẳng dời, nhớ quên như một, trụ ngay chỗ ấy mà vào Tam Ma Đề, cùng một đường mạch. Dùng đó làm tầng bậc phát ngộ thì nên, còn nắm giữ mà cho là thật chứng thì không nên.

Bởi thế, Tưởng Ấm hết thì chánh tâm lặng sáng, các tà lự tự chúng không từ đâu mà sanh, ắt mười loại Thiên Ma cũng không có cơ duyên gì để vào. Thiên Ma chưa từng rời tà tưởng mà hiện được thần biến, nay Tưởng Ấm hết sạch, xem xét thấy cái cội nguồn lay động u ẩn giản phác là đã vào cõi trời Vô Tưởng vậy. Thiên Ma của sáu cõi trời Dục Giới chẳng thể trộm thấy được.

U ẩn giản phác là vốn không có chỗ động. Lăng xăng tròn khắp là động mà chưa từng động vậy, nên gọi là cội nguồn máy động. Cái cội nguồn máy động tuy là tròn khắp mà chẳng là sanh diệt, nên ở đây mà suy diễn thì đều là ở trong sanh diệt mà suy diễn ra sự Vô Nhân vậy.

Một là, thấy cái gốc vốn không có Nhân, chẳng ngộ được nghiệp duyên thiện ác là duy Thức tạo ra. Chỉ bằng vào cái sanh tướng tạm thời không có mà cái Hành Ấm trôi chảy chẳng ngừng, ở trong Định này phát ra Túc Mạng Thông, thấy trong tám vạn kiếp chúng sanh luân hồi như chiếc vòng không có đầu mối, bèn cho chúng sanh là không có Nhân, tự nhiên mà có. Ngoài tám vạn kiếp mờ mịt không thấy gì, nên chẳng biết Bồ Đề là Chánh Nhân vậy.

Hai là, thấy cái ngọn không có Nhân, chẳng ngộ được nghiệp quả thiện ác là do Tâm chiêu cảm. Chỉ cậy vào sức thần thông có thể thấy sau tám vạn kiếp, mà cái tướng chưa dời đổi của nghiệp quả lâu dài, bèn cho rằng người, vật, đen, trắng, dọc, ngang xưa nay như vậy, chẳng phải do tu mà được, nên không biết Bồ Đề là cực quả.

Mê lầm tánh Bồ Đề thì chẳng gọi là Chánh Tri. Chỉ biết trước sau tám vạn kiếp thì chẳng gọi là Biến Tri. Ngoại đạo Mạt Già Lê nói rằng khổ vui của chúng sanh không do hành vi mà được, đều tự nhiên như vậy, chính là kiến giải này. Hai cái thuyết Vô Nhân này chỉ thấy đến chỗ Thức Thứ Bảy không có gốc, nên sự truyền tống vào Thức Thứ Tám tạm ngừng mà sanh ra sự so đo này. Vì Thức Thứ Bảy bên trong chỉ nương theo Thức Thứ Tám, sanh mà không có gốc, nên cho là gốc vốn không Nhân. Vì Thức Thứ Bảy bên ngoài chỉ nương theo Thức Thứ Sáu, nên cho là vô dụng, bèn bảo là ngọn không có Nhân. Chỉ thấy sự trôi chảy không ngừng của Thức Thứ Bảy, bèn cho rằng tự nhiên như vậy.

Thầy Kính Thanh hỏi Tổ Linh Vân: “Hỗn độn chưa phân thì thế nào?”

Tổ Vân nói: “Cây lộ trụ mang thai!”

Thầy Thanh: “Phân rồi thì thế nào?”

Tổ Vân nói: “Như điểm mây trong bầu trời”.

Thầy Thanh: “Thế thì bầu trời có bị chấm không?”

Tổ Vân không đáp.

Thầy Thanh rằng: “Như thế thì cả hàm linh chẳng có đến vậy?”

Tổ Vân cũng không đáp.

Thầy Thanh: “Ngay đây được ròng trong không một điểm thì thế nào?”

Tổ Vân nói: “Vẫn còn là cái chân thường trôi chảy”.

Thầy Thanh: “Như sao là chân thường trôi chảy”.

Tổ Vân: “Tương tự gương thường sáng”.

Thầy Thanh: “Hướng thượng lại có việc gì chăng?”

Tổ Vân: “Có”.

Thầy Thanh: “Như sao là việc hướng thượng?”

Tổ Vân : “Đập vỡ gương rồi; cùng ông tương kiến!”

Ngài Thiên Đồng nêu ra rằng: “Phân với chưa phân: khung cửi ngọc ban đêm động. Điểm với chẳng điểm: thoi vàng trong tối vất. Dầu là một sắc vàng ròng trong, chưa được mười phần yên ổn. Hãy nói đập vỡ gương rồi hướng về đâu tương kiến? Có hiểu chăng?

“Thỏ ngọc mất rồi trời thu sáng

Nước trong rồng thoát cốt tức thời”.

Cái chân thường trôi chảy nhặt nhiệm này vừa vặn phù hợp với Hành Ấm, Tương tự gương thường sáng, cũng là Gương soi sáng của Kinh không khác. Nếu đập vỡ gương đi mà tương kiến, như rồng nơi nước trong thoát cốt mà ra thì chuyển ngay thành Trí vậy. Đâu phải chỉ phá Hành Ấm mà thôi ư?

Kinh: “Anan, trong Tam Ma Đề đó, các thiện nam tử chánh tâm lặng trong, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong Tánh Viên Thường lại khởi lên so tính thì người ấy sa vào bốn cái Luận Biến Thường.

“Một là, người ấy xét cùng tánh của Tâm Cảnh, cả hai đều không có Nhân. Tu tập biết được trong hai vạn kiếp mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều là xoay vần, chưa hề tan mất, nên chấp đó là Thường.

“Hai là, người ấy xét cùng nguồn gốc tứ Đại, thấy bốn Đại thường trụ. Tu tập biết được trong bốn vạn kiếp, mười phương chúng sanh, chỗ có sanh diệt đều nằm trong bản thể thường hằng, chưa hề tan mất, nên chấp đó là Thường.

“Ba là, người ấy xét cùng sáu Căn, trong Tâm, Ý và Thức của Mạt Na Thức chấp thọ thì thấy cái gốc gác nguyên do tánh vẫn thường hằng. Tu tập biết được trong tám vạn kiếp, tất cả chúng sanh xoay vần chẳng mất, bản lai thường trụ. Xét cùng cái tánh chẳng mất đó, chấp ấy là Thường.

“Bốn là, người ấy đã hết Tưởng Ấm, cái lẽ sanh diệt không còn, sự trôi chuyển dừng lặng, tâm tưởng sanh diệt nay đã vĩnh viễn diệt dứt. Trong lý tự nhiên thành ra cái chẳng sanh diệt. Do tâm so tính mà chấp đó là Thường.

“Do những sự Chấp Thường ấy, bỏ mất Chánh Biến Tri, sa vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Hai, lập ra những luận Viên Thường.

Thông rằng: Lập ra luận Vô Nhân là vì thấy Đoạn, lập ra luận Viên Thường là do thấy Thường. Suy ra Cũng Đoạn cũng Thường, chẳng phải Đoạn, chẳng phải Thường đều không ra khỏi tà kiến Đoạn-Thường. Cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại cho đến cội nguồn máy động thì thấy nó hư rỗng mà càng phát ra, động mà chẳng cùng, bèn chấp là Thường. Từ rộng đến hẹp, từ thô đến tinh, đại khái có thứ lớp : Một là, thông đạt rằng năm Ấm, bốn Đại, Tâm Cảnh cả hai đều không có Nhân mà tự có, tuần hoàn chẳng mất. Hai là, chỉ thấy cái tánh của bốn Đại thanh tịnh, có thể thành cái Sắc Ấm của chúng sanh, thể thường bất biến. Ba là, chỉ thấy Tâm Thức, sáu Căn nương vào Thức Thứ Bảy Mạt Na, chấp thọ là Tâm, chấp thọ là Ý, chấp thọ là Thức. Bổn nguyên của các thứ này là Hành Ấm. Chúng sanh tuy có tuần hoàn mà Hành Ấm chẳng mất, thì cái Thức Thứ Bảy này là tánh thường trụ. Như nhìn nước chảy xiết mà cho là đứng yên. Đây chính là Vô thủy đến nay, nguồn sanh tử. Người si lại gọi Bổn Lai Nhân.

Bốn là, nhận lầm Hành Ấm là lý Tự Nhiên, cho rằng cái tâm tưởng sanh diệt đã diệt hết, thì chỗ diệt dứt vĩnh viễn đó tự nhiên thành cái chẳng sanh diệt. Vậy là ở trong sanh diệt mà chấp là chẳng sanh diệt. Ví như thấy hư không bèn cho là Thường Trụ, chẳng biết hư không cũng có thể diệt. Lại nữa, nhân nơi tâm mà so tính cho là thường, thì chẳng thể so sánh với cái thấy chân thật cái Thường vậy.

Bốn cái chấp này còn chưa thấy được sự trôi chảy thường hằng của Thức Thứ Tám, huống là chuyển Thức để thấy Tánh Bồ Đề ư?

Thầy Thụy Nham hỏi Tổ Nham Đầu: “Như sao là lý bổn thường?”

Tổ Đầu nói: “Động”.

Thầy Nham: “Khi động thì sao?”

Tổ Đầu: “Chẳng thấy lý bổn thường!”

Thầy Nham dừng lại suy nghĩ.

Tổ Đầu nói: “Chịu thì chẳng thoát căn trần. Không chịu thì mãi chìm sanh tử”.

Thầy Nham lễ bái.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Viên châu (ngọc) chẳng xoi lỗ

Ngọc khối chẳng phải mài

Đạo nhân vốn quý không góc cạnh

Khẳng định vất đi, căn trần không

Thoát thể vô y, đời tự tại”.

Đây là chỗ xưa nay thường trụ, thấy cái cực chân. Một chữ Khẳng [Chịu] còn vất bỏ đi, huống là so đo chấp thọ Thần Ngã để sa vào hang tối Viên Thường, rốt rồi chìm đắm, há có thể Thường được ư?

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề, các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại khởi tâm so tính ra cái Ta và cái khác Ta, thì người ấy sa vào bốn Kiến Chấp điên đảo, là những luận Một phần Vô Thường, một phần Thường.

“Một là, người ấy xét thấy cái tâm diệu minh lặng nhiên khắp mười phương cõi, cho là Thần Ngã rốt ráo. Từ đó suy diễn rằng Ta khắp cả mười phương, lặng sáng chẳng động, còn tất cả chúng sanh, ở trong tâm Ta tự sanh tự chết. Vậy thì tâm tánh của Ta gọi là Thường, còn các thứ sanh diệt kia là tánh Vô Thường.

“Hai là, người ấy không xét xem cái tâm, lại xét xem khắp mười phương hằng sa cõi nước, thấy chỗ kiếp hoại thì cho là chủng tánh rốt ráo Vô Thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại thì gọi là rốt ráo Thường.

“Ba là, người ấy xét xem riêng cái Tâm mình, thấy nó tinh tế nhỏ nhiệm giống như vi trần, lưu chuyển mười phương, tính không dời đổi. Có thể khiến thân này liền sanh liền diệt. Cho cái tánh chẳng hoại đó là tính Thường của mình, còn tất cả sự sanh tử từ tánh ấy sanh ra thì gọi là tánh Vô Thường.

“Bốn là, người ấy biết Tưởng Ấm hết, thấy dòng Hành Ấm, chấp rằng sự trôi chuyển không ngừng của Hành Ấm là tánh Thường, còn Sắc, Thọ, Tưởng nay đã diệt hết thì cho là Vô Thường.

“Do sự so tính Một phần Vô Thường, một phần Thường đó mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Ba, lập ra những luận Một Phần Thường.

Thông rằng: Đây là kiến chấp Cũng Thường, cũng Vô Thường vậy. Cái Tâm vốn diệu minh, khắp cả mười phương cõi chưa từng chẳng phải, chỉ vì chấp đó là Thần Ngã thì liền chẳng phải vậy. Riêng chấp đó là Ngã, chính là cái Ý Thức chấp thọ vào Mạt Na Thức, tuy nói là lặng sáng chẳng động mà thật ra trong đó trôi chảy nhỏ nhiệm, ấy là chủng tử sanh diệt lại chẳng tự hay biết. Đã lấy cái tâm tánh tạm thời chẳng động mà cho là Thường, lại lấy sự sanh diệt của tất cả chúng sanh mà cho là Tánh Vô Thường, bèn cái cùng khắp mười phương ấy hóa ra có hai cái Ngã, há chẳng điên đảo ư?

Không luận Tâm Tánh, chỉ luận về cõi nước, thì Tam Thiền trở xuống còn chịu Tam Tai nên cho là Vô Thường. Tứ Thiền trở lên chẳng còn Tam Tai nên cho là rốt ráo Thường.

Không luận về cõi nước, chỉ luận Tâm Tánh, thì tánh không dời đổi cho đó là tánh Thường của mình. Chết đây, sanh kia thì cho là tánh Vô Thường.

Ban đầu, hợp cái Ta và cái khác Ta gồm lại mà so tính Thường với Vô Thường. Rồi phân cái Ta và cái khác Ta để mỗi cái cho là Thường, Vô Thường. Rồi lại lấy Hành Ấm làm cái Ta, Sắc, Thọ, Tưởng làm cái khác Ta. Hành Ấm thường trôi chuyển, bèn cho là tánh Thường. Sắc, Thọ, Tưởng đã diệt hết thì cho là tánh Vô Thường. Ở trong Nhất Tâm mà phân ra Thường với Vô Thường, thế là Tâm có hai vậy. Há chẳng điên đảo ư? Ở đây so với luận Viên Thường ở trước thì sự không câu chấp ít hơn, nhưng cái Đầu Nguồn (Nguyên Đầu) chẳng rõ nên đều thuộc về sự so tính lầm lẫn.

Quốc sư Huệ Trung hỏi nhà sư: “Phương nào đến?”

Đáp rằng: “Phương Nam đến”.

Quốc sư rằng: “Tri thức phương Nam dạy người như thế nào?”

Nhà sư đáp: “Tri thức phương kia chỉ bày cho người học Đạo ngay đây tức Tâm tức Phật. Phật là nghĩa Giác. Hiện nay các ông hẳn sẵn đủ cái tánh của thấy, nghe, hay, biết. Cái Tánh này đây thiệt hay nhướng mày, nháy mắt, vận dụng tới lui khắp ở trong thân. Chạm đầu, đầu biết; chạm chân, chân hay nên gọi là Chánh Biến Tri. Lìa ngoài cái ấy không còn Phật nào khác. Thân này thì có sanh diệt, còn Tâm Tánh vô thủy đến nay chưa từng sanh diệt. Thân sanh diệt thì như rồng thay cốt, rắn đổi da, người ra nhà cũ. Tức thân là Vô Thường, Tánh ấy là Thường vậy. Lời dạy phương Nam đại khái là thế”.

Quốc sư nói: “Nếu vậy, thì khác gì Tiên Ni ngoại đạo đâu? - Họ nói rằng : Trong thân này của ta có một Thần Tánh. Tánh này hay biết đau, ngứa. Khi thân hoại rồi, cái Thần ắt ra đi, như nhà bị cháy thì chủ ra. Nhà thì vô thường, chủ nhà thì thường.

“Xét xem như vậy, thì tà chánh chẳng biện, gì là phải đây? Ta từng du phương, thấy nhiều loại này, gần đây lại càng thịnh hành. Nhóm lại năm, ba trăm chúng, mắt thấy mơ hồ, bảo đó là “Tông Chỉ Nam Phương”. Lấy cuốn Đàn Kinh kia mà sửa đổi, thêm thắt lộn xộn, bỏ tiêu Thánh ý, làm cho lầm loạn người hậu học, há thành lời chỉ dạy ư ? Khổ thay cho Tông Chỉ nhà ta lấp vùi đó vậy. Nếu cho thấy, nghe, hay, biết là Phật Tánh thì lẽ ra Đức Tịnh Danh chẳng có nói “Pháp lìa thấy, nghe, hay, biết. Nếu hành thấy, nghe, hay, biết thì chỉ là thấy, nghe, hay, biết chẳng phải thật là cầu pháp””.

Nhà sư lại hỏi: “Kinh Pháp Hoa Liễu Nghĩa khai Phật Tri Kiến, đó lại là tại sao?”

Quốc sư rằng: “Đấy nói “Khai Phật Tri Kiến, chẳng nói Bồ Tát, Nhị Thừa”, thì há có thể lấy chuyện si mê điên đảo của chúng sanh mà cho là đồng Tri Kiến của Phật ư?”

Thầy Hành Xương hỏi Đức Lục Tổ: “Đệ tử thường xem kinh Niết Bàn mà chưa hiểu nghĩa Thường với Vô Thường. Xin thầy giải thích cho”.

Tổ nói: “Vô Thường đó, tức là Phật Tánh vậy. Hữu Thường đó, tức là hết thảy các pháp thiện, ác của tâm phân biệt vậy”.

Bạch rằng: “Chỗ nói của Hòa Thượng rất trái với kinh văn”.

Tổ nói: “Ta truyền tâm ấn Phật, đâu dám trái kinh Phật”.

Bạch rằng: “Kinh nói “Phật Tánh là “Thường”, Hòa Thượng lại nói là “Vô Thường”. “Các pháp thiện ác cho đến Bồ Đề Tâm đều là Vô Thường”, Hòa Thượng lại nói là “Thường”. Thế là trái nhau, khiến cho học nhơn này càng thêm nghi hoặc”.

Tổ nói: “Kinh Niết Bàn ta đã nghe ni cô Vô Tận Tạng đọc tụng một lần, bèn giảng nói cho nghe, không một chữ, một nghĩa nào chẳng hợp với kinh văn. Đến nay vì ông cũng không nói khác”.

Bạch rằng: “Chỗ biết của học nhân cạn cợt tối tăm, mong Hòa Thượng chỉ bày tường tận”.

Tổ nói: “Ông biết không? Phật Tánh nếu Thường thì còn nói gì các pháp thiện ác, vì cho đến cùng kiếp cũng chẳng có một người nào phát Bồ Đề Tâm, cho nên ta nói Vô Thường, chính là cái mà Phật nói là Đạo Chân Thường vậy. Lại nữa, tất cả các pháp nếu Vô Thường thì mỗi vật đều có Tự Tánh, dung chứa sự sanh tử thì cái tánh Chân Thường có chỗ chẳng cùng khắp, cho nên ta nói Thường, chính là cái mà Phật nói là nghĩa Chân Vô Thường vậy. Xưa, Phật vì hàng phàm phu ngoại đạo chấp vào cái Tà Thường, hàng Nhị Thừa ở nơi Thường lại cho là Vô Thường, cộng lại thành Bát Đảo. Nên trong kinh Niết Bàn Liễu Nghĩa, phá các Biên Kiến kia mà hiển bày cái Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh.

“Ông nay nghịch với nghĩa kinh, lấy cái Vô Thường đoạn diệt với cái Tử Thường cố định mà hiểu lầm lời dạy tinh tế viên diệu sau cùng của Phật. Dẫu có xem cả ngàn lần, phỏng có ích gì?”

Thầy Hành Xương hốt nhiên đại ngộ, bèn đọc bài kệ:

“Bởi giữ Vô Thường Tâm

“Phật nói Hữu Thường Tánh

“Chẳng biết pháp phương tiện

“Dường lượm sỏi ao xuân

“Giờ chẳng phải thi công

“Mà Phật Tánh hiện tiền

“Chẳng phải thầy trao cho

“Tôi cũng không chỗ đắc”.

Tổ nói: “Giờ ông đã thấu triệt, nên gọi là Chí Triệt”.

Thầy Hành Xương lễ tạ, lui ra.

Cái nghĩa Thường, Vô Thường rất sâu xa như thế này, thì các hàng ngoại đạo cũng chưa hề mộng thấy.

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh so tính về phận vị, thì người ấy sa vào bốn cái luận Hữu Biên.

“Một là, người ấy so tính cái cội nguồn Sanh Diệt lưu chuyển không ngừng, chấp quá khứ, vị lai là Hữu Biên, còn cái tâm tương tục là Vô Biên.

“Hai là, người ấy xét xem trong tám vạn kiếp thì thấy chúng sanh, còn trước tám vạn kiếp thì bặt không thấy nghe gì, rồi gọi chỗ không thấy nghe gì là Vô Biên, còn chỗ có chúng sanh là Hữu Biên.

“Ba là, người ấy cho rằng mình biết cùng khắp là được cái tánh Vô Biên, còn tất cả các người kia hiện ra trong cái biết của mình mà mình không hề biết cái tánh biết của họ, vậy thì họ không được cái tâm Vô Biên, chỉ có tánh Hữu Biên.

“Bốn là, người ấy xét cùng Hành Ấm là Không, dùng chỗ thấy biết của mình mà so lường, trù tính rằng trong một thân của tất cả chúng sanh đều là nửa phần sanh, nửa phần diệt, và chấp rằng tất cả sự vật có ra trong thế giới đều một nửa là Hữu Biên, một nửa là Vô Biên.

“Do sự suy tính Hữu Biên, Vô Biên này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Tư, lập ra những luận Hữu Biên.

Thông rằng: Đây là ở nơi Thường, Vô Thường theo đó mà khởi ra cái Hữu Biên, Vô Biên. Luận về Thường, Vô Thường thì dùng cái Tánh mà nói, thuộc về Kiến Phần. Về Hữu Biên, Vô Biên thì dùng phận vị mà nói, thuộc Tướng Phần. Một là, phận vị ba đời. Hai là phận vị Thấy, Nghe. Ba là, phận vị Ta-Người. Bốn là phận vị Sanh Diệt. Tất cả đều giới hạn trong phận vị của Hành Ấm mà vọng sanh ra so tính.

Một là, do Hành Ấm lưu chuyển không ngừng nên cho sự lưu chuyển là tam tế quá khứ, hiện tại, vị lai mà gọi là Hữu Biên. Còn cho sự không ngừng là tiếp nối không có bờ mé, mà gọi là Vô Biên.

Hai là, chỉ so tính trong chỗ thấy, nghe được chúng sanh trong tám vạn kiếp mà gọi là Hữu Biên, còn ngoài tám vạn kiếp không thấy, nghe gì nên gọi là Vô Biên.

Ba là, cho rằng mình biết cùng khắp tất cả chúng sanh, đó là tính Vô Biên, còn Tánh Biết của chúng sanh có cùng khắp hay không thì chỉ họ tự biết, chứ mình chẳng hề biết. Vậy chúng sanh bị hạn cuộc nơi sự tự biết, chẳng thể thông tiếp với mình, nên chỉ có tánh Hữu Biên.

Bốn là, xét cùng Hành Ấm là Không, thấy rằng trước có mà nay không. Do đó, so tính rằng Chánh Báo của chúng sanh nửa sanh, nửa diệt, thế giới Y Báo cũng nửa sanh, nửa diệt. Nửa sanh là Hữu Biên, nửa diệt là Vô Biên.

Bốn cái luận Hữu Biên này đều không ra khỏi sự tuần hoàn sanh diệt của chúng sanh và các kiến chấp kiếp hoại hay chẳng hoại nói ở trước, chỉ đặc biệt so tính về hữu biên và vô biên.

Có nhà sư hỏi Quốc Sư Huệ Trung (tiếp theo đoạn trước): “Có vị trí thức chỉ bày kẻ học nhân này rằng: “Chỉ tự biết Tánh. Khi rõ Vô Thường, ném bỏ cái xác phiền não một bên rồi, cái chỗ cao linh trí tánh, rỗng rang mà lui về, gọi là giải thoát”. Theo đây thì thế nào?”

Quốc sư nói: “Trước đã nói rồi, vẫn còn là cái hạn lượng của hàng Nhị Thừa, ngoại đạo. Nhị Thừa chán ghét sanh tử, ưa thích Niết Bàn. Ngoại đạo cũng nói “Ta có hoạn nạn lớn, vì ta có thân”, bèn vui về Minh Đế. Tu Đà Hoàn buộc vào tám vạn kiếp, ba quả kia buộc vào sáu, bốn, hai vạn kiếp. Bậc Bích Chi Phật trụ trong Không định một vạn kiếp. Ngoại đạo trụ trong Phi Phi Tưởng tám vạn kiếp. Nhị Thừa hết kiếp còn có thể hồi tâm hướng Đại Thừa, còn ngoại đạo liền trở lại luân hồi”.

Hỏi rằng: “Phật Tánh một giống hay khác?”

Quốc sư nói: “Chẳng thể một giống”.

Hỏi rằng: “Sao vậy?”

Quốc sư nói: “Hoặc có thứ toàn chẳng sanh diệt, hoặc nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

Hỏi rằng: “Vì sao mà giải thích như vậy?”

Quốc sư nói: “Phật Tánh ngay đây của tôi hoàn toàn không có sanh diệt, Phật Tánh phương Nam của ông thì nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

Hỏi rằng: “Phân biệt chỗ nào?”

Quốc sư nói: “Đây thì thân tâm nhất như, ngoài thân không có gì khác, thế nên toàn vẹn chẳng sanh diệt. Còn phương Nam của ông thì thân là Vô Thường, Thần Tánh là Thường, bởi thế mà nửa sanh nửa diệt, nửa chẳng sanh diệt”.

Hỏi rằng: “Cái sắc thân của Hòa Thượng há đồng được với Pháp Thân chẳng sanh diệt ư?”

Quốc sư nói: “Sao ông lại vào tà đạo thế?”

Thưa rằng: “Học nhơn này sao mà vào tà đạo?”

Quốc sư nói: “Ông chẳng thấy kinh Kim Cương nói “Thấy sắc, cầu thanh đều là hành tà đạo” ư? Nay chỗ thấy của ông chẳng phải vậy sao?”

Thưa rằng: “Tôi đã từng đọc giáo lý Đại Thừa, Tiểu Thừa, cũng thấy có nói cái chỗ Trung Đạo chánh tánh chẳng sanh chẳng diệt, cũng thấy có nói rằng ấm này diệt, ấm kia sanh, thân có đổi thay mà Thần Tánh chẳng diệt. Đâu có thể bác bỏ hết giống như hai kiến chấp Đoạn, Thường của ngoại đạo?”

Quốc sư nói: “Ông học cái đạo chân chánh xuất thế Vô Thượng hay là học hai cái kiến chấp Đoạn, Thường sanh tử của thế gian? Ông há chẳng thấy Tổ Triệu Công nói “Nói chân thì ngược tục, theo tục thì ngược chân” ư ? Ngược với Chân nên mê Tánh mà chẳng quay lại. Nghịch với Tục nên lời nói đạm bạc không mùi vị. Hạng Trung Căn nghe thì như nhớ như quên. Hạng Hạ Căn nghe thì vỗ tay mà cười. Nay ông muốn học theo người hạ liệt mà cười Đại Đạo ư?”

Đáp rằng: “Thầy cũng nói “Tức Tâm là Phật”, bậc trí thức phương Nam cũng nói thế, có gì là khác đâu? Thầy lẽ ra chớ nên cho mình phải mà họ quấy”.

Quốc sư nói: “Hoặc là tên khác, thể đồng; hoặc là tên đồng mà thể khác. Bởi đó mà lầm lộn. Chỉ như Bồ Đề, Niết Bàn, Chân Như, Phật Tánh thì danh khác mà Thể đồng. Còn Chân Tâm, Vọng Tâm, Phật Trí, Thế Trí thì tên đồng mà thể khác. Vì phương Nam lầm đem cái Vọng Tâm mà cho là Chân Tâm: nhận giặc làm con. Nắm giữ cái Thế Trí mà xưng là Phật Trí, giống như mắt cá mà lầm lộn với ngọc minh châu. Không thể phụ họa theo được, cần phải phân biệt đúng sai rõ ràng”.

Hỏi rằng: “Làm sao lìa được lỗi ấy?”

Quốc sư nói: “Ông chỉ khéo quan sát rõ ràng trở lại Ấm, Giới, Nhập, Xứ, mỗi mỗi đều tìm xem tận cùng, còn có được mảy tơ hào nào chăng?”

Thưa rằng: “Rõ ràng quan sát đó, chẳng thấy có một cái gì khá được”.

Quốc sư nói: “Ông phá hoại tướng thân tâm ư?”

Đáp rằng: “Thân tâm tánh lìa, có gì để hoại?”

Quốc sư nói: “Ngoài thân lại có vật chăng?”

Đáp rằng: “Thân tâm không có ngoài, đâu lại có vật ư?”

Quốc sư nói: “Ông phá hoại tướng thế gian ư?”

Đáp rằng: “Thế gian tướng chính là vô tướng, nào dùng đến chuyện hoại”.

Quốc sư nói: “Như thế đó, tức lìa lỗi vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói “Một niệm quán khắp vô lượng kiếp, không đi, không đến, cũng không trụ. Như thế rõ biết sự ba đời, siêu các phương tiện thành thập lực””.

Đây là chỗ nói “Tự, Tha chẳng cách hở mảy lông, thủy chung chẳng rời ngay đương niệm”. Chẳng biết cái kiến giải Hữu Biên, Vô Biên do đâu mà kiến lập?

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong chỗ tri kiến lại khởi sanh so tính thì người đó sa lạc vào bốn thứ luận hư vọng Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn.

“Một là, người ấy quan sát cái cội nguồn biến hóa, thấy chỗ dời đổi thì gọi là Biến, thấy chỗ tương tục thì gọi là Thường. Thấy chỗ thấy được thì gọi là Sanh, chỗ không thấy được thì gọi là Diệt. Chỗ các nhân tương tục, không có gián đoạn thì gọi là Tăng, chính trong tương tục, chỗ rời nhau ở giữa thì gọi là Giảm. Chỗ sanh ra của mỗi cái thì gọi là Có, chỗ mất đi của mỗi cái thì gọi là Không. Dùng lý quán sát tất cả, dụng tâm thấy riêng biệt nhau. Có người cầu pháp đến hỏi nghĩa lý thì đáp rằng “Ta nay cũng sanh, cũng diệt, cũng có, cũng không, cũng tăng, cũng giảm”. Trong mọi thời đều nói năng lộn xộn, khiến cho người nghe lầm loạn chữ nghĩa.

“Hai là, người ấy quán kỹ cái tâm đắp đổi không nơi chốn, nhân cái Không mà cho là chứng, có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Không. Ngoài chữ Không ra không nói gì cả.

“Ba là, người ấy quán kỹ cái tâm mỗi mỗi đều có chỗ, nhân cái Có mà cho là chứng, có người đến hỏi, chỉ đáp một chữ, chỉ nói là Phải. Trừ chữ Phải ra, không nói gì cả.

“Bốn là, người ấy chấp cả Có và Không. Cái cảnh đã phân chia như vậy thì cái tâm cũng lộn xộn. Có người đến hỏi thì đáp rằng : Cũng Có tức là cũng Không, trong cái Cũng Không chẳng phải là Cũng Có. Tất cả đều càn loạn, không thể nói hết được.

“Do những so tính, càn loạn trống rỗng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Năm, lập ra bốn thứ luận hư vọng Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn.

Thông rằng: Đây vẫn là kiến chấp Cũng Có cũng Không vậy. Ở trên nói “Thường, Vô Thường”, “Hữu Biên, Vô Biên” thì còn có phân biệt, chưa đến nổi lộn xộn. Ở đây thì nói “Tức Thường, tức Vô Thường”, “Tức Hữu Biên, tức Vô Biên” tất cả đều càn loạn, không thể nói cho cùng. Thật là một thứ lý luận hư vô hoang đường, quá sức điên đảo vậy.

Theo sự trôi dời của chỗ Hữu Biên ở trên thì gọi là Biến, chỗ Vô Biên tương tục thì gọi là Thường, chỗ thấy trong tám vạn kiếp thì gọi là Sanh, chỗ không thấy ở ngoài tám vạn kiếp thì gọi là Diệt. Lại ở trong chỗ tương tục không gián đoạn so tính cho là Tăng như mặt trăng mọc đầy dần lên, ở trong chỗ lìa nhau thì cho là Giảm như mặt trăng khuyết lần lần. Lại ở nơi chỗ sanh ra của mỗi vật mà gọi là Có, chỗ mất đi mà gọi là Không.

Ở nơi sự sanh diệt của một cái Hành Ấm mà phân làm tám nghĩa. Dùng lý quán sát tất cả thì cả hai đều đúng, không thể xác định manh mối, nên trong mọi lúc, nói năng lộn xộn. Chìm đắm trong Hành Ấm, không thể siêu vượt ra khỏi Hành Ấm nên bị sự sanh diệt làm trôi lăn vậy.

Lại nữa, do từ cái Có, Không mà phân ra, ở chỗ niệm niệm diệt mà cho là chứng thì chỉ nói là Không; còn ở chỗ niệm niệm sanh mà cho là chứng thì chỉ nói là Phải. Lại nữa, từ Hữu Vô mà hợp lại thì nói “Cũng Có tức là cũng Không, cũng Không tức là cũng Có, trong cái cũng Có chẳng phải là cũng Không, trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có”.

Lời nói thì thấy giống, nhưng so với trước có sai khác.

Ở trước thì hai bên đều bày ra hết nên không thể xác quyết, còn đây thì chỉ đề ra một bên mà cả hai bên đều có trong đó. Nói rằng “Cũng Có tức là cũng Không” thì không chỉ một bề nói Không. Nói rằng “Trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có” thì không chỉ một bề nói Phải. Chỗ tri kiến lầm lộn, chẳng thể quyết đoán, mơ hồ lung tung, rốt rồi lầm lạc.

Ngoại đạo cho rằng trời là thường trụ, gọi là bất tử, cho rằng đáp được chẳng lầm loạn thì sanh về cõi trời đó. Nếu quả thật chẳng biết mà trả lời thì e thành càn loạn. Phật quở trách rằng: “Đó thật là nghị luận càn loạn”. Cho nên gọi là thứ Luận hư vọng “Biến Kế Điên Đảo, Bất Tử Càn Loạn”.

Gọi là Biến Kế, nghĩa là so tính khắp cả, nào là Có-Không, Sanh-Diệt, Tăng-Giảm, Thường-Biến, thật vô ích cho sự tu chứng, đều là hý luận cả. Tuy nhiên, bậc thông suốt nhà nghề thì nói Có cũng được, nói Không cũng được, chốn chốn đều có nẻo xuất thân.

Nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu: “Con chó lại có Phật Tánh không?”

Tổ Châu nói: “Có”.

Hỏi rằng: “Đã có thì sao lại chun vào cái bì da kia?”

Tổ Châu nói: “Vì vẫn biết mà cố phạm”.

Lại có nhà sư hỏi Tổ Triệu Châu: “Con chó lại có Phật Tánh không?”

Tổ Châu nói: “Không”.

Thưa rằng: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, con chó vì sao lại không có?”

Tổ Châu nói: “Vì ở y có nghiệp thức”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Con chó, Phật Tánh có

Con chó, Phật Tánh không

Đi câu mà cầu tha mạng cá

Theo gió tìm hương, khách nước-mây

Om sòm, loạn xạ phân quen lạ

Bằng an trải khắp, thư thả rộng bày

Chớ lạ nhà nông chẳng biết lo

Chỉ ra vết ngọc lại đoạt châu

Vua Tần chẳng biết Tương Như Lạn!”.

Lại có bài tụng khác rằng:

“Triệu Châu nói có, Triệu Châu nói không

Con chó, Phật Tánh thiên hạ phân chia

Mặt đỏ chẳng bằng nói thẳng

Lòng ngay ắt hẳn lời thô

Cái lão thiền sư bảy trăm chúng

Cứt ngựa gặp người hóa nhãn châu [Ngọc mắt]”.

Lại có nhà sư hỏi thiền sư Duy Khoan: “Con chó lại có Phật Tánh chăng?”

Sư nói: “Có”.

Hỏi: “Hòa Thượng lại có chăng?”

Sư đáp: “Ta không có”.

Hỏi: “Cả thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, vì sao chỉ một mình Hòa Thượng lại không có?”

Sư nói: “Ta chẳng phải là cả thảy chúng sanh!”

Hỏi: “Đã chẳng phải chúng sanh thì chắc là Phật?”

Sư nói: “Chẳng phải Phật”.

Hỏi: “Rốt ráo là vật gì?”

Sư nói: “Cũng chẳng phải vật”.

Hỏi: “Thấy được, nghĩ được không?”

Sư nói: “Nghĩ chẳng tới, bàn chẳng được, nên gọi là không thể nghĩ bàn”.

Hàng ngoại đạo thì ở chỗ có thể suy nghĩ, có thể luận bàn mà muốn so đo, lập luận, há chẳng điên đảo ư?

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở nơi dòng sanh diệt vô tận khởi sanh so đo thì người ấy sa vào cái chấp điên đảo là sau khi chết có tướng.

“Hoặc tự củng cố sắc thân, bảo Sắc là Ta. Hoặc thấy cái Ta tròn đầy, bao trùm khắp các cõi nước, bảo ta có sắc. Hoặc thấy các tiền trần kia theo ta mà xoay trở lại, bảo sắc thuộc về Ta. Hoặc thấy cái Ta nương trong Hành Ấm mà tương tục, bảo Ta ở nơi sắc. Họ đều so tính mà cho rằng sau khi chết có tướng, tuần hoàn như vậy có đến mười sáu tướng.

“Từ đó mà suy tính rằng rốt ráo phiền não và rốt ráo Bồ Đề, hai tánh đó đi song song, không tiếp xúc nhau.

“Do sự so tính chấp rằng sau khi chết có tướng như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Sáu, lập ra những Luận điên đảo Trong năm Ấm, sau khi chết có tướng.

Thông rằng: Năm sự suy tính ở trước thì hoặc Có, hoặc Không, hoặc Cũng Có cũng Không, chưa ra khỏi ba cú, chưa thấy cả hai đều chẳng phải, còn mắc vướng trong Hành Ấm. Nên ở đây thì so tính việc sau khi chết có Tướng hay không có Tướng, và Có, Không đều chẳng phải. Rồi lại ở sau Có và Không, khởi lên hai kiến chấp về Niết Bàn đoạn diệt. Ấy là Hành Ấm đã gần không nên trộm thấy Thức Ấm vậy. Bởi đến thì trước, đi thì sau, chỉ do Thức làm chủ, nên chỗ này nói cả năm Ấm.

Đức Long Thắng nói: “Chúng sanh trong năm đường do nhân duyên của lực Thân Kiến mà thấy có bốn thứ Ta: Sắc hợp là Ta, Sắc là Ta, Ta trong Sắc, Sắc trong Ta. Hợp lại mà nói: Chỉ duy Sắc là Ta, chỉ duy lìa Sắc là Ta, Ta ở trong Sắc, Sắc ở trong Ta. Suy tìm như thế, rốt ráo chẳng thể đắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức lại cũng như vậy”.

Thế mà ngoại đạo lại chấp là có tướng. Hoặc tự củng cố cái thân, tức Sắc là Ta vậy. Hoặc Trùm khắp cõi nước, tức là Sắc ở trong Ta. Hoặc các tiền trần xoay trở lại, ấy là Lìa Sắc là Ta. Hoặc nương theo Hành Ấm tương tục, tức là Ta ở trong Sắc vậy. Nương theo bốn lối suy tính này thì Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng đều vậy cả. Cho đến chỗ Hành là Ta, lìa Hành là Ta, Ta ở trong Hành, Hành ở trong Ta. Cái suy tính đó là Ta, tức là Thức Ấm vậy. Thảy đều suy tính rằng sau khi chết lại có mà thành ra mười sáu tướng [Bốn cách suy tính này lồng vào bốn Ấm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành]. Phiền não do Ấm mà sanh, Bồ Đề do Ta mà chứng. Hai tánh Bồ Đề, phiền não song hành cho đến đời vị lai, đều rốt ráo là có, thế nên nói là lập ra luận điên đảo Trong năm Ấm, sau khi chết có Tướng. Đây là theo mỗi mỗi chỗ có, rồi nhân có mà cho là chứng, nên lập ra các Luận này.

Thủ Tọa Bổn Am Đạo Quỳnh từng nêu lên câu chuyện “Một chiếc dép đi về Tây [Chuyện Tổ Đạt Ma sau khi tịch]”, rồi nói với đại chúng: “Ngồi chết, đứng tịch, chổng ngược đầu mà hóa thì chẳng phải không có. Nhưng chưa có ai tịch rồi mà sau lại để lại chiếc dép. Vậy là con cháu đời sau không bằng Tổ Sư hay là Tổ Sư có thừa một chiếc ấy?”

Rồi cười lớn mà rằng: “Con chồn già!”

Mùa Đông Canh Thân, đời Thiệu Hưng được đón về kinh nhưng không đi, để lại bài kệ cho đệ tử đắc pháp là Huệ Sơn rằng:

“Miệng mồm chẳng trúng lão già lành

Thích hướng tùng lâm dóng thị phi

Dặn dò Tuyết Phong ông Thủ Tọa

Vì ta nhiếc mắng chớ tha y!”.

Quay về vị sứ giả đến đón, nói rằng: “Nói với quan Thị Lang giùm tôi rằng việc đi vội quá, không kịp bồi đáp!”

Dứt tiếng thì hóa.

Có nhà sư hỏi Tổ Động Sơn: “Nhà sư sau khi tịch rồi thì đi đâu vậy?”

Tổ Sơn nói: “Cháy rồi một cọng tranh!”

Ngài Đầu Tử tụng rằng:

“Khi lửa đồng thiêu, thêm đổi mới

Đến nay khí nóng khó mưa, mây

Đất hạn sen hồng che nhật nguyệt

Không rễ, xanh hoài, mát bóng cây”.

Nếu biết cái “hữu tướng” này thì tuy nói là có tướng cũng chẳng sao.

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, ở trong các Ấm: Sắc, Thọ, Tưởng đã diệt ở trước khởi sanh so tính, người ấy sa vào những tư tưởng điên đảo là sau khi chết không có Tướng.

“Người ấy thấy Sắc Ấm diệt, hình hài không nhân vào đâu. Xét Tưởng Ấm diệt, tâm không ràng buộc vào đâu. Biết Thọ Ấm diệt, không còn dính dáng. Tánh các Ấm được tiêu tan, dù có sanh lý mà không có Thọ, Tưởng : đồng như cỏ cây. Cái hình chất hiện tiền còn không thể nắm được, vậy sau khi chết làm sao còn có các Tướng ? Do vậy mà cho rằng sau khi chết không có Tướng. Xoay vần như vậy mà có tám thứ Vô Tướng.

“Từ đó mà suy tính rằng: Niết Bàn, Nhân Quả, tất cả đều Không, chỉ có danh tự suông, chứ rốt ráo là Đoạn Diệt.

“Do sự suy tính, chấp sau khi chết không có Tướng này mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Bảy, lập ra những luận điên đảo Trong ngũ Ấm, sau khi chết không có Tướng.

Thông rằng : Cái Đoạn Kiến này là căn cứ nơi sự tiêu diệt của các Ấm Sắc, Thọ, Tưởng mà suy tính rằng cái sanh lý của Hành Ấm về sau sẽ rốt ráo đoạn diệt. Hành Ấm diệt thì quy về Biển Tạng Thức. Chỗ so đo của người ấy chưa là vô kiến, nhưng cái Tạng Thức chẳng thể diệt. Người ấy chỉ thấy cái diệt bèn cho rằng Niết Bàn, nhân quả tất cả đều không, rốt ráo Đoạn Diệt, mà chẳng biết rằng cái Vô Tướng này không phải là không có sanh lý. Bởi thế, ước đoán cái nhân đã mất của bốn Ấm hiện tại mà cho rằng quả tương lai sẽ tiêu diệt, hợp lại thành ra tám thứ Vô Tướng, bèn lập ra những luận điên đảo Trong Ngũ Ấm, sau khi chết không có Tướng. Đây cũng là theo cái tâm Đắp đổi không nơi chốn, nhân cái Không mà cho là Chứng, mà tạo ra luận này.

Tổ Trường Sa Cảnh Sầm nhân có vị tăng qua đời, lấy tay rờ mà nói: “Này đại chúng! Vị tăng này lại chánh thực vì các ông mà đề khởi cương yếu, thương lượng đó! Hiểu không?”

Rồi đọc bài kệ:

“Trước mắt không một pháp

“Hiện đây cũng không người

“Rỗng rang Kim Cương Thể

“Chẳng vọng cũng chẳng chân!”.

Lại nói:

“Chẳng rõ Kim Cương Thể

“Lại gọi ấy duyên sanh

“Mười phương: Chân Tịch Diệt

“Ai trụ, lại ai hành?”.

Tổ Động Sơn sắp viên tịch, nói với đại chúng: “Ta có cái tên tuổi suông ở đời, người nào vì ta dẹp được?”

Đại chúng đều không đáp được.

Khi ấy, có vị Sa Di bước ra, nói: “Xin cái pháp hiệu của Hòa Thượng”.

Tổ Sơn nói: “Cái danh tiếng suông của ta đã rụng rồi!”

Tổ Thạch Sương nói: “Không có người để kẻ khác chấp nhận”.

Tổ Vân Cư nói: “Nếu có danh tiếng suông thì chẳng phải là Tiên Sư của tôi”.

Tổ Tào Sơn nói: “Từ xưa đến nay, không người biện được”.

Tổ Sớ Sơn nói: “Rồng có cách ra khỏi nước, không người biện được”.

Thầy Đại Dương Minh An hỏi Tổ Lương Sơn: “Như sao là đạo tràng vô tướng?”

Tổ Sơn chỉ tượng Quan Âm, nói: “Đây là bức họa của Ngô cư sĩ”.

Thầy An định nói, Tổ liền hỏi: “Cái đó là cái hữu tướng, như sao là cái vô tướng?”

Thầy An ngay lời nói có tỉnh ngộ, làm lễ rồi quay về chỗ đứng.

Tổ Sơn nói: “Sao không nói lấy một câu!”

Thầy An: “Nói thì chẳng từ chối, chỉ e lấm giấy mực!”

Tổ Sơn cười lớn, nói: “Lời này gắn trên đá rồi!”

Về sau quả đã khắc trên bia.

Ngài Đầu Tử nêu rằng:

“Đạo suốt cổ kim

Bộ hành khó trải

Núi cao hiểm tuyệt

Leo không chỗ nương

Hoặc chẳng phát minh dấu trước

Thuở nào dẫm bước được đâu

Thế nên ngộ ở tự mình

Ấn chứng nhờ nơi thầy

Thay nhau chứng minh

Nối Phật huệ mạng

Nơi đây tột đường hỏi lối, sức tận để chỉ bày

Vách ngất trời không cửa, sức hết chỗ tới lui

Rồng vàng đã mất nước, cánh mầu cất cánh mau!

Thấu qua sóng lớn, lại về bổn vị”.

“Này các nhân giả, chính đang lúc ấy, lại có biết chỗ thoái vị của người xưa không? Như biết được, thì có thể nói là núi muôn trượng đổ, ngàn sóng hết gầm. Long cung và cõi Trời chung mái, cung điện cùng tinh tú hợp vẻ. Nham Tùng lồng đẹp, giòng móc (mưa móc) cỏ thơm. Chẳng phạm đến hóa môn mà ngàn núi đều lộ ra hẳn. Bằng chẳng biết chỗ về thì hang rộng không người hỏi, rồng buồn biển cả sâu”.

Tụng rằng:

“Vách núi cùng đường hỏi sơn ông

Lại chỉ ngọn Tây ngọn cận Đông

Định tiến, móc rơi thêm khí núi

Quay đầu bỗng thấy mặt trời hồng”.

Nếu ở chỗ Vô Tướng này mà được cái tin tức, thì tuy nói không có Tướng cũng chẳng hề gì.

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, trong chỗ Hành Ấm còn tồn tại và Thọ, Tưởng Ấm đã diệt, lại so tính cả cái Có và Không, tự thể phá nhau, thì người ấy lọt vào những luận điên đảo Sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải.

“Người ấy trong Sắc, Thọ, Tưởng thấy Có mà chẳng phải Có, trong Hành Ấm chuyển biến thấy Không mà chẳng phải Không. Xoay vần như vậy cùng tột các Ấm thành ra tám Tướng Đều chẳng phải. Tùy gặp duyên gì đều nói sau khi chết có Tướng, không Tướng.

“Lại suy tính Hành Ấm tánh nó dời đổi nên tâm phát ra thông tỏ, cho rằng Có, Không đều chẳng phải, hư thật lộn lạo. Do sự so tính, chấp “Sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải” mà việc về sau tối tăm mù mịt, không còn lối đi, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Tám, lập luận điên đảo: Trong ngũ Ấm, sau khi chết, Có và Không đều chẳng phải.

Thông rằng: Đây là kiến chấp Chẳng phải Có, chẳng phải Không vậy. Đó là do nơi sự so tính cả Có lẫn Không, tự thể của chúng phá nhau. Không chỉ Sắc, Thọ, Tưởng Ấm diệt nên cho là Có tức chẳng phải Có mà Hành Ấm dời đổi cũng cho là Không tức chẳng Không. Ở chỗ này mà xoay vần lui tới xét xem thì thấy cái đã diệt (Sắc, Thọ, Tưởng) trước đây đã từng có, nên tuy là Không mà chẳng Không. Cái hiện tồn tại (Hành) thì rốt rồi cũng diệt, thì tuy Có mà chẳng phải Có. Do so tính nước đôi về bốn Ấm như vậy nên thành ra tám thứ Chẳng Phải. Tùy nêu ra duyên gì đều đủ cả có Tướng và không Tướng. Đây chỉ ở nơi duyên mà xem thấy sự Có-Không của Tướng, chưa phải là tinh vi vậy.

Lại ở trong sự dời đổi sanh diệt của tánh Hành Ấm, thấy trong sanh tức có diệt, nên chẳng phải Có, thấy trong diệt tức có sanh, nên chẳng phải Không vậy. Ở trên tánh Hành Ấm mà quán xét để thấy Có, Không đều chẳng phải thì chẳng phải là người tâm đã phát thông tỏ làm sao thấy được. Có mà chẳng Có, đó là Diệu Hữu. Không mà chẳng Không, đó là Chân Không. Đó mới là Đệ Nhất Nghĩa Đế Diệu Chân Như Tánh vậy.

Người ấy chỉ ở nơi tánh Hành Ấm thấy Có và Không đều chẳng phải, còn Thức Ấm ở sau vẫn còn mù mịt không thấy gì, nên hư thực lộn lạo chẳng biết chỗ về. Đã không có chỗ quay về an nghỉ thì không thể trọn xong cái Đạo. Tuy muốn phát huy cái cảnh giới Chẳng phải Sanh, chẳng phải Diệt của Tạng Thức, cũng không thể được, huống nữa là cái Chân Lý bất sanh bất diệt của Chân Như Đệ Nhất Nghĩa Đế ư? Cái gọi là thông tỏ của người ấy thì gần giống với cái ngộ của bậc Duyên Giác, chứ chưa có thể nói là Chánh Ngộ.

Thứ luận Có, Không đều chẳng phải này cũng từ lối nói càn loạn ở trước: Cũng Có tức là cũng Không, trong cái cũng Không chẳng phải là cũng Có. Suy tính cùng cực về việc sau khi chết mà sáng lập ra luận này, đều gọi là điên đảo.

Ngoại đạo hỏi Phật: “Chẳng hỏi Hữu Ngôn, chẳng hỏi Vô Ngôn”.

Đức Thế Tôn im lặng chập lâu.

Ngoại đạo tán thán rằng: “Thế Tôn đại từ đại bi, mở vẹt đám mây mê mờ cho tôi, khiến được thể nhập!”

Sau khi ngoại đạo đi rồi, Ông Anan hỏi Phật: “Bạch, ngoại đạo chứng chỗ gì mà nói là được nhập?”

Đức Phật nói: “Như ngựa hay trong đời, thấy bóng roi mà chạy!”

Đức Thế Tôn ví người ngoại đạo với con ngựa hay, vì tâm ấy cũng phát thông tỏ vậy.

Ngài Tuyết Đậu tụng rằng:

“Máy tạo chưa từng chuyển

Chuyển ắt chạy hai đầu

Gương sáng bỗng trên đài

Ngay đó phân đẹp xấu

Đẹp xấu phân, hề, mây mê vẹt

Cửa Từ sanh bụi chốn nào đâu?

Nhân đây ngựa giỏi theo roi bóng

Lướt gió dặm ngàn kêu được về

Kêu được về, búng tay ba tiếng!”

Có nhà sư hỏi Tổ Pháp Nhãn: “Như sao là nhà sư tịch, trước mặt chạm mắt là Bồ Đề?”

Tổ Nhãn nói: “Đó là trước mặt ông!”

Lại hỏi: “Nhà sư tịch thiên hóa về chốn nào?”

Tổ Nhãn nói: “Nhà sư tịch thiên hóa hồi nào?”

Nhà sư hỏi: “Thế bây giờ thì sao?”

Tổ Nhãn nói: “Ông chẳng biết nhà sư tịch”.

Tổ Pháp Nhãn tận lực hô hoán mà chẳng biết quay đầu ở đây mà tỉnh ra thì có thể nói “Tứ cú đều lìa, linh căn độc lộ”.

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng kiên cố, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, sanh ra so tính rằng về sau này là Không, thì người ấy lọt vào bảy thứ luận Đoạn Diệt.

“Hoặc chấp Thân này là diệt, hoặc chấp hết Dục là diệt, hoặc hết Khổ là diệt, hoặc Cực Lạc là diệt, hoặc Tột Xả là diệt. Xoay vần như vậy cùng tột bảy cách, cho rằng hiện tiền là tiêu diệt, diệt rồi không trở lại nữa. Do sự so tính “Sau khi chết là đoạn diệt” như vậy, sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Chín lập ra luận điên đảo “Sau khi chết là Đoạn Diệt”.

Thông rằng: Ở trước thì thấy có Hành Ấm mà không có Thọ, Tưởng; ở đây thì Hành Ấm cũng không, nên nói rằng “Về sau này là Không”. Ở trước là sau khi chết Vô Tướng, chỉ thuộc về một cách Thân diệt. Ở đây cùng tột bảy cách, diệt chẳng sanh lại.

Thân thuộc về cõi Dục, gồm người và trời. Hết Dục thuộc về Sơ Thiền, hết Khổ thuộc về Nhị Thiền. Cực Vui thuộc về Tam thiền. Hết Xả thuộc về Tứ Thiền và Vô Sắc. Tuy nói năm thứ Diệt, thật ra gồm bảy Cách. Đây là vào ngoại đạo Vô Tưởng Thiên, đại khái đồng một đoạn kiến như Tỳ Kheo Vô Văn, cho rằng đã chứng quả chẳng thọ Thân đời sau, nên lập cái luận Sau khi chết là đoạn diệt.

Thiền sư Khai Tiên Chiếu thượng đường nói rằng: “Quy củ tùng lâm, gia phong cổ Phật, một tham một hỏi, một cháo một cơm. Hãy nói huỵch toẹt ra là cái gì vậy? Chỉ như các ông, tâm tâm chẳng dừng, niệm niệm chẳng trụ. Bằng như khéo dừng ở chỗ chẳng dừng, vô niệm ngay trong chỗ niệm, bèn tự hợp lý Vô Sanh. Nói thế này thì cười bể miệng người khác. Tham đi!”

Nhà sư hỏi Tổ Vân Môn: “Không khởi một niệm, lại còn có lỗi không?”

Tổ Môn nói: “Núi Tu Di!”

Ngài Bạch Vân Đoan tụng rằng:

“Núi Tu Di, hề, nghẽn vũ trụ

Đại bi ngàn mắt nhìn không qua

Trừ phi tự biết cỡi ngược trâu

Một đời khỏi phải theo sau đít”.

Ngài Thiên Đồng tụng rằng:

“Chẳng khởi một niệm, núi Tu Di!

Thiều Dương thí pháp không lưu giữ

Chịu đến, hai tay phân phó cho

Định đi, ngàn tìm, không thể bám

Biển xanh rộng, mây trắng nhàn

Chớ đem mảy tóc đặt trong đây

Giả tiếng gà kia khó gạt ta

Chưa chịu mơ màng cho qua ải!”

Hai bài tụng này quả có phân biệt. Nếu bám níu “Chẳng khởi một niệm”, không biết tin tức “Cỡi ngược trâu” thì tức là “Giả tiếng gà gáy”, chẳng khỏi “Theo sau đít người” vậy, sao có thể thấu qua cái cửa ải hướng thượng ư?

Kinh: “Lại nữa, trong Tam Ma Đề các thiện nam tử đó chánh tâm đứng lặng vững chắc, Ma không còn cơ hội. Người ấy cứu xét cùng tột cội gốc sanh loại, xem thấy cái cội nguồn giản phác u ẩn thường máy động kia, lại sanh ra so tính rằng sau này là Có, thì người ấy sa vào năm luận Niết Bàn.

“Hoặc lấy Dục Giới làm cái chuyển y chánh thật, do xem thấy sáng suốt vẹn khắp mà sanh yêu mến vậy. Hoặc lấy Sơ Thiền làm cái chuyển y chánh thật, vì thấy tánh cõi này không có Lo Âu. Hoặc lấy Nhị Thiền, vì tánh nó không có Khổ. Hoặc lấy Tam Thiền, vì rất Vui Đẹp. Hoặc lấy Tứ Thiền, vì Khổ Vui đều hết, chẳng chịu luân hồi sanh diệt. Vậy là mê lầm cõi trời Hữu Lậu là tánh Vô Vi, cho rằng năm chỗ yên ẩn trên là nơi quả báo thù thẳng thanh tịnh. Xoay vần như vậy cùng tột có năm chỗ.

“Do suy tính chấp trước năm thứ Niết Bàn hiện có như vậy mà sa lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.

“Đây gọi là ngoại đạo Thứ Mười, lập ra những luận điên đảo: Trong năm Ấm có năm thứ Niết Bàn hiện có.

“Anan, mười thứ cuồng giải Thiền Na như vậy đều do Hành Ấm và tâm dụng công xen nhau, nên hiện ra những nhận thức đó. Chúng sanh mê dại, không biết tự lượng xét, gặp các cái đó hiện ra, lấy mê làm ngộ, tự cho là chứng Thánh, thành tội Đại Vọng Ngữ mà đọa ngục Vô Gián.

“Các ông quyết phải đem lời của Như Lai, sau khi Ta diệt độ rồi, truyền dạy cho đời Mạt Pháp, khắp giúp chúng sanh hiểu rõ nghĩa này, không để cho Tâm-Ma tự gây nên những tội lỗi sâu nặng, giữ gìn che chở cho chúng sanh tiêu diệt các tà kiến, dạy cho thân tâm họ khai mở giác ngộ Chân Nghĩa, không mắc vào các đường rẽ trong Đạo Vô Thượng. Chớ để họ được một ít đã cho là đủ, và nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của vị Đại Giác.

Thông rằng : Đã nói “Về sau Không” rồi sao trở lại “Về sau Có” vậy nhỉ? Bởi vì, cái cội nguồn trong trẻo thường máy động kia là cái diệt chẳng được. Chẳng phải đắc đạo tràng tịch diệt chân thật, ở chỗ diệt mà vọng thấy có sự chứng đắc, nên gọi là “Về sau Có”. Bởi vì, Hành Ấm trong sát na tạm dừng, cái sáng suốt vẹn khắp thoáng hiện bày, bèn cho đó là Vô Sanh Diệt, là Niết Bàn. Rồi ở năm chỗ suy tính là quả Niết Bàn, khiến Niết Bàn mà có năm thứ, thế thì có thể gọi là Niết Bàn ư?

Bảy cách trên đã diệt hết, lại lập ra năm thứ Niết Bàn, yêu mến sự sáng suốt vẹn khắp. Đó là chỗ chung của người và trời, khổ vui đều hết, chẳng chịu sanh diệt. Tứ Thiền cùng cõi trời Vô Sắc đồng nhau. Năm chỗ yên ẩn này không ra khỏi ba cõi, ba thứ Dục Lậu, Hữu Lậu, Vô Minh Lậu vẫn ẩn náu như cũ, đó chỉ là do cái công dụng hữu vi, thuần thục mà thành tựu. Kia chỉ mới chứng Vô Tưởng Định mà cho là được quả Vô Vi, trong chốn hữu lậu mê lầm mà không tự biết, hết kiếp lại rơi vào luân hồi, há cho là Niết Bàn chân thật được ư?

Thầy Chí Đạo cầu hỏi Đức Lục Tổ rằng: “Kẻ học nhân này từ khi xuất gia, đọc kinh Niết Bàn có hơn mười năm mà chưa rõ đại ý, xin Hòa Thượng chỉ dạy”.

Tổ nói: “Ông chưa rõ chỗ nào?”

Bạch rằng: “Các Hành vô thường. Là sanh diệt pháp. Sanh diệt diệt rồi. Tịch Diệt là vui” - Dạ, nghi hoặc chỗ đó”.

Tổ nói: “Ông nghi làm sao?”

Bạch rằng: “Tất cả chúng sanh đều có hai Thân, đó là Sắc Thân và Pháp Thân. Sắc Thân thì vô thường, có sanh có diệt. Pháp Thân thì hữu thường, vô tri vô giác. Kinh nói “Sanh diệt diệt rồi. Tịch diệt là vui” thì chưa rõ thân nào tịch diệt, Thân nào hưởng vui. Nếu là sắc thân thì khi sắc thân diệt, bốn đại phân tán, hoàn toàn là khổ, khổ không thể nào nói là vui. Nếu Pháp Thân tịch diệt thì đồng với cỏ cây, ngói đá, ai hưởng vui đây? Lại nữa, Pháp Tánh là thể của sanh diệt, năm Ấm là dụng của sanh diệt. Một thể năm dụng, sanh diệt là thường. Sanh thì từ thể khởi ra dụng, Diệt thì thu nhiếp dụng về thể. Nếu cho là sanh trở lại thì loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu chẳng cho là sanh trở lại, thì vĩnh viễn quy về tịch diệt, đồng với vật vô tình. Như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết Bàn ngăn cấm, sanh còn không được, làm sao có vui?”

Tổ nói: “Ông là con nhà Phật, sao lại huân tập tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà luận bàn pháp Tối Thượng Thừa! Cứ như ông nói thì ngoài sắc thân lại riêng có Pháp Thân. Lìa sanh diệt mà cầu tịch diệt. Lại từ chối Niết Bàn vốn thường lạc, nói là có riêng cái Thân để thọ dụng. Đó là tiếc rẻ sanh tử, đắm mê cái vui của đời.

“Giờ đây, ông phải biết: Phật vì tất cả những người mê lầm, họ nhận lấy năm ấm hòa hiệp cho là tướng tự thể, lại phân biệt tất cả pháp làm ra trần tướng bên ngoài, thế rồi tham sống ghét chết, niệm niệm trôi dời mà chẳng biết là mộng huyễn hư giả, để uổng chịu luân hồi. Lấy Niết Bàn thường vui đổi ra cho là tướng khổ, suốt ngày tìm kiếm bôn ba. Phật thương xót mà chỉ bày cái Niết Bàn chân lạc, không sát na nào có tướng sanh, không sát na nào có tướng diệt, lại không có sanh diệt nào khá diệt, đó là Tịch Diệt hiện tiền. Ngay đang hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, mới là thường lạc. Cái Lạc này không có cái thọ, mà chẳng không có cái gì chẳng thọ. Há có cái tên “Một Thể Năm Dụng”, huống lại còn nói “Niết Bàn trừ diệt các pháp, khiến cho vĩnh viễn chẳng sanh?” Nói vậy là chê Phật, phá Pháp.

“Hãy nghe kệ của ta:

“Vô Thượng Đại Niết Bàn

Sáng đầy hằng lặng chiếu

Người phàm cho là chết

Ngoại đạo chấp là Đoạn

Các người cầu Nhị Thừa

Thấy đấy là vô tác

Thảy theo tình suy nghĩ

Gốc sáu hai tà kiến

Vọng lập danh hư giả

Dính dáng gì nghĩa chơn

Chỉ người vượt suy lượng

Thấu suốt, không nắm bỏ

Vì biết pháp Năm Uẩn

Và cái Ta trong Ấm

Ngoài hiện các sắc tượng

Mỗi mỗi tướng âm thanh

Bình đẳng như mộng huyễn

Chẳng khởi thấy Thánh, phàm

Chẳng thành Niết Bàn giải (hiểu)

Nhị biên, tam tế dứt

Thường ứng (thành) dụng (của) các căn

Mà chẳng khởi dụng tưởng

Phân biệt tất cả pháp

Chẳng khởi tưởng phân biệt

Kiếp hỏa thiêu đáy biển

Gió thổi núi chạm nhau

Chân thường tịch diệt lạc

Niết Bàn là như vậy

Ta nay miễn cưởng nói

Khiến ông xả tà kiến

Ông chớ theo lời hiểu

Cho ông biết ít phần”.

Thầy Chí Đạo nghe kệ xong đại ngộ, làm lễ rồi lui ra.

Như chỗ luận của Đức Lục Tổ, chỉ thẳng chân nghĩa, thật nêu ra lời chỉ dạy thanh tịnh của bậc Đại Giác Vương. Khế hợp được lời nói này thì các kiến chấp rẽ nhánh chẳng sanh, tâm ma tự hết, ngõ hầu phá được Hành Ấm mà vượt khỏi chúng sanh trược vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567